Thứ Năm, 7 tháng 5, 2015

PHẦN THỨ BA_CON DỐC CỔNG TRƯỜNG


Phần Thứ Ba

Anh An quý mến


 

- Thưa ông Hiệu trưởng, đây là hai anh An và Vượng mà tôi có thưa trước với ông Hiệu trưởng.

Ông Hiệu trưởng mời ba người khách ngồi. Ông có vẻ chậm rãi, bình tĩnh, khiến người đối diện phải đâm ra lo ngại. Thầy Bằng nói :

- Hôm trước, tôi có chuyển đơn xin của hai anh cựu học sinh này lên ông Hiệu trưởng, chắc ông Hiệu trưởng đã đọc.

Vị giáo sư trung niên, đôi kính trắng trễ trên sống mũi, gật đầu rồi trong cái chậm rãi cố hữu, thong thả nói :

- Hai anh có làm đơn xin mở một buổi nói chuyện với học sinh đàn em về Đại học. Tôi đã đọc kỹ. Ý kiến của hai anh rất hay, đáng khen ngợi. Chính tôi cũng có ý đó nhưng chưa thực hiện được. Tôi biết hai anh đã liên kết được một số sinh viên, vốn là cựu học sinh trường này, để lập ban thuyết trình. Tôi cũng biết các anh đã xin phép các giáo sư dạy các lớp 12 vào buổi sáng ngày nói chuyện. Công trình hơn hết là các anh đã nhờ được thầy Bằng đây, hiện đang nằm trên giường bệnh, chịu bỏ công tới đây giới thiệu. Tuy nhiên, có những điều này tôi muốn nói : thứ nhất là cựu học sinh các anh có một Hội Ái Hữu, tại sao Hội Ái Hữu không đứng ra lo vụ này mà là do một số các anh tự động làm. Nếu tôi cho phép các anh, tôi có làm mích lòng Ban chấp hành Hội Ái Hữu không ? Thứ nhì là lấy gì để bảo đảm rằng các anh chỉ nói chuyện học thuần túy mà không dùng diễn đàn để xách động chuyện này, chuyện nọ ?

Em đứng nơi hành lang, hồi hộp đợi kết quả. Anh, rồi Vượng, rồi cuối cùng thầy Bằng, vị giáo sư già kính yêu của chúng ta, lần lượt thuyết phục ông Hiệu trưởng, nhưng kết quả là cái lắc đầu chắc nịch. Khi cả ba rời khỏi văn phòng Hiệu trưởng, em tiến lại, không hỏi gì vì đã nghe tất cả, anh cũng không nói gì có lẽ nghĩ rằng em đã hiểu. Anh nói với thầy Bằng :

- Thầy để con đưa về nhà nghỉ.

Thầy Bằng lắc đầu :

- Con ra quốc lộ đón xe dùm thầy, thầy về một mình được rồi. Con cần ở lại để bàn tính với Vượng về việc cáo lỗi các bạn trong ban thuyết trình mà các con đã mời.

- Thầy về một mình con không yên tâm. Hay là để em Trân…

- Nó còn hai giờ học sau.

- Vâng, để con đón xe cho thầy.

Thầy Bằng về rồi, anh trở lại chỗ em và Vượng đứng đợi với nụ cười gượng và câu nói an ủi :

- Mình đã hết sức nhưng không thành, đành chịu chứ biết sao bây giờ.

Vượng có vẻ bực tức :

- Thầy hiệu trưởng nhát như cáy.

- Đừng hỗn. Thầy Hiệu Trưởng có lý của thầy ấy. Còn một cái lý nữa mà tao ngờ mới là lý do chính, nhưng thầy không nói ra.

- Vì mày thuộc thành phần đòi canh cải nhà trường trong năm vừa qua chứ gì ?

- Tao nghĩ thế nên không buồn gì cả. Bị từ chối là lẽ đương nhiên. Năm vừa qua, tao đã làm thầy ấy nhiều phen khó chịu, bây giờ là hậu quả…

- Hay là mình nhờ đến Hội Ái Hữu cựu học sinh ?

- Tao không tin họ giúp mình. Việc hay nhất bây giờ là mình đi gặp các bạn đã mời để xin lỗi dời lại một ngày khác thuận tiện hơn…

Vượng chua chát :

- Một ngày không bao giờ có !

Từ xa, Thủy hối hả chạy lại.

- Sao các anh ? Được phép rồi chứ. Thủy đã thông báo cho các bạn cùng lớp biết tin, họ rất hân hoan vì đứa nào cũng muốn biết sơ qua về đại học, nơi mà tất cả sắp bước chân lên…

Em nói với bạn :

- Không thành rồi Thủy à.

Thủy tròn mắt. Vượng nói :

- Cho chúng tôi gởi lời cáo lỗi các bạn Thủy. Thực tâm chúng tôi rất muốn làm việc xây dựng, nhưng thiện chí của chúng tôi bị hoài nghi…

Anh và Vượng ra về. Tiếng xe gắn máy của Vượng gầm lên dữ dội như tức giận. Ngang con dốc cổng trường, chiếc xe tắt máy. Em chợt nghĩ, con dốc là biểu trưng cho những trở ngại đó chắc ?

Thủy hỏi em :

- Bộ thầy Bằng không đi cùng sao mà ông Hiệu trưởng không chấp thuận ?

- Sao không. Dù đang bệnh nặng, thầy cũng bỏ công đến trường nói giúp. Nhưng hoài công.

- Tao bắt đầu chán nản những hoạt động nhà trường. Sau Đại nhạc hội, tao cũng nghe Định tâm sự tương tự…

- Chuyến này không về trường được, anh tao có vẻ bực mình lắm.

- Nhưng tao tin rằng anh An không nản.

- Tao cũng nghĩ như thế.

Hai đứa nói chuyện đến khi chuông vào lớp reo vang. Em trở lại lớp học với ý định dứt khoát đã cùng bàn với Thủy : thôi, từ nay gác bỏ mọi sinh hoạt để lo cho việc học. Không còn bao lâu nữa, tới kỳ thi rồi còn gì. Đã chắc chắn rằng năm nay là năm cuối còn tổ chức thi tú tài phần nhất. Dù với giá nào, em cũng phải thi đậu. Anh An ! Anh tin rằng em sẽ đậu chứ ?


II 

 

Tuần này trông anh gầy hẳn. Ba má lo lắng hỏi anh có bệnh hoạn gì không ? Anh lắc đầu đáp rằng anh vẫn mạnh. Ba không tin, nhất định bắt anh đi bác sĩ khám bệnh. Bác sĩ nói anh không có bệnh gì cả, chỉ hơi phí sức. Ba má hỏi anh làm gì trên Sàigòn ngoài những thì giờ đến trường học. Anh giấu nhưng rồi rốt cuộc, anh cũng nói thật : hơn tuần lễ nay, anh cùng một số bạn thiện chí đi công tác cứu trợ đồng bào chiến nạn ở Bình Dương.

Ba phản đối. Má bảo không thể được. Ba bảo con phải lo cho việc học trước đã. Má dặn con phải lo cho sức khỏe. Con vốn chẳng được mạnh gì cho lắm. Anh An ơi ! Nhưng em mừng vì anh đã tìm được một hoạt động mới. Hoạt động vì người là chất liệu tạo sự vui tươi trong anh, em hiểu rõ điều đó. Dịp trước, em đã hiểu lầm anh. Thì ra anh vẫn chưa hề nghĩ gì đến tình yêu. Anh xem Thủy như một đàn em không hơn không kém. Thủy đã khóc mà nói với em như thế. Nó nhìn anh như một gương mẫu, hơn nữa, như một nương tựa, tình cảm và cuộc đời. Mà anh đâu có biết, hay biết mà làm lơ.

Anh ngồi giữa mấy đứa nhóc và em, kể chuyện cứu trợ thật vui vẻ. Em có cảm tưởng anh là niềm vui, là trẻ thơ hơn là một thanh niên suy tư. Lý tưởng làm trẻ con người và làm con người trở thành cao ngạo với tình yêu ?

- Tụi bay biết không, bọn trẻ lóc nhóc cỡ tuổi tụi bay thiếu gì ở trại tạm cư. Bọn chúng rong chơi suốt ngày vì có muốn học cũng không có trường để học nữa.

- Tụi nó có dễ thương không anh hai ?

- Có đứa dễ thương mà cũng có đứa dễ ghét. Hôm đó, tao đi chia gạo cho một dãy nhà nọ. Tụi bay phải nhớ rằng gạo quý hơn vàng. Tao canh chừng những bịch gạo như giữ của. Bỗng một thằng nhỏ mách tao : “có đứa lấy của anh bịch gạo kìa”. Tao nhìn theo hướng tay nó chỉ nhưng không thấy gì. Tới lúc nghe tiếng cười của những đứa trẻ đứng bên tao mới biết là mình đã mắc mưu thằng nhỏ ranh mãnh : Chính nó đã làm tao sơ ý để đánh cắp bịch gạo chứ không ai lạ ! Một lúc sau, anh chàng trở lại bên tao cười hì hì, còn hỏi : “Em tài không anh ?”. Tao tức nghẹn mà đành tha cho nó.

- Còn những đứa dễ thương ?

- Có hai ba cô nhỏ mười, mười một ẵm em đi chơi, thường xin áo quần cho em mặc. Có lần tò mò, tao hỏi : “Tại sao em không xin cho chính em. Quần áo của em cũng cũ lắm rồi mà ?” Bấy giờ mấy cô nhỏ mới nhớ ra. Xem có cảm động không ?

Mấy đứa nhỏ con gái thích chí nói con gái dễ thương còn con trai lưu manh để chế nhạo hai đứa con trai. Cả bọn quay ra cãi cọ nhau mà quên hẳn rằng chúng đang nghe anh kể chuyện. Anh vô tư phân xử cho hai phe : bọn con gái nói đúng, con gái dễ thương hơn con trai. Nhưng, con trai làm việc giỏi hơn con gái, con gái chỉ chộn rộn gây phiền phức mà thôi.

Em chen vào :

- Em phản đối kết luận của anh đó nghe.

Anh cười cầu hòa :

- Đồng ý là tao có hơi quá khích, nhưng kết luận của tao có đúng phần nào chứ ?

- Thì chỉ phần nào thôi.

- Ờ, như vậy là tốt rồi.

Anh vẫn hay có lối nói như thế. Gài cho người đối diện công nhận rằng mình có lý rồi chấm dứt tranh luận. Rốt cuộc, có bao giờ anh thua. Anh độc đoán và hay ăn hiếp em lắm đó nghe.

- Trân à, chủ nhật tới, mày có rảnh không ?

- Rảnh, anh.

- Và Thủy, Hồng, Quỳnh ?

- Chắc cũng rảnh như em. Mà chi anh ?

- Anh định rủ cả bọn đi Bình Dương…

Em reo lên :

- Vào vườn trái cây picnic ?

- Sai bét rồi. Đưa các cô vào trại tạm cư để tiếp bọn tao một tay cứu trợ đồng bào chứ ở đó mà đi chơi…

- A…

- Mày bằng lòng chứ ?

Thì em có khác gì anh. Hoạt động là niềm vui. Huống hồ gì em đang thất vọng vì sự cản trở bọn trẻ làm việc của một số người lớn ù lì, cầu an.

- Mình sẽ xin phép gia đình đi Picnic để người lớn yên tâm. Chỉ lo là không đủ xe để đi.

- Quỳnh có chiếc xe gắn máy, nó chở Hồng, chỉ còn Thủy và em. Một đứa đi với anh, còn một…

- Phần Vượng.

- Anh Vượng cũng đi ?

- Chứ mày ngạc nhiên lắm ?

- Theo em biết, Vượng thích sống cho mình, thích học hơn là làm việc xã hội. Anh ta lý luận, học thành danh rồi phục vụ cũng chưa muộn.

- Đó cũng là một quan niệm tốt vậy !

- Nhưng em e rằng thời gian sẽ đốt tàn dần ý chí phục vụ. Ra trường rồi, anh ta sẽ chẳng làm được gì.

Anh mỉm cười bí mật nói với em :

- Bây giờ tao mới biết tại sao mầy không mấy có cảm tình với Vượng.

Em đỏ mặt :

- Em coi anh ta như anh vậy. Cảm tình gì ?

Anh lại cười, lấy trong túi ra một phong thư. Anh nói :

- Xin lỗi đã xem lén thư riêng của mày. Sự thể thế này, Vượng gởi cho thằng Chí lá thư này, bảo là trao lại cho tao. Nó đề ngoài bì thư : Thân gởi An và thêm hàng chữ “nhờ trao lại cô Trân” ở mặt sau. Thằng nhóc không đọc phía sau, xé bì thư lấy lá thư để sẵn nơi bàn học của tao như mọi lần trước, khi có ai gởi thư cho tao. Tao về, đọc lẫn trong chồng thư bạn bè gởi…

Em đón lấy lá thư, mặt đỏ hơn vì lo sợ Vượng viết gì liên hệ đến tình cảm thì thật phiền phức. Nhưng may, lá thư ngắn, chỉ vỏn vẹn mấy hàng : “Nghe Thủy nói cô bảo tôi thuộc thành phần ù lì. Trước đây thì quả có thế nhưng hiện tại, chắc cô đã thấy khác chứ ? Cũng nghe nói cô thích tranh luận lắm, nếu được, xin cô một buổi đối thoại để xem lý luận và thực tế ai hơn”.

Anh hỏi em :

- Thách thức kiểu võ hiệp phải không ?

Em đáp :

- Em sẽ cho anh ta biết tài tranh luận của em gái anh.

- Bao giờ ?

- Chủ nhật tới.

- Vào giữa lúc công tác ?

- Không, vào lúc nghỉ ngơi.

- Tao cho biết trước, ngày chủ nhật, công tác rất nhiều, sẽ không có thì giờ để mày nghỉ ngơi đâu. Ngay cả ăn trưa cũng vội vàng nữa đó. Nhưng đặt lại vấn đề cái đã. Mày định tranh luận gì với Vượng ?

- Em cả quyết rằng anh ta tham dự các công tác xã hội hay góp mặt trong sinh hoạt hiệu đoàn chỉ là sự tham dự và góp mặt vì tự ái chứ không phải tự thâm tâm…

- Nghĩa là mày không tin Vượng đã thay đổi lập trường ?

- Vâng.

- Vậy nếu tao nói rằng chính tao đã thuyết phục được Vượng, khiến anh ta thay đổi lập trường thì mày nghĩ sao ?

Anh An quý mến của em. Điều đó cách nay không lâu, em đã ngờ. Định, rồi Thủy, rồi Vượng. Những thành quả thuyết phục của anh đó. Em vẫn chưa thấy rõ được lý tưởng của anh. Lý tưởng vì người hay lý tưởng gieo hạt. Nhưng nếu là gieo hạt thì anh đáng trách lắm, anh quý mến. Anh gieo hạt cho người khác, cây mọc lên xanh tốt, người chủ cây quý nhớ ơn anh, muốn tỏ bày lòng biết ơn đó thì anh lạnh lùng, anh dửng dưng. Lý tưởng là làm rồi bỏ đi, không nhận sự đền đáp chăng ? Nếu như thế, em cho rằng lý tưởng đó thiếu thực tế. Nó sẽ tàn một ngày không xa. Nó sẽ úa mà anh không ngờ.

- Sao ? Còn muốn tranh luận với Vượng nữa thôi ?

- Nếu đúng như anh nói thì chắc em sẽ thua cuộc. Em rút lui trước…

- Để bắt đầu dành cho Vượng một chút cảm tình được chứ ?

- Anh này. Đừng trêu em…

Giọng anh trở nên trang trọng :

- Không, tao không trêu. Tao nghe nhiều người nói, mà chính tao cũng nhận thấy nơi Vượng nữa. Tao tin là nó đã để ý đến mày…

- Anh có quyền suy luận theo ý riêng anh…

- Không dễ gì thuyết phục một người đã có lập trường, quan niệm làm việc hẳn hòi như Vượng. Tao không tin mình đủ tài lật đổ con người cũ của Vượng. Tao chỉ là người ra tay cuối cùng, vào lúc con người nó đã rung rinh vì một mãnh lực khác… Tình cảm với mày…

- Em chưa hề nghĩ đến chuyện tình cảm…

- Ngoại cảnh bắt mày phải nghĩ.

- Còn phần anh ?

- Con trai mười chín, hai mươi còn trẻ quá. Tao đang đam mê hoạt động.

- Vượng có hơn tuổi anh đâu.

- Nó có quan niệm khác.

- Nhưng quan niệm đó con người hơn anh. Anh lý trí nhiều quá. Anh biết mà giả vờ không biết hay không biết thực sự rằng có một nhỏ bạn em…

Anh đứng lên lảng sang chuyện khác :

- Tao không muốn tranh luận với mày. Lúc khác rảnh, mình sẽ trở lại vấn đề. Bây giờ, tao phải tới nhà Vượng bàn về công việc tuần tới…

Anh An ơi, anh chạy trốn sự thật đó chăng ? Anh buộc em phải nhận sự thực rằng đã đến lúc em phải lưu ý đến tình cảm của Vượng, còn anh thì không. Anh ơi, em nghĩ chỉ có tình cảm mới giúp người ta thấy con đường người ta đi đúng là tươi đẹp, là đáng đi. Vượng đã thay đổi vì em. Thủy, rồi tới anh, nói với em như thế. Phải chi chính Vượng nói với em như thế?


III 

 

Vai trò của Vượng tại trại tạm cư quan trọng hơn em tưởng. Cảm ơn anh đã dàn xếp một chuyến đi làm giàu cho tình cảm của em dành cho Vượng. Anh không nói mà muốn sự thực nói cho em biết rằng Vượng quả đã không còn là con người ù lì ngày trước. Cái tên Trần Hưng Vượng trên tờ bích chương treo nơi văn phòng thực ra chỉ là một cái bàn nhỏ của đoàn công tác, với chức vụ Đoàn trưởng, không làm em chú ý. Những cái danh đôi khi chỉ là cái danh hão, vô thực. Nhưng sự bận rộn của Vượng, sự làm việc liên miên đến nỗi nhiều lúc, em tưởng chừng Vượng quên hẳn rằng hôm nay, có em, có Thủy, Hồng, Quỳnh cùng đi, khiến em nghĩ nhiều đến Vượng.

- An ơi ! Có một chiếc vận tải của bạn hàng chợ Thủ Đức đem phẩm vật cứu trợ tới, nhờ mình phân phát cho đồng bào tại các căn số 32, 33, 34 thuộc trại 2. Mày hướng dẫn một số bạn lo vụ đó dùm tao.

Anh đang đứng quẹt mồ hôi trán, vừa nuốt trôi ngụm nước mát, vừa gật đầu :

- Được, tao sẽ lo xong. Nhưng xin mày cho vài khúc bánh mì vừa làm vừa ăn. Một giờ trưa rồi còn gì nữa, mấy cô nhỏ chắc đã đói bụng…

Vượng như tỉnh giấc mơ :

- Chết mất, tao quên. ( quay sang bọn em ) Xin lỗi các cô nhé. Không có bữa ăn thịnh soạn để mời thì chớ, lại quên bẵng thì đáng phạt đòn. Sẽ có ngay cho mỗi cô một phần ăn trưa. Xin ăn xong rồi hãy đi công tác cũng được…

Rồi Vượng nhờ một chị bạn làm dùm mấy phần bánh mì, đoạn, bỏ đi công việc nào đó. Thủy nói:

- Anh Vượng như con vụ, quay tít thò lò.

Anh nói :

- Đâu phải chỉ hôm nay, mà suốt gần hai tuần lễ nay rồi. Ngày nào nó cũng chỉ dùng có một bữa tối. Anh em ai bảo sao cũng không nghe. Hôm nào đưa tận tay khúc bánh buổi trưa mới chịu ăn cho.

Quỳnh nói :

- Có nhiều người bề ngoài hiền lành mà làm việc không ngờ. Anh Vượng là một trường hợp…

Tự nhiên em thích những lời tán tụng Vượng. Đó là dấu hiệu của tình cảm bộc phát ? Thủy vừa ăn bánh, vừa nói :

- Chút nữa, ngoài mấy đứa Thủy ra còn những ai cùng công tác không anh ?

- Có lẽ không. Vượng đã dẫn đi một số. Anh Trung một số, anh Hạnh một số…

- Ở đây sống cực quá, hèn chi hai anh, anh nào cũng gầy hẳn đi.

- Nhưng mạnh và vui.

Buổi trưa, nắng hai giờ gắt, như lửa đốt, như than nung. Anh, đầu trần, áo ngắn tay, mồ hôi vã ra trên trán, làm cảnh sát giữ trật tự và kiểm soát việc phân phối phẩm vật. Anh la luôn miệng :

- Yêu cầu vào hàng ngay ngắn cho. Ai cũng có phần mà. Cầm phiếu đưa cho cô áo trắng, lấy một bịch gạo, một bó rau. Qua cô áo xanh lấy thêm chai nước tương, trái chanh, dúm ớt, cuối cùng, tới cô tóc bím chọn một bộ quần áo. Trời nắng, chịu khó thứ tự một chút đi bà con ơi. Cho mau xong còn nghỉ chớ…

Như là một anh chàng hoạt náo viên, như là một anh chàng bán hàng rong lắm miệng, anh nói, anh chạy tới chạy lui, anh lấy khăn tay thấm mồ hôi, nhưng luôn luôn, anh cười. Em phát gạo và rau mà tưởng như Vượng đang ở đâu đây. Chắc tại một nơi nào đó trong khu tạm cư, Vượng cũng như anh. Bỗng dưng em nghĩ đến hoàn cảnh riêng của mình. Sự khổ đau của em thật chẳng đáng so với sự khổ đau của đồng bào chiến nạn. Từng bịch gạo, từng mớ rau, từng trái ớt… Hạnh phúc là ở đó. Chứ đâu phải một chút khổ tâm riêng, nghĩ đến chuyện thoát ly, nghĩ đến chuyện oán trách. Đằng cuối, Thủy lựa quần áo. Chắc lúc này, Thủy mới thấy rằng những tranh giành trong các thủ tục lễ nghi Đại nhạc hội chẳng đáng gì, nếu không muốn nói là khôi hài, so với sự tranh giành từng miếng ăn, từng cái quần cái áo che thân, sau khi đã tranh giành cái sống với thần chết trong vùng lửa đạn.

Gần ba giờ trưa thì xong xuôi mọi việc. Bác Mười, người đàn bà có gương mặt choắt như mặt chuột, xem dữ tướng như đàn ông nhưng tốt bụng không ngờ, đã chuẩn bị sẵn một sô nước đá chanh.

- Uống mỗi cháu một ly cho bác Mười vui coi nào.

Thủy chỉ anh An :

- Bác phải cho anh kia hai ly mới đủ, nãy giờ anh ấy trình diễn hơi nhiều đó bác…

- Cậu An hả ? Ôi cậu này thì khỏi nói. Bác Mười đến đây là lần thứ tư rồi, bác Mười rõ cậu ấy hơn ai hết…

- Anh ta sao, bác Mười ? Quỳnh vừa uống vừa hỏi :

- Ăn uống như cọp !

Anh cười chống chế :

- Thì có ăn mới làm được chứ bác Mười !

Em giơ ca nước ngang miệng anh. Anh ực trọn ngụm. Em hỏi : “Bis chứ anh”. Anh gật đầu. Bác Mười lấy trong ca-bin xe ra một gói, giơ cao lên nói :

- Hôm nay, bác Mười có một món quà đặc biệt này cho các cháu.

Anh nói lớn :

- Xin bác cho cháu hai phần. Một gởi cho Vượng. Nó có nhờ cháu gởi lời hỏi thăm bác Mười.

Được người thiếu phụ hảo tâm gật đầu, anh lại gần đỡ lấy cái gói, mở ra : “Chao ơi ! Bánh chưng. Tuyệt”. Rồi anh lấy từng cái trao cho bọn em. Còn lại mấy cái, anh giữ cả sau khi điều đình : “Cho cháu đại diện các bạn nghe bác Mười ?”.

Chiếc xe chở phẩm vật rời khỏi địa điểm sau khi đổ cả bọn trở lại chỗ cũ. Vượng đứng đón sẵn, nói với anh :

- Mày đưa mấy cô ấy về. Tối nay có phái đoàn Tin Lành tới chiếu xi-nê và phát quà cho trẻ em trong trại tạm cư, tao phải ở lại… Đem chiếc gắn máy của tao về luôn…

Hồng chở Thủy, Quỳnh chở em, anh đi một mình. Ba chiếc gắn máy rời khỏi vị trí công tác với nhiều kỷ niệm luyến nhớ. Vượng nhắn :

- Tuần tới nếu vui, các cô lại lên đây giúp bọn tôi thì quý lắm.

Quỳnh bảo em :

- Dễ gì ba má tao cho đi.

- Tao cũng vậy. Chính anh An tao còn gặp khó khăn nữa là. May mà trường Đại học đã đóng cửa nghỉ hết.

- Phải chi Trung học cũng đóng cửa thì vui biết mấy, Trân há ?

Em cười. Quỳnh vốn là tay học chăm nhất lớp mà còn ham nghỉ. Có phải đời sống cùng cực của những người khốn khổ đã khiến những người an lành ở tỉnh thị có ý nghĩ quên mình ?

Khi về đến trước cổng nhà, Thủy mới nói nhỏ với em :

- Cái áo anh An đứt nút, mày đơm lại cho anh ấy.

Em chớp mắt cảm động. Nếu anh biết được chuyện này. Đâu dễ gì một người con gái lưu tâm đến một người con trai như thế.


IV 

 

Chị giúp việc nhà thầy Bằng đứng tần ngần trước cổng. Tiếng xe cộ, tiếng còi, tiếng máy cưa phía quốc lộ vang vang vào tận khu xóm. Em buông bút, chạy vội ra. Chị giúp việc lộ hẳn vẻ mừng rỡ :

- May quá, có cô ở nhà.

- Chuyện gì đó chị ?

- Thầy đau nặng lắm, sợ không qua khỏi. Thầy có nhờ tôi trao cho cô thơ này và bảo tôi đợi cô trả lời ngay.

Em hồi hộp mở lá thư không dán ra. Thầy Bằng viết vỏn vẹn mấy chữ : “Thầy cần gặp con gấp, chuyện hệ trọng”. Em nói với chị giúp việc :

- Chị đợi tôi chút xíu, tôi vào xin phép rồi đi ngay.

Má không khó khăn lắm khi em xin đến nhà thầy Bằng. Em bước nhanh vì nôn nóng muốn biết chuyện gì mà thầy Bằng nói là hệ trọng. Bệnh tình của thầy nguy ngập, thầy muốn nhắn nhủ gì đó thì phải. Chiếc xe lam chạy có lẽ nhanh mà em vẫn cảm thấy chậm. Cửa mở, chị giúp việc chỉ đẩy mạnh. Một mình em vào phòng thầy Bằng. Thật bất ngờ, có mặt anh nơi đó.

- Tao mới về tới tức thì.

Giọng thầy yếu ớt :

- Con đến đúng lúc lắm, Trân ạ.

Em hồi hộp hỏi :

- Thưa thầy, thầy nhắn con có chuyện hệ trọng.

Anh nói :

- Thầy cũng nhắn với con như thế. Em con đã đến, xin thầy cho chúng con cùng biết.

Thầy Bằng chống tay gượng ngồi dậy, lấy trong bóp ra một tấm hình mà nhìn phía sau, con biết là đã cũ. Thầy nói :

- Trân. Con hãy gọi thầy là bác. Bác ba của con.

- Thưa thầy, con không hiểu.

- Gia đình có ba anh em, người anh cả đã hy sinh trong một trận đánh, người thứ nhì là… bác, người con gái út là… má con. Má của Trân…

Mắt em nhòa lệ khi thầy Bằng đưa ra tấm hình một người thiếu phụ có lẽ chụp hồi trên hai mươi. Người thầy già bấy lâu vẫn hằng lưu tâm đến em, kể bằng một giọng chậm rãi :

- Má con gặp ba con khi bác còn dạy ở Bình Dương. Sinh con ra thì câu chuyện gặp trở ngại. Má con phải ẵm con về Bình Dương cầu cứu bác. Bác khuyên nên tìm cách dàn xếp cho êm thắm thì hơn. Ít lâu sau, má con trở lại có một mình, cho bác biết rằng con đã được ba con nhận nuôi. Bác muốn làm lớn chuyện, nhưng dằn được, đành nín thinh. Má con buôn bán tảo tần, sống đùm bọc với bác. Bác đổi về Biên Hòa dạy, má con không dám đi theo, nhất quyết ở lại Bình Dương. Cách đây năm năm, má con mắc cơn bạo bệnh qua đời…

Anh An ơi ! Má em. Người mẹ ruột mà em hằng mong gặp mặt bấy lâu nay đã chết, đã xa em vĩnh viễn. Người bác ruột, ông thầy già, đến giờ phút nguy ngập của cuộc đời mới thố lộ đầu đuôi câu chuyện, mới dám nhận cháu. Thương cho bác ba của con. Tội cho má con và buồn biết mấy cho con. Má ơi ! Dòng lệ này, con khóc má bỏ đi hay khóc mừng biết được tung tích má, biết được hình dáng má ?

- Chắc bác không qua khỏi cơn bệnh. Bác đã viết giấy trao lại tất cả những gì bác có cho cháu. Gia tộc ta không còn ai, ngoại trừ cháu là người thân duy nhất của bác. Cháu hãy chít cho bác một vành khăn tang để bác được vui…

Anh em mình đã ngồi với thầy Bằng ngày trước, bác ruột em hiện tại, đến nửa đêm hôm đó thì bác em ra đi. Anh ơi ! Có phải đời em là bất hạnh triền miên ? Có phải những niềm vui chỉ lan nhẹ vào đời em rồi vội vã nhường chỗ cho những biến cố đau buồn. Dành cho bác ba của con một vành khăn tang. Bác ba yêu của con bất hạnh, xin bác ba phù hộ cho con, xin bác ba cho con can đảm để sống, để phấn đấu.

_________________________________________________________________________
Xem tiếp PHẦN THỨ TƯ
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>