Thứ Ba, 5 tháng 5, 2015

PHẦN THỨ NHẤT_CON DỐC CỔNG TRƯỜNG

 

 Phần Thứ Nhất

Kính Tặng Thầy Bằng


I

 

Con muốn òa lên khóc mà đôi mắt chợt ráo hoảnh. Chừng như lệ nóng đã đóng băng, chừng như hồn con tê cứng lại. Bản danh sách thí sinh trúng tuyển chờn vờn trước mắt con. Đám đông xô đẩy, lấn dần con ra. Con không còn biết rõ mình bị đẩy dạt ra một nơi tự lúc nào nữa. Những hàng ronéo nhảy múa trước mắt. Nào Bích Trâm, nào Thu Trang, nào Ngọc Trân… Còn tên con? Trân ơi, Nguyễn Huyền Trân ơi… Chỉ có ba chữ thôi mà, chỉ có một hàng đánh máy thôi mà… Những tiếng reo vui, những tiếng gọi nhau ơi ới, những gương mặt tươi hơn bao giờ hết… Con tưởng như mình mới từ một thế giới nào xa lạ lắm tới đây. Nguyễn Huyền Trân… Thầy ơi… Không có tên con rồi…

Hồng, Thủy chạy nhanh đến bên con. Ánh mắt hai nhỏ đầy tin tưởng. Thủy hỏi con :

- Sao Trân ?

Có lẽ nét mặt thẫn thờ của con đã khiến cho nhỏ đoán hiểu. Hồng kiễng chân nhìn qua đám đông lố nhố những đầu, những tay, tìm tên con trong bản danh sách. Con nắm tay Thủy :

- Tao rớt rồi Thủy à.

Thủy nhìn con lặng lẽ. Hồng cũng vừa rời khỏi đám đông, nhỏ nói :

- Sao tao tìm hoài mà…

Con gượng cười ngắt lời nhỏ :

- Làm sao mày tìm thấy được…

Hồng cúi thấp đầu. Con buồn muốn khóc mà không sao khóc được. Nước mắt buồn thương trong con còn chưa đến lúc hình thành hay đã tan biến hết ? Lúc này, con hiểu ý thầy hơn lúc nào. Ba đứa cùng đưa số báo danh nhờ thầy xem kết quả trước. Thầy nhận lời nhưng chỉ đem về kết quả có hai. Thủy và Hồng cùng đậu thật cao, một nhỏ ưu, một nhỏ bình. Thầy nói trong lúc con hồi hộp vô chừng : “Thầy chưa xem kịp cho Trân thì hết giờ, người ta thu xếp hồ sơ ra về “. Thầy biết con rớt từ hôm qua nhưng có lẽ, không muốn con buồn, dù buồn một nỗi buồn đến sớm hai mươi mấy tiếng đồng hồ, thầy giấu. Nhưng thêm một ngày hy vọng, thêm một ngày chờ mong, việc phải đến cũng đến. Bảng danh sách đó thầy. Không có tên con.

Vẫn những tiếng reo vui, những tiếng gọi nhau ơi ới. Thêm trước mặt là hai nhỏ bạn thân. Con chợt nhớ đến thầy quay quắt. Con tưởng như thầy đang đứng trước mặt con. Và con, con đang gục đầu chịu lỗi, cái lỗi đã phụ công thầy, đã phụ lòng hoài vọng nơi thầy. Con thấy gương mặt khắc khổ với những nếp da nhăn tuổi đời chồng chất nơi thầy buồn hơn bao giờ hết. Con nghe đâu đây tiếng thở dài thật khẽ của thầy.

Thủy buồn buồn nói với con :

- Tụi tao định đợi mày có kết quả rồi cả ba đứa kéo xuống nhà thầy…

Giọng của nhỏ chìm dần, tan biến trong ý nghĩ của con. Từ lúc biết mình thi hỏng, từ lúc nhớ đến thầy, con không dám tưởng đến giây phút gặp mặt thầy. Con nghĩ mình như một tội nhân, dù có lẽ, thầy không hề cho con có lỗi. Nghe Thủy nói ý định đến thăm thầy, bỗng dưng con thấy đến gặp thầy là một việc cần. Để chịu tội. Để được nghe lời an ủi. Và biết đâu chừng, để khóc được, khóc cho vơi bớt nỗi buồn thương đang tràn ứ hồn con.

Con nói với Hồng, Thủy :

- Tụi mình đến nhà thầy đi…

Hồng thoáng ngạc nhiên :

- Mày cũng đi luôn chứ ?

Con khẽ gật đầu. Hồng nhìn Thủy hội ý. Rồi cuối cùng, ba đứa con cùng hướng về phía cổng trường.

Con lầm lũi đi bên hai bạn. Những tiếng ồn ào của đám đông nhỏ dần, xa con dần. Cổng trường hiu hắt với mấy chiếc xe gắn máy không hồn đợi chủ -- những bản thể đang chất chứa niềm vui hay đang tràn ngập nỗi buồn ? – Gió chiều bỗng lộng. Những bước chân chợt nặng hơn. Thì ra con đã qua khỏi cổng trường và đang ở cuối một con dốc thật ngắn. Một hòn đá sỏi chợt vụt khỏi vị trí khi con vô tình dẫm guốc lên làm con thoáng lảo đảo. Con liên tưởng đến kết quả kỳ thi. Con thấy con dốc nhỏ như một chặng đường học vấn : mảnh bằng tú tài một. Và viên sỏi con vừa dẫm phải : cái trượt chân của một trong ba đứa học trò yêu của thầy. Nỗi buồn vừa rơi ngập hồn con.

Chiếc xe lam chỉ có ba đứa con, dọc đường cũng không đón thêm được người khách nào, dừng trước nhà thầy. Con bỗng run lên khi thấy bóng thầy đang ngồi đọc sách phía trong cửa sổ. Thủy đưa tay gõ cửa. Con siết chặt cái bóp trong tay để tự trấn an mình. Thầy mở cửa. Thủy và Hồng tiến lên chào thầy trong lúc con chỉ kịp ngẩng lên nhìn thầy rồi sau đó, mọi hình ảnh mờ đi, nhòa hẳn. Nước mắt con lúc này mới ứa ra được. Con mím chặt môi, tay siết mạnh cái bóp hơn…

Thầy bảo chúng con :

- Vào nhà đi các con.

Con líu ríu theo chân hai bạn. Thủy đại diện ba đứa :

- Thưa thầy, chúng con vừa đi xem kết quả về…

Thầy ngắt lời Thủy :

- Và Huyền Trân không may…

Nước mắt con lại ứa thêm. Thủy bảo nhỏ con :

- Trân, mày khóc không sợ thầy buồn à ?

Giọng thầy bao dung :

- Cứ để cho Trân nó khóc Thủy à. Có khóc được, may ra nỗi buồn mới vơi đi…

Con nức nở :

- Con xin lỗi đã làm thầy buồn…

- Thầy có buồn gì đâu…

- Thầy giấu con…

Thầy lắc đầu cười vu vơ rồi nói sang chuyện khác. Thủy và Hồng trò chuyện líu lo. Thỉnh thoảng, thầy có hỏi và con trả lời. Nhưng trí óc hỗn độn của con lúc đó làm con không còn nhớ rõ mình đã nghe, đã đáp những gì nữa. Lúc xin phép ra về, thầy mới nhìn thẳng vào ánh mắt con khuyên nhủ :

- Hãy nghe lời thầy, để nỗi buồn lắng xuống rồi bình tĩnh học hành trở lại, thế nào sang năm con cũng đậu…

Con cúi đầu đáp vâng rồi vội vã ra theo hai bạn. Hồng đang vẫy xe lam. Con có cảm tưởng thời gian trôi quá nhanh và con đường về nhà con quá ngắn. Con hình dung ra nét thất vọng trên gương mặt ba má. Con bụm tay lên mặt, bờ vai run từng chập. Có tiếng thở dài của Thủy.

Dường như chiều đang cơn nắng quái.


II

 

Hành trang sửa soạn vừa xong, anh An con sắp rời khỏi tỉnh lỵ, sắp lìa xa mái ấm gia đình, nơi mà bao năm nay, chưa lần nào anh sống cách xa đến tuần lễ.

Anh con ngồi đọc báo nơi phòng khách, nhưng chừng như anh chẳng đọc được gì, thỉnh thoảng mắt lại rời tờ báo, trải cái nhìn về phía trước mông lung. Anh như đang trốn chạy thực tại, trốn chạy những giây phút biệt ly mà con chắc anh không muốn bao giờ. Thực ra, con đường Biên Hoà Sàigòn có bao xa ? Và thời gian hàng tuần lễ có gì là lâu lắm ? Trọ học ở Sàigòn, cuối tuần, anh đều về tỉnh thăm nhà kia mà. Nhưng… tự dưng con nghe bồi hồi lạ. Tự dưng con thấy lo cho anh con. Mười tám năm sống trong mái nhà thân yêu, sống trong sự chở che của ba má, có những khi đau yếu, có những lúc giận dữ, có những nụ cười vui; bây giờ, một thân, một mình, anh đến ở một chỗ cách xa gia đình, bằng ba bốn mươi cây số, tự lo liệu tất cả, tự định đoạt tất cả, tự dạy dỗ mình, tự trừng phạt mình. Không còn ai để hỏi ý kiến khi cần, cũng không ai chia sớt buồn phiền, mệt nhọc hay chung niềm hớn hở, vui tươi. Con tưởng anh con như con chim non sắp lìa xa tổ ấm.

Ba má con lăng xăng dưới bếp. Ông bà nhất định giành lấy cái quyền sửa soạn bữa cơm tiễn anh con lên Sàigòn. Lũ em con, bốn đứa lóc nhóc xúm xít trên chiếc traction của bác Hiền, chiếc xe mà lát nữa đây sẽ đưa anh con đến một khung trời mới. Những đứa nhỏ thật vô tư, cười nói, đùa giỡn. Đứa ngồi trước vô lăng làm tài xế, đứa nhoài người ra giả làm lơ. Những tiếng máy nổ bằng miệng, tiếng mời khách, tiếng cười vui như đập vỡ bầu không gian im lặng nơi phòng khách.

Anh con chợt quay lại. Con bối rối với tay lấy cái phất trần vờ quét bụi, giấu anh rằng nãy giờ, con vẫn đứng tựa cửa nhìn anh mà nghĩ vẩn vơ. Anh con bỏ tờ báo xuống, bảo con :

- Ra ngồi chơi.

Anh cố lấy vẻ tự nhiên, nhưng càng cố, con càng thấy rõ hơn, anh như đang mất bình tĩnh. Anh chỉ chiếc ghế đơn, húng hắng lấy giọng :

- Tao sắp đi Sàigòn rồi. Chút nữa, sau khi cơm nước xong.

Con ngắt lời anh :

- Em chúc anh gặp mọi sự dễ dàng trên đó.

Anh con hơi phì má, nỗi ngạc nhiên thoáng vẻ hài hước mà cảm động. Anh bảo con :

- Lâu lắm, tao mới nghe mày nói được một câu dễ chịu.

Con mỉm cười. Anh con ngả người vào thành ghế, khoa hai tay, mặt ngước lên trần, nói trong tiếng cười khan :

- Tự dưng tao nhớ lại những lúc tao với mày cãi cọ nhau, từ nay anh em mình ít còn dịp như thế nữa…

Con cúi nhìn xuống tờ báo, những dòng chữ đen sậm nhảy múa dìu con vào bao hình ảnh xa xưa. Xa xưa, những hình ảnh cách nay hàng chục năm. Xa xưa, những kỷ niệm cách nay dăm năm. Xa xưa cả những gì mới xảy ra ngày hôm qua nữa. Cho đến những giây phút này, rồi khi anh con leo lên chiếc traction, cũng trở thành kỷ niệm xa xưa giữa hai anh em. Trong gia đình, cho tới bây giờ, con vẫn không hiểu tại sao con lại không được ba má thương yêu bằng anh An và các em con ? Có lẽ trong sáu đứa con, con là đứa chịu nhiều thiệt thòi nhất trong khi anh An là người sung sướng hơn cả. Lạ một điều là đứa được ba má thương nhất và đứa bị ghét bỏ nhất lại thương nhau. Về phần anh con thì con không biết rõ, chứ phần con, con nghĩ rằng chính mặc cảm cô đơn đã kéo con lại gần anh con. Và không bao giờ muốn xa rời. Luôn luôn, trong những vụ cãi vã, con là người chịu thua. Chứ không, còn biết ai để con tâm sự ?

Giọng anh con lơ đãng :

- Tao nghĩ giá anh em mình đừng có giận nhau lần nào hết thì hơn, Trân à.

- Sao vậy ?

- … thì… nếu không giận nhau thì làm gì lúc này có chuyện để mình nhớ lại.

- Bộ anh không muốn nhớ lại những kỷ niệm xưa sao ?

- Có lẽ ! Tao thấy kỷ niệm như những sợi dây níu chân tao lại.

Anh con nói như một người viết văn. Thật lạ. Thật không giống với anh An ngày thường chút nào. Kỷ niệm như những sợi dây. Nhưng chắc chắn sợi dây chỉ trì kéo được hồn anh chứ không níu giữ được chân anh. Vì chắc chắn, anh sẽ lên Sàigòn. Chiều hôm qua, có lẽ anh đến đón con ở cổng trường từ lâu lắm. Lúc con ra đến nơi, con bắt gặp anh đang loay hoay với viên sỏi trong tay, khắc chữ An đậm nét nơi cổng trường. Con trêu anh : “An và gì nữa anh ?”. Anh con cười không đáp. Anh ngước nhìn tấm bảng cũ với hai chữ Ngô Quyền đậm xanh vài nơi nứt nẻ vết sơn.

Tiếng anh con lại vang lên :

- Tao không đến đây từ giã thầy Bằng được, lúc nào gặp thầy, nói dùm tao một tiếng nghe.

- Để thứ năm.

- Còn gặp tụi Thủy, Hồng thường không ?

- Hơi ít một chút, bây giờ khác lớp rồi còn gì.

Anh con bỗng thở dài :

- Phải chi năm rồi tao đừng rủ mày cùng hoạt động hiệu đoàn.

Con nhìn anh con đăm đăm. Từ sau khi được tin con rớt, lúc nào anh con cũng ân hận cho rằng tại anh rủ con hoạt động hiệu đoàn mà con thi hỏng.

- Nếu tao chịu bỏ chút thì giờ kèm thêm cho mày thì chắc kết quả đã đổi khác.

- Anh còn phải lo bài vở, em biết mà, chương trình 12 dài lê thê. Lại nữa, bao nhiêu công việc đằng trường, một tay anh lo lắng.

Giọng anh con ngập ngừng :

- Thi rớt, mày có trách gì tao không ?

Con vân vê tà áo :

- Em đâu dám, tại em học kém.

Anh con chép miệng :

- Năm nay không có tao ở nhà, chắc mầy sẽ cực lắm.

Ngừng một chút anh tiếp :

- Tao nghe thầy nào đó nói có lẽ năm nay là năm cuối còn thi phần nhất. Cố mà giật cho được mảnh bằng. Mầy đậu, ba má vui, biết đâu nhờ vậy mà ông bà thương mầy hơn. Tao sắp đi, tao biết là mày sẽ cực, tao không yên lòng chút nào hết…

Nước mắt con rưng rưng. Con thấy thương anh con hơn bao giờ.

- Em hứa với anh năm nay em sẽ cố học.

Giọng anh con mơ màng :

- Cố năm nay rồi năm nữa, lấy xong cái toàn phần, thế nào tao cũng xin cho mày được lên đại học. Lên Sàigòn với tao, tha hồ mà tự do.

Con khẽ nói :

- Còn lâu lắm…

Anh con bỗng bật cười khan :

- Hay là thi đậu xong cái phần nhất, mày lấy chồng quách đi là thoát khỏi ông bà già…

Con đỏ mặt :

- Cái anh này…

Má con bưng mâm ra, ba con nối theo với nồi cơm. Anh con đứng lên đỡ nồi cơm. Con phụ một tay thu xếp bàn ăn ngay nơi phòng khách. Má con sai :

- Con Trân chạy sang mời bác Hiền coi.

Con dạ nhỏ rồi tiến ra trước cổng. Ngang chiếc traction, lũ em con bi bô :

- Đi cây Chàm không chị ba ? Năm đồng thôi…

Con quay lại nạt chúng :

- Ba má dọn cơm ra rồi đó, không lo vào rửa tay chân đi, ăn đòn cả lũ bây giờ.

Cả lũ túa ra khỏi xe, cánh cửa xe bị đóng ập mạnh một tiếng ầm.

*

Lên Sàigòn, mỗi tuần đều về nhà, vậy mà anh con làm y như sắp đi xa và lâu lắm. Anh dặn con liên hồi :

- Nhớ quét bụi tủ sách thường ngày cho tao nghe. Cặp vợt tao mới mua, giữ gìn cẩn thận một chút đó. Từ giã thầy Bằng dùm tao. Ủi sẵn cho tao bộ đồ để cuối tuần về tao có mà mặc…

Ba con đích thân đem va li ra xe và ân cần gởi gấm anh con với bác Hiền :

- Nhờ bác lo dùm cho thằng An tôi.

Bác Hiền vui vẻ đáp lời cho ba con yên tâm. Nhà bác có tiệm may trên Sàigòn, anh con sẽ trọ nơi một phòng nhỏ trong tiệm may đó. Điều kiện không có gì là khó khăn cả.

Anh An tần ngần mãi nơi ngưỡng cửa. Bước chân anh như bị níu lại. Bác Hiền đã lên xe, mở máy. Má con dục anh :

- Lên xe đi con, An. Bác đợi kìa.

Anh con bước khỏi hiên nhà. Con theo sau anh. Mấy đứa nhỏ đứng bên hông xe trố mắt nhìn. Anh con bỗng dừng bước, nhìn con :

- Nhớ những lời tao dặn không ?

- Em nhớ.

- Năm nay lo học.

- Dạ.

- Và không hoạt động gì ở trường nữa.

- Dạ.

Lúc chiếc traction khuất hẳn, con mới quay vào nhà. Ba má và các em con ở cả nơi phòng khách. Nhưng con bỗng thấy trống trải lạ thường. Thiếu vắng lạ thường.

Má con :

- Con Trân ra sau giặt đồ đi. Có cả bộ quần áo của thằng An trong chậu đó, giặt thiệt sạch rồi ủi cho nó.

Con dạ rồi bước về phía bếp. Thật trống trải. Căn nhà vắng vẻ chẳng khác hồn con.


III

 

Con gõ cửa, nhưng không có tiếng thầy từ bên trong nói vọng ra “Cứ vào” như thường lệ, mà là tiếng dép lẹp kẹp của chị giúp việc. Có tiếng mở khóa lách cách rồi một cánh cửa mở, chị giúp việc thò đầu ra :

- Các cô đến thăm thầy hả ?

- Bị hôm qua có giờ mà thầy không tới dạy.

- Thầy kêu nhức đầu từ sáng hôm qua rồi nằm liệt cho tới bây giờ.

Con thảng thốt :

- Thầy bệnh ?

Quỳnh nói :

- Chị cho tụi tôi vào thăm thầy.

Chị giúp việc ngập ngừng :

- Thầy đang mệt, hay là các cô để khi khác.

- Tụi tôi vào thăm thầy chút xíu thôi mà.

Tiếng thầy từ bên trong vọng ra yếu ớt :

- Chuyện gì đó ?

Chị giúp việc đáp :

- Thưa thầy, có mấy cô học trò đến thăm.

- Chị cho mấy đứa nó vào đi.

Thầy gượng ngồi dậy lúc chúng con vào đến. Con ngập ngừng thưa :

- Thưa thầy… thầy bệnh ?

Thầy khẽ gật đầu :

- Hôm qua nghỉ học, các con có buồn không ?

Quỳnh lém lỉnh :

- Thưa thầy, con buồn quá nên ra quán chị Mười uống hết những ba ly đậu đỏ đó thầy.

Thầy cười :

- Buồn sao lại uống đậu đỏ ?

- Thưa thầy, để có cảm tưởng mình sẽ thi đậu, mà thi đậu tất thầy sẽ vui, sẽ hết bệnh liền.

Thầy lại cười. Con khẽ bấm Quỳnh “Vừa vừa chứ cô nương”.

Chuyện trò một lúc, chúng con từ giã thầy ra về. Quỳnh về thẳng nhà nhưng con ghé lại chợ. Con đếm lại tiền túi và chọn nửa chục cam, xong, vội trở lại nhà thầy. Tự dưng con hồi hộp. Con gõ cửa, chị giúp việc ló đầu ra :

- Cô bỏ quên cái gì phải không ?

Con lắc đầu nói :

- Không. Tôi muốn gặp lại thầy một chút.

Chị giúp việc thật đáng trách vì đã không chịu cho con biết là thầy đang có khách làm khi bước vào, con sững sờ. Người con trai ngồi bên giường thầy đứng dậy chào con. Thầy hỏi :

- Trân biết Vượng chứ ?

- Thưa thầy, con mới gặp lần đầu.

- Nhưng chắc Vượng có biết Trân ( quay sang Vượng ) phải không con ?

Vượng nói :

- Thưa thầy, cũng là lần đầu gặp mặt, nhưng con thường nghe An nhắc đến cô Trân.

Thầy giới thiệu :

- Vượng là bạn học của An. Tính Vượng thích chuyên chú vào việc học hơn là hoạt động nên là bạn An mà con không biết cũng phải. À mà con trở lại có việc gì thế ?

Con tần ngần, chưa biết phải tính sao. Sự có mặt của Vượng làm con thấy ngại. Nếu chỉ có thầy và con, chắc con dễ hành động hơn. Nhưng dù sao, con cũng phải xem như không có Vượng nơi đây. Con lấy gói cam từ trong cặp ra và ngập ngừng thưa :

- Thưa thầy, con mong thầy không từ chối…

- Gì vậy con ?

- Thưa thầy, con biếu thầy vài trái cam để thầy ăn cho đỡ lạt miệng trong mấy ngày dưỡng bệnh.

Vừa nói, con vừa để gói cam trên chiếc bàn nhỏ cạnh giường. Thầy nhìn con, đôi mắt thầy hơi nhíu lại. Con hiểu ý nghĩa cái nhíu mày đó. Con nói để tự giấu bớt nỗi ngại ngùng :

- Thưa thầy, chị bán cam quen với má con, chị ấy bảo đảm nên có thể tin được. Chị ấy nói cam này là cam Nam Vang chính gốc… Thưa thầy… hay là để con gọt một trái cho thầy dùng thử…?

Con nói rồi, đợi chút xíu không thấy thầy nói gì, nghĩ rằng thầy đã bằng lòng mới lấy dao, lựa một trái cam trong gói. Con không dám nhìn thầy, mà cũng không dám nhìn người thanh niên lạ nữa. Con gọt cam lặng lẽ. Thầy và người kia cũng im lặng mãi đến lúc con gọt xong trái cam, thầy mới nói :

- Lần sau, con đừng làm như thế này nữa nghe Trân.

Con ngước nhìn thầy :

- Thưa thầy…

- …

Thầy lắc đầu vu vơ cùng với nụ cười mỉm khó hiểu, đón lấy trái cam đã gọt xong, tách làm ba phần :

- Ăn với thầy cho vui, Vượng, Trân.

Con đón lấy, đợi thầy và Vượng ăn rồi mới tách một múi đưa lên miệng. Thật mừng, cam rất ngọt. Thầy nói :

- Sắp bầu cử ban điều hành học sinh trường rồi đó các con.

Vượng :

- Thưa thầy, con có nghe nói.

- Con biết có mấy liên danh ra tranh không Trân ?

- Thưa thầy, chúng con nghe đâu đang có sự điều đình để chỉ một liên danh duy nhất ra…

Thầy chép miệng :

- Thầy đang mong như thế. Ở tuổi các con, nếu dàn xếp được với nhau thì vẫn tốt hơn là tranh nhau từng lá phiếu. Tuổi học trò các con chẳng nên tập tành trò tranh ngôi định thứ như người lớn làm gì.

Thầy ngập ngừng một chút rồi tiếp :

- Nhưng ai làm gì thì làm, phần con đó Trân, thầy nghĩ rằng con không nên tham gia vào các hoạt động trong trường nữa. Hãy nhớ tới kết quả kỳ thi vừa qua…

Con cúi đầu, nỗi buồn ngày xem kết quả nay chỉ còn vương vấn nhẹ trong con. Nó làm con nôn nóng muốn được phủi sạch món nợ học vấn. Tiếng thầy :

- Con nghe thầy nói chứ, Trân ?

- Thưa thầy vâng.

Chúc thầy mau bình phục, chào Vượng, đâu đó xong xuôi, con hối hả ra về vì trời như muốn mưa. Chiếc xe lam chạy chậm, con đưa tay vẫy :

- Bửu Long !

Khách ngồi như nêm. Con ngồi cạnh một bà thật lắm miệng :

- Nghỉ học hả con ?

- Dạ.

- Trường nào đó con ?

- Dạ, Ngô Quyền.

- Giỏi dữ há, lớp mấy rồi.

- Dạ, mười một.

- Tú tài đó phải không ?

- Dạ.

Im được một chút, bà ta lại chuyển qua chuyện khác :

- Trời coi bộ âm u dữ. Không chừng trưa nay mưa đó nghe. Tháng mấy rồi con há ? Ờ tháng chín ta, ối, còn mưa lâu…

Mặc bà ta lải nhải bên tai, con miên man nghĩ đến thầy. Và một lúc, con nhớ và nhận ra hành động của mình lúc tự động lấy cam gọt cho thầy có vẻ như một màn kịch. Tự nhiên con đỏ mặt. Thầy thì không sao nhưng còn người khách của thầy ? Không biết Vượng nghĩ gì về hành động đó ?

Trời tối hơn, dù gần trưa. Con nói lớn với người tài xế :

- Tốp đi ông ơi.

Chiếc xe lam tấp bên lề, không ra hiệu làm một người chạy Honda phía sau suýt đâm sầm vào. Ông ta vòng xe ngang người tài xế càu nhàu. Người tài xế xe lam vừa nhận tiền nơi con vừa cười giả lả với ông kia.

Con bước nhanh vào ngõ hẻm. Có lẽ trời sẽ mưa lớn lắm.


IV

 

Con vụt thật mạnh, Thủy lùi lại phía sau đưa vợt lên đỡ. Nhưng trái cầu cao quá, Lại sẵn đà bay vút vào một phòng học của trường Trần Thượng Xuyên. Thủy kêu :

- Con quỷ nhỏ, đánh gì dữ vậy ?

Đoạn, nhỏ chạy vào phòng học nọ tìm trái cầu. May mà là phòng nữ sinh bên ấy, chứ phòng nam sinh thì không biết phải tính sao ? Hồng và con cũng chạy lại. Trái cầu đang ở trong tay một cô nhỏ. Con ngước nhìn tấm bảng treo nơi cửa lớp : 10A. Thủy cười ngoại giao :

- Cho chị xin lại trái cầu đi cưng.

Tưởng những lời dễ thương đó có hiệu quả, dè đâu cô nhỏ lớp mười trường bạn bỗng xí lên một tiếng :

- Xí ! Ai chị ai ? Ai cưng ai ?

Ba đứa con ngạc nhiên chút xíu mới hiểu ra. Cô nhỏ tuy mới học lớp 10 nhưng khá lớn con, còn Thủy, ngồi 12, cô tú đơn rồi chứ bộ, lại kém vóc. Nhỏ con mà xưng chị, gọi người ta là cưng thì quả là… xí xọn.

Dù biết thế, Thủy vẫn giữ nụ cười xã giao :

- Chị học lớp 12 Ngô Quyền đó cưng.

Một cô nhỏ khác bạn cùng lớp với cô nhỏ giữ trái cầu, hơi trề môi rồi hát theo điệu “học sinh là người tổ quốc mong cho mai sau !” :

- Học sinh Ngô Quyền mập ú như con heo quay…

Hồng hỏi nhỏ bên tai con :

- Còn học sinh Trần Thượng Xuyên thì sao mày ?

Con đáp :

- Vừa điên vừa khùng.

Rồi hai đứa cùng cười khúc khích. Thủy làm mặt tỉnh :

- Ừ, thì cứ cho là mập ú như heo quay đi. Thế mấy cưng có chịu cho “con heo quay” này xin lại trái cầu không ?

Hai cô nhỏ lớp 10 nhìn nhau rồi cùng cười. Cô nhỏ giữ trái cầu chìa trái cầu ra nói :

- Nè ! Trả heo ốm !

Thủy bắt chước mấy gã nam sinh, chào quân sự hai cô nhỏ một phát rồi quay sang Hồng và con nói :

- Về sân Ngô Quyền chơi, không thèm chơi ké sân Trần Thượng Xuyên vừa điên vừa khùng nữa. Không khéo có ngày lại vào Dưỡng trí viện mất. A lê, một, hai, ba, bốn…

Cả ba đứa vừa đi vừa ngoái lại nhìn hai cô nhỏ bên Trần Thượng Xuyên cười trêu.

Sân Ngô Quyền đầy nghẹt học sinh. Hai ba đám đánh vợt chia nhau những khoảng trống. Thủy chống vợt xuống đất khẽ lắc đầu nói :

- Thôi, tụi mình nghỉ chơi.

Hồng rủ :

- Uống nước không ?

Con hỏi :

- Mầy bao ?

Hồng cười gật đầu nói “chứ sao”, rồi ba đứa cùng hướng về góc trường, nơi quán nước đang nhộn nhịp. Thầy từ phía cư xá giáo sư hướng về đằng văn phòng. Thủy khoanh tay ra điệu :

- Chào thầy ạ.

Thầy cười đáp rồi bước vội.

“Chưa tới giờ vào học mà thầy”. Hồng nói khẽ rồi quay gọi nước cho ba đứa. Sân trường thật nhộn. Buổi nữ sinh, toàn những tà áo trắng, thỉnh thoảng xen lẫn vài nam sinh với quần xanh, áo trắng ngắn tay lạc lõng thuộc vài lớp vừa nam vừa nữ Mấy cô nhỏ lớp 6, lớp 7 đuổi bắt nhau với những tiếng cười thật ròn khiến con nhớ lại những ngày còn nhỏ. Dạo ấy, Ngô Quyền khác hẳn bây giờ. Trường mới chỉ có hai dãy lầu song song. Thư viện bây giờ là nhà để xe hồi đó. Dãy lầu mới bây giờ là khu đất trống, nơi thỉnh thoảng tụi con lại phải ra làm cỏ công tác hiệu đoàn mà. Có đến hai, ba năm, những bồn bông vẫn là nơi tụi con đuổi bướm, những tàn dương vẫn là nơi tụi con kiệu nhau ngắt lá, bứt từng lóng rồi ráp lại, đố nhau. Trường thu thêm học sinh vào lớp 6, phòng học phải xây thêm. Và bây giờ, gần hai mươi lớp ngày xưa đã lên đến gần sáu mươi lớp với trên dưới ba ngàn học sinh nam nữ. Trường bây giờ chật chội, nhiều lúc, con có cảm tưởng như trên mảnh đất nhỏ hẹp của nhà trường, càng ngày, người ta càng úp lên thêm những cái hộp những phòng học mới xây cất.

Thủy gọi con :

- Nước nè, uống đi. Nghĩ ngợi gì vậy ? Nhớ chàng nào rồi phải không ? Thú thật đi rồi tao làm mai cho.

Con tiếp ly nước, một tay với tới ngắt Thủy một cái thật đau :

- Giỏi nói bậy đi con quỷ.

Thủy ái ái kêu đau nhưng lại cười. Nhỏ khuấy muỗng, những tiếng lách cách vang rộn rã. Hồng nói với con :

- Năm nay con Thủy ra đó Trân à.

- Gì ?

- Ban điều hành học sinh.

Thủy hất mặt :

- Được không mày ?

Con hỏi :

- Mày ra trong liên danh duy nhất phải không ?

Thủy lắc đầu :

- Không. Có hai liên danh tranh nhau. Việc hợp tác bất thành rồi.

Con nhớ lại lới thầy. Ở tuổi học trò, các con chẳng nên tranh giành nhau làm gì. Nhưng thầy ơi ! Thầy nghĩ thế nhưng người ta vẫn tập cho chúng con tranh nhau từng lá phiếu, tập cho chúng con nói xấu nhau, tập cho chúng con những đòn phép người lớn. Biết sao bây giờ thầy ? Ban điều hành của ba ngàn học sinh đủ thành phần chứ đâu phải chỉ có con, có Hồng, có Thủy, có Quỳnh…

Con nhỏ giọng :

- Thầy biết chuyện chưa ?

- Rồi.

- Thầy có nói gì không ?

- Thầy chỉ chép miệng. Thầy có nhắc tới mày.

- Tao sao ?

- Thầy dặn tụi tao có làm gì thì làm, tụi tao đã có cái phần nhất và sức học khá làm vốn rồi, còn mày, thầy muốn tụi tao sẽ không rủ mày cùng hoạt động…

- Nhưng mày nghĩ sao Trân ?

Hồng hỏi rồi sau đó một giây, nhỏ nói tiếp :

- Tao nghĩ rằng mày sẽ không bỏ mặc con Thủy.

Thủy tiếp :

- Liên danh tao rất cần đến mày. Mày có tài ăn nói, sẽ là cổ động viên đắc lực cho liên danh tao, nhất là ở các lớp đệ nhất cấp. Dĩ nhiên, tao chỉ xin mày góp sức trong giai đoạn vận động này mà thôi. Sau đó, tao hứa sẽ để mày yên trí học tập cho đúng với ý mong của thầy. Mày nghĩ sao Trân? Có thể giúp tao được chứ ?

Con ngồi yên lặng không đáp. Hồng nói :

- Tao hiểu mày đang đắn đo. Mày không muốn làm trái lời hứa với thầy Bằng và anh mày, nhưng tao chắc chắn, mày cũng không muốn để tụi tao, nhất là Thủy, phải thất vọng.

Hồng nói rất đúng. Không hoạt động, con bồn chồn không yên. Thủy ra tranh cử dù thế nào đi nữa, con cũng thấy là mình cần giúp bạn. Nhưng…

Tiếng Thủy cứ vẳng bên tai con, nào liên danh nhỏ gồm những ai, nhỏ đảm nhận chức vụ gì trong đó… Những cái tên quen thuộc của một số bạn bè đã hoạt động chung năm ngoái chừng như không thấu nhập được vào trí óc con, chừng như có một hàng rào ngăn cản…

Chuông vào học reo vang. Hồng gom ba cái ly trả chủ quán. Thủy đứng dậy cùng con. Nhỏ nói :

- Mày nghĩ kỹ đi nghe. Xem có thể giúp tao được không. Tao hy vọng là mày sẽ nhận lời.

Chúng con chia tay. Con bước chầm chậm về phía lớp học. Có tiếng chân chạy xầm xập của mấy cô nhỏ nghịch ngợm. Con thấy những lá phiếu giơ cao bỏ vào thùng thăm. Có nụ cười trên môi Thủy hay cái nhăn mặt của bạn ? Con biết tính sao bây giờ, thầy ơi ?

*

Thầy đập thước, lớp vẫn ồn ào. Phương, nhỏ trưởng lớp ngoái ra sau nạt :

- Im dùm chút coi tụi bây, thầy phạt cả lớp bây giờ.

Vẫn không cản được sự ồn ào. Những tràng pháo tay hay những tiếng la ó từ lớp bên cạnh thỉnh thoảng lại vang lên gây ra tình trạng nhốn nháo trong lớp. Có lẽ không lâu lắm, đại diện hai liên danh tranh cử sẽ sang lớp con để vận động. Thầy lại đập thước. Và trong cái ồn ào bướng bỉnh thầy lật sổ điểm :

- Vũ Thúy Lan !

Nhỏ Lan đứng lên trong sự im lặng đột ngột của cả lớp. Thầy nói :

- Đem tập Grammaire lên trả bài.

Nhỏ Lan nhăn mặt đau khổ. Có lẽ nhỏ thầm trách cả lớp gây ồn ào để nhỏ trở thành nạn nhân. Cả lớp học im phăng phắc. Thầy đón lấy tập của nhỏ Lan, nhưng để nhỏ đứng nguyên trước bàn, chưa hỏi bài vội. Thầy hướng xuống dưới lớp nói :

- Các chị làm phiền tôi hết sức. Chừng nào người ta đến, tôi cho các chị tự do mà. Tôi có cấm đâu. Bài học chỉ còn một đoạn ngắn cuối cùng mà các chị cũng không cho tôi dạy nốt. Các chị chê môn Pháp văn sinh ngữ 2 này hệ số nhỏ chắc ? Tôi đã nói từ đầu năm, chị nào không muốn học giờ này thì cứ nghỉ, tôi không phạt.

Thầy không dùng tiếng các con êm dịu như mọi khi, mà nhấn mạnh tiếng các chị. Ngồi dưới lớp, chẳng cần đứa nào giải thích, chúng con tất cả cùng ngầm hiểu thầy đang giận. Tự nhiên có những cánh tay khoanh lại ngoan ngoãn. Một vài nhỏ cúi đầu không dám nhìn lên. Phương nhìn quanh lớp rồi đứng lên :

- Thưa thầy, con thay mặt các bạn xin thầy tha lỗi cho chúng con.

Thầy cúi xuống xem tập của nhỏ Lan mà không đáp. Phương ấp úng :

- Thưa thầy…

Có tiếng gõ cửa. Chúng con nhìn ra cả phía hành lang. Nơi đó, lố nhố cả chục người. Thầy trả tập vở lại cho nhỏ Lan, nói :

- Thôi, cho con về chỗ.

Nhỏ Lan mừng hơn bắt được vàng, vội vã trở về. Thầy ra trước cửa lớp, tiếp chuyện với giáo sư hướng dẫn hai liên danh. Họ lục tục kéo cả vào. Thầy trao lớp học cho giáo sư hướng dẫn rồi ra ngoài hành lang đứng. Trong những lời giới thiệu của vị giáo sư hướng dẫn, con nghe tiếng diêm quẹt xòe lên, rồi thấy làn khói thuốc phảng phất ngoài hành lang. Con nhớ lại lời kể của thầy ngày nào. Thầy bị yếu phổi, bác sĩ khuyên không nên hút thuốc, thầy nghe theo lời khuyên nhưng thường khi buồn quá, thầy lại cãi lời khuyên đó. Thầy hút thuốc. Điều đó khiến con hiểu là thầy đang buồn. Có điều, không hiểu thầy buồn lớp chúng con ồn ào trong giờ học hay buồn vì sự tranh đua của hai liên danh học sinh ứng cử ban điều hành trường ?

Hai liên danh có hai người đại diện lên trình bày lập trường của mình. Trong hai người ấy, Thủy là một – mà đáng lẽ, vai trò của Thủy là của con. Thủy nói trơn tru và duyên dáng. Nhưng những tiếng vỗ tay cũng chỉ vang lên rời rạc và ngắn ngủi như sau khi đại diện của liên danh kia dứt lời. Cả lớp chúng con còn lòng dạ nào nữa, chúng con còn đang mắc nợ thầy một cái lỗi mà chúng con xin chưa được. Chúng con vỗ tay vì lịch sự tối thiểu thế thôi. Trong sự tẻ nhạt lan tràn khắp lớp, nhóm vận động từ giã để sang lớp kế bên. Chúng con vỗ tay đưa tiễn, vẫn thưa và ngắn. Những người kia ra khỏi lớp túm đầu nhau thì thào, có lẽ ngạc nhiên về thái độ thờ ơ của lớp con đối với họ.

Thầy bước vào lớp. Bốn mươi mấy đứa học trò im lặng như tờ. Tiếng lật tập của nhỏ nào đó vang lên rõ mồn một. Phương lại đứng lên :

- Thưa thầy, chúng con…

Thầy đang bước chầm chậm bỗng đứng lại. Thầy khoác tay ra dấu bảo Phương im lặng. Thầy nhìn chúng con một lượt. Bốn mươi mấy đứa cùng hồi hộp vô chừng. Rồi thầy chợt mỉm cười. Chúng con thở phào nhẹ nhõm. Thầy đã tha thứ cho chúng con. Thầy nói :

- Các con lật sách ra, mình học tiếp đoạn cuối.

Tiếng lật sách, tập vang lên. Cuốn Mauger chừng tươi hẳn lên, hòa đồng niềm vui vừa len nhẹ hồn con. Thầy đi xuống giữa lớp, bắt đầu lên tiếng giảng. Nét mặt thầy rạng tươi hẳn. Tươi như lúc thầy hỏi con : “Con có đi vận động cho liên danh Thủy không ?” Và con đáp : “Thưa thầy không, con đã hứa với thầy, với anh An con rồi”.

*

Chỉ kém vài trăm phiếu, liên danh của Thủy đành chịu thua liên danh kia, liên danh mà lúc đầu, ai cũng tưởng sẽ thua xa. Họ đã đạt thắng lợi nhờ số phiếu ủng hộ của các lớp đệ nhất cấp trong khi liên danh của Thủy chỉ được các lớp đệ nhị cấp, ít hơn, tín nhiệm. Học sinh truyền miệng nhau và chỉ trong một buổi, toàn trường đã biết kết quả dù rằng thông cáo chính thức chưa được loan báo.

Thủy rươm rướm nước mắt, cắn môi không nói một lời nào. Nét nhí nhảnh thường ngày không còn tìm được nơi nhỏ nữa. Thật lâu, nhỏ mới nói với con :

- Tụi tao sẽ bất hợp tác.

- Sao trong lúc vận động, hai liên danh cùng hứa là dù thắng hay thua, hai liên danh vẫn làm việc chung với nhau.

Thủy nhếch mép :

- Nói để mà nói thế chứ nếu đoàn kết được thì đã không có hai liên danh.

Nắng nhạt chậm. Sân trường vắng vẻ với vài ba tà áo trắng nhởn nhơ. Giờ học thứ năm buổi chiều vẫn thế. Giáo sư, học sinh sau bốn tiếng đầu chừng như muốn kiệt sức. Thầy Giám Thị cũng lười bấm chuông. Ngoài cổng trường, trên mặt đường, đầu con dốc nhỏ, còn vài ba học sinh đón xe trễ đứng xúm lại chuyện trò. Con từ giã Thủy :

- Tao về trước nghe.

Thủy gật đầu nhẹ. Con ái ngại :

- Mầy có trách gì tao không ?

Thủy lắc đầu rồi đi thẳng. Chuông báo hiệu đã đến giờ học thứ năm vang lên. Một cơn gió tạt qua, tà áo của Thủy tung lên, dáng nhỏ gầy gầy xiêu vẹo. Con nghĩ đến ý nghĩ mấy ngày nay. Con có trách nhiệm trong việc thất cử của liên danh Thủy chứ ? Con đối với bạn như thế mà đành lòng được sao ? Không giúp gì cho bạn, cũng không cả những lời rỉ tai bạn cùng lớp. Hồng nói với con :

- Mày xấu lắm. Trước khi đến lớp mày, Thủy nó tin chắc liên danh nó sẽ được lớp mày ủng hộ, thế mà không ngờ…

Không lẽ con đem chuyện chúng con làm thầy buồn hôm đó ra để biện hộ. Dù sao đi nữa, mọi chuyện cũng đã xong xuôi. Con cũng đã ân hận.

Con bước lần lên con dốc, con dốc mà hôm nào, trong một câu chuyện, Vượng gọi là con dốc thủy chung của ngôi trường đã quá nhiều thay đổi. Tiếng phản lực cơ từ đằng phi trường thật xa gầm gừ. Con đứng nơi lưng chừng dốc nhìn vào sân trường. Trong đó thật vắng vẻ. Nhưng trong một lớp học, có Thủy ngồi đó, không biết nhỏ có dồn được gì vào tâm trí sau những giờ mệt mỏi và khi nỗi buồn xâm chiếm ? Có điều, chắc chắn, vương vấn trong cái quạnh hiu của ngôi trường đáng mến, có niềm ân hận của con.

V

 

Khi cơn mưa chiều đổ ập xuống, trời tối sầm lại. Nhà đèn lại cúp điện khiến nơi bàn thờ gia tiên gia đình con, ánh sáng ngọn đèn dầu nhỏ thật lung linh, mờ ảo. Nhưng cũng tốt. Càng tăng thêm vẻ trang nghiêm cho buổi lễ.

Mọi người trong thân tộc đã về đông đủ. Hai bà cô, một ông chú cùng gia đình. Mười mấy người vừa lớn, vừa nhỏ xúm xít nhau vừa làm việc, vừa chuyện trò thật vui vẻ. Con thấy lòng rộn lên niềm sung sướng trong cảnh sum họp này, buổi họp mặt gia đình đông đủ nhất trong năm : ngày giỗ nội con. Ba con là trưởng nam, do đó, anh An là cháu đích tôn. Cả hai người hôm nay cùng thật bận rộn. Anh An thì hết bà cô rồi ông chú hỏi han này nọ. Ở trên Sàigòn ra sao ? Sống được chứ ? Có cực lắm không ? Đi học bằng xe gì ? Trường học chắc lớn bộn ? Anh tíu tít mà trả lời.

Tiếng mưa rơi ào ào đập mạnh trên mái ngói. Thỉnh thoảng là tiếng sấm, ánh chớp lóe lên. Lúc còn sống, ông nội con rất thích món chả giò, cho nên, không ngày giỗ nào thiếu món này cả. Con ngồi cuốn chả giò với hai đứa em con ông chú. Đứa con gái luôn miệng chuyện trò trong lúc thằng con trai lúc nào như cũng muốn gây hấn. Dưới bếp, tiếng dao chặt thịt lụp cụp trên thớt. Tiếng má con thỉnh thoảng vang lên. Đôi lúc là tiếng cười của bà cô.

Ba con lo coi sóc bàn thờ. Ba tìm quanh quất một chút rồi hỏi anh An con :

- Có đứa nào mua xị đế chưa ?

- Có lẽ chưa đâu ba.

- Trời mưa lớn quá. Mà thiếu món đó thì không thể được rồi, ông nội mày mà quở thì làm ăn có nước mạt.

- Để con khoác áo mưa đi mua cho, ba.

- Thôi, ướt hết quần áo, chút còn lễ nội.

Con chen vào :

- Để con đi được rồi ba.

Ba con gật đầu :

- Phải đó, con Trân lấy áo đi mua đi con.

Anh An ngồi xuống chỗ con :

- Rồi, đi thì đi đi, để tao cuốn chả giò cho.

Con ra khỏi nhà đúng lúc mưa ào mạnh. Vài giọt nước mưa đập vào mặt con nghe rát. Một luồng gió mạnh tạt ngang làm con rùng mình. Con hình dung ra quang cảnh lớp học giờ này. Trời mưa, chắc thế nào thầy cũng cho lớp nghỉ. Thầy già rồi, nói lớn không được mà cơn mưa thì lại quá ồn ào. Không biết thầy có ngồi hút thuốc chắc không, vì con nghĩ là thầy đã hết buồn trước kết quả chia rẽ giữa các học sinh thuộc hai liên danh tranh cử Hay là thầy xuống dưới lớp, chuyện trò với nhỏ nào đó. Trời mưa xem ra cũng dễ gây thân mật, ấm cúng…

Từ nhà con ra đến tiệm tạp hóa khá xa, trời lại mưa lớn, đường trong ngõ trơn trợt, khó đi. Lúc con mua rượu về thì mọi việc đã gần xong xuôi. Đĩa chả giò mới chiên còn bốc khói, những món khác cũng vậy, nóng hổi. Anh An đón con từ trước cửa :

- Sao lâu vậy ?

- Trời mưa, đường trơn quá, anh à.

- Thôi vào thay đồ đi rồi ra lễ nội.

- Anh lễ nội chưa ?

- Sắp rồi…

Con đứng nơi mép cửa buồng trong, nhìn anh An xì xụp lễ. Cái áo dài the anh mặc làm con muốn mỉm cười khi nghĩ đến hình ảnh ông lý, ông xã ngày xưa. Mỗi lần anh mặc áo dài, con hay trêu “trông anh chẳng khác nào chú rể”. Rồi cười hóm hỉnh nói như tự hỏi : “Nhưng không hiểu chị ấy có chịu mặc đồ xưa không kìa ?”. Mặt anh An cứ đỏ au lên như những lần bị ép rượu. Chị ấy. Chị ấy. Chị nào ? Anh An con đã mười chín rồi, cái tuổi mà thầy vẫn nói “ghê gớm lắm”. Riêng con, con vẫn chưa thấy cái “ghê gớm” của anh con bao giờ cả. Ngay từ thuở nhỏ, con đã thấy anh con như bị một cái gì quyến rũ lắm. Và chính cái đó đã khiến anh con làm ngơ mọi chuyện. Cái lý tưởng – có lẽ chính là lý tưởng của anh ra sao ? Cho đến bây giờ, con vẫn chưa hiểu rõ. Nhưng con nghĩ rằng chính vì nhắm đến con đường sẽ đi mà suốt mấy năm liền ở bậc trung học, anh hăng say hoạt động như để tự đào luyện khả năng và tìm thêm kinh nghiệm. Chị ấy. Tự nhiên con nghĩ đến mấy nhỏ bạn, nhất là Thủy và những vụ cáp đôi. Anh An con vẫn như một người Ăng Lê chính hiệu…

- Con Trân đâu rồi ?

Con giật mình, dạ to một tiếng. Má con đưa trăm bạc ra :

- Chạy ra ngoài ngõ mua ít đậu phọng rang để chút nữa ba với chú mày nhậu coi.

- Má để con ra ngoài lễ nội chút rồi con đi liền.

- Không, đi ngay.

Con đón lấy tờ giấy trăm với ánh mắt đầu hàng. Anh An con đã lễ xong và nơi bàn thờ, bà cô đang xì xụp lạy. Anh hỏi má :

- Gì đó má ?

- Đâu có gì. Tao sai con Trân đi mua ít đồ.

- Má cho nó lên vái ông nội mấy cái rồi đi…

- Con gái mà cần gì con. Rồi nay mai xách gói theo người ta chớ có ở nhà hoài đâu.

- Má kỳ quá.

Rồi anh quay sang con :

- Thôi Trân, nghe lời má đi, chạy ù đi mua rồi về lễ.

Con khoác áo mưa ra đi. Và cố đi cho nhanh. Nhưng lúc vừa quay vào ngõ, con nghe tiếng xe gắn máy trờ tới rồi có tiếng hỏi :

- Cô ơi, cho tôi hỏi thăm…

Con nhận ra người ngồi trên xe gắn máy :

- Kìa, anh Vượng.

Vượng có vẻ mừng rỡ :

- May quá, gặp cô Trân ở đây rồi. An nó mời tôi tới dự đám giỗ mà chỉ đường không rành làm tôi kiếm nãy giờ muốn hụt hơi luôn…

Con nói :

- Vậy thì anh dắt xe theo Trân về nhà luôn nghe.

Tiếng Vượng trong tiếng mưa :

- Cám ơn cô.

Về đến nhà, anh An con reo lên :

- Thằng quỷ, tới giờ này mới thấy mày tới.

Vượng chào mọi người rồi quay sang phân bua với anh con :

- Mày chỉ đường điệu đó thì chết người ta rồi. Quẹo ngõ trái tìm căn nhà có nhiều người tụ họp. Mầy có biết đường này về bên trái có mấy cái ngõ không ?

Không muốn phiền người lớn, con vào trong nhà thay đồ để sửa soạn ra lễ nội. Nhưng lúc con ra đến nơi, má con đã đang dọn mâm đồ ăn nơi bàn thờ. Con đứng sững, má con nhìn con rồi cúi xuống tiếp tục công việc. Con nói :

- Để con lễ nội một chút, má.

Má con vừa bưng mâm đồ ăn đi, vừa nói :

- Thôi, bỏ đi, lễ với lộc gì. Lo phụ tao dọn đồ…

Con rưng rưng nước mắt. Má con quay trở lại, thấy con vẫn đứng chỗ cũ, má con la :

- Rồi bây giờ mày đứng đó mà khóc đó phải không ?

Con đành nuốt lệ làm việc. Bữa ăn đó, con không sao nuốt được. Con nghe hồn trống rỗng. Con nghe buồn nản vô cùng. Con vào phòng nằm vật xuống giường, con nức nở khóc vì tủi thân quá.

*

Để rồi sau đó, con hiểu hết mọi chuyện. Con hiểu vì sao ba má con đối xử với con quá lạnh nhạt. Con hiểu vì sao con như cái gai trước mắt má con. Có lẽ suốt đời con, sẽ không bao giờ con quên được mẩu đối thoại giữa má con và anh An con lúc con giật mình tỉnh giấc. Anh An con :

- Má thiệt kỳ, má làm nó tủi thân rồi đó.

- Tủi thân thì mặc kệ nó chứ.

- Má bất công quá, mất mát gì mấy cái vái.

- Mầy thì lúc nào cũng bênh vực nó.

- Con thấy nó khổ, con không đành lòng.

- Mầy nói mà không chịu nghĩ. Đành lòng gì ? Máu mủ gì với tao ? Huyết thống gì cái thứ con hoang ấy ?

*

Con thấy mình đã mất tất cả. Mất hết với cái gật đầu xác nhận của anh An : “Năm tao lên hai thì ba có vợ bé. Má biết được làm lớn chuyện nên dì ấy phải bỏ đi và đến nay không ai nghe tin tức gì cả. Đứa con gái của dì ấy với ba là mày…”

Bầu không gian chợt rạn vỡ, bắn tung thật nhiều lửa thiêu đốt hồn con. Nhưng đồng thời, những tia lửa ấy cũng soi sáng những thắc mắc thân phận con bấy lâu nay. Thầy ơi, Nguyễn Huyền Trân, học trò của thầy là một đứa con vô phước. Vô cùng vô phước !

___________________________________________________________________________
Xem tiếp PHẦN THỨ HAI



oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>