Thứ Tư, 19 tháng 5, 2021

CHƯƠNG XI, XII, XIII, XIV_XÓM GIÁO

 
XI
 
 
Hải Phòng ngày...
 
Anh Hải,
 
"Từ ngày xuống đây, thấm thoát thế mà đã hơn ba tháng. Mấy lần cứ định viết thư lên, nhưng rồi công việc bận rộn nên lần lữa mãi chưa viết được. Bây giờ công việc làm ăn của tôi thu xếp đã tạm xong, mới yên tâm ngồi đây kể truyện của tôi ở dưới này cho anh nghe được.
 
"Hiện giờ tôi làm thợ điện cho một nhà máy lớn bên Thượng-lý. Công việc cũng khá vất vả, nhưng tôi lấy làm mãn ý, vì ngoài số lương đủ chi dụng, tôi còn có dịp để học hỏi thêm. May tôi được làm dưới quyền một ông đốc công rất giỏi về nghề điện vì ông là Kỹ-sư điện khí. Ngoài giờ làm việc ở sở, ông còn có một xưởng riêng chữa các máy móc ở nhà. Nhân thấy tôi hay tìm hiểu, lại có vẻ lanh lợi vừa ý ông nên ông sẵn lòng chỉ bảo mọi điều, và còn cho phép đến học nghề thêm ở xưởng riêng ông ta nữa. Trưa và chiều tôi đến nhà ông vừa học vừa phụ ông chữa các máy hỏng người ta đưa đến. Thỉnh thoảng một vài thứ dễ dàng ông chỉ cho tôi tập chữa, và cho tôi số tiền công chữa đó.
 
Nhờ vậy, gia đình tôi dạo này, ơn Chúa thương, cũng được dư dật không đến nỗi túng quẫn lắm như hồi còn ở Xóm Giáo.
 
Em Thảo đã đi học ở trường Thánh Mẫu. Mới đầu Thảo hơi ngại vì bỏ học đã lâu sợ đuổi không theo kịp. Nhưng rồi cố gắng cũng không đến nỗi kém. Còn một vài năm đã thi, vạn bất đắc dĩ phải bỏ dở. Bây giờ hoàn cảnh cho phép tội gì chẳng cố để cho Thảo học nốt, anh nhỉ.
 
Thầy tôi từ dạo xuống đây, đổi không khí nên khỏe mạnh hơn xưa. Tuy vậy, người chỉ nhắc nhở đến Xóm Giáo và ao ước sau này được trở về đấy hưu dưỡng tuổi già.
 
Anh xem một người như thày tôi, xê chuyển cũng đã nhiều, nay chỉ tiếc Xóm Giáo, kể cũng là một điều lạ.
 
Phần tôi, khỏi phải nói anh cũng đã rõ những điều tâm sự. Lắm lúc nghĩ vẩn vơ tôi chỉ muốn được như một cánh chim bay trở về thăm xóm, thăm người cho đỡ nhớ nhung. Nhưng mơ mộng hão huyền đâu có được! Tôi chỉ biết cố làm việc, hy vọng vào tương lai, và tin cậy vào Chúa. Anh nhớ cầu nguyện cho tôi với nhé.
 
Tôi chỉ buồn cho anh Minh, vì tôi đã được tin anh ấy bị mù. Tội nghiệp! Chúa thường gửi đau khổ đến cho mọi người, để ta có dịp lập công. Nhưng sự đau khổ của anh Minh nặng nề quá! 
 
Duy còn có anh, và các anh em khác là hoạt động được nhiều công cuộc lợi ích cho xóm. Minh bây giờ chắc phải ngồi một xó, tôi thì xa xôi cách trở chẳng giúp được việc gì. Nghĩ lại buồn thêm. Ngôi trường học khánh thành rồi, các anh đã dự tính việc gì cho xóm chưa?
 
Thôi thư viết đã dài, nói chưa hết truyện, giá có gặp nhau thì anh em mình mới thỏa! Vậy vắn tắt xin anh bớt chút thì giờ viết dài dài kể truyện Xóm Giáo cho tôi nghe, nhất là về tin tức của anh và anh Minh.
 
Nhân tiện anh chuyển hộ lời tôi kính thăm ông Trùm.
 
Chúc anh vui, mạnh và nhớ cầu nguyện lẫn cho nhau.
 
Thân mến      
PHONG       
 
T.B. Tôi gửi kèm theo ngân phiếu 200$ góp thêm vào quỹ xây dựng của xóm. Anh lĩnh hộ và chuyển giúp cho ông Trùm.
 
Hải đọc đi đọc lại bức thư của Phong, vui sướng như đứa trẻ được nhận gói kẹo. Lâu lắm, từ ngày Phong từ biệt Xóm Giáo đi làm ăn, bây giờ mới có thư về. Anh đem ngay lá thư khoe với Minh.

- Phong gửi thư về anh Minh ạ.

- Đâu? Anh nhận được bao giờ?

- Vừa mới chiều nay.

- Thư Phong viết những gì?

- Để tôi đọc anh nghe.

Hải liền ngồi xuống cạnh Minh, giở lá thư ra đọc từ đầu chí cuối. Hải đọc thong thả, chăm chú như mới đọc lá thư đó lần đầu. Minh lắng nghe, đôi mắt thong manh chấp chới, rồi mỉm cười bảo bạn:

- Phong khá nhỉ. Được một thanh niên có chí như thế kể cũng hiếm có. Tương lai của anh ấy sẽ hơn mình nhiều. Phong thiết tha với Xóm Giáo, chả biết có ngày nào anh trở về đây nữa không?

Hải nói tin tưởng:

- Chắc chắn Phong sẽ trở về với chúng ta!

- Anh lấy gì làm chắc?

Hải mỉm cười:

- Vì hạnh phúc của Phong còn gửi lại ở Xóm Giáo.

Anh ghé vào tai Minh thì thầm:

- Phong đã chọn Liên làm người bạn đường tương lai của anh.

Minh bỗng trở nên vui vẻ:

- Ồ, hèn nào mà...

Nhưng Minh im bặt. Anh toan nói rằng: hèn nào mà Liên từ chối không nhận nhời thày giáo Quý! Minh không dám gợi truyện ấy ra trước mặt Hải, vì truyện thày giáo Quý có liên quan đến Thu. Mà Thu, mối tình đầu, và cũng là mối thất vọng đầu tiên của Hải, gợi ra chỉ thêm hiu hắt lòng người bạn trẻ.

Minh nói lảng đi:

- Vậy thì tốt quá. Vả hai người ấy thực xứng đôi.

Không ngờ lời nói của Minh làm cho Hải nảy ra một ý nghĩ so sánh. Anh liên tưởng đến Thu và thày giáo xóm. Đôi ấy cũng xứng đôi như lời mọi người khen ngợi. Riêng Hải, anh thấy chán nản và bất mãn.

Anh thẫn thờ nói:

- Vâng, xứng đáng lắm.

Minh không nhìn thấy vẻ xa vắng của Hải, nên vui vẻ tiếp:

- Chúng ta nên cầu nguyện cho hạnh phúc của họ.

Hải gật đầu, mặt đăm chiêu:

- Cho Phong và Liên!

Chợt có tiếng trẻ em reo hò ngoài đường, rồi có tiếng người nhớn vỗ tay cười nói hả hê xen với tiếng chân bước rầm rập. Minh ngơ ngác, chưa kịp cất nhời hỏi, thì thằng Hùng đã nhảy ngay ra cửa. Nó ngoái cổ reo vào trong nhà:

- Có đèn điện bố ạ!

Nó nhảy ba bước ra ngoài đường, giọng lanh lảnh:

- A ha, thích quá anh em ơi! Sáng quá, sáng quá!

Minh hỏi Hải:

- Hôm nay xóm ta có đèn rồi hở anh?

- Vâng. Họ vừa lắp bóng đèn xong chiều hôm nay.

Minh níu lấy vai bạn:

- Ta đi chơi một lát đi. Anh dắt tôi nhé.

Hải chiều ý bạn, nắm tay Minh dắt ra đường. Nhìn những cột điện rải rác đứng quanh xóm, bóng đèn chiếu sáng tưng bừng xuống đường đi, Hải cũng thấy vui lây với mọi người. Anh ghé vào tai Minh:

- Sáng thật anh ạ.

Rồi anh chép miệng:

- Tiếc rằng anh lại...

Minh cười cướp lời:

- Có. Tôi có trông thấy!

Hình như Minh cũng vui lắm. Lòng anh rộn rã với tiếng nói rộn rã của dân xóm. Anh nắm chặt vào cánh tay Hải:

- Tôi nhìn theo cách của tôi, nghĩa là nghe thấy mọi người đương reo mừng vì ánh sáng đèn. 
 
Đây này, ở đây có lũ trẻ đương rỡn bóng trên bãi cỏ nhà nguyện ; bên trong, tượng Chúa ngự giữa vòng hào quang vì tôi nghe tiếng bà Quản Giáo đương trầm trồ với ông Trùm. Cả trường học cũng sáng nữa, vì tôi nghe tiếng các anh em thanh niên ra vào. Có đèn rồi, tối tối anh em tha hồ tới đấy đọc báo xem sách anh nhỉ?

À, chúng ta đương đi qua dưới một bóng đèn phải không? Xem nào, ngọn đèn này đứng ngay vệ bờ giếng, vì tôi nghe tiếng lá cây cọ lay động. Đã lâu lắm tôi không được ngồi cạnh gốc của nó. Anh cho tôi lại ngồi chơi đấy một chốc.

Hai anh em đưa nhau đến ngồi bên gốc cọ. Mặt nước giếng về buổi tối đen ngòm phản chiếu rung rinh những đốm sáng đèn. Minh tựa lưng vào gốc cây ngửa mặt lên nói:

- Ngồi đây vẫn nhìn được quanh xóm anh nhỉ?

- Vâng.

Hải đưa mắt nhìn quanh một vòng. Giữa bao nhiêu người quen ra cửa đứng xem, thấp thoáng anh thấy có bóng Thu. Lòng anh lại rộn lên nhiều tình cảm để rồi đau khổ, rồi hằn học... Bất giác anh thọc tay vào túi, lấy ra cỗ tràng hạt Thu gửi cho anh dạo nào. Cỗ tràng hạt trắng lấp lánh trong bàn tay Hải. Đây là kỷ vật của người anh quý mến. Người ấy chưa bao giờ ngỏ với anh chút tình luyến ái. Người ấy, anh đã yêu, đã mơ ước, muốn người ấy trở nên người bạn trăm năm. Nhưng không, ý muốn ấy không thành, anh còn giữ mối tình riêng làm gì cho thêm nặng lòng u ẩn. Anh giơ tay toan ném cỗ tràng hạt của Thu xuống giếng, nhưng cỗ tràng hạt anh cầm bên tay trái vướng vai Minh nên ngược tay chưa ném đi được. Thuận tay phải, anh nhặt một hòn sỏi, giận dữ ném xuống giếng. Tiếng rơi nghe tõm một tiếng. Mặt nước cau lại, chao lên những mảnh sáng vàng. Hình ngôi nhà nguyện phản chiếu dưới nước tan vỡ ra từng mảnh. Minh giật mình hỏi:

- Anh vừa ném cái gì xuống nước thế?

Hải đáp:

- Hòn sỏi!

Và nhìn xuống nước anh bàng hoàng tưởng mối tình của anh cũng như ánh vàng đương ta vỡ ra làm trăm mảnh.


 
XII


Thu bắt đầu tỉnh giấc vào lúc có tiếng gà gáy sáng. Tiếng gà eo óc nổi lên xa xa từ trong làng Nam Thái đưa ra , và thưa thớt tiếng gà ở Xóm Giáo khàn khàn đáp lại. Giọng gáy của các anh gà hôm nay không ròn rã lắm. Cả anh sống thiến trong chuồng gà nhà Thu cũng thế. Hình như anh chỉ cất lên vài tiếng lấy lệ rồi lại rúc mỏ vào cánh để ngủ. Bởi hôm nay không phải là một ngày đẹp trời. Mưa rơi lún phún từ đêm vẫn chưa ngớt. Bụi mưa nhẹ như hơi sương đủ làm ẩm ướt cây cỏ. Thỉnh thoảng một vài giọt nước đọng trên cành cây trút xuống mái hiên nghe lộp độp. Trong xóm chưa động dạng tiếng người.

Thu nằm yên trên giường, nghe trời trở về sáng. Hơi chăn ấm làm cô ngại rét chưa muốn dậy. Nhưng khi nghe văng vẳng ngoài đường phố có tiếng động cơ chạy vụt qua, Thu cũng gión gién ngồi lên, ý tứ khỏi làm động giấc ngủ của mẹ nằm bên cạnh. Ánh đèn điện xế cửa vẫn chưa tắt, lờ mờ lọt qua khe cửa. Thu quay mặt nhìn ra, ngồi thầm thĩ đọc kinh sáng. Đọc xong trời chưa sáng rõ, ánh đèn điện vẫn còn sáng ở bên ngoài. Thu ngồi yên bó gối trên giường vẩn vơ nghĩ ngợi.

Đã mấy hôm nay, Thu có một điều bận tâm làm nàng rối trí. Là vì chủ nhật vừa rồi, đi lễ bên nhà thờ xứ về, Thu thấy thầy giáo Quý đến chơi. Thầy giáo đến chơi vẫn là sự thường. Từ ngày về đây dạy học, thầy thường ra vào nhà Thu luôn. Bởi thầy có việc phải giao tiếp với ông Trùm là người đứng đầu trong xóm. Và dù chẳng có việc gì thì đôi khi thầy cũng nán lại ngồi chơi nói truyện suông.

Nhưng đặc biệt hôm ấy thầy đến chơi với cả mẹ thầy nữa. Tiếp mẹ thầy giáo xong, bà Trùm hớn hở bảo ông:

- Ông thử đoán xem thầy giáo hôm nay đưa mẹ đến chơi có ý gì?

Ông Trùm nhếch mép nhìn con gái, làm bà Trùm vui vẻ gật đầu:

- Bà cụ đi nhòm dâu cho con giai đấy. Xem tình ý thầy giáo có vẻ bằng lòng con Thu nhà ta. Bà cụ đã ướm thử, bảo rằng thầy giáo khen mãi cô Thu ngoan nết, nên đưa mẹ đến chơi để cầu thân. Ông nghĩ thế nào?

Ông Trùm cười hỏi lại:

- Thế bà nghĩ làm sao?

- Tôi thì tôi cho là thày giáo là người hiền lành đứng đắn...

- Phải, tôi cũng không chê thầy ta, song việc ưng thuận phải tùy ý con mình nữa chứ.

Bà Trùm âu yếm nhìn Thu:

- Cô định thế nào hở cô?

Thu sượng sùng hỏi lại:

- Định thế nào kia ạ?

Bà Trùm cười:

- Định ưng thuận hay không, cô cho tồi biết để hôm nào người ta đến hỏi lại, tôi còn trả lời người ta. Đám này tôi bằng lòng lắm rồi. Chỉ còn tùy cô nữa thôi đấy.

Thu không biết trả lời ra sao cả. Cô cúi mặt, bối rối. Thấy con đỏ mặt ngồi im không đáp, bà Trùm tưởng như Thu đã bằng lòng. Muốn trêu thêm con gái, bà tủm tỉm hỏi gặng:

- Sao, cô trả lời thày đẻ đi chứ?

Thu ấp úng:

- Con... Con chưa muốn lấy chồng.

Rồi cô lảng vào nhà trong, mím môi củng lên đầu thằng Bảo, vì nó chạy theo cô cười chế riễu. Ngoài nhà, ông bà Trùm cùng cười ròn rã vì câu trả lời ấp úng của Thu. Trong ý ông bà Trùm có lẽ tưởng Thu đã bằng lòng. Nhân đấy câu truyện Thu sắp lấy thày giáo Quý được người ta thì thào với nhau.

Thực ra Thu đương bối rối chưa định rõ được thái độ về việc này. Trong khi nghe tin mẹ thày giáo Quý tới chơi ướm hỏi, và khi được cha mẹ hỏi ý kiến của mình, Thu đâm ra phân vân như người đứng trước con đường rẽ làm đôi ngả. Trên hai ngả đường có hai thanh niên cùng lứa đương đón chờ Thu. Hai người ấy là thầy giáo Quý và... Hải. Tự nhiên cô có ý tưởng so sánh hai người, để chọn con đường sẽ đi. Cả hai, mỗi người một vẻ, không ai giống ai, nhưng đều gây cho Thu một niềm tin tưởng vững vàng. Thầy giáo Quý với vẻ hòa nhã, ung dung của một bạch diện thư sinh và Hải với cái vẻ rắn rỏi, lanh lợi của một thanh niên thuyền thợ. Hiền lành, hai người cùng hiền lành. Đứng đắn, thì thầy Quý có cái đứng đắn của con nhà mô phạm. Còn Hải, anh ta có cái đứng đắn của một người ngay thẳng và chất phác.

Thu ngập ngừng giữa hai ngả đường đó, loanh quanh suy tính để cân nhắc lựa chọn. Trong những đêm thao thức, hễ hình ảnh thầy giáo Quý hiện ra thì hình ảnh Hải cũng đứng liền bên cạnh. Thu không biết làm cách nào để tìm một giải quyết. Cô cầu nguyện và lắng tai nghe tiếng nói của lòng mình. Nếu xét về tình cảm thì Hải là người được Thu để ý nhiều hơn. Bao nhiêu kỷ niệm xảy ra giữa hai người, nàng quên sao được! Nào là những buổi gặp nhau trao đổi ý kiến về công việc trong xóm. Rồi đêm Sinh Nhật vừa qua, Hải đã thổ lộ mối tình của anh làm cho lòng Thu rung động đến nỗi bối rối bỏ chạy. Rồi những lúc săn sóc cho Minh, cùng nhau chia sẻ cảnh u buồn của bạn. Thu nhớ lại tất cả những kỷ niệm ấy và lòng nàng xao xuyến. Mối tình như đóa hoa phong nhụy bỗng nhiên hé nở thoảng ngát hương thơm. Hương hoa tình ái nở buổi đầu tiên thực là trinh khiết. Tuy Thu chưa say đắm vì thứ hương thơm mới mẻ ấy, song cô cũng cảm thấy đôi chút bâng khuâng.

Hải! Ừ, Hải đã chẳng ngỏ lòng với nàng trước khi thày giáo Quý tới dạy học ở xóm này đó ư? Đáp lại mối tình ngay thẳng của Hải, Thu đã gửi cho anh cỗ tràng hạt, có ý để bảo anh cầu nguyện. Cử chỉ ấy tuy chưa phải là một lời hứa hẹn, song cũng là một ý tứ làm cho Hải hy vọng. Anh chàng chắc đã cầu nguyện nhiều làm. Và cũng tin tưởng, chờ mong nữa. Thế mà, bỗng nhiên thày giáo Quý ở đâu đến vô tình đứng xen vào. Thày đã đưa mẹ thày đến ướm hỏi Thu, lại được ông bà Trùm ưng ý! Tin ấy Hải đã biết chưa nhỉ? Biết rồi Hải nghĩ ra sao?

Hàng quà sáng bắt đầu rao í-ới ngoài đường phố. Trong xóm có tiếng kẹt cửa, và thưa thớt tiếng giày, guốc, của những người phải lên tỉnh đi làm. Ánh đèn ngoài cửa phụt tắt. Trời tảng sáng trắng đục màu sữa.

Thu mở cửa xuống bếp, nhóm lửa đun nước để lát nữa pha cho ông Trùm ấm nước trà. Lửa củi bốc lên, chập chờn soi đỏ gian nhà bếp. Thu vừa ngồi chải đầu, vừa canh chừng ấm nước sôi, tâm trí nàng vẫn còn xáo lộn những ý nghĩ về Hải.

Thu chợt để ý, liền mấy hôm nay nàng không thấy bóng Hải đâu cả. Ngay hôm Xóm Giáo có đèn, Thu ra đứng cửa nhìn xem ánh điện chiếu sáng đường xóm, dân xóm trong nhà tuốn ra, đi lại dăng dăng cười nói. Trong số những người quen mặt, Thu nhớ lại không thấy Hải đâu. Những hôm trong xóm náo nhiệt vì một cớ gì vui mừng như thế sao Hải có thể vắng mặt cho được.

Hải làm sao? Hay anh ta ốm?

Câu hỏi ấy lẩn quẩn trong óc Thu khiến nàng có dịp nghĩ ngợi nhiều hơn về Hải. Thày giáo Quý, thày có tư cách đáng trọng. Thày tới dạy học ở đây, và thày ăn lương của xóm. Còn Hải, anh làm những việc ích lợi có phải vì mong cầu một chút lợi nào! Hải có một mình ở đây, cha mẹ anh em còn thất tán cả. Cô độc một mình, chắc Hải buồn lắm. Ví thử Hải ốm nằm một chỗ thì cảnh đơn độc ấy mới đáng buồn hơn nữa.

Ngọn lửa trong bếp đượm củi, bừng cháy thành những lưỡi lửa dài. Tàn củi bay lên lấm tấm như hoa cải. Ánh lửa hắt vào người Thu làm nóng bừng đôi má. Bên ngoài hơi lạnh ẩm ướt càng tăng thêm không khí ấm áp trong bếp. Thu cảm như lòng nàng cũng đương có ngọn lửa hồng reo. Nhìn vào ngọn lửa chập chờn táp quanh siêu nước, nàng phân vân không biết Hải làm sao. Thu chỉ muốn biết cái nỗi "làm sao" của Hải. Biết để làm gì? Nhưng nàng vẫn cứ muốn biết.

Ừ, thì giả như Hải ốm, Thu làm sao chăm sóc cho anh được! Hay Hải buồn vì thầy giáo Quý, vì Thu. Nếu Hải buồn vì Thu? Tội quá! Thu phải xem thế nào mới được.

Ấm nước đã sôi. Trên nhà, ông bà Trùm và thằng Bảo đã lẹp kẹp trở dậy. Thu pha nước, quét dọn rồi quẩy thùng đi gánh nước.

Ngoài giếng, các cô thiếu nữ lục tục đến nơi. Về mùa này giếng nước vãn người không đông như dạo mùa hè. Gặp nhau các cô trao đổi dăm ba câu truyện, miệng thở hơi khói vì khí lạnh buổi mai. Thấy Thu ra các cô chào đon đả:

- Chào chị Thu!

Một cô cười mủm mỉm:

- Chúng em xin có lời mừng chị!

Thu biết ngay ý họ định nói gì. Cô vờ ra vẻ ngạc nhiên:

- Có truyện gì mà các chị mừng?

- Gớm chị còn giấu chúng em. Chị định không cho chúng em uống rượu mừng chị chắc!

Thu cười lảng không đáp, thủng thỉnh bước chân xuống bậc gạch. Nước giếng lạnh toát, ngập đôi chân nhỏ nhắn của Thu. Nước lạnh không làm Thu rùng mình. Cô mải nghĩ đến lời chị em vừa nói.

Thì ra câu truyện ấy, truyện thày giáo Quý đến hỏi Thu, đã bay ra khắp xóm rồi! Nếu thế chắc Hải cũng biết. Không hiểu anh nghĩ ra sao về cái tin này? Hay chỉ buồn rầu chịu thất vọng thôi! Tự nhiên Thu bỗng đem lòng thương hại Hải. Cô mong được gặp Hải xem hình dung, thái độ anh lúc này ra sao.

Vục nước đầy thùng, Thu vừa gánh lên bờ thì Liên cũng tới nơi.

- Chờ em rồi hãy về, chị Thu ạ.

Thu đặt gánh chờ bạn, nhân thể để các cô kia về trước vì nàng muốn nói truyện với Liên. Mỗi lần ra giếng, Liên phải đi qua nhà Hải nên Thu vờ hỏi bạn:

- Chị có gặp anh Hải đâu không? Dạo này tôi không thấy mặt anh ta đâu cả!

- Có, anh ấy vẫn ở nhà.

- Ốm ư chị?

- Chả hiểu! Mọi khi cứ giờ tan học thế nào anh Hải cũng ra đứng ngóng ngoài cửa. Kỳ này chẳng biết buồn bã làm sao...

Liên cười ỡm ờ:

- Hay tại chị đấy.

- Bậy nào! Có lẽ anh ấy ốm.

- Làm sao thì phải hỏi bà Cai Ngân hay chị Minh mới biết được.

Chợt có tiếng chuông xe đạp kêu leng keng, Liên che miệng cười:

- Thày giáo Quý!

Thày giáo Quý thật. Nhà giáo lái xe vòng qua bờ giếng để vào trường. Vài ba đứa trẻ cắp sách chạy bám đằng sau. Qua mặt Thu và Liên, thày ngả đầu chào. Hai chị em lí nhí chào lại. Thu hơi đỏ mặt nhắc đòn gánh lên vai.

Về thôi liên ạ. Ai lại đứng mãi đây mà nói truyện bao giờ!

Liên liếc về phía trường học, cười hóm hỉnh:

- Chị ngượng với thày giáo Quý chứ gì. Có phải hôm nọ mẹ thày ấy đến chơi đằng chị phải không?

Mặt Thu đỏ hồng:

- Phải.

- Bà cụ đi hỏi vợ cho con chị ạ.

Thu cười ngượng nghịu:

- Thế à!

- Chị còn khéo vờ nữa! Tháng trước bà cụ cũng đến đằng nhà em...

- Chừng để xin chị cho thày giáo Quý?

- Vâng. Nhưng thày mẹ em hỏi ý kiến em thì em chối từ...

- Sao thế?

- Truyện dài lắm chị ạ. Để lúc nào em nói chị nghe.

Thu đâm ra tò mò, nóng ruột muốn biết ngay:

- Rõ nỡm, đương nói dở dang còn chờ đến bao giờ nữa?

- Thôi hãy về đã. Lát nữa chị có đi chợ không?

- Có.

- Vậy để lúc đi chợ về, thủng thẳng em sẽ nói chị nghe. Chị cứ chờ em ở hàng chị Minh rồi ta về cùng một thể nhé.

- Vâng.

Hẹn nhau xong, hai chị em chia tay mỗi người quẩy gánh về một ngả. Chiếc đòn gánh nẩy nhịp trên vai Thu. Chân cô bước thoăn thoắt theo nhịp chiếc đòn gánh. Lòng Thu háo hức lạ, có cảm giác như người sắp bước vào một cảnh đời mới mẻ, xong lại hồi hộp chưa biết buồn vui ra sao. Tuy nhiên nỗi háo hức của lòng Thu không phải là vô cớ. Mối tình của Hải, và sự cầu thân của thày giáo Quý làm cho nàng vui vui. Nàng biết rằng nàng được những hai người thanh niên xứng đáng để ý và như thế cũng đã đủ cho các chị em khác phải ghen tỵ rồi. Không kể Hải, chỉ riêng thày giáo Quý, Thu phân vân chưa hiểu tại sao Liên có thể chối từ thày ta được. Chắc phải có lý do nào đó. Thu muốn hiểu biết để nàng quyết tâm ngả hẳn về một bên. Hiện giờ Hải là người đến trước trong lòng nàng. Nhưng theo lễ tục, thày giáo Quý lại là người đến trước. Vậy phải có cớ gì để chối từ như Liên đã chối từ.

Về nhà, Thu chỉ nóng ruột muốn ra chợ. Cô xách rổ hối hả đi cho chóng tới nơi. Mua xong ít thực phẩm cần dùng, cô ghé vào hàng của Nhẫn.

- Hôm nay mới lại thấy chị Thu đi chợ.

Nhẫn vừa nói vừa kéo áo bạn.

- Chị ngồi xuống đây. Mọi khi bà Trùm vẫn đi chợ kia mà. Mua bán những gì mà chị phải đi?

Đôi mắt Nhẫn tinh ranh nhìn bạn:

- Hay nhà chị có cỗ đấy?

Thu cười lắc đầu:

- Cỗ bàn gì đâu. Em muốn đi thì đi đấy chứ.

Nhẫn nhắc bó rau, nhìn vào rổ chợ của Thu:

- Sao đã lâu chị không sang chơi? Nhà tôi vẫn cứ nhắc nhở đến chị và anh Hải luôn.

Thu đang muốn biết tin của Hải, liền nắm lấy cơ hội:

- Vậy anh Hải cũng không sang chơi với anh Minh ư chị?

- Từ tối hôm xóm ta có đèn, anh ấy đến dắt nhà tôi đi chơi, rồi thôi chẳng thấy mặt mũi đâu nữa.

- Hay anh ấy đau?

- Không! Tôi đã hỏi thăm bà cai Ngân. Bà ấy bảo hình như anh Hải có sự gì buồn chán, lắm lúc chỉ ngồi như bụt mọc và thở dài cả ngày.

Thu thẫn thờ nói:

- Hay nhỉ!

Cô thừa hiểu nếu Hải buồn thì anh buồn vì lẽ gì. Cô liếc mắt dò xét bạn, rồi cúi mặt vờ bứt mấy cọng rau úa trong rổ:

- Chị có đoán được anh ấy buồn về việc gì không?

Đến lượt Nhẫn dò xét lại Thu. Chị mỉm cười hóm hỉnh:

- Về việc gì tôi tưởng chị cũng đoán ra được!

Thu cười sượng sùng:

- Không!

Nhẫn tiếp:

- Tôi đoán là anh ấy buồn vì... cái tin chị sắp lấy chồng.

Thu ngước mắt nhìn Nhẫn. Má cô hơi đỏ nhưng không phải đỏ vì hổ thẹn, mà đỏ vì như người say trầu. Lời nói của Nhẫn có hơi đột ngột nhưng lại chính là điều Thu muốn nghe. Nhẫn là bạn thân của nàng, cũng như Hải là bạn thân của Minh. Nàng biết rằng Nhẫn sẽ thành thực nói những điều chị xét đoán được ở Hải. Thu gặng một câu, mong Nhẫn nói tiếp:

- Tại sao thế?

Nhẫn thủng thỉnh đáp:

- Hôm anh Hải sang chơi nhà tôi, tôi có vô tình khoe với anh ấy về cái tin đồn ở ngoài chợ này rằng chị sắp lấy chồng. Anh Hải hỏi rồn tôi mãi rồi thờ thẫn cả người, quên cả uống nước.

Còn chị hỏi tại sao, thì tôi nghĩ là vì anh ấy... yêu chị!

Trống ngực Thu đập mạnh, cô trở nên bối rối, ngắt nát cả bó rau trong rổ mà không để ý. Nhẫn tiếp:

- Có phải chị sắp lấy thày giáo Quý không?

Thu bàng hoàng trả lời:

- Không! Không phải! À nghĩa là thày giáo Quý có đưa bà cụ thân sinh đến ngỏ lời với thày đẻ em...

- Và ông bà Trùm đã nhận lời?

- Chưa hẳn thế, song thày đẻ em rất bằng lòng.

Nhẫn cười thân mật:

- Còn ý chị thì sao?

- Em... em chưa biết nghĩ thế nào. Chưa biết thưa lại thày đẻ em ra sao.

Nhẫn tiếp:

- Việc nhân duyên chị phải quyết đáp chứ. Chị lưỡng lự vì lẽ gì?

Thu cúi mặt suy nghĩ, đôi mi mắt chớp nhanh, rồi quả quyết:

- Em chả nói giấu gì chị, trước khi thày giáo Quý đến hỏi, anh Hải cũng đã ngỏ nhời với em.

Mắt Nhẫn sáng lên, ngồi lặng nhìn Thu. Chị đã hiểu rõ tâm sự của Hải, và chỉ chờ Thu trả lời để nghe ý kiến của nàng.

Giọng Thu trở nên đằm thắm:

- Em hiểu lòng anh Hải. Tuy em chưa hứa hẹn gì, song em có gián tiếp khuyên anh ấy hãy cầu nguyện. Em muốn để thời gian gây thắm mối tình và để có dịp tìm hiểu nhau, lượng biết xem có thể cùng nhau dắt tay trên con đường hạnh phúc. Chẳng ngờ thày giáo Quý xen chân vào làm cho em bối rối. Thày giáo được thày đẻ em ưng ý, mà em cũng không thể trách thày ở điểm nào. Nhưng...

- Nhưng làm sao hả chị?

- Chả gì anh Hải cũng là chỗ quen biết đã lâu ngày. Chúng em thành thật coi nhau như bạn, và qua sự giao tiếp giữa dân xóm với nhau hẳn chị cũng nhận thấy anh Hải là người đáng quý.

- Phải!

- Vậy chị bảo em nghĩ làm sao khi cả hai người cùng để ý đến mình?

Nhẫn mơ màng nhìn ra ngoài trời mờ hơi nước:

- Trong hai người tất nhiên chị phải chọn lấy một. Ở trường hợp nay em thiết tưởng chị nên nghe theo tiếng gọi của chị. Xưa kia, hồi nhận nhời kết bạn với nhà em cũng thế. Sánh với người khác nhà em vừa xấu người, vừa nghèo xác xơ, nhưng được cái...

Nhẫn mỉm một nụ cười tươi tắn:

- Nhà em quý... cả những chiếc guốc em đưa lại cho anh ấy sơn.

Thu bật cười:

- Sao chị không bảo rằng anh ấy yêu chị?

Vẻ mặt Nhẫn vẫn mơ màng như mải nhớ lại kỷ niệm xưa:

- Thì cũng thế. Vợ chồng không thương yêu nhau, thì kết hợp làm sao được.

Chợt Nhẫn chỉ tay ra ngoài reo lên:

- Kìa chị Liên!

Liên đương đứng chọn mua mớ cá, quay lại vẫy tay ra hiệu chào hai người. Mua xong nàng bước lại hàng Nhẫn.

- Chị Minh có đắt hàng không?

Rồi kéo tay Thu nàng bảo:

- Thôi để chị Minh bán hàng, chúng mình về đi. Chị chờ em đã lâu chưa?

Thu cắp rổ đứng lên. Nhẫn vui vẻ:

- Hai người hẹn nhau có truyện gì thế?

Liên cười duyên dáng:

- Truyện bí mật chị ạ.

Nhẫn kéo vai Liên nói sẽ vào tai nàng:

- Tôi biết rồi. Lại truyện thày giáo Quý phải không chị?

Rồi nhìn Thu, chị dặn:

- Chiều tối chị sang tôi chơi nhé!

Liên cười trong trẻo đáp lại. Còn Thu, nụ cười của nàng chỉ hơi nhếch trên môi.

*

Quãng đường từ chợ về xóm không xa mấy. Quanh vài khúc ao bèo là tới nơi. Hai chị em cắp rổ chợ bên sườn, đi thủng thẳng như người đi tản bộ. Câu truyện đương bàn dở với Nhẫn còn dư lại nhiều cảm giác bồi hồi trong lòng Thu, và nhiều ý nghĩ còn vấn vương trong tâm trí. Có một điều Thu chưa kịp nói với Nhẫn là giá Hải nhờ người đến hỏi thì đâu có sự bối rối như thế này. Từ sau ngày anh ngỏ ý với nàng, giữa đêm Sinh Nhật huyền ảo ánh đèn lồng, đến nay kể cũng lâu rồi. Đông qua, xuân đã sắp tàn mà chẳng thấy Hải ngỏ ý gì thêm nữa. Hoặc giả vì một lẽ gì chăng? Lẽ gì, nếu đã thực tình gắn bó, sao anh không nói ra cho Thu biết chừng, để nàng dễ bề định liệu. Bây giờ nàng biết thưa lại với cha mẹ làm sao và lấy cớ gì từ chối sự cầu thân của thày giáo Quý.

- Chị Thu ạ...

À đây, câu truyện của Liên đã hứa nói với Thu có thể liên quan được tới sự quyết đáp của nàng. Thu vẫn nóng lòng muốn nghe và nàng lắng tai.

- Chị Thu ạ, chỗ em với chị, thân tình không khác gì ruột thịt, nên em mới thổ lộ tâm tình để chị nghe. Chắc chị đương phân vân không hiểu tại sao em từ chối thày giáo Quý. Em xin nói ngay rằng, em không có ý dèm pha gì thày ta đâu. Em trọng tư cách của thày giáo, và em cũng biết thày giáo đương có ý cầu thân với chị. Sở dĩ em không nhận lời là vì em đã... có đám khác, mà em muốn giữ lòng chung thủy. Đám ấy là anh Phong!

Thu lẩm bẩm:

- Anh Phong bạn của Hải!

Liên mỉm cười thêm:

- Vâng, và là anh của Thảo. Người ấy chị nghĩ thế nào? Chắc chị đương có ý tưởng so sánh Phong với thày giáo Quý. Nhưng em đã chọn Phong vì lòng em muốn thế. Em quý Phong và em quý cả con người của Phong.

Giọng Liên đầy tin tưởng:

- Lúc mới để ý đến nhau, Phong đương trong cảnh nghèo. Nhưng người ấy không nghèo đâu chị ạ. Dù có nghèo về tiền bạc thì Phong cũng giầu về đức tính. Phong có lòng, có chí, tính tình giản dị và thành thực. Quý ở chỗ ấy. Em tin rằng Phong sẽ tạo nên một tương lai và xây nổi hạnh phúc. 

Thu trầm ngâm đi bên cạnh bạn. Nàng liên tưởng đến Hải và nhận thấy lời Liên nói là đúng. Thu cũng muốn nhân thể câu truyện bộc bạch lòng mình với bạn. Cảm tình của nàng đối với Hải bỗng dưng rào rạt như sóng triều dâng. Nàng nghe lòng nàng và muốn nói nỗi lòng ấy ra. Nhưng Thu không biết nói gì vì nàng kém sắc sảo, kém hoạt bát hơn Liên. Nàng chỉ nói:

- Chị cũng tinh đấy nhỉ.

Liên cười sung sướng:

- Anh Hải cũng bảo em thế. Em đoán anh Hải có biết mối tình của chúng em, vì Phong không giấu anh ấy điều gì, cũng như em đối với chị. Cách đây ít lâu, anh Hải có khoe nhận được thư của Phong. Thấy nói bây giờ khá lắm, vừa đi làm vừa học thêm nghề. Đã nuôi được gia đình còn cho Thảo tiếp tục học thêm nữa. Hình như chỉ cuối năm nay thì Thảo đã thi.

- Vậy chầy kíp thế nào anh Phong chả trở về Xóm Giáo.

- Chẳng khỏi được.

Thấy bạn vui sướng, Thu muốn trêu:

- Để đến xin phép ông Trương sỏ mũi chị Liên lôi đi!

Liên đập vào lưng bạn:

- Chị cứ trêu em, nhưng còn việc của chị với... thày giáo Quý...

Thu lắc đầu:

- Em cũng sẽ không nhận nhời!

- Tại sao?

- Vì em cũng như chị, đã có một đám ngỏ ý trước rồi.

Liên hỏi rồn rập:

- Ai thế chị?

- Liên thử đoán xem!

Liên nắm lấy tay Thu:

- Anh Hải phải không chị?

Thu cúi đầu cười mủm mỉm. Liên cười vui vẻ:

- Chúng em vẫn nói đùa gán ghép hai anh chị. Thế mà hóa ra sự thực nhỉ.

- Phải, nhưng cũng còn rắc rối lắm chị ạ, vì còn có thày giáo Quý! Mà thày giáo thì được thày đẻ em ưng ý lắm, nên mới có cái tin làm anh Hải buồn rầu.

- Rồi thì anh chàng đâm ra thất vọng, mặc trời đất xoay vần, cứ ngồi lỳ ở nhà thôi.

- Ý thế!

Liên cười rúc rích:

- Dở quá nhỉ. Ra chỉ tháo vát, hăng hái những truyện gì ở đâu ấy thôi. Đến việc hệ trọng tới hạnh phúc của mình thì đâm ra lúng túng. Sao anh ấy không nhờ người đến nói với ông bà Trùm.

Thu thở dài:

- Nếu thế đã chẳng nên truyện. Em sẽ có cớ để từ chối đằng nọ, nhận nhời đằng kia. Chứ bây giờ chị bảo em trả lời thày đẻ em thế nào?

- Em tưởng chị nên khéo léo nói cho ông bà Trùm hiểu rõ lòng chị.

- Ở trường hợp chị, chị thưa lại với ông Trương thế nào?

- Em cứ một mực lắc đầu. Thày em chỉ có mình em, nên cũng chiều lòng, tưởng em chê thày giáo Quý. Sự thực người có biết đâu em muốn chờ Phong.

- Phần em thì hơi khó nói. Nhất là đối với đẻ em, vì người đã bằng lòng.

Hai người về tới rìa xóm. Thu dừng chân lại nhìn Liên như có ý chờ nghe ý kiến của bạn. Cả hai đưa mắt nhìn về phía chợ trên khu đất làng Nam Thái. Phía sau chợ, chiếc lò gạch đã đổ nát, trơ lại vài mảnh tường đỏ màu sành chín. Liên vuốt lại mớ tóc xõa lỏng trên trán, lẩm bẩm:

- Phiền nhỉ!

Thu thẫn thờ đáp:

- Vâng!

Đôi mắt nàng đắm nhìn về phía lò gạch, nhớ lại những buổi chiều tà, trước đây, thanh niên thiếu nữ kéo nhau ra khuân gạch về xây trường học. Hình ảnh của Hải hiện ra ở trước cửa lò. Trong xóm vẳng theo tiếng gió rì rào có tiếng trẻ con học bài nhịp theo tiếng thước của thày giáo Quý đưa ra...


 
 
CHƯƠNG XIII
 
 
Sau buổi nói truyện tâm sự với các bạn ở ngoài chợ, Thu không còn phân vân nữa. Mối tình của cô ngả hẳn về người thanh niên cùng xóm, người mà xét lòng mình cô thấy có đôi chút bâng khuâng. Hải bắt đầu chiếm cứ một địa vị ưu tiên trong lòng nàng. Hình ảnh của anh luôn luôn gợi lên trong trí óc Thu những ý tưởng êm đẹp. Và những ý đẹp ấy lâng lâng như gió nhẹ, rào rạt như sóng nước khiến nàng trở nên mơ mộng. Thứ tình cảm mới đó, trước kia, Thu chưa hề có. Bây giờ nó đến một cách tự nhiên như đóa hoa phong nhụy gặp gió ấm, gặp mưa xuân bỗng dưng hé nở. Ngay hôm Hải ngỏ nhời, bộc lộ mối tình chân thật của anh, Thu cũng chỉ lúng túng và e lệ. Về nhà nghĩ ngấm ngầm về lời nói của Hải, nàng chỉ cười một mình và thẹn đỏ hai gò má. Cảm giác ấy dần dần qua đi phần vì hễ nghĩ đến nàng lại cầu nguyện, cố xua đuổi những ý tưởng về tình áo. Trong tâm hồn những người thiếu nữ nhân hậu và đoan chính, quen sống trong khuôn khổ nghiêm khắc của lễ giáo, thường khi nghĩ đến điều tình tứ, vẫn bối rối một cách mơ hồ như vấp phạm phải điều tội lỗi. Thu cũng thế. Nàng hoảng hốt khi nghe Hải, tuy nàng biết Hải rất thành thực và đã đắn đo nhiều.

Bây giờ Thu không còn cảm giác e ngại ấy nữa. Cô biết rằng người con gái trước sau cũng phải có một lần được đặt trước vấn đề hôn nhân.

Thu đương ở trong trường hợp ấy. Nàng đang cân nhắc để lựa chọn hạnh phúc. Nàng nghĩ đến mối tình của Hải và lòng nàng xao xuyến. Thu không chống lại với lòng mình nữa. Sao lại chống lại, khi nó không phải là một tội lỗi? Nên Thu để mặc, lặng nghe tiếng nói âm thầm của nó. Nó nói rằng:

Hải yêu nàng và nàng không ghét Hải. Ồ, nó chỉ nói thế thôi, nhưng mà cũng là nói nhiều lắm. Bởi Thu đã bâng khuâng, đã mơ mộng nhiều vì tiếng nói bí nhiệm đó. Nó gợi lên cho nàng bao kỷ niệm, vẽ ra bao cảnh tượng êm đềm trong tâm trí. Song nó cũng nhắc nàng nỗi rắc rối hiện thời. Rắc rối gần giống như câu truyện Sơn Tinh và Thủy Tinh. Nghĩa là nàng thục nữ con ông Trùm Xóm Giáo có những hai chàng thanh niên giầu ngang về đức tính rắp ranh muốn cưới!

Thu đã có ý ngả về Hải, người đến trước trong lòng nàng. Nhưng Hải lại hiểu nhầm và đương thất vọng. Trong việc này Hải thiếu mất sự khôn ngoan. Vậy Thu phải bổ khuyết lại cho Hải. Nàng phải hành động khéo léo cho Hải nắm phần thắng.

Nhẫn đã khuyên nàng nên lựa lời nói cho cha mẹ hiểu rõ. Chà, biết nói thế nào đây! Thôi, cứ làm như Liên vậy. Là cứ một mực lắc đầu xin mẹ cha cho thư thả, vì... "con chưa muốn lấy chồng". Ép dầu ép mỡ không ai nỡ ép duyên. Thu hy vọng cha mẹ sẽ thư cho nàng đến khi Hải đến hỏi.

Sau đấy Thu tìm cách ngỏ ý của mình cho Hải rõ. Nàng vẫn muốn gặp Hải, xem anh chàng dạo này ra sao.

Cô hỏi khéo thằng Bảo:

- Bảo có lại đằng anh Hải chơi không?

Thằng Bảo ngước mặt nhìn chị:

- Lại làm gì?

- Ờ... chị hỏi thế vì mọi khi thấy Bảo hay thậm thọt lại đằng ấy chơi lắm. Hay tại anh Hải đi vắng?

- Không, anh ấy có nhà đấy. Nhưng em không thèm... chơi với anh ấy nữa.

- Tại sao thế?

Bảo bĩu môi:

- Dạo này anh ấy bẳn gắt làm sao ấy.

Thu cười:

- Anh Hải mà dám gắt với Bảo? Chắc tại Bảo hỗn chứ gì!

Thấy Bảo loay hoay gọt đẽo miếng gỗ ổi, Thu hỏi:

- Bảo làm gì thế?

- Em gọt con quay.

Thu cầm lấy xem:

- Em gọt méo mó thế này thì quay tít làm sao được. Sao không sang nhờ anh Hải?

Bảo thần mặt:

- Chỉ sợ anh ấy lại gắt, không làm.

- Cứ thử sang xem!

Bị cám dỗ vì lời xui dục của chị, Bảo đứng lên:

- Em sang nhờ thử xem chị nhé.

- Ừ... À Bảo này, em nhớ hỏi sao lâu nay anh Hải không sang chơi với anh Minh nhé.

Bảo hí hửng chạy đi, nhưng chỉ một lát đã tiu nghỉu trở về, lẳng con quay xuống đất:

- Anh ấy không làm chị ạ.

- Sao?

- Anh ấy khó chịu lắm. Hình như anh ấy giận em.
 
Thu cười mủm mỉm:
 
- Không phải giận em đâu. Anh ấy...

Cô nghĩ thầm: Anh chàng đâm bẳn cả với em mình. Rõ khéo! Mới có thế đã thất vọng.

Thằng Bảo giận dỗi:

- Chỉ tại chị!

- Sao lại tại chị?

- Chị cứ bảo em sang. Em không cần nhờ nữa.

Rồi co chân đá con quay, nó phụng phịu đứng nhìn mẩu gỗ lăn lóc vào gầm phản. Thu không quan tâm đến trò chơi của em, cô chỉ muốn dò la để tìm cơ hội thuận tiện giúp mình gặp Hải. Khi chưa băn khoăn vì Hải, cô đến nhà anh tự nhiên. Bây giờ thì khác. Cô thấy rụt rè, ngượng ngập, tưởng tượng khi đứng trước mặt Hải, cả hai sẽ thấy bối rối không biết nói gì và hóa ra trơ trẽn. Chỉ có làm ra vô tình gặp ở nhà Minh là tiện. Vợ chồng Minh biết rõ uẩn khúc của đôi bên sẽ giúp cho câu truyện đỡ khó nói. Cô gặng hỏi em:

- Thế Bảo có nói với anh ấy sao không đến nhà anh Minh không?

- Em đã kịp nói gì đâu! Thấy mặt anh ấy cứ lầm lì trông ghét quá!

Thu không biết làm thế nào. Lắm lúc cô đâm ra bồn chồn đứng ngồi không yên, hoặc thơ thẩn làm cái gì cũng nhầm lẫn. Chiều tối Thu hay tạ sự sai em đến nhà Minh. Rồi nàng ý tứ hỏi:

- Bảo có gặp ai ngồi chơi đằng ấy không?

Mỗi lần Bảo lắc đầu thì Thu lại thở dài. Chán quá, Hải không đến! Hoặc có đến nhưng vào giờ Thu bận ở nhà, thế có đáng ghét không? Bực mình chứ!

Người ta có lòng như thế còn... gì nữa. Ừ, hay thôi, cắt đứt hẳn xem nào. Muốn sao thì cũng phải rứt khoát để nàng khỏi ân hận sau này. Vì thế đã bực mình Thu càng sốt ruột.

Chiều nay Thu không tạ sự sai em đi nữa. Cô đến chơi nhà Minh, vì hình như cô có linh cảm gặp Hải ở đó. Vả Thu đã định, nếu không gặp Hải, cô cũng sẽ gợi truyện với vợ chồng Minh để bắn tin cho Hải biết.

Đường xóm sáng đèn thì Thu đến nhà Minh. Quang cảnh nhà Minh vẫn phảng phất một vẻ u buồn đặc biệt. Nhẫn lúi húi vào một công việc. Thằng Hùng ngồi học. Còn Minh, tối đến lại ngồi bó gối ngẩn ngơ nhìn ngọn đèn sáng. Bầu không khí như tươi lên khi Thu bước chân vào trong nhà. Nhẫn bỏ việc lại tiếp bạn. Minh đổi lại dáng ngồi,  quờ quạng như muốn đứng lên. Thằng Hùng cũng ngừng học, hếch mũi nhìn mọi người nói truyện. Nó nghe phong thanh rằng thày giáo Quý sắp lấy cô Thu. Nó chưa hiểu truyện vợ chồng là thế nào, và chưa lượng được sự hệ trọng của việc ấy ra sao. Nó thích vì thày Quý là tháy giáo của nó. Thày giáo mà lấy cô Thu thì... hay quá! Nó chẳng hiểu sao mà hay, song nó mong như thế. Hình như việc thày giáo nó lấy cô Thu có điều làm cho nó hãnh diện. Nhưng nó cũng lại nghe lỏm được bố mẹ có nói với nhau rằng: chú Hải đâu cũng muốn thế nào đấy.

Thằng Hùng mến chú Hải lắm. Vì mến Hải, nó không mong anh lấy vợ. Nó chỉ muốn Hải cứ thế thôi, để ngày ngày đến chơi với bố nó, nói truyện cho bố nó nghe và đôi lúc trìu mến nó.

Dù chú Hải lấy cô Thu, có lẽ nó cũng không thích lắm. Tính trẻ hồn nhiên có điều gì thắc mắc là phải tò mò hỏi ngay. Nó nắm lấy áo Thu, toét miệng ra cười:

- Cô ơi, cô?

Thu quay lại xoa đầu nó:

- Gì thế cháu?

Thằng bé thơ ngây hỏi:

- Có phải cô sắp lấy thày giáo cháu phải không?

Câu nói tự nhiên của nó làm mặt Thu đỏ bừng. Nhẫn vội mắng át con:

- Thằng ranh con hỗn quá. Ai bảo mày thế. Truyện người lớn biết gì mà hỏi nào.

Minh cũng quát:

- Hùng ngồi học ngay đi. Phải đòn bây giờ.

Bị cả bố lẫn mẹ mắng, thằng Hùng tiu nghỉu, lấm lét ngồi học. Nhưng câu hỏi của nó vô tình đã nêu thành vấn đề cho ba người nói truyện.

Thu cười lắc đầu:

- Truyện ấy, thế mà trẻ con cũng biết nhỉ?

Nhẫn chép miệng:

- Xóm nhỏ, chưa động dạng việc gì người ta đã biết cả rồi. Câu truyện bây giờ ra sao hở chị?

- Vẫn chưa ngã ngũ thế nào cả. Bà cụ thân sinh ra thày giáo có hẹn mấy hôm nữa sẽ lại đến. Đâu như bà cụ muốn rứt khoát để sau mùa Phục-Sinh thì xin lo.

- Vậy chị tính làm sao?

- Em sẽ làm như chị Liên, xin thầy đẻ em khước từ.

Cả Minh và Nhẫn đều yên, vì đã biết lý do của bạn. Thu trầm lặng, rồi thong thả tiếp:

- Chỉ phiền một nỗi không biết thày đẻ em có nghe không. Mà nói rõ lòng em ra thì em không dám.

Thu muốn nhắc đến Hải, để gián tiếp nói ý tứ của mình cho Minh rõ. Cô hỏi Minh:

- Anh Hải dạo này không mấy khi lại đây chơi anh nhỉ?

Minh cười:

- Cu cậu thất tình cô ạ!

- Vâng, em biết. Nhưng mà... giá khôn ngoan như người ta...

Nhẫn chen vào:

- Tôi như anh Hải, tôi cũng cứ nhờ người đến nói xem sao.

Thu đáp gọn:

- Vâng!

Cô cho như thế là bạn đã hiểu hết ý tứ của mình rồi. Cô hy vọng Minh sẽ đem ý ấy nói cho Hải rõ, để Hải liệu.

Ba người lại ngồi yên. Chợt Minh lắng tai nghe ngóng. Bên ngoài có tiếng guốc bước lên thềm. Minh buột miệng nói:

- Anh Hải!

Vì Hải đến thật. Anh đẩy cửa bước vào, sửng sốt đứng lại vì thấy Thu đương ngồi lặng nhìn anh. Nàng ngồi sát bên cạnh Nhẫn, tay đặt trong lòng bàn tay Nhẫn. Hải nhìn nàng rồi thoáng hiện nhiều ý giận ghét trong óc. Giận như một anh chàng si tình hậm hực những điều hờn duyên tủi phận.

Anh ấp úng chào:

- Chào anh chị!

Đến lượt Thu, anh bỗng trở nên tai ác, muốn mỉa mai một tý chơi. Anh nhếch miệng làm ra vẻ trịnh trọng:

- Xin chào cô giáo!

Mặt Thu sầm lại quay nhìn Nhẫn và khẽ thở dài. Hải không để ý đến nát mặt của nàng, ngồi xoay lưng trở lại, như không có Thu ở đấy.

Minh nói:

- Chúng tôi vừa mới nhắc đến anh xong.

Hải nhạt nhẽo đáp lại:

- Thế à!

Chẳng hiểu tại sao, anh cứ muốn gây bầu không khí trở nên khó chịu. Anh cười khẩy tiếp:

- Ai nhắc đến tôi làm gì?

Nhẫn muốn gợi lên cho Hải hiểu:

- Anh cứ nói thế! Chị Thu mới nói đến anh xong.

Hải không quay lại, vẫn giữ vẻ mỉa mai:

- Cám ơn!

Nói được mấy câu ấy, Hải phải trấn tĩnh lắm mới khỏi lạc giọng. Anh muốn tỏ ra vẻ lãnh đạm, khinh miệt Thu cho bõ tức. Tất cả những hờn giận của anh sôi lên. Anh đã yêu và đã hi vọng. Mối hi vọng ấp ủ từ bao lâu nay, phút chốc tan biến vì cái tin Thu sắp lấy người khác. Và mến yêu, đổi ra giận ghét. Hải cho Thu không xứng đáng với mối tình của mình. Anh cứ muốn kéo dài cái phút khó chịu này ra để Thu hiểu anh khinh nàng, giận nàng, ghét nàng.

Hải ngồi lặng thinh chờ đợi xem Thu phản ứng ra sao. Minh và Nhẫn cũng yên lặng. Họ hơi ngạc nhiên, và lạ cho thái độ của Hải.

Thu ngồi vê xoăn một đầu tà áo, cau mặt đứng lên, rồi thở dài nói nhỏ với Nhẫn:

- Thôi em về đây chị ạ! Chị tính thế có khó chịu không?

- Ngồi chơi đã chị.

- Người ta không hiểu thì thôi... Em chả cần nữa.

Thu chào to tiếng cho Minh nghe rõ:

- Tôi về đây anh Minh ạ. Chào anh ngồi chơi.

Hải vẫn không thèm quay lại. Nghe tiếng guốc của Thu ra tới cửa, anh mới cười nói:

- Quên mất, không đứng dậy chào cô giáo!

Nhẫn tiễn Thu ra cửa, quay vào nghe câu nói châm chọc của Hải, bực mình gắt:

- Sao anh lại thế? Hải cười gượng gạo:

- Tôi làm sao đâu?

- Anh dốt như con bò ấy!

- Kìa chị mắng tôi?

Nhẫn dài môi ra gắt:

- Phải!

Và chị ngồi thuật lại rành rọt những điều Thu tâm sự ở ngoài chợ.

Hải thừ mặt:

- Thực không chị?

Nhẫn chép miệng:

- Tôi nói dối anh làm gì! Thực không ai dở như anh, và cũng không ai vụng cho bằng!

- Vậy chị bảo tôi làm thế nào bây giờ?

Minh ôn tồn nói:

- Sao anh không nhờ người đến nói với ông bà Trùm? Cô Thu đương chờ anh đến hỏi...

Hải bối rối:

- Tôi không ngờ như thế. Tôi cứ tưởng là...

Nhẫn cướp lời:

- Anh nhầm đấy thôi. Anh không hiểu lòng chị Thu. Chị ấy vẫn mong gặp anh để nói cho anh rõ... Thế mà gặp chị ấy ở đây, anh đã tỏ một thái độ thậm vô lý.

Hải lại thừ mặt ra. Anh chàng giận mình quá, hopí6 tiếc đã làm cho Thu bỏ về.

Ngồi một lúc không thấy ai nói gì, Hải càng bối rối thêm. Anh nhắc lại câu hỏi ban nãy:

- Anh chị tính dùm tôi phải làm thế nào?

Nhẫn lẳng lặng đến bên gánh hàng xếp lại mớ guốc. Chị vẫn còn bất mãn về thái độ vô lý của Hải:

- Anh tính thế nào thì tính. Bây giờ nếu chị Thu có nhận nhời đằng kia anh không còn có thể trách chị ấy được nữa.

Hải bồn chồn, đứng lên lại ngồi xuống:

- Tại tôi chưa hiểu ý Thu. Tôi vẫn chờ đợi, rồi nghe tin thày giáo Quý...

Minh lắc đầu:

- Bây giờ thì anh đã hiểu ý của cô ấy rồi. Anh còn phải chờ đợi gì nửa. Sao anh không nhờ người đến nói với ông bà Trùm ngay đi?

Hải chép miệng:

- Tiếc rằng thầy mẹ tôi không có đây. Tôi cứ nghĩ rằng việc chưa gấp lắm, nên vẫn định tâm chờ...

Minh tiếp:

- Nhưng bây giờ anh phải quyết định lấy. Anh có nhờ người đánh tiếng, cô Thu mới có cớ để từ chối một trong hai người. Nếu anh chờ đến khi ông bà nhà về thì nhỡ cả... Ông bà Trùm chưa rõ ý định của anh tất nhiên là...

Hải gật đầu ra chiều hiểu ý:

- Vâng, song ở xóm này tôi nên nhờ ai đi hộ công việc ấy?

Minh ngẫm nghĩ, rồi mỉm cười:

- Thiếu gì người giúp mà anh phải lo. Chẳng hạn như bà Quản Giáo, bà nhạc của tôi. Vả lại, chính anh, tôi tưởng anh cũng có thể đến thưa truyện với ông Trùm vì đối với anh, ông Trùm không phải là không có thiện cảm. Mới hôm qua, ông Trùm có rẽ vào thăm tôi và phàn nàn về anh nhiều lắm. Ông kêu rằng dạo này anh chểnh mảng mọi công việc. Các buổi họp của anh em, anh thờ ơ không đến, và còn muốn xin từ chân trưởng ban thanh niên nữa. Ông Trùm đương thắc mắc không hiểu anh làm sao đấy. Anh nên lại thăm ông và nhân dịp bầy tỏ ý muốn của anh cho ông rõ.

Hải đứng lên:

- Vâng.

Nhẫn thấy Hải có vẻ bồn chồn ngơ ngẩn, bật cười hỏi:

- Anh định đi đâu bây giờ?

Hải thấy hăm hở muốn đứng lên đi. Định đi đâu anh cũng chẳng biết nữa. Có lẽ là về nhà nằm nghe cái háo hức đương dâng lên, hay đi lang thang trong xóm, vui thú với cái hy vọng tràn trề.

Anh nhe răng ra cười:

- Chị bảo tôi đi đâu, tôi xin đi đấy.

Ra ngoài anh có cảm giác như người đi đuổi theo một hình bóng của hạnh phúc. Anh ngửa mặt lên nhìn trời. Trời đầy sao, lấp lánh như đêm hôm nào anh đến nhà ông Trùm bàn về việc xây ngôi trường học. Những vì sao lấp lánh nom như ánh mắt sáng ngời của Thu.

Sau lưng Hải, nghe có tiếng của Nhẫn bảo chồng:

- Anh Hải buồn cười quá mình nhỉ.

Hải tự thấy mình buồn cười thật. Anh mỉm cười một mình, thầm chế riễu thái độ của mình ít lâu nay. Cho hay, ái tình làm cho tâm tính người ta sinh ra nhiều mâu thuẫn dị kỳ. Vừa khi nãy Hải còn bực tức trong thất vọng, lúc này anh lại hối đã làm mủi lòng Thu. Chắc nàng giận anh lắm! Ý nghĩ đã làm cho Thu buồn giận ray rứt Hải. Anh chỉ muốn được gặp lại Thu, gặp ngay lúc này để anh được nói đôi lời. Nói những lời ở trong lòng thốt ra và càng nói càng không biết mình muốn nói gì, nhưng là những lời làm cho người ta cảm động, không hề chán.

Thu vừa ở nhà Minh ra trước anh một lát. Không hiểu nàng đã về tới nhà chưa? Hải muốn đuổi theo nàng. Anh rõi mắt trên đường xóm. Dưới ánh đèn mập mờ có một bóng người đang đi. Hảo rảo bước, trống ngực điểm theo gót chân thậm thịch. Gần tới nơi Hải mới nhận thấy mình nhầm.

Vì bóng người đó là Liên.

Liên quay lại thấy Hải, tươi cười hỏi:

- Anh Hải đi đâu vội vàng thế?

Hải chưng hửng:

- Tôi... đi chơi.

Liên đứng lại, tinh quái ngắm anh từ đầu tới chân:

- Đi chơi kia! Dạo này có ai thấy anh ra khỏi cửa đâu. Anh giận ai vậy?

Và nàng cười hóm hỉnh:

- Anh làm sao thế, anh Hải?

Nhìn ánh mắt riễu cợt của Liên, anh biết Liên đương muốn trêu mình. Chắc Liên cũng chẳng lạ gì mối tình của anh, nên Hải cũng cười, nói lảng:

- Tôi chả làm sao cả. Còn cô, cô đi đâu bây giờ?

- Tôi vào nhà nguyện.

Hải đùa lại:

- Gớm đạo đức nhỉ!

Liên thản nhiên đáp:

- Vâng, trong những lúc vui, buồn, tôi đều nhớ đến Chúa.

- Vậy lúc này cô vui hay buồn?

- Vui anh ạ. Tôi vừa nhận được tin của...

- Của Phong!

Liên hơi thẹn, gượng cãi:

- Không phải, của Thảo chứ!

Hải bật cười:

- Thì cũng thế. Vậy có tin gì làm cô vui mừng, cô có thể cho tôi biết được không?

- Thư báo đến lễ Phục-sinh này Phong sẽ cùng ông cụ về chơi Xóm Giáo.

- Thế à! Về chơi làm gì thế nhỉ?

Lúc ấy hai người gần tới nhà nguyện, Liên cười lấp đi:

- Tôi không biết. Thôi tôi vào nhà nguyện  đây!

Hải thừa hiểu Phong hẹn về chơi hôm ấy để làm gì. Anh muốn hỏi trêu Liên đấy thôi, nên tự trả lời:

- Về để lo liệu việc tương lai. Chắc cả hai người đều thấp thỏm mong chờ lắm!

Đứng nhìn Liên nhẹ nhàng bước vào nhà nguyện, anh cảm thấy vui một nỗi vui chia sẻ. Sự vui mừng của đôi bạn ấy lây sang anh và khi nghĩ đến hạnh phúc của họ sắp đạt được, Hải lại nghĩ đến việc riêng của mình.

*

Khi ở nhà Minh ra, Thu như người rối trí, một tí nữa nàng bước hụt thềm cửa và chúi người suýt ngã. Đầu óc nàng mù đi vì những ý nghĩ hờn giận bốc lên đầu. Lòng nàng rưng rưng một nỗi buồn khó tả. Thực lúc ấy Thu không nhận rõ được cảm giác của mình ra sao nữa. Buồn tủi, hờn giận pha lộn cả một lúc, khiến nàng vừa muốn khóc thầm lặng, vừa muốn cười mỉa mai.

Buồn vì Thu đã yêu, mà Hải thì không hiểu lòng nàng. Hải ra vẻ khinh miệt không thèm nhìn mặt nàng để nhận thấy mối tình chân thật nàng đương muốn bộc lộ với anh. Thu mong gặp Hải, tưởng rằng khi gặp nhau có thể ngỏ được hết ý cho nhau nghe. Ai ngờ Hải thực là tệ quá. Người thế mà hóa ra vô lý nhỏ nhen! Ừ đã không thèm hiểu lòng nàng thì thôi, nàng không cần nữa. Đã mỉa Thu là... cô giáo, thì Thu sẽ làm... cô giáo cho mà xem! Có khó gì điều ấy. Nàng chỉ có việc nhận lời là xong. Nhận lời, chao ôi, bực mình thì nghĩ thế đó, chứ Thu không nỡ như vậy. Nàng yêu Hải, , cũng như anh ta đã yêu nàng. Vì yêu, Hải mới đâm ra vô lý. Chỉ bởi anh ghen với thày giáo Quý và giận lây sang Thu. Tuy không nói ra, song chàng đã nghĩ thầm: "Thì ra mình cố công xây dựng được ngôi trường học cho xóm để người khác đến chiếm mất cả mối tình của mình!" Rồi gặp Thu, được dịp mát mẻ thì anh mát mẻ cho hả giận!

Thu chưa hiểu những uẩn khúc của tình yêu, thấy thái độ anh như thế nàng bất mãn cho rằng Hải vô lý và nhỏ nhen, không hiểu nổi lòng nàng. Thu buồn quá. Nàng đi thơ thẩn trên đường, hết cắn môi lại thở dài. Sầu tủi giăng tơ trước lối nàng đi. Thu như bị vướng mình trong lưới tơ tình diễm ảo ấy. Nàng chưa muốn về nhà trong lúc lòng sầu vương vấn, và quanh lại bờ giếng, nàng đến đứng tựa mình bên thân cây cọ. Lá cọ lao xao, lẫn với hơi thở của nàng gió nghe như tiếng ai thì thào. Mặt giếng rung rinh ánh nến trong nhà nguyện hắt ra và của ngọn đèn đứng lẻ loi bên đường. Thu đứng ở đó, mắt lơ đãng nhìn lên phía nhà nguyện. Cửa nhà nguyện mở rộng có thể trông suốt được lên cung thánh. Chợt Thu thấy Liên nhô vào khung cửa sáng, tiến lên quỳ trước bàn thờ Chúa và Đức Mẹ. Thoáng nhìn Liên, Thu cũng biết rằng bạn đương vui. Sáng nay gặp nhau ngoài chợ, Liên đã khoe cái tin làm cho nàng khấp khởi. Liên vui là phải, vì nàng có cớ để mà vui. Nàng đến dâng cho Chúa sự vui mừng của nàng. Còn Thu, chả nhẽ cứ đứng mãi đây mà buồn giận với đêm khuya! Trước khi về nhà, Thu muốn phó thác mọi sự cho Chúa. Nàng vào nhà nguyện và quỳ phía sau Liên. Không khí trong nhà nguyện lúc ấy thật là thành kính. Nhiều bóng người thầm lặng ngồi hai bên hàng ghế, tay chắp trước ngực, mắt ngước nhìn lên bàn thờ. Ngọn đèn chầu leo lét treo giữa cung thánh, và ngọn lửa nến bên bàn thờ Đức Mẹ chiếu sáng chập chờn trên các bóng dáng om lìm. Phảng phất chỉ nghe tiếng cầu nguyện dâng lên từng chỗ, thì thầm trong hơi thở sốt mến.

Thu chìm đắm vào giữa khung cảnh tôn nghiêm ấy, mắt nàng không rời khỏi hình tượng Chúa và Đức Mẹ. Nàng dâng hết những ấm ức trong lòng, với nỗi buồn man mác đang giăng mắc chung quanh.

Thu quỳ lâu lắm. Nàng có cảm giác như chìm đắm vào một cõi u minh huyền diệu. Nàng muốn cầu xin mà không biết nên cầu xin điều gì, chỉ lắng nghe, âm thầm nhìn lên bàn thờ Chúa, và âm thầm trút tiếng thở dài. Vậy mà rồi long Thu cũng dịu đi, tâm tư trở nên bình thản.

Liên đã quay xuống, ra về tự bao giờ. Bà Quản Giáo lặng lẽ đi đóng các cửa sổ. Một vài ngọn nến hụt bấc bập bùng sắp tắt. Trời lúc ấy có lẽ đã khuya. Thu đứng dậy ra về, lòng nhẹ nhõm.

Bên ngoài, hơi gió cuối xuân mát rượi mơn man trong không khí. Thu vừa bước khỏi rặng cây ở khu nhà nguyện, chợt luống cuống vì nghe có tiếng gọi đằng sau:

- Cô Thu!

Thu biết ai gọi nàng. Trống ngực cô lại đập nhộn lên. Chao ôi, Hải đấy! Anh còn muốn nói gì nữa đây? Tự nhiên cơn giận lại đưa đến, Thu không thèm quay lại, cứ lùi lũi đi, nhưng chân nàng bước chậm tưởng như có một sợi dây vô hình nào buộc lại. Nàng sợ bước nhanh sợi dây ấy sẽ đứt, mà đã đứt thì không nối lại được. Hải hình như cũng lúng túng lắm, anh ta lẽo đẽo theo sau và ấp úng:

- Cô Thu... Cô cho tôi nói với cô điều này...

Thu đứng lại, mặt nàng hơi cau, tỏ vẻ khó chịu:

- Anh còn có điều gì nói với tôi nữa!

Hải tịt mít đứng yên. Vừa lúc nãy anh ao ước được gặp Thu để xin lỗi nàng, để phân trần cùng nàng và nói những điều làm cho hai người hiểu nhau. Anh tưởng sẽ nói được rất nhiều điều. Khi ở nhà Minh ra Hải hấp tấp đuổi theo Thu. Không gặp nàng, anh vào quỳ trong nhà nguyện và ngờ đâu lại được gặp nàng ở đây. 
 
Thu chờ lâu chưa thấy Hải nói gì toan quay đi. Hải cuống quít nói:

- Cô giận tôi đấy ư, cô Thu?

Thu dằn dỗi:

- Tôi không dám. Ai hơi đâu mà giận anh!

Hải đứng vặn mấy đầu ngón tay:

- Thôi tôi xin lỗi...

Rồi đứng ngẩn mặt. Thu cũng không biết nói gì. Nàng ngập ngừng bước chân, có ý giục Hải nói gì thì nói, để nàng còn về. Hải theo nàng ra đường xóm, nằn nì:

- Tôi xin lỗi... vì tôi không hiểu... cứ tưởng nhầm... Mãi ban nãy anh chị Minh nói tôi mới biết.

Nghe Hải nói, Thu hả giận, song nét mặt vẫn chưa nguôi.

Hải tiếp:

- Tôi vụng về làm cho Thu giận... Chị Minh chị ấy mắng tôi mãi!

- Chị ấy mắng thế nào?

- Chị ấy bảo tôi dốt như con bò!

Thu bật cười, che giấu mặt đi. Rồi nghiêm trang nói:

- Đúng đấy! Anh không biết cách xử sự. Giá khi nghe tin ấy, anh hãy hỏi rõ đầu đuôi xem thế nào có phải hơn không. Vả ai cấm anh nhờ người đến hỏi...

- Anh chị Minh cũng bảo tôi như thế. Bây giờ tôi được ý của Thu rồi nên tôi định nhờ bà Quản Giáo đến mai lại thưa truyện với ông bà Trùm hộ. Thu nghĩ thế nào?

- Tùy anh.

- Thì tôi hỏi ý kiến Thu xem nên chăng thế nào, Thu bảo cho tôi biết...

Thu cúi mặt ngẫm nghĩ:

- Tôi tưởng anh không nên nhờ bà Quản Giáo, vì đẻ tôi với bà ấy không ưa nhau. Anh cứ nhờ bà cai Ngân thì hơn.

- Vậy tôi sẽ nói với bà cai Ngân. Bà ấy cũng như mẹ tôi vậy.

Đi được vài bước, Hải lại băn khoăn:

- Không biết việc ấy thế nào. Liệu có thành không cô Thu nhỉ? Tôi lo quá!

- Tôi cũng thế, nhưng anh cứ về nhờ bà cai Ngân thu xếp cho. Phải hy vọng mà phấn đấu chứ?

- Nếu được, Thu định đến bao giờ chúng ta xin cha xứ làm lễ...?

Thu cười nhẹ nhàng:

- Hãy chờ xem sao đã nào, chờ cả Phong và Liên xem nữa.

- Phải đấy, chờ cả một thể cho vui. Thôi tôi về đây!

- Vâng anh về.

- À, thong thả đã. Còn gì nữa không nhỉ?

- Chả biết!

- Thu hết giận tôi rồi chứ?

Thu bĩu môi không đáp.

- Thôi xin lỗi Thu lần nữa...

Thu cười quay đi. Hải đứng lại nhìn theo, rồi nhày ba bước một, rẽ lối tắt về nhà. Anh mừng rơn, sung sướng như người bắt được của. Cả đêm ấy Hải không tài nào ngủ được, ngồi nói truyện cho bà cai Ngân nghe, và bàn tính đủ mọi dự định.

Bà cai gật đầu:

- Ừ được. Anh để tôi lo liệu cho. Thế mà chả bảo tôi từ trước, có phải là đã xong rồi không?

Và bà cười dễ dãi:

- Anh và cô Thu kết bạn được với nhau dễ cả xóm bằng lòng. Một bên là trưởng ban thanh niên, một bên là trưởng ban thiếu nữ còn gì tốt đôi bằng!



ĐOẠN CHÓT


Chiều ngả mờ trên Xóm Giáo. Những bóng điện mắc bên vệ đường bật sáng, nhợt nhạt trong ánh hoàng hôn. Vào lúc ấy dân xóm đã dùng xong bữa cơm chiều, và nhàn hạ ra đứng chơi ngoài cửa. Trên nét mặt những người đàn ông đều có vẻ hân hoan. Họ vừa mới đánh một bữa cơm ngon lành vì hôm nay là ngày mừng lễ Phục Sinh. Bữa cơm hẳn các bà nội trợ đã thêm lên vài ba món đặc biệt, có thịt cá, và có thể cả vài chén rượu nồng nữa. Hôm nay, cả xóm không ai làm việc. Người ta nghỉ một ngày sang bên nhà Thờ xứ dự lễ, dự chầu trọng thể, mừng ngày Chúa sống lại. Trong thời kỳ Chúa chịu nạn, quanh xóm hiu quạnh tiếng cười đùa. Nhà nguyện lúc nào cũng có người than thở, và tối đến tiếng nguyện ngắm vang lên, u trầm và thắm thiết. Mùa Thương khó qua đi, Chúa đã sống lại vinh hiển, người ta chả có lý gì không vui mừng cho được. Sự vui mừng tuy ở trong lãnh vực siêu nhiên, song cũng có pha trộn một đôi chút vật chất. Trong một ngày nghỉ thảnh thơi cả tinh thần lẫn thể xác, dân xóm đã sống một ngày vui hồn hậu. Sau bữa cơm thịnh soạn, có người ghếch chân lên cửa sổ nằm hát nghêu ngao, bên cạnh bà vợ ngồi nhai trầu bỏm bẻm. Có người mặt mũi đỏ hồng, đứng ngoài thềm cửa, vừa xỉa răng vừa nói truyện bô bô sang bên hàng xóm.Tiếng guốc khua lộc cộc trên đường, lẫn với tiếng cười vui tươi.

Bỗng có tiếng âm nhạc nổi lên rộn rã. Lắng tai nghe, mọi người hỏi nhau:

- Ô này, âm nhạc ở đâu thế nhỉ?

- Chắc lại của một xe quảng cáo thuốc... hay dầu thơm nào đỗ ở ngoài đường phố sắp chiêu hàng.

- Không phải, nghe gần như ở xóm ta.

Mọi người còn đang nghe ngóng, tìm kiếm xem tiếng đó ở đâu phát ra thì bản nhạc vừa tắt, và có giọng nói:

- A lô... A lô...

Mọi người bàn tán:

- Tiếng ai nghe như tiếng thày giáo Quý ấy nhỉ.

- Phải, đúng tiếng thày giáo Quý rồi! Thày ta đứng đâu mà tiếng nói nghe ồm ồm thế?

- À thôi, ở trong trường học, và nói bằng máy phóng thanh kiểu như cái máy của cha xứ bên nhà Thờ.

- Im, để nghe thày ấy nói gì?

Tiếng thày giáo Quý nói:

- Anh Hải, anh có nghe rõ không? Một... hai... ba... Rõ chứ?

Tiếng Hải đứng ngoài đầu nhà nguyện quát trả lời:

- Rõ lắm. Rõ lắm...

Có người bật cười:

- À ra họ thử máy. Không biết máy ở đâu thế. Hay là ông Trùm mới mua?

Chả phải, nếu ông Trùm định mua, thì cả xóm đã biết.

- Kia ông Trùm kia. Hễ động dạng là thấy ông Trùm ngay. Chào ông Trùm ạ!

Ông Trùm Mỹ niềm nở chào lại mọi người:

- Chào các ông các bà. Các ông nghe âm nhạc có vui không?

- Vui lắm! Đương bàn hỏi nhau máy ở đâu ra, hay ông Trùm mới tậu cho xóm?

Ông Trùm cười bí mật:

- Không. Của thanh niên đấy chứ. Ta vào nhà trường xem họ làm gì đi.

Dân xóm theo ông Trùm, kéo vào nhà trường. Ngoài sân cỏ trẻ con đã láo nháo đứng ngấp nghé ngoài cửa. Chúng liến láu ở ngoài không dám vào vì còn sợ thày giáo Quý. Thày giáo đương bận ở trong với Hải và Phong. Cả ba người giúp nhau chăng những sợi dây điện, mắc vào cái loa trông như chiếc hoa muống treo trên đầu nhà. Ở chiếc loa thỉnh thoảng lại phát ra những tiếng lục bục, u u, nghe đến lạ tai. Giữa phòng học, trên mặt tủ kê sau bàn thày giáo có đặt một chiếc máy, đèn trong máy ánh ra ngoài mặt kính đỏ lòm. Phong cắm cúi đứng bên máy, chăm chú xoay vặn chiếc kim. Chiếc loa bên ngoài đương kêu lục bục, bỗng phát ra một điệu nhạc quen quen.

Trẻ con đứng chờ, bỗng nhẩy nhót reo:

- A, được rồi. Máy hát bài gì thế nhỉ?

- Bài thanh niên Việt Nam anh em ạ. Hay quá, hát theo đi.

Cả bọn vừa đánh nhịp, vừa nghếch miệng lên chiếc loa thi nhau hát. Giữa lúc ấy thì ông Trùm tới nơi. Ông chỉ vào đám trẻ, cười khoái trá:

- Gớm, cái bọn trẻ con!

Rồi bước vào phòng học, ông vui vẻ nói:

- Chào Thày giáo, chào hai anh. Máy nghe được rồi chứ?

Phong ngửng đầu lên, xoa tay:

- Vâng, hoàn toàn lắm ạ. Con lắp sẵn hẳn hoi để sau này cứ việc thế mà dùng.

Ông Trùm gật đầu, chỉ vào chiếc máy trên mặt tủ nói với mọi người:

- Bộ máy truyền thanh này là của anh Phong mới đem từ Hải Phòng về sáng nay cho xóm ta dùng. Anh ấy lắp lấy đấy, nên trông bề ngoài xấu mà không giống như các máy bày bán ngoài hiệu song nghe cũng khá rõ.

Thày Quý thêm:

- Và tiện nữa. Có đủ cả máy chạy đĩa hát, và ống nói như bộ máy của cha xứ. Từ nay cứ chiều chiều, còm ta có thể nghe âm nhạc, và tin tức...

Nhiều người gật gù khen:

- Anh Phong thế mà giỏi nhỉ?

Phong ngượng nghịu giữa những lời khen ngợi xung quanh, chỉ biết đứng cười. Hải rất hãnh diện vì bạn, anh được dịp bày tỏ ý kiến:

- Thưa ông Trùm, con thiết tưởng giá xóm ta cố gắng xây thêm một phòng nữa nối liền với phòng học này, dùng làm phòng thông tin, hội họp thì hay quá.

Ông Trùm gật đầu:

- Tôi cũng nghĩ thế. Tôi chỉ tiếc có sẵn máy móc như thế này mà chưa mời cha xứ sang khánh thành được. Nhưng đấy là truyện về sau. Rồi thế nào chúng ta cũng thực hiện dần dần chương trình đã định.

Phong giở đồng hồ ra xem, nói với mọi người:

- Chỉ còn vài phút nữa là sắp tới giờ phát thanh công giáo. Xin mời ông Trùm và các ông ở lại nghe.

Có người hỏi Phong:

- Anh Phong về chơi hôm nào lại đi?

- Thưa, độ vài hôm nữa.

- Nhưng rồi cũng liệu thu xếp về ở hẳn đây thôi chứ?

Ông Trùm nhìn Phong cười ha hả:

- Cái ấy đã hẳn, phải không anh Phong? Ông Trương Bát mong lắm đấy.

Phong đỏ mặt đáp:

- Vâng!

Anh kéo tay thày Quý và Hải bảo nhỏ:

- Thôi xong việc rồi! Chúng mình ra ngoài này đi. Để mặc các cụ bàn tán vui vẻ với nhau...

Ba người lặng lẽ ra khỏi phòng học. Ngoài sân, lũ trẻ vẫn đứng tụm dưới chiếc loa treo ở đầu hiên. Âm nhạc ở đó phát ra âm vang cả khu nhà nguyện. Ánh chiều tắt đã lâu. Bóng tối dâng chìm Xóm Giáo. Những ngọn điện lấp lánh nổi bật trên nền trời và soi sáng mặt đường. Dưới ánh đèn, từng bọn người hoặc đi lại quanh bờ giếng, hoặc đứng trên thềm nhà, vừa nghe nhạc vừa trò truyện...

Chợt có tiếng trong trẻo gọi:

- Anh Phong!

Phong ngơ ngác nhìn quanh. Tiếp đến tiếng cười khúc khích:

- Chúng em đứng ở đây cơ.

Phong kéo hai bạn lại phía có tiếng gọi.

Liên, Thu, Thảo đứng chờ bên một gốc cây cạnh ngôi nhà nguyện. Ba chị em rủ nhau ra đứng đấy từ lúc nghe điệu nhạc mới nổi lên. Liên và Thu có vẻ bạo dạn tự nhiên, khi đứng trước mặt Phong và Hải. Mối tình giữa họ đã được đôi bên cha mẹ chấp thuận và cả xóm tán thành. Họ chỉ còn chờ ngày đến trước bàn thờ Chúa, kết ước thành vợ thành chồng, cho nên trong khóe mắt, nụ cười của họ có lộ tất cả nỗi niềm vui sướng. Nhưng trước mặt thày giáo Quý họ cũng giữ ý kín đáo dè dặt đôi chút.

Nhất là Thu. Từ ngày Hải với nàng hiểu nhau, bàn tính nhờ bà Cai Ngân lo liệu hộ, thì thày Quý đã đổi hẳn ý định. Thày hiểu ngay mối tình thắm đượm của hai người, và xin mẹ thôi không nói lại với ông bà Trùm nữa. Để Hải có hy vọng thày thường đến chơi với anh, khuyến khích lôi kéo anh trở lại với công việc tông-đồ. Một hôm bà Cai Ngân khôn khéo hỏi về tin đồn trước kia thày định hỏi Thu, thày đã vui vẻ trả lời:

- Vâng đấy là mẹ tôi muốn thế, nhưng có lẽ ý Chúa không định. Vì Chúa muốn dành cô Thu cho một người khác có thể chung hưởng hạnh phúc với cô ấy hơn.

Thày nói thực tình. Thực ra không phải vì tình yêu thúc đẩy mà thày đã hỏi Liên hay Thu. Thấy họ là người đoan trang, thùy mị, khác hẳn với những thiếu nữ khác thường gặp, nên thày cho rằng tìm bạn trăm năm, không gì bằng chọn lựa được một người như hai người ấy.

Nhưng đến khi biết Liên và Thu đã thương yêu người khác, thì thày thôi ngay không một chút vấn vương. Biết mình là người đến sau, thày không muốn phạm vào mối tình của họ. Và được dịp tỏ ra mình cao thượng, âu cũng là điều làm cho người ta sung sướng.

Hải nghe thày Quý nói như thế, liền thuật lại cho Thu nghe. Rồi sự ghen ghét thày Quý đối với anh tự nhiên tiêu tán. Anh đem lòng cảm mến thày và hai người trở nên đôi bạn nghĩa thiết.

Bây giờ đối với Liên và Thu, thày Quý coi hai cô như vị - hôn - thê của bạn, nên tự nhiên chào hỏi:

- Hai chị ra nghe âm nhạc?

Liên tươi cười đáp:

- Chúng tôi có nghe gì đâu. Chỉ đứng xem đấy thôi.

Thày Quý cũng mỉm cười:

- Vâng, vì thứ âm nhạc kia không rộn rã bằng thứ âm nhạc trong lòng chị!

Thảo hiểu câu nói văn hoa ấy. Nàng tủm tỉm hết nhìn Phong và Liên lại nhìn Thu và Hải. Lần này là lần đầu Thảo gặp thày giáo Quý, nên nàng đứng yên.

Liên muốn lảng truyện, vờ nhắc Phong:

- Anh Phong chưa giới thiệu thày giáo với cô Thảo!

Phong tươi cười giơ tay:

- Đây là thày giáo Quý... Và đây là cô Thảo em tôi.

Thày giáo Quý nghiêng mình cúi chào. Đôi mắt thày gặp tia mắt của Thảo lúc nàng cúi mặt nhìn xuống.

Liên tinh nghịch khoe thêm:

- Cô Thảo học rất giỏi chứ không dốt như chị em chúng tôi đâu!

Thày Quý được dịp gợi truyện:

- Nghe nói năm nay cô thi Trung học?

Thảo đáp:

- Vâng. Nhưng tôi còn kém lắm chưa chắc có dám thi.

Liên vẫn láu táu:

- Cố lên Thảo ạ. Rồi về đây dạy học cho vui!

Thảo bỗng nhiên đỏ mặt, đập vai Liên:

- Chị cứ nói thế. Em dạy thế nào được!

Thu nói đỡ lời:

- Chị Liên vô ý quá, chị quên là thày giáo còn đương dạy ở trường ta?

Thày Quý thản nhiên nói:

- Tôi thành thực ước mong cô Thảo trở về đây dạy học, vì như thế là một điều rất may cho tôi...

Liên cười nhẹ nhàng, nắm lấy tay Thảo.

Thày Quý bình tĩnh tiếp:

- Vì tôi sắp sửa đi xa, trường học xóm ta sang niên học sau sẽ khuyết thày giáo. Nếu cô Thảo yêu nghề dạy học, về dạy trường nhà còn gì hơn nữa!

Hải và Phong đều hỏi:

- Thày giáo sắp đi đâu? Thày giáo không nói đùa anh em đấy chứ?

Thày Quý lắc đầu:

- Không, thưa các bạn tôi sắp ra ngoại quốc du học. Tôi được cha xứ xin cho một học bổng để đi học về ban xã hội. Ngài có ý mở mang nhiều trong xứ nên vừa cho tôi biết tin ấy được ít hôm nay. Tôi đã nhận nhời, và đương lo liệu giấy tờ. Nếu tôi đi được sớm, tôi xin đề nghị anh Hải tạm thời dạy thay tôi cho đến kỳ hè. 

- Rồi thày có trở về đây nữa không?

- Thưa có chứ. Tôi sẽ thuộc quyền cha xứ và làm việc trong xứ của ngài.

Liên thắc mắc:

- Vậy thày đi tu?

Thày Quý mỉm cười:

- Không ạ. Tôi chỉ làm việc trong phạm vi tông-đồ thôi!

- Thày đi chừng nào thì về?

- Độ vài ba năm. Hy vọng khi tôi về, sẽ gặp lại được các bạn hạnh phúc đầy đủ, nhất là khi tới thăm trường cũ được gặp... cô giáo Thảo!

Liên cười lặng lẽ, rồi lầm bẩm như nói một mình:

- Thế là đâu vào đấy cả...

Lời nói của nàng gieo vào lòng mỗi người một ý nghĩ. Êm êm điệu nhạc trong trường học đưa ra lan trong gió nhẹ.

Phong mơ màng nói:

- Đâu vào đấy cả!... Nhưng ta còn quên mất một người.

Hải tiếp:

- Anh Minh!

Mọi người phụ họa:

- Ừ phải, chúng ta lại thăm anh Minh đi.

Cả sáu người kéo nhau lại nhà Minh. Bóng họ ngả chếch trên mặt đường sáng nom như trụm đầu vào nhau.


Xứ Nam Đông - Thái Hà 1954    
Hà - Châu                   


Không có nhận xét nào:

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>