Thứ Hai, 11 tháng 5, 2015

GIỚI THIỆU SÁCH_TÊN TÀI XẾ SUZUKI...


Đọc cuốn “TÊN TÀI XẾ SUZUKI LÝ TƯỞNG” ! của MINH QUÂN, nghĩ về lòng mẹ.


Nói đến bác Minh Quân, hẳn có nhiều em đã biết vì đã là độc giả của bác. Cho nên chị nghĩ rằng kỳ giới thiệu sách lần này của chị sẽ có em bảo là : “Chị sao khéo khen phò mã tốt áo !”. Đúng đấy, trong lãnh vực văn chương dành cho tuổi hồn nhiên tươi sáng, hiển nhiên bác đã là cây bút được ái mộ nồng nhiệt, có đúng không nào ?

Về hình thức, sách được trình bày rất trang nhã, ít lỗi ấn loát, bìa do họa sĩ Vi Vi minh họa. Sách dầy 160 trang, giá 310đ. Nội dung là một bản trường ca về tình yêu thương, trìu mến, lo lắng hướng về con cái của bậc làm cha mẹ.

Kể từ ngày xe gắn máy ào ào tràn vào Việt Nam , thì một vấn đề mới đã nẩy ra cho trái tim vốn đã đầy dẫy lo sợ của các bà mẹ, lo sợ về những bất trắc thình lình có thể xảy tới cho các con. Lòng người mẹ không còn một lúc nào yên trừ khi cái xe nằm trong garage :

- “Không bao giờ tôi thấy mẹ tôi bồn chồn nóng nảy như từ ngày chị Thu có cái xe. Mẹ tôi ngừng may, ngừng lau nhà, ngừng nấu nướng, ngừng cả viết bài, dõi mắt theo chị Thu lúc chị xách xe ra, cho kỳ chị khuất bóng mới quay vào. Rồi thì mẹ tôi thấp thỏm, canh chừng đồng hồ tay, nghe thấy cái xe nào rồ máy là lao ra, là bổ xuống. Mẹ tôi chỉ yên tâm, chỉ bình tĩnh, chỉ vui vẻ khi cái xe đã nằm yên trong garage”. (trang 15)

Lòng người mẹ thắt lại nghĩ tới con, mỗi khi thấy một đám đông nào ở giữa lộ, dù không phải đường con mình thường đi, dù thành phố mình ở có cả triệu người đi xe gắn máy. Lòng người mẹ thắt lại, vì người mẹ hoảng hốt, lúc nào cũng lo sợ cho con. Trái tim người mẹ lúc nào cũng rên rỉ :

- “… Con có biết rằng rủi ro có chuyện gì, con tàn tật thì mẹ ra sao ? Con chết thì mẹ ra sao ? Mẹ chăm chút con từ chút, cái tóc, cái răng, cái mặt, cái mũi… Thôi thôi…

Lòng mẹ nghĩ tới con thật tội nghiệp ! Tất cả các bà mẹ trên thế giới đều có một tật chung là lúc nào cũng nghĩ về con như khi con còn là đứa nhỏ ẵm trên tay. Danh ngôn có câu: “Chỗ trú ẩn chắc chắn yên ổn nhất là bụng mẹ”, vậy thì chỗ trú tinh thần êm ả nhất cho một người con, hẳn phải kể đến lòng mẹ. Dù đứa con hư bị xã hội ruồng bỏ, xua đuổi, trốn vào lòng mẹ, vẫn được âu yếm như đứa con ngoan, được đời trọng vọng. Đôi khi, đứa con bị xã hội bỏ rơi lại còn được mẹ xót xa, âu yếm hơn nữa. Cho nên, người mẹ trong “Tên tài xế Suzuki lý tưởng” cũng luôn băn khoăn thắc mắc vì trước mắt bà, bầy con dù lớn tới đâu, vẫn cần sự chỉ bảo, đùm bọc của bà.

- “Và mỗi lần về nhà, chưa cởi áo, mẹ tôi đã hỏi đứa này, đứa khác, nếu vắng mặt chúng tôi lập tức mẹ tôi phăng phăng xuống garage, coi thử còn xe đó không”. (trang 24)

Bởi vì làm sao mà yên tâm được, khi con bà dắt xe ra mà bà lại không có đó để dặn dò :

- “Nhớ đi sát lề tay mặt. Nhớ đưa tay khi quẹo và chỉ quẹo tay mặt, nhớ đi chậm chậm, nhớ đừng tăng ga… nhớ… nhớ… và nhớ…

Ngoài ra, điều kiện cũng phải hội đủ là đi vào giờ ít xe, đường ít xe, lộ trình thẳng hoặc chỉ quẹo tay mặt v.v… “

Khi chị còn nhỏ, chị có được đọc cuốn “Chục 13” do hai con ông bà Gilbreth viết về gia đình họ khi họ còn nhỏ. Chị không đề cập tới lối giáo dục con cái trong cuốn đó, vì có nhiều điểm không hợp với tâm tình người Á Đông. Nhưng riêng về khía cạnh tình cảm gia đình của cuốn đó, thì quả đã khiến cho chị cảm động lắm, mà chắc nhiều em đã đọc cuốn đó cũng thích nữa. Cuốn sách tràn trề tình gia đình, gây cho các em nhỏ ấn tượng tốt về các liên hệ gia tộc, tình cha mẹ anh chị em ông bà chú bác. Không cứ Việt Nam , ngay ở ngoại quốc, cuốn sách đó cũng được các gia đình lành mạnh hoan nghênh. Sau này, thỉnh thoảng chị lôi ra coi lại, vẫn còn thấy thú. Nhưng đến khi đọc “Tên tài xế Suzuki lý tưởng” chị lại thấy yêu mến cái gia đình của nhân vật trong truyện gấp bội. Tác giả Minh Quân đã dùng một lối hành văn rất là tự nhiên giản dị thành ra người đọc có cảm tưởng như đang quan sát nếp sinh hoạt của một gia đình, những mẩu đối thoại rất linh động của một ông bố nể vợ nhưng chiều con, chuyên làm đầu tầu vẽ đường cho hươu chạy, để con có lối thoát trước quan niệm “độc tài” của mẹ. Một bà mẹ luôn lo lắng, bồn chồn, với bà thì trên đời này không có cái gì có thể làm cho bà quên bầy con của bà lấy một phút. Rồi là đàn con, tuy ước ao được tự do nơi trời cao biển rộng, nhưng bao nhiêu nghị lực phút chốc tiêu tán ngay khi giọt nước mắt mẹ long lanh. Bà mẹ lo sợ vì con bà đi xe gắn máy và càng lo sợ thêm vì em bà bị gẫy tay, rồi lại con bạn của bà cũng gẫy tay. Nhưng thực tế chẳng ai gẫy tay vì xe gắn máy mà thủ phạm ác ôn lại là xe lam và vì chơi đá banh !

Bàng bạc trong truyện là tấm tình của người cha, người mẹ, các con, chị em, bạn hữu trải rộng bát ngát nồng nàn.

Vào cái thời mà tình nghĩa vợ chồng, con cái, bằng hữu nhẹ như lông hồng, chị rất ước ao sẽ được đọc những cuốn khác nồng đượm tình người như cuốn “Tên tài xế Suzuki lý tưởng”.

Một người bạn của chị sau khi đọc cuốn “Tên tài xế Suzuki lý tưởng” bèn bắt các con đọc. Sau đó, mỗi khi con dắt chiếc xe ra cửa, bà lại nhắc :

- Con đã đọc cuốn “Tên tài xế” rồi chứ ?

Mới đây, khi con bà té xe trầy trụa, bà rên rỉ :

- Trời ơi ! Chắc mẹ phải bắt con học thuộc lòng cuốn “Tên tài xế…” quá !

Vừa suýt soa nhăn nhó, cô bé vừa đáp :

- Mẹ ơi ! Sách dầy tới 160 trang lận đó mẹ, học thuộc sao được mẹ. Mà điều con nhớ chứ. Nhưng đây là họ xô con mà. Chớ con đâu có đi ẩu.

Cô bé đã hiểu lòng mẹ cô qua tâm tình người mẹ trong sách, như nhân vật trong sách đã hiểu lòng mẹ họ, lòng mẹ Việt Nam . Và cả lòng các bà mẹ trên thế giới nữa, chắc ở đâu cũng vậy mà thôi là luôn luôn lo lắng, bồn chồn, phát đau tim lên khi con vắng nhà, lo sợ cho con đủ chuyện, như bà mẹ trong truyện đã phải uống thuốc trợ tim.

Bù lại, lòng những người con hiếu cũng sẵn sàng cảm thông để mà không cười mẹ, mà chiều theo ý muốn lẩm cẩm của mẹ, vì biết rằng mẹ thương mình.

“Ôi ! Lòng mẹ ! Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào”


Chị Đỗ Phương Khanh 

__________________________________________________________________________
Xem CHƯƠNG I   

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 136, ra ngày 15-3-1975)
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>