Người ta thuộc về quê hương cũng như
thuộc về người mẹ
(E. E. HALE)
Hồi
chiều này nè má, trên đường đến trường con gặp một cuộc lễ tống gió của người
Tàu. Không phải như những kỳ lễ cúng cô hồn dưới làng mình đâu má ơi. Họ hóa
trang như hát bội vậy đó má, cờ xí rợp trời, cung tên dáo mác đầy đủ, luôn
trống kèn và lân nữa. Con ngạc nhiên đến phì cười. Bây giờ nằm trên giường nhớ
đến đám rước mà con vẫn còn muốn cười, hệt như cười má vậy đó, cười những tin
tưởng dị đoan của má.
Má
nhớ không, hôm mồng năm tháng năm vừa rồi, sau khi cúng quẩy xong má bắt mọi
người trong nhà ra ngoài sân nháy mặt trời để nhờ ơn phò hộ mắt mình được sáng.
Sau đó, má bắt con vác rựa ra cưa nhẹ vào gốc cây sa bô chê nổi tiếng là lì lợm
nhất vườn vì không chịu trổ trái. Má đứng bên cạnh và nói lớn : “Thôi thì năm
nay có trái đi, không có tao chặt làm củi đa”. Con cười má nhưng cũng nện mấy
rựa vào gốc cây gọi là khảo nó.
Thôi
thì đủ thứ để má dị đoan. Tụi con hay gọi má là “bà già xưa”, nhưng gọi cho vui
vậy thôi chứ tụi con đâu dám chống đối má. Với má, một cái cây cũng biết sống
và nghĩ, nó chỉ khác con người ở chỗ không nói được. Với má, súc vật cũng biết
người thân, kẻ sơ, người thiện, kẻ ác. Sự tin tưởng, nếp sống lặng lẽ, thái độ
hòa nhã của má đã khiến bầu không khí gia đình đầy yên ấm, nhân ái và cởi mở.
Con nghĩ đến những bà mẹ khác, những bà mẹ Việt Nam thật Việt Nam như má.
Con
xiết chặt chiếc gối ôm vào lòng mà tưởng như đang ôm má trong tay. Má thương
của con, rằm tháng giêng này, con sẽ về cắt áo quần bằng giấy cúng thí thực với
má, con sẽ dị đoan như má với những mảnh giấy nho nhỏ xanh xanh đỏ đỏ của ngày
hội lớn, rằm thượng ngươn. Con là gì đi nữa, con học gì đi nữa, thì con cũng là
người Việt Nam, phải yêu mến Việt Nam, yêu mến những tin tưởng, dù đôi khi có
vẻ dị đoan, của Việt Nam. Phải không má? Má như một biểu tượng quê hương.
(Trích từ chuyên mục “Hãy yêu Việt Nam”
kỳ 2, tạp chí Tuổi Hoa số 233, ra ngày 1-4-1975)