Thứ Ba, 18 tháng 5, 2021

CHƯƠNG I, II, III, IV_XÓM GIÁO

 
I
 
 
Đến chỗ xe điện tránh nhau, ở giữa mặt phố có một ngõ hẻm sâu vào. Ngõ hẹp chỉ vừa chiếc xe tay đi, nhưng quá vào trong, phía sau dãy nhà hàng phố, có một xóm nhỏ, quây quần ngang dọc quanh một ngôi nhà nguyện nhỏ. Xóm có độ dăm chục nóc nhà nhấp nhô cái cao cái thấp, phần đông là các gia đình công giáo, nên xóm đó quen gọi là xóm Giáo.

Tuy kín đáo như thế, song người vùng này không ai không biết lối vào xóm Giáo, vì trong xóm có ông Trùm Mỹ làm thuốc rất hay. Ông Trùm đã có tuổi, ngoài năm mươi, người hiền như đất, quanh năm chỉ cặm cụi sao tẩm các vị thuốc để chữa bệnh cho người ta. Thuốc của ông là thuốc gia truyền, vị rất thường, rẻ tiền mà công hiệu. Quanh xóm ai cũng nể, vì trẻ con, người lớn, hễ cứ ngào ngạt trong mình lại mò đến nhà ông. Khỏi bệnh đến tạ ơn thày bao nhiêu cũng được. Nghèo thì công cho không. Chỉ có những đám trên tỉnh, kiểu cách theo lối trưởng giả, thì ông mới làm cao phải điều kiện nọ kia mới chữa. Đó cũng là cách kiếm tiền của nhà giầu để lại làm phúc cho người nghèo thôi, chứ tuy làm thuốc mát tay mà tiếng cả nhà không, gia đình ông cũng thanh bạch lắm.

Ngoài việc chữa bệnh, ông còn giữ chân trùm họ xóm Giáo. Ấy là vì người ta bầu lên và cha xứ ép mãi nên ông phải nhận, chứ kể làm trùm một họ cũng bận. Việc gì cũng phải nhòm vào cho có quy mực hẳn hoi hầu giữ vững nền đạo đức trong xóm. Được cái ông trùm hãy còn khỏe, nên tuy đã ngoài năm mươi song da dẻ hồng hào, vóc dáng quắc thước, nhiều anh thanh niên chưa chắc đã ăn đứt. Mỗi khi nhà xứ tổ chức một lễ nghi đạo đức nào trọng thể, hàng phủ có chia việc gì cho họ xóm Giáo, , ông Trùm Mỹ bao giờ cũng vui vẻ nhận. Những lúc ông bỏ chiếc áo the dài ra, đánh chiếc áo cộc, mượn chiếc mũ trắng của thằng con trai, đội chênh vênh trên đỉnh trán, đốc xuất các anh em thanh niên xóm Giáo đi làm việc thì mới biết sức hoạt động của ông. Nói ít, làm ra việc, cắt đặt đâu vào đấy. Và bao giờ công việc của họ xóm Giáo làm cũng trội hơn các họ khác trong xứ.

Sáng nay đi lễ bên nhà thờ xứ về, ông Trùm Mỹ hối hả bốc mấy thang thuốc cho người ta lấy. Ông đứng sau mặt quầy, xoay mình mở các ô kéo nhỏ ở chiếc tủ kê phía sau lưng, nhóm từng rúm thuốc đặt giải trên mấy tờ giấy bản. Thỉnh thoảng ông ngừng tay, cắn môi suy nghĩ, cân nhắc tính chất công phạt của từng vị rồi lại mở ô tìm thuốc. Một vài thứ phải giã nát hay cắt thành nhát mỏng cho dễ sắc. Tiếng dao cầu xén ken két và chiếc cối đồng giã phầm phập... koong koong... vang lên một cách vội vã. Bốc xong mấy thang thuốc, ông thận trọng kiểm lại từng vị, gói thành từng gói vuông vắn và buộc lạt cói bên ngoài. Ông xoa tay thở dài, gân mặt nổi trên vừng trán cao bóng rủ phơ phất mấy sợi tóc hoa râm. Ông cất tiếng gọi vào trong nhà:

- Thu ơi!

Có tiếng cậu con trai trả lời:

- Chị Thu không có nhà, thày ạ.

- Chừng nó sang bên nhà nguyện phải không, Bảo?

- Vâng!

Ông Trùm cởi chiếc áo the vắt lên mắc:

- Thế mày ra đây thày nhờ tý vậy. Thử ra nhòm xem bên ấy thanh niên đã tới đông chưa?

- Dạ, gần đủ rồi. Con vừa ở bên ấy về.

Ông TRùm nhìn Bảo:

- Thế mày không giúp được việc gì ở đấy ư?

- Con sắp đi học hát. Cha xứ hẹn chúng con đến 9 giờ.

Ông Trùm lặng yên đưa mắt nhìn lên chiếc đồng hồ. Ngoài hiên, một người đàn bà cũ kỹ bước lên thềm. Bà ta dậm chân phủi sạch bụi trước khi vào.

- Chào ông Trùm!

Ông Trùm hướng mắt nhìn ra, nhận mặt khách để chọn gói thuốc:

- Thuốc của bà đây. Cứ sắc như mọi khi thôi. Uống hết chỗ này thì ông ấy khỏe, chỉ nay mai là có thể trở dậy đi làm được.

Người đàn bà toét ra cười, nhón hai ngón tay lau quết trầu trên môi:

- Ông Trùm nhỉ, ở bên nhà nguyện có việc gì mà thanh niên trang hoàng đẹp thế?

Ông Trùm nheo đôi lông mày:

- Thế ra bà không biết gì cả?

- Không!

- Chiều nay họ mình rước kiệu Đức Mẹ. Tuần này đến phiên xóm Giáo làm việc tháng Mân-côi. Đã có yết ở cửa nhà nguyện đó thôi.

- Nào tôi có biết! Ông nhà tôi mệt thành thử bận quá, chẳng hiểu gì. Thôi thế tôi phải về thu xếp để đến chiều còn đi rước.

Nói xong, bà ta xách gói thuốc lật đật đi ra, quên cả chào.

Giao hết mấy thang thuốc thì ánh nắng đã chếch ngoài hiên, rỡn bóng lá trên mặt tường. Ông Trùm Mỹ rảo bước sang bên nhà nguyện. Ông sang cho có mặt chứ cũng chẳng phải mó tay vào làm việc gì. Mọi cái đã cắt đặt xong xuôi, giao phận sự cho các thanh niên, thiếu nữ. Thanh niên lo việc trang hoàng trong ngoài nhà nguyện, và sửa dọn lối kiệu đi qua cho quang sạch. Còn thiếu nữ chỉ phải lo có cỗ kiệu, sao cho lộng lẫy thì làm. Ông chẳng sang, việc cũng phải xong. Nhưng có mặt ông vẫn hơn. Tính bọn trẻ chỉ hay tào lao, hăm hở đấy mà cũng dễ chán đấy. Sợ có điều gì sơ xuất rồi mang tiếng cả với hàng xứ. Mỗi năm mới có một lần rước kiệu, thế nào hàng xứ người ta chẳng theo chân kiệu đến.

Tới khu nhà nguyện, đã thấy bọn thanh niên lăng xăng trên bãi. Bãi là khu sân cỏ ở trước nhà nguyện. Chỗ này ngày thường bọn trẻ con vẫn dùng làm bãi chơi. Hôm nay thì phải sửa sang cho xứng đáng để khi kiệu đến còn có chỗ mà đứng.

Bọn thanh niên có độ ngót chục anh đương hò nhau chôn cột chăng cờ quanh bãi. Thấy ông Trùm đến họ vẫn cắm cúi làm, chỉ ngửng mặt lên chào:

- Chào ông Trùm ạ!

Tiếng chào lây nhau chạy quanh bãi. Ông Trùm cười niềm nở:

- Liệu chiều nay có xong cả không các anh?

Cả bọn nhao nhao:

- Xong đứt đi chứ ạ!

Ông Trùm đảo mắt quanh một lượt:

- Các cái đủ cả chứ? Có thiếu gì không?

Một anh thanh niên cao lênh khênh, chân tay lấm đất tiến lại gần:

- Thưa ông Trùm đủ cả. Cột và cờ Hội Thánh thì mượn trong nhà xứ. Còn cờ giây thì anh Hải đã bảo người lên mượn ông Trùm Cung ở Giảng-Võ.

- Được. À mà anh Hải đâu không thấy nhỉ?

- Anh ấy vừa chạy đi xem toán anh Phong sửa đường.

- Thế còn kiệu ra sao?

- Thưa đó là phần việc của thiếu nữ. Các chị ấy đương kết hoa trong nhà nguyện.

Ông Trùm gật đầu:

- Phải rồi. Nhưng các anh đã thấy các cô ấy làm ăn ra sao chưa?

Vài ba anh hậm hực:

- Dạ, chi Thu chị ấy không cho xem!

Ông Trùm cươi suê soa:

- Xem xiếc gì các anh mà! Lại chỉ vào quấy rối thôi, làm gì bọn nó chả đuổi. Thôi các anh gắng lên nhé. Tôi đảo quanh lối xóm một lát...

Ông Trùm Mỹ vừa đi khỏi thì Hải đến. Hải là một thanh niên trạc ngoài hai mươi tuổi, người gọn ghẽ, nhanh nhẹn, có đôi mắt sáng và nụ cười luôn nở trên môi.

Hải còn đương đi vòng quanh bờ giếng thì anh chàng cao như sếu đã vội dơ tay vẫy:

- Mau lên anh Hải!

Hải rảo cẳng:

- Gì thế anh Minh? Anh Tuất đã mượn được cờ đem về chưa?

- Chưa. Nhưng việc ấy không quan tâm lắm.

- Sao vậy?

- Vì việc ấy toán tôi chịu trách nhiệm. Còn có việc này cần hơn, ông Trùm giao cho anh đấy...

- Việc gì?

Minh nháy mắt nhìn các anh em:

- Ông Trùm bảo anh vào xem chị Thu dọn kiệu ra sao. Hễ không ra gì thì cả hai anh chị cùng bị khiển trách!

Tự nhiên mặt Hải đỏ bừng như người uống rượu.

- Chỉ bậy!

- Thực đấy mà!

Và Minh cười, rung cả mớ tóc khô lồng bồng trên đỉnh trán. Hải ngượng, trật chiếc mũ trắng trên đầu cầm phe phẩy quạt, muốn làm ra vẻ bức sốt để che đậy bộ mặt đỉ vì thẹn. Anh nói lảng:

- Trời về cuối tháng chín rồi mà còn nóng gớm!

Minh vẫn nhìn Hải cười ranh mãnh. Nhân thấy Hải kêu nóng, Minh dở giọng vòi:

- Nóng thật. Chúng tôi làm toát cả mồ hôi ra đây. Anh cho anh em một chầu giải khát đi.

Hải sốt sắng:

- Vâng, rồi đâu có đó.

Minh xòe tay phân bua với anh em:

- Anh em nhớ đấy nhé. Anh Hải hứa đãi chúng mình một chầu giải khát!

Cả bọn ồn ào:

- Hoan hô anh Hải. Hoan hô anh đoàn trưởng.

Hải đứng đầu thanh niên xóm Giáo. Cả xóm có độ vài chục anh. Tuy gọi là thanh niên, nhưng cũng có anh đã trọng tuổi. Vào hạng ngoài ba mươi, có vợ con đàng hoàng. Nhưng mến Hải họ đã bầu anh lên làm đoàn trưởng.

Hải khôn ngoan chia anh em ra làm hai toán. Vừa dễ liên lạc, điều khiển, lại vừa tỏ ra anh là người hiểu biết tâm lý. Hải chọn Minh và Phong làm trưởng toán để hai anh chia lấy các toán viên. Toán của Minh toàn những anh đã lập gia đình. Các anh khác trẻ hơn đều vào toán của Phong.

Có tiếng trẻ con láu lỉnh rao:

- Kem đi! Kem đậu xanh hành mỡ ở giữa nhân que đi!

Minh đương ngồi xổm bới sâu một hố đất để trồng cột cờ, bật người nhổm dậy:

- Ê kem, lại đây!

Anh nhăn nhở với Hải:

- Làm mãi mệt quá. Anh cho ăn kem nhé. Chờ được nước của anh thì chết khát mất!

Không chờ Hải trả lời, Minh gọi rối rít:

- Lại ăn kem đã, anh em ơi!

Minh bê phích kem của đứa bé ngồi dạng chân trên cỏ. Anh dơ ống tay áo quệt ngang mồ hôi nhớp nháp trên mặt, mở nắp phích:

- Còn bao nhiêu que tất cả?

- Còn đúng hai mươi chiếc.

- Được, để chúng anh sơi tất!

Rồi Minh đứng lên, khoác phích vào vai, vừa múa may que kem lạnh bốc hơi, vừa cất tiếng gọi chia cho các bạn.

Nhìn điệu bộ lểu khểu của Minh không ai nhịn được cười. Và mỗi người nói một câu bông đùa, vui quên cả nhọc.

*

Hải để các anh em ăn kem, lững thững đi vòng quanh khu nhà nguyện. Cột cờ dựng san sát bên lối đi, phấp phới màu cờ vàng trắng. Ánh nắng sáng hoe ngọn cỏ, và ngả chếch bóng những cột cờ song song lên mặt bãi.

Qua cửa nách nhà nguyện, Hải nhòm vào, thấy Thu và mấy cô khác đang tết giải lụa buộc quanh kiệu. Tự nhiên Hải lại thấy máu bừng nóng hai vành tai. Chân anh bước ngượng ngập, nửa muốn đi, nửa muốn đứng lại. Anh đưa mắt nhìn thẳng, giả vờ ho. Các cô nhìn ra bấm nhau cười khúc khích:

- Anh Hải, chị Thu ạ!

Thu ngửng nhìn, rồi cúi mặt lẳng lặng buộc tiếp múi lụa hồng.

Một cô tinh nghịch gọi:

- Anh Hải! Anh đi đâu đấy?

Hải lúng túng:

- Tôi đi... kiểm soát qua... công việc...

- Thế anh định kiểm soát cả công việc của chúng tôi nữa hả?

Hải càng ấp úng:

- Không... Nhưng... tôi có thể vào xem được chứ?

- Anh hỏi chị Thu ấy!

Thu véo vào cánh tay bạn:

- Sao lại hỏi tôi? Tùy ý các chị chứ.

Hải vào, đứng ngắm cỗ kiệu. Thu cũng muốn hỏi ý Hải xem cách trang hoàng cỗ kiệu năm nay có hơn năm ngoái không. Cô hỏi:

- Anh Hải ngắm hộ chúng tôi xem kiệu năm nay thế nào?

Hải chỉ trả lời được một câu cụt lủn:

- Đẹp lắm.

Rồi anh đứng ngẩn mặt, tìm mãi không ra câu gì để nói thêm nữa.

Ở ngoài bãi, bọn Minh đã ăn hết phích kem. Thằng bé bán kem gặp dịp may hí hửng vác phích không đi lấy thêm chuyến nữa. Nó phởn trí cất cao giọng rao:

- Kem đi! Kem một đồng hai chiếc, hạ giá bốn chiếc hai đồng đi!

Một người đàn bà gọi:

- Kem!

- Ai kem?

- Đây! Bán một đồng.

Thằng bé cười hê hê:

- Hết nhẵn mất rồi bà ạ!

- Cha cái của tội, hết rồi còn rao!

Bọn Minh cười vang. Tiếng cười lọt vào trong nhà nguyện, làm Hải tưởng như anh em đang cười mình...



II
 

Cuộc rước kiệu Đức Mẹ về Xóm Giáo thực là long trọng. Dân xóm ai cũng tỏ vẻ hỉ hả, hãnh diện, cho rằng năm nay tổ chức chu đáo hơn mọi năm.

Từ ngõ ngoài vào đến trong xóm, quang cảnh thực vui mắt. Cờ chăng suốt hai bên lối đi, phơi phới dưới ánh nắng dịu của mùa thu. Đường sạch như lau, không có một cái cọng rác. Cống rãnh cũng sạch. Khu nhà nguyện mới đẹp hơn nữa. Bao nhiêu công phu và khéo léo bày cả ở đây. Ngay lối vào sân sừng sững một chiếc khải môn kiểu nửa mới nửa cũ. Mới ờ cách kiến trúc, cũ ở lối trang hoàng. Cột cổng thì gióng theo hình vuông, thẳng tăm tắp, vó vẽ vân đá giả làm cẩm thạch. Mà trên nóc cổng lại uốn khúc hình hai con rồng chầu - không phải chầu mặt nguyệt - nhưng là chầu một ngôi sao có dán hình Đức Mẹ ở giữa. Cột cổng màu xanh nổi gân trắng, hình rồng vừa đỏ, vừa vàng và ngôi sao thì xanh biếc, trong có mắc ngọn đèn sáng. Đứng xa ngắm lại, nom cũng hay hay. Có chiếc khải môn ấy, ngôi nhà nguyện đỡ trống trải, tăng vẻ thâm nghiêm cao quí hẳn lên. Từ cổng trở vào, vòng khắp khu nhà nguyện, cứ năm bước theo hàng dài lại có một cột cờ. Cờ lá treo trên cột. Cờ giây nối cột nọ với cột kia, xanh, đỏ, vàng, trắng, loạn cả mắt. Khoảng giữa mỗi cột cờ lại có treo một chiếc đèn lồng, phất bằng giấy bóng màu, buổi tối thắp sáng lên, chấp chới như sao sa.

Tất cả những thứ trần thiết ấy sửa soạn từ bao giờ không biết, nhưng hoàn thành trong có một ngày, do những bàn tay tháo vát của các thanh niên.

Thanh niên xóm Giáo ngày thường mỗi người một nghề, lo việc làm ăn. Ngày chủ nhật mới nghỉ. Ngày rước kiệu cũng đã chọn vào ngày chủ nhật. Ngay từ buổi sáng, sau khi dự lễ ở nhà thờ xứ về, Hải đi tìm ngay Minh và Phong đôn đốc các anh em làm việc. Gắng công đến quá trưa thì xong. Ai nấy mệt nhoài, song nhìn thấy cảnh tượng tưng bừng hứa hẹn một buổi rước kiệu xứng đáng, anh nào cũng vui.

Nhất là Hải. Anh chàng có một niềm vui riêng, nên dù phải vất vả nhất trong các anh em mà lúc nào cũng cười tủm tỉm.

Hải vui vì được dịp gặp Thu. Nhưng hễ gặp thì lại ngẩn mặt ra, chẳng biết nói gì. Giá Thu có hỏi, anh chàng cũng chỉ ậm ừ trả lời câu được câu chăng. Mồm mép hoạt bát đi đâu mất cả. Ấy thế nhưng lòng vui như mở cờ trong bụng, hí hửng như ngô được vàng. Anh em, ngoài câu nói đùa ranh mãnh của Minh chẳng ai hiểu anh thế nào. Chính Hải cũng không định rõ được thái độ lòng anh nữa.

Gần chiều, dân xóm họp nhau, sắp hàng đưa kiệu sang chầu bên nhà thờ xứ. Cỗ kiệu được đặt ở sân. Hàng xứ, người lớn trẻ con đổ đến vây quanh cỗ kiệu của Xóm Giáo. Mỗi người một lời khen làm các cô thiếu nữ Xóm Giáo sung sướng ửng hồng gò má. Ông Trùm họ, bà Quản giáo lăng xăng đi lại, sắp đặt các đoàn thể trong họ cho có hàng ngũ chỉnh tề.

Chầu Chúa xong, Cha xứ từ trên cung thánh xuống, bước thẳng ra sân, đặt tượng Đức Mẹ lên kiệu hoa và dơ tay ra hiệu bắt đầu cuộc rước.

Tiếng trống khẩu nổi lên dõng dạc ba tiếng rồi đổ một hồi dài. Ấy là tiếng trống nổi hiệu khênh kiệu. Bốn anh thanh niên thuộc toán của Phong, y phục mới chỉnh tề, quần áo trắng là thẳng nếp ghé vai vào đòn khiêng.

Cuộc rước bắt đầu, dưới ánh nắng nhạt chiều hôm. Thoạt đầu là đoàn thể các trẻ con tay cầm nến và hoa. Đến các cô trong hội thiếu nữ, đến các anh trong hội thanh niên. Rồi lần lượt đến các bà, các ông. Kiệu đi sau các đoàn thể hành ngơi của xóm Giáo. Cha xứ mặc áo chức chắp tay nghiêm trang trên ngực, theo liền phía sau. Tiếp theo là các giáo hữu hàng xứ, đông như nước chảy.

Hải và Thu không đi vào đoàn thể. Hai anh chị đứng đầu hai ban phải đứng ngoài để trông nom trật tự. Cả hai nghiêm trang chạy lên chạy xuống trao đổi những lời vắn tắt với nhau.

- Anh Hải!

- Gì thế cô Thu?

Thu chỉ tay lên phía trên:

- Trên kia đám trẻ con đi lộn xộn quá.

Hải lúc cúc chạy lên đám rước nắn lại hàng ngũ của bọn trẻ. Anh quay xuống dơ tay lên ngang trán múa dẻo bàn tay. Thu biết hiệu cất giọng trong trẻo hát:

- Lạy Mẹ là ngôi sao sáng!

Tức thì tiếng hát lanh lảnh của đám trẻ con ngân đều:

- Soi lối cho con lúc vượt biển thế gian...

Điệu ca vang lên ăn nhịp từ đầu xuống cuối, đủ cả giọng kim giọng thổ.
 
Hết bài hát, Hải đi ngược về phía Thu.
 
- Cô Thu!
 
- Gì anh Hải?
 
- Cô xướng kinh đi!
 
Thu bấm tay vào cỗ tràng hạt:
 
- Kính mừng Maria...
 
Và tiếng đọc kinh nổi lên, chạy dài khắp lượt. 

Cứ thế đám rước từ từ tiến, giữa tiếng hát êm ái, lời kinh trầm trầm, và tiếng trống điểm nhịp:

- Tung... Tung... Tung... tung....

Tiếng trống đĩnh đạc ra dáng. Tròn tiếng và ngắt rất đều. Ông Trùm Mỹ áo the khăn lượt, nâng cao khẩu trống ngang mặt, bước giật lùi trước kiệu. Ông khoan thai, trịnh trọng, điểm từng ngọn dùi trên mặt trống. Bốn anh thanh niên khênh kiệu cứ theo nhịp trống mà tiến, mà ngừng, đổi vai, hay hạ thấp mỗi khi qua dưới một vòm cây.

Trên kiệu, tượng Đức Mẹ hiền từ ngự giữa vừng hoa, nến. Hai bên hè phố người đứng xem đầy vỉa đường.

- Kiệu Đức Thánh Mẫu về đâu thế nhỉ?

- Về Xóm Giáo!

- Gớm, kiệu đẹp quá!

Tiếng trống cầm nhịp của ông Trùm Mỹ hãnh diện trả lời:

Tung... Tung... Tung Tung!

Ra điều rằng:

- Đẹp hẳn đi chứ lại!

Kiệu đẹp thật! Xứng đáng để rước Nữ Vương của Trời Đất. Cả xóm góp công góp của và góp ý kiến vào cơ mà. Ông Trùm Mỹ phải chật vật lắm mới thửa được một cỗ đẹp như thế. Đòn kiệu chạm mình rồng. Bốn đầu kiệu là bốn đầu rồng. Còn bệ kiệu là mây. Mây đỡ chân Đức Mẹ đứng nhìn xuống đàn con trần thế. Kiệu lại sơn son, thiếp vàng. Để không trông cũng đã nổi rồi, huống nữa còn được những bàn tay của các cô thiếu nữ tô điểm vào nữa, làm gì chẳng lộng lẫy. Lụa rủ vắt ngang mình rồng và ở mỗi cổ rồng có buộc một chiếc gối xinh xinh bằng giây tua ngũ sắc. Ghế ấy dùng để kê vào vai các anh khênh kiệu cho khỏi đau. Sắm sửa vào cỗ kiệu mất có bạc ngàn. Nhưng dân xóm không ngại tốn kém, kẻ ít người nhiều góp vào cho đủ số, muốn làm sáng danh Đức Mẹ và khuyến khích họ Xóm Giáo một tý. Mọi năm đến kỳ rước cứ phải đi mượn. Phiền gớm đi. Ra như xóm Giáo không sắm riêng được cỗ kiệu mà dùng.

Năm nay có kiệu mới, thanh niên thiếu nữ tranh phần nhau khiêng. Ông Trùm phải phân giải mãi và dựa vào kinh nghiệm từ mấy năm trước, ông đổi lệ mới cho thanh niên được phần. Ông bảo:

- Để con gái khiêng kiệu dễ làm mất vẻ tôn nghiêm. Chả nhẽ không cho các cô trang điểm đôi chút. Mà cho trang điểm vào, mặt hoa da phấn chỉ làm người ta chia trí, sinh tội ra.

Bà Quản Giáo không chịu, nhất định giành phần cho thiếu nữ:

- Kiệu mà để cho các tướng thanh niên lộc ngà lộc ngộc khiêng, còn trông ra cái vẻ gì. Làm sao uyển chuyển bằng thiếu nữ được!

Ông Trùm gạt phăng:

- Uyển chuyển không bằng sốt sắng. Việc rước Đức Mẹ không phải việc chơi!

Bà Quản hậm hực lắm. Song phải thua lẽ của ông Trùm.

Ông Trùm chọn kỹ mới lựa được bốn anh sàn sàn đều nhau.

Vào vai khiêng kiệu phải có mẽ người một tý, dáng không thô, cử chỉ không vụng, thì nhịp bước mới êm. Kiệu đi cứ như ru chẳng kém gì thiếu nữ. Bà Quản Giáo chẳng còn chỉ trích vào đâu được.

Đám rước từ từ kéo vào Xóm Giáo. Chiều tàn phảng phất hơi sương. Vài tia nắng hồng yếu ớt còn lưu luyến vương trên các mái ngói sẫm mầu. Cỗ kiệu tiến qua khải môn vào bãi cỏ, rồi do cửa chính vào trong nhà nguyện tưng bừng ánh nến...

Ngoài bãi, người đông lố nhố. Các ngọn đèn lồng chiếu màu xanh đỏ rải rác quanh ngôi nhà nguyện. Trên nóc khải môn, hình chiếc đèn ngôi sao nổi bật như cắt dán vào nền trời. Ánh đèn, càng về chiều càng rõ, tỏa ra một làn sáng biếc soi rờn lối đi.

Khắp xóm vẳng lên những tiếng người nhớn gọi nhau, giục giã đi đọc kinh lần hạt, tiếng trẻ con cười vui rúc rích ngoài đường, và đầu ngõ này sang cuối ngõ kia, đôi lúc lại nổi lên giọng ca thánh thót của một cô thiếu nữ:

- Mẹ ôi, Mẹ có thấu tình chăng?

Hay giọng trầm ngân của một thanh niên nào đó:

- Mẹ ôi, xin Mẹ hãy nghe lời con than van...

Quang cảnh vui như ngày hội thanh bình. Không khí êm dịu quá, và lòng người thì thanh thản lạ...

*

Hải để mặc mọi người đọc kinh trong nhà nguyện, lững thững ra phía ngoài bờ giếng.

Xóm Giáo có một giếng thơi ngay cạnh bãi trước nhà nguyện. Giếng rộng lòng chảo, nước trong, cả xóm ra gánh nước ở đấy về dùng. Bờ giếng bó đá ong cho khỏi lở, và ở vệ lối con đường chính chạy vòng bờ giếng vào nhà nguyện, có xây bậc gạch, để mọi người tiện xuống múc nước. Các cô con gái Xóm Giáo ra quẩy nước hàng ngày gặp nhau ở chỗ này. Tiếng cười trong trẻo và tiếng thùng va chạm ì-ùm nhộn nhất về buổi sáng sớm.

Phía bên kia bờ có một cây cọ nghiêng mình soi bóng lá xuống nước. Thân cây to bằng một vòng tay người ôm, lá xòe rộng gặp gió chạm vào nhau nghe rì rào như tiếng người nói chuyện.

Hải đến ngồi tựa lưng bên cây cọ. Bóng anh lẫn với bóng thân cây trong khoảng tối mập mờ. Chỗ ấy vắng, xa lối đi, và có thể nhìn về phía nhà nguyện được. Từ chỗ anh ngồi, ai ra vào qua lại đều nom thấy rõ.

Hải ra đấy ngồi chẳng có mục đích gì. Suốt ngày hôm nay bận rộn lo việc rước kiệu, giờ là lúc phận sự của anh xong xuôi. Trước khi về nhà, anh muốn tìm chỗ ngồi nghỉ một chút cho thanh thoáng. Thân thể anh mỏi mệt, nhưng tâm hồn vui lạ. Anh muốn hát bi bô một vài câu, song chẳng biết hát câu gì. Chả nhẽ lại đem những câu ca thánh ra mà hát. Không hợp với anh lúc ấy tý nào. Lúc ấy, lòng anh sao cứ lâng lâng như gió, rào rạt như sóng cồn ấy thôi. Khó phân biệt được nó ra thế nào. Chỉ biết rằng có cái gì làm anh hứng trí, muốn hát một mình, muốn cười một mình, hay nghĩ ngợi vẩn vơ một mình. Hát, không biết hát gì. Cười, ai lại cười một mình ở đây! Kỳ cục quá! Ai nghe tiếng, người ta cười chết. Thôi đành cứ ngồi yên thế này cho thoải mái, để mặc tâm trí lơ mơ muốn nghĩ gì thì nghĩ.

Hải nghĩ đến những công việc đã làm, nhớ lại từ lúc đôn dốc anh em đi dọn đường, đi chăng cờ... Đến những câu bông đùa của Minh, của Phong... Đến lúc sang đón kiệu bên nhà xứ và rước về đây...

Sau cùng Hải nghĩ đến Thu.

Thu là con gái đầu lòng của ông bà Trùm Mỹ, Thu năm nay mới độ mười tám đôi mươi, và là chị của Bảo.

Nhan sắc của Thu cũng thường thôi, không đẹp không xấu, nhưng có duyên, thứ duyên dáng kín đáo của một thiếu nữ thùy mị. Thu đi đứng khoan thai, cử chỉ nhẹ nhõm, vẻ mặt lúc nào cũng tươi. Đặc sắc nhất ở Thu là có đôi mắt huyền đen láy, ẩn dưới hàng mi cong dài, với đôi má lúm đồng tiền mỗi khi cô cười chúm chím. Thu không cười to tiếng bao giờ, cũng không có cử chỉ gì lả lơi. Các ông già bà cả trong xóm, thấy Thu đều thì thầm khen:

- Nom con bé ngoan quá!

Ở Xóm Giáo được lời khen ấy là quý lắm. Có nghĩa rằng : người ấy được cà người lẫn nết.

Đối với Hải, anh chàng chưa nhận ra được tại Thu đẹp hay Thu ngoan mà ít lâu nay anh cứ mải nghĩ đến cô luôn. Hải mới để ý đến Thu từ ngày cả hai anh chị ra làm việc họ. Anh đứng đầu thanh niên. Chị đứng đầu thiếu nữ. Hai anh chị vì phận sự phải liên lạc với nhau, thỉnh thoảng hỏi ý kiến nhau một vài lời. Tuy thế nhưng hai người có khi hàng tháng không hỏi nhau. Thu rất dè dặt, Hải thì tính hay cả thẹn, nên cùng lắm gặp việc phải hỏi, anh chị chỉ vắn tắt nói đủ hiểu thôi. 

Mãi đến hôm nay hai người mới lại có dịp nói với nhau dăm ba câu cộc lốc.

- Cô Thu!

- Gì thế anh Hải?

Hải mỉm cười nhớ đến giọng nói dịu dàng của Thu. Anh nhắm mắt lại. Hình ảnh Thu hiện ra, đoan trang thùy mị. Anh sẽ gọi thầm trong trí:

- Cô Thu!

Và hình ảnh của Thu trả lời:

- Gì thế anh Hải?

Cứ thế mà Hải thấy thú quá, như đương mơ một giấc mơ tiên. Trên đầu Hải, những tầu lá cọ lay động lao xao. Sương thu lan nhẹ trên mặt cỏ và huyền ảo ánh sáng những chiếc đèn lồng. Bỗng Hải giật mình bị một bàn tay vỗ mạnh vào vai. Minh đứng đằng sau anh hỏi:

- Ngồi làm gì ngây ra đây thế, anh Hải?

Hải lúng túng trả lời:

- Không, ngồi chơi đấy thôi.

Minh ngồi xuống cạnh Hải, nhìn anh lặng lẽ với đôi mắt diễu cợt:

- Tôi vừa làm tan giấc mộng của anh phải không?

Hải ấp úng chối:

- Không... ờ... anh làm tôi giật mình!

Minh cười, quơ tay nhặt một mảnh gạch ném xuống giếng. Mảnh gạch rơi tõm xuống giếng, làm nhăn mặt nước phẳng lặng. Bóng những chiếc đèn treo trên bãi soi lồng đáy nước, chao động tan ra từng mảnh ngũ sắc...

Minh chỉ tay về phía nhà nguyện:

- Anh Hải này!

- Hử?

- Anh có biết ngôi nhà nguyện của xóm ta kia xây trên địa thế nào không?

- Trên bãi cỏ giữa xóm.

- Đúng rồi, ai chả biết thế! Nhưng anh có biết bãi cỏ ấy hình gì không đã?

Hải ngẩn mặt, nhìn Minh lắc đầu:

- Không?

- Này nhé, nó là cái đầu rồng. Còn cái giếng này chính là mắt của rồng vậy. Đầu nó ở đây, đuôi nó ăn mãi về đầu làng Nam Thái, ở phía sau xóm ta...

Minh cười khúc khích:

- Con gái Xóm Giáo được tiếng là ngoan anh có biết tại sao không? Là bởi hàng ngày các cô ra mắt rồng quẩy nước giữ nền nếp làm ăn không đua đòi nhõng nhẹo.

Hải biết Minh đùa, nên để mặc cho anh nói sướng mồm. Tính anh ta thế. Lúc nào cũng có câu truyện cợt nhã, bông phèng được. Người đã cao, miệng lại rộng cứ chửa thấy người đã nghe thấy tiếng cười. Minh tiếp:

- Anh tưởng tôi nói bá láp đấy phỏng? Này, thế anh có biết cái miếu thờ thổ địa ở mô đất cao đầu làng Nam Thái chứ?

- Có, nhưng đã đổ nát mất rồi...

Minh cướp lời:

- Phải, phải, đổ còn trơ nền, là vì cái miếu đó xây trên đuôi rồng vậy. Ngôi nhà nguyện của xóm ta nằm trên cổ rồng mà, thành thử rồng không ngỏng đầu lên được phải nhỏm đuôi quẫy. Rồng quẫy đuôi thì miếu đổ, anh nghe ra chửa!

Minh vừa nói vừa khoắng hai tay làm điệu bộ khiến Hải không nhịn được cười:

- Nhàm quá, ai bảo anh thế?

Minh vỗ tay vào ngực:

- Tôi bảo chứ ai. Khoa địa lý của tôi giỏi ngang với ông Tả-Ao đấy nhé! Chả thế mà khi đến đây tôi đã nhìn thấy ngay chỗ này là nơi lành địa, và chịu làm giai-tế xóm này!

Minh là người ở nơi khác đến thật. Quê anh ở Vân Nội. Anh làm rể Xóm Giáo vì lấy vợ ở đâyVợ Minh chính là con gái bà Quản họ.

Hải lây cái vui của Minh, quên cả bóng dáng Thu. Anh nghĩ sang câu truyện Minh vừa kể. Hải thừa biết Minh bịa đặt ra truyện ấy để cười vui. Ngôi miếu bị đổ ở gò đất làng Nam Thái, chẳng p[hải vì đuôi rồng quẫy! Mà vì bom đạn trong hồi chiến tranh. Chiếc máy bay "cánh chuồn" của thực dân đi rắc bom, đã ném trúng một quả vào miếu, chôn vùi cả bài vị ông thổ thần lẫn xác người chiến sĩ. Một quả nữa theo đà bay, rơi vào giữa Xóm Giáo. May thay, nó rơi ngay vào lòng giếng. Giếng nước của Xóm Giáo nhờ thế mà sâu rộng thêm ra chẳng ai mất công đào. Dân chúng phải một phen hú vía, và mặt tiền ngôi nhà nguyện bị rỗ nhằng vì mảnh bom. Những vết lỗ chỗ sâu hoắm, trơ gạch đỏ hỏn, đã được thanh niên trong xóm trát phẳng lại. Ngói cũng được đảo lại thay những hòn vỡ. Tường quét vôi mới. Ngôi nhà nguyện bây giờ trông đỏm dáng đứng giữa một xóm hiền lành.

Hải đưa mắt nhìn ngôi nhà nguyện. Ánh đèn nến sáng trưng ở bên trong lọt qua khung cửa mở rộng, chiếu vát ra bãi một đường sáng dài. Dân xóm ngồi chật hai bên hàng ghế chăm chú nhìn lên bàn thờ ngập đầy hoa. Tiếng đọc kinh trầm trầm vọng ra, vẳng nghe như loang âm trên mặt nước. Trên bãi ngoài cửa nhà nguyện, bọn trẻ con tụm năm tụm bảy, cười đùa ríu rít... Bóng bà Quản Giáo cầm chiếc roi mây bệ vệ hiện ra giữa cửa. Bà chỉ dọc ngọn roi ra bãi. Lũ trẻ nom thấy, xô nhau chạy dạt cả đi, biến vào các xó tối. Chỉ một lát, bà Quản quay vào, chúng lại nhô ra, tụm dưới các khoảng sáng đèn.

Minh ngồi nhìn như Hải. Cả hai đều im lặng. Chợt Hải gọi:

- Anh Minh này!

- Hả?

- Anh có để ý đến đám trẻ con không?

- Có. Láo nháo quá! Và không ngờ chúng đông như thế.

- Thấy chúng, tôi bỗng nảy ra một ý kiến anh minh ạ.

- Ý kiến gì?

- Xóm ta thiếu một trường học cho trẻ.

- Đã có trường nhà xứ thôi?

- Đành vậy, nhưng bên ấy đông lắm, chật hết cả chỗ. Cha xứ đương lo mở thêm lớp, giá ta xây được một nhà trường nho nhỏ cho các trẻ quanh xóm thì vừa đỡ chật trường nhà xứ vừa đỡ cho trẻ khỏi đi xa...

- Ừ, cũng là một ý kiến hay... Nhưng mà...

- Sao?

- Thấy cũng khó thực hiện. Hay ta cứ thử bàn với ông Trùm?

- Dĩ nhiên là phải bàn với ông Trùm... Song trước khi gặp ông, ta phải hoạch định với nhau trước đã.

- Ừ phải. Vậy để hôm nào họp bàn tất cả anh em, góp ý kiến.

Minh bỗng xoay người, vểnh tai nghe tiếng cười rúc rích của mấy cô thiếu nữ đi bên kia đường. Anh tinh nghịch điểm danh từng người:

- Cô Thu, cô Liên, cô Thảo, chắc các cô đi đọc kinh về.

Bọn Thu vừa ở nhà nguyện ra thật, qua bậc giếng, Liên níu tay các bạn bảo:

- Chờ em xuống rửa tay cái các chị.

Liên vừa vốc tay xuống nước, thì ở gốc cọ có tiếng ư ử vọng sang:

Có rửa thì rửa chân tay
Chớ rửa lông mày chết cá ao anh!

Liên ù té chạy lên:

- Bên kia có người các chị ạ!

Thảo cười:

- Lại ông tướng Minh chứ không sai. Rõ ràng tiếng anh ấy đấy.

Cô hỏi to:

- Có phải anh Minh bên ấy không?

Minh ngoác miệng ra cười, trong bóng tối Hải nhìn thấy răng anh trắng ởn.

Liên lụng bụng mắng:

- Rõ tội cái nhà anh này! Hôm nào tôi mách chị ấy cho. Thu chợt nhớ vợ Minh cũng cùng về và vừa rẽ ở ngõ trên. Cô bảo Minh:

- Chị ấy đã về rồi. Anh còn ngồi đấy làm gì nữa?

- Tôi ngồi chơi với... hì hì...

- Ai nữa thế?

- Anh Hải!

Tự nhiên Thu im bặt. Còn Hải, anh chàng bỗng thấy nổi gai ốc hai bên má và ngồi lặng thin thít...
 
 
 
III
 
 
Ý định xây lớp học cho các trẻ con trong xóm được đem ra bàn giữa các anh em thanh niên. Các anh ngồi bàn mảnh với nhau, ở ngoài thềm cửa nhà nguyện. Chỗ này, tối tối các anh thường ra ngồi chơi nói truyện phiếm. Nhất là mùa hè, gặp những buổi có trăng có gió, bóng các anh ngà nghiêng chật mấy thềm gạch, và tiếng cười nói vui mãi đến khuya. Truyện không thiếu. Nguyên một anh chàng Minh, giá cứ để anh ta nói, dễ quanh năm không hết truyện. Nhiều khi cũng có những truyện đứng đắn đem ra bàn. Chẳng hạn như lần này Hải nêu việc xây lớp học cho các trẻ trong xóm. Hải mới nêu việc ấy ra, anh em đã nhao nhao mỗi người một ý. Cuộc bàn luận xem ra có vẻ sôi nổi. Nhưng rút lại, ai cũng cho rằng ý kiến thì hay mà ngại một điều là khó thực hiện quá.

Điều ấy Minh cũng đã nói ngay từ trước kia rồi, ngay hôm cùng ngồi với Hải bên gốc cọ ở bờ giếng. Khó, vì đấy không phải là phận sự của thanh niên phải lo. Đấy là việc của Cha xứ và các quan viên trong họ. Khó nữa là phải có tiền. Bởi có việc gì mà không cần đến tiền được đâu!

Tuy biết rằng khó đấy, song không phải vì thế mà chịu khoanh tay. Cứ kể có được một ngôi trường nho nhỏ ở trong xóm cũng tiện đôi ba bề. Ngày trẻ đến học thì nó là trường học. Lúc nào có việc hội họp thì nó là nhà hội quán. Tối đến anh em thanh niên có muốn tới đấy họp mặt, đọc báo xem sách, thì nó lại trở nên một phòng thông tin. Ích lợi thực. Ý định hay như thế mà phải bỏ đi nghĩ cũng hoài.

Vậy thì, ý kiến là ý kiến của thanh niên, nhưng trên còn có Cha xứ, dưới có ông Trùm và quan viên họ, có chấp thuận mới được. Anh em thanh niên chỉ biết đem sức lục ra ủng hộ để kiến tạo ý định ấy thôi.

Bàn tán, phác họa với nhau chán rồi, các anh đề cử Hải lo trình bày ý kiến với ông Trùm. Nếu ông tán thành tất ông sẽ bài giải với Cha xứ và lo liệu mọi sự.

Hải nhận lời đến gặp ông Trùm. Anh đến là phải, vì ý kiến do anh nêu ra. Anh lại đứng đầu anh em nữa, Hải muốn rủ cả Minh và Phong cùng đi. Hai anh trưởng toán đều thoái thác:

- Ồ, mình anh đến cũng được. Việc gì phải lôi cả chúng tôi đến nữa!

- Đến chơi một thể cho vui.

- Thôi vẽ!

Chẳng phải các anh ngại điều gì không muốn đến. Đến nói cho ông Trùm biết ý kiến mới đó, chả nhẽ Hải lại không nói được gẫy gọn khúc triết, phải nhờ cả hai anh cùng đi! Việc ích chung, có gì mà ngại. Vả chắc thế nào ông Trùm cũng hưởng ứng.

Nhưng đối với Hải, đến nhà ông Trùm tức là đến nhà Thu. Anh có ý ngay mà đâm ra ngượng ngập như người ăn vụng sợ ai bắt gặp. Anh lẩn thẩn sợ người ta tưởng anh kiếm cớ để tìm dịp lai vãng đến nhà Thu rồi người ta chê cười!

Dân xóm đều có tai có mắt cả, ai có tình ý gì mà họ chẳng biết. Biết rồi lại kháo ầm lên, là Hải thế nọ, Hải thế kia ngay đấy! Nhỡ tiếng đồn đại ấy đến tai ông Trùm, đến Tai Thu thì mặt anh chẳng hóa ra mặt mo.

Hải cứ lo xa nghĩ quẩn như thế chứ đã ai biết ý nghĩ thầm kín của lòng anh thế nào? Lòng anh đến chính anh cũng chưa hiểu nổi. Nó vẩn vơ, vương vấn chẳng ra sao cả.

Anh cố nài Minh và Phong:

- Hai anh đi chơi với tôi đến cửa nhà ông Trùm thôi, rồi hãy về.

Phong thành thực:

- Thì đi chơi với anh thêm quãng nữa vậy.

Minh nhìn Hải cười:

- Nào thì đi. Anh này bây giờ đâm dở tệ, đến nhà ông Trùm mà không dám đi một mình.

Phong chẳng hiểu gì cũng cười. Anh cười cái miệng cá ngão của Minh.

Gia đình ông Trùm đương quây quần dưới ánh đèn. Hải chưa kịp ngó vào xem có những ai thì thằng Bảo ngồi quay mặt ra cửa đã nom thấy.

- A, anh Hải.

Hải vào, lúng túng chào ông bà Trùm rồi đứng sững giữa nhà. Ông Trùm đương bó gối vê viên tễ thuốc. Những viên thuốc tròn bằng hột ngô, đậu như đàn ruồi đen trong lòng cái mẹt nan cật. Bà Trùm và Thu ngồi khâu bên mé phản.

Ông Trùm niềm nở:

- Anh Hải! Đã lâu không thấy anh sang chơi. Mời anh ngồi tạm xuống ghế. Tôi đương dở tay một chút. Phải vê nốt chỗ thuốc này kẻo hanh giời nó khô mất anh ạ. Chừng anh đi đâu, qua đây tạt vào chơi hẳn?

- Dạ, thưa ông Trùm, con vừa ngồi chơi bên nhà nguyện về

- Có gì lạ không anh? Chắc chỉ ngồi truyện vui với nhau thôi chứ gì!Thế nào chả có anh Minh, anh Phong ở đấy.

- Vâng!

Hải muốn nhân dịp vào đề câu truyện. Anh hắng giọng nói:

- Thưa ông Trùm, hôm nay chúng con ngồi chơi bàn đến một vấn đề xét ra có ích lợi cho xóm, nên đến trình ông biết qua ý kiến...

- Về việc gì thế?

- Thưa, về việc mở trường cho các trẻ trong xóm học.

Ông Trùm đặt thỏi thuốc xuống mẹt, ngửng đầu nhìn Hải, và lẩm bẩm như nói một mình:

- Mở trường học... Mở trường học...

Ông nhặt lại thỏi thuốc, ngắt một tý, vê tròn trên đầu ngón tay:

- Thế ý kiến các anh ra sao?

- Dạ, chúng con nghĩ rằng, trẻ xóm ta đông, trường nhà xứ vừa chật vừa xa, giá xóm có thể xây được một lớp học nhỏ cho chúng học thì hay...

Có tiếng đặt kéo xuống mặt phản. Hải liếc mắt nhìn về phía Thu. Có lẽ cô vừa dùng mũi kéo bấm một đường khâu lỗi, và cắm cúi khâu lại. Hình như Thu có ý nghe câu truyện Hải đương nói. Ông Trùm gật gù:

- Được, anh cứ nói tiếp tôi nghe.

Hải hắng giọng lần nữa:

- Thưa ông Trùm, tại sao chúng con nghĩ đến việc xây trường? Là vì nếu xóm ta có một ngôi trường nhỏ thì tiện lợi nhiều bề.

Trước hết: tiện cho các trẻ nhỏ được học ngay trong xóm ít là hết lớp sơ học của ban tiểu học. Qua lớp ấy, nhớn rồi, chúng có thể theo trường nhà xứ, để học tiếp lên lớp bổ túc, hay trên nữa là trung học. Giả thử các họ trong xứ đều có một lớp học nhỏ như vậy thì việc học của hàng xứ sầm uất biết bao và cha xứ hẳn không lo vấn đề thiếu lớp, thiếu trường nữa.

- Phải!

- Sau nữa, các quan viên trong họ lấy chỗ đó làm nơi hội họp cũng tiện.

- Ừ!

- Mà, thưa ông Trùm, anh em thanh niên chúng con tối tối có muốn họp mặt với nhau, kết chặt giây thân ái để truyện trò, học hỏi, cũng không phải ra ngồi trên thềm nhà nguyện! Còn các chị thiếu nữ...

Hải chợt gặp tia mắt của Thu nhìn anh. Nhưng đôi rèm mi dài đậy ngay xuống. Anh im bặt, không biết nói gì nữa.

Ông Trùm vẫn gật gù:

- Phải! Phải!

- Thưa, thế ý kiến của ông Trùm thế nào?

- À, ý kiến của các anh hay đó. Tôi tưởng xóm ta nên đi bước trước để các xóm khác noi theo.

Hải hơi tự đắc:

- Vâng!

- Vậy nếu định xây thì xây trên đất nào?

- Dạ, khu nhà nguyện đất còn rộng, có thể xây ngang phía sau được.

- Đất ấy thuộc về nhà xứ, tứ là của nhà chung, phải cha xứ thỏa thuận và xin phép đức Giám mục cho mới được. Nhưng chắc là xong. Duy chỉ có điều này...

Hải mỉm cười, đoán được ý ông Trùm:

- Là lấy gì mà xây lên có phải không ạ?

- Phải, anh tính xây một nhà như thế rộng hẹp độ ngần nào và tốn chừng bao nhiêu?

- Thưa ông Trùm, độ 10 thước chạy dài, 5 thước chiều sâu là đủ, và tốn chừng vài ba vạn... Đấy là mới kể số tiền mua vật liệu. Còn nhân công thì dân xóm làm lấy...

- Đành thế. Nhưng mà... hừ, vài ba vạn! Có phải ít của đâu? Anh nghĩ xóm ta lấy đâu ra số tiền ấy?

Hải đã bàn trước với anh em rồi, nên anh nói trôi chẩy:

- Vấn đề tiền có thể giải quyết được. Nếu ông Trùm đứng lên hô hào thì chắc dân xóm vui lòng hưởng ứng. Xóm ta trên dưới có trên một trăm gia đình làm gì mỗi nhà chẳng cho một vài trăm gạch, một vài tạ vôi, một vài xe cát hay đóng cho một vài chiếc bàn chiếc ghế! Còn thiếu đâu thì anh em thanh niên đã có kế làm tiền...

Ông Trùm cười:

- Các anh chỉ được bộ nói róc!

- Không ạ. Chúng con tính sẽ tổ chức một buổi kịch mời hàng xóm đến mua vui. Chỉ có giấy mời chứ không bán vé. Nhưng có đặt hòm quyên. Ai hảo tâm muốn cho bao nhiêu tùy ý. Như vậy chắc cũng không ai hẹp lòng vì một việc ích chung.

Ông Trùm cầm mẹt thuốc lắc đi lắc lại cho những viên thuốc khỏi dính chồng nhau. Ông vừa lắc vừa hếch cằm lên cười. Nhiều viên thuốc rơi vãi cả ra ngoài, lăn xuống đất. Hải cúi xuống nhặt bỏ trả vào mẹt...

Ông Trùm đặt mẹt xuống phản bảo Thu bưng để trên mặt quầy. Ông vỗ vào vai Hải:

- Vậy được anh Hải ạ. Mai tôi sẽ vào lĩnh ý cha xứ rồi về họp quan viên họ. Tôi tán thành ý định mới này của các anh. Mà ý kiến chắc là của anh nêu ra phải không?

Thu đặt mẹt thuốc trên quầy lặng lẽ trở về ngồi cạnh giỏ khâu. Hải thấy trên môi Thu có nở một nụ cười. Nụ cười kín đáo bâng quơ ấy, Hải đón lấy như một phần thưởng danh dự. Anh sung sướng quên cả câu hỏi của ông Trùm, lúng túng đứng dậy xin cáo lui.

Ra ngoài, Hải đi thung thăng giữa đường xóm ngửa mặt nhìn lên Trời. Trên vòm trời cao thẳm hình như có hàng nghìn vạn nụ cười nhấp nháy trên các vì sao.

*

Tiếng guốc của Hải gõ trên mặt đường gạch xa dần về phía cuối xóm. Trước khi rẽ về nhà, anh đứng lại ngắm địa thế ngôi nhà nguyện. Khu đất phía sau, quả là hãy còn rộng, có thể xây thêm được một lớp nhà nữa. Anh chợt nghĩ đến câu truyện đầu rồng đuôi rắn của Minh bày đặt ra nói với anh hôm rước kiệu Đức Mẹ và mỉm cười nghĩ thầm: "Nếu ngôi nhà nguyện nằm dọc trên cổ rồng, thì ngôi nhà trường tương lai sẽ nằm ngang trên vai rồng. Như vậy càng chắc chắn và bề thế!" Anh phác họa trong trí một mẫu trường xinh xắn, đem đặt trên mảnh đất sau ngôi nhà nguyện và tưởng tượng ra một quang cảnh nhộn nhịp đầy trẻ con. Những đứa trẻ hầu hết anh quen mặt quen tên ở trong xóm, chơi đùa ngoan ngoãn trước hiên trường. Này đây: thằng Bình con anh Tuất ; thằng Hùng con anh Minh ; và những thằng Phúc, thằng Lộc... Con Thục, con Đào... Chúng chơi đùa ríu rít dưới sự hướng dẫn chăm nom của một thầy giáo có đôi mắt hiền từ và nụ cười niềm nở. Một chiếc trống lớn treo lủng lẳng ngay ở đầu hồi. Trống ấy báo hiệu giờ vào học và giờ tan học. Ngoài giờ học, trống ấy còn báo hiệu giờ họp của quan viên họ, của những thanh niên, hoặc một hiệu lệnh những lúc bất thường cho cả xóm biết.

Tiếng trống điểm thòm... thòm... thòm...

Đàn trẻ xếp hàng vào học. Tiếng chúng đọc bài lanh lảnh, tiếng thày giáo giảng dạy đều đều, thỉnh thoảng tiếng thước đập bàn cạch cạch, vọng ra đến tận bờ giếng.

Các cô thiếu nữ ra quảy nước muộn, ý tứ không dám va động mạnh đôi thùng, và nói nho nhỏ với nhau. Các ông già bà cả đi qua, nghé mắt vào nhìn, miệng cười tủm tỉm. Trẻ con học, trẻ con chơi ngoan ngoãn, đó là một điều rất đáng vui mừng.

Lớp học của chúng sáng sủa, sạch sẽ. Tường quét vôi vàng, cửa sơn xanh. Mái ngói đỏ sẫm. Trên mái có một tấm biển kẻ thẳng dòng hàng chữ:

TRƯỜNG SƠ HỌC XÓM GIÁO

Chà, Xóm Giáo có một nhà trường! Hải tưởng tượng ra vẻ mặt hãnh diện của dân xóm và nỗi vui mừng của cha xứ mỗi khi đến thăm. Rồi Hải lại nghĩ xa hơn. Nếp trường học sau này sẽ được kéo dài ra mỗi đầu một phòng học nữa. Phòng bên tả dành cho nam giới làm chỗ hội họp hoặc để cho các thanh niên lui tới đọc báo xem sách và trò truyện thân mật với nhàu. Phòng bên hữu là của nữ giới. Bà Quản Giáo sẽ hội các thiếu nữ ở đấy, tùy theo ý kiến của họ muốn sử dụng thế nào mặc ý.

Tạm thời hãy nghĩ đến gian chính là lớp học đã. Ý định ấy nào đã thực hiện được chút nào đâu?!

Hải bỗng thấy mình viển vông quá. Tuy vẻ phấn khởi của ông Trùm làm anh hy vọng, nhưng thực hiện được ý định ấy còn phải trải qua bao sự khó khăn. Anh lẳng lặng cất bước về nhà. Tiếng động bước chân đi của anh là chó xóm sủa nhăng nhẳng. Quanh xóm, tiếng rì rầm nói chuyện ở các nhà đã tắt theo với ánh đèn. Văng vẳng còn một vài nhà đương đọc kinh tối. Một hơi gió cuối thu sào sạc trên vài khóm cây.

Hải đi nhanh về nhà. Anh đẩy cửa bước vào. Có tiếng một người đàn bả khàn khàn ở phía trong hỏi vọng ra:

- Cậu Hải đó hả?

Hải trả lời:

- Vâng, bà chưa ngủ?

- Tôi mới chợp được một tý. Cậu la cà đâu bây giờ mới về?

Hải không đáp câu hỏi ấy. Anh lẳng lặng đến khêu tỏ ngọn đèn dầu vặn hụt bấc, ngọn nhỏ bằng hạt đậu xanh, để khuất sau giỏ ấm tích trên mặt bàn... Ánh đèn sáng lên, soi tỏ một tấm màn cũ bằng vải xanh căng ngang ở mé trong. Sau tấm màn ấy là giường bà Cai Ngân, chủ nhà Hải ăn trọ. Bà Cai Ngân nói thiu thiu giọng ngủ:

- Cậu gài kỹ cửa nhé. Tôi buồn ngủ quá.

Bà Cai sống đơn độc một mình. Chồng bà theo quân ngũ, thỉnh thoảng mới về chơi nhà một vài buổi.

Hai ông bà đều đã có tuổi, sinh được vài mặt con nhưng chết cả. Tình cảnh đôi vợ chồng ấy cũng buồn. Trong nhà không đến nỗi túng bấn, song ngày ngày bà Cai vẫn quẩy gánh hàng tấm ra ngồi chợ bán. Bà muốn buôn bán cho vui, khỏi ở không rỗi việc. Có Hải đến trọ, nhà cũng đỡ vắng, bà Cai bớt cô quạnh, vì bà coi anh như con.

Hải ra cài then cửa, quay vào chỗ giường của anh nằm. Giường anh kê ngay mé ngoài, sát với cửa sổ. Anh rũ chiếu soành soạch, rồi tắt đèn lên giường nằm nghe tiếng ngáy đều đều của bà Cai Ngân.

Hải chưa buồn ngủ, quàng hai tay sau gáy, ngửa mặt nhìn lên khoảng tối mù mịt đậy kín dưới mái nhà. Khắp xóm có lẽ đều ngủ cả. Trừ những anh chó vàng chó vện, phải thức coi nhà, thỉnh thoảng lại hếch mõm lên nghe ngóng lối đi của nàng gió và sủa vu vơ tiếng lá động cành cây.

Giữa cái thinh không mịt mù của đêm tối, Hải nằm lắng nghe cả tiếng động của ngoại giới lẫn tiếng nói của nội tâm. Tư tưởng của anh lan man, loạn xạ không ra một ý gì rõ rệt, rất lơ mơ, mà hóa ra hứng thú. Anh ôn lại cuộc bàn cãi với anh em về dự định xây ngôi trường học. Cuộc bàn cãi đem lại cho anh nhiều cảm tưởng tốt đẹp. Trong đám anh em không phải ai cũng tán thành đề nghị của anh. Có một vài người tuy không phản đối hẳn, nhưng đã tỏ vẻ hoài nghi, lo không đạt được kết quả. Các anh đó là những người dè dặt, không dám tin ở việc mình làm. Không phải họ lười biếng, hay không có công tâm, nhưng chưa chi họ đã nản lòng trước lúc bắt tay vào việc. Họ chỉ muốn theo đà. Hễ tiến thì hùa theo, mà lui thì bỏ mặc.

Tuy nhiên, Hải mừng vì nhận thấy đa số anh em nhiệt tâm hưởng ứng, tỏ rằng họ vẫn tín nhiệm vào anh. Trong số, dĩ nhiên là có cả hai anh trưởng toán.

Đối với hai người bạn ấy, Hải giữ được mối tình bằng hữu rất thắm thiết. Minh hơn Hải đến gần chục tuổi, Phong thì còn ít tuổi hơn anh. Cả ba người đã được dân xóm gọi đùa là bộ ba tướng-sĩ-tượng. Muốn tìm một trong ba anh, chỉ cần hỏi một anh sẽ thấy. Bởi không mấy lúc các anh rời nhau.

Hải quen Minh và Phong từ ngày anh đến ngụ cư Xóm Giáo. Hải thất tán gia đình, lạc lõng trở về đây. Anh là con một gia đình công nghệ, sống bằng những kỹ thuật thủ xảo của chân tay. Ngày đất nước còn bình yên, ông thân sinh ra Hải đã từng đem các hàng khảm trai, khảm bạc, đi dự hội chợ các nước, nhận được nhiều giấy khen và được chính phủ ân tứ cửu phẩm. Hải học hết lớp nhất tiểu học thì nghỉ chữ để theo nghiệp nhà. Anh biết cầm gọn cái tràng, gõ nhẹm chiếc đục và thổi đỏ cái bể để giát mỏng lá bạc thành hình hoa, con bướm.

Một mình trở về thành, Hải dùng nghề cũ kiếm ăn. Anh lên phố nhận hàng ở các cửa hiệu về làm. Vốn chẳng hết bao nhiêu, chỉ cần cái tinh vi của đôi con mắt, và cái khéo léo của bàn tay. Kể ra cũng đủ túc dụng cho một thanh niên như Hải.

Hôm mới về, Hải qua nhà thờ xứ, liền ghé vào quỳ gối trước bàn thờ, có ý tạ ơn Đức Mẹ đã dìu dắt phù hộ anh thoát khỏi các tai nạn dọc đường và cầu xin ơn cứu giúp về tương lai. Trở ra, anh gặp ngay cha xứ. Ngài là chỗ quen biết với gia đình anh thủa trước, nên niềm nở hỏi han. Anh kể rõ tình cảnh, xin ngài lo liệu dùm nơi ăn chốn ở. Cha xứ đưa anh snag Xóm Giáo giới thiệu với ông Trùm. Ông Trùm gửi anh ở trọ nhà bà Cai Ngân.

Hồi ấy Xóm Giáo còn thưa thớt, dân xóm chưa đông đúc như bây giờ. Nhà cửa có cái đổ nát có cái bỏ trống không, quang cảnh nom thực hoang phế, tiêu điều. Cha xứ muốn gây lại thành một xóm sầm uất, và cũng để tạm thời giải quyết vấn đề an cư lạc nghiệp, nên hễ thấy gia đình nào mới hồi cư, hay tản cư về chưa có chỗ ở, ngài lại đưa sang nhờ ông Trùm lo liệu. Dần dần Xóm Giáo đâm chật đất, chật nhà, và số nhân danh đã lên tới ngót nghìn người. Tất cả phần nhiều đều ở xứ khác đến, quy tụ lại đây. Họ trở thành những người một chốn đôi quê, ngụ ở Xóm Giáo, mà quê ở những Chương Mỹ, Vân Đình, Thượng Lão... Chính người Xóm Giáo hiện nay có những gia đình không biết lang bạt, tan tác ở đâu. Chỉ còn một số ít người ở lại, trong đó có gia đình ông bà Trùm Mỹ.

Minh cũng không phải người Xóm Giáo như Hải. Anh tới đây và lấy vợ ở đây. Minh về trước Hải. Hai anh quen thân nhau trong một trường hợp khá kỳ ngộ. Hồi ấy, Minh chưa lấy Nhẫn, con gái bà Quản giáo. Chị Nhẫn hàng ngày gánh guốc ra chợ bán. Chợ ở sau Xóm Giáo ăn vào đất làng Nam Thái. Dân làng và dân xóm, mua bán họp chợ trong mấy quán lá dựng chênh vênh trên một khu đất cao. Người làng Nam Thái ra chợ phải đi qua mấy thửa ruộng. Người Xóm Giáo vào chợ, phải qua mấy ao bèo Nhật bản. Chị Nhẫn vào chợ, dựng một cái giá đóng bằng nan tre, rồi bầy những đôi guốc xanh đỏ vào đó, ngồi bán. Guốc của chị có nhiều hạng. Hạng guốc mộc "quai cao su lốp ô tô" dành cho những bàn chân hộ pháp. Hạng sơn quang dầu, quai da láng cho những bàn chân thon nhỏ, và hàng sơn tây xanh đỏ cho các trẻ em. Thứ guốc gót cao tân thời ở chợ này bán không ai mua.

Guốc chị buôn tận gốc, mua toàn thứ mộc cho rẻ tiền. Về nhà chị chia loại ra. Thứ sơn quang dầu, chị sơn lấy. Còn thứ sơn tây xanh đỏ chị đưa nhờ Minh.

Minh không sơn guốc bao giờ. Anh làm nghề kẻ biển quảng cáo kia. Nghĩa là cũng có hoa tay đôi chút. Thấy Nhẫn nhờ sơn guốc, hạng bán cho trẻ con, anh cũng sơn. Làm dễ như chơi ấy mà, có khó gì đâu. Vài lượt nước sơn là đôi guốc lên màu bóng nhoáng. Chờ khô, tiện bút kẻ biển quảng cáo, Minh chấm luôn vào guốc vài cành đào, khóm cúc, làm Nhẫn cứ tấm tắc khen mãi" "Đẹp quá, khéo quá!"

Từ đó, Nhẫn cứ nhờ Minh sơn guốc bán. Và Minh dần dần cũng chỉ thích sơn guốc cho Nhẫn. Không có guốc để sơn, anh nhớ guốc như người nhớ thuốc lào. Rồi thì đâm ra tương tư vì guốc chẳng thiết làm ăn gì cả. Anh đành đánh bạo nhờ người đến hỏi bà Quản giáo xin cô hàng guốc, để được như... guốc có đôi.

Nhẫn bằng lòng về làm bạn với anh thợ sơn. Bà Quản giáo nhận nhời cho cưới. Đám cưới cử hành tại nhà thờ xứ vào một buổi sáng ngày thường. Hai nhà đều nghèo cả, muốn tiệp diệp gọi là cho có đủ lễ nghi thôi. Nhà gái không muốn bày vẽ, thách thức gì cho tốn tiền.

Minh sung sướng như người bắt được của, nghĩ rằng lấy được Nhẫn đời anh thực là hạnh phúc. Anh cứ lo Nhẫn không bằng lòng, chê anh xấu người, xấu nết. Người như cây phướn và mồm miệng bông lông chẳng đâu với đâu! Thế chứ cũng là duyên số. Nhẫn không chê anh thì anh cũng muốn tạ nghĩa bạn vàng, cố làm sao cho đám cưới anh lấy Nhẫn được vẻ vang một chút để Nhẫn khỏi thẹn với chị với em.

Nhưng Minh nghèo quá. Muốn đánh một chiếc Nhẫn để xỏ vào tay vợ hôm cưới mà Minh không chạy đâu được, phải đến nhờ Hải.

Hải tìm miếng đồng thau, cho vào bể phì phò làm thành chiếc nhẫn. Anh lại dùng một thuật gì không biết mà chiếc nhẫn đỏ óng như vàng. Khi Hải đưa chiếc nhẫn đó cho Minh, anh ta há hốc miệng ra ngắm:

- Nhẫn vàng hả anh?

- Không, đồng mạ!

- Ồ, thế này cũng là sang chán!

Minh vui mừng nắm chặt lấy tay Hải, mồm cười ngoác đến mang tai. Anh chạy biến về nhà rồi lại chạy sang.

- Anh Hải, mai nhờ anh làm ơn đi phù rể hộ tôi!

Việc ấy Hải ngại quá, nhưng bà Cai Ngân thêm lời vào:

- Hộ anh ấy một tý, cậu Hải ạ. Anh Minh cũng là người thiên hạ đến đây như cậu. Vả lại cùng anh em thanh niên với nhau, giúp anh ấy lúc này, khi nào đến lượt cậu, anh ấy lại giúp trả...

Minh vồn vập:

- Vâng, anh giúp hộ cho. Ở đây tôi cũng không thân với ai...

Không thân với ai, nhưng từ đó Minh thân với Hải. Hai người coi nhau như anh em ruột.

Ít lâu sau, hai anh em có thêm một người bạn thân nữa là Phong.

Phong đến ở Xóm Giáo với một ông bố đã già và cô em gái tên là Thảo. Cô là bạn của Liên và Thu. Phong tính tình trầm mặc, có vẻ đúng mực với cái tuổi của anh. Hình như ông thân sinh ra anh là một quan liêu thời cũ. Nhưng từ cái dạo đổi đời ông cụ đã thành người thất thế. Và Phong cũng đã bỏ hoàn cảnh cũ, sống theo hoàn cảnh mới. Hoàn cảnh mới không cho phép anh được học hành đến nơi đến chốn, nên anh đã rẽ sang học nghề thợ điện. Bây giờ mình anh kiếm tiền nuôi bố và em.

Một người như Phong rất dễ gây cảm tình với người khác. Hải thấy Phong đem lòng mến ngay. Và vì Phong thân với Hải, nên thân cả với Minh...

Hải nằm yên nghĩ hết truyện nọ sang truyện kia. Mắt anh mở tráo trưng không nghĩ đến nhắm lại để ngủ. Giả thử có nhắm lại thì những hình ảnh đâu đâu cũng thức tỉnh trong tâm trí.

Hải sắp sửa nghĩ sang câu truyện anh vừa bàn tính với ông Trùm, nhớ đến nụ cười của Thu làm anh phấn chấn, thì tiếng ngáy của bà Cai Ngân bỗng như bị vấp trong cổ họng. Bà cựa mình rồi vùng nhỏm dậy, quờ tay dưới gối lấy bao diêm, quẹt lửa. Ánh diêm xòe ra bập bùng từ giường bà ra chỗ bàn kê giữa nhà, rồi tiếp lửa vào ngọn đèn dầu. Ánh đèn làm Hải cay mắt, chớp chới hai mi. Bà Cai tay cầm đèn tay khum trên mắt, thấy Hải còn thức, liền hỏi:

- Quái, cậu Hải chưa ngủ kia à?

Hải hỏi tránh đi:

- Bà dậy làm gì thế?

- Tôi soi lại cái cửa. Sợ cậu quên chưa cài. Sao hôm nay cậu thức khuya thế?

- Không hiểu tại sao hôm nay tôi không thấy buồn ngủ bà ạ.

Bà cai đặt chiếc đèn xuống bàn, phồng má thổi phù một hơi. Gian nhà lại chìm nghỉm trong bóng tối âm u. Tiếng guốc của bà lệt xệt, va đụng lỉnh kỉnh đi vào phía giường trong. Trên giường, bà nói vọng ra phía Hải:

- Chắc lại nghĩ ngợi vẩn vơ nên không ngủ được đấy thôi. Tuổi của cậu bây giờ lắm lúc thế đấy. Cứ đọc nhẩm ba kinh Kính-mừng là ngủ được bằng yên vô sự.

Hải nằm xoay lưng lại, đáp uể oải:

- Vâng.

Anh nằm nhắm mắt nhẩm đọc mấy kinh như lời bà cai vừa dặn. Nhưng không phải Hải đọc để được ngủ bình an vô sự, mà là xin cho ý định xây nhà trường của Xóm Giáo được thực hiện như lòng anh ước ao.
 


IV
 

- Nghỉ tay đi ăn cơm đã cậu Hải!

- Vâng.

Hải bỏ mũi dùi chạm và chiếc búa con xuống bàn, đứng lên, vươn vai cho đỡ mỏi:

- Cơm sớm thế bà?

Bà cai Ngân mở chiếc lồng bàn úp trên mâm, nhìn ánh nắng xế ngoài hiên:

- Ăn đi thì vừa. Hôm nay cậu có phải sang bãi không?

- Có bà ạ. Hôm nay là ngày dỡ gạch ở ngoài lò về.

Hải tới ngồi ghé xuống phản, cạnh mâm cơm. Anh xoa hai bàn chân vào nhau, đập banh bách mấy cái cho sạch bụi rồi co lên ngồi xếp tròn trên phản. Anh xoay mâm cầm lấy đôi đũa cả đơm cơm ra bát.

- Bà xơi cơm một thể?

Bà cai Ngân ngậm lúng búng miếng trầu ngửa miệng lên nói:

- Cậu ăn trước. Tôi còn lửng dạ, lát nữa ăn cũng được. Tôi có ý thổi sớm cậu ăn để còn sang bãi.

Hải ngồi ăn cơm một mình.

Thức ăn bày trong mâm chẳng có gì mỹ vị. Một bát canh rau, một đĩa dưa cải và vài tấm đậu kho. Cơm thường chỉ có vậy, mười bữa như một ít khi bà cai đổi món. Không phải bà kém khoa nấu nướng đâu. Chỉ tại già rồi đâm lười. Ăn uống quàng qué thế nào xong thôi. Trừ ra những bữa đặc biệt, có ông Cai về chơi hay có khách lạ mời ăn, thì cũng chỉ chạy ù ra chợ, mua thêm gói lòng lợn, miếng thịt quay, hay vài khoanh giò chả là xong.

Hồi cô Lan, con gái của bà cai còn sống bà thường bày vẽ món nọ món kia cho con bắt chước. Nhưng từ ngày có một mình, bà chẳng thiết gì. Bây giờ có Hải ăn trọ, được cái anh cũng suềnh soàng, cho ăn thế nào nên thế vẫn cứ đánh đều mỗi bữa bốn năm bát.

Hôm nay, tuy bà cai chưa muốn ăn, nhưng bà cũng ngồi ghé xuống phản nói chuyện với Hải cho vui. Ở chợ về bà chẳng có việc gì hơn để làm, ngoài việc sang nhà nguyện đọc kinh, hoặc ngồi nhai trầu bỏm bẻm một mình.

Hải bận với công việc của anh, đục gõ, chạm trổ suốt ngày. Ngơi tay ra thì bận vào những tổ chức nọ kia trong xóm với các anh em thanh niên. Anh chỉ có dịp truyện trò với bà dăm ba câu vào bữa cơm hoặc trước khi nằm ngủ. Những lúc ấy bà cai hay nói truyện kề cà, và thường nhắc nhở đến kỷ niệm của hai người con đã khuất.

Hải chỉ ngồi nghe. Lâu dần anh đã thuộc hết những truyện bà nói. Nhiều nhất về truyện của Lan. Xem chừng bà cai thương tiếc Lan lắm, nhắc nhở đến luôn:

- Giá con Lan nhà tôi còn, năm nay nó cũng trạc tuổi cô Thu.

- Con em Lan nó cũng khéo và ngoan như cô Thu vậy.

Hải cứ gật đầu tràn. Sự thực anh có biết Lan thế nào đâu. Mộ nàng đã xanh cỏ, anh mới tới ngụ ở Xóm Giáo.

Hải ăn quàng một lát đã gần xong bữa.

NHìn Hải ăn ngon lành, bà cai thấy miếng trầu ngậm trong miệng cũng ngon đậm thêm. Bà tưởng như con trai bà ngồi ăn trước mặt bà chứ không phải Hải. Thì Hải đối với bà có khác gì con cái trong nhà. Bà nhả miếng trầu ra ngắm nghía trên tay:

- Cậu Hải này!

- Dạ?

- Nếu tôi còn con Lan, thế nào tôi cũng gả cho cậu. Để  cậu ở rể nhà tôi như anh Minh ở rể nhà bà Quản-giáo.

Hải cười:

- Để kiếp sau vậy bà ạ. Cô Lan bây giờ có còn đâu nữa. Nhưng không ở rể thì tôi vẫn ở trọ nhà bà.

Bà cai Ngân bỏ miếng trầu vào miệng nhai thong thả:

- Phải, nhưng mà rồi có ngày cậu đi lập nghiệp chỗ khác chứ. Cậu đi thì Xóm Giáo tiếc lắm đấy. Nhất là ông Trùm.

Hải lặng người:

- Sao vậy bà?

- Ông Trùm vẫn khen cậu là người tốt nết, chịu khó, hy sinh cho công việc tông đồ. Có cậu, chân trùm họ của ông cũng nhẹ đi nhiều. Lúc đi chợ về, tôi có ghé lại chơi đằng ấy.

- Thế ạ?

- Tôi đưa góp một số tiền nhỏ gọi là có ít nhiều ủng hộ vào việc xây nhà trường. Ông Trùm vui vẻ quá, thuật lại cho tôi nghe những nỗi khó khăn lúc đầu. Bây giờ chỉ còn khởi công làm nữa thôi...

Đột nhiên bà cai Ngân quay sang truyện khác:

- Cậu Hải đã nghĩ gì đến truyện vợ con chưa nhỉ. Hay cậu để tôi hỏi vợ cho nhé.

Hải sắp và miếng cơm, ngừng lại hỏi đùa:

- Nhưng lấy ai, và ai người ta lấy hở bà?

Bà cai ném miếng bã trầu ra xa:

- Cậu thuận ai ở xóm này nào? Cô Thu nhé?

Hải im. Mặt đỏ ửng như người uống rượu. Bà cai gật gù tiếp:

- Phải đấy. Cậu để tôi đánh tiếng với ông bà Trùm hộ cho.

Hải cuống quýt can:

- Ấy đừng bà.

Bà ta cười hì hì:

- Sao? Hay cậu muốn nhòm đám nào khác? Cô Liên con ông chánh Bát hay cô Thảo em anh Phong?

Hải nghĩ đến Thu nhiều hơn. Nhưng ắng giọng không biết nói thế nào. Vào những trường hợp khác phải giải quyết một công việc gì, Hải có thể cả quyết được ngay. Đến việc này, là việc hệ trọng cho cuộc đời của hai người, anh thấy còn hoang mang chưa thể nói trắng lòng anh ra được. Nói bằng lòng thì bằng lòng đứt đi rồi. Nhưng đấy là riêng phần anh. Còn Thu, biết thái độ của nàng ra sao? Liệu Thu có ưng thuận cùng với anh xây dựng một cuộc đời? Theo ý Hải, hôn nhân phải là một bản giao kết giữa hai người yêu nhau. Yêu không phải để ngồi mơ màng với trăng với gió, mà là để tính một sự hợp tác lâu dài. Muốn cho sự chung sống đó được bền vững, cần phải hiểu biết nhau, để nâng đỡ và bổ khuyết cho nhau, cùng nhau gây dựng hạnh phúc gia đình.

Hải mới thấy có tình cảm nổi lên trong lòng mình. Lòng anh rung động khi nghĩ đến Thu, nhưng chưa kịp suy xét, cân nhắc và mơ ước tới cuộc chung sống.

Phải để thư thả xem sao đã chứ. Còn phải xem tình ý Thu đối với Hải thế nào? Bà cai Ngân đột ngột hỏi ý anh như thế, anh biết trả lời sao được!

Lúng túng, ngượng ngập, Hải vội ăn bát cơm rồi đứng lên. Anh nói cho qua truyện:

- Tôi chưa nghĩ gì đến việc ấy cả.

Rồi lấy tăm xỉa răng, đứng nhìn ra cửa. Ánh nắng vàng hoe vãi lốm đốm vào tận trong ngưỡng cửa. Hải uống vài ngụm nước, quay bảo bà cai:

- Bà ở nhà. Tôi sang bãi đây. Gớm còn đang nắng xiên khoai bà ạ.

*

Trên thềm nhà nguyện đã có mấy thanh niên ngồi gẫu truyện dưới bóng mát. Đó là những anh thuộc toán của Phong. Toán Minh lục tục đến sau. Minh dẫn đầu, vừa đi vừa xỉa răng, nói ba hoa vang cả đường xóm. Thấy Hải, anh dơ tay lên vẫy trên đầu.

- Làm gì hôm nay, anh Hải?

Hải nhìn thấy đã đủ anh em:

- Quái, chưa thấy ông Trùm ra.

- Chỉ lát nữa thôi. Anh Hải chia việc đi. Toán tôi làm gì nào?

Hải đứng ngẩn một lát, rồi bảo Minh:

- Anh nhận cho việc dỡ gạch ngoài lò.

- Vậy còn toán tôi?

- Toán anh Phong chia làm đôi. Một nửa đứng chờ gạch ra thì xếp gọn lên bãi. Còn một nửa gánh nước vào thùng vôi. Vì ông Trùm bảo hôm nay có vôi chở đến.

- A, vậy chắc ông Trùm chiều nay đi mua vôi?

- Chắc thế.

Có tiếng một anh ở toán Phong phản đối:

- Gánh nước à? Có vai nào biết gánh đâu. Việc này giá để cho các thiếu nữ thì phải. Chúng tôi xin đi khuân gạch thôi.

Hải khó nghĩ quá, chưa biết tính thế nào. Vừa lúc ấy Thu quẩy thùng ra gánh nước ngoài giếng. Một anh reo lên:

- À kia, chị Thu kia rồi. Anh Hải ra điều đình với chị cho thiếu nữ ủng hộ đi! 

Hải lưỡng lự. Giá có ông Trùm ở nhà, nói qua với ông một câu là xong. Việc là việc chung, chỉ ông Trùm nói mới tiện. Anh nhờ Thu cũng được. Nhưng mà... khỉ quá, tai Hải đã đỏ lên rồi. Anh muốn nói lảng:

- Chả biết có nên nhờ các cô ấy không?

Minh đảo ngược con mắt:

- Nên chứ. Để các cô ủng hộ cho ít chuyến gạch nữa càng hay. Khuân tay với nhau liệu đến chừng nào mới xong!

Ở giếng, Thu đã vục thùng xuống nước, đương sắp gánh lên bờ, quẩy về nhà.

Một anh chỉ tay nhắc Hải:

- Kìa anh Hải, mau không có chị ấy về nhà mất bây giờ.

Hải cầu cứu đến Minh:

- Anh Minh ra nói hộ vậy.

Minh cười ngúng nguẩy:

- Không phải việc tôi!

Nhưng biết Hải không chịu đi, mà Thu đã bước lên mặt đường, Minh đành cắm cổ đuổi theo.

- Cô Thu!

Thu đặt gánh xuống đất:

- Gì thế anh?

Minh chạy đến nơi ngoác miệng ra cười. Anh ta nghĩ ngay đến Hải và nói ỡm ờ:

- Tôi có một việc khó nghĩ quá muốn nhờ cô, cô Thu ạ.

Thu mím môi, cố làm ra mặt nghiêm cho khỏi cười:

- Việc gì anh cứ nói!

Minh làm bộ xun xoe:

- Việc không phải là việc của tôi. Tôi nói thay lời anh Hải...

Mặt Thu đỏ gay, không biết Minh định nói gì. Cô quay đi:

- Tôi không nghe anh nữa.

Minh cười xòa:

- Ấy cô hãy nghe tôi nói hết đã... Là anh ấy có ý nhờ cô cổ động cho các chị em ra gánh giúp chúng tôi ít nước đổ vào thùng vôi, và quẩy đỡ ít gạch ở lò về bãi!

Thu hết ngượng, vui vẻ đáp:

- Tưởng gì, chứ việc ấy chúng tôi xin nhận. Chỉ lát nữa chúng tôi ra ngay.

*

Hải mó tay vào hết các việc, chạy từ trong bãi cỏ khu nhà nguyện ra đến ngoài lò gạch.

Lò gạch ở trên thửa ruộng của ông Trương Bát phía sau chợ. Ông có hơn mẫu ruộng cấy đóng thuế điền với làng Nam Thái. Nhân dịp xóm xây trường học, ông cúng một mảnh hơn sào, để xóm lấy đất nung gạch. Xóm chỉ phải mua rơm và than để đốt. Như vậy nguyên khoản gạch đã lợi được bao nhiêu tiền.

Hải đứng dưới cửa lò chuyên những hòn gạch Minh dỡ ở trong ra, chuyển lại cho các anh khác xếp đống, chờ người đến khuân, gánh đi. Những viên gạch đỏ thẫm như màu da cam chín, hãy còn nóng. Chuyến lò mới tắt lửa được chừng vài ba hôm. Các cô thiếu nữ hưởng ứng khá đông đem quang thúng ra gánh gạch quẩy qua chợ về bãi. Khu chợ chiều vắng ngắt, rộn lên những tiếng cười nói vui vẻ, hòa lẫn với tiếng kẽo kẹt của những chiếc đòn gánh chĩu nặng trên vai, và nhịp chân nhịp nhàng dậm trên mặt đất.

- Gớm, gạch hãy còn nóng chị Thu ạ... Dỡ vội quá!

- Anh nào chui vào trong lò khéo bị thui chín như lợn quay mất!

- Ai ở trong lò thế nhỉ?

Hải đáp:

- Anh Minh.

Minh nhoài người ra. Tóc anh đỏ quạch, mặt mũi nhem nhuốc như hề bôi phấn nhọ.

- Tôi đây!

Các chị thiếu nữ rú lên cười:

- Không! Không ai gọi anh đâu. Tưởng anh bị chết xém trong ấy. Có nóng không anh?

Minh dơ tay quệt mồ hôi nhỏ giọt trên mặt, vẩy lung tung. Mặt anh nom càng tức cười hơn nữa. Anh chui ra ngoài:

- Nóng quá, nghỉ một lát đã.

Và anh ngồi xệp xuống cỏ, nhăn răng cười với mọi người.

Thu dục các bạn:

- Thôi gánh về đi, các chị. Còn ra làm chuyến khác nữa chứ!

Các cô cất gánh nối đuôi nhau theo con đường xuyên quanh ao bèo.

Dăm ba anh thanh niên cũng lẫn trong đám ấy. Không gánh được thì các anh khiêng vác, cố làm cho được việc.

Một anh vác lệch vai thúng gạch đầy, thình thịch bước lên, đi như người chạy thi.

Hai anh, anh đầu anh cuối khiêng một tấm ván, trên xếp mấy hàng gạch.

Tấm ván cong xuống, bập bỗng, bông bênh...

Một anh nữa, chẳng biết kiếm đâu được một chiếc xe "cút-kít" càng xe nặng kéo khom cả lưng, vừa lái vừa đẩy, vừa hò hét:

- Ếp ếp... Tránh cho xe đi!

Các thiếu nữ cười khúc khích tránh dạt sang bên, nhường đường.

Hải đi sau cùng. Anh bỏ lò trở về bãi.

Ở bãi, ông Trùm đương cân vôi, cho bỏ xuống thùng. Thùng vôi đào vuông xuống đất, sủi ùng ục, và bốc khói trắng toát. Râu tóc ông Trùm trắng phơ như phủ bột.

Phong bịt khăn tay ngang mũi, tay cầm chiếc sào dài toan đảo những tảng vôi chưa kịp chín chồng chất trên mặt nước.

Ông Trùm vội quát to:

- Ấy đừng. Anh đụng vào thì khê hết cả bây giờ. Cứ để nguyên cho nó ngấm nước!

Quay lại thấy Hải, ông hỏi:

- Gạch có bị non không anh?

- Thưa ông chín đều cả.

- Chuyến này được độ bao nhiêu gạch?

- Dạ, hai vạn. Lò nhỏ không thể nung được hơn.

Ông Trùm nhẩm tính:

- Còn phải nung thêm ít là bốn năm chuyến nữa mới đủ. Gỗ đặt rui mè chưa có. Ngói cũng chưa. Chẳng biết có đủ tiền để lợp ngói không, hay phải lợp tôn?

- Thưa ông Trùm, con tưởng nên cố lợp ngói thì hơn.

- Vậy buổi kịch các anh định tổ chức để quyên tiền ra sao?

- Con còn đương chọn vở. Để xem có tuồng nào hay thì bắt đầu cho anh em tập.

Khói bốc trên thùng vôi đã nhạt. Còn một vài sợi mong manh tỏa trên các hòn chưa kịp ngắm. Ông Trùm dắt Hải về phía cuối nhà nguyện.

- Anh đã cắm móng, đặt nền chưa?

- Thưa ông, để đến chiều mai. Hôm nay anh em đều bận vào việc dỡ lò cả.

- Anh tính cắm thế nào?

Hải bước từng bước dài ngang dọc trên bãi:

- Con định bắt đầu từ đây, đến đây.

Ông Trùm ngắm nghía, gật đầu:

- Được đấy.

Cả hai người đứng lặng, tưởng tượng như đã nom thấy trước ngôi trường sắp xây.

Ánh nắng tàn úa tím dần trong hơi sương. Trên con đường ở ngoài lò về, bóng những người thanh niên nam nữ hì hụi quẩy vác, nối đuôi nhau hắt xuống mặt ao những hình người đen sẫm...
 
__________________________________________________

Không có nhận xét nào:

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>