Thứ Bảy, 22 tháng 5, 2021

Đồng Dao - Nguồn Sữa Ngọt Tuổi Thơ

 

 Hương Giang!

Trong cánh thư gởi về hôm trước em đã hỏi tôi thật kỹ về đồng dao. Về những tiếng hát, lời thơ tuyệt vời của tuổi nhỏ. Công việc bề bộn quá! Những điều bày tỏ cho em luôn bị gián đoạn nửa vời. Không thể nào thực hiện cho em sớm được.

Hương Giang! Đừng có ý giận hờn. Chừ thì tôi có thể làm vừa lòng Hương Giang rồi đó, vì nay hè đã về, tôi được rảnh rỗi hơn. Tôi sẽ nói cho em nghe thật rõ ràng về những gì em hỏi - như trong lớp học tôi vẫn thường trả lời cặn kẽ những điều mà các em còn hoài nghi thắc mắc.

Hương Giang!

Nếu những người lớn có những lời ca đượm tình đất nước, quê hương đằm thắm chứa chan, có những câu hát điệu hò đưa lối vào tình đôi lứa dạt dào, mộc mạc - như hôm nào tôi đã giảng trong lớp em - thì tuổi nhỏ Việt Nam cũng có một dòng tình cảm hồn nhiên phúc hậu nói lên nét đẹp trong trắng của môi hồng mắt biếc của chú Cuội, Ông Trăng, cái Kiến, con Cò, lúa ngô, dưa đậu... nói lên lòng biết ơn của kẻ sinh thành ngợi ca những người đã mang đến tuổi thơ những tháng ngày êm đẹp: thầy giáo bạn bè vô cùng thân quí.

Hương Giang!

Từ đó tôi sẽ trình bày cho em rõ đồng dao dưới những tiểu đề:

- Đồng dao về luân lý.
 
- Những bài hát vui.

- Những câu đố nhi đồng.

- Những bài ca trong các trò chơi.

Hương Giang! Em còn nhớ không, thuở còn bé tí chúng ta vẫn thường nghe chị, mẹ hát hoài từng lời ca dịu ngọt, dỗ ta vào những giấc ngủ bình an, hiền ngoan và thân ái.

Cái bống là cái bống bang
Mẹ càng yêu bé, bé càng làm thơ
Mai sau bé đỗ ông Đồ
Đi võng lá sắn, đi dù lá khoai

Mẹ yêu ta, mẹ thường lo lắng cho ta, những lời chân thật tuyệt vời mẹ khuyên.

Muốn sang thì bắc cầu kiều,
Muốn cho hay chữ thì yêu lòng thầy.

Từng việc, từng điều, mẹ thường nhắc nhở, cha luôn dặn dò, cho ta những bài đồng dao luân lý sâu xa.

Cá không ăn muối cá ươn,
Con cãi cha mẹ trăm đường con hư

hay có khi ta bảo nhau nghe:

Em thì đi cấy ruộng bông
Anh đi cắt lúa để chung một nhà.
Đem về phụng dưỡng mẹ cha
Muôn đời tiếng hiếu người ta còn truyền.
 
Rồi từ nguồn tình cảm dịu dàng, lênh láng chúng ta được truyền lại đó, tuổi thơ ta lớn lên, sống trong sự ấp yêu chiều chuộng của mọi người, như chị, cha mẹ, ta cũng biết làm thơ, biết hát ca đón mừng đời sống, không có hình ảnh nào, đồ vật nào, loại thú, chim muông nào không lọt vào đôi mắt đen láy của tuổi thơ kể cả chú Cuội - một nhân vật huyền thoại ở cung trăng xa tít cũng được ta nhớ đến.

Chú Cuội đứng giữa mặt trăng
Cầm rìu cầm rạ (rựa) đốn săng kiềng kiềng
Đem về làm nốt, làm thuyền,
Đi buôn đi bán té tiền cho vay.
 
Có khi vì Cuội biếng nhác, lơ là công việc nên ta gọi chú Cuội bằng "Thằng Cuội" nữa cho bõ ghét.

Thằng Cuội ngồi gốc cây đa,
Bỏ trâu ăn lúa gọi cha ơi ời,
Cha còn cắt cỏ trên trời
Mẹ còn cỡi ngựa đi chơi cầu vồng
 
Từ thằng Cuội qua "ông Trăng" tuổi thơ thường trêu chọc:

Ông giẳng ông giăng
Ông giằng búi tóc
Ông khóc ông cười
Mười ông một cỗ
Đánh nhau lỗ đầu
Đi cầu hàng huyện
Đi kiện hàng phủ
Một lũ ông già
Mười ba ông điếc.
 
Lối nói mông lung của tuổi thơ ta thật tài tình từ ông Giăng kéo qua ông huyện, ông phủ thấy mà buồn cười - cho đến các chú thợ tuổi nhỏ cũng không quên.

Kéo cưa lừa xẻ,
Thợ khỏe cơm vua
Thợ thua cơm làng
Thợ nào dẻo dang
Về nhà bú tí.
 
Có nhiều bài đồng dao chúng ta thấy gần như vô nghĩa, nhưng nếu nhận xét kỹ, đó lại là một kho từ ngữ gần như vô tận, giúp cho tuổi nhỏ được biết nhiều chữ.

Chú bé bắt được con Công,
Đem về biếu ông,
Ông cho con gà,
Đem về biếu bà,
Bà cho quả thị,
Đem về biếu chị,
Chị cho quả chanh,
Đem về biếu anh,
Anh cho tu hú,
Đem về biếu chú,
Chú cho quả cau,
Chú thợ đánh nhau,
Buồng cau trả chú,
Tu hú trả anh,
Quả chanh trả chị,
Quả thị trả bà,
Còn gà trả ông,
Con Công phần tôi, 

Ngộ nghĩnh quá Hương Giang hí! Chưa hết đâu, con nít chúng ta có cái nhìn ngược đời - như đoạn vè sau đây, Hương Giang:

Nghe vẻ, nghe ve,
Nghe vè nói ngược,
Con chim làm tổ dưới nước,
Con cá làm tổ trên cây,
Người chết đi cày,
Người sống nằm ngay giữa lộ,
Thuyền chèo trên bộ,
Ngựa chạy dưới sông,
Cá ăn trên đồng
Bò ăn dưới nước,
Mấy đời nói ngược dễ nghe,
Con voi ấp trứng sau hè,
Con cá cao bánh dễ cỡi
Con heo ăn cỏ đồng mới,
Con trâu ăn cám trong chuồng,
Tháng năm nước đã vô buồng
Tháng mười ta ngồi chờ lụt.
Thợ rèn nấu xôi cúng Bụt
Thầy tu đập đét đập đe,
Cả bầy cá mai hè hè lại ăn
Bao giờ cho cám ăn heo,
Chuộc nhắt ăn mèo,
Cỏ cú ăn trâu,
Gà con tha quạ bay thâu mịt mù.

Hay tinh quái hơn:

Gan lợn thì đắng,
Bồ hòn thì bùi,
Hương hoa thì ôi,
Nhất thơm là cá,
Đàn ông to vú,
Đàn bà rậm râu,
Hay cắn là trâu
Hay cày là chó.

Qua những đoạn trên, Hương Giang nhận rõ lối nhân cách hóa loài vật thế nào rồi. Bài sau đây cũng ngô nghê lắm:

Cóc chết bỏ nhái mồ côi
Chẩu ngồi chẩu khóc chàng ôi là chàng.
Ểnh ương đánh lệnh đã vang
Tiền đâu mà trả nợ làng ngóe ơi!

Thảo mộc, thực vật ở đây cũng mang vóc dáng người:

Lúa ngô là cô đậu nành,
Đậu nành là anh dưa chuột,
Dưa chuột là ruột dưa gang,
Dưa gang là nàng dưa hấu,
Dưa hấu là cậu lúa ngô,
Lúa ngô là cô đậu nành.
 
Với tài nói lối dí dỏm kia hẳn Hương Giang bật cười cùng tôi, không ngờ còn bé nhưng tuổi nhỏ ta lại có những nhận xét tinh quái và thông minh đến thế.
 
Hương Giang.
 
Tôi còn nhớ tuổi ấu thơ, may mắn ở làng đã được sống qua những khoảng thời gian êm đẹp. Những tối mát trời, có trăng sao vằng vặc bên đụn rơm khô, dọc theo những bãi cát vàng của dòng sông hoặc trước sân đình làng, khoáng đạt. Lũ trẻ chúng tôi thường tụ họp hát ca, chuyền trên môi nhau những nụ cười ngọt lành, tươi tắn. Thử tài nhau qua những câu đố thanh tao, lịch sử, địa lý. Ngợi ca lòng ái quốc, yêu quê... thật thông minh và nặng phần sáng tạo.

Tôi còn nhớ những câu thiên nhiên:

Đêm thì mẹ mẹ con con
Ngày thì chết hết không còn một ai,
Còn một ông Lão sống dai
Nhăn nhăn nhó nhó không ai dám nhìn
(Trăng sao và mặt trời)

Lẫm liệt uy phong
Mây hồng che phủ
Bao nhiêu thú dữ
Đều phải phục tùng
(Quả núi)

Về lịch sử:

Nực cười châu chấu đá xe
Tưởng rằng chấu ngã ai dè xe nghiêng
(Lý Thường Kiệt)

Về Địa Lý:

- Nghe mày hay chữ
Đố thử đôi lời
Ở mô đá nổi
Dư trời nói nghe.
Tao không hay chữ
Đáp thử đôi lời
Ba Lòng có làng đá nổi
Dư trời là Thừa Thiên

Về đồ vật thì có những câu:

Một đàn cò trắng phau phau
Ăn no tắm mát rủ nhau đi nằm
(chén bát vừa rửa xong)

Hay đố về loài vật:

Bốn người dẫm đất
Một người phất cờ
Hai người lẳng lơ
Hai người quạt mát
(con voi)

Còn thảo mộc thì có những câu:

Da cóc mà bọc trứng gà
Mở ra thơm phức cả nhà muốn ăn
(quả mít)

Câu đố đồ vật thì có những câu sau nói về quê cha đất tổ:

Cô kia má đỏ hồng hồng
Cô đi lấy chồng cô bỏ quê cha,
Ngày sau tuổi hạc mau già,
Quê chồng cô bỏ, quê cha lại về.
(nồi đồng)

Tương tự, có những câu đố nói lên lòng kính yêu cha mẹ:

Cái gì như thể khí trời
Ngày đêm quanh quẩn nằm nơi cạnh mình
Không hương, không sắc, không hình
Không hình không sắc mà mình thông qua

Qua những câu đố tiêu biểu trên, chắc Hương Giang đang nhìn, đang nghe bằng lòng thán phục, tinh thần sáng tạo của trẻ thơ nhờ sự lanh trí cùng óc ganh đua của tuổi nhỏ, hiếu thắng nhưng không kênh kiệu, biết đề cao quê hương. Lời hờn trách ban đầu "Cô đi lấy chồng cô bỏ quê cha" trong câu đố trên đã được trả lời thật lẹ "Quê chồng cô bỏ, quê cha cô về" đã cho ta thấy sự ràng buộc của đất đai, của giếng mát, cầu ao trên quê hương ta với nhiều nét đẹp. Hương Giang cũng đã thán phục sự quan sát, nhận xét tinh tế của tuổi trẻ qua những câu đố về loài vật (con Voi), những hiện tượng thiên nhiên (trăng sao, mặt trời) như chúng ta vừa nhắc tới.

Hương Giang ơi!

Đố nhau chán rồi em có thể cùng tôi dự các trò chơi của tuổi nhỏ nghe Hương Giang. Này nhé! Tôi kể cho Hương Giang nghe, về phía các bé gái có những trò chơi như: nhảy dây, cò cò, đánh chuyền, năm tiền liền quan, bỏ khăn... bên phần các cậu bé trai trò chơi có vẻ mạnh hơn như" "Cán cù u chịu", lên đồng roi, lên đồng chồi bắt kim thang, ù mọi.

Hoặc có những trò chơi mà nam nữ đều chơi chung như: Ma rà, chơi diều, đạp mạng, đếm sao, ú tim... nhiều lắm, kể không hết Hương Giang à! Và đặc biệt là trò chơi nào cũng có những bài hát ngắn kèm theo tạo niềm vui lớn dòn dã qua âm thanh trong sáng nhẹ nhàng nhưng vô cùng linh động.

Hương Giang đã hình dung được chưa những cánh diều lộng gió, đủ mọi màu sắc, đủ loại diều cá, diều trắng, diều quạ, diều bướm, diều dơi... Gần đây hơn có cả diều tàu bay nữa. Hương Giang đã nghe chưa tiếng sáo diều vi vu trong trăng và tiếng hát đuổi nhau?

Cây bên ta lá bên Ngô
Cái ngọn tày bồ, cái gốc tày tăm.

Trong khi cột diều vào một gốc cây nào đó mặc cho gió đùa diều, ngồi lại đây em cùng các bé gái chơi trò bỏ khăn. Bắt đầu Hương Giang hí!

Mùi xoa mùi xoa,
Tao cho xuống đất,
Đứa nào sợ quất
Rờ lại phía sau,
Đứa nào sợ đau,
Mau mau chạy trốn

Ơ tề! Hình như có đôi má nào đang phụng phịu bên kia, đôi mắt ngời trăng hình như đang rưng rưng khóc - mầy quất tao đau quá, không thèm chơi nữa, chơi ma rà đi. Chìu bé chúng ta bốc thăm chọn người làm ma rà, chọn xong, tiếng hát lại đồng vang

Thả đĩa ba ba
Chớ bắt đàn bà,
Tha tội đàn ông,
Cơm trắng như bông,
Gạo tiền như nước, 
Sang sông chèo đò,
Đổ mắm đổ muối,
Đổ chuối hạt tiêu,
............... 
Trò chơi này xong, trò chơi khác tiếp theo thay đổi hoài không chán. Hay chúng ta đếm sao trời, hay chơi những trò chơi khác, tập vồng nhé!

Tập vồng vông, tay nào không tay nào có
Tập vò vó, tay nào có tay nào không.

Những bàn tay xinh xắn đưa lên, có những cánh tay cáu bẩn chưa rửa sạch. Một chú bé chợt tách khỏi đàn, lén nhặt một cọng rơm bỏ lên đầu một trong những cô bé và vỗ tay reo:

Trên đầu có tổ tò vò
Gọi ta học trò, ta chỉ rác cho.
 
Cả lũ nhìn nhau, chợt hiểu. Học trò, học trò hai tiếng dễ thương làm sao, âu yếm làm sao, niềm kiêu hãnh tuổi thơ đó Hương Giang, thực tuyệt vời, trìu ái, Hương Giang còn nhớ chứ?

- Học trò đi học đường xa
Đi lâu mỏi cẳng bắt cha cõng về
- Học trò đi học đã về
Cơm canh chưa chín ngồi trề môi ra
 
Nhưng đêm khuya rồi. Trăng lặn, sao mờ, tiếng chị, tiếng mẹ gọi đằng kia. Tí ơi! Hương ơi! Thắm ơi! Lài ơi!... Âm thanh kéo dài ngọt lịm, gọi các em bé về trong vòng tay chị, tay mẹ, ngủ một giấc dài đầy những ước mơ. Lũ trẻ rời nhau, lặng lẽ, có nhiều em còn đứng tiếc nuối vẩn vơ, mãi đến khi thấy mình còn đứng một mình mới "tẽn tò" ù té chạy. Hương Giang! Tôi hiểu rồi, bây giờ em đang buồn vì quá khứ kia không còn nữa. Hình ảnh tuyệt vời dấu yêu kia chiến tranh đã hỏa thiêu cùng lúc với lũy tre, mái rạ... Đàn trẻ lớn lên giữa buổi qua phân, thế hệ sau lớn lên cũng mù phai đi tuổi ngọc, hồn vàng. Tất cả chỉ còn trong kỷ niệm.

Hương Giang!

Đồng dao nói hoài không hết, kể mãi vẫn chưa xong, trong cánh thư sau tôi sẽ chép cho em những bài hát ngắn của nhi đồng, chi tiết những trò chơi khác... Tôi sẽ trả lời cho em câu hỏi về "Lòng hiếu hạnh trong ca dao" em chờ nhé.

Hương Giang!

Mong sao những điều tôi vừa nói với em nghe đã giúp em có thể hiểu được phần nào về ca dao nhi đồng, giúp em tìm lại vóc dáng mình từ thuở nào còn bé. Cái ngày Hương Giang nghe chị, mẹ hát ru:

Em (con) tôi buồn ngủ buồn nghê
Con gà cục tác con dê mọc sừng

Ngủ đi Hương Giang, đừng để tuổi thơ bay mất, đời hồn nhiên phải giữ mãi mãi trong em, đừng buồn, đừng âu lo. Tuổi nhỏ ta có quyền hy vọng, gắng lên Hương Giang! Vui lên các em. Giấc ngủ đêm nay, biết đâu các em đang cười thích thú khi thấy trong mơ:

Con vỏi con voi
Cái vòi đi trước
Hai chân trước đi trước
Hai chân sau đi...

Thân ái chào em! Hương Giang.


VÕ QUÊ      

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 177, ra ngày 15-5-1972)
 

Không có nhận xét nào:

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>