Thứ Tư, 13 tháng 5, 2015

CHƯƠNG II_TÊN TÀI XẾ SUZUKI...


CHƯƠNG II


Bây giờ đây hồi tâm nghĩ lại, tôi thấy rằng câu ngày tháng thoi đưa quả không ngoa. Vút một cái mùa hè trôi vào dĩ vãng. Tôi sắp sửa trở lại học đường. Cùng với thời gian, tôi lớn phổng lên, bạn ạ !

Tôi thấy ngứa ngáy tay chân không thể tả. Một bận ba mẹ tôi đi ciné mà cho phép tôi đi theo, tôi chẳng thấy thích thú chút nào. Ngồi trong xe hơi ! Chao ! Cổ lỗ quá, quê quá ! Tôi ngại tụi bạn học con gái bắt gặp sẽ khinh thường tôi. Con trai mà ngồi trong xe hơi chờ cha mình lái đi đây đi đó ! Nó có vẻ lệ thuộc làm sao ! Tôi cố gắng nghĩ đến vai trò hào hùng của Franco Nero trong cuốn phim sắp thưởng thức đặng nhẹ bớt phiền não đi ! Chán quá ! Trong lúc đó con Hà ngồi băng sau với mẹ tôi luôn miệng khen cái tài chọn phim của mẹ. Tôi muốn gạt ra ngoài tai mà không được (bạn nghĩ có gì đáng cho tôi chú ý đâu: sang số: ba tôi sang ! Tăng ga: ba tôi tăng ! Đạp thắng: ba tôi đạp ! Mở đèn xi-nhan: lại cũng một mình ông, mà nếu có mở miệng trò chuyện với tôi thì không có gì khác hơn những lời vàng ngọc về luật giao thông, đúng là một thói quen nghề nghiệp ba tôi vướng phải !) Giọng em gái tôi lảnh lót dội vào màng tai tôi :

- Con ưng mẹ lựa phim, ba không biết lựa phim hay. Con giống mẹ, mẹ thấy không ? Con ưng coi phim cao bồi thôi, con ghét phim tình cảm lắm.

Tôi ngứa tai quá, nhắc nó trở về với thân phận đặng nó bớt ba hoa :

- Thôi ! Gần đi học rồi, ưng với không ưng làm chi, vô ích. Bộ mày không nhớ rằng hễ niên khóa bắt đầu thì dẹp chuyện ciné sao ? Lấp lửng cái mặt hoài…

Nói xong câu đó, tôi thở dài khoan khoái, đúng là một viên đá ném chết cùng lúc hai con chim (như một thành ngữ xứ Ăng lê lạnh lẽo nói trong sách vở). Tôi chịu tôi lắm: Tôi đã lựa đúng dịp đặng mà chỉ trích cái thứ kỷ luật sắt kỳ quái của ba mẹ tôi đặt ra: chỉ được đi ciné trong 3 tháng hè mà thôi – vì hai người cùng đồng ý rằng cho chúng tôi đi ngày chúa nhật thì hôm sau quên cả bài vở ! – Ngoài ra tôi còn tốp được cái vẻ vênh váo của con em gái ngu khờ: không hề biết nhục nhã trong lúc ngồi trong cái xe tù túng, mất hết cả tự do, tự trọng !

Hà vươn cái cổ dài ngoằng chồm tới trước :

- Ai không biết chuyện đó mà anh phải nhắc ? Mà ta có nói chuyện với anh đâu ? Ta nói với mẹ mà ? Ngứa miệng dữ chưa ?

Bạn thấy ghê gớm không ? Tôi đã nói nó không bao giờ nhịn tôi hết. Cái thứ con gái thật là già miệng. Nhưng tôi là anh nó, tôi dễ chịu thua nó sao ? Tôi bắt sang chuyện khác :

- Hà ! Mày biết tại sao mày thua tao môn Việt Văn không ?

- Tại sao, anh nói coi ?

Em gái tôi nóng nảy hỏi. Tôi cười khà khà, giải thích :

- Tại mày không biết dùng chữ: mày nói với tao có bốn câu ngắn mà hết 3 câu có chữ rồi ! Thấy không ?

- Kệ người ta, có sao không ? Vậy mà người ta được phần thưởng, còn anh có được gì không ?

Tôi lại cười dài :

- Phần thưởng canh nông ! Phải, nhưng nước đang đánh nhau thì giỏi canh nông làm cóc gì ?

May sao đã tới rạp ciné. Chúng tôi đình chiến, trận giặc miệng ngừng lại liền. Trong lúc chờ chiếu, tôi say sưa nghĩ đến ngày mai ba mẹ đi Thủ Đức tôi sẽ viện cớ bận sửa soạn sách vở nhập học, ở nhà. Đặng chi bạn biết không ? Đặng xin chị Thu lái xe Suzuki đi chơi một vòng quanh xóm. Quên, nãy giờ mải kể lể dài dòng về con Hà mà quên chuyện đáng nói hơn: tôi không còn rụt rè như năm rồi nữa.

Phải ! Tôi tiến bộ vượt bực, tôi thề không nói ngoa. Tôi đã chở chị Thu đi mua bánh mì buổi sáng, ra pharmacie buổi tối, ngồi trên xe tôi giữ vững tay lái, tay ga, làm chủ tốc độ rất đàng hoàng. Làm chủ tốc độ ! Bạn thấy bốn tiếng đó như thế nào ? Riêng tôi, thú thật tôi thấy tôi rất xứng đáng là con trai ba tôi, một người từng chấm thi xe hơi, xe lam, xe hai bánh và từng đánh rớt vô số thí sinh ! Rồi đây (tôi nói riêng với bạn thôi nhé, đừng cho ai biết điều này) tôi sẽ đưa đơn thi lái xe, không nhờ ba tôi, theo đúng tinh thần thượng võ !

Nhưng điều làm tôi hởi lòng hởi dạ nhất là một bữa mẹ tôi muốn ra nhà dì Tư (không xa lắm, cũng thuộc trong hẻm nhà tôi nhưng mẹ tôi vội và muốn tiết kiệm thì giờ) mà chị Thu đang bận học bài, chị Cúc đi vắng, mẹ tôi nói bâng quơ :

- Có đứa nào chở mẹ một chút không ?

Tức thì tôi hứng lấy lời mẹ, đề nghị :

- Con, con chở mẹ cho.

Chị Thu nói vào cho tôi :

- Thằng Vũ chì lắm đó mẹ, nó chở con hoài mà…

Mẹ la lên y như hồi đầu xe mới đem về chị Thu xách đi bậy bạ ra xa lộ, bà hay được.

- Trời ơi ! Ai cho phép tụi bay ? Sao con dám giao xe cho nó, hử ?

- Con đâu có giao ? Nó chở con đi mua bánh mì, buổi sáng ít xe mà. Ba cũng bằng lòng. Ba nói nên tập đi cho quen, mẹ ơi…

Chị Thu kéo dài chữ ơi, mắt nhìn chăm vào mẹ tôi dò phản ứng…

Thấy mẹ không nói gì, được thể chị tiếp :

- Mẹ không tin con sao ? Mẹ thử cho nó chở coi, nó đi vững lắm. Trong hẻm mà sợ gì, mẹ ?

Mẹ tôi tặc lưỡi một cái :

- Được ! Mẹ bằng lòng ! Vũ chở mẹ ra dì Tư thử coi !

Tức thì tôi phóng ba bước vô garage, đem xe ra ngõ, mở công tắc, rồ máy đứng chờ. Cuộc thử tài lần thứ nhất của tôi suôn sẻ, không trục trặc, xui xẻo như chị Thu. Tôi hết sức hài lòng. Mẹ tôi coi bộ cũng vừa ý lắm. Ngồi sau lưng tôi, vòng về, mẹ tôi xoa lên đầu – cái đầu tóc mà sợi dài nhất chưa bằng cây kim găm bạc – của tôi, tuyên bố bằng giọng trịnh trọng :

- Sang năm con chở mẹ được rồi, Vũ ạ !

Đúng là một câu tuyên bố lịch sử, đáng ghi nhớ ! Tôi lại hứng liền :

- Cần gì sang năm, mẹ ? Ngay bây giờ con chở mẹ được rồi mà !

- Nhưng con còn nhỏ lắm…

- Con cao hơn chị Thu rồi !

- Thì cao hơn, chớ sao ! Trâu bò nó to hơn người ta nhiều mà nó có khôn hơn đâu ? Mẹ nói con chưa đủ sức là con chưa đủ sức, đừng cãi mẹ ! Trứng làm sao khôn hơn rận được.

Tôi cố nén sự bất bình xuống, nuốt nó cùng một lượt với nước bọt cho yên. Tôi biết không dễ gì thuyết phục được mẹ tôi. Dù sao, bà đã bằng lòng cho tôi chở, đó cũng là một điểm son to tướng rồi, đừng vội, rồi sẽ hay.

Càng ngày tôi càng thấy có nhiều hy vọng thay tên tài xế trung thành và cũ kỹ của mẹ tôi: chị Thu thân mến ! Người chị cả lớn hơn tôi bốn tuổi mà tới giữa mùa hè con gà này sức nặng coi bộ còn giữ mức hơn tôi, còn chiều cao thì bắt đầu thua kém trông thấy rõ ! Hơn nữa, ba tôi nhắc hoài bên tai mẹ tôi :

- Thôi để cho con nó có thì giờ học hành. Chở mợ đi hoài, nó bỏ học năm tới thi hỏng đa !

Làm mẹ tức lắm. Mẹ nói mẹ không bao giờ bảo chị Thu chở trong lúc bận học, khi thì chở lúc học xong, khi thì chở trong dịp chị đến trường hay là ngày nào nghỉ học. Nhưng để cho ba tôi khỏi nói thế, mẹ bắt đầu bớt bảo chị chở đi. Tôi tin là tôi sắp được tiếm vị và lên đài vinh quang dù rằng việc chở mẹ không phải là một công tác ghê gớm chi lắm và chị cả tôi không phải là vua.

Song ai cấm tôi nuôi hy vọng được thay ? Đời bây giờ có nhiều chuyện thay bậc đổi ngôi thật là kỳ quái: như hôm qua đây chính mắt tôi trông thấy một ông Mỹ ngồi vắt vẻo sau cái xe to kềnh, choán một nửa đường Phan Thanh Giản. Tài xế xe là một cô gái Việt nhỏ thó, dù cô mang một cái kính to cự đại, tôi vẫn đoán ra rằng phải nhân bốn sức nặng của cô ta mới bằng sức nặng của ông chủ ngoại quốc ngồi sau ! Trông thấy cảnh tượng đó, tôi cho là khó coi, chướng mắt lắm. Thằng H. bạn tôi, càng tức (hai đứa tôi đang trên đường ra chỗ đánh bóng bàn) hai đứa tôi cùng vượt lên, hét toáng :

- Đàn ông hèn ! Đàn ông hèn ! Để đàn bà lái xe cho mà đi ! Hèn !

Và lão Mỹ kia, chả hiểu mô tê gì cứ nhơn nhơn cái mặt, không biết rằng tụi này đang mắng lão ! Xin lỗi bạn chứ ! Bạn đừng có cười, tưởng tụi này không biết mắng bằng tiếng Mỹ. Chẳng qua tụi này nghĩ rằng mình có quyền mắng bằng tiếng mẹ đẻ, và ngoại nhân trước khi đặt chân đến xứ này phải học tiếng xứ này đặng dễ dàng thông cảm và tìm hiểu được nền văn hóa cổ truyền của ta chớ ? Sao lại bắt chúng ta phải uốn lưỡi, trẹo quai hàm mà “ô-kê, ô-kiết” nọ kia ?

Buồn cười một điều là kẻ bị mắng thì không hề cảm thấy mình bị xúc phạm mà kẻ được bênh lại nổi trận lôi đình. Cô ta trừng mắt bảo chúng tôi :

- Con nhà mất dạy nhé !

Tức thì thằng H. chồm sát mặt kính xe, hét toáng lên lần nữa :

- Ê, làm phách hả ? Thứ đầy tớ Mỹ mà cũng vênh mặt nỗi gì ?

- Bố mày cũng chưa được làm thứ đầy tớ như tao ấy chứ ? Đừng có dóc !

- Này chị kia ! Không được nói đến bố tôi. Bố tôi có can gì đến chị không ? Muốn ăn đòn hử ?

- Tao thách bố mày đấy… làm gì tao nào ?

Chị tài xế chưa dứt lời thì đèn xanh cho phép xe chạy, nên cuộc đấu khẩu chấm dứt. H. hậm hực, mặt đỏ bừng, tôi an ủi nó :

- Thôi, hơi đâu mà giận ! Cũng tại tụi mình gây sự trước. Bỏ qua đi, mày !

Hai đứa tiu nghỉu kéo nhau đi. Đúng là hôm nay ra ngõ gặp gái, thứ gái hỗn hào, hung hăng hơn con bọ xít ngoài vườn. Biết thế tụi này cóc thèm bênh vực. Riêng phần tôi, tôi chỉ còn biết tự an ủi về điểm này: chị tài xế bọ xít kia không động đến ba tôi, ấy là chị ta xúc phạm đến bố của bạn tôi. Thằng bạn mà tôi thân nhất, quí nhất trong số các bạn, vì nó vừa đồng niên, vừa đồng song (đó, bạn thấy không ? Tên Vũ này cũng chữ nho, chữ nhiếc tuy không đeo đuổi ngọn bút lông lấy một ngày nào. Tôi đây mới thật là giống mẹ tôi, từ mầu da, sắc tóc cho đến sự thông minh chứ con Hà mà giống nỗi gì ? Nó chỉ giống có mỗi cái ưa đi coi phim cao bồi thôi mà cũng khoe khoang).

Tuy xuất quân ra ngõ gặp ngay sự không may, tôi vẫn không lấy làm buồn lắm vì những nguyên do kể trên. Thêm một điều nữa: tôi bắt đầu coi thường người Mỹ ! Đàn ông mà tồi tệ đến nỗi không lái được cái xe, phải mượn tài xế, lại là đàn bà. Vậy mà trong các phim cao bồi họ đều có tinh thần thượng võ ! Hay là bởi mẹ tôi biết lựa phim hay ? (trước nay bà lựa phim nào mấy diễn viên chánh cũng tư cách đầy mình hết: họ toàn giúp kẻ cô thế, diệt bạo, trừ gian, nắm vững cán cân công lý, làm cho tụi côn đồ, đạo tặc, bọn trọc phú cường hào phải bở vía, giật mình). Đúng là những mẫu người mà mẹ tôi ao ước sau này chúng tôi sẽ trở thành. Lạ chưa ? Điều chứng kiến hôm qua làm tôi băn khoăn quá ! Thế chả hóa ra bao nhiêu bậc chính nhân, quân tử của người Hoa Kỳ chỉ là những nhân vật trên màn ảnh, khác xa người thật ngoài đời ư ? Một hôm, tôi đem sự thắc mắc đó thổ lộ với tụi bạn học, tụi nó cười hì hì mà rằng :

- Trời ơi ! Trong ciné, tụi cao bồi nhiều khi cũng gớm lắm chứ không tốt như mày tưởng đâu. Có nhiều thằng tồi tệ, tranh gái, giành vàng, giết người, đoạt của, quân nhân thì đào ngũ, vô kỷ luật… bậy vô số bậy…

Ôi chao ! Nghe mà xót xa quá đỗi. Không ! Tôi không muốn coi một phim cao bồi loại đó. Nhờ mẹ tôi, cho tới nay, tôi toàn được coi những phim cao bồi đầy tinh thần thượng võ, hào hiệp, những phim…

Chết chửa, tôi nói lan man quá, xin lỗi bạn nhé ! Tôi xin trở lại vấn đề chính: vấn đề Tài Xế và Xe. Vâng ! Tài Xế và Xe. Tôi cho rằng (mà tôi chắc các bạn cũng đồng ý như tôi) không bao giờ một đấng trượng phu lại hèn đến cái mức nhờ vả vào kẻ yếu trong dịch vụ di chuyển. Nếu cần phải giữ phong cách cao sang, quí phái – chẳng hạn một ông Đại sứ mà tự lái xe thì coi sao tiện ? – thì mượn tài xế nam coi chỉnh hơn. Còn riêng tôi, rồi bạn xem, tôi không nói ngoa đâu, sau này dù có làm chức gì đi nữa, tôi cũng tự lái lấy xe của tôi. Tôi thề sẽ gây một phong trào mới, đả phá những cách làm cao rởm đời. Và tôi tin một cách vững vàng rằng tôi làm được.

Nhưng mà đó chỉ là chuyện ngày mai, chuyện tương lai. Hiện tại, tuy rằng tôi đã chở mẹ tôi được, đi về ngon ơ, tử tế như thế, mẹ tôi vẫn không chấp nhận câu “tài không đợi tuổi” của tôi, bực không ?

Tôi chỉ được phép đem xe từ garage ra cho mấy người kia đi, đành rằng mỗi bận như vậy, tôi có quyền cho nổ xe và lái chạy từ garage sau nhà vòng ra trước ngõ cách chừng 15 thước và mỗi bận ai về, tôi lại phóng ra ngõ đón xe, đưa vào garage cho họ. Họ đây là chị Thu, là chị Cúc, là cậu H. Mỗi người đều làm chủ một xe khác nhau. Phần chị Thu thì bạn biết rồi đấy, cái Suzuki đỏ được giới thiệu từ đầu. Chị Cúc bây giờ ở học luôn trong này nên cũng xin bác tôi tậu một cái Yamaha xanh ngắt. Cậu H. thì giã từ nghề dạy học, làm sĩ quan Thủ Đức nên cũng tậu một cái Honda đen tuyền, bóng nhoáng.

Cái nào tôi cũng thuộc lòng cách sử dụng, nhưng tôi thích Honda hơn. Nó làm tăng phong độ người cỡi lên, nó làm mình ra vẻ nam nhi hơn, bạn ạ ! Khổ cho tôi: mẹ tôi rất ghét cái Honda. Mẹ tôi nói xuôi rót, tự nhiên như bà đã từng lái Honda một cách thành thạo, trong lúc sự thật bà rất gà mờ về loại xe hai bánh :

- Mẹ không ưa Honda, xe cộ gì mà cứ như con ngựa bất kham, muốn lồng lên lúc nào là lồng, không kìm giữ nổi.

Ấy là bà nói theo giọng chị Thu. Lại một dịp ba tôi nhắc khéo cho mẹ tôi đừng quên cái tài lựa xe chạy chậm của ôn:

- Mợ thấy chưa ? Tôi nói có sai đâu ? Tôi hiểu tâm lý tụi trẻ con. Tôi chọn cho nó cái xe vừa với sức nó, có muốn đi mau cũng không được kia mà !

Tôi tưởng cũng nên kể rõ: ban đầu chị Thu hí ha, hí hửng ưa cất lẻn lấy xe cậu H. đi. Nhưng được vài bận chỉ hơi ngán, có vẻ dè dặt hơn. Mỗi bận chở mẹ đều bị mẹ chê, mà ngay đi một mình coi bộ cũng không vừa ý lắm. Yamaha của chị Cúc còn được chiếu cố đôi khi. Song không xe nào được mẹ hài lòng bằng chiếc Suzuki đỏ chóe cả ! Chị Cúc cũng đồng ý với mẹ tôi và chị Thu, chê cái Honda. Còn tôi ? Hừ ! Sao tôi lại cứ phải đồng ý với mấy người đàn bà, con gái như vậy nhỉ ? Dù là mấy người đó vốn rất thân thuộc với tôi chớ không xa lạ chi: là mẹ và là hai bà chị của tôi. Thế nên một buổi trưa nọ, trong lúc mẹ tôi, ba tôi và lũ lẻo mép (Minh với Bé) vào giường hết, tôi trổ tài lái Honda thực sự, lái ra đường lớn chớ không phải quanh quẩn sau hè, quanh xóm như vẫn thường làm. Bạn thấy ngon lành không ?

Thế này này: trưa đó nhằm thứ bảy, cậu H. từ Thủ Đức về, tính lấy Honda đi chơi như mọi bận, thì có hai ông bạn rủ đi Cần Thơ chơi. Cậu hỏi tụi tôi :

- Có đứa nào đi với cậu ra bến xe không ?

- Nắng chết, tụi con có được đi Cần Thơ đâu mà ra bến xe ?

- Không phải vậy, đi với cậu rồi cậu cho mang xe về cất.

- À, như vậy là làm tài xế đem xe về cất cho cậu chứ sướng ích gì ? Con không đi đâu.

Chị Thu nói, tôi lên tiếng :

- Chị không đi để em đi cho. Em đi được.

- Vũ đi hả ? Chắc không ?

- Dạ chắc chớ. Trời ơi ! Cậu khi con quá.

- Ừ, vậy thì đi !

Thế là tôi đem xe ra, thót lên yên sau. Hai cậu cháu trực chỉ ra bến xe đò ở đường Lý Thái Tổ. Cậu mua vé lên xe, còn tôi, một mình, ung dung, tự tin, lái cái Honda phăng phăng trở về nhà. Ngồi trên cái Honda mà tôi ngông cho đến nỗi có lúc ngỡ mình là một thuyền trưởng mà cái Honda là con tàu, con đường Lý Thái Tổ và Phan Thanh Giản là đại dương, còn người và xe cộ tấp nập trước mặt sau lưng là những con sóng dữ…

Sau vụ này tôi thấy tự tin hơn trước nhiều, tuy nhiên tôi chẳng hề hé răng tiết lộ. Đôi khi tôi ngứa ngáy hết sức, chỉ mong nói toạc cho mẹ tôi biết, song cứ ngần ngại.

Đùng một cái, bữa nọ ngồi trên xe – cũng ba tôi chở mấy mẹ con đi ciné – Chị Thu lỡ miệng hay cố ý không biết, kể lại chuyện đó. Tức thì mẹ tôi kêu to :

- Trời ơi ! Trời ! Sao dám cả gan vậy, Vũ ?

Tôi chưa kịp nói gì, mẹ quay sang mắng chị Thu tới tấp :

- Sao con tự tiện cho phép nó đi mà không hỏi mẹ ?

Chị tôi chống chế :

- Dạ đâu phải con cho nó đi ? Cậu H. biểu mà…

- Cậu H. ! Cậu H. có đẻ nó ra không ? Rủi có tai nạn ai chịu đây ? Hở ?

- Buổi trưa ít xe lắm, mẹ ơi !

Tôi chen vô, giọng nhỏ nhẻ như con gái. Mẹ tôi càng giận tợn :

- Ít xe với nhiều xe, tao ưng đánh tụi bay quá ! Nhất là mày, Thu ạ.

Chị Thu lầu bầu :

- Cái gì cũng tại con. Nó ưng đi…

- Còn cãi phải không ? Mẹ dặn làm sao ? Cậu chở nó đi chưa chắc mẹ bằng lòng nữa là cậu giao xe cho nó đi một mình…

Ba tôi gỡ rối cho hai con :

- Con đã thuộc luật đi đường chưa ?

- Dạ thuộc, thuộc lâu rồi.

- Con có làm chủ tốc độ không ?

- Dạ…

Mẹ tôi ngắt ngang, giọng bất bình :

- Xin anh ! Nó làm chủ tốc độ để làm gì ? Nó thuộc luật giao thông mà làm gì ? Nếu như gặp một đứa đi ẩu, phóng đại vào nó, tai nạn xảy ra thì sao ? Con mình đã đủ tuổi đâu ? Anh nói vậy cho nó được trớn phải không ?

- Ê, mợ đừng nóng…

Mẹ tôi vẫn thao thao :

- Tôi không nóng nảy gì cả. Tôi không cho phép sao nó dám tự tiện ? Để thằng H. về đây rồi biết tôi… Hừ ! Dám cả gan !

Ba tôi biết rằng mẹ tôi cần một sự biểu đồng tình của ông, và bà chỉ dịu xuống khi ba tôi đồng ý nên ông nói :

- Ba nói rồi đó nghe, Vũ ? Con ba nguyên vẹn đầy đủ, mặt mũi, tay chân hoàn toàn lành lặn, đừng có dại dột mà hối hận đa ! Ba sinh các con ra…

- Ba đâu có sinh, mẹ sinh chớ !

Chị Thu pha trò một câu. Còn tôi, tôi nói thầm “không có gì lạ, câu này mình nghe lâu rồi, khổ quá !” Mẹ tôi gằn từng tiếng :

- Có lẽ tuần này đi thăm bệnh viện, mẹ phải cho các con đi, mẹ chỉ cho các con thấy và các nạn nhân của tốc độ đó sẽ nói chuyện với các con, kẻo các con không tin mẹ.

- Họ ra sao, mẹ ?

- Họ mất một chân hay cả hai chân, có người mất cả tay nữa. Có người bị buộc chân treo lên và dằn thêm bằng bốn viên gạch hay ba quả cân, mỗi quả đúng 1 kilô đặng kéo xương trở về vị trí cũ. Có người được xuyên một que sắt dài cỡ cái đinh một tấc rưỡi ngang ống chân, và cứ phải để như vậy ngày kia sang ngày nọ. Có người nằm bệnh viện trên nửa năm, được vặn vít sắt trong xương ống chân, rồi phải mổ lấy vít sắt ra, đủ thứ…

Ba tôi phụ họa :

- Đó các con nghe rõ chưa ? Mẹ bay nói phải đó, các con phải…

Tôi ngồi im, ba cười tiếp :

- Nói vậy chớ ba biết rõ con ba, nó biết lượng sức nó, mợ ạ ! Mợ đừng lo !

Đúng là cái giọng của người cha tốt, giọng mà ba tôi đã nói về chị Thu khi cái Suzuki mới đem về nhà. Tức tì mẹ tôi phản đối liền :

- Lại bênh rồi ! Biết lượng cỡ nào ? Cỡ con Thu hay hơn ?

- Không đâu, con gái nó khác con trai chớ, nó phản ứng chậm…

Rồi ông ném một cái nhìn âu yếm sang phía tay trái, phía tôi, và thêm :

- Mợ thấy nó lớn đại không ?

- Thì lớn đại chớ sao, mà nó bao nhiêu tuổi anh nhớ không ? Nếu anh quên thì tôi nhắc cho, vì tôi đẻ nó ra, tôi nhớ.

- Biết rồi ! Biết rồi ! Không ai giành đâu.

- Tôi không giành, tôi chỉ muốn anh đừng có giở trò dân chủ nửa mùa ra với con, đừng bênh vực không nhằm cách. Phải để cho tôi dạy nó : không đứa nào được phép ra khỏi nhà mà không hỏi ý kiến mẹ, dù là đi bộ, nhớ không ?

Chị em tôi dạ một lượt vì thấy giọng mẹ tôi trầm lại, đầy bất bình và khổ sở. Không đứa nào muốn thấy mẹ tôi khóc trên xe, lúc sắp vào ciné cả. Ba tôi nối lời mẹ :

- Mẹ bay nói phải ! Phải xin phép mẹ mỗi khi đi đâu ! Nhớ chưa ?

Mẹ hoàn toàn bằng lòng nhưng còn dọa thêm :

- Để về nhà tôi sẽ nói chuyện với thằng H. Nhưng dù sao, lỗi con Thu và thằng Vũ nặng hơn.

Chị Thu mách mẹ tôi :

- Dạ, cậu H. thuê nhà rồi, chắc tuần tới cậu dọn. Như vậy cậu không gởi xe nhà mình nữa đâu mà mẹ lo.

- Thật không ? Sao con biết ?

- Dạ con biết chớ, cậu thuê bên cư xá đó. Cậu nhờ con nạp tiền rồi mà.

Mẹ tôi reo lên vui vẻ :

- Vậy thì tốt quá, tao yên tâm lắm, mà cái garage cũng rộng thêm, con Tư nó khỏi cằn nhằn, mỗi lần mẹ la nó sao không quét dọn garage nó cứ đổ tại xe chất đầy, chật, không có lối đi, quét không được !

Tôi quay lại lườm chị Thu một cái. Làm sao tôi không tức chị ấy được chớ ! Một tin quan trọng như vậy mà chị chẳng cho tôi hay biết chút gì cả. Tệ không ? Trời ơi ! Tôi sẽ không bao giờ còn được nhìn thấy, sờ đến và được cho nổ máy, lái cái Honda đen nhoáng của cậu H. nữa ! Dù là chỉ lái chạy có 15 thước từ garage ra ngõ và từ ngõ trở vào, thế thôi ! Cái chị này… giá chị ấy cho tôi hay sớm một chút thì thế nào tôi cũng lẻn đi một vòng từ biệt cái xe. Xa nó mà không có kỷ niệm gì hết, buồn quá !

Ba tôi hình như thông cảm tâm trạng của tôi, ông cười khoan dung mà rằng :

- Đừng lo, Vũ ạ ! Rồi đây ba sẽ mua cho con một chiếc, thứ con ưng, con khỏi cần đi nhờ của con Thu hay con Cúc gì cả.

Tôi nhìn mẹ tôi, chờ phản ứng. Lạ chưa: bà chỉ cười, không nó một lời nào. Nhưng tôi nhận thấy nụ cười mẹ tôi khang khác, lạ lắm. Tuy là tôi không tài nào đoán được ý mẹ tôi, tôi chỉ cảm thấy nó khác, thế thôi. Và tôi không yên tâm chút nào, dù rằng mấy lời ba tôi như một ngọn lửa (mà lòng tôi lúc đó là cả một trời đông) làm cho tôi thấy ấm áp được đôi phần !

Quả nhiên, điều lo ngại của tôi không sai: mẹ tôi mở xắc tay lôi ra hai tờ giấy quay ronéo, giơ cao lên, hỏi ba tôi, miệng vẫn giữ nụ cười khó hiểu :

- Anh đọc cái này chưa ?

- Cái gì đó ?

- Thông tư của nhà trường gởi phụ huynh học sinh.

- Nói gì trong đó ?

- Dài lắm, anh phải đọc (bà nói với tôi) hay là con đọc ba nghe Vũ nhé, con ngồi gần ba…

- Khỏi ! Để tối tôi đọc chớ đang lái xe mà chú ý sao được ? Có gì quan trọng không ? Mợ đọc chưa ?

- Tôi đọc từ tám hoánh, không có gì quan trọng, trừ vài điểm…

- Vậy thì kể tôi nghe cũng được…

Mẹ tôi dặng hắng một cái, dõng dạc nói :

- Trường cấm học sinh sử dụng xe gắn máy !

Hai cha con tôi cùng hừ lên một lượt. Tôi không hiểu cái hừ của ba tôi, còn phần tôi, tôi ngầm phản đối cái lối quyết định độc tài vô lý của nhà trường ghê lắm. Học sinh muốn đến trường bằng phương tiện gì tùy ý chớ, đâu phải vì nhà trường có xe buýt chuyên chở mà buộc tất cả phải đi xe buýt. Hay là mẹ tôi thêm thắt vô? Tôi còn đang phân vân thì mẹ tôi đã lật trang hai của tờ thứ nhất, đọc to :

- Tuyệt đối cấm học sinh gắn hình, hoa lên áo, nón. Dép phải có quai hậu. Học sinh cũng không được dùng đồ trang sức. Nữ sinh tuyệt đối không được đánh phấn, bôi môi, bôi mắt. Nam sinh cấm không được để tóc dài.

Chị Thu chen vô :

- Nhà mình khỏi có mấy cái đó, không cần cấm.

- Để mẹ đọc hết nào, cái con này… (lại dặng hắng đọc) “Tất cả học sinh đều được sử dụng phương tiện di chuyển của nhà trường. Nhà gần lộ trình của xe buýt số mấy thì đón xe tại đó. Tuyệt đối cấm dùng xe gắn máy trên xa lộ vì nguy hiểm. Tuy nhiên, trường hợp học sinh nào muốn tự túc về vấn đề di chuyển thì phải có giấy phép của phụ huynh. Vì sự an toàn cho học sinh nên nhà trường… "

Tôi ù cả hai tai lại, không nghe gì nữa. Ra không phải một mình mẹ tôi “đuya” mà nhà trường cũng vậy, bạn thấy chưa ? Tôi muốn nói to lên :

- Thôi ! Ba đừng mua xe cho con làm chi, con không muốn…

Nhưng tôi uất quá, nghẹn cứng miệng. Mẹ tôi cũng đã ngừng đọc, hỏi kháy ba tôi :

- Anh còn tính mua xe cho con nữa hay không ?

- Sao lại không, nhưng thong thả…

Những lời ba tôi vừa nói làm tôi lại thấy hy vọng bừng lên. Ừ, thì thong thả, không có liền, nhưng sẽ có, thế cũng quý rồi, tôi đâu dám đòi hỏi có tức thì ?

Tôi lim dim mắt, tưởng tượng đến một ngày kia ba tôi lái xe đi trước, trong xe có mẹ và 3 đứa nhỏ. Tôi và chị Thu lái xe hai bánh theo sau. Chúng tôi vừa đi vừa trò chuyện vui vẻ, thỉnh thoảng tôi vượt trước đặng tụi nhỏ vỗ tay hoan hô chơi. Đố khỏi có đứa nài nỉ được ngồi sau lưng chị em tôi cho mát ! Rồi thỉnh thoảng tôi lại múa một đường lả lướt cho mẹ ngán chơi. Nhưng hễ mẹ tôi chỉ tay kêu lên :

- Coi chừng ! Vũ !

Thì tôi sẽ lùi lại giữ chừng tốc độ cho vừa lòng mẹ, kẻo bà nổi giận thì nguy !

__________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG III

Không có nhận xét nào:

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>