Em chạy vội ra balcon, cúi người nhìn xuống sân nhà để chỉ kịp thấy
bóng xe Honda quen thuộc vút ra đầu ngõ. Me đi rồi! Chị Hà đã đưa me đi. Em ngơ
ngẩn nhìn xấp vải trắng mịn màng còn nằm trong đôi bàn tay. Xấp vải cứng mầu
hồ, thơm mùi băng phiến. Như là một quên lãng vừa được khơi lên, một nhắc nhở
về điều gì đã ngỡ là thân quen đến không còn khiến em bận tâm trong một chuỗi
ngày dài vừa qua đó. Ồ! Em nghe lại rồi đây âm hưởng liến thoắng của lời hứa
hẹn hôm nào:
- “Con sẽ may tã lót cho em bé, me nhé! May cả áo nữa. Me bảo chị
Hà chỉ cho con, con may”.
Hình như me đã nhìn em âu yếm, đã để cảm xúc bừng lên mắt, nồng
lên môi. Dù me biết rằng có thể dự định của em sẽ mãi là dự định, là những nao
nức thường ít khi nào thành.
Một đôi lúc, em có cảm tưởng những đứa con gái là một phần hình
thể, một phần tâm hồn của những bà mẹ. Hình thể mẹ xẻ ra, tâm hồn mẹ tách ra.
Nên mẹ hiểu, nên mẹ thường biết những tính tốt, những tật hư của con gái. Có lẽ
me không giận em đâu. Nhưng em giận em. Phút này đây cầm xấp vải trắng tinh,
chưa qua một lần cắt em giận em vô cùng. Em cảm nhận ra từ lâu em bỏ quên một
cái gì! (Không phải xấp vải dù rằng em vừa lôi nó ra từ trong đáy ngăn tủ) Em
chơi vơi trong nỗi hụt hẫng, nuối tiếc… hình như đã dấy lên khi em bình thản ôm
cặp về qua cửa để thấy chị Hà đẩy xe hấp tấp, để mở to mắt nghe me dặn dò vội
vàng, và để ngẩn ngơ nhìn theo dáng me xa cho em còn lại đây bàng hoàng, lo
lắng! Ôi sách vở, bài thi, những buổi học đi về! Chúng đã quanh quẩn bên chân
em, bám sát vào tâm hồn, đầy ắp trong trí óc cho em đã thôi không còn nhớ đến
sự hiện diện quen thuộc của me, sự hiện diện bằng hình ảnh trong tháng ngày
nặng nề, lao nhọc. Mà có phải hoàn toàn như thế không? Em không bào chữa cho
lòng em vô tình. Song em nhắc để nhớ, nghĩ để thương rằng vì me đã hiện diện
cùng khắp. Bàn tay me đã in dấu từ gian phòng khách sạch bóng cho đến căn bếp
cuối nhà. Vì những bữa ăn, giấc ngủ đến manh quần tấm áo của đàn con không thể
kém sút theo sự thay đổi của một mầm sống trong người cho bụng mẹ mỗi ngày mỗi
cao. Vì me như một chiếc bóng mà em không cần với tay, không cần tìm kiếm cũng
có bên cạnh. Vì… tất cả như thế nên em quên me! Nên em như một người chìm đắm
vào ánh sáng êm ả, nồng nàn và rồi ánh sáng vụt biến, vụt xa đi cho người chơ
vơ, lạc loài giá ngắt.
- Me đi rồi hở chị Thư?
- Ừ me đi rồi.
Em trả lời bé TiTi. Như là một xác nhận cái thực tại chúng em đang
có, và TiTi òa lên khóc. Nước mắt trào vỡ dễ dàng trên khuôn mặt ngây thơ bầu
bĩnh cho em bối rối nhìn TiTi, nhìn mà ngơ ngác trong cử chỉ dỗ dành, xoa dịu. TiTi đã cảm nhận được cảm giác bơ vơ trước em. Em chỉ mới hình dung, mới nghe
hao hụt từ lúc thấy mình còn lại một mình! Một mình trong trách nhiệm mà me đã
ân cần giao lại:
- Con trông nhà, ngó chừng em con nghe! Chị Hà về bây giờ. Có mấy
chị em, me lo quá! Giá có ba về…
“Giá có ba về?” Me mâu thuẫn mất rồi me ơi! Mấy ngày trước biết me
sắp sinh, chị Hà nhắc me đánh điện cho ba về nhưng me gạt đi:
- Thôi để ba yên tâm làm việc. Ngày nào me sinh xong hẵng.
Me muốn ba đủ thời giờ, đủ tâm trí để chu toàn sự sống cho gia
đình, cho sự cần thiết đã đẩy ba thường xuyên xa rời tổ ấm. Ôi! Suốt đời ba vì
chúng con, me vì chúng con. Ba me quên ba me, quên mất bản thân mình lâu rồi.
Em ngậm ngùi cúi xuống bế lấy thân hình mũm mĩm đang níu chặt lấy
chân em. Tiếng khóc TiTi bây giờ đã chỉ còn những âm thanh ấm ức, tức tưởi. Bàn
tay em chùi nhẹ lên những giọt nước mắt. Chứng tích đôi chút xúc cảm đã vơi đi.
Để dòng nước mắt chảy
Là bớt khổ đi rồi!
TiTi không khổ đâu. Và em, em cũng không như thế. Nhưng… nhưng sao
em nghe lo lắng, bồn chồn. Sao thế? Me chỉ đi sinh thôi mà! Vài hôm me về, cho
em thêm một búp bê như cu Hùng, như bé TiTi. Em không hình dung được cảm giác
của mình ra sao trong những ngày tháng trước, khoảng thời gian mà me cho ra đời
những đứa con sau em. Hình như lúc đó em còn bé quá. Và… hình như lúc đó em có
ba. Vâng, sự sống gia đình khi ấy chưa cần thiết cho ba phải xa me, xa chúng em
như bây giờ. Nên ba gánh hết cho chúng em những lo âu. Nên ba làm vơi đi cho me
đôi chút đớn đau, khổ nhọc.
Em bế TiTi xuống lầu để thấy cu Hùng ngồi lặng im nhăn nhó vì quá
bữa cơm. Ánh mắt thằng bé nhìn em phảng phất chịu đựng. Chúng em “lớn” hết rồi.
Trong gian nhà rộng lớn vắng ngắt này bây giờ không còn ai cho chúng em đặt một
niềm tin để mà mè nheo, để mà vòi vĩnh. Em nghe nao nao thêm một lần dấy lên,
dù em biết ba sẽ về, chị Hà sẽ về. Em vẫn thấy thiếu thốn dù thức ăn me chứa
đầy chạn, nồi cơm cho buổi trưa nay còn nghi ngút hơi trên bếp, áo quần chúng
em phẳng phiu trong tủ! Ôi! Cần thiết làm sao là sự hiện diện của hai bóng mát
vững cao vòi vọi. Bóng mát che kín cả mặt trời trong buổi trưa hè gay gắt nồng
oi.
Bữa cơm vắng vẻ nhất của gia đình em được dọn lên, đầy đủ, tươm
tất. Bé TiTi ngoan ngoãn cầm muỗng tự ăn một mình. Cu Hùng không vội vã như mọi
lần quá đói trước kia. Em chậm chạp nhai từng hạt cơm thơm bùi mà nghe thương
vô cùng dáng me mệt nhọc chăm chút từng món ăn dự trữ cho đàn con. Nhà này con
của ba me đứa lớn nhất là chị Hà chỉ mới 15 tuổi, học lớp 9. Chị Hà cao lớn
khỏe mạnh, giúp me đắc lực nhất trong công việc nhà. Nhưng thường thì me gạt đi
bảo chị để thì giờ gắng lo học. Tuổi thơ của me kém may mắn nên me muốn đàn con
hưởng diễm phúc học hành đến nơi đến chốn hơn me. Rốt cuộc, con gái chúng em
chỉ biết có học. Quên hết cả bổn phận con gái. Quên hết những công việc choán
cả thời gian rộng lớn của cuộc đời me và mỗi năm mỗi nặng nhọc thêm dần.
Bé TiTi thỏ thẻ đánh thức bầu không khí nơi bàn ăn đang im lìm tẻ
ngắt:
- Me đi sinh em bé hở chị Thư?
Em ừ.
- Me sinh ở đâu?
Em Hùng cướp lời:
- Ở nhà thương chứ đâu nữa.
TiTi giương to mắt:
- Nhà thương hở? Thế me có chết không?
Em biết TiTi nhớ đến bà Ba, mẹ con Hồng nhà bên cạnh. Bà đang khỏe
mạnh, chỉ nhức đầu, đem vào nhà thương thì chết làm xôn xao cả xóm. Me em không
như thế, me em đi sinh mà? Nghĩ thế, song em vẫn sững người trong lúc cu Hùng
quát TiTi, giọng kẻ cả:
- Câm mồm! TiTi nói bậy bạ. Mong me chết à?
Em cứ ngỡ TiTi sẽ chớp nhanh cặp mắt, sẽ mếu xệch mồm chuẩn bị cho
cơn mưa rơi, mưa rơi! Nhưng… TiTi lại làm hơn thế! TiTi vất muỗng, dằn cả bát
cơm tung tóe mặt bàn. Ánh mắt TiTi không chĩu xuống mà lại sáng rực lên. Và
TiTi bỏ bàn ăn để chạy mà la:
- Ba!
Âm thanh tiếng reo của TiTi, của cu Hùng chói cao cho em nghe hạnh
phúc dâng dậy lòng, nụ cười tròn lên môi căng trên má. Chúng em tíu tít quanh
ba, quanh dáng dấp thân yêu mà nhọc nhằn, phong sương còn in đậm. Vòng tay ba
bao tròn những đứa con. Tiếng nói ba âu lo vội vàng:
- Me đâu?
Em Hùng láu táu:
- Me đi sinh em bé.
- Đi bao giờ?
- Mới đây ba ạ! Chị Hà chở.
Cái thằng! Em ngăn không kịp lời báo cáo nhanh nhẩu đoảng của nó.
Em nhìn ba hốt hoảng đong đầy mắt:
- Sao lại chị Hà chở?
Em rụt rè:
- Me bảo me ngồi được. Nhà hộ sinh gần đây me ngại đi xe ngoài
tốn. Vả lại…
Em định quảng cáo tài lái xe cẩn thận của chị Hà nhưng ba đã cau
mặt:
- Me con liều quá đi!
Em vẫn sợ nét không bằng lòng trên khuôn mặt ba nên em im trong
lúc cu Hùng lại liến thoắng:
- Sao ba về hay thế ba? Bộ me tin cho ba?
- Không, ba đoán.
“Ba đoán”? Em nghĩ đến sự thần giao cách cảm giữa những người có
liên hệ trong cuộc đời với nhau. Ba quay sang em:
- Me đau nhiều không con?
- Con… con không biết. Con vừa đi học về thì me đi.
Em đáp và ngỡ rằng ba sẽ thêm một lần cau mặt về sự vô tình của
em. Nhưng không, ba chỉ im lặng bỏ vào phòng lấy vật gì cần thiết chi đó, rồi
ba trở ra vội vàng:
- Các con ăn cơm đi nghe! Ba đi thăm mẹ đã.
Em cho ba biết địa chỉ nhà hộ sinh. Bé TiTi kéo tay ba nài nỉ:
- Con đi với ba.
Ba nói vài câu dỗ dành cho TiTi chịu ở nhà, rồi ba dắt chiếc xe của
ba, me đã cẩn thận phủ lên mảnh bố lớn. Chiếc xe lâu không đi bắt ba đạp mãi
mới nổ máy. Em nhìn dáng ba bồn chồn vội vã, nghe âm thanh dòn dã của chiếc xe
đưa ba xa dần mà nhớ đến lời me:
- Số ba con suốt đời long đong!
*
Cơn mưa giữa tháng bảy rả rích từ trưa đến giờ bỗng ào ạt nổi lớn.
Từng đợt nước theo cơn giông đổ sầm sập trên mái nhà, hắt mờ mịt khung cửa
kính, làm run rẩy những chiếc lá Trúc Thủy đứng vươn mình lêu nghêu trong chậu
đặt nơi balcon.
Qua khung cửa kính, em không còn thấy rõ ràng những gì ở dưới sân.
Khoảng sân ciment loang lở với chiếc cổng sắt khép kín đã thu hút tầm mắt tìm
kiếm đợi trông của em hằng bao nhiêu giờ rồi. Mưa vẫn đổ đều, mạnh bạo, ròn rã.
Và em rời khung cửa ra đứng ngoài balcon. Cái cảm giác lạnh lẽo, ướt át ùa thốc
đến khi những bụi mưa bám trên tóc, ướt trên mặt, ẩm cánh áo hồng phong phanh
của em. Em nhỏ bé hẳn đi, bơ vơ hẳn đi giữa cơn mưa ngoài trời và trong gian
phòng đang còn một mình bé TiTi ngủ say sưa với những con chó bông lăn lóc trên
sàn gạch.
Ba ngày rồi, me em vẫn chưa sinh! Chị Hà bỏ ba buổi học để túc
trực bên me. Ba có ba ngày ba đêm thoắt về lo âu phờ phạc. Ba không nói gì với
em. Chị Hà cũng không có mặt ở nhà để nói cho em nghe những điều em cần biết.
Có lẽ ba nghĩ không nên để đầu óc em vương vất những ưu tư của người lớn, những
ưu tư đang đè nặng, xáo trộn nếp sống êm đềm muôn thuở của gia đình em. Em đòi
vào thăm me, ba gạt đi bảo me muốn em ở nhà lo học. Em không nài nỉ bởi em sợ
phải làm điều gì trái ý phiền lòng ba trong lúc này. Nhưng em hiểu, quặn thắt
lên mà hiểu chắc chắn đã có bất trắc nào đó đến với me, vây bủa lấy tấm thân
yếu đuối của me ba ngày rồi. Em tưởng tượng đến không biết bao nhiêu lần hình
ảnh me một mình. Một mình trong từng cơn đau thôi thúc quằn quại. Mồ hôi me vã
ra, da dẻ me xanh ra, răng me cắn chặt vào nhau đè nén những tiếng rên buốt dạ.
Em không tưởng tượng cho hết được cái đau của me. Nhưng em nghĩ chắc là hơn
những cơn đau bụng mà em đôi lúc vướng phải. Những khi đau như vậy em vẫn ôm
lấy me mà khóc. Nhưng me, chắc chắn me không khóc đâu. Me sợ gây lo lắng thêm
cho những người thân, và me sợ ảnh hưởng đến em bé trong bụng. “Me hay khóc,
sinh con buồn”.
Ôi! Em tưởng tượng… Em chỉ có quyền tưởng tượng hình dung không
thôi, trong lúc này. Bởi em còn biết làm chi hơn thế được? Sao ba không về, chị
Hà không về? Cho em một chút tin tưởng, cho em một ít lạc quan về số phận của
me? Em sẽ chắp tay tạ ông trời, giữ me cho em. Tạ ông trời cho em hạnh phúc. Để
em còn nghe sung sướng trên môi hồng, long lanh trên mắt biếc. Để em, còn cất
cao lời hát bình yên, nồng nàn muôn thuở… “Đóa hoa hồng vừa cài lên áo đó anh!
Đóa hoa hồng vừa cài lên áo đó em”…
Có tiếng bé TiTi gọi me thảng thốt trong nhà. Em rời chỗ đứng, bỏ
ánh mắt đăm đăm đợi chờ để vào ôm lấy tấm thân mũm mĩm búp bê vừa chợt thức
giấc. TiTi quàng tay ôm lấy cổ em:
- Chị Thư lạnh ngắt!
Em cũng nhận ra là hơi ấm của TiTi đang truyền sang em, quyện một
chút êm ả thương yêu vào lòng. TiTi nhìn quanh:
- Me đâu?
- Me chưa về!
TiTi phụng phịu, nước mắt chạy vòng quanh:
- Me đi lâu quá!
Ừ! Me đi lâu thật! Lâu bằng ba năm trong lòng em lo âu đợi chờ,
trong bé TiTi bơ vơ hao hụt.
Em bế TiTi xuống nhà tìm cho bé một mẩu bánh ngọt để bé gặm, quên
một thoáng muộn phiền trong mắt nai. Đồng hồ trên tường buông một hồi chuông ngắn.
- Á thôi!
Em cuống quít nhớ đến giờ tan học đã qua 15 phút của cu Hùng. Buổi
trưa em khóa cửa gửi TiTi bên hàng xóm để đưa cu Hùng đi học. Mọi khi thì chị
Hà chở, bây giờ không có chị và hai chị em phải đi bộ em cũng vẫn đưa. Em hy
vọng chiều có ba về. Nhưng làm sao? Ba vẫn chưa về!
Mưa vẫn tầm tã nặng hạt. Lòng em nóng ran nghĩ đến nét mặt bồn
chồn, tội nghiệp của cu Hùng giờ này đang lẻ loi dưới mái hiên trường học. Em
đi ra đi vào trong gian nhà vắng ngắt. Em không sợ mưa gió ngoài trời song em không
có can đảm bỏ TiTi một mình để đi. Hình như TiTi đoán trước được ý nghĩ của em
nên bé lắc đầu lia lịa, ôm chặt lấy em khi em vừa mở lời dỗ cho TiTi chịu sang
chơi bên hàng xóm. Em khổ sở bế TiTi ra đứng nhìn màn mưa. Khoảng sân trước nhà
bây giờ đã bắt đầu ngập nước và chiếc cổng vẫn khép kín đợi chờ. Em mơ hồ nghe
như chiếc cổng đang mòn mỏi trông từng bước chân quen, bước chân của những
người liên hệ cả cuộc đời với nhau trong gia đình đang phân tán và… Ô! Như một
ánh nắng rực màu tươi trên đỉnh trời hồng, một xôn xao vút lên trong vùng không
gian im vắng. Chiếc cổng mở ra. Chị Hà về! Cu Hùng về! Loi ngoi, lạnh lẽo trong
màn mưa nhưng bừng sáng rạng rỡ trên nụ cười ánh mắt. Đàn chim non của ba me đủ
mặt rồi đây.
Chị Hà chạy ào vào, áo tơi ướt sũng giật bé TiTi nhảy nhót trên
tay em. Chị Hà của ba ngày vắng xa đang trở về, thét lớn với em niềm reo vui
hạnh phúc:
- Me sinh rồi, búp bê con trai.
Em ôm choàng lấy cu Hùng, nước mắt trào vỡ trên mi, nụ cười căng
tròn đôi má. Tiếng nói cu Hùng tíu tít, dễ thương hơn bao giờ:
- Em chờ mãi, định đi về một mình thì chị Hà đến đón. Em lạnh quá,
lạnh quá chị Thư ơi!
HUỲNH CHÚC
(mùa mưa… 73)