CHƯƠNG BỐN
HỘP QUẸT MÁY VÀ PHONG THUỐC LÁ
Phải về Saigon
hai ngày sớm hơn chương trình định trước, Thuận và Lộc cứ tiếc hùi hụi mãi.
Biết thế những buổi sáng vừa qua xuống
nước sớm hơn, và những buổi chiều ngâm mình trong nước lâu hơn để nô đùa với
sóng cho đã thèm.
Bắt chúng cơm nước xong lên
đường ngay cũng tội nghiệp, Hiệp đành cho chúng tắm gỡ thêm một buổi chiều để
xâm xẩm tối hãy về cho mát.
Ba chú cháu cùng ngồi trên
băng trước nói chuyện cho vui.
Hiệp chăm chỉ lái xe để mặc
cho hai đứa cười nói huyên thuyên, thỉnh thoảng mới chêm vào một câu cho chúng
thêm đề tài tranh luận.
Xe đi được ngót nửa đường,
chúng mới sực nhớ phải hỏi cho ra chìa khóa bài toán sáng nay.
- Chú ơi! – Thuận nói – cháu
vẫn chưa hiểu vì sao chú cháu mình phải vội về ngay Saigon
chiều hôm nay đó.
- Chú đã nói rồi mà, các
cháu không nhớ sao? Về để cứu người ta mà. Và cũng để bắt người ta nữa.
- Chúng cháu có nghe nhưng
chúng cháu chẳng hiểu gì hết – Lộc nài nỉ – Chú giảng rõ cho chúng cháu biết
đi, chú.
- Ờ, để chú giảng cho nghe.
Chú đoán sáng nay, vào hồi mười giờ, ở Saigon,
có một vụ trộm. Kẻ mở tủ sắt của một… thương gia hay một kỹ nghệ gia nào đó,
lấy đi một số tiền quan trọng. Lấy tiền xong, y có thể lưu một chữ ký lại. Tùy
cung cách đọc và hiểu chữ ký ấy, nhà chức trách sẽ tóm cổ được thủ phạm hay bị
đánh lạc hướng…
Thuận ngạc nhiên, cắt lời
chú nó một cách thật ngây thơ:
- Đã đi ăn trộm còn bày đặt
ký tên làm gì cho rắc rối hả chú?
- Lưu chữ ký lại – Hiệp đáp
– đó chỉ là một cách nói bóng bẩy mà thôi. Ai điên gì làm việc phi pháp lại còn
ký tên để lại. Nhưng kinh nghiệm cho thấy quân gian ăn hàng xong thường để lại
ít nhiều vết tích mà chúng không ngờ. Do những dấu vết ấy, người ta tìm ra thủ
phạm. Vậy có khác chi những chữ ký đâu.
Đối với những tay mơ, những
tên gian phi tập sự, chữ ký là những dấu tay in rải rác trên những đồ vật mà
chúng vô tình cầm hay nắm phải như cái ly uống nước, quả nắm cửa, cánh tủ… Hay
là những đồ vật chúng vô ý đánh rơi như chiếc khăn mùi xoa, cái tẩu thuốc…
Còn đối với những tay chuyên
nghiệp thì chữ ký là cách thức làm việc và thói quen của chúng. Tuy chúng cẩn
thận không để lại dấu tay, nhưng một chuyên viên tinh tế quan sát cách mở tủ
sắt có thể biết chắc đó là công trình của tên A chứ không phải của tên B, tên
C… Hồ sơ của chúng ở Tổng Nha đầy đủ nên ít có khi lầm lẫn.
- Chúng cháu hiểu vụ chữ ký
rồi – Lộc thưa – Bây giờ chú đoán tiếp về vụ trộm đi chú.
- Ờ ờ. Chú nói một là nhà
chức trách tóm trúng thủ phạm, hai là bị thủ phạm đánh lạc hướng. Bắt đúng thì
nhất rồi, nhưng nếu cấp dưới săn chệch đường thì bổn phận cấp trên là phải nắn
lại đường săn cho ngay ngắn…
- Trong khi chờ đợi, dám có
nhiều người bị liên lụy, phải không chú? – Lộc hỏi.
- Lẽ tất nhiên. Thiếu chi
người bị liên lụy một cách thật oan uổng tuy liên lụy thật gián tiếp. Thí dụ
như cuối tháng, tiền để trả lương cho công nhân của một hãng xưởng bị đánh
cướp. Ai cũng thấy nạn nhân chính của vụ này là nhà kỹ nghệ chủ hãng. Nhưng chủ
hãng chưa thấy chết đâu mà hàng trăm, có khi hàng ngàn thầy thợ đã thấy đói và
phải vay nợ sống cầm chừng. Cho nên bổn phận của nhà chức trách là phải tra xét
cho thật nhanh đó cháu.
Thuận có vẻ áy náy, thưa:
- Biết thế chúng cháu chả
xin ở lại tắm thêm một buổi làm chi. Chú về chậm mấy tiếng đồng hồ có thể tai
hại cho nhiều người, chú nhỉ.
- Không sao đâu cháu. Chú đã
nghĩ kỹ rồi. Dù sao cũng phải để cho Ty Cảnh sát sở tại người ta làm việc chứ.
Chú chỉ can thiệp sau nếu thấy cần.
Lộc lộ vẻ tò mò đến cực độ.
Nó hỏi:
- Chú đoán ở Saigon có một vụ trộm lớn và chú đã biết tên thủ phạm?
- Ờ, biết chứ!
- Vậy sao chú không điện
ngay về Saigon bắt luôn nó cho được việc? Ty
đỡ mất công tìm tòi tra xét. Chú cháu mình cũng khỏi mất oan mấy ngày nghỉ mát.
Hiệp phì cười, cất tay mặt
khỏi bánh lái, vỗ vào lưng thằng Lộc bộp bộp và nói:
- Đừng có lẫn lộn cái giả
với cái thực nghe cháu. Những gì chú đoán chỉ là một giả thuyết. Giả thuyết còn
mơ hồ vì có thể còn những dữ kiện khác mà mình chưa hay biết. Vậy đâu có thể
chỉ căn cứ vào một giả thuyết đưa ra quá sớm để bắt hay tha người ta được. Phải
về Saigon coi những gì chú suy đoán có thực sự
xẩy ra không đã chứ.
- Nếu giả thuyết ăn khớp với
thực tế thì sao chú? – Thuận hỏi.
- Thì vẫn cứ để cho cơ quan
sở tại người ta làm việc. Có thể họ đi một đường lối khác nhưng rồi họ cũng đến
một kết quả như mình.
- Sao lạ vậy chú?
- Có chi lạ đâu! Chẳng qua
cũng như hai cậu học trò cùng giải một bài toán đố. Một cậu giải bằng số học,
một cậu giải bằng đại số. Nhanh chậm tuy có khác nhau đôi chút nhưng nếu giải
đúng cách thì cũng cùng trúng một đáp số…
Thừa lúc Thuận và Lộc chưa
kịp lên tiếng chất vấn thêm, Hiệp kết thúc:
- Thôi, tốp chuyện trinh
thám lại nghe. Hai đứa để yên cho chú lái. Trời tối rồi, vô ý gây tai nạn thì
khốn đó.
Hai đứa cụt ứng, ngồi im
thin thít một lúc rồi quay ra nói chuyện trời trăng mây nước với nhau, chán rồi
ngủ gà ngủ gật.
Xe đến Thủ Đức, Hiệp lay hai
đứa dậy, hỏi:
- Thế nào, hai cậu, sắp đến Saigon rồi. Các cậu muốn đi ăn tiệm hay là về nhà tắm một
cái cho mát trước đã?
- Thôi, chú ơi – Thuận nói –
chú cho chúng cháu về nhà tắm rửa rồi ăn cơm ở nhà luôn đi. Ông nội thường dậy
: thời buổi này, đồng tiền khó kiếm lắm, nhất là đồng tiền lương thiện. Phải
tằn tiện hết sức mới giữ được thanh giá con người. Cái gì xét ra nhịn tiêu được
thì nên nhịn.
- Đồng ý – Hiệp nói – nhưng nhà
hiện không có người làm. Chú cháu mình ăn cơm nhà thì má cháu lại phải vào bếp
mất công…
- Chú đừng lo! Mấy năm nay,
chúng cháu đi Hướng Đạo bộ đồ bỏ cả hay sao mà không nấu được nồi cơm và làm
được mấy món ăn tầm thường?
- Phải đó, chú! – Lộc nói
thêm vào – Để cháu thổi cơm cho, dẻo không chê vào đâu được. Cam
đoan không để chú phải sơi thứ cơm trên sống, dưới khê, tứ bề nát bét đâu ạ…
- Được rồi, nhưng có cái gì
bảo đảm không đấy? – Hiệp cười hỏi.
- Dạ, có chứ. Cháu có hai
năm kinh nghiệm lận. Nhà cháu tuy có mướn người làm nhưng họ ở kiểu bữa đực bữa
cái. Chả ai chịu ở lâu vì chê nhà đông người, phải làm việc cực. Thành thử anh
em chúng cháu đứa nào cũng phải tập làm bếp để giúp đỡ má cháu khi cần.
- Ờ, cái vụ khó mướn người
làm dường như đã thành lệ ở cái đất Saigon hoa
lệ của mình rồi. Bận thì than cực, rỗi thì la buồn, ít có ai bằng lòng hoàn
cảnh của mình và chịu làm lâu ở một chỗ…
Lộc vui miệng nói chuyện
thao thao không ngớt như một thuyết trình viên khai triển một đề tài vừa thông
suốt.
- Gia đình cháu có một lịch
sử mướn người làm thật ly kỳ, chú ạ. Má cháu chiều người làm như chiều vong.
Không bao giờ dám nói nặng. Ấy thế mà ai cũng chỉ làm được một tháng là cùng
rồi tự ý xin ra. Mỗi người nại một lý do khác nhau, nhưng lý do đích thực là vì
họ không được tùy thích đi chơi hay rước bạn vào nhà tán dóc.
Thuận xì một tiếng, chọc
quê:
- Vậy mà cũng hô là ly kỳ!
Tao chẳng thấy chỗ nào ly kỳ hết!
Lộc trừng mắt nạt:
- Mày hãy im cái mồm một
chút giùm tao để tao kể chuyện chú nghe nào! Chưa đến chỗ ly kỳ thì làm sao ly
kỳ được?
Hiệp cười dàn hòa:
- Ừ, thôi kể mau đi. Sắp đến
chỗ ly kỳ chưa đây?
- Dạ, có ngay! Tại thằng
Thuận đâm ba chẻ củ đấy ạ.
Lộc hắng giọng kể tiếp:
- Cách đây chừng mươi mười
hai ngày, không biết má cháu kiếm được ở đâu một chị người làm “lý tưởng”. Làm
việc chăm chỉ “không can được”, lại gọn gàng, sạch sẽ vô cùng. Cháu nói “không
can được” không phải là nói ngoa vì má cháu thấy chị ấy làm việc quần quật suốt
ngày, bảo nghỉ tay một lúc cho khỏe mà chị ấy nhất định không chịu, cứ bới việc
ra mà làm. Lại còn thật thà, ngoan ngoãn nữa, mà đồng lương cũng phải chăng
thôi. Về tiền nong trong nhà, chỉ có ba má cháu là cẩn thận, còn anh chị cháu
và luôn cả cháu nữa thường buông vung bỏ vãi, lung tung xòe nhưng không hề mất
mát. Chúng cháu thường bỏ quên tiền trong túi quần áo bỏ giặt, chị ấy đưa trả
lại đầy đủ. Đi chợ, không ăn bớt, má cháu còn khen mua khéo, đã ngon lại rẻ.
Lại còn ăn nói lễ phép, thưa gửi ngọt ngào. Má cháu ưng không để đâu cho hết
nên có bữa mừng rỡ khoe với các con : “Chắc số má nhàn đến nơi mới nuôi được
con Tâm này. Không có điểm nào má chê được nó hết. Đến tết này, má sẽ tăng
lương cho nó một ngàn và lì xì luôn cho nó một tháng lương tiêu Tết!”
Ấy thế mà lạ lắm, chú ơi! Ở
vừa được đúng một tuần lễ, bỗng dưng chị ấy xin ra phố nói là đi mua cái nón,
rồi đi luôn, không thấy trở về nữa…
- Ái chà! – Hiệp vội kêu
lên. Cái điệu này mệt à! Nếu họ không thực tâm đi làm mướn mà chỉ cố ý tỏ vẻ
siêng năng, thực thà với mục đích mua chuộc lòng tin của chủ, tất họ mưu tính
dò đường đất để sau này cuỗm một mẻ cho ra trò. Người ta kêu “vào nhỏ ra to” là
thế đó.
Lộc cười, cố cãi:
- Nhà cháu thuộc hàng công
chức bậc trung, lương ít, con đông thì còn có cái gì cho thiên hạ mưu tính vào
nhỏ ra to được hả chú?
Hiệp và Thuận cùng cười theo.
- Biết đâu đấy! – Hiệp nói –
Thế chị ấy trốn đi rồi, ba má cháu kiểm điểm lại có thấy mất mát cái gì không?
- Thưa chú, má cháu hay tin
người nên không bao giờ giữ thẻ kiểm tra của người làm. Chỉ ghi số cho có lệ
thôi. Cũng may chưa kịp xin ghi tên chị ấy vào sổ gia đình. Quần áo chị ấy có
vài bộ thay đổi nên lấy đi cũng dễ. Tiền nong, đồ đạc không mất gì, thôi cũng
mừng… Ai ngờ, trước khi đi làm, ba cháu kiếm đâu cũng không thấy bao thuốc lá
và hộp quẹt máy. Ba cháu gắt : “Cơm trưa xong, tao hút một điếu thuốc, để bao
thuốc trên bàn này và dằn cái hộp quẹt lên trên. Bây giờ không thấy đâu là
nghĩa làm sao?”
Cả nhà chỉ có một mình ba
cháu hút thuốc. và cả nhà cũng không ai dám đụng đến các đồ dùng lặt vặt của ba
cháu. Đành phải ngờ rằng chị Tâm đã lấy đi hai món đó mặc dầu không hề thấy chị
ấy hút thuốc như nhiều người đàn bà làm công khác.
Hộp quẹt Zippo chả đáng bao
nhiêu nhưng ba cháu tiếc vì có mấy chữ khắc vô làm kỷ niệm của một ông bạn.
- Thế còn tiền lương của chị
Tâm? – Hiệp hỏi.
- Thưa, chị ấy không có hỏi
mượn lương trước khi trốn đi. Giá có hỏi, thế nào má cháu cũng đưa.
- Chú sợ vụ này có dụng ý
nham hiểm chi đây – Hiệp trầm ngâm nói, nói nho nhỏ như riêng mình than thở cho
chính mình nghe – Biết đâu chẳng là một mưu mô gắp lửa bỏ tay người!...
- Chú sợ chi, thưa chú? – Lộc
lo lắng gặng hỏi.
- Không! Không sao! Để coi
đã, cháu…
*
Về đến nhà, Hiệp tắm mát
xong ra ngồi vắt vẻo ở phòng khách đọc báo trong khi Thuận và Lộc lúi húi trong
bếp lo bữa ăn đặc biệt như đã hứa trên xe.
Cơm dọn ra đúng lúc chàng
đọc xong các tin tức quan trọng ở trang ngoài và đang để mắt đến các hàng tít
lớn ở trang trong.
Thuận và Lộc cũng ghé mắt
vào coi ké trước khi cầm đũa. Bỗng cả ba người cùng giật nẩy mình trước một tin
Đô Thành chạy hai cột:
Mở tủ sắt có khóa chữ lấy nhiều triệu đồng trong nháy
mắt. Thủ phạm lưu lại dấu vết như thách đố cơ quan hữu trách.
“Saigon (28-11). –
Một vụ trộm lớn lao vừa xẩy ra tại biệt thự của ông V.V.V. ở đường PTG. Saigon, vào hồi 10 giờ sáng nay.
Vào giờ nói trên, ông V, đang mắc bận ở Thủ Đức,
trong một cơ xưởng mà ông là Tổng Giám Đốc. Bà V. đi khui hụi vắng và các con
bà đi học chưa về. Trông chừng nhà lúc ấy chỉ có một bác bếp già suốt ngày lúi
húi trong bếp và một cô tớ gái đang bận ủi đồ trong căn nhà ngang dành cho
người làm ở.
Quân gian lẻn vào sân một cách dễ dàng vì cửa sắt chỉ
khép hờ chứ không đóng.
Nhà bếp bị quân gian khóa trái lại lúc nào bác bếp
già cũng không hay. Còn cô sen thì đang mải làm việc bỗng nghe thấy tiếng khóa
bấm đánh tách một cái, ngẩng đầu lên mới biết mình vừa bị nhốt trong phòng. Cả
bác bếp lẫn cô sen đều la lên thật lớn nhưng vì hàng xóm ở quá xa nên không ai
nghe tiếng.
Bằng chìa khóa giả, quân gian lọt vào thư phòng của
ông V. một cách không mấy khó khăn. Y mở được tủ sắt có khóa chữ rắc rối trong
một thời gian kỷ lục và lấy đi chót lọt nhiều triệu bạc mà ông V. đã xếp ngay
ngắn trong các ngăn để ngày hôm sau mang đi Thủ Đức trả lương cho các nhân viên.
Đến 10 giờ rưỡi, bà V. đi khui hụi về, nghe tiếng hai
người làm công la khan cả giọng mới hốt hoảng bảo bác tài xế bẻ khóa cho hai
người ra rồi lên nhà trên kiểm điểm mới hay chiếc tủ sắt kếch sù đã rỗng tuếch.
Ngoài ra, các đồ vật lớn nhỏ đều y nguyên.
Bà V. đành một mặt điện thoại báo tin cho ông V. hay
tự sự và mặt khác đi cớ bót.
Theo tin riêng của bổn báo đặc phái viên thì dường
như thủ phạm đã cố ý lưu lại một hai dấu tích để trêu gan và thách đố cơ quan
hữu trách.
Ông Trưởng Ty Cảnh Sát sở tại đích thân mở cuộc điều
tra vụ này ông có hy vọng tóm cổ được tên thủ phạm ngông cuồng trong thời gian
rất ngắn!”
Lộc trố mắt nhìn Hiệp, biểu
lộ sự khâm phục tột cùng. Nó vỗ tay nói:
- Chú đoán hay quá, đúng
từng điểm y boong!
Hiệp đứng dậy, gấp tờ báo
lại và vỗ vai hai đứa.
- Thôi – Hiệp nói – việc đâu
còn có đó, chú cháu mình hãy chén cái đã. Đói lắm rồi! hà hà!... Thử xem tài
nội trợ các cháu tôi tới mức nào rồi!
__________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG NĂM