Thứ Bảy, 25 tháng 7, 2015

CHƯƠNG VI_TIẾNG CHUÔNG DƯỚI ĐÁY BIỂN


CHƯƠNG VI


Liền đó, người vừa lên thang bỗng cất tiếng cười làm Việt lui lại, trong lúc Khôi vùng dậy với tư thế sẵn sàng đối phó.

- Nom các cậu tức cười quá! Y như một cặp thỏ luống cuống dưới ánh đèn.

Việt nhận ngay được giọng nói của Lan. Anh không khỏi bực mình bị Lan chế riễu, nên cự nự :

- Sao chị không lên tiếng báo cho chúng tôi hay trước?

Đoạn quay sang Khôi, Việt nói :

- Chị Lan đấy. Chị ấy có hẹn sẽ tới kiếm tụi mình.

Lan ngưng cười :

- Xin lỗi hỉ. Chắc các cậu bị một mẻ sợ!

Khôi cáu kỉnh :

- Sợ gì! Còn lâu tụi này mới sợ! Chỉ bực mình vì bị khua dậy đột ngột thôi.

Lan dịu giọng :

- Dù tôi có muốn gõ cửa báo trước, thì căn nhà hoang này làm gì còn cửa mà gõ!...

Đoạn nàng mỉm cười tiếp :

- Tối qua tui thấy các cậu chạy về ngả này. Nhưng dĩ nhiên là không biết các cậu chọn chỗ nào để ngủ. Tui đến đây để cất giấu chiếc "sắc" này, (Lan thận trọng đặt chiếc túi xuống) rồi tính đi tìm các cậu sau Tui thường dùng căn gác xép này làm nơi trú ẩn và không ngờ lại gặp các cậu ngay ở đây.

Lan ngồi xuống cạnh cái túi của nàng, đưa mắt nhìn Khôi, và trầm giọng nói :

- Chúng mình nên là bạn với nhau, vì có lẽ đang cùng chung một hoàn cảnh.

Khôi lầu bầu :

- Tôi không rõ chị đang ở trong hoàn cảnh nào và có điều gì phiền toái nhưng rất sẵn lòng coi chị như một người bạn. Chị ở trên đảo này?

Lan nhìn Khôi như để trả lời, và quay sang Việt nói :

- Tui ở trên đảo... nhưng lại không phải là dân đảo!

Khôi gật gù :

- Hừ, lại thêm một điều bí ẩn nữa!

- Các cậu đã gặp ai ở đây chưa?

Khôi nghĩ đến mảnh giấy của thầy Phong, đáp :

- Chưa hẳn là đã gặp ai cả, nhưng có biết tin!

Mắt Lan sáng lên :

- Chính vì thế mà tui cần sự giúp đỡ của các cậu.

Nàng mở dây buộc túi :

- Nhưng trước khi bàn vào việc, tui tưởng các cậu nên dùng đỡ những món này đã.

Lan lôi ở trong túi ra mấy củ khoai, nửa chục trứng đã luộc chín và nửa nải chuối.

Khôi Việt đưa mắt nhìn nhau. Hai anh em đang đói bụng. Tuy vậy cũng cần tỏ ra đôi chút lịch sự nên Việt nói :

- Cám ơn chị đã săn sóc chu đáo đến chúng tôi... Nếu chị thấy cần chúng tôi giúp đỡ việc gì...

Khôi tuy vẫn còn ấm ức, cũng đỡ lời :

- Dĩ nhiên chúng tôi sẵn sàng giúp chị. Mà chị kiếm đâu ra được những thức ăn ngon lành này?

Lan chia đều hai phần thức ăn, nói :

- Tui chỉ cần dậy sớm, nấu chín trước khi mọi người thức giấc là có đủ. Chừ mời các cậu ăn đi, để tui kể cảnh ngộ của tui cho các cậu rõ.

Khôi Việt vừa ăn vừa nghe chuyện Lan. Nàng kể :

- Tui ở bên phố Hội qua đây chơi với cậu tui là ông Chế Bảo, chủ cái trại mà chiều qua các cậu đã tới đập cổng.

Khôi không khỏi giựt mình khi biết Lan là cháu ông chủ trại mà hai anh em đã bỏ trốn. Anh tò mò hỏi :

- Nói vậy thì chị là dòng dõi của người Hời?

Lan gật đầu tiếp :

- Phải, nhưng là họ ngoại. Đất Quảng Nam xưa kia là lãnh thổ của người Chiêm Thành, và hiện thời vẫn còn một số người hậu duệ của các dòng họ Ông, Ma, Trà, Chế khi xưa. Bên ngoại tui thuộc dòng họ Chế. Ngôi nhà hoang mà chúng ta đang ngồi đây là nhà của ba mạ tui.

Truyện cha mẹ Lan qua đảo Chàm lập nghiệp là một thiên tình sử. Bên nội Lan trước đây hình như đã ngăn cản không cho cha nàng lấy mẹ nàng, một thiếu nữ thuộc dòng họ Chế. Nhưng hai ông bà đã nghe theo tiếng nói của con tim, bất chấp mọi cản trở, đưa nhau qua đảo xây dựng hạnh phúc.

Từ ngày mẹ Lan chết đi, cha nàng buồn rầu bỏ cơ nghiệp đã tạo dựng trở về quê nội. Lan được gửi cho bà cô bên phố Hội nuôi nấng. Còn Minh, anh của nàng Lan có hai anh em vì một lý do nào đó ở lại đảo với ông cậu. Ngôi nhà của cha mẹ Lan trở nên hoang phế. Mỗi lần qua đảo chơi, Lan thường tới ngôi nhà cũ tìm lại những kỷ niệm êm đềm thời thơ ấu. Hồi còn tuổi học trò, Minh cùng với các con ông cậu đều sang học bên phố Hội. Bởi vậy, tuy hai anh em người ở với cô người ở với cậu, cũng vẫn có dịp gặp nhau luôn. Lớn lên, Minh rời nhà trường, và không muốn sống trên đất liền vì anh rất thích nghề đi biển, nên ở lại trên đảo với gia đình cậu. Phần Lan vẫn sống với bà cô. Do sự xích mích nội ngoại từ ngày cha mẹ Lan làm bạn với nhau, cô nàng không ưa những người thuộc dòng họ Chế. Tuy vậy bà cũng vẫn cho phép Lan một cách miễn cưỡng được sang chơi với Minh mỗi năm vài lần.

Lan được gia đình cậu niềm nở tiếp đón nên rất mong chóng tới kỳ hạn được sang chơi. Nhưng càng lớn lên, mỗi lần sang thăm gia đình cậu, Lan lại càng có cảm tưởng như bầu không khí trên đảo có vẻ gì khác lạ. Hình như mọi người đều muốn che giấu một điều gì bí ẩn.

Lan bắt đầu băn khoăn vì điều đó, và tìm đủ mọi cách để tìm hiểu. Nàng tự hỏi: Ngoài những ngày đi biển đánh cá, gia đình cậu nàng không chú trọng mấy đến việc canh tác, nên hoa lợi trong trại không thu hoạch được bao nhiêu.

Có lần Lan hỏi mợ nàng tại sao không trồng trọt chăn nuôi thêm như khi xưa cha mẹ nàng đã làm thì bà nói: "Tại bọn "giặc khởi" phá phách nên không muốn làm!"

Việt ngẩn mặt rồi vỗ đùi cười :

- Giặc khởi! Phải chị định nói là bọn khỉ đó hả?

Lan gật đầu :

- Phải, ở đây ai cũng kiêng không gọi chúng là khỉ mà kêu là khởi!

Chúng có họp bày phá phách thật. Song lý do mợ Lan nại ra chưa hẳn đã đúng. Bởi vì theo chỗ nàng nhận xét, trừ những ngày đi biển, còn những ngày khác nếu không ra ruộng rẫy lo việc nông tang thì những người trong gia đình cậu đi đâu mà cũng vắng mặt suốt ngày?

Hơn nữa, dân trên đảo có thể đếm được trên đầu ngón tay. Vậy mà thỉnh thoảng vào buổi sáng tinh sương hoặc buổi chiều nhập nhoạng Lan có cảm tưởng như dân số bỗng nhiên tăng lên, với những con người lạ hoắc.

Điều làm Lan lo ngại hơn hết là Minh. Từ ngày mồ côi mẹ, hai anh em Lan rất thương yêu nhau. Tình anh em bây giờ cũng vẫn như cũ, nhưng rõ ràng là Minh có giấu Lan điều gì.

Minh bận việc cả ngày, có khi cả đêm. Đối với một người làm nghề chài lưới, việc vắng nhà một vài đêm là chuyện thường. Tuy vậy, hễ sương đêm phủ mờ trên đảo, là Lan thấy hoang mang nghi ngại, tự hỏi có chắc giờ này Minh đang thả lưới hay không? Lan sợ rằng anh nàng, cũng như mọi người thân quyến trong gia đình ông cậu đang làm việc gì mờ ám mà vì sợ sệt Minh không dám cho em hay.

Sự nghi ngờ này gieo rắc vào tâm hồn Lan từ đầu mùa xuân. Nàng có lệ sang đảo chơi mỗi năm hai kỳ, vào dịp Tết Nguyên Đán và kỳ hè.

Kỳ này là kỳ thứ hai trong năm. Trước đó Minh có nhắn Lan không nên sang chơi trong vụ hè này vì xem ý cậu mợ nàng không muốn.

Bà Cô Lan bên phố Hội nghe biết lấy làm tức giận, bảo :

- Từ nay thằng anh mi, có nhớ em thì qua bên ni mà thăm, chớ mi thì khỏi cần sang đó nhận họ hàng cậu cháu làm chi nữa!

Rồi bà kể cho Lan nghe đủ mọi tin dồn, mà chắc chắn đã được nhiều người thêu dệt thêm lên, về những điều bí ẩn liên quan đến tập tục của dòng dõi người Hời.

Nhưng tin đồn làm mọi người ở phố Hội xôn xao nhất là chuyện Thầy giáo Phong đột nhiên mất tích.

Lan là bạn thân của thầy Phong. Nàng biết thầy Phong không phải là hạng người nông nổi. Tuy nhiên, thầy thường hỏi nàng nhiều điều về đời sống trên đảo Chàm. Và cũng chính vì thế mà hai người quen nhau.

Tin thầy Phong mất tích được người ở phố Hội đưa vào những truyện huyền thoại của người Hời. Họ đồn thổi rằng thầy Phong đã nhặt được một thỏi vàng Hời, và rồi thầy bị ma lực của thỏi vàng ấy thu hút, mê hoặc đưa thầy tới một vùng thâm sơn cùng cốc nào đó, thuộc đất Lâm-ấp khi xưa và bị thần Civa chôn sống dưới ngôi cổ mộ.

Không ai ngờ thầy Phong đã sang đảo Chàm. Lan cũng vậy. Mãi sau nhờ một may mắn tình cờ nàng mới khám phá ra được sư mất tích của thầy.

Hồi còn nhỏ mỗi lần sang đảo, Lan thường theo Minh ra chơi ngoài ghềnh đá lúc thủy triều hạ thấp. Bờ đảo chằng chịt những hốc đá, hang động, nên hai anh em mặc sức len lỏi, bắt cua câu cá. Đôi khi mê mải bị nước triều dâng lên ngập lối nhưng hai anh em vẫn không nao núng vì đã tìm ra được nhiều ngách đá đưa thoát lên mặt đảo.

Gần đây Lan không còn cái thú ấy nữa. Vì Minh chẳng những từ chối không chịu cùng đi chơi với nàng như hồi còn nhỏ, mà anh còn ngăn cản nữa.

Cậu Lan cũng ngỏ ý không muốn Lan ra "xục xạo" ngoài ghềnh đá, vì theo lời ông nói: sợ nhỡ gặp tai nạn hiểm nghèo. Lan chỉ được phép dạo chơi trên các con đường ở giữa lòng đảo mà thôi.

Lần này sẵn có định kiến, muốn dứt khoát với bao ngờ vực nhen nhúm ám ảnh Lan suốt từ đầu mùa xuân tới giờ, nàng đòi Minh đưa nàng ra chơi ngoài ghềnh đá hoặc cho nàng theo anh đi biển. Minh nhất mực từ chối. Bực mình Lan lén xuống bờ biển một mình. Lâu ngày quên lối, nàng lạc vào một hang sâu mà hồi nhỏ chưa từng bước chân tới. Hang rộng có nhiều kẽ hở, ánh sáng từ những kẽ đó chiếu xuống long lanh trên vách đá nom thật đẹp. Lan tò mò đi sâu vào trong, thấy hang có nhiều ngách hẹp vừa một người đi. Nàng đang tự hỏi không biết những ngách thông nhau này đưa tới đâu, thì nàng chợt thấy phía trên cao có một bóng người.

Thoạt tiên Lan chưa nhận rõ, tới khi bóng đó thấy Lan, liền vội kêu :

- Lan! Lan! Lan!

Tiếng gọi của người ấy bị sóng biển át đi, may nhờ có tiếng vọng trong hang mà Lan nghe được. Nàng sửng sốt hỏi :

- Ai đó?

Tiếng nói của Lan thốt ra như trong cơn mộng mị, không vang vọng một âm hưởng nào. Nàng nhìn quanh thử tìm xem có lối nào đưa lên chỗ người ấy đứng. Còn đang phân vân, lại nghe tiếng gọi khẩn thiết hơn :

- Lan! Lan ơi!

Lan nhìn lên. Lần này bóng người đã nhô hẳn ra vùng ánh sáng và nàng không khỏi kinh hoàng nhận ngay ra người đó chính là thầy giáo Phong.

Cùng lúc ấy có bóng hai người khác trong ngách đá chạy ra. Một người đưa tay bịt miệng thầy Phong lại còn người kia bẻ quặt tay thầy ra sau lưng đẩy đi.

Lan chỉ kịp nhận thấy một trong hai người đã áp đảo thầy Phong là Minh, anh nàng...

______________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG VII
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>