Hai đứa tôi đang vói tay đưa trái điệp cho chú dê con bỗng giựt
mình vì tiếng chân người. Hú hồn! Không phải sơ Lucie mà là chị Hoa Tươi.
- Chúa ôi! Sơ Lucie kiếm tụi bây nãy giờ, lát nữa lên lầu nhớ nói
đi tiểu nghe.
Tôi và thằng Kristina lấm lét theo chị lên lầu. Hai đứa càng sợ
khi nghe sơ Lucie quát tháo. Mấy đứa nhỏ tuổi như tôi nằm im trên giường, không
dám động đậy và lăn mình. Các chị lớn thì quỳ gối ngay giường của mình, chị Hoa
Tươi cũng y số phận.
- Phong, Kristina… tại sao có phòng tiêu tiểu trên lầu mà lén
xuống dưới? Hai đứa lại giường quỳ luôn cho đến khi nghe chuông rung.
Rồi sơ bỏ đi mau sợ trễ giờ đọc kinh. Nghe tiếng chân sơ đã xuống
khỏi bực thang cuối cùng bằng gỗ dày, chị Bảo Anh chạy nhanh đến cửa sổ thật
nhẹ và gọn để nhìn vội xuống hành làng.
Cả bọn đang rục rịch lộng hành, bỗng giựt mình trở về trạng thái
cũ ngay, khi chị Bảo Anh cũng trở về quỳ nhanh. Thì ra sơ chưa đi vội, sơ còn
đứng dưới cầu thang. Và kìa cái bóng trắng đã lên tới. Sơ đảo nhanh đôi mắt
nghiêm khắc quanh phòng. Mặc dù cặp kính cận che bớt sự sắc bén nhưng chúng tôi
vẫn sợ sệt cúi gầm đầu xuống, tay khoanh thật ngoan ngoãn. Yên tâm phần nào, sơ
lại đi xuống thật là nhẹ nhàng như những bước chân của con mèo già mà sơ Supérieur
nuôi trong phòng. Chị Bảo Anh lại làm phận sự của một chú lính canh phòng. Lần
này sơ đi đọc kinh trưa thật rồi. Thế là tha hồ, chúng tôi ào lên cả bọn, những
cái gối trắng tinh được ném lẫn vào nhau. Chị Bảo Trâm phải la to:
- Thôi, tốp… Sơ Lucie lên kìa. Đứa nào có xem văn nghệ thì ngồi
yên lặng.
Thằng Hầu học trên tôi một lớp, một cây phá phách gân cổ cãi:
- Còn lâu! Quyền tự do của người ta mờ, tui khỏi có sợ chị đi.
Nói xong nó ném ngay cái chăn chụp vào đầu chị Bảo Anh đang đứng
chỗ cửa sổ. Y như thể ông chài quăng cái lưới cá trên sông.
Cả bọn cười bò lăn trong khi thằng Hầu chui tọt vào gầm giường.
Chị Bảo Trâm cũng nhìn cô em và gập người lại cười, nhưng hăm thằng Hầu:
- Ừ nói thì ngon lắm, chị mà mét tội em giả ma hồi tối thì có mà
chết đòn.
- Còn lâu, chị mét thì chị cũng sẽ bị khiếp vía một phen.
Chị Bảo Anh đã cầm gọn cái mền, tiến đến sau lưng thằng Hầu:
- Cú đầu nó mau tụi bây.
Cả bọn chúng tôi ào tới cú lấy cú để. Thằng Hầu khóc thét lên:
- Hu hu, sơ Lucie ứa ừa, tụi nó uýnh con.
Làm cả bọn càng vui đáo để. Chị Bảo Trâm lại ra lệnh:
- Thôi gần hết giờ rồi, không được giỡn nữa. Mấy cô sơn nữ đâu ra
vũ mau!
Các chị Quỳnh, Loan, Xuân, Lan và chị Alice thẹn thùng tiến ra.
Hai chị Anh Thư và chị Thùy cũng lôi từ dưới đáy nệm nhạc bản “Đường lên sơn cước”:
- Một, hai, ba… ca à nghe? Rồi chưa…
- Rồi rồi, ủa sao chưa chịu ca…?
- Khoan, còn lấy hơi và dò “tông” đã.
Cả bọn vỗ tay và cười khuyến khích, các chị hơi ngượng cũng cười
theo. Tôi hích tay thằng Kristina chỉ chị Alice:
- Ê, Kristina, chị mày sao tóc cụt hơn các chị kia làm sao giống
sơn nữ?
- Khỏi lo, tới hôm bãi trường thì cột đầu tóc giả.
- Ngộ quá, bộ “cột” được sao, mà tóc lấy đâu ra?
Thằng Kristina cú đầu tôi một cái:
- Mày ngu quá, mượn không có thì mua mấy hồi, ngắt râu dê đó.
Những nguyên nhân nho nhỏ vậy cũng đủ làm hai đứa giận nhau, nhưng
chỉ được một buổi. Trưa mai gặp nhau lại giảng hòa, rồi lén dắt tay nhau lẻn ra
chuồng dê lượm trái điệp cho dê con ăn…
Nhưng bây giờ thì hết cả rồi, còn chăng là những kỷ niệm vụn vặt
xa xôi. Cả nhà tôi theo ba tôi thuyên chuyển đến Kế Sách trước khi trường các
Sơ ở Sóc Trăng nghỉ hè. Thế là mất đi dịp coi văn nghệ, trong đó các chị nội
trú có những màn thật hay. Hôm dẫn tôi vào từ giã sơ Marie trong lớp, tôi thấy
thằng bạn Chà của tôi ngẩn ngơ, đôi mắt nó trông theo buồn buồn chớp quanh hàng
lông mi dài cong vút. Mơ hồ tôi thoáng thấy những màn mỏng. Không rõ vì nhạt
nhòa nước mắt của tôi hay vì những giọt tròn tròn trong trong trên đôi má có
màu da bánh mật của Kristina.
Làm sao còn được những giây phút trốn ngủ lang thang khắp ngôi
trường rộng lớn có những dãy hành lang dài và mát lạnh, dưới những cây phượng
vỹ đầy bóng râm, rợp cả chuồng dê phía góc sau trường. Hai đưa tôi thường thơ
thẩn đi lượm sỏi, lượm trái điệp nhựa keo dính đầy tay. Để rồi bị sơ Lucie
(giám thị bọn học trò bán và nội trú đủ mọi lứa tuổi) phạt quỳ gối.
Và kể làm sao hết những chuyện vui buồn khi ở lại ban trưa. Có chị
Thùy hát rất hay, và rất tài vụ hóa trang. Chị hay mượn đầu tóc của tôi mà bôi
“bi-dăng-tin” và chải đủ kiểu. Chị thử để dịp nghỉ hè chải đầu cho chị Nhan giả
trai diễn kịch. Chiều về tôi vẫn thường bị mẹ rầy vì cái đầu rít chịt, nhưng
trưa mai tôi vẫn không chừa cái thói hay làm đẹp, có lẽ tại chị Thùy dụ dỗ rất
khéo. Các chị ấy học mới chừng đệ Ngũ, đệ Tứ mà đã tự tập dượt văn nghệ một
mình, nhưng lén lút thôi. Vì khi sơ Lucie bắt gặp sẽ bị phạt quỳ hay ăn roi mây
bởi tội không ngủ trưa. Tôi nhớ cả những quả chuối nấu mà sơ Anna bán bên hông
lớp học. Những buổi trưa lén ra mua, chuối còn nóng bốc khói và mềm rục. Sơ
Anna mắng tôi:
- Thằng Phong đói rồi hả? Tại sao hồi trưa không chịu ăn cơm cho
no?
- Thưa, con ăn một nửa dĩa rồi chớ, tại chạy nãy giờ nó tiêu hết
trơn.
Sơ Anna lắc đầu mắng thêm:
- Quá tay! Sơ Lucie mà hay thì sưng gối nghe chưa!
Hai đứa tôi cười nắc nẻ chạy vội lên lầu bóc chuối ra ăn. Sơ còn
bán cà rem với bánh mì ngọt chiên bơ nữa. Nhà bếp cũng do sơ trông coi. Sơ biết
từng ý thích các sơ khác để đổi món ăn luôn. Giờ ăn sơ hay đi dọc từng bàn, gắp
thức ăn cho mấy đứa bé con như tôi. Có hôm thấy tôi uể oải nhai, sơ dịu dàng
ngồi cạnh đút cho:
- Ráng ăn nhiều một chút, con sao ốm quá… Giờ chơi ăn vặt cho
nhiều giờ cơm ăn không vô.
Chả bù với sơ Lucie lúc nào cũng dọa nhốt cầu tiêu mấy đứa cứng
đầu, sơ Marie thích những cuốn tập sạch sẽ, mà tôi thì tập lẫn sách đều bẩn và
lem mực luôn, hôm nào cũng bị khẻ rát cả hai bàn tay.
Thế giới ban trưa coi vắng vẻ nhưng ngược lại mới chính là thế
giới ồn ào hoạt động của bọn học trò bán trú hay nội trú chúng tôi.
Kể sao cho hết bao nhiêu chuyện buồn vui lẫn lộn mãi ăn sâu vào
tiềm thức tôi cho đến bây giờ vẫn không phai…
Thằng Hầu có tật chọc phá các chị lớn. Chị Alice thường rượt nó để
đánh mỗi khi nó nhún nhẩy trên giường nhại bài hát Ấn Độ nghe toàn là “bánh rê,
bánh cay…” Chị Hoa Tươi hay luôn miệng “Chúa ôi!” Chị Bảo Trâm tuy làm đội
trưởng vẫn phải chào thua cô em Bảo Anh. Chị Bảo Anh vẫn chơi mọi trò của tụi
con trai chúng tôi và có phần hơn là khác. Không một ai sợ lệnh của chị Bảo
Trâm bằng ngán cái roi của sơ Lucie. Hồi hộp nhất là hôm nào đang chơi “năm
mười” mà sơ Lucie bất thình lình lên lầu kiểm soát xem “tụi quỷ” có nằm yên mà
ngủ chưa…
Chẳng bao giờ tôi được xem buổi văn nghệ bãi trường được. Nhờ có
xem tập dượt, thôi tôi tự diễn lại trong trí tưởng tượng…
Này nhé chị Thùy sẽ ca ở màn 2 hay 3 rồi vào trong chuẩn bị ca cho
các chị Lưu, Hồng, Thu, chị Hoàng Lan, chị Alice màn vũ “Nhạc rừng khuya”. Cách
vài màn lại có màn vũ “Đường lên sơn cước” cũng có mặt chị Alice. Kristina vẫn
khoe chị nó có máu vũ trong người, gốc ở Ấn cơ mà. Quên nữa, thiếu mặt tôi
không rõ chị Thùy chọn đứa nào thay cái vai trọng tài của tôi đây? Chắc
Kristina sẽ không còn hứng thú khi đóng vai võ sĩ quyền anh trong màn hoạt kê
hài hước vì lẻ bạn. Và đoản kịch vui “Kén rể”, không rõ các chị mặc đồ và hóa
trang ra làm sao (?) Chứ tôi thì rành rẽ các vai rồi. Chị Nhan, chị Bảo Anh sẽ
giả trai, chị Hoa Tươi giả ông cụ già… các chị Châu, chị Ngọc, chị Xinh… và
nhiều lắm các chị khác vai phụ. Đầu chị Nhan, chị Bảo Anh theo kiểu chải rẽ tân
thời do tài chị Thùy, khi bước ra sân khấu, các sơ ắt cũng không thể ngờ được.
Vui nhất đến hồi chót, chị Bảo Anh mang hàm râu giả đi hỏi vợ.
Khán giả tí hon vỗ tay đôm đốp, nhào cả trên giường tán thưởng, cười nôn ruột
khi thằng Hầu sửa lời ca trong vở kịch:
- Râu ơi là râu, ria ơi là ria, hàm râu cá chốt, cái hàm râu dê
cái hàm râu dê…
Khỏi tả cũng biết đoạn kết thúc, đó là khi thằng Hầu bị các chị
xúm lại véo, ngắt phải van xin “tha tội” rối rít…
Thôi xin giã từ tất cả những kỷ niệm thuở ấu thơ, cái tuổi của học
trò bán trú vô tư. Những giường nệm êm ái ấy chỉ giữ chân tụi tôi được những
buổi mưa dầm, còn những ngày khác đố khỏi tụi tôi ngủ cho yên giấc. Thời nhỏ
của lớp năm, lớp tư… bạn bè, các sơ… trường ơi! Xin ghi vào một cuốn phim kỷ
niệm dấu ái, nuối thương nhớ mãi khôn nguôi.
PHAN KHƯƠNG THÁI
(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 90 ra ngày
20-5-1973)