Thứ Ba, 12 tháng 5, 2015

CHƯƠNG I_TÊN TÀI XẾ SUZUKI...


CHƯƠNG I


Ba mẹ lại giận nhau. Lần này câu chuyện liên quan nhiều đến chúng tôi. Mà đặc biệt là trong bọn tôi, đứa thì ra mặt theo mẹ, đứa thì ra mặt theo ba chứ không giữ thái độ trung lập, hòa đồng như lần trước. Nguyên nhân chính là cái Suzuki !

Khi mẹ nghe ba bàn riêng với chị Thu về chuyện mua Suzuki lập tức mẹ phản đối liền :

- Mua làm chi ? Đi học bằng xe đạp không được sao ? Con mới bằng cái nắm tay mà đã…

Tôi lấy làm thích thú, chong mắt, lắng tai nghe xem mẹ nói đã gì, thì ba ngắt lời :

- Mợ nói đứa nào bằng cái nắm tay ? Con Thu 15, thằng Vũ 11, con Hà 10, hai đứa nhỏ nhất cũng võ vẽ biết đọc rồi, đứa nào bằng nắm tay đâu, chỉ tôi coi ?

- 15 là tính theo tuổi tây, chớ tuổi ta con đã 16 rồi, con đi được mà, mẹ ?

Chị Thu tiếp lời ba. Mẹ trừng mắt :

- Con đi hồi nào ? Xe đâu mà đi ? Đừng có nói…

- Trời ơi ! Mẹ đâu có biết, mấy bữa dì Mai đến, để xe đằng trước, chị Thu chỉ lấy chỉ đi khắp xóm, chỉ còn chở con nữa đó, mẹ ơi ! Chị Thu một cây đó.

- Quá ! Quá sức rồi ! (mẹ kêu lên) Dám cả gan… rủi ro có chuyện gì thì có khổ mẹ không ?

- Làm gì có chuyện gì . Mợ sao nhát như thỏ đế ! Đời bây giờ phải tập cho con nó xông pha, dạn dĩ chớ.

Ba lại dõng dạc nói. Mẹ ngồi im, thở dài nghe đánh sượt một cái, đứa nào cũng chờ xem mẹ sẽ nói gì, nhưng lạ chưa : mẹ không chịu nói gì, mà ba lại nói thêm :

- Không phải là làm như lối của mợ mà con nên người đâu, tôi nói cho mợ biết.

- Anh nói cái gì vậy ? Tôi không thấy chuyện mua xe Suzuki liên quan gì tới chuyện dạy dỗ con cái hết, anh nói chơi sao chớ ? Con anh chưa qua bậc trung học mà… Chắc gì nó đẩy cái xe vững, lại là con gái…

- Chớ con có khi nào nói con là con trai đâu ? Sao mỗi lần mẹ nói gì đến con mẹ cũng nhắc đến chuyện con là con gái hết vậy ?

- Con Thu đi xuống, đừng có chọc giận mẹ mày. (ba quay sang chị Thu ra lệnh đoạn quay lại phía mẹ). Này, để tôi chỉ cho mợ thấy cái chỗ sai lầm của mợ. Tôi không muốn mợ lúc nào cũng ôm ôm lũ nó, phải để cho lũ nó xông pha, bạo dạn. Có cái xe Suzuki tiện lắm. Con nó đi học đỡ mỏi chân, thỉnh thoảng khi nào tôi cần đi một chút cũng mau, mà rồi (ba cười) mợ cũng nên tập lần đi… đi đâu cũng bắt tôi chở…

- Ai bắt anh chở ? Đó là tại anh rảnh rang, vui lòng chở cho một đôi vòng, nếu anh không chở tôi đi xe taxi, xe đạp, có sao đâu ?

- Thì đâu có sao ! Nhưng mà tôi nghe mợ nói qua ngã tư mợ phải xuống xe dắt qua đường, tôi buồn quá ! Còn đi taxi thì đắt tiền mà khó đón nữa là khác… lái xe của mình thì mợ không dám…

Cơn giận của mẹ bùng lên y như đống rơm khô bắt lửa :

- Lỗi tại ai ? Tại sao anh lại một hai đòi bán cho được cái “đơ-sơ-vô” gọn gàng, nhỏ bé của mình đi mà mua một cái to hơn, mới hơn, làm tôi không dám lái ? Hồi còn “nó” tiện lợi bao nhiêu ? Tôi chở con đi học, tôi đi chợ, đi một trăm công việc, có khi nào tôi phiền đến anh không ? Tại làm sao anh ưa bề ngoài dữ vậy ? Này, tôi nói thật: bởi anh đã ưa bề ngoài, ưa sang, ưa đẹp, bán xe cũ, tậu xe mới cho nên tôi không thèm lái cái xe đó, chớ nó cũng là cái xe hơi, khó khăn gì đến nỗi tôi không lái được ?

- Phải ! Khó khăn gì đâu, nhưng mà nó mới, nó to hơn cái “đơ-sơ-vô” yêu quí của mợ nên mợ sợ rủi mợ tung vô cửa, vô gốc cây hư đi… Trời ơi ! Người ta đi guốc trong bao tử ấy chứ, lại còn vờ vịt là không thèm lái. Mà nếu thật như vậy, thử hỏi sự phản đối tiêu cực của mợ có làm tôi “ngán” không ? Hay tôi vẫn tăng ký lô đều đều ?

- Tôi biết, tôi biết mà ! Xe cũ thì vứt đi, mua xe khác, có ngày rồi anh cũng vứt tôi đi như cái xe cũ đó, khác gì đâu ? Tôi cũng cũ, cũng xấu…

Cả bọn hoảng lên: giọng mẹ nghẹn lại và… mẹ khóc ! Eo ơi ! Sao lại có sự liên tưởng kỳ quái như thế nhỉ ? Chúng tôi đứng sững, hai đứa nhỏ òa khóc theo mẹ, làm y như ba tôi đã đánh mắng gì mẹ không bằng.

Ba cũng đâm cáu lên :

- Dở trò gì vậy ? Hở ? Hai đứa nhỏ kia ? Dở trò gì vậy ? (trông thấy Cu Minh đưa ống tay áo quệt nước mắt, nước mũi, ba tôi càng cáu thêm, ông quát) Con Thu đâu ? Đem hai đứa xuống nhà, không có tao phết cho mỗi đứa một trận bây giờ đấy ! Trời ơi ! Vợ với con ! Khổ thân tôi chưa này…

*

Một tháng liền trôi qua. Rồi đến một buổi chiều kia (thật là kỳ quái, những chuyện lộn xộn trong gia đình tôi đều xảy ra vào buổi chiều) ba tôi và chị Thu lại thì thào to nhỏ về chuyện Suzuki. Mấy đứa nhỏ cũng châu đầu vào trang báo có hình chiếc xe to tướng.

- Con Hà coi đi, coi rồi lên lầu mách mẹ đi !

Chị Thu cảnh cáo Hà – em gái tôi – Con bé quay phắt lại, trừng mắt :

- Ai thèm mách ? Nữa rồi đây ba mua về mẹ không biết sao ?

Chị Thu mím môi :

- Nhưng mà lúc đó thì… mua lỡ rồi. Đừng mách mẹ, nữa tao chở đi chơi, vui lắm.

- Em không thèm. Thà em đi xe đạp, còn không thì ba chở đi xe hơi.

- Con nhỏ này nhát gan, giống mẹ quá, phải không ba ?

Ba cười mỉm :

- Ôi ! Kể gì con bé đó ? Nó là cái đuôi của mẹ mày mà !

Hà tấm tức :

- Không phải là con nhát gan, không phải con là cái đuôi… tại… tại con thương mẹ, nữa lớn con lái xe hơi cho coi !

- Còn lâu !

Tôi chêm một câu. Thật ra từ trước nay tôi trung lập, nhưng mà bây giờ thì tôi chán vai trò trung lập quá rồi. Đành rằng xe có mua về là phần chị Thu, tôi chưa đi được nhưng thế nào rồi tôi cũng sẽ được đi. Chị em với nhau, lẽ nào chị ấy lại xấu bụng tới mức không cho tôi đi một vòng “chia vui” với chị ấy ? Con Hà nó là em mà nó nói nhiều câu “ghê gớm” “già khọm” không chịu được. Nó ấy à ? Lúc nào cũng: “Mẹ dặn thế này, mẹ nói thế kia, mẹ không bằng lòng chuyện nọ, mẹ bảo phải thế đó” nghe chán tai hết sức, y như nghe mãi một điệu cải lương !

Ừ, mà sao chúng tôi lại sợ ? Suzuki thì có gì đáng sợ ? Người ta cứ đi vun vút trước mặt mình mà. Chị Thu hứa sẽ chở tôi ra xa lộ một bữa hóng gió chơi. 15 tuổi nhưng chị Thu to con lắm, không khác gì 18, còn tôi 11 mà như đứa 13. Sợ gì ? Mẹ tôi sợ là phải, mẹ tôi có bao giờ biết rằng những lúc mẹ tôi hý hoáy sửa bài hay thao thao bàn chuyện với mấy người trong nhà in, hay dì Mai, chú Liêm, cậu Sĩ là tôi với chị Thu cất lẻn lấy xe của mấy người này chạy thử một vòng ?

Chúng tôi tự hào là con của ba tôi, một người tiến bộ, rộng lượng, theo kịp trào lưu… Chúng tôi ấy à ? Chúng tôi không giống con Hà, con bé nhát cáy… ưa không nổi !

*

Cái xe về rồi ! Eo ơi ! Đẹp không chê vào đâu được. Mẹ đang đánh máy cong cóc, cong cóc trên lầu mà cũng phải ngừng lại, chạy bổ xuống. Chị Thu tươi như một cánh hoa lúc mặt trời mới hé lên, còn đẫm sương mai. Tôi xin thề là chưa bao giờ trông chị ấy tươi tỉnh đến như thế. Chị cười luôn, phô hai hàm răng trắng bóng, đều đặn, hai mắt chị sáng rực, cho đến nỗi tôi tưởng tôi đưa lại gần mắt chị một tờ pơ-luya là nó bốc cháy liền !

Ba hì hục vặn ốc chỗ này, vặn đinh chỗ khác, hai đứa nhỏ thì nhảy tót lên yên xe. Mẹ cố tìm chỗ chê mà không chê được, mẹ khoanh hai tay lại, lặng lẽ nhìn thôi.

- Mẹ, coi được không mẹ ?

Giọng chị Thu trầm và ấm. Mẹ nhìn chị, trả lời giọng lửng lơ :

- Cũng gọn, không to lắm.

Ba tôi cười hãnh diện :

- Trời ơi ! Tôi lựa rồi, tôi nghiên cứu kỹ rồi. Xe này là xe dành cho đàn bà, con nít, nó không thể chạy mau, tôi đã nói là tôi cốt mua cho con nó đỡ chân mà.

Mẹ có vẻ không tin, băn khoăn hỏi lại :

- Làm sao anh cấm nó chạy mau ? Tôi thấy lũ nhỏ lao như tên ngoài phố…

- Thiệt mà mẹ ! Thứ xe mẹ nói đó là Honda, Yamaha, S.S. 50 hay Brigestone chớ còn xe này con đi cũng được nữa là.

Tôi ngứa ngáy quá, không thể nín được phải thố lộ hiểu biết của mình, ai ngờ không được khen cho một câu, mẹ còn gắt lên :

- Liệu hồn, mẹ cấm con ! Con không được đụng đến cái xe !

Con Hà coi bộ thích chí lắm. Nó liếc tôi một cái rồi ngảnh đi chỗ khác, ra tuồng không để ý, song tôi biết nó nghĩ gì.

*

Từ bữa có xe, chị Thu bị mẹ la mỗi ngày ít nhất là 10 lần. Chị khóc luôn. Khi thì vì chị đi mà không đội mũ, khi thì vì mẹ trông thấy chị lúng túng, vụng về khi dắt xe vào nhà. Tôi cũng bực mình lây. Làm sao mà mẹ khó chịu đến vậy chứ ? Nhưng chị Thu thì khóc xong, lau nước mắt là nỗi buồn khổ cũng tan biến theo nước mắt. Chị ỏn ẻn bên tai mẹ :

- Mẹ đừng la con, rồi con sẽ chở mẹ xuống tòa báo, mẹ chịu không ?

Mẹ dẫy lên :

- Dẹp đi ! Thà mẹ đi bộ. Tao không có ưa cái lối đợt sóng mới, cái lối thấy thiên hạ có gì là đua theo như loài khỉ.

- Đi khỏe lắm chớ, mẹ mày sao khó chịu quá. Đi xe hơi kiếm chỗ đậu mệt xác, rồi đây, chắc ba cũng đi.

Mỗi lần chị Thu dắt xe ra, mẹ đứng quan sát, thở dài làm chị càng lúng túng. Và một lần, tôi thấy mẹ rớm nước mắt, kêu lên :

- Trời ơi ! Con tôi chưa đủ sức dắt cái xe mà…

Câu nói của mẹ làm tôi mềm lòng, cảm thấy tất cả lo lắng dai dẳng, những lời la mắng của mẹ tôi chỉ bởi người nặng lòng thương con mà ra chứ không phải là mẹ tôi khắt khe, khó tính.

Không bao giờ tôi thấy mẹ tôi bồn chồn, nóng nảy như từ ngày chị Thu có cái xe. Mẹ tôi ngừng may, ngừng lau nhà, ngừng nấu nướng, ngừng cả viết bài, dõi mắt theo chị Thu lúc chị xách xe ra cho kỳ khuất bóng mới quay vào. Rồi thì mẹ tôi thấp thỏm, canh chừng đồng hồ tay, nghe cái xe nào rồ máy là lao ra, là bổ xuống. Mẹ tôi chỉ yên tâm, chỉ bình tĩnh, vui vẻ khi cái xe đã nằm yên trong garage.

Còn tôi, thú thật với các bạn, từ ngày ấy tôi phải hết sức nhỏ nhẹ với chị Thu, chị ấy sai gì là tôi làm ngay tức khắc. Được trớn, chị ấy ngày càng tác tệ: chị ngồi yên một chỗ, nheo mắt ngắm cái xe hai mầu trắng đỏ nổi bật trước sân, dài giọng réo tôi, giọng như giọng phú ông nói với Bờm:

- Vũ ơi ! Đưa ta cái khăn coi.

- Vũ ơi ! Đưa ta chai dầu nhớt coi.

Dần dần, chị lên chân tới cái mức bắt tôi lau bougie, pha xăng, trộn nhớt, đo xăng v.v… tóm tắt lại, tôi hoàn toàn là một tên lơ của chị mà thảm thương thay: chị sai tôi đủ trăm linh tám việc nhưng chưa một lần nào tôi được cái hân hạnh mượn xe chị mà “dượt thử” một vòng ngăn ngắn trong hẻm cho đỡ thèm thuồng !

Công bình mà nói, không phải chị ích kỷ, phần lớn là tại mẹ tôi. Cứ hễ thấy tôi lúi húi bên cái xe, là y như mười lần không lần nào mẹ tôi quên nhắc lại một trong những câu bất hủ thế này :

- Vũ, cho mẹ can ! Con phải nghe mẹ: tránh xa cái xe khốn kiếp đó ngay. Một mình chị Thu con đủ làm mẹ đứng tim rồi.

- Vũ ! Coi học bài đi. Con có phận sự gì đâu mà lại gần cái xe đó, hở ?

- Vũ ! Sao con không lau bàn ghế ?

- Vũ ! Sao con không thay bao gối ?

- Vũ ! Ngủ dậy không xếp mền gối, chờ mẹ phải không ? Lớn rồi đó, đừng tập thói nhác nhờn, quen đi !

Tôi để ý một điều là từ khi chị Thu có cái xe, tôi không hề được “hưởng” chút gì đã đành (bởi chị ấy mải ngắm nghía cái xe, chăm sóc cho nó, còn thì giờ đâu mà làm giúp tôi những việc xếp chăn, màn, thay bao gối, lau bàn ghế ? Chưa kể chị còn “trưng dụng” tôi vào việc phục vụ cái xe của chị kèm với những lời hứa hẹn “suông”) tôi còn phải chịu nhiều thua thiệt khác, mà thua thiệt rõ ràng nhất là nếu tôi quên làm những việc của tôi, mẹ chẳng bao giờ làm cho tôi sau khi quở mắng qua loa, chiếu lệ như thói quen trước nay nữa. Mẹ nhất định gọi tôi vào, bắt tôi làm ngay những việc đó, nếu tôi đi học thì mẹ cũng chờ tôi về. “Lớn rồi đó” mẹ luôn luôn áp dụng ba tiếng này, cốt để kéo tôi trở về nhiệm sở của tôi, không cho tôi có thì giờ nào rảnh mà lại gần bên chiếc xe cả.

Mẹ không ngớt cằn nhằn ba về chuyện thả chị Thu ra phố một mình. Kể ra, đầu đuôi cũng tại ba: ban đầu ba hứa rằng ba sẽ chở chị ấy đi tập một buổi, vậy mà ba không tập tành gì cả. Xe về nhà buổi sáng, buổi chiều chị Thu đã xách đi. (Mẹ không biết rằng chị Thu đã biết đi từ lâu) Hôm sau chị lại đi, hôm sau nữa chị không chỉ đi một mình mà còn chở chị Cúc đi (chị Cúc là con gái bác tôi). Rồi sang tuần thứ hai, chị chở chị Tư (chị giúp việc trong nhà) đi chợ, rồi chị đi bỏ thư, đi mua đường, đi mua sữa. Nghĩa là chị tìm đủ cách để có cớ xách xe ra đường.

Mẹ giận dỗi, khóc, quát tháo, đủ thứ cương nhu đều vô hiệu quả. Có nhiều lần tôi thấy mẹ quay quắt như con lật đật, ngong ngóng trước ngõ trông chị Thu về. Ấy thế mà – thật buồn cười – thoáng thấy xe chị, nét mặt mẹ rạng rỡ lên trong một thoáng rồi mẹ hầm hầm vào nhà, chẳng nói chẳng rằng gì cả, thậm chí chị Thu vô nhà, đứng ngay trước mặt mẹ, vòng tay lại, nói “Thưa mẹ, con về” mẹ cũng chẳng thèm gật đầu cho. Thái độ mẹ như ngầm nói : “Mặc kệ mày, tao không cần biết, đi đâu thì đi, về thì về, không cần thưa bẩm”. Chị Thu mím môi lại, nói nhỏ trong tai tôi :

- Tao không thèm đi xe nữa, mẹ khó chịu lắm !

Và chị hứ một tiếng, xùy một tiếng, vùng vằng, vùng vằng, trông rất ngộ !

Năm ngày tiếp đó, mẹ không nói gì đến chuyện chị Thu và cái xe. Mẹ không thèm hỏi đi đâu, chừng nào về như thường lệ nữa. Tôi liếc trộm thấy chị Thu vẫn nhơn nhơn như không, thật y như mẹ chưa từng la rầy, giận hờn về cái xe và y như câu “tao không thèm đi xe nữa” của chị thốt ra hôm nọ là câu chuyện trong giấc chiêm bao của tôi vậy đó !

Rồi, thình lình, hôm thứ sáu mẹ “đổi buồn làm vui”, gọi chị Thu bảo :

- Thu, tối nay con chở mẹ xuống nhà ông Chủ nhiệm, được không ?

Chị Thu sung sướng ra mặt, sốt sắng trả lời :

- Thưa mẹ được, được chớ ! (chị cười và nheo mắt với tôi như muốn nói : “Mày thấy chưa ? Tao được tín nhiệm rồi”) Con chở mẹ đi được chớ ! Chị Tư nặng hơn mẹ mà con còn chở được huống là mẹ.

Ba đang ngồi đọc báo, ngừng lại, giương mắt về phía mẹ, hỏi :

- Sao phải đợi đến tối ? Đi ban ngày…

- Tôi muốn đi ban đêm, ít xe hơn, có sao không ?

Giọng mẹ rõ là giọng khiêu chiến. Ba bật cười :

- Đâu có sao, mà sao ưa gây vậy ? Mẹ mày thật là…

Còn lũ em tôi, nghe mẹ nói chuyện đó, đứa nào cũng thích thú, vỗ tay cổ võ ầm ỹ, vì chúng biết rằng nếu chị Thu mà chở mẹ đi đến nhà ông Chủ nhiệm được thì chúng “có đường” lắm, ngay đến tôi cũng tràn ứ cả nguồn hy vọng.

Tôi khó mà quên nét mặt của mẹ và cả của chị Thu, lúc trở về. Khi đi vui vẻ là thế ! Khi về chẳng khác chi hai tàn binh sau giờ giao chiến, sống sót trở về, nhưng… mất nước !

Tôi nhảy tót xuống garage, hỏi chị :

- Sao vậy ? Bộ chị làm té mẹ sao ?

- Lộn xộn mày, té gì té ? Đi lên đi không ? Tao đánh bây giờ !

Trời ơi ! Chị gái tôi đó ! Chị gái yêu quí của tôi đó ! Không bao giờ chỉ nói tử tế với tôi một câu, trừ khi chỉ muốn sai tôi làm lơ xe cho chỉ. Tôi quày quả đi lên, bụng bảo dạ : “Rồi ! Từ nay chị biết tôi nghe không, đừng có hòng sai thằng này”.

Mới tới cửa hông, tôi nghe giọng mẹ sang sảng :

- Này, tôi nói cho anh biết, con gái anh có khuynh hướng chồm lấn sang lằn mức…

Ba chận lại, tươi cười :

- Con gái tôi chứ không phải con gái mợ, phải không ?

- Đừng khỏa lấp, để tôi nói cho mà nghe đây này ! (Mẹ vớ viên phấn trắng vẽ xuống nền nhà hai lằn trên hai miếng gạch vuông bốn tấc, dặng hắng) Ví dụ đây là con đường nghe không…

- Thấy chớ nghe sao được ?

- Thôi, đừng giỡn hoài, để tôi kể cho anh nghe ! (cao giọng gọi chị Thu) Thu, lên đây, kẻo ba lại tưởng mẹ…

- Được rồi, mợ cứ kể đi !

Ba có vẻ sốt ruột. Mẹ vẫn ung dung, chờ chị Thu lên, mẹ mới nói :

- Đây, con đường thế này mà con cứ cho xe lấn quá nửa đường phải không ? Trả lời đi ! (chị Thu không trả lời) Con không đi đúng nửa đường phải không ? Sao không nói cho có ba mày nghe ? Hả ?

Cái bẫy đã giăng lên bạn thấy chưa ? Vậy mà con mồi không đề phòng gì cả, nhơn nhơn chui vào. Chị Thu hấp tấp nói :

- Tại ban đêm ít xe nên con…

- Hừ ! Ít xe ! (quay sang ba tôi, mẹ kết án) Anh thấy chưa ? Đó là có tôi đi trên xe, nó sợ tôi mà còn vong mạng như vậy huống là đi một mình, nó sẽ đi ra sao ? (mẹ cúi xuống vẽ một lằn ví dụ cái xe chồm lên thế nào cho ba thấy rõ, đoạn thêm) Theo tôi thì nó chưa đi xe được. Trời ơi ! Anh chưa thấy nó chạy…

Chị Thu có vẻ tức, buông đại một câu :

- Ba nghe mẹ sao ? Con chở chị Cúc, chị ấy cứ giục con chạy mau hơn nữa, chị chê con là chạy chậm như rùa, tại mẹ nhát gan quá mà…

Rõ là dại ! Nếu tôi là chị Thu, tôi không bao giờ nói câu đó. Nghe xong, mẹ đỏ bừng mặt, giơ hai tay lên trời, kêu :

- Trời ơi ! Con tôi ! Nó muốn giết mẹ nó đây mà ! (giọng mẹ tôi trầm lại) Con có biết rằng rủi ro có chuyện gì, con tàn tật thì mẹ ra sao ? Con chết thì mẹ sẽ ra sao ? Mẹ chăm chút con từ chút, cái tóc, cái răng… cái mặt, cái mũi… Thôi ! Thôi !

Chẳng ai biết mẹ nói thôi cái gì. Vì tới tiếng đó mẹ nghẹn ngào, nước mắt tuôn giọt giọt. Tôi đâm giận chị Thu, giận ghê gớm ! Rõ là chị làm khổ mẹ tôi !

Ba hạ cái gương đeo mắt xuống, nghiêm giọng gọi :

- Thu, thay áo rồi ra đây. Cả thằng Vũ nữa, mau !

Mẹ bỗng cuống lên :

- Anh tính đánh nó sao ? (Giọng mẹ đầy lo lắng) Anh chỉ cần…

- Mợ yên tâm, tôi biết cách dạy con mà. Mợ cứ yên tâm ! (ba gạt mấy tờ báo sang một bên) Để tôi giảng…

Tôi không nghe gì nữa, chạy tót vào phòng, đay chị Thu :

- Em mà bị đòn thì chị biết: em sẽ đâm lủng bánh xe của chị cho coi !

Chị lầm lỳ, xùy hai tiếng tiếp, đoạn hai đứa cùng ra phòng khách.

Ba bắt đầu diễn thuyết kỹ càng về luật đi đường. Chị Thu chăm chú nghe, còn tôi ? Tôi che miệng ngáp ! Rõ bất công: tại sao ba tôi bắt tôi phải nghe mớ lý thuyết dài ngoằng đó ? Tôi nghe làm chi chớ ? Có bao giờ tôi được phép đụng tới cái xe ?

Tôi muốn đứng dậy mà không dám. Chợt ba ngừng lại, kêu : “khát nước quá !” Tôi nhanh nhẩu :

- Để con pha nước cho ba.

Đặng có dịp đứng lên. Khi tôi bưng cốc nước lại, mẹ nhìn tôi, nói :

- Con buồn ngủ phải không ?

Nghe giọng dịu dàng, âu yếm của mẹ, tôi bỗng sáng mắt ra, trả lời khác với sự thật :

- Thưa mẹ, chưa.

Và ngồi xuống chỗ cũ, lắng tai. Trong lúc ba uống nước, mẹ ôn tồn bảo chị Thu :

- Con hãy ghi nhớ những lời ba dặn, phần mẹ, mẹ nhắc con điều này: đừng thấy ít xe mà lấn chồm lên, vì con nghĩ vậy, người khác cũng nghĩ vậy, thì có phải tai nạn xảy ra không ?

Ba thêm :

- Ba mua xe cho con đỡ chân, chứ không phải để con đi mau, vì vậy ba lựa thứ xe nhỏ… Đó, cái gì ba cũng dặn dò rồi. Con ba nguyên vẹn, đầy đủ, đừng có khinh thường để xảy ra điều đáng tiếc, hối hận thì muộn rồi. Ba làm giám khảo các cuộc thi lái xe, mà con ba không tuân luật giao thông thì…

Và ba còn nói nhiều nữa, song tôi không nhớ hết, mệt quá rồi ! Mẹ có vẻ hơi yên tâm trở lại sau những tràng đại luận của ba. Sau cùng mẹ đề nghị :

- Cách tốt nhất là ngày mai, anh đi xe theo sau, để nó đi Suzuki phía trước mà quan sát thì biết.

- Thôi ! Mợ bày đặt. Xe hơi mà đi sau Suzuki sao được ? Rồi ra đường xe đông, làm sao tôi quan sát ?

- Vậy thì anh chở nó, hay nó chở anh đi ít lần, có được không ?

Thấy không phản đối nổi, ba tôi đành nhận lời :

- Được rồi, mai tôi sẽ đi với nó.

Nhưng chẳng bao giờ ba tôi chở cả. Ba nói : “Tôi biết con tôi, nó vững lắm”.

*

Thấm thoắt mùa hè trôi qua. Tôi vẫn chưa được chị Thu giao chìa khóa xe. Trước khi đi đâu mẹ tôi dặn dò năm lần, bảy lượt :

- Con Thu không được đi đâu trong lúc mẹ vắng nhà. Không được giao xe cho thằng Vũ đi đâu hết. Muốn đi đâu, đi lúc có mẹ ở nhà.

Và mỗi lần về nhà mẹ tôi chưa cởi áo đã hỏi đứa này đứa khác, nếu vắng mặt chúng tôi, lập tức mẹ tôi phăng phăng xuống garage – y như con tàu phăng phăng rẽ sóng ! – coi thử có xe đó không.

Có lần tôi với chị Thu trốn trong phòng tắm để mẹ gọi cả 10 phút mới ra. Nguyên tắc duy nhất của mẹ tôi là: chị Thu không được đi xe trong lúc mẹ đi vắng. Không được giao chìa khóa xe cho tôi. Mẹ không ngừng lặp đi lặp lại : “Muốn đi, phải lựa lúc có mẹ ở nhà, đứa nào cũng vậy” Đứa nào đây, phải hiểu là tôi. Bởi các em tôi có đứa nào biết lái xe đâu ? Nhưng trên thực tế thì tôi không được đụng tới, ứa máu không ?

Trong giấc mơ, tôi thấy tôi ngồi chễm chệ trên chiếc xe hai mầu trắng đỏ bóng nhoáng của chị Thu, tăng tốc độ, mở hết ga, lướt trên xa lộ như một cánh chim lướt gió ! Tóc trán tôi và khói xe đều giạt về phía sau… một cách rất là hùng dũng và thơ mộng ! Nhưng khi tôi tỉnh giấc, kể chuyện đó cho chị Thu nghe thì chị cười, chặn lại :

- Mày rờ lên đầu coi, tóc ở đâu mà giạt về phía sau cùng với khói xe ?

Làm tôi bất giác sờ lên đầu, ân hận về nỗi ba tôi đã không cho tôi cúp rẽ !

Chị Cúc giở giọng cố vấn : “Coi xin ba dưỡng tóc đi ! Vũ !”

Kể từ đó, hai tiếng “Dưỡng Tóc” ám ảnh tôi hoài !

Nhân một bữa, mẹ và ba đi ciné, chị Thu cho phép tôi đi xe. Lúc đó, tôi thấy chị sao mà dễ thương quá ! Tôi phóc lên cái một, mở công tắc, rồ ga, sang số, vù ra ngõ, phóng tuốt ra đường lớn. Ở phía sau tôi, lũ nhỏ đứng sắp hàng hò reo cổ võ ầm lên. Nhưng tôi, mặc dù lòng rất thích thú vẫn không dám chạy xa, bởi đây là lần đầu tôi sử dụng Suzuki (mấy thứ kia tôi đi rồi) nên làm một vòng là lo quay tay lái. Về đến ngõ, chị Thu mở rộng cửa đón tôi, nhưng tôi lại không vô mà đi thẳng ra hẻm sau. Hai đứa nhỏ vỗ tay, reo :

- Anh Vũ chì ! Anh Vũ chì !

- Có xịt khói nhiều phía sau không ?

Tôi lớn tiếng hỏi, nhưng gió át lời tôi. Điều đó, chứng tỏ tôi cũng là tay cừ, phải không, các bạn ? Bởi vì tôi chạy mau, nên gió át lời tôi, nếu không tụi nó đã nghe và trả lời rồi.

Nhưng nỗi hân hoan của tôi vụt tan biến khi tôi chạm phải bộ mặt giận dữ của chị Thu. Lúc đó nom chị giống y như mẹ tôi những khi hốt hoảng vì chị ! Chị cốc lên đầu tôi và hét toáng :

- Thằng khỉ gió ! Mày làm tao sợ điếng ! (chị chận tay lên ngực) Mày đi gì giống cao bồi vậy? Hở? Muốn chết hở? Tao không cho mày đi nữa đâu. Làm ta sợ hết hồn !

Tao ! Mày ! Ta ! Ăn nói như vậy đó ! Tuy vậy, tôi không dám mách mẹ.

Từ ngày có xe, chị Thu ăn nói vong mạng lắm, nhưng mà tôi phải chín bỏ làm mười, phải nhẫn nhục. Chị nói rằm tôi cũng ừ, mà bảo mười tư, tôi cũng gật… đặng mà có thể đi xe của chị cho đỡ thèm ! Và tuy chị dọa không cho tôi đi, nhưng chị vẫn tiếp tục cho tôi đi hoài mỗi lần ba mẹ đi ciné. Chị còn phải chở hai đứa nhỏ (hối lộ kẻo chúng về mách mẹ thì nguy, vì mẹ nói nếu mẹ biết chị cho tôi đi hay chở tụi nó thì mẹ bán xe liền).

Đến đây, chắc các bạn muốn biết thái độ con Hà ? Trời ơi ! Con bé đó thật là ghê gớm: nó không nhìn, không ngó, không cổ võ, reo hò, cũng chẳng thèm phê bình tài nghệ của tôi lấy một tiếng nào ! Có một điều tôi quan tâm là nó có tinh thần hào hiệp lắm, nó không hề mách mẹ tôi những điều mắt thấy tai nghe. Vậy không đủ rồi sao ? Chúng tôi lấy làm hàm ân nó, nhưng không bao giờ chúng tôi xác nhận thái độ quân tử của một đứa em gái nhỏ hơn tôi có một năm tròn !

Nhưng mà, nước chảy mãi đá cũng phải mòn, huống em tôi đâu phải là loài đá quí ? Cho nên một đôi lần tôi bắt gặp nó trèo lên xe, nhún nhún vài cái, hai tay khuỳnh ra nắm lấy hai ghi đông ra vẻ thích thú lắm. Tôi tiến lại, ra giọng đàn anh, hỏi nó :

- Hà muốn đi không ? Anh chở ?

- Không thèm !

- Dóc !

- Dóc gì ? Người ta không thèm đi là không thèm đi ! Bộ ai như anh sao…

- Như tao cái gì, hả ? Muốn gây hả ?

Tôi gặng hỏi nó. Hà cười mỉm, khinh khỉnh hỏi lại :

- Ai thèm gây với anh ?

- Chớ mày nói tao như cái gì ? Nói coi ?

- Em không nói đâu, nếu anh cứ “mày tao” như vậy…

Con bé thật là ghê gớm. Tôi đành đấu dịu, không phải vì sợ nó mách mẹ tôi mà vì tò mò muốn biết nó nói tôi như cái gì :

- Được rồi, không mày tao nữa, đâu, anh như cái gì, nói đi coi ?

Hà lại cười tủm tỉm :

- Anh như khỉ bị nhốt trong chuồng…

- Á ! Con nhỏ này ! (Tôi nhảy nhổm lên y như bị ong đốt) Sao mày…

Đó, bạn nghe có tức không ? Nó biết tôi tuổi Thân (tức là tuổi con khỉ) mà nó còn ăn nói hồ đồ như vậy, chịu được không ? Nhưng tôi vẫn nén tức, chỉ kêu lên như vậy và hỏi thêm :

- Sao kêu bằng như khỉ trong chuồng ?

Hà vẫn tỉnh bơ :

- Thì anh lăng xăng, xớ rớ hoài bên cái xe của chị Thu, lau bùn, rửa bánh xe, đo xăng, chùi “Bu-ri” (nó nhấn mạnh tiếng “ri”, uốn cong lưỡi lại, điều đó chứng tỏ nó dốt không biết tiếng Pháp nên tôi cười khà vào mặt nó làm nó tức lên, hỏi tôi) không đúng sao còn cười, không biết mắc cỡ ?

Tôi nghe hai tai tôi nóng bừng lên: con nhỏ ranh thật ! Mà tôi đâu chịu thua ?

Tôi tặc lưỡi một cái, không cần suy nghĩ lâu la gì, trả đũa ngay :

- Đúng lắm ! Còn mày thì như cái gì mày biết không ?

Hà phóc xuống xe, vênh mặt lên, hỏi tôi :

- Em như cái gì ?

- Mày là đồ nhỏ mọn, đồ loài hạ tiện, loài gà, ưa bươi móc dưới bùn, dưới cát… đồ xoi bói, dơ dáy, bẩn thỉu… đồ…

Nó hét lên :

- Anh Vũ ! Đồ anh gì nhỏ mọn, được rồi ! Để coi !

Và nó quày quả vào nhà, chân dậm thình thịch như muốn làm lủng nền gạch bông bóng nhoáng mà mẹ tôi mới lau hồi sáng !

Tôi đắc ý hết sức. Ừ, cho đáng kiếp nó ! Nó là em mà “ưa làm cha” hả ? Sao được ! Nếu nó đã không kiêng nể tôi, kêu tôi là khỉ thì tại sao tôi lại e dè không dám nhắc đến tuổi Dậu (con gà) của nó chớ ? Ít nhất tôi phải cho nó biết rằng tôi không thua nó về phương diện gì, đến cái tuổi của tôi cũng là một sự cao quí hơn tuổi nó. Con khỉ có bao giờ phải bươi móc trong bụi, trong cát mà tìm thức ăn đâu ? Tôi ở trên cây, tôi hái trái cây, tôi trong sạch, tôi cao thượng, tôi… Được ! Tôi chưa tha nó đâu, tôi còn có dịp nhắc lại chuyện này trước mặt lũ em cho nó tởn kinh kia, trời ạ !

Khi tôi vô nhà thì thấy nó ngồi ủ rũ trong ghế xa lông. Tội nghiệp ! Nó vừa nhỏ, vừa gầy, ngồi lọt thỏm vào trong lòng ghế với dáng điệu buồn thiu buồn thỉu làm tôi đâm hối. Tôi xáng lại gần bên nó, buột miệng nói :

- Giận… anh hả ?

Nó không trả lời mà cúi gằm mặt xuống, hai môi mím chặt trong một dáng bộ hết sức khổ sở làm tôi càng thương nó. “Nó là em mình mà !” tôi tự nhủ và hối hận càng tăng, tại sao tôi lại nỡ nặng lời với nó như vậy nhỉ? Dù cho nó nói tôi là con Khỉ, đã làm sao ? Suy nghĩ kỹ một chút thì thấy những tiếng “lăng xăng, xớ rớ” nó chê tôi nào có thấm gì so với một tràng từ ngữ mà tôi quật lại. Hơn nữa, những lời ấy rất gần sự thực mà ! Nó đã làm gì để phải nhận những tiếng tàn nhẫn ấy ? Tai tôi như vang dội lại mấy tiếng hạ tiện, nhỏ mọn, bẩn thỉu, xoi bói… Hừ ! Xoi bói… nếu mà nó xoi bói thì… Thình lình, Hà cất giọng run run nói :

- Em nhỏ mọn, hạ tiện, xoi bói cái gì ? Em có khi nào mách mẹ rằng anh…

Và nó nức lên, khóc tấm tức. Thật là khó chịu khi phải nghe tiếng khóc của nó, nhất là tôi biết nó khóc vì những lời cay độc của tôi. Tôi nói dấm dẳng :

- Thôi ! Xin lỗi !

Nghe tôi xin lỗi Hà càng khóc già. Tôi lại mất bình tĩnh, lại cáu :

- Cái gì khóc hoài vậy ? Ta xin lỗi rồi, đòi gì nữa ? Làm trời hả ?

Nó hơi ngừng lại nhưng khi tôi nói xong, nó lại ti tỉ khóc. Tôi bực mình, bỏ ra sân, tiếng khóc như đuổi theo. Tôi nghĩ thầm một cách khó chịu : “Thứ đồ con gái”… và thuận chân, đi thẳng ra ngõ, đi, đi nữa, ra khỏi hẻm, bụng chỉ mong thoát khỏi nghe nó khóc là thôi. Bỗng, thằng Sinh ở đâu sau lưng vừa trờ tới, hỏi tôi :

- Đi đâu đó ?

Tôi trả lời làm oai :

- Đi chơi !

- Dóc ! Bộ tướng mày mà dám đi chơi… tao không tin.

- Nói ai dóc ? Mặt chó ?

- Nói ai chó ? Con khỉ ?

- Muốn tao “múc” không ? Sao dám kêu tao là khỉ ? Muốn ăn đòn hả ?

- Bảnh không ! Bữa nay mày sao vậy ? Liệu hồn, đồ thứ còng gió mà dám trêu…

Hai tiếng còng gió của Sinh chợt làm tôi sôi sục lên như vôi sống vào nước. Còng gió ! Một lần nó đã nói con Hà là còng gió, bây giờ tiếng đó làm tôi nhớ tới dáng bộ còm nhom của em tôi… đang khóc ở nhà. Thằng này nặng tội thật: nó dám nói tôi dóc (dù quả tình tôi nói dóc thật) lại dám mắng tôi hai tiếng còng gió, gián tiếp nhắc lại sự bực mình và nỗi hối hận của tôi. Tôi xông tới, đấm một quả vào giữa mũi nó, một quả nên thân và trong lúc nó chưa kịp phản ứng gì, tôi đã vù chạy về nhà. Vừa lúc đó, mẹ tôi hiện ra trên khung cửa, mẹ tôi trông dáng bộ nhớn nhác của tôi, sinh nghi hỏi :

- Vũ, con chạy đi đâu mà thờ hào hển vậy ? Hở ?

- Dạ, thưa…

Nhưng tôi cứng miệng lại vì thằng Sinh đến gần tôi từ lúc nào, tôi không kịp thấy. Tôi nghe một luồng điện chạy dọc theo xương sống lưng trong lúc mẹ tôi kêu lên hoảng hốt khi trông thấy giòng máu trong mũi Sinh chảy dài, bò xuống tận miệng nó :

- Sinh ? Con làm sao vậy ?

Thằng bạn thân của tôi, thằng bạn “mặt chó” không nói gì hết (không phải nó bị tôi đánh đau cho đến nỗi hóa câm, mà là vì nó muốn tôi bị đòn to để trả thù), nó chỉ lẳng lặng trỏ vào tôi. Vâng ! Chỉ thế là đủ để mẹ tôi hiểu hết.

Quả là một lời tố cáo hùng hồn.

- Trời ơi !

Mẹ tôi kêu lên lần nữa, bằng giọng hoảng hốt hơn (bà đâu biết rằng nó vốn có thói hay chảy máu cam ?) rồi kéo tuột Sinh vào nhà, không quên ném cho tôi một cái nhìn giận dữ :

- Con cái tệ thế thì thôi, rồi mẹ hẳn hỏi tội mày, Vũ ạ !

*

Thôi ! Tôi không đủ can đảm để kể nốt đoạn sau cho bạn nghe đâu. Đoạn đó có gì đáng kể ? Ai đem chuyện bị đòn của mình ra kể mà không hồi tưởng đến ngọn roi đét xuống mông mình ? Tôi không muốn sống lại cảm giác đó, đành cam thất lễ với bạn thôi ! Tôi không trách thằng Sinh, cũng không oán hận mẹ tôi, nhưng mà… Nhưng mà… tôi giận con Hà hết sức: vì nó, mọi sự xảy ra đều vì nó. Trông thấy tôi thút thít khóc trong xó cửa (lạ kỳ, chúng tôi bị đòn xong, đứa nào cũng chọn xó cửa để trốn vào, khóc cho đến kỳ cạn nước mắt mới mò ra) nó men lại gần thì thầm hỏi :

- Sao anh đánh lộn chi vậy ?

- Kệ cha ta ! Mắc gì hỏi. Đi ra !

Hà lẳng lặng xuống nhà. Một chốc nó mang lên đưa tôi cái khăn ướt, nhỏ nhẻ nói :

- Thôi, anh lau mặt đi chớ không ba về, ba biết thì ba la nữa đó.

Tôi nhìn nó, tiêu tán hết giận hờn khi bắt gặp ánh mắt dịu dàng của nó, nhưng vẫn còn làm bộ vùng vằng :

- Kệ tao.

Tuy nói vậy, tôi vẫn đón cái khăn trên tay nó, lau mặt và nói không cần suy nghĩ :

- Tại mày mà tao đánh thằng Sinh đó, nói cho biết !

- Tại em ? Em ngồi khóc trong nhà, tại em chỗ nào đâu ?

- Tại nó nói mày còng gió, tao binh mày đó, hiểu không ?

- Thật hả ?

- Sao không thật ? Bộ tao thèm nói chơi với mày à ?

- Thằng khỉ ! Em gặp nó, em mắng cho coi.

Hà nhìn tôi bằng ánh mắt hàm ý cám ơn. Tôi lấy làm thích lắm, song sợ nó mắng Sinh về chuyện đó thì… nguy cho mình, tôi ngăn lại :

- Thôi ! Đừng thèm ! Tao đã “trị tội” nó rồi. Coi như không có vậy, tốt hơn.

*

Ba tôi và chị Thu hết lời thuyết phục nhưng mẹ tôi nhất định không thèm tập đi Suzuki. Mẹ tôi nói rằng bà không muốn làm đợt sóng mới. Luôn luôn, mẹ tôi nói thà đi taxi hay xe đạp, xe xích lô đạp mà thôi!

Và bà làm y như lời nói. Được một dạo khá lâu. Sau cùng, mẹ tôi chuyển hướng, bà thuận để cho chị Thu chở mỗi lúc có việc cần. Để chống chế cho sự chuyển hướng này, mẹ tôi nói :

- Đi taxi tốn quá mà lại khó đón xe được, mất nhiều thì giờ quá.

Ba tôi tỏ ra rất vui vẻ thấy mẹ tôi nhượng bộ. Ba vẫn thường nói với chúng tôi rằng :

- Thế nào mẹ các con cũng tập đi cho coi, không sớm thì muộn thôi.

Buồn cười cái là chị Thu chở thì mẹ chịu mà mẹ không bao giờ chịu ba chở. “Tao không hiểu tại sao mẹ chúng mày nhiều chuyện vậy ? Ba chở hay con Thu chở thì có khác gì ?”

Bà phàn nàn :

- Khác lắm chứ: con tôi chở coi được, còn anh chở thì… thì…

- Thì sao ?

Thấy mẹ ngập ngừng, ba hỏi dồn. Mẹ tôi đáp, giọng hơi gắt :

- Chẳng sao cả, nhưng mà tôi ghét.

- Tại sao mợ ghét ?

- Giống như bọn đợt sóng mới. Bộ anh tưởng mình còn trẻ trung lắm sao ? Nếu anh có lòng tốt thì cho tôi đi xe anh, không thì thôi, tôi không bao giờ để anh chở trên Suzuki, chướng mắt lắm.

- Tôi như mợ tôi không thèm để ai chở hết, tôi đi được, tôi xách xe tôi đi một mình, vậy mới oai !

- Tôi không muốn đi chớ khó khiết gì, mà tôi không bao giờ mắc mưu đâu, anh đừng nói khích, vô ích.

- Mợ cố chấp, không thấy sự tiện lợi khi sử dụng xe… không lẽ con Thu nó cứ chở mợ hoài, bỏ học, bỏ hành, mất thì giờ…

- Bộ tôi đi hoài sao bỏ giờ học của con ? Thỉnh thoảng thôi, nhưng nếu anh đã nói vậy thì thôi, từ nay tôi không có nhờ con chở nữa, để thì giờ cho con học vậy.

- Lại giận lẫy rồi ! Người sao mà trẻ con quá ! Tôi chỉ muốn mợ khỏe. Đời bây giờ văn minh mà cứ giữ thói cổ hủ… Ai nói với mợ đi xe Suzuki là đợt sóng mới ? Mà đợt sóng mới là thế nào ? Có đồng nghĩa với hư hỏng không ? Mợ phải…

- Thôi ! Tôi không đủ sức tranh luận với anh, tôi chỉ biết rằng cỡ tuổi tôi mà ngồi trên xe Suzuki do một người đàn ông chở coi nó thế nào ấy, dù người đó là anh…

- Còn do con chở thì không thế nào ấy, phải không ?

- Đúng vậy.

Đó, luôn luôn những cuộc cãi lẫy của ba mẹ tôi đi vào bế tắc. Ai giữ lập trường nấy, không ai nhân nhượng ai, không đến chỗ hòa đồng, thông cảm bao giờ.

Chị Thu tiếp tục xách xe đi học, mẹ tôi tiếp tục ngóng trông lúc chị trở về cũng như thở dài mỗi lần chị ra đi. Tôi tiếp tục lén xin chị Thu chạy một vòng mỗi lúc ba mẹ vắng nhà, còn con Hà thì lâu lâu nhảy tót lên, ngồi trên yên xe, khuỳnh hai cánh tay ra nắm hai cái ghi đông…

Một điều tiến bộ trông thấy là mẹ tôi bảo chị Thu chở nhiều hơn trước. Nhưng theo một quy tắc nhất định: chở lúc sáng sớm, từ quãng bảy giờ đến chín giờ. Chiều từ bốn đến năm giờ, chỉ chở lúc nào lộ trình của mẹ tôi là những đường thẳng hay chỉ quẹo tay phải và những con đường mẹ tôi nói là ít xe, ít nguy hiểm ! Giờ ít xe, đường ít xe, lộ trình thẳng tắp, không quẹo hay chỉ quẹo phải, đó là ba tiêu chuẩn nhất định của mẹ tôi. Để trêu mẹ tôi, chúng tôi thường nhắc lại tiêu chuẩn Tam Điểm của mẹ tôi, mỗi lần mẹ dự định đi đâu.

- Vậy là mẹ hội đủ Tam Điểm: giờ ít xe, đường ít xe, và lộ trình thẳng rồi đó, hỡi tên tài xế Suzuki trung thành và can đảm ! Coi sửa soạn lên đường ! Nhớ đi sát lề tay mặt ! Nhớ đưa tay khi quẹo và nhớ chỉ quẹo phải thôi ! Nhớ đi chậm chậm, đừng tăng ga, nhớ…

Và không phải chỉ tôi và Hà đọc bài diễn văn đó, cả chị Thu (người tài xế) cũng đọc lên mỗi lần sắp làm nhiệm vụ nữa kia !

Thế rồi một hôm, câu chuyện không hay xảy đến. Thật khó mà tả lại cho bạn biết nó xảy đến ra sao, cách nào, vì lẽ gì.

Tôi không thể kể rõ từng chi tiết vì một lẽ giản dị là tôi không có mặt tại chỗ, và vì tôn trọng sự thật tôi không muốn vẽ vời thêm. Nhưng tôi nhớ kỹ, rất kỹ rằng việc không may này trái với thông lệ, nó xảy ra vào một buổi… sáng đẹp trời.

Mẹ tôi có tính hễ làm gì là làm mê một việc: khi bà viết thì bà viết hoài quên ăn, bỏ ngủ. Khi bà may thì may mê mải, bị ba tôi rầy không dám may máy sợ gây tiếng sè sè buổi trưa làm ba tôi mất yên tĩnh, bà may tay, may cho kỳ xong mới thôi. Và nếu mẹ tôi mà xuống bếp thì chúng tôi tha hồ ăn, ăn liên tiếp, ăn đến phát no phát ứ, không phải một lần, hai lần mà tiếp đến mấy ngày. (Đó là khuyết điểm của mẹ tôi mà ba tôi chê hoài, bà không bỏ) Bánh, mứt, chè, xôi, gà quay, vịt luộc, tha hồ ăn, ăn bỏ cả cơm, liên tiếp, rồi thì “tốp”, kham khổ lại như cũ, để “thì giờ mẹ làm việc, chớ không thể lo nấu ăn hoài đâu” mẹ tôi tuyên bố vậy. Và mẹ tôi rời cái bếp, lên nhà.

Đó, tính mẹ tôi như vậy cho nên buổi sáng đó, sau khi ba tôi mặc bộ áo ngủ mẹ mới may, ông tỏ lời “ban khen” cách may, lối cắt và thứ vải xong, mẹ tôi liền ra lệnh cho “tài xế Suzuki” đem xe ra, chở mẹ tôi đi chợ, đặng “tao mua vải về may thêm cho ba, kẻo mai mốt hết thứ này, đi tìm mệt lắm”.

Độ một giờ sau, chị Thu lò dò về, mặt chị buồn thiu, chị hỏi nhỏ tôi :

- Mẹ chưa về sao ?

Tôi ngạc nhiên quá, hỏi lại :

- Nói gì kỳ vậy ? Chị chở mẹ mà ?

Chị Thu nói :

- Thì tao chở mẹ mà… mà bị đụng xe, mẹ về taxi.

- Chết ! Mẹ có sao không ?

Con Hà hỏi, giọng thất thanh, ướt sũng.

- Im ! Không có sao hết, đừng ồn lên mà ba nghe bây giờ, con khỉ !

Nhưng chị chưa nói dứt câu đó, thằng Minh, con Bé đã phóng lên nhà báo tin cho ba hay rồi.

Ba đâm bổ xuống, hỏi dồn :

- Sao ? Con đụng xe à ? Mẹ đâu ? Có sao không ? Tại sao vậy ?

- Dạ, không sao hết, mà mẹ giận con, không cho con chở nữa, mẹ biểu con về trước, mẹ đi taxi sau.

Giọng chị Thu hờn dỗi. Chị vừa nói xong thì có tiếng chuông. Hà reo lên :

- Mẹ về !

Và nó nhanh nhẩu ra mở cửa. Mẹ tôi lặng lẽ đi thẳng vô phòng, không buồn cởi áo dài như thói quen, nằm chuồi xuống, quay mặt vào vách. Đứa nào mời ra ăn cơm mẹ cũng không ra. Ba kêu, mẹ chỉ nói :

- Để tôi nghỉ một chút, mệt quá !

- Có sao không ?

Ba lại gần mẹ, ôn tồn hỏi.

- Không sao hết.

- Không thì ra ăn cơm cho vui.

- Anh ăn với con đi, tôi mệt quá.

- Mẹ mày mất hồn đó mà, có gì đâu. Nhưng tại sao vậy chớ ?

- Hỏi con anh đi, nó liệng tôi xuống đường…

- Con đâu có “liệng” mẹ, tại con lách cái xe…

- Ừ, thì lách, chồm lên đằng trước chớ sao, may không xe nó đè bẹp mẹ mày ra rồi.

Mẹ nói gần như hét. Chị Thu gân cổ lên :

- Tại con lách… mà cái cô đi xe gắn máy cũng lách… mà mẹ không chịu nhảy xuống… cái rồi… cái rồi… mẹ té xuống…

- Sao mợ không nhảy xuống ?

- Anh không dặn tôi là có chuyện gì cũng cứ ngồi yên đó ư ? Nhảy xuống mất thăng bằng té người lái sao ? Tôi đâu dám nhảy ? Té con làm sao ?

- À, à…

Ba tôi nhìn chị Thu với cái nhìn trách cứ, chị tránh mắt ba tôi :

- Tại mẹ không nhảy… con đâu có té ?

- Nếu tao biết mày nói vậy, tao nhảy xuống cho mày biết, hết còn nói tướng ! Con với cái, tệ chưa?

Chị Thu bị ba bố cho một trận kịch liệt. Mẹ vội vàng bênh chị hết lời. Mẹ tôi mâu thuẫn như vậy đó, hễ ba tôi không rầy la thì mẹ tôi giận, trách, hờn ba. Mà ba la thì mẹ cuống cuồng bênh vực.

- Coi lấy dầu nóng bóp cho mẹ đi, không thì nó tụ máu lại đa !

- Không sao ! (mẹ tôi xua tay) Không sao ! Thôi ăn cơm. Đói bụng lắm rồi, ăn cơm !

Mẹ nói và ngồi thẳng dậy, đi thay áo, ra ăn. Mẹ vừa cười vừa nói :

- Té sơ sơ, mà tôi tức quá, ai đời nó đã liệng tôi xuống đất, tôi không đứng dậy nổi mà nó cứ giục :”Thôi ngồi lên con chở về, sao mẹ ngồi hoài, kỳ vậy ?”, chịu nổi không ?

Chị Thu cười theo :

- Người ta xúm tới đông quá, con mắc cỡ…

- Hừ, mắc cỡ, bữa nào mẹ liệng con xuống một cái rồi mẹ giục con lên xe liền nghe không ?

Ba cười :

- Đừng lo, mẹ con có lái Suzuki được đâu mà tính chuyện liệng con ?

- Được rồi, tôi sẽ nhảy xuống mỗi lần nó muốn lách cho nó té một lần, biết sức.

- Con không lo, mẹ nói vậy chớ mẹ không dám nhảy đâu. Con biết.

Xong bữa cơm, ba lên lầu, mẹ vô buồng, bấy giờ mẹ kêu đau và hối Hà lấy dầu nóng. Khi mẹ vén áo lên, chúng tôi thấy bầm hai ba chỗ, Hà rú lên, bưng mặt khóc.

- Trời ơi ! Sao mẹ không để tụi con xức dầu sớm ?

- Đừng ồn, ba nghe. Không sao đâu. Té sơ sơ mà !

Sơ sơ ! Tội nghiệp mẹ tôi ! Mẹ nói sơ sơ mà khi chị Thu xoa dầu mẹ tôi nhăn mặt lại, mẹ tôi cố xuýt xoa nho nhỏ và quay phía khác không cho chúng tôi thấy bà đã khóc. Con Bé đứng bên mẹ, vuốt tóc mẹ, nói :

- Con thương mẹ, con thương mẹ…

Trong lúc đó, con Hà rấm rức khóc không thôi, còn chị Thu thì lặng lẽ ngừng tay xoa dầu, lấy lai áo lau nước mắt, mẹ tôi trấn tĩnh chúng tôi :

- Không sao ! Đừng sợ ! Vũ, ra mua cho mẹ một tập thuốc dán ngoài nhà thuốc đi.

*

Nửa tháng tròn, mẹ tôi không cử động mạnh được, không đi đâu được. Mấy vết bầm lan rộng hết tím mà hóa ra nâu. Mẹ tôi cố tránh không đá động đến chuyện đó, nén nhăn nhó, nén xuýt xoa, tránh tư thế ngồi.

Tôi đâm ra thù mấy ông taxi và xích lô đạp. Tại mấy ông này chứ không phải tại chị Thu. Chị Thu nói vậy và tôi, sau một hồi cãi cọ với chị, thấy chị hoàn toàn có lý.

Lần nào mẹ tôi có việc cần phải đi đâu, mẹ không ngồi cho chị Thu chở được, vì đau, phải đi taxi, xích lô, bữa nào cũng về trưa, về trễ, bị ba la. Sau một tháng, chị Thu làm tài xế trở lại như cũ, vì những lẽ trên.

Bấy giờ, mẹ tôi không nhắc đến những tiêu chuẩn cũ, bà chỉ dọa :

- Con mà lách thì mẹ nhảy xuống cho con té đó, nói cho mà liệu.

Có một lần, đi đâu cỡ 15 phút tôi thấy chị Thu trở về không, tôi hốt hoảng chạy ra, chị đoán biết ý tôi, lên tiếng trước :

- Không phải tao làm té mẹ đâu, mẹ la tao, mẹ đuổi tao về đó, con khỉ à !

Từ đó, chị hết sức ý tứ – dĩ nhiên tôi đoán theo sắc mặt mẹ lúc trở về và cũng do chị kể lại – không lách, không đi mau, không… tóm lại chị hoàn toàn là một tài xế lý tưởng của mẹ tôi. Vì chị Cúc chở mẹ tôi một lần, mẹ tôi kể rằng bà phải xuống, chị ấy dắt xe đi bộ băng qua đường. Còn chú Lân và cậu Trần thì chỉ đường được, tàm tạm chứ không đáng cấp bằng. Bất đắc dĩ lắm mẹ tôi mới nhờ mấy người này làm tài xế. Dì Loan đã làm mẹ té thêm lần nữa, hôm mẹ ở ngoài Qui Nhơn, nhưng không nặng như keo chị Thu. Mẹ chỉ sầy tay sơ sơ (lần này sơ thiệt chứ không phải sơ giả).

Tôi ao ước năm tháng mau qua, tôi chóng lớn để tôi ra tài chở mẹ tôi đi. Tôi mà chở ấy à ? Phải biết ! Tôi sẽ hoàn toàn vừa ý mẹ tôi, hoàn toàn hơn chị Thu nhiều ! Nhưng đó là khi tôi chở mẹ tôi chớ còn khi tôi đi một mình, nhất định tôi vượt tốc độ tối đa, tóc tôi giạt về đằng sau (lúc đó tôi sẽ để tóc dài) và khói xe bay mù mịt, tôi mới hả.

Tôi sẽ dỗ dành con Hà, chở nó một lần cho nó phải van lạy tôi mới ngừng xe.

Tôi sẽ… ôi chao ! Ai nói thời gian vun vút như thoi đưa ? Tôi đợi tháng ngày qua dài ngoằng cả cổ mà ngày tôi được đi xe vẫn còn xa tít tắp thế này, này !

___________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG II
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>