Dù đã nài nỉ nhiều lần, chúng tôi vẫn không được mẹ bằng lòng cho nuôi gà. Mẹ nói:
- Vẽ chuyện. Người ta đây còn không ai săn sóc, bày chuyện nuôi gà, chật chội, bẩn thỉu…
Minh phụng phịu:
- Mẹ không thương con gì hết. Quanh xóm mình ai cũng nuôi gà… có mình nhà mình không nuôi…
Bé cướp lời Minh:
- Đi học về con không có ai chơi hết, buồn thiu…
Ba cười:
Ba cười:
- Thì chơi với mẹ mày đó, sao không ai?
- Mẹ đâu biết chơi với con? Mẹ mắc việc mà? Gà nó biết chơi hơn, ba!
- Không biết chơi! Hừ, mẹ không biết chơi… đồ phản bội! Vậy chớ hôm
kia đứa nào bắt mẹ làm bò cho cỡi đó? Vậy chớ đứa nào nhổ tóc mẹ để đem
đá dế đó? Nói nghe coi?
Giọng con Hà chì chiết, mai mỉa. Bé cãi liền:
- Làm bò cho Bé cỡi một chút mà kể gì? Mà mẹ làm bò cho tụi em cỡi chớ chị làm sao chị kể?
Minh tiếp luôn:
- Tụi em nhổ tóc mẹ chớ ai thèm nhổ tóc chị sao cũng kể?
- Tao không kể lể gì hết, tao nói thôi. Mẹ cưng tụi mày quá, tụi mày hư. Đòi cái kia, đòi cái nọ… Không lo học hành!
Em gái tôi gay gắt như vậy đó. Nó ít khi đồng ý với hai đứa nhỏ và
tôi. Nó chỉ ưa có mỗi một việc: đọc sách! Nó đọc như voi nhai mía cây,
không, phải nói là nó nuốt trộng chứ không thèm nhai mới đúng. Không
phải tôi kể tội nó đâu, chính tôi, tôi cũng nuốt sách như nó, có khi hơn
là khác. Nhưng ngoài ra, tôi còn thích nhiều thứ, nó thì không. Trừ một
hai trò vặt như trò dạy học và trò buôn bán. Tuy vậy, trong khi chơi
hai trò này, nó cũng ít khi hòa thuận với em. Trò dạy học thì nó làm cô
giáo, giơ cao thước kẻ hay roi mây (của ba tôi) khẻ, quất em thẳng tay,
ra trò. Hai đứa nhỏ khóc rấm rức làm mẹ tôi phải bỏ dở công việc mà can
thiệp. Có khi không tệ đến thế, nhưng từ dưới nhà bếp, nhà ngang, đang
bận tay mà nghe tiếng nó quát tháo, tiếng thước kẻ nhịp canh cách trên
lầu vọng xuống, mẹ tôi kêu lên:
- Cái con! Lại đánh em rồi!
Bà có vẻ không an tâm, song cố nén, không muốn công khai ra mặt bênh hai đứa út quá, sợ tụi tôi phê bình xây dựng, đành phải làm ngơ, ôm mối xót xa nặng trĩu trong lòng.
Đến như trò buôn bán thì cũng không hơn mấy nỗi dù trò này hoàn toàn là trò chơi chứ không phải chơi mà học, học mà chơi
như trò dạy học, vậy mà nó cũng phát đứa này một cái, quất đứa kia một
roi, ỏm tỏi cả lên. Và tôi có một nhận xét thế này: nếu khi Hà đánh em
trong trò dạy học, mẹ tôi ít can thiệp thì trái lại, hễ nghe hai đứa nhỏ
òa ra trong khi chơi trò buôn bán, tức thì mẹ tôi mắng Hà liền. Trò
chơi mà cũng đánh em, bà dung không được. Trong trường hợp này, Hà không
thể giở giọng lẫy hờn ra: “Mẹ bênh tụi nó, nữa đi học ngu cho coi”.
Hay: “Rồi, bữa nay con không dạy tụi nó nữa đâu”. (Mười lần hết chín,
khi mẹ tôi la mắng Hà về tội dữ với em trong trò dạy học, nó đều có lý
do vững chắc như vậy để chống đối, và dĩ nhiên, mẹ rút lui).
Có lẽ, cũng nhờ vậy mà khi Bé đi học, qua tháng thứ hai là đứng nhất liền. Nó được chị Hà rèn luyện kỹ quá! Một hôm, trong bữa ăn, ba tôi nói:
- Ba thấy tụi bây thua con Bé hết thảy. Không đứa nào đứng nhất được lấy một lần, từ đứa đệ tứ trở xuống…
Và ba ném về phía chị Thu một cái nhìn khó hiểu làm chị cả tôi đỏ
bừng mặt, cái mặt lấm tấm đầy mụn. Tôi định để rồi sẽ nhắc lại sau bữa
ăn làm chị ấy tức chơi, song ba cũng không quên tôi:
- Cả mày nữa, Vũ ạ, con trai mà nhác quá!
Con Hà phá ngang:
- Con Bé giỏi là nhờ con dạy đó, phải không ba?
Tôi quay phía khác, “xùy” một tiếng để nó hiểu là tôi ngầm ý khinh
miệt nó, nó có tài dạy, phải! Và hai đứa em tôi cũng chảy nhiều nước mắt
vì nó hay ho gì mà nó kể ra?
Chị Thu bộp chộp hơn tôi, chị nói liền:
- Giỏi dữ! Kể công!
Hà buông đũa, sừng sộ muốn gây:
- Hà có kể với chị không? Can gì tới chị không?
Trông dáng bộ nó, tôi vụt nhớ đến con gà đá của chú Tư Lâu xóm trong,
mỗi khi xáp chiến: Cánh quạt xoành xoạch, lông cổ dựng đứng tựa như
lông nhím, mào đỏ gay, vênh mỏ, vươn cổ, xốc tới đối phương một cách
hung hãn, dữ dằn không thể tả. Không biết tại làm sao mà tôi lại liên
tưởng, so sánh kỳ cục vậy, em gái tôi có cái bề ngoài thanh nhã hơn con
gà đá độ: nó mặc bộ quần áo mầu thanh thiên mềm mại, lông mày cũng
thanh, miệng nhỏ, môi hồng, mi cong, mắt sáng. Quả là nó không có cái
dáng dấp của một con gà đá cục súc, hung tợn. Vậy mà lạ, cứ mỗi lần nó
sắp sửa cãi cọ với chị em tôi là tôi liên tưởng ngay đến con gà đá. Có
lẽ một phần nó mang tuổi Dậu – con gà? Có lẽ phần nữa vì cái dáng bộ của
nó khi nổi giận? Trông nó mới dữ làm sao! Hay là vì nó cao lêu khêu
giống con gà đá của chú Tư? (con gà cao thật!)
Ba tôi vội giảng hòa nhưng rõ ràng là ông cố ý bênh nó – trong lúc chan canh:
- Đúng đó! Con Hà nói đúng đó: nhờ nó dạy em chớ còn gì nữa mà tụi bây nói ra nói vô?
Hà thích chí vì được ba bênh, trở lại dáng bộ nhu mì như cũ, thò đũa
vào dĩa đồ xào tìm gắp cà -rốt với đậu (nó không bao giờ chịu ăn thịt
hay tôm lẫn trong các món xào, món canh). Chị Thu chế nó:
- Coi, coi gà bươi kìa!
Bị chỉ trích, Hà chưa kịp ứng phó thì Minh đã nhớ tới chuyện gà qué, nó kỳ kèo:
- Đi mẹ! Mẹ cho tụi con nuôi gà đi mẹ! Nuôi một con thôi mà!
Bé tiếp liền như thể được mẹ bằng lòng rồi vậy:
- Một con sao được? Bé nữa chớ? Mình Minh nuôi hả?
Thế là câu chuyện nuôi gà sau một hồi lắng dịu bỗng dưng lại bùng
lên, sôi nổi hơn bao giờ hết. Chúng tôi bàn tán, thảo luận hăng say, tin
tưởng. Nhất là tôi, tôi vốn có cảm tình với các loài gia súc hơn bất cứ
một ai trong nhà, (vì thuở nhỏ tôi được sống ở nhà quê và tôi giống
tính mẹ tôi: yêu thích thiên nhiên, mẹ tôi giải thích thế; nhưng mẹ tôi
lại không chiều đứa con giống mẹ, có oái oăm không?) Ba tôi chừng như có
vẻ xiêu lòng. Ông nói:
- Tụi bay làm gì ồn quá thế? Để mẹ bây tính lại coi! (quay sang mẹ
tôi) Sao? Có thể nuôi cho lũ nó vài con… cũng vui đấy chớ, mợ?
Mẹ tôi dõng dạc tuyên bố:
- Thôi, tôi đã nói không được là không được. Anh sao cứ chìu những chuyện không đáng…
- Chuyện gì là chuyện không đáng đâu, mợ kể tôi nghe, coi?
Rồi! Tôi reo khẽ trong lòng; vậy là ba tôi đã “nhảy vào vòng chiến”,
thấy chưa? Chúng tôi có đồng minh rồi, mạnh cánh rồi. Mẹ tôi yếu thế
quá, làm sao thắng nổi? Bọn tôi mừng rơn, lòng tràn hy vọng, nín thở
lắng nghe mẹ trả lời.
Mẹ tôi cười nửa miệng, không trả lời câu hỏi vặn của ba, mà lái câu chuyện sang hướng khác, một sự nhắc nhở rất là… cảnh cáo:
- Quên rồi sao? Quên chuyện nuôi gà của dì tụi bay rồi sao?
Chúng tôi khựng lại, ngồi lặng. Không! Đâu mau quên đến vậy? Chuyện
thế này: dì tôi nghèo, chồng dì là quân nhân cấp nhỏ, không úy, không tá
chi cả. Lương thiếu trước thiếu sau, chưa cuối tháng đã hết tiền; dì
phải may, thêu, đan thuê để phụ vào chi phí trong nhà. Cỡ nửa năm nay,
thấy người ta đua nhau nuôi gà, vợ chồng dì náo nức quá, xuống rủ mẹ tôi
hùn vốn nuôi gà. Tôi còn nhớ bữa đó nhằm ngày nghỉ, chúng tôi quây quần
bên mẹ và dì. Mẹ tôi cương quyết lắc đầu:
- Thôi, tao không ham. Tụi mày có nuôi thì nuôi. Bầy đặt, nó chết, thêm mệt…
- Chị cứ tin em! Em biết cách nuôi mà!
Chồng dì nói, giọng tin tưởng. Mẹ tôi hơi gắt:
- Tao đã nói không là không! Tao không có nhiều tiền . Mới có món
tiền nhỏ, để tao mua cái tủ, cái tủ bị bắn lủng từ Tết đến nay, để ngay
giữa phòng khách, kỳ lắm. Đã nói tao không ham giàu. Thấy người ta ăn khoai, vác mai chạy quấy! Để tao yên thân!
Trước khi vợ chồng dì từ biệt, mẹ còn cố ngăn lần chót:
- Này, tôi dặn trước cho mà phòng: coi chừng nó chết toi đó, nghe
không! Và nhớ: lúc đó đừng có kêu ca với tôi, nghe chưa? Đã hỏi ý kiến
tôi mà còn không nghe lời thì chớ trách…
Thế rồi, trong vòng ba tháng đầu, chú ấy cứ đều đều báo tin mừng; nào
là: “Gà mau lớn quá”, nào là: “Em mới đóng thêm cái chuồng”, rồi thì
là: “Em mới mua thêm hai chục gà con”, hay: “Bữa nào mời chị lên nhà em
coi, trời ơi! Mê lắm, em tin là chị…”. Khi thì:
- Thưa chị, nhà em nói nhờ chị mua giùm em thứ thuốc này cho gà. Có thuốc nó mau lớn!
Có lúc kêu ca:
- Chị ơi! Khó mua thực phẩm cho nó ghê!
Với những câu hỏi, chuyện nhờ cậy thì mẹ tôi trả lời vừa đủ, giúp đỡ
cầm chừng, không tỏ ra sốt sắng. Với những câu khoe khoang thì mẹ tôi
“tốp” lại bằng một câu quen thuộc:
- Đừng vội. Coi bán bớt đi. Coi chừng… vợ chú gần sinh, con thì nhỏ, chú cắm trại luôn, ai săn sóc mà ham nuôi cho nhiều?
- Ý! Bán chi uổng chị? – Chú la lên như dẫm phải lửa – gần Tết bán được giá…
Mẹ tôi chặn lại:
- Chừng nào vợ chú sinh?
Chú khựng lại, ngập ngừng:
- Dạ, thưa… gần Tết – nói lảng – tụi em tính Tết sẽ mang xuống anh chị hai cặp, hai cặp thiệt béo…
- Cám ơn chú! Nhưng tôi không ưa gà Mỹ. Tôi ưa rau muống đậu phụ hơn.
Trời ơi! Vậy mà lâu nay tôi ngỡ là mẹ tôi có tinh thần phóng khoáng.
Hóa ra mẹ kỳ thị chủng tộc quá, bạn ơi! Tôi đã từng kể với bạn là mẹ tôi
cởi mở lắm, hóa ra bà bảo thủ ghê đi! Gà nào chả là gà kia chứ? Gà Mỹ
thì đã sao?Mẹ không ưa nhưng chúng tôi ưa. Ba tôi cũng đồng ý với chúng
tôi. Ai cũng mong Tết đến để có gà Mỹ của chú tặng, không phải ăn thịt
mà nuôi chơi. Một trăm phần trăm mẹ không cản được, vì mẹ tôi có phải
mua đâu?
Còn một tuần nữa Tết, chúng tôi cứ chong mắt hướng về Phú Thọ như hoa
hướng dương quay về phía mặt trời. Thế rồi, ông cao xanh ơi! Họ tới
thật – khác hẳn thường lệ, lần này có cả dì tôi – Chúng tôi reo lên,
phóng ba bước ra mở cửa đón vợ chồng dì. Chẳng thấy gà đâu, nhưng hỏi
thì kỳ quá, đành nén lòng chờ… giải thích. Vậy mà, có hơn mười phút trôi
qua cả hai người đều lặng lẽ, lờ chuyện gà đi! Có ức lòng nhau không?
Trong lúc nóng lòng, tôi vẫn lắng tai chờ chú ba hoa, khoe khoang
nhưng lạ thay, chú không mở miệng. Mẹ tôi sinh nghi. Lần thứ nhất tôi
nghe bà lên tiếng trước:
- Thế nào? Gà qué ra làm sao rồi? Sao không nghe nói… gì hết vậy?
- Dạ, thưa chị… xui quá, chị ơi! Dạ…
Giọng nhỏ nhẻ như con gái đến nhà lạ một mình, chú trả lời úp mở, khó
khăn trong cổ họng, một câu trả lời hết sức gà mờ! Mẹ tôi nóng nảy, hỏi
dồn:
- Cái gì? Cái gì xui? Nói mau coi?
Bấy giờ dì tôi mới lên tiếng thay chồng, giọng tức tưởi, xót xa, đau đớn:
- Nó chết hết rồi, chị ơi!
Như giòng suối được khai thông – từ nãy giờ cố nén – dì tôi nức lên
khóc không cầm giữ nữa, mặc cho nước mắt chảy ròng ròng xuống mặt, xuống
áo. Chú thì thở dài, quay đi phía khác. Chúng tôi gần như nghẹn thở,
chúng tôi cũng xót xa đau đớn – song rất lờ mờ không rõ vì thương dì;
hay vì không có gà nuôi? – Hình như mẹ tôi giận ghê lắm, nhưng mẹ không
quát tháo như thói quen, mẹ chỉ “hừ” một tiếng to rồi ngồi lặng. Không
khí trong nhà như cô đọng lại, thời gian như ngừng trôi. Tiếng khóc dì
tôi òa vỡ, to, thật to rồi nhỏ dần và sau cùng tắt hẳn. Mẹ tôi mím môi,
nhìn đăm đăm vào tấm lịch trước mặt một chốc rồi đứng lên, đi rửa mặt.
Bấy giờ, chúng tôi mới tụm lại hỏi thăm chú vì đâu nên nỗi. Chú nhỏ
to kể rõ ngọn ngành. Tội nghiệp vợ chồng dì tôi! Bao nhiêu vốn liếng
dành dụm lâu nay đi đời đành rồi mà còn món tiền vay của người bạn, chưa
kể một số của dì Út chúng tôi chung vào (sau khi rủ mẹ tôi không được,
hai vợ chồng đến rủ dì Út, dì Út bằng lòng góp vốn ngay).
Để mẹ tôi nguôi giận, dì tôi khơi chuyện trước:
- Phải em nghe lời chị thì đâu nên nỗi, mà em cũng tính nuôi một ít
thử ra sao, ba thằng Cu ham quá, cứ mua thêm… mua thêm. Nó chết thấy mà
khiếp (giọng dì nghẹn lại, trầm hẳn xuống), trong chỉ có nửa ngày, nó
lăn quay ra… không kịp chôn…
- Thôi đừng nói nữa, tôi chán hết các người, các người lúc nào cũng
cãi lời tôi, đến chừng xong việc thì lại nói “phải chi em nghe lời chị”.
(Phải, câu đó tôi nghe nhiều lần rồi, các dì, các chú, các cô, các
cậu đều có câu đó trên cửa miệng sau mỗi lần cãi lại ba mẹ tôi).
Mẹ tôi ngừng lại, thở dài đánh sượt một cái đoạn lại tiếp:
- Đây rồi còn con Út nữa, tha hồ khóc… chẳng ai lau nước mắt cho! (vì
chồng dì mất rồi, chắc ý mẹ tôi muốn nói thế?). Bụng làm dạ chịu!
Chú lên tiếng:
- Thưa chị, chúng em tính rồi: chúng em không để dì Út thiệt thòi đâu, chúng em sẽ hoàn vốn lại cho dì ấy, kẻo tội…
- Hoan hô chú Văn! Chú Văn hào hiệp quá! Hoan hô!
Trong lúc tôi hãnh diện thầm về tấm lòng quảng đại của nam giới chúng
tôi thì con Hà cao giọng nói câu trên. Mọi người cùng cười, nhưng mẹ
tôi vẫn không nhếch mép, mẹ mắng Hà:
- Không phải lúc đùa. Con bé kia, đi chơi chỗ khác ngay!
Trong một nhoáng, sau câu nhắc nhở của mẹ tôi, tôi nhớ lại quang cảnh
vừa bi thảm vừa buồn cười hôm trước Tết, nhớ những giòng nước mắt của
dì tôi, nhớ bộ điệu ủ rũ như gà mắc mưa của chồng dì và cả nét mặt buồn
buồn, cùng giọng bùi ngùi của mẹ lúc tiễn dì tôi ra ngõ:
- Thôi! Bỏ qua đi! Nhờ ơn trên mạnh khỏe rồi sẽ tính… Còn người còn
của. Gần ngày sinh rồi, đừng có lo lắng nhiều vô ích. Chừng nào có dấu
hiệu sắp sinh thì tin cho tao hay.
Tôi thấy yên tâm lắm. Mẹ tôi có tính đó: khi nào bà xưng tao với tụi
tôi là điềm dữ cho tụi tôi, trái lại bà xưng tao với các dì các chú là
điềm lành cho họ. Chỉ khi nào giận, bà mới không xưng tao với các em.
Ủa, quên! Xin trở lại câu chuyện trên bàn ăn: mẹ tôi đã làm chúng tôi
cụt hứng, hết dám bàn qua, tán lại chuyện nuôi gà. Cái gương tày liếp,
đâu dám không soi? Chúng tôi là thứ gì mà dám làm thứ cá không ăn muối?
*
Một hôm, sắp xách cặp ra ngõ, tôi thấy hai đứa nhỏ hớn hở ôm vô nhà hai con gà con mới nở, miệng reo lên:
- Tụi em có gà rồi! Tụi em có gà rồi!
-Gà đâu đó?
Cả bọn nhao nhao hỏi. Minh và Bé cùng vênh mặt lên:
- Gà bác vừa cho tụi em! Anh ưng không?
- Dóc! Tao không… thèm! (thật ra là tôi lỡ lời, tôi muốn nói không tin)
- Dóc hả? Dóc thì thôi! Anh không thèm phải không? Bác nói bác có cho anh nữa anh không thèm thì để em qua lấy cho em luôn.
Nghe nói, tôi buông cặp, phóng ba bước qua nhà bác L. liền. Quả
nhiên, bác đang tươi cười đứng đợi tôi với con gà vàng óng trên tay.
Trông dáng bộ bác tôi vụt nhớ đến hình ảnh những đại diện các nước lớn
lúc tươi cười trao tặng phẩm cho đại diện các nước nghèo!
Cho phép tôi mở cái dấu ngoặc nho nhỏ ở đây: Bác L. là láng giềng
tốt, rất tốt của gia đình tôi. Thằng H. con trai bác lại là bạn đồng môn
của tôi – xin lỗi các bạn, đừng tưởng tôi không biết dùng chữ Nho! –
Suốt ngày, động mẹ tôi lơ đi một nháy mắt là tôi có mặt bên nhà bác rồi.
Mẹ tôi, nhất là ba tôi vẫn tỏ ra giận dữ, bất bình về chuyện tôi hay
qua nhà bác. Than ơi! Hai thân của tôi có bao giờ chịu hạ mình
hiểu cho rằng ở nhà tôi là kẻ thừa đâu? Này nhé: chị Thu thì kết bạn với
chị Cúc (con bác tôi, vào học trong này). Con Hà thì mải buôn bán hay
dạy học hai đứa nhỏ.Tôi, tôi quá cô đơn! Chả lẽ con trai con tráng như
tôi mà lại đi chơi cái trò muỗi tép là trò buôn bán với tụi oắt? Lại
càng không thể chơi trò dạy học? Tôi là anh tụi nó kia mà! Tôi làm học
trò ư? Có mà điên: con Hà nó dám bắt tôi vòng tay, cúi đầu, thưa cô và
khẻ thước vào tay y như hai đứa nhỏ lắm. Ơ hay! Bạn hẳn hỏi: “Sao không
dự mà làm thầy, ai bảo làm học trò chi cho nó đánh, làm thầy… “ Ậy! tôi
có đề nghị chuyện này rồi nhưng con Hà không bao giờ nhận lời đề nghị
của tôi. Không bao giờ! Lúc nào nó cũng đóng vai cô giáo kia, bạn ạ! Vả
lại, tôi không có tác phong nhà mô phạm, ba tôi vẫn nói thế, và tôi, tôi
cũng công nhận điều đó đúng. Vì vậy, tôi ưa lẻn sang nhà bác L., bên đó
có nửa tá con trai, tha hồ chúng tôi có trò vui. Có lẽ vì thế nên bác
yêu riêng tôi, dành cho tôi con gà như hai đứa bé nhất? Con Hà ấy ư: nó
cần gì gà qué? Còn chị Thu: chị đã quá lớn để mà vòi quà!
Mẹ tôi bị đặt trước một tình thế đã rồi: bà không thể bắt
chúng tôi trả gà lại, như thế mất lòng láng giềng, còn gì là tình lân
lý? Bất lịch sự quá! Vả chăng, ba chú gà con bằng nắm tay, chúng nào có
gây rắc rối, thiệt hại chi đâu? Dù không bằng lòng, mẹ tôi cũng cam bằng mặt vậy! Thế là bao nhiêu khó khăn buổi đầu, chúng tôi vượt qua trong chớp mắt! Mừng quá đỗi mừng!
Xin được của mẹ tôi cái thùng sữa không, mỗi tối, chúng tôi mang gà
lên lầu, thả vào đó, nhờ ba bắt thêm ngọn điện đặt giữa thùng sưởi ấm
chúng. Thật là hoàn hảo. Có một con mèo tai ác, chưa chi đã rình rập bên
hè. Song chúng tôi chẳng ngán lấy một ly con: một mặt hễ thấy bóng nó
là vác gậy, nhặt đá ném đuổi, mặt khác: cứ đúng bảy giờ tối là chúng tôi
mang gà lên lầu ngay. Cửa lưới xung quanh một con muỗi tép còn khó lòng
chui lọt, làm sao con mèo có thể sơ múi mà hòng?
Minh cho gà ăn gạo, Bé cho gà ăn cơm, tôi thì rứt ruột bánh mì cho
gà. Chúng quanh quẩn trong nhà, nhặt hạt cơm rơi dưới gầm bàn, nhặt hạt
mè đổ bên chân ghế. Minh đút chúng cái đuôi tôm, Bé biếu thêm rẻo thịt
vụn.
Chúng bài tiết bậy bạ dưới bếp, sau hè, trên phòng khách, nhà xe,
trong phòng tắm. Không sao, phân chúng nhỏ tẹo, chẳng thối hôi chi; hơn
nữa, Minh rất ý tứ: hễ thấy gà làm bậy chỗ nào là vội vàng xuống bếp
xách cây lau nhà lên, cắm cúi lau liền.
Chiều chiều, chúng tôi lùa gà ra vườn – tuy nhỏ bé nhưng vẫn là vườn –
chăn dắt cẩn thận. Chúng bới rác, cắn cỏ, mổ kiến, rượt theo con dế,
tranh nhau con giun; gió hiu hiu thổi, lông tơ chúng phe phẩy, lông đuôi
chúng phất phơ, nom vui cả mắt!
Chúng sởn sơ trông thấy: hai con hơi nhích một tí, dáng bộ đĩnh đạc,
lông mầu nâu non láng mướt, óng ả, chân cao ráo, mỏ rắn chắc, yêu quá là
yêu! Có một con (con của tôi) có hơi kem kém, dáng chừng đúng loại gà
ta? Lông hơi luôm nhuôm, không nâu hẳn, cũng không xám hẳn, nhưng tôi
yêu nó không kém. Hai con gà kia kéo bè, kết cánh, hùa nhau ăn hiếp gà
tôi: có gì chúng cũng tranh nhau ăn trước, gà tôi vừa đến gần là chúng
đá mổ lung tung. Có lẽ vì thế mà gà tôi chậm lớn. Gà tôi cô độc, hiền
lành, thui thủi một mình, trông thật thảm!
Tuy nhiên, tôi không kêu ca một tiếng, cố cư xử ra đấng trượng phu,
không quan thiết chi đến điều nhỏ nhặt, dù thật ra lòng quả có buồn chút
ít. Vả lại, tôi còn bận học hành, đâu có nhiều thì giờ như hai em để
chăm sóc tỉ mỉ cho gà mình?
Mẹ tôi cứ phải thay thùng luôn. Cách vài hôm mẹ lại ra pharmacie mua
hộp kẹo bổ, mua tuýp thuốc cảm để có cớ xin vài cái thùng to hơn thùng
sữa đặc, đặng cho chúng tôi nhốt gà ban đêm.
Mỗi ngày một ít, trông chúng tôi chăm sóc gà, mẹ tôi chừng cũng bớt
cứng rắn đi, huống chi bà đâu phải đá? Mẹ xem chừng có chút cảm tình với
mấy con gà hơn lên.
Làm sao không cảm động được chứ: hai đứa nhỏ nhất của mẹ tôi nằm
nhoài ra nền gạch, mỗi đứa ôm khư khư gà mình trong tay, vuốt ve một
cách say sưa, trìu mến, âu yếm không thể tả.
Thấy mẹ vui, chúng dám táo bạo đến mức đưa gà cho mẹ và còn nói:
- Bồng em đi mẹ! Em gà đó mẹ!
Mẹ tôi vui vẻ:
- Gà mà gọi bằng em! Mẹ chịu tụi bay!
- Ai biểu mẹ không đẻ em cho tụi con chi? Con phải dùng em gà chớ?
Xê xế, mẹ đưa cho hai đứa tấm bánh ngọt, chúng liền bẻ một mẩu tặng
em gà. Chiều chiều, khi chị bếp làm cơm, chúng lăng xăng giúp chị chẻ
rau, thái thịt, lột tép tỏi, rửa củ hành. Chẳng phải chúng tốt lành chi,
muốn giúp đỡ người làm như lời mẹ dặn mà chỉ cốt kiếm chút rau dư, thịt
nát cho gà. Mẹ chưa kịp quở, chúng đã sà vào lòng mẹ mà rằng:
- Tội nghiệp em gà, mẹ!
EM GÀ! Chắc xưa nay chưa có ai gọi gà là em như hai đứa em tôi. Mẹ
tôi phì cười vì mấy tiếng ngộ nghĩnh đó và nhắc lại trong bữa ăn. Kể từ
ấy, bọn gà không chỉ là em gà của hai đứa mà trở thành Em Gà của cả nhà!
Mẹ tôi bảo chị bếp:
- Coi cho em gà ăn, Sáu ơi!
Chị Thu bảo:
- Em gà hư quá, mẹ ạ! Ai đời…
Một bữa sáng, tôi vừa xách cặp ra thì chị Thu hớt hải kêu:
- Chết rồi! Ai bắt cóc mấy Em Gà rồi, Vũ ơi!
(Tôi muốn trêu chị tôi một câu chơi: ai lại nói gà bị bắt cóc bao
giờ? Nhưng tôi chỉ nhận xét vậy chớ không chế chị ấy nổi vì tâm trí bị
chuyện mất gà ám ảnh). Tôi rất muốn nán lại tìm gà, nhưng lại sợ trễ xe –
tôi học tận Thủ Đức – đành phải đi luôn, không quay đầu lại. Tuy không
quay đầu lại nhưng tôi biết những gì diễn ra phía sau: cả nhà nhốn nháo
lên vì gà: chị tôi, mẹ tôi, ba tôi, chị bếp, hai đứa nhỏ. Phải! Nhất là
hai đứa nhỏ: chúng nhất định không đi học nếu không tìm ra gà.
Trong tình trạng khẩn trương như vậy, mà em gái tôi vẫn lạnh băng. Tôi hỏi nó:
- Anh đố Hà có mất gà không?
- Đố gì kỳ vậy? Làm sao Hà biết được?
Nó trả lời dấm dẳng như thế rồi điềm nhiên nhoài mình ra cửa xe, giơ
tay đón gió, thật y như chuyện mất gà là chuyện bên Tây! Bạn thấy chưa?
Có phải gà của nó đâu mà nó quan tâm, thắc mắc? Tôi giận, lầm lì suốt
dọc đường. Ai bảo nó không chia xẻ buồn vui với tôi làm chi? Vậy mà
người ta nói anh em như thể tay chân. Nó, nó cứ thản nhiên, lạnh lùng trong khi tôi nóng nảy như có lửa đốt trong lòng!
Chiều về, tôi quăng cặp trong xó, hỏi liền:
- Sao? Gà tìm lại được chưa?
- Được! Được! Anh Vũ ơi! Mừng quá!
Tôi thở phào một cái như vừa trút khỏi vai gánh nặng năm mươi cân!
May quá, mừng quá thật. Đó là lần đầu tiên trong những ngày đi học xa về
mà tôi không tìm ngay nước uống như lệ thường. Uống làm chi nữa: ruột
gan tôi mát rợi như mới vùng vẫy dưới biển lên. Tôi hỏi lại:
- Tụi nó đi đâu?
Minh liến thoắng:
- Tụi nó đi chơi, xa lắc, chị Thu tìm gần chết…
- Rồi hai đứa có đi học kịp không? Hay là ở nhà?
- Không kịp, xe trường chạy mất tiêu.
- Gan dữ há? – Hà trừng mắt, nom nó đầy tác phong cô giáo – Vậy rồi mẹ bỏ qua sao?
Bé át tiếng Minh:
- Đâu có bỏ qua? Mẹ sắp sửa đánh tụi em chớ, cái rồi… cái rồi nhờ ba chở đi giùm…
- Sướng quá! Kịp vô lớp không?
- Kịp! Dư! Dọc đường tụi em bắt kịp xe trường, tụi em vỗ tay quá cỡ!
Thình lình, Minh sực nhớ lại, nói:
- Anh Vũ ơi! Có chuyện hay lắm: anh biết không, gà tụi em đi chơi chớ gà anh nó không có đi chơi, nó ở nhà.
- Thiệt không?
- Sao không thiệt? Gà anh hiền lắm mà nhát gan, đâu dám ra ngõ?
- Tao không tin…
- Không tin thì thôi, lát nữa chị Thu về, anh hỏi coi.
Quả thật vậy: chị Thu xác nhận lời tụi nó. Cảm tình của chị nghiêng
về con gà xấu xí của tôi rõ rệt, chị nói: (trong lúc tôi nghĩ: uổng công
mình nóng ruột!)
- Con gà của Vũ dễ thương lắm. Hai con kia hỗn hào…
-Mỗi lần mình cầm cái gì là nhảy tót lên, giựt liền. Đồ du côn!
Chị bếp thêm. Minh nóng mặt, can thiệp:
- Chuyện gì mà mắng gà người ta là du côn? Nó có ăn cướp gì của chị không?
- Chớ gì nữa mà không ăn cướp? Người ta cầm trên tay mà dám giựt, đồ vô phép tắc…
Cuộc đấu khẩu sắp găng to thì mẹ tôi cũng vừa về, tay xách cái lồng
lủng lẳng. Mới thoáng qua, cả bọn mừng rơn, chừng nhìn kỹ thì hơi bất
mãn: gà gì lại nhốt trong lồng chim? Minh phê bình ngay:
- Mẹ mua chuồng gì nhỏ quá? Làm sao nhốt đủ ba con? Sao mẹ không dắt con đi, con chỉ cho mẹ?
- Tưởng mẹ nhiều tiền lắm sao mà mua? Đây là mẹ xin dưới nhà dì Út, kỳ trước dì nuôi chim, chim chết, dư cái lồng.
- Con không thèm nhốt gà trong lồng đó đâu, nhỏ xíu, chật cứng, còn phải bỏ bóng điện vô nữa, chật, sém lông gà hết.
- Thôi! Dẹp chuyện sưởi gà lại. Nó lớn rồi, không lạnh lẽo gì. Nhốt trong này cho tiện, mẹ không thừa tiền để cứ ra pharmacie…
- Mẹ đâu có phải mua thùng? Người ta cho mà?
Minh gân cổ, cãi. Mẹ gằn từng tiếng:
- Phải! Người ta cho thùng, mà không phải cứ xách mặt ra xin hoài,
phải mua kẹo bổ với thuốc cảm… Nói không nghe, mẹ cho làm thịt hết bây
giờ.
Minh không dám ho he nữa. Câu đe dọa đó ghê gớm quá. Nó riu ríu bắt gà nhốt vô.
Lại khổ gà tôi: hai con gà Mỹ đá, mổ lung tung; gà tôi nép vào một xó, song tôi biết mẹ đang cáu, không dám kêu ca gì.
Tôi dự tính – trong bóng tối vây quanh giường ngủ – ngày mai nghỉ sẽ
cưa gỗ đóng một cái chuồng rộng rãi hơn. Và tôi đoán thế nào mẹ cũng
giúp cho một tay (mẹ tôi vốn ưa cầm cưa, cầm búa). Chao! Bóng tối êm ả
giúp tôi thêm hăng hái… Tôi sẽ hỏi ý kiến mẹ tôi, tôi sẽ…
Ai ngờ, mấy tuần liên tiếp mẹ tôi bận việc phải vắng nhà hoài, còn
tôi: ngày nghỉ thì bận đi họp ở trụ sở Hồng Thập Tự, ngày thường thì bận
đi học, về nhà bận học bài, lại còn bận… dượt bóng bàn để tranh chức vô
địch của lớp mình, chưa kể bận cất lẻn sang nhà H. chơi. Thành ra, cái
chuồng gà rộng rãi trôi tuột đi theo ngày tháng. Tôi cũng bỏ lửng luôn.
Hai đứa nhỏ thì không: chúng lấy làm xót xa vì gà không được đi lại
trên mặt đất phẳng, phải chịu tù túng trong cái lồng chim chật chội; đã
vậy lại còn một nỗi sợ chúng gãy chân mỗi khi nhìn vào thấy gà bước rón
rén, móng bám chặt, quặp vào mấy thanh sắt tròn dưới đáy lồng. Hai đứa
van vỉ ba con gà:
- Mấy em đừng đi, đau chưn lắm! Mấy em nằm xuống nghỉ đi!
Y như là gà có lỗ tai người không bằng! Hai đứa len lén lấy giấy báo
nhét vào lồng gà để gà nằm cho ấm và đi lại khỏi khổ sở, nhưng giấy báo
vừa đưa vào, gà dẫm lên vài lần là nát vụn, vẫn phải bám, móng quặp vào
thanh sắt như trước!
Lúc sau này ba con đều khá lớn rồi chứ, nhưng tật xấu không bỏ: vẫn
“xoèn xoẹt” bất cứ chỗ nào, tựa như đứa trẻ đi tướt. Khổ nỗi, bây giờ
khác hẳn lúc trước, bãi nào cũng to phèn phẹt. Tội nghiệp Minh: nó lau
không xuể, không sạch, gọn nổi, mẹ phải giúp nó và mẹ la ầm lên. Mẹ hạ
lệnh chỉ thả trong khi cho ăn thôi, đỡ bẩn. Song hễ mẹ vừa quên đi là
chúng thả gà ra ngay, có khi bọn gà xấc láo dám táo gan “xoẹt” ngay lên
dép mẹ nữa kia! (dép mẹ rửa phơi ở sân dưới)
Chị Thu cũng phải phụ vào trong dịch vụ vệ sinh. Chị la còn khó chịu
hơn mẹ. Dịp may đâu đưa đến: cô Bình xóm trong nuôi gà… thất bại (cũng
na ná như vụ thất bại của dì tôi) Cô còn lại cái chuồng thực to và vì
cảm tình đặc biệt với mẹ tôi, cô tặng cho mẹ. Ban đầu mẹ lắc đầu quầy
quậy:
- Cảm ơn cô, nhưng tôi không nhận. Cái chuồng to quá mà mình có nuôi gà qué gì đâu?
- Nghe cháu nói chị có gà mà…
- Ôi! Có ba con thôi, ba con lớn hơn ba con muỗi. Chuồng của cô chứa
hàng trăm con… chỗ đâu đặt chuồng? Với lại, tôi không định nuôi, bác L.
cho chúng, rồi lơn lớn tí sẽ làm thịt ngay ấy mà. Sao cô không bán, vớt
vát đồng nào…
- Họ trả rẻ mạt, tôi giận quá, chị ạ! Thôi, đã lỗ, cho lỗ một thể,
bán rẻ tiếc lắm. Để cho cháu nuôi gà. Bên này chật quá, bên chị rộng, để
ngoài vườn ấy, kệ, rộng càng thong thả gà, có sao?
Cái chuồng vĩ đại thật: chiều cao thước tư, chiều ngang một thước,
chiều dài thước sáu ; hai tầng, cửa nẻo hẳn hoi. Mẹ tôi rất không bằng
lòng nếu mục đích chỉ cho chúng tôi nuôi gà, nhưng nể cô Bình, phải
nhận. Lúc mang về nhà mới buồn cười: nó kềnh càng quá, mà lối hẻm hẹp,
phải nhờ hai thằng bạn tôi và anh T. phụ một tay, nâng cái chuồng lên,
đưa qua tường rồi thả vào vườn luôn, chứ không mang theo lối vào hẻm
được.
Có cái chuồng, lại là cái chuồng rộng rãi, ba chú gà thênh thang, tự
do như người ở villa, chú nào cũng nghênh nghếch mỏ, vênh vênh mặt, chơm
chớp mắt ra dáng người sang trọng, như tuồng đã quên cái dĩ vãng chen
lấn trong cái chuồng chim bé tẹo mới hôm qua!
Tôi thật hài lòng: hai con gà Mỹ thôi lấn chen gà tôi! Trông chúng chim chíp vui vẻ tôi tưởng như hai chú nói với gà tôi:
- Thôi! Từ này chúng ta hòa thuận, nhé? Nhà cửa chật chội, chúng tôi
đâm bẳn tính, chứ chúng tôi cũng không phải hạng tồi. Bồ bỏ qua chuyện
cũ, nhá? Chúng ta bắt đầu cuộc đời mới, từ đây!!! Chúng ta bắt chân
nhau…
Và gà tôi niềm nở:
- Không sao! Không sao! Không nên quan tâm đến chuyện nhỏ nhặt. Hai
bồ cứ yên tâm! Dù hai bồ vượt đại dương đến xứ này, hai bồ vẫn là đồng
chủng với tôi, dù hai bồ không cùng một mẹ, tôi vẫn quí mến hai bồ,
trước lạ sau quen, chúng ta sẽ hết hiểu nhầm nhau. Thương nhau là hết!
Đúng là một chú gà Việt Nam hiền hòa, hiếu khách!
Tháng ngày trôi qua. Chị Bếp xin phép mẹ tôi về quê một tuần. Trước
khi đi, chị hứa: “Sẽ mang về cho các em một cặp gà!” Và chị giữ đúng lời
hứa. Có điều trong hai con gà có một con đen chũi, đen kịt, con kia khá
hơn và eo ơi! Một sự tình cờ quí hóa – giống con gà tôi như cùng một mẹ
sinh ra, khác cái chỉ hơi nhích hơn gà tôi một chút.
Càng vui: chủ ở tầng trên, khách ở tầng dưới, ăn uống chia nhau. Một
đôi khác biệt: gà chúng tôi ăn cả vỏ tôm, thịt vụn, xà lách, thiếu cơm
nguội chúng xơi cả ruột bánh mì, còn gà chị bếp thì chê. Gà chúng tôi ăn
ruột bánh mì – bữa nào thiếu cơm nguội – còn gà chị ấy thì không thèm
đụng đến, chịu mang cái diều lép kẹp cho đến khi có thức quen thuộc mới
ăn.
Một hôm, ba chở chúng tôi đi chơi trên xa lộ. Bận về, mẹ tôi đi sâu
vào các thửa ruộng mới gặt xong, nhặt nhạnh và bứt được một mớ lúa còn
sót lại, mẹ hớn hở, bảo:
- Để dành cho gà, chắc chúng thích lắm.
Hai đứa nhỏ xán lại hôn mẹ túi bụi, đó là cách tỏ lòng biết ơn.
Xe mới ngừng ngoài cửa ngõ, mẹ tôi và hai đứa nhỏ đâm bổ vào, lại bên
chuồng gà, cho chúng mươi gié lúa, mẹ tôi khoan khoái nói với hai đứa
nhỏ:
- Để bữa nào xin ba chở tụi nó lên trên đó, tha hồ!
Hai đứa phục sáng kiến mẹ, reo hò tở mở. Song chỉ năm phút sau ba mẹ
con đều xịu mặt: trong lúc hai con gà chị bếp nhặt mổ lia lịa, thì ba
con gà cũ đứng yên một chỗ, ra dáng chê lúa là thứ tồi, không phải thực
phẩm loài gà!
Mối cảm tình mà chúng tôi dày công nhen nhúm trong lòng mẹ tôi – về
mấy con gà – như ngọn lửa mới gây đã bị tạt nước. Mẹ tôi lẩm bẩm:
- Gà mà chê thóc! Đời thuở nhà ai…
Mớ gié lúa từ đó được để dành cho gà chị bếp. Hai con gà Mỹ ngày càng
hỗn hào, quên phắt sự hứa hẹn đoàn kết buổi đầu. Trái lại con gà tôi và
con gà giống gà tôi – của chị bếp – có vẻ thân nhau. Nhưng phải kể đến
con gà đen chũi khác biệt: nó không hỗn nhưng cực kỳ hung tợn. Hai con
gà Mỹ hỗn hào và chuyên ăn hiếp vặt đã phải gờm mặt nó, nó có cú đá song
phi trông qua thì bay bướm, nhẹ nhàng song đối phương sước cổ, sầy da…
trong một nháy mắt. Nó ăn uống ít ỏi, thủ phận trong một xó chuồng. Mở
cửa mà không lùa, nó không ra. Buổi chiều, không đợi mời gọi, cửa chuồng
vừa hé là nó lên sớm.
Mẹ tôi theo dõi tính nết từng mỗi con gà. Dần dần bà nâng hai con gà
của tôi và chị bếp lên hàng thượng khách. Bà dùng biệt nhãn đối với hai
con. Gà đen bà cũng thương, song bà nói nó cô độc buồn bã, e đến phải
giết thịt thôi. Đó là lần đầu mà lũ em tôi không phàn nàn khi nghe lệnh
mẹ, chúng vốn gét con gà đen, cho là loài quạ!
Và ngày ấy đến: mẹ thân hành xuống tận chợ Bến Thành mua nửa ký đậu
bơ-tí-boa tươi để sẵn, chờ giờ cả bọn đi học, hạ lệnh cho chị bếp làm
thịt con gà đen. Con gà đen nom bề ngoài xấu xí là thế mà thịt nó mới
mát mắt làm sao: da mịn màng, chân nhỏ, vàng nhạt, thịt trắng ngần, cái
thứ trắng ngà ngà chứ không trắng bệch một cách bệnh hoạn như thịt gà
Mỹ. (Chúng tôi thành thạo về chuyện thưởng thức lắm. Gà Mỹ có mỗi cách
là đem quay giòn thôi, ngoài ra làm món gì cũng dở, nhạt thếch).
Gà nấu đậu! Đó là món ruột của con Hà. Mẹ tôi nói:
- Hà ăn đi! Mẹ biết con thích ăn gà nấu đậu nhất, phải không?
- Cho nên mẹ nấu riêng cho Hà đó, không phải cho tụi mình đâu!
Chị Thu mát mẻ, Hà không chấp, chí thú múc đậu vào chén của mình (đậu không thôi, nó không bao giờ ăn thịt) Tôi lại trêu:
- Ha! Gà không ăn thịt gà, thấy không?
- Nhưng ăn nước gà, và ăn món đậu thấm nhuần chất gà trong đó, cũng quá tội!
Ba tiếp. Chị Thu vẫn chưa tha:
- Hà thế đấy! Không săn sóc, không thí cho gà hạt cơm dư, nhưng thưởng thức thì tài lắm.
Minh vừa thò đũa gắp miếng thịt gà trắng ngần, vừa nói:
- Giờ mình còn hai cặp, mẹ há?
- Rồi đây – giọng mẹ trịnh trọng – sẽ làm thịt hai con gà Mỹ…
Minh nhả miếng thịt trong miệng ra liền, la lên:
- Con không chịu!
Bé cũng phản đối, song mẹ tôi coi như không. Trong cái tiểu quốc này,
mẹ tôi cai trị một cách độc đoán, làm gì có tinh thần dân chủ mà tụi
ngu hòng sử dụng kia chớ? Mẹ tôi điềm nhiên tiếp:
- Gà Mỹ thịt dở, trứng cũng dở. Để một cặp gà ta thôi, rồi nó đẻ trứng…
Chị bếp khoái chí cười lên hăng hắc, chị đắc ý quá, quên cả giữ gìn ý
tứ. Tôi, tôi cũng mừng lắm, nhưng chỉ cười thầm trong bụng thôi. Hai
đứa nhỏ phụng phịu, thôi ăn, ba tôi phải dỗ:
- Là mẹ nói vậy chứ đã giết đâu, đừng sợ, ăn đi, kẻo mẹ giận, nó sẽ chết liền đó!
*
Một hôm, chị Thu cau có nói:
- Mẹ cho giết hết mấy con gà đi cho rồi!
Ha! Người coi vậy mà hiếu sát! Tôi rủa thầm trong bụng, thảo nào mặt
đầy những mụn, mụn không! Mẹ tôi ngừng tay rắc tiêu lên món thịt bò xào,
ngạc nhiên quay lại nhìn chị. Không đợi mẹ hỏi, chị tiếp luôn:
- Phân gà bay vô phòng con, hôi quá, ngủ không được!
Thì ra, cái mùi không được thanh lịch đó đã nương theo cánh gió bay
tuốt vô phòng chị cả tôi! Nó chỉ là cái mùi, nó có tai mắt lương tri đâu
mà biết, mà tránh chị? Trong lúc tôi đang bối rối – hai đứa nhỏ còn bối
rối hơn tôi nhiều – lắng tai nghe một lời phân xử của mẹ thì con Hà –
lại nó, lúc nào cũng nó – chen vô:
- Phải đó, thưa mẹ! Bốn con gà chớ ít gì… con cũng thấy mùi hôi nữa, khó chịu ghê!
Trời ơi! Nó tuổi gà mà không bao giờ nương tay, nhẹ lời với gà hết, dễ ghét không! Tôi chịu hết nổi, nạt nó:
- Nhiều chuyện! Hà có ngủ trong phòng chị Thu đâu mà biết?
- Cần gì ngủ? Buổi trưa vô ngồi một chút là biết liền…. hôi rình…
Minh, Bé nhao nhao lên:
- Chị Hà nhiều chuyện, xen vô chuyện người ta…
- Im! Để mẹ coi. Đừng cãi cọ ồn quá, chịu không nổi.
Và mẹ tôi phăng phăng ra chuồng gà liền. Bà bắt từng con, nâng cằm
lên thăm dò, ước lượng sức nặng trong lúc tôi hồi hộp. Thình lình bà cau
mặt:
- Không thể làm thịt hai con gà Mỹ được (hai đứa nhỏ sáng mắt lên) nó
nhẹ hẫng! Giống gà gì tồi tệ: chỉ được có mớ lông xinh đẹp với đôi chân
to tướng mà thôi!
Tôi dửng dưng không mảy may lo ngại cho số phận hai con gà của em
tôi. Song khi nghe ba tôi phê một câu, tôi có cảm tưởng như có hàng ngàn
mũi kim châm vào tim, đau nhói:
- Có gì mà thắc mắc hoài, làm thịt hai con gà ta đi. Hai con đó ngon đa!
- Không! Không làm thịt hai con gà ta. Để nuôi, tôi nhất định rồi.
- Nuôi? Mợ không thấy con Thu kêu ca đó sao? Phân gà độc lắm đó nghe!
Con tôi bịnh thì mợ tính sao? Mấy người bạn tôi trên sở mới nói chuyện
hôm kia: con họ bịnh vì phân gà…
- Tại nhà họ chật, họ nuôi trong nhà, mình có vườn mà!
- Vườn như cái lỗ mũi…
- Lỗ mũi cũng là vườn. Không nói lôi thôi, không làm gà ta. Chờ gà Mỹ mập sẽ làm.
Tất cả đều vừa ý.
*
Vở kịch đêm đó lăng nhăng quá: dài ngoằng mà không có gì đặc biệt, cứ
lặp đi lặp lại một điệu đều đều. Tôi chán ngấy, muốn đứng lên, nhưng
nghĩ không phải lúc nào cũng được coi ti vi, nên bỏ cũng thấy tiêng tiếc
; vả lại ngày mai được nghỉ tiếp những hai ngày, ngủ sớm làm chi?. Tôi
đảo mắt nhìn quanh: Ba tôi đã vào giường rồi – ba ngủ trên lầu, phòng
ngủ kế sát chỗ đặt cái ti vi. Chị Thu, chị Cúc, chị bếp đều đã rút lui
tự bao giờ. Chỉ còn lại tôi, Hà, hai đứa nhỏ và mẹ. Nhưng Bé cũng nằm
xoài xuống gạch hoa, cô ta lim dim mắt, chực ngủ. Tôi biết cô em út nán
lại là cố chờ mẹ cùng vào giường chứ chả thiết coi ngó chi. Cô bé sợ,
song cô ngụy trang sự sợ hãi bằng một giọng hào hùng thế này này:
- Bé đợi mẹ đi ngủ luôn, chớ ngủ trước bỏ mẹ ngồi một mình, mẹ sợ ông già, tội!
Con Hà thì vừa ngáp dài, vừa chê: “Dở ẹt”. Con gái thế đấy, kiến thức
không dài hơn sợi tóc mà cũng bày đặt bình phẩm nọ kia. Tôi ấy à,? Tôi
phải xem xong vở kịch rồi tôi mới chê khen. Mẹ tôi vẫn dặn “Đừng vội
vàng phê phán bất cứ ai” kia mà!
Minh thì chăm chú nhìn lên màn ảnh. Trông dáng bộ mê mải của nó tôi vụt nhớ mẹ tôi vẫn nửa đùa, nửa thật bảo:
- Con trai út của mẹ sau này sẽ là một nghệ sĩ!
Ghê chưa? Nghệ sĩ! Các bạn biết tại sao không? Cu cậu vốn mau nước
mắt: nghe tiếng đứa trẻ trong radio khóc vì mất mẹ, cu cậu cũng òa khóc
theo. Thêm cái tài vặt: hễ cầm chiếc đũa hay cái que trong tay là vung
vít, múa may trong không khí y như một nhạc trưởng có tài đang điều
khiển dàn nhạc. Cộng với một câu rất điệu: “Để con lớn, con sẽ làm họa
sĩ vẽ tranh cho truyện mẹ, khỏi lo chi chuyện anh Vi Vi đi lính”.
Tiếng ba trong phòng ngủ thỉnh thoảng vọng ra:
- Thôi! Coi đi ngủ! Mê vừa vừa chứ. Hay ho gì đâu…
- Cho tụi con coi chút nữa ba!
Minh nài nỉ, trong lúc con Hà đứng lên, ngáp lần nữa, kêu “Thôi! Chán
quá” và nó mất hút dưới cầu thang. Tôi, tôi cũng thấy chan chán, nhưng
tôi muốn coi đến đoạn cuối xem vai chính trong vở kịch sẽ xử sự ra sao
khi có trong tay một triệu bạc ; vai chính, con người cứ chê bai, chỉ
trích tất cả mọi người, hay lại cũng như em gái tôi: được tài chê là
giỏi?
Thình lình, chị bếp nhô đầu lên khỏi cầu thang, giọng ướt sũng:
- Mợ ơi! Họ bắt trộm gà hết rồi mợ ơi! Hu hu hu…
Mẹ tôi và chúng tôi cùng giật mình, mẹ hỏi lại:
- Bắt hồi nào? Sao trên này còn thức mà không nghe gì hết?
- Dạ, con đang ngủ, chị Thu lại kêu con, nói họ bắt trộm rồi… hu hu… mợ ơi!
Minh phóc một cái xuống nhà, nhanh như vượn. Ba tôi chồm lên:
- Hả? Mất gà hả? Sao không kêu liền?
- Dạ, con không biết, chị Thu mới kêu con đây…
- Thu! Lên đây! (chị Thu thò đầu lên). Sao? con thấy ăn trộm bắt gà phải không?
Ba hỏi. Chị Thu:
- Dạ, con đang ngủ, rồi con nghe có tiếng sột soạt, con nhìn ra, thấy
nó bắt gà, con sợ quá, không dám kêu… rồi sau con len lén lại gần cửa
sổ nhìn kỹ thấy còn có hai con… hai con gà Mỹ thôi… Con bớt sợ một chút,
con chạy ra kêu chị bếp… Chị bếp lên cho ba mẹ hay…
Ba tôi quát to:
- Đồ ngu! Sao không chạy lên kêu ba liền, lại kêu con Sáu?
- Dạ, chị Thu nói chị sợ ăn trộm nó đánh mình… Tức quá! Hai con gà của con…
Chị bếp lại khóc. Ba gắt nhỏ:
- Im coi! Để tao ra…
Ba nói và mở cửa trước trên lầu, ra trước bao lơn nhìn xuống. Thình lình có tiếng ông quát:
- Có thả gà tao ra không? Thằng bé kia? Ghê thật! Mới chừng này mà dám bắt gà người ta. Quá rồi…
Có tiếng quang quác, tiếp đó tiếng ba tôi la lên lần nữa:
- Xuống bắt mấy con gà vô, coi! Tụi ngu! Sao đứa nào cũng đứng sững ra đó?
Chị Thu, chị bếp cùng chạy rầm rập xuống nhà, mở cửa trước. Tôi cũng
theo ra. Hai tên gian đã tếch mất, bằng xe đạp. Hai con gà Mỹ thì đang
rúc vào bụi dâm bụt trước nhà hàng xóm, không ngớt kêu quang quác. Đèn
trong nhà bật sáng lên. Bé tỉnh ngủ sau cùng. Nó không khóc nhưng mếu
máo:
- Mất gà rồi, mẹ ơi!
Minh không nói gì hết, chỉ khóc, giọng xót xa thảm thiết. Ba cũng vừa xuống:
- Còn lại mấy con?
- Dạ hai, hai con gà Mỹ thôi! Tụi khốn nạn khôn thiệt: nó chỉ bắt gà ta thôi, không bắt gà Mỹ.
- Hừ! Không bắt! Nhờ tao thấy, tao quát lên, nên chúng nó thả bừa ra mà chạy tháo đó chớ, nếu không coi, nó chừa cho…
Rồi ông tiếp tục rầy chị Thu:
- Chưa thấy ai ngu như con Thu… kêu ba không kêu, nhè kêu con Sáu…
Dặn cả trăm lần: khi có chuyện gì thì việc đầu tiên là kêu người đàn
ông…
Tiếng khóc dai dẳng của Minh làm tôi khó chịu, tôi gắt nho nhỏ:
- Thôi im đi cho rồi! Mất gà anh với gà chị Sáu, gà Minh còn mà ức cái gì…
Minh vẫn khóc. Ba lại hỏi:
- Hồi nãy con Thu thấy còn hai con, hả?
- Dạ chắc, con thấy rõ ràng mà, sáng trăng mà, ba! Hai con gà Mỹ còn lại trong chuồng…
Mẹ bây giờ mới lên tiếng:
- Thôi, đi ngủ! Đừng khóc nữa, Minh! Tao quá chán với gà qué của lũ bay.
Trước sau, vẫn không thấy bóng con Hà! Vô tình đệ nhất mà!
*
Hai con gà Mỹ còn lại vẫn nhẹ hẫng, cho nên dù ghét, mẹ tôi không thể
ra lệnh xử tử chúng được (chứ sao, người ta thích ngắm cái đẹp chứ khó
mà nuốt trôi cái đẹp!). Hết tranh ăn với nhau, chúng ít ồn ào hơn. Mỗi
chiều, Minh hết phải xoay trần ra cùng Bé, mang thớt dao lên nhà, thái
xà lách cho chúng. Rau dư chúng ăn không hết, chúng ăn uống ít ỏi, nhẩn
nha như mấy tiểu thư nhà giàu chê cơm!. Khác với khi còn mấy con kia,
ngày nào hai đứa cũng nằn nì chị bếp mua cho vài đồng xà lách để chúng
xắt cho gà. Minh cũng không còn quanh quẩn mấy góc kẹt tìm gián cho gà.
Tôi buồn cười nhất là khi nào Minh vớ được một chú gián cánh. Nó nhất định dành riêng cho gà nó, dù tôi biết rằng nó khó mà phân biệt gà nó
với gà Bé. Có lần hai đứa đánh nhau vì con gián, món ăn quí cho gà!
Từ khi còn lại có hai gà cho hai đứa thì sự xô xát, tranh giành như
dịu lại. Sự săn sóc cũng bớt đi! Chị bếp thở dài, luôn miệng nhắc:
- Con tiếc hai con gà! Phải chi mợ cho làm thịt còn hơn. Uổng quá! Quân khốn nạn! Con muốn chửi…
Mẹ vội ngăn:
- Thôi! Đủ rồi, đừng nhắc, đừng chửi, vô ích. Tao cũng tiếc lắm.
- Sao mợ không cho làm thịt?
- Làm thịt? Thương quá! Với lại (lần này mẹ tôi thổ lộ can tràng) thà
nó bị bắt trộm chớ làm thịt, tụi nó khóc, ai chịu nổi! Mà nuôi lâu, làm
thịt cũng không đành, hai con gà thật dễ thương…
Tôi nghe mấy lời mẹ nói, lòng dịu lại như vừa được uống cốc nước
chanh đường! Bạn thấy không? Mẹ tôi cũng dễ thương lắm, cũng… giống tôi
lắm, chớ nào phải thành phố đã làm mẹ tôi hết yêu gia súc và thiên
nhiên? Tôi thấy tin tưởng quá, vững lòng quá: rồi đây yên ổn, mẹ con tôi
sẽ về quê nuôi gà, trồng cải… Mẹ con tôi sẽ bỏ cái thành phố đầy bụi
bặm và tiếng ồn!
*
Ba hôm nay, mỗi lần đi học về, tôi không thấy mẹ tôi phải rát cổ vì
Minh hay cất lẻn phía trước săn sóc gà ngoài nắng nữa. Hai đứa em tôi
thậm thọt ra ngã sau. À! Lại có gì đây? Tôi vứt cặp, theo chân chúng.
Thì ra, lần này chúng đang theo đuổi một thần tượng mới: con chó con của
nhà cụ H. xóm sau!
Tôi không mấy ưa chó, nhưng phải lấy công tâm mà nói: Con chó này
cũng khá xinh, chân lùn tịt, lông trắng chen vài túm vàng vàng, mỏ ngắn,
đầu bằng, mũi lúc nào cũng ươn ướt… như mấy cô tô son… bóng, hai con
mắt long lanh như hai hạt bi ve, mình tròn mum múp. Con vật chạy trước,
hai đứa em tôi chạy sau, lúp xúp, cười nô vang cả một góc hè. Thỉnh
thoảng con vật nằm lăn kềnh ra, hai đứa vuốt ve bằng thích… Chợt hai đứa
dừng lại rủ rỉ bảo nhau:
- Phải chi mẹ cho tụi mình nuôi con chó chắc vui phải không Bé?
- Ờ phải, phải chi…
Tôi chưa kịp bày tỏ ý kiến thì Hà cũng vừa trờ tới, gạt phăng:
- Còn lâu đa! Vọc chó dơ, mẹ đánh bây giờ chớ chấp chới đòi nuôi chó!
Cái con! Con gái mà “đuya” quá, bạn thấy không? Bỗng dưng, tôi đâm ghét nó, ghét quá chừng! Tôi nói bâng quơ:
- Thôi! Đi nhai sách vui hơn! Vọc chó chi cho dơ.
Nó gây liền:
- Anh nói gì vậy? Nói ai nhai sách?
Tôi thản nhiên, làm như không để ý gì đến nó:
- Nói ai đâu? Anh nói anh mà! Can gì đến Hà không?
- Hèn! Như vậy là hèn!
Đến lượt tôi nóng mặt:
- Nói ai hèn?
Nhưng thốt xong ba tiếng đó, tôi tự lượng sức mình không đủ chữ để
cãi với nó, tôi đi thẳng vô phòng tắm liền. Nước mát rợi làm tôi nguôi
giận. Tôi bình tĩnh phân tách tâm lý em gái tôi. Căn cứ vào tính nết nó,
một lần nữa tôi tiên đoán rằng em gái tôi sau này sẽ trở thành một cô
giáo, một cô giáo trong thành phố, cô rất dữ. Cô giáo Hà, một cô giáo
nhà không có chó, có gà, không cả con gián, con thằn lằn (nó rất sợ gián
và thằn lằn) Cái cây trước nhà nó sẽ không có một con ve, mái nhà nó sẽ
không bao giờ có con chim sẻ. Và tôi, dù là anh ruột nó, tôi cũng sẽ
tránh xa, rất xa. Tôi ở nhà quê!
Không phải chỉ thế thôi. Một ngày kia, nó hối hận, nó quay về với
thiên nhiên và súc vật, lúc ấy thì… than ơi! Quá muộn: nó không đủ tiền
để mua một con chó, con gà. Nó nghèo quá, mà thành phố thì các con vật
đó rất đắt. Nó đành lần về quê, tìm tôi, năn nỉ. Tôi sẽ không tiếc với
nó đâu, nhưng tôi sẽ làm cho nó mở con mắt ra – cũng như mở tấm
lòng – để thấy, để biết, để hiểu rằng được vuốt ve con gà, con chó là
một điều hạnh phúc. Tôi sẽ làm cho nó mang sự hối hận suốt đời, tuy nó
được thỏa nguyện: mang gà, mang chó về nhà. Tôi sẽ làm cho nó nhớ rằng
hồi nhỏ nó đã làm khổ em nó, đã không biết thưởng thức cái hạnh phúc tận
tầm tay (trọn thời kỳ chúng tôi nuôi gà nó chưa một lần vuốt thử cái
đuôi!) Tôi sẽ…
- Vũ! Tắm nhanh lên! Làm cái gì mà xả nước dữ vậy? Ngủ quên trong đó, hẳn?
Tiếng mẹ tôi làm tôi tỉnh mộng, cắt đứt giòng tư tưởng đang tuôn theo nước ào ào…
Minh Quân
(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 106, ra ngày 15-5-1969)