CHƯƠNG HAI
TRONG GIA ĐÌNH
Đang ngồi đọc báo, Hiệp nghe
tiếng cửa mở, ngửng đầu lên, ngó thấy bà Hòa, người chị dâu, vừa bước vào vừa
niềm nở hỏi han:
- Chú ba đã đi làm về đấy à?
- Thưa chị vâng – Hiệp đáp –
chị đi đâu về mà em thấy chị có ý vui tươi hơn mọi ngày?
- Tôi lại đàng trường thằng
cháu Thuận đó chú.
Ngồi xuống chiếc ghế bành
trước mặt em, bà Hòa thong thả kể:
- Thế này, chiều qua tôi
nhận được thư ông Hiệu trưởng mời tới trường để nói về việc học của cháu. Mấy
năm nay, mỗi lần nhận được thư mời như vậy là y như rằng ông ấy cho hay thằng
cháu của chú học không được, phải xuống lớp. Tôi rầu hết sức. Ông và ba nó cũng
buồn không kém. Bởi vậy, lần này được thư, tôi lại trường mà không trình ông
hay trước, cũng không cho ba nó hay luôn nữa. May sao bữa nay “hên”. Trông nét
mặt của ông Hiệu trưởng và nụ cười của ông ấy, tôi yên tâm được phần nào. Quả
nhiên ông ấy hân hoan báo cho biết cháu đã có tiến bộ đôi chút, nếu cố gắng
cuối năm có thể lên lớp được…
Ngưng mấy giây để lấy hơi,
bà Hòa nói tiếp:
- Tôi cứ lo ngay ngáy phen
này cháu phải xuống lớp Ba thì cực không biết thế nào mà kể.
- Ông Hiệu trưởng có cho
biết hạnh kiểm của cháu ra sao không hả chị?
- Có chứ! Trường này tuy nhỏ
nhưng lo việc giáo dục rất đứng đắn. Bao giờ hạnh kiểm cũng được chú trọng đến
trước việc học hành. Và cháu chú tháng nào cũng được điểm hạnh kiểm tối đa, 10
trên 10, đó chú.
- Vâng, vậy cũng mừng – Hiệp
nói – Chứ học đã kém mà hạnh kiểm lại bết bát thì thật là “hết thuốc chữa”.
Bà Hòa tâm sự với em:
- Nói chú mừng, lần nào ông
Hiệu trưởng cũng khen cháu có hạnh kiểm gương mẫu, anh chị cũng được an ủi phần
nào. Ông ấy thường nói như thế này : Học sinh chỉ cần hiền, ngoan, lễ phép là
đủ được 10 trên 10 điểm hạnh kiểm một cách dễ dàng. Cháu Thuận không những
hiền, ngoan, mà còn rất tốt bụng, hay bênh vực kẻ yếu và thích giúp đỡ mọi
người. Cháu xứng đáng được một số điểm gấp đôi, nhưng tôi rất tiếc không thể
phê điểm ra ngoài thông lệ được. Do đó, tôi xin nhắc lại, tôi quý cháu lắm nên
vẫn giữ cháu ở đây để cố gắng làm sao cho một ngày kia trí tuệ cháu được mở
mang cho bằng người ta.
- Vậy ra – Hiệp nói – việc
học của cháu chẳng những là một nỗi gian truân đối với gia đình ta mà còn là
một thử thách đối với trường học của cháu nữa.
- Phải rồi – bà Hòa nói –
Tuy nhiên, ông Hiệu trưởng có lo cũng lo có chừng, chứ ba nó lo, tôi thấy thật
tội. Ai đời làm việc suốt ngày ở nhà thương, tối về ăn vội vàng miếng cơm rồi
xoay trần ra dạy con học mà chẳng thấy tiến bộ được chút xíu nào, chú bảo có
tức không chứ! Anh ấy kiên nhẫn hết sức, cố không đánh con, không sỉ vả con,
song đôi lúc giận quá cũng không dằn được, thế là quát tháo ầm nhà, rốt cuộc
cháu đã tối dạ lại càng thêm rối trí. Nghĩ tội cho cả hai cha con!
- Nhưng dù sao cũng tội cho
thằng con hơn!
Bác sĩ Hòa về từ lúc nào
không ai nghe thấy tiếng xe, mở cửa bước vào góp chuyện. Ông đăm chiêu ngồi
xuống, tiếp:
- Trông mặt cháu nó lúc ngồi
học thấy tội nghiệp vô cùng, chú ạ! Đôi mi mắt nặng nề sụp xuống khiến cho toàn
khuôn mặt của nó có một nét đần độn lạ thường. Nghĩ xót xa cho con, lại chua
xót luôn cả cho chính mình.
Ông Hòa bước tới trường kỷ
ngồi xuống cạnh Hiệp trong khi bà Hòa đứng dậy lấy nước cho chồng giải khát với
em.
- Chú ba à – ông Hòa tâm sự
- từ ngày ông thấy tôi nổi nóng đánh mắng cháu, ông không cho tôi kèm cháu nữa.
Ông có tuổi, ông kiên nhẫn hơn, khoa sư phạm lại là nghề tay mặt của ông nữa
nên dậy cháu có tiến bộ hơn đôi chút.
- Mình à – bà Hòa hỏi chồng –
có khi nó tiến bộ nhờ những lúc nó học truyền khẩu với chú sau những buổi tập
võ ngoài vườn cũng chưa biết chừng.
- Không biết nữa – ông Hòa
mỉm cười đáp – Chỉ những khi thằng Thuận tập võ, tôi mới thấy những nét thông
minh của nó xuất hiện. Từ ngày chú đổi về đây, mãi đến hôm nghỉ cuối tuần lễ
trước, tôi mới có dịp coi chú dậy cháu đánh quyền, tôi nhận thấy đôi mắt của
cháu quắc lên thật sáng. Tôi nghĩ mắt ấy phải là mắt của một người thông minh
mới phải. Bữa ấy tôi nhận thấy : học với tôi, cháu như một con cá tội nghiệp
mắc cạn, khác hẳn lúc tập với chú, nó như loài thủy tộc được vẫy vùng dưới
nước.
- Hay là mình cho con theo
nghiệp võ? – Bà Hòa nhỏ nhẹ ướm lời.
- Văn hay võ không thành vấn
đề – ông Hòa trả lời – điều cốt yếu là phải có một căn bản học trước đã. Không
lẽ để cho con cam phận làm lính i tờ hay sao?
- Thưa anh – Hiệp nói – em nghiệm
thấy cháu chỉ học chữ là không kham, thuộc đó rồi quên ngay đó, còn học võ thì
cháu sáng dạ lắm. Ngoài ra, kiến thức thông thường của cháu cũng không đến nỗi
tệ. Em nghĩ hay là cơ thể của cháu có một cái gì không ổn.
- Có lẽ thế – ông Hòa đáp –
tôi cũng nghĩ vậy. Tôi đã gia công nghiên cứu mà chưa rõ được nguyên nhân…
Khi bà Hòa vào nhà trong lo
cơm nước, ông Hòa đứng dậy, đi đi lại lại trong phòng một lúc như đắn đo suy
nghĩ, rồi lại ngồi xuống cạnh em tâm sự:
- Nếu cháu bệnh, anh có bổn
phận phải chữa cho kỳ lành mới thôi, chú nghĩ coi ai đời cha làm bác sĩ mà con
học hành dốt nát quá như vậy. Lắm lúc nghĩ mà mắc cỡ.
- Anh cũng đừng quá nghĩ
ngợi – Hiệp khuyên – Buồn là buồn chung cho cả gia đình, chứ không riêng gì anh
hay cháu…
- Không, chú hiểu lầm tôi –
ông Hòa mỉm cười ngắt lời em – Không phải tôi mắc cỡ vì có con học dốt, mà mắc cỡ
vì không chữa được cho con khỏi dốt. Mắc cỡ hơn một bực nữa là mình làm thuốc
mà xét ra không có từ tâm bằng nó…
Ông Hòa hăng hái nói tiếp
trong khi Hiệp ngơ ngác không hiểu kịp ý người anh:
- Như chú thấy, tôi muốn giữ
tròn đạo làm thầy của một lương y nên suốt ngày tận tụy ở nhà thương và không
hề nghĩ đến chuyện mở phòng mạch tư như người ta. Ai ngờ chính thằng cháu ngu
đần của chú lại có sáng kiến thúc đẩy cha nó mở một phòng mạch nho nhỏ ở nhà.
Để chi, chú biết không? Để chữa miễn phí cho bà con cô bác ở quanh đây, trong
những hẻm bùn lầy nước đọng. Họ quá nghèo để vào bệnh viện tư, và quá bận về
sinh kế để có thì giờ chầu chực tại các bệnh viện công. Thành thử phòng mạch
của tôi được việc cho họ vô cùng. Và tôi cảm thấy mình hữu ích cho đồng bào hơn
trước.
- Vậy mà khi mới đổi về đây,
em cứ tưởng anh mở phòng mạch để đỡ đần thêm cho chị chút đỉnh đấy chứ!
- Đã hết đâu chú! Từ ngày
ông nội thấy tôi hay gắt mắng cháu, ông không cho tôi dậy cháu nữa. Mỗi ngày
ông dành ra ít giờ kèm riêng cho cháu. Được mấy hôm, cháu chú đã tỉ tê xin với
ông nội dậy luôn cho ít chục đứa nhỏ thất học trong xóm. Ông nội ừ rồi, nó lại
nhõng nhẽo bắt bà nội và mẹ nó khâu vá những quần áo cũ còn tốt cho những gia
đình quá rách.
- Ái chà – Hiệp bật cười lớn
– thằng nhỏ vậy mà có óc lãnh đạo. Thế nào cũng có ngày cậu cả bắt chú cậu dậy
võ cho tất cả các trẻ con trong khu phố!
- Dám lắm, chú ơi! – bà Hòa
từ trong nhà bước ra góp chuyện – Ông bảo thằng bé này tuy tư chất kém cỏi
nhưng ngày sau có thể khá được vì, ông nói, nó biết “trồng cây Đức”. Ông dậy cả
nhà phải lo làm điều lành để phúc lại cho con cháu…
Ông Hòa cười hề hề bảo vợ và
em trai:
- Đó là những chuyện siêu
hình, tôi không dám có ý kiến sợ cụ chửi chết. Nhưng tôi nghĩ nếu mình làm điều
lành chỉ cốt để cầu hưởng phúc về sau, chẳng hóa ra mình cầu lợi bằng cách “đầu
tư” cho tương lai sao? Theo ý tôi, tất cả những gì gia đình ta có thể làm cho
xã hội chỉ là một đóng góp nhỏ nhoi giúp san bằng những chênh lệch quá đáng và
có quá nhiều ở chung quanh ta mà thôi.
Trời đất sinh ra con người,
ai cũng như ai. Thế mà ta ở nhà lầu, áo quần lành lặn, con cái được ăn học đàng
hoàng, trong khi cách đây chỉ ba bước, thiên hạ chui rúc trong những căn nhà ổ
chuột, áo quần rách rưới, trẻ con thất học, lêu lổng… Sự bất công thật quá rõ
ràng. Mình không tạo ra nó, nhưng chính mình nghiễm nhiên hưởng thụ nó, mới
chết chứ! Cho nên tôi nghĩ mình có làm phước được tí nào chẳng qua cũng chỉ để
cho mình khỏi tự thẹn với chính mình mà thôi…
Ông bác sĩ đang nói thao
thao thì Thuận và Thuần, chị nó, đi học về, cùng bước vào phòng khách.
- Thưa ba má, thưa chú, con
đi học đã về.
- Ờ, Thuận hôm nay có thuộc
bài không?
Hiệp kéo Thuận vào lòng. Nó
sịu mặt thưa:
- Thưa chú, cháu xui quá!
Chiều nay con tưởng lượm ngon ơ 20 điểm, ai ngờ suýt nữa bị ăn hột vịt.
- Sao vậy? Lại không thuộc
bài chứ gì? – Hiệp hỏi.
- Không phải. Con có thuộc
nhưng cô không kêu trả bài. Cô hỏi một câu để thử coi học trò có hiểu rõ bài
không. Con giơ tay xin trả lời. Nhiều đứa cũng giơ tay. Cô trỏ con. Con đứng
lên, nói được một câu suôn sẻ, thấy cô gật đầu đã mừng, rồi bỗng dưng con quên
khuấy hết những gì phải nói tiếp. Một phút trước, dường như con thấy câu trả
lời hiện ra thật rõ trong đầu óc con như được viết bằng phấn trắng trên một tấm
bảng đen. Nhưng một phút sau, tất cả dường như bị một bàn tay vô hình xóa hết
đi, không còn một nét. Chưng hửng, con đứng ì ra, không nói tiếp được, mắc cỡ
hết sức. May cô thông cảm nên không trách mắng và cũng không cho điểm xấu.
Hiệp ôn tồn gạn hỏi:
- Cái điều con vừa nói với
chú là một “hiện tượng”. Vậy cái hiện tượng ấy có thường xẩy ra cho con không?
- Thưa chú, có. Nhiều bài
ông giảng lại cho con, con nhớ ngay và khi trả bài, tưởng chừng có thể đọc rành
mạch từng hàng chữ viết rõ ràng trong óc. Ác cái những hàng chữ ấy thoắt hiện
thoắt mờ, nên nhiều khi tưởng thuộc mười mươi bỗng hóa ra chẳng thuộc một chữ
nào.
Thuận nói tiếp trong khi
Hiệp còn trầm ngâm suy nghĩ:
- Chú à, có lúc nằm chơi
nghe chị Thuần học, con cũng hiểu đôi chút và cũng có khi thuộc từng đoạn nữa.
Con không dám khoe vì sợ chị mắng là nói láo. Có lần chị làm toán viết sai mấy
con số trên bảng, con bảo chị và định sửa lại giùm cho chị, nhưng vừa cầm cục
phấn bỗng quên không biết phải sửa ra sao…
Thuần nẫy giờ ngồi thủ thỉ
cạnh mẹ bỗng nói xen vào:
- Thưa chú, đúng như vậy đó.
Con coi lại quả nhiên con toán ấy sai. Kể cũng lạ, chú nhỉ?
- Giá tấm bảng trong óc con
không bị xóa hoài hoài một cách ngang xương như vậy, có phải sung sướng biết
bao không! – Thuận than thở.
- Vậy thì em tôi thành nhà
thông thái mấy hồi! – Thuần cười trêu em.
- Và giỏi hơn chị là cái
chắc! – Thuận cũng cười trêu lại.
- Còn lâu, em ơi!
- Rồi chị coi! – Thuận nói
với nhiều tin tưởng – Để rồi chị coi. Em có cảm giác một ngày không xa, em sẽ
vỡ trí và không còn cù lần như thế này mãi đâu.
__________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG BA