Thứ Tư, 19 tháng 5, 2021

CHƯƠNG VIII, IX, X_XÓM GIÁO

 
VIII


Công việc xây ngôi trường học bị gián đoạn một thời gian ngắn vì thiếu vật liệu, nay lại vui vẻ tiếp tục. Hải ngồi vắt vẻo trên nóc, chân chống vào các hoành rui cho khỏi ngã, cúi mình đỡ từng hòn ngói đỏ ở dưới đưa lên, và chuyển dần cho các tay lợp mái. Người anh cử động dẻo dang cúi xuống ngửng lên như một cái máy và nét mặt tươi tỉnh, thỉnh thoảng lại góp một vài câu vui đùa với anh em. Góp truyện để anh em vui mà làm việc, chứ Hải không có tài bông đùa như Minh. Chính ra, anh bị anh em lôi cuốn vào cái vui đơn giản của họ, và vì muốn giữ cho bầu không khí khỏi tẻ nhạt, anh cũng đối đáp một vài câu.

- Ngói đây, anh Hải.

Hải chuyển ngói cho mấy người vừa gọi:

- Này ngói đây! Anh lấy nữa hay thôi?

- Nữa chứ, mái bên này đương thiếu, anh chuyển nhiều sang cho.

Hải cười vui vẻ:

- Vâng, anh cần bao nhiêu cũng có.

- Gớm nhỉ, bao nhiêu cũng có kia! Hôm nay anh Hải mạnh dạn ghê. Chả bù với mấy tuần trước chưa chạy được ngói, hỏi anh, anh chỉ ầm ừ.

Có anh khác nói xen vào:

- Ngói này mua đâu thế anh Hải?

- Tôi không rõ, vì ông Trùm đi mua.

- Ngói ông Trùm mua có khác. Trăm hòn như một, chẳng non hòn nào. Mái này mà lợp xong thì phải biết, ngôi trường học nổi bật hẳn lên.

- Phải, nhất là trường học lại ở ngay giữa xóm, ai ra vào Xóm Giáo cũng phải đi qua.

Một anh ngâm nga:

Qua trường ghé nón trông trường
Trường bao nhiêu ngói thương chàng bấy nhiêu.

Hay quá! Đố anh chàng ấy là ai nào?

- Anh Hải!

- Hà hà đúng anh Hải rồi, vì anh có công nhất trong việc xây dựng ngôi nhà trường này.

Hải đỏ mặt, sung sướng vì lời nói đùa, nhưng cũng ngượng nghịu cải chính:

- Không phải! Công gì riêng một mình tôi. Đó là công của tất cả mọi người: của ông Trùm, của các anh, của cả dân xóm.

- Nhưng công đầu là về anh. Mà thôi, bất kể công ấy về ai, tôi chỉ cần biết câu này!

- Gì nào?

- Trường bao nhiêu ngói, thương chàng bấy nhiêu! Ai thương anh chàng chứ, hả?

Tiếng cười vang lên ầm ĩ:

- Ừ phải! Ai thương anh thế, anh Hải ơi!

Hải lúng túng vì thấy các bạn chuyển câu truyện sang điều cợt nhả. Anh nghiêm mặt, suỵt:

- Đừng nhảm, các anh!

- Không, anh phải trả lời chúng tôi đi.

Một người ngồi lợp ngói bên cạnh Hải nhìn thấy anh có vẻ không bằng lòng vội nói chống chế:

- Cứ gì phải một ai. Người có công tâm như anh Hải thì cả xóm đều đem lòng yêu mến. Mà tôi chắc anh Hải cũng không thích được lòng yêu của một người cho bằng được lòng yêu của cả xóm.

Hải chỉ mỉm cười, không đáp. Bởi anh chẳng biết nói năng làm sao. Lúc nãy, vì lời bông đùa của anh em, anh có liên tưởng tới Thu, tới mối tình của anh với nàng. Tự nhiên anh sờ vào cỗ tràng hạt để trong túi áo. Từ hôm nhận được cỗ tràng hạt của Thu gửi cho, , anh không rời cái kỷ vật đó ra lúc nào, luôn luôn đem theo trong người, và cũng nhờ có cỗ tràng hạt ấy mà anh lấy lại được sự bình tĩnh, thấy lòng phơi phới, nhẹ nhàng. Hải đã cầu nguyện nhiều, đặt hết lòng tin cậy vào sự dìu dắt, chỉ định của Chúa. Và háo hức muốn đặt chân trên con đường hạnh phúc, xây dựng một gia đình với người mình yêu. Anh vẫn yên tấm đón đợi sự an bài của Chúa, không bối rối, thắc mắc như trước nữa. Anh lại phấn khởi làm việc, đầy hy vọng ở tương lai.

Được lời chống chế của người bạn, anh em không ai nói đùa Hải nữa. Tuy vậy tiếng cười vẫn không ngớt, làm ông Trùm Mỹ từ nãy đứng dưới bãi ngửa cổ nhìn lên phải cất tiếng giục:

- Làm đi các anh. Truyện gì mà cười vỡ xóm lên thế?

Lời ông Trùm bao giờ cũng có hiệu lực đối với bọn trẻ, tiếng cười ngớt đi và người nào việc nấy, lại mải miết làm.

Ông Trùm theo rõi từng cử chỉ, chốc chốc nhắc chừng phần việc mỗi người:

- Lấy thêm ngói về đằng này. Anh Hải chuyển ngói lên đi.

- Khéo này, khéo không vỡ. Mỗi hòn ngói là tiền cả đấy!

Ông chỉ lo ngói vỡ vì số ngói mua lợp, không có thừa. Đứng ngong ngóng nhìn từng viên ngói giải đỏ trên khung mái, ông Trùm sung sướng thấy công việc đã sắp hoàn thành. Đây là một công trình xây dựng hữu ích cho cả xóm, và ngôi trường học này sẽ ghi dấu quãng thời gian làm trùm họ của ông. Dân xóm phải hãnh diện được học ngôi trường này. Thực họ sẽ không thất vọng khi hưởng ứng vào một công việc như thế. Ông mỉm cười tưởng tượng đến hôm khánh thành trường học, và nét mặt tươi tỉnh hẳn lên. Chà hôm ấy phải biết là long trọng. Ông sẽ xin cha xứ cố mời cho được Đức Cha cùng các nhà hữu trách tới dự. Dân xóm sẽ mãn nguyện thấy công lao của mình được khen ngợi, nhất là được hiểu rõ ích lợi của ngôi trường học đối với các con em.

Nghĩ đến công lao của mọi người đã chung sức vào việc xây dựng này ông không thể không nhớ tới sự nâng đỡ của cha xứ, với lòng hy sinh của Hải.

Nếu không có cha xứ, chưa biết ngôi trường học bao giờ mới xong. Mà không có Hải chắc chắn ông cũng chẳng làm được gì. Hôm còn thiếu tiền lợp mái, ông lo quá, chỉ sợ công việc phải bỏ dở dang thì thực chẳng mặt mũi nào đứng làm trùm họ ở đây nữa. May sao nhờ có buổi chiếu bóng của cha xứ tổ chức, nhờ Hải lăn lộn chật vật mấy hôm trời, ông mới có đủ số tiền cần thiết.

Hôm Hải đem tiền về, ông Trùm cảm động rung cả giọng. Ông hỏi:

- Thế nào anh?

Hải mỉm cười đưa ông gói giấy bạc:

- Thưa ông kết quả được như ý muốn.

- Vậy buổi chiếu bóng hẳn được đông người đi xem.

- Vâng. Bán hết hơn ba trăm vé. Một số ít người còn vui lòng trả giá ủng hộ.

Ông Trùm nhẩm tính:

- Tức là riêng buổi chiếu bóng thu được bao nhiêu?

- Thưa trừ tiền thuê phim, thuê máy, dễ còn được vừa vặn ba ngàn đồng.

Ông Trùm mở to mắt:

- Mà đây anh đưa về tôi những sáu ngàn. Tiền đâu thế?

Hải lắc đầu:

- Thưa tiền cha xứ đưa. Ngài bảo cầm cả về cho ông.

Ông Trùm thần mặt:

- Anh có qua nhà cha xứ đấy chứ?

- Có. Ngài đưa tiền cho con ở phòng ngài.

- Vậy anh còn thấy bộ bàn ghế đó không?

Hải lại lắc đầu:

- Không.

Ông Trùm thở dài chép miệng nhìn Hải. Hải cũng lặng lẽ nhìn ông và hai người như đều hiểu rõ tâm tư của nhau trước cử chỉ kín đáo, đẹp đẽ của cha xứ. Tấm gương xả-kỷ vì tinh thần bác ái ấy làm họ vừa suy nghĩ, vừa phấn chấn. Lập tức, ông Trùm đem tiền đi mua vật liệu, còn Hải, anh lại thôi thúc anh em ra bãi.

Hôm nay, ngói đã lợp lên đỏ mái. Mầu ngói đỏ tươi làm tưng bừng lòng ông Trùm già và anh thanh niên trẻ tuổi. Cả hai đều hí hửng, nghe rõ thấy cái vui nở hoa trong lòng mình. Tuy không ai nói ra, song mỗi người đều biểu lộ nỗi vui mừng một cách khác biệt. Ông Trùm ở nét mặt hân hoan, hầu như mãn nguyện. Hải thì tươi tỉnh mà trầm lặng, như muốn nghe để tận hưởng cái phơi phới của tâm hồn. Bởi Hải không quen với cái vui ầm ĩ. Những lúc vui vui anh chỉ tươi nụ cười chứ không hay nói. Hơn nữa cùng với cái vui của việc làm, còn phảng phất trong anh cái vui êm dịu của một mối tình đầu thanh khiết nữa.

Ngồi vắt vẻo trên mái cao, tay bận chuyền từng hòn ngói đỏ, Hải vẫn không quên nghĩ tới Thu. Anh đưa mắt rõi về phía bờ giếng, tìm mái nhà của ông Trùm. Trên cao nhìn xuống, mái nhà úp kín bóng dáng của Thu. Nhưng anh tưởng như mắt anh đương được nom thấy nàng, được nghe giọng nói tiếng cười với những cử chỉ hồn hậu của nàng dưới mái nhà xinh xắn. Khói chiều đương bốc lên sau mái bếp nhà Thu. Giờ này có lẽ Thu đương ngồi gần bên ánh lửa, mặt Thu đỏ hồng cạnh nồi cơm sắp chín. Cảnh ấy, gợi cho Hải một thú vui ấm cúng khiến Hải càng thêm ngây ngất.

Có tiếng nói bên cạnh:

- Anh Hải, nói truyện đi chứ!

Hải giật mình quay lại:

- Truyện gì kia?

- Có truyện gì vui thì nói cho anh em cười chơi một lát chứ.

Hải cười:

- Vậy các anh nói trước đi, rồi tôi nói theo. Nhưng cứ bông phèng nhảm nhí mãi rồi ông Trùm lại cự cho...

- Ông Trùm vào nhà nguyện rồi, có còn đây nữa đâu.

Hải nhìn xuống bãi, quả nhiên không thấy bóng ông Trùm. Vắng ông, các anh thanh niên lại thấy ngứa mồm ngứa miệng. Tuổi trẻ thích vui đùa, bắt họ làm mà không cho họ cười, họ nói, thì bực cho họ quá. Hải cũng hiểu thế, song nói giáo đầu một câu truyện vui để anh em thích trí cười theo, anh thực không có tài. Việc ấy giá có Minh ở đây thì tuyệt! Nguyên cái điệu bộ của anh ta đã đủ buồn cười rồi. Tiếc thay Minh lại ốm nằm một chỗ, làm anh em kém vui. Hải lẩm bẩm:

- Giá có anh Minh ở đây nhỉ!

Và anh bần thần nhớ đến hai người bạn thân đã như một bóng một hình với anh.

Phong đi rồi. Đi ngay từ hôm sau lễ Giáng Sinh. Hôm ấy mình Hải tiễn chân gia đình Phong ra bến xe. Liên cũng đưa chân Thảo ra khỏi ngõ xóm. Nàng dùng dằng cầm lấy tay Thảo, và ngập ngừng nhìn Phong. Chao ôi, tia mắt của hai người nhìn nhau! Nó đã bộc lộ tất cả sự chân thành, luyến ái. Họ không nói với nhau nửa lời. Nhưng đôi mắt của họ đủ nói lên những lời tha thiết nhất. À, họ cũng có dặn dò bóng gió nhau một vài câu như thế này:

Liên nắm tay Thảo:

- Đừng bao giờ quên Liên, Thảo nhé!

Lời nói ấy, Liên nói với Thảo, mà chính là nàng nói với Phong, nên Phong cũng ngậm ngùi nói với Hải:

- Anh Hải ạ, tôi không thể nào quên được Xóm Giáo, với những người bạn thân yêu ở đây. Chuyến đi này chỉ là tạm biệt, vì một ngày gần đây tôi sẽ còn trở lại. Anh cứ yên trí như thế.

Hải biết đấy là những lời họ nói với nhau nên chỉ lặng yên không đáp.

Mưa bay lất phất. Buổi tiễn đưa của hai kẻ yêu nhau thấm thía cả sang lòng Hải. Anh yên lặng theo Phong ta tới bến xe, đứng chờ giờ xe chạy mới lủi thủi quay về. Từ hôm Phong đi, Hải chưa nhận được bức thư nào. Nhưng chắc Liên thế nào cũng nhận được thư của Thảo.

Còn Minh, anh bị cảm thương hàn đã mấy tuần nay. Bệnh Minh đã thuyên giảm, đương trong thời kỳ tĩnh dưỡng. Mấy hôm nay Hải bận việc nên chưa tới thăm Minh được. Anh lấy làm áy náy không yên, đã định tâm chốc nữa sẽ rẽ vào thăm bạn một lát, trước khi về nhà. Đương nghĩ tới Minh thì vợ Minh chạy đến. Chị khóc gọi Hải từ đàng xa:

- Anh Hải ơi!

Hải giật mình, vội từ trên mái tuồi xuống:

- Gì thế chị?

Vợ Minh khóc ròng:

- Anh về xem hộ nhà tôi một tý.

Hải hỏi giật giọng:

- Anh Minh làm sao?

Rồi chẳng kịp trả lời, Hải cắm cổ chạy một mạch để mặc mọi người ở bãi xúm lại quanh chị Minh, nghe chị kể lể:

- Nhà tôi, sau một cơn đau buốt trong óc, bỗng nhiên mắt mờ đi không trông thấy gì nữa!
 
Minh không trông thấy gì thật. Khi Hải tới nơi anh nhảy ngay tới chỗ Minh nằm:
 
- Anh Minh! Anh Minh!
 
Minh lẩy bẩy trở dậy, mắt mở trừng trừng như bị lạc thần, hai tay sờ soạng ra trước mặt khẽ gọi:
 
- Anh Hải đấy ư?
 
- Vâng tôi đây. Anh thấy trong người thế nào?
 
- Tôi... tôi... Anh đứng đâu thế anh Hải?
 
Hải nắm lấy tay Minh.
 
- Tôi đứng ngay trước mặt anh. Khổ chưa, ra anh không nhìn thấy gì ư?
 
Minh gục đầu xuống, giọng đầy nước mắt:
 
- Vâng.
 
Hải nắm chặt lấy bàn tay run rẩy của bạn:
 
- Anh nói đầu đuôi tôi nghe. Anh bị... không trông thấy từ bao giờ?
 
- Mới từ chiều tới giờ thôi. Sáng nay tôi lên một cơn đau đầu dữ dội quá, nên không ăn uống gì được. Mãi vừa rồi bớt đau nằm thiếp đi chốc lát, thấy đói bụng muốn ăn nên trở dậy bảo nhà tôi mua cho cái bánh. Khi nhà tôi mua được bánh về, cầm chiếc bánh mỳ trên tay, bỗng nhiên thấy chiếc bánh loe ra, mờ dần đi, rồi chẳng trông thấy gì nữa. Tôi tưởng tôi mê hoảng, nhưng không, óc tôi vẫn tỉnh. Tôi cất tiếng gọi vợ, gọi con. Nghe vợ con trả lời bên cạnh mà không thấy họ đâu cả. Tôi có cảm giác như người bị chìm trong bóng tối, vẫn tỉnh táo trong một cảnh giới mịt mùng.

Giọng Minh trở nên hoảng hốt, lo sợ:

- Thế nghĩa là làm sao, hở anh Hải? Hay là tôi bị...

Hình như Minh không dám nói câu anh định thốt ra. Anh gục đầu trên vai Hải, thổn thức một cách chua xót:

- Cực khổ quá, anh Hải ơi!

Hải không cầm lòng nổi trước sự xúc động đau đớn của bạn. Anh nâng đầu bạn lên, nhìn vào đôi mắt mở rộng của Minh, lẩm bẩm:

- Mắt anh không làm sao cả, nom bề ngoài vẫn như thường. Có lẽ không hề gì đâu.

Minh thảm thiết:

- Tôi lo lắm anh ạ. Nếu Chúa bắt tôi phải...

Hải vội an ủi:

- Không anh đừng nghĩ quẩn thế vội. Hãy cứ bình tĩnh tìm phương chạy chữa. Anh để tôi đi tìm ông Trùm.

Hải đỡ cho Minh ngồi tựa lưng vào cạnh vách tường, toan đứng lên thì vợ Minh về tới nơi. Theo sau chị là ông Trùm và lố nhố những người quen trong xóm.

Hải mừng rỡ:

- Ông Trùm đến đây rồi, anh Minh ạ.

Minh bám lấy vai Hải, mắt nhìn trừng trừng:

- Đâu, ông Trùm đâu?

Ông Trùm lẳng lặng tiến lại gần, cúi nhìn chăm chú vào mắt Minh, cau mày bảo Hải:

- Anh đưa ngay anh Minh lên bác sĩ chữa mắt. Đi ngay không có hỏng mất. Đôi đồng tử trong con ngươi của anh ấy đã căng to ra mất rồi. Phải nhờ bác sĩ chuyên môn xem cho mới được.

Hải đứng ngay lên, hiểu rõ bệnh trạng khẩn cấp của Minh, và không kịp nghĩ ngợi gì hơn, anh dìu Minh ra cửa. Minh như một chiếc lá héo, run rẩy bên cạnh Hải và bàng hoàng giữa tiếng khóc của vợ con.

Ngót nửa tháng trời, Hải luôn luôn săn sóc bên cạnh Minh. Nhưng đôi mắt của Minh vẫn không thể cứu chữa được. Bác sĩ sau một thời gian cố gắng đã phải lắc đầu, giải thích rõ rằng: đôi đồng tử trong con ngươi của Minh bị căng rãn không thể làm co lại theo mực cũ của nó được nữa. Vì vậy mắt Minh tuy nom vẫn như của người thường, nhưng không thấy gì hết, kiểu như người thong manh, chỉ nhận được lờ mờ những hình đen đen mà thôi.

Khi nghe bác sĩ nói thế, Minh đau đớn như người bị tuyên án chung thân. Anh ôm mặt khóc rống lên, vật vã than van trong cảnh tuyệt vọng. Trở về nhà, vợ Minh nghe biết tình trạng của chồng, cũng lại khóc thảm thiết như nhà có người chết. Lân bang quanh xóm kéo đến thăm nom, mỗi người một lời an ủi và khi thấy Minh xưa nay vẫn là một thanh niên vui vẻ, hoạt động, giờ phải ủ rũ ngồi một xó, sờ soạng trong sự tối tăm, đều ái ngại chảy nước mắt.

Vợ Minh nghĩ đến sinh kế gia đình. Đôi mắt của Minh không nhìn thấy ánh sáng, thì đôi tay của anh, nghề nghiệp của anh, cũng trở nên vô dụng. Từ nay, trong gia đình chị phải liệu lấy vấn đề cơm áo, phải trông nom nuôi nấng chồng con. Chồng chị, cái cột trụ của gia đình chỉ vì đôi mắt bỗng dưng mù tối mà sống cũng bằng không. Nghĩ tủi thân cực phận, chị khóc cay đắng, kể lể ra điều như oán như than.

Trong lúc vợ chồng Minh còn đương sầu khổ vì cái tai nạn bất ngờ, thì Thu và Hải là nguồn an ủi của họ. Hai người đều thành thực chia sẻ cảnh không may của bạn, thường có mặt ở đó.

Thu vẫn nắm tay Nhẫn, vợ Minh, dịu dàng bảo:

- Chúa đã định cho anh Minh phải mang tật bệnh như thế, chị cứ nên vâng theo thánh ý mà can đảm lên. Chị đừng nên lo lắng quá, than khóc chỉ làm anh ấy khổ thêm.

Minh khổ thực. Bị chìm đắm trong cảnh tối tăm, lòng Minh điên cuồng lên vì nghe thấy cái sống của mình trong cảnh mịt mù của sự chết. Anh muốn vùng vẫy, muốn mở to mắt ra để thoát ra ngoài ánh sáng, để được sống thực sự cùng cảnh vật mà không sao được. Tai anh nghe rõ tất cả những động âm của cái sống bên ngoài. Cái sống ấy kêu lên thành những tiếng nói ray rứt của người vợ, thành những lời chia buồn ưu ái của mọi người tới thăm, làm anh trạnh nghĩ tới tình trạng của anh, của vợ con anh lúc này.

Mang bệnh ngồi một chỗ, từ nay Minh không thể làm nổi bổn phận của người chồng, người cha. Anh sẽ phải sống nhờ vào sự thủy chung tận tình của vợ, sống nhờ vào sự dìu dắt của con. Ôi, đáng ra anh phải dìu dắt con anh mới phải. Thằng Hùng hãy còn là một đứa trẻ nhỏ. Thế mà bây giờ anh phải nhờ vào bàn tay của nó hướng dẫn, anh mới sờ soạng, chập chững tìm được lối đi.

Vợ anh là một người đàn bà yếu đuối, đáng nhẽ anh phải mang cơm đem áo về cho chị, thì bây giờ lại chính chị phải cơm bưng nước rót đến tận nơi cho anh. Sống cuộc đời tàn phế như thế này sao mà vô vị quá! Ngoài kia trên đường xóm, biết bao nhiêu tiếng chân đi, biết bao nhiêu tiếng cười tiếng hát. À mà ngoài bãi, chỗ đương xây ngôi trường học, anh em làm gì ồn ào thế nhỉ? Tại sao anh không ra đấy, nói đùa cho anh em cười vui, lại để họ phải tới đây an ủi anh thế này!

Minh thở dài chán ngán. Sự sống bên ngoài bị chìm đắm đi, thì sự sống bên trong càng bùng dậy. Nó hành hạ anh, làm anh khổ sở, và vì khổ sở quá anh đâm ra tuyệt vọng.

Những lúc thấy mắt Minh mở trừng trừng ngơ ngác nhìn ra đằng trước, và nghiến răng lại để thở dài, Hải thường ôm ngang lưng bạn, ôn tồn khuyên:

- Đừng buồn, Minh ạ.

Minh lắc đầu cười chua chát:

- Anh ơi, tôi chỉ muốn chết thôi!

Hải nắm chặt tay Minh:

- Anh đừng nghĩ quẩn như thế.

Giọng Minh buồn bã:

- Sống thế này có khác gì chết đâu hở anh? Có lẽ còn khổ hơn là chết thực. Cho nên tôi đâm ra có ý nghĩ muốn chết. Mà không chết được thì tôi sẽ phát điên lên mất!

Nghe lời chồng than vãn như thế, Nhẫn lại nghẹn ngào, ràn rụa nước mắt. Thu và Hải không biết nói gì hơn, chỉ lặng lẽ đưa mắt nhìn nhau thở dài. Cùng chia sẻ nỗi đau buồn của bạn, hai người thấy gần nhau hơn. Họ cảm như được sống chung một hoàn cảnh, cùng có chung những ý nghĩ thương xót đối với người bạn xấu số. Vì vậy cả hai đều không có sự ngượng ngập của hai kẻ đang ướm thử lòng nhau, đương dò xét tâm tình của nhau nữa. Họ quên những e lệ thường có và thân mật trao đổi những cái lắc đầu, những cái thở dài, trước cảnh ngộ đáng buồn của vợ chồng Minh. Không ai nghĩ đến truyện riêng của mình, chỉ mải bận tâm vào hoàn cảnh mới của bạn.

Thường lúc bận việc không tới thăm Minh được, gặp nhau giữa đường, Hải và Thu đứng lại hỏi thăm nhau:

- Hôm nay cô Thu có lại thăm anh chị Minh không?

Hoặc:

- Sao hôm nay anh Hải bận gì không lại với anh Minh? Anh ấy nhắc mãi đấy!

Qua tình thương đối với bạn, hai người trở nên mật thiết, thẳng thắn với nhau hơn.

Đôi khi Hải tới nhà Thu, bảo cô đến cho Nhẫn nhờ chút việc. Hoặc Thu đi tìm Hải, nhắn anh đến cho Minh hỏi điều gì đó. Một lần, cả hai người cùng ở nhà Minh ra về. Thu bàn với Hải tìm cách giúp đỡ cho vợ chồng Minh bớt lo lắng về đường vật chất. Hiện thời sinh kế của gia đình ấy vì thiếu một tay chèo chống nên có vẻ eo hẹp. Tuy chưa đến nỗi túng quẫn lắm, vì Nhẫn, sau khi chồng ngồi một chỗ, biết than khóc mãi chỉ là vô ích, chị lại đảm đương mọi việc, lại đi chợ buôn guốc như xưa, kể cũng có thể lần hồi tạm đủ. Duy mối lo lắng nhất của hai vợ chồng, là thằng Hùng. Nó phải được ăn học và săn sóc chu đáo. Ở tình cảnh này, không biết vợ chồng Minh có thể liệu nuôi cho nó ăn học được không?

Cho nên Thu đã bàn tính với Hải để giải quyết giúp vợ chồng Minh điều ấy.

- Anh Hải nhỉ, hôm nào thì trường học xóm ta khai giảng?

- Sang giêng. Chỉ còn độ ít hôm nữa thôi. Chờ quét vôi, sơn cửa và kê dọn bàn ghế xong là khánh thành và khai giảng luôn thể.

- Hôm ấy chắc vui lắm anh nhỉ?

Hải mỉm cười:

- Vâng. Đức cha đã nhận lời về chủ tọa buổi khánh thành đó.

Thu đi thẳng vào vấn đề:

- Liệu thằng Hùng con anh Minh có đi học được không?

- Sao lại không được!

- Nhưng nó học thì phải tốn kém, phải tốn tiền đóng học phí, phải mua sắm sách vở giấy bút.

- Ồ, chả đáng là bao nhiêu!

- Cũng phải mỗi tháng mất vào nó ngót trăm bạc. Mà chị Minh chả hiểu chị ấy có lo được đủ không?

Hải lặng im vì anh không ngờ Thu nghĩ cặn kẽ như thế. Thu tiếp:

- Anh liệu tính cách nào cho nó được đi học, mà khỏi tổn phí cho chị ấy lúc này, đỡ được anh chị ấy tý nào hay tý ấy.

Hải suy nghĩ rồi đáp:

- Để tôi sẽ thưa với ông Trùm điều đó. Vì cha xứ đã giao cho ông Trùm quản trị trường học của xóm. Ta có thể xin miễn học phí cho nó được, vì xóm có ấn định số học phí là để có tiền trả lương thày giáo, và phòng khi phải sửa chữa các dụng cụ bị hỏng thôi. Ngoài ra tôi sẽ trình với cha xứ để xin ngài nói với hội bác ái trong xứ trợ cấp hàng tháng cho nó một học bỗng, vì đó cũng là một hình thức giúp đỡ người nghèo đúng với tôn chỉ của hội.

Thu vui vẻ nói:

- Nếu được thế thì hay quá! Anh đã biết thày giáo trường ta là ai chưa?

- Chưa. Vì thày giáo mới do cha xứ tuyển lựa. Ngài sẽ cử một thày về...

Vui truyện, Thu mạnh bạo nói đùa:

- Chắc là xứng đáng anh nhỉ. Thế nào thày giáo mới chả là bạn thân với anh Hải.

Hải mỉm cười:

- Vâng. Chắc tôi sẽ được thêm người bạn mới nữa. Chỉ tiếc rằng...
 
- Sao kia?
 
- Giá còn anh Phong ở đây, chắc anh sẽ được cử vào chân ấy. Song chưa chắc anh Phong đã nhận nhời vì anh ấy đã có ý định riêng.
 
Nhắc đến Phong, tự nhiên anh nghĩ đế Liên, và bỗng liên tưởng tới mối tình của mình. Anh đưa mắt nhìn Thu. Nhưng Thu vẫn thản nhiên, không lộ vẻ gì, ngoài dáng điệu thùy mị của một cô thiếu nữ đáng yêu...


 
 
CHƯƠNG IX
 
 
Thòm! Thòm! Thòm!
 
Tiếng trống dõng dạc vọng từ nhà trường ra vang truyền vào các ngõ xóm.
 
Bà cai Ngân đương ngồi cặm cụi gỡ nắm chỉ rối, ngửng đầu lên:
 
- Đã tan học rồi. Đi thổi cơm thôi!
 
Từ ngày có ngôi trường học, tiếng trống đã cầm mực cho thời khắc của dân xóm. Ngày mấy lần, sớm, trưa, chiều, dân xóm cứ nghe tiếng trống vào học, tan học mà liệu định công việc. Hải ngừng tay làm, ngồi vuôn vai cho đỡ mỏi. Anh đứng lên, ra hóng ngoài cửa. Cứ đến giờ tan học, nhất là về buổi chiều, Hải thường hay đứng ngóng như thế. Anh muốn đứng nhìn lũ trẻ đi học về, tay cắp sách, mồm liến láu nói truyện với nhau. Nhìn chúng, anh bâng khuâng nhớ tiếc tuổi thơ ấu của mình. Tuổi thơ vui sướng làm sao! Anh đã trải qua cái thời hồn nhiên vui sướng ấy, nên đứng nhìn lũ trẻ đi qua, lòng anh man mác một nỗi buồn êm dịu.

Chà lũ trẻ! Trông chúng thật đáng yêu. Kìa chúng đã kéo nhau ra khỏi cổng trường. Thày giáo chúng đứng ngay đầu cổng. Đi qua mặt thày chúng ngả đầu chào:

- Thày ạ! Thày ạ!

Tiếng chào líu tíu vang rộn cả khu nhà nguyện. Thày giáo mỉm cười, gật đầu đáp lại, đứng nhìn chúng tản mát vào các ngả. Chúng như một bầy chim non, ngày ngày nghe hiệu của tiếng trống, đến tập trung dưới sự săn sóc dạy bảo của thày. Trong giờ học cả xóm quạnh quẽ tiếng trẻ. Người nhớn được rảnh mắt, yên tâm lo việc làm ăn. Sau giờ học tập chúng được thả ra, tiếng cười nói của chúng lại tan vào khắp xóm, đem cái tươi vui của tuổi trẻ về với gia đình.

Chúng ra về tung tăng, có đứa nhảy nhót như cuồng cẳng. Một vài đứa nhớn chạy sô ra bãi đuổi nhau quanh nhà nguyện. Có đứa, phần nhiều là con gái, vào quỳ đọc kinh. Những đứa nhỏ hơn lủn củn đi về, mặt mũi hồn nhiên mà dáng dấp đã ra vẻ nghiêm trang.

Nhìn chúng đi đứng, chơi đùa, lắm lúc Hải không nhịn được cười.. Cái vui của chúng dễ dàng quá, làm cho lòng anh cũng thấy nhẹ nhàng. Anh vui sướng nhất là được thấy chúng ngoan ngoãn, dù có nghịch ngợm, chạy nhảy cũng ra vẻ học trò, không lêu lổng sấc láo nữa. Học đường đã thay đổi các chú bé thò lò mũi xanh, trở thành các cậu học sinh tốt nết. Nhân đó, cùng với nỗi vui sướng được ngắm nhìn lũ trẻ ngoan ngoãn, Hải thấy có đôi chút hãnh diện về công việc mình làm.

Ngôi trường học! Đó là kết quả của bao ngày trời vất vả, với sự hợp lực của hầu hết mọi người, ngày nay, ngôi trường học ấy đã hoàn thành, đã bắt đầu khai giảng được ít lâu nay, Hải không khỏi mỉm cười, lim dim cặp mắt, để nhớ lại hôm Xóm Giáo hoan hỉ đón rước Đức Cha về khánh thành trường học.

Hôm ấy thực là long trọng. Xóm Giáo lại trăng cờ từ ngoài đầu ngõ vào tới cổng trường. Các quan viên trong xóm, các đại biểu của các đoàn thể túc trực ở sân. Ai nấy nhìn thấy nếp trường xinh xắn, mới mẻ, đều gật đầu khen ngợi. Người hoan hỉ nhất là cha xứ. Ngài vui vẻ nói với mọi người:

- Nếu xóm nào cũng cố xây được một ngôi trường như thế này thì ích lợi cho sự học vấn của thiếu niên biết bao!

Những nghe lời nói của cha xứ mà ông Trùm Mỹ đã thấy hãnh diễn. Bao con mắt của mọi người đều nhìn ông tỏ vẻ thán phục về sự cố công hiệp lực của Xóm Giáo. Ông là người được dân số bầu lên. Nếu xóm có những thuần phong mỹ tục, có tổ chức chặt chẽ và khéo léo thì vinh dự ấy ông được nhận chứ!

Đến khi Đức Cha địa phận và các nhà đương sự địa phương tới, thì những lời khen ngợi của các vị  lại càng làm cho ông Trùm phần khởi. Đức Cha tỏ vẻ rất mãn ý. Ngài ban khen cha xứ, ban khen ông Trùm và chúc lành cho cả dân xóm. Đứng ở giữa hiên trường, chiếc mũ đỏ của ngài nổi bật lên giữa đám đông quây quần xung quanh. Ngài nói: "Xây dựng trường học, đó cũng là góp phần vào công việc mở mang Nước Chúa. Nếu ai cũng hiểu trách nhiệm ấy mà cố công gắng sức như dân Xóm Giáo đây thì ích lợi cho giáo hội biết bao!"

Sau lời Đức Cha tiếp luôn đến lời vị đại diện chính quyền:

- "Dân trí nâng cao là nhờ ở sự học vấn. Học đường là nơi đào tạo thanh thiếu niên thành những công dân tài đức. Đồng bào Xóm Giáo, khi hiệp lực xây dựng được ngôi trường học này thực đã tham gia vào một việc ích quốc lợi dân rất đáng khen."

Ôi chao, vậy ra cái việc này không ngờ lại được tán thưởng như là một công cuộc vĩ đại! Ích lợi cho Giáo hội, cho Tổ quốc! Ông Trùm cảm động đến run cả người, ông nắm chặt lấy tay Hải lặng yên không nói. Hơi thở ông gấp rút vì trái tim ông đập mạnh. Hải cảm thông nỗi cảm động của ông. Anh cũng hãnh diện, phấn khởi không kém gì ông Trùm và mỉm cười nhìn ông. Ông Trùm trao đổi nụ cười với Hải, ghé thầm vào tai anh:

- Bao nhiêu công lao bây giờ mới thành anh nhỉ! Tôi sung sướng quá!

Hải cũng thì thầm:

- Vâng, con cũng thế! Nhưng còn việc này phải nghĩ tới nữa...

- Việc gì thế? Anh nói mau lên!

Hải nghĩ đến Thu, nhớ đêm hôm nào đi cùng nàng anh đã bàn tới việc mắc đèn vào xóm. Đấy là một dự đ5nh anh thốt ra trong lúc lúng túng khi định ngỏ mối tình với nàng. Việc ấy, anh coi như lời hứa hẹn vinh dự, sẽ làm đẹp lòng người mình yêu. Anh để cập với ông Trùm:

- Thưa, việc mắc đèn vào xóm để đêm hôm Xóm Giáo được sáng sủa.

Ông Trùm vỗ mạnh vai Hải thân mật:

- Ừ phải. Để lát nữa, anh ghé vào nhà tôi uống nước, rồi ta bàn với nhau.

Có tiếng chuông xe đạp kêu leng keng. Hải đương lơ mơ ôn lại hôm khánh thành trường học nghe tiếng chuông, liền ngửng mặt nhìn ra. Thày giáo của trường xóm bắt đầu dắt xe đạp về. Thày đi qua bãi cỏ khu nhà nguyện, vòng quanh đường bờ giếng. Thày chưa lên xe vì quanh thày còn mấy đứa trò nhớn đi theo. Chúng còn dùng dằng với thày và thày trò có vẻ thân mật. Thày giáo yêu trẻ nên được chúng quý mến. Xem chừng thày thích chiều học trò nên cũng có đứa lồng hổng. Chúng lẵng nhẵng hai bên xe, đứa bóp chuông đứa đòi thày đèo cho đi thử một vòng. Nhưng thày cười, lắc đầu:

- Thôi, để thày về không muộn!

- Thưa thày, còn sớm ạ.

- Sớm gì nữa. Các em về nhà đi kẻo thày mẹ các em mong, thày còn phải lại đằng này tý nữa.

- Thày đi đâu ạ?

- Thày lại đằng ông Trùm.

Có thằng ngước đôi mắt ngây thơ hỏi thày:

- Thày lại ông Trùm làm gì cơ?

- Ờ, thày lại ông Trùm để... nói về việc học của các em.

Thế là bọn trẻ im. Bởi sau cha xứ thì chúng sợ ông Trùm. Cha xứ chúng vừa kính vừa yêu, chứ ông Trùm thì chúng vừa sợ vừa hãi. Chỉ tại ông Trùm có cái roi mây hay ra oai với chúng lắm. Nghịch ngợm quấy quắt mà bị ông Trùm bắt được, chẳng những bị ông đét cho, về nhà cha mẹ còn đánh mắng thêm nữa.

Qua cửa nhà Hải, thày giáo làm một dáng điệu để chào. Hải chào đáp lại, nhìn thày rẽ vào nhà Thu.
 
Thày giáo là người ở xứ khác tới dạy học. Đến buổi, thày đạp xe đến. Tiếng chuông xe đạp của thày bây giờ thành lệ quen và trong xóm không còn ai lạ người thanh niên có dáng điệu chững chạc với vẻ mặt hiền lành ấy nữa. Thày mặc âu phục tuy không sang trọng, nhưng gọn gàng sạch sẽ, nên nom thày cũng thêm vẻ khôi ngô, lanh lợi. Hồi mới, gặp thày trên đường xóm, người chưa biết đều hỏi nhau:

- Ai thế nhỉ? Ai mà ra vào xóm ta luôn?

- À, thày giáo trường ta. Thày được cha xứ cử về.

- Ồ, nom người khá đấy nhỉ.

Quen rồi, ai cũng niềm nở chào:

- Chào thày giáo. Hồi nào thày giáo rỗi rãi đến nhà tôi chơi.

Thày giáo vốn tính dễ dãi, lại bặt thiệp, nên thày đi chơi khắp mọi nhà. Thày đến thăm Hải, và hai người thành bạn với nhau. Thày cũng đến nhà ông Trùm luôn, vì ông Trùm là người quản trị nhà trường của xóm.

Bóng thày giáo khuất vào nhà ông Trùm, Hải vẫn còn đứng ở cửa. Lúc này anh lơ mơ nghĩ về Thu. Vào buổi hoàng hôn khi ánh nắng tắt trên các mái nhà, khói lam quyện trên các mái bếp của Xóm Giáo là lúc Hải hay nghĩ tới Thu. Anh mường tượng đến những công việc của người nội trợ và mơ ước một cảnh sống êm đềm trong sự thương yêu chăm chỉ.

- Lạy chú ạ!

Hải giật mình nhận ra thằng Hùng, con của Minh, vừa chào anh. Nó đi học về, và còn rẽ vào nhà nguyện để cầu xin cho bố mẹ nó. Nó vẫn gọi Hải bằng chú vì Hải kém tuổi Minh.

Hải gọi nó lại:

- Hùng, bố cháu làm gì ở nhà?

- Thưa chú, cháu không biết ạ.

Hải cười. Tại anh cứ quen lúc Minh chưa bị mù, và thằng Hùng còn ở nhà chưa đi học. Minh còn làm được gì bây giờ, ngoài việc sờ soạng quanh trong nhà? Anh bảo thằng Hùng:

- Chú quên đi mất. Tại cháu đi học nhỉ! Nên không biết bố cháu ở nhà làm gì. Thôi cháu về bảo lát nữa, ăn cơm xong chú sẽ sang chơi với bố cháu nhé...

Và nhìn thằng Hùng đi, anh lắc đầu lẩm bẩm:

- Tội nghiệp quá!
 


X


Buổi tối ở Xóm Giáo không có gì vui. Vào những ngày có gió lạnh, dân xóm chưa đi ngủ nhưng cũng đóng cửa ở trong nhà. Chỉ trừ những ngày hè nồng nực, trời sáng cao, hoặc có ánh trăng giãi mơ hồ trên xóm, người ta mới hóng mát ngoài cửa, đi lại quanh bờ giếng, và gẫu truyện trên thềm nhà nguyện. Dạo này tiết trời đã sang xuân, ban ngày có nắng ấm, gió thổi hanh khô, nhưng về chiều khí lạnh dâng lên hòa cùng với mưa bay lất phất.

Xong bữa cơm chiều, Hải ngậm que tăm trên miệng, thủng thỉnh sang chơi nhà Minh. Tiếng guốc của Hải vừa ngừng lại ở cửa đã nghe có tiếng trong nhà nói ra:

- Anh Hải!

Tiếng chân của Hải, cũng như tiếng chuông xe đạp của thày giáo trường xóm, đã thành một lệ quen đối với Minh. Ngồi cả ngày mắt anh không trông thấy, thì bây giờ tai anh nghe thấy, vì nghe ngóng cũng là một lối nhìn của người mù.

Nghe gọi tên mình, Hải cảm động lắm. Anh biết bạn lúc này chỉ mong chờ được gặp anh. Cả ngày bận việc, Hải cũng như mọi người khác đều phải lo đến cái sống thường xuyên, chẳng ai rỗi rãi nghĩ đến Minh nữa. Minh cô độc một mình giữa căn nhà vắng lạnh. Nhẫn phải ra ngồi chợ bán hàng. Thằng Hùng thì đi học. Chiều đến, nỗi hiu quạnh của lòng Minh mới ấm lên được chốc lát vì lúc ấy vợ con anh mới có ở nhà, và Hải mới ngừng tay làm việc để sang chơi.

Hải xô cửa bước vào. Vợ Minh tươi cười nói:

- Anh Hải thật. Nhà tôi thính tai quá.

Chị đương ngồi xổm dưới đất, bên cạnh gánh hàng, tay cầm miếng giẻ ướt lau sạch những chiếc guốc bị bụi ám mờ nước sơn.

Thằng Hùng ngồi dưới ánh hoe vàng của ngọn đèn dầu. Nó chỉ tay vào quyển sách quốc văn, đương tập đánh vần. Thấy Hải, nó ngửng đầu lên, cười nhe hàm răng sún, và quay lại nhìn bố:

- Chú Hải bố ạ!

Minh ngồi ở chỗ anh vẫn ngồi. Từ ngày bị mù, Minh chỉ bó gối cạnh mép giường. Mỏi thì anh dựa lưng vào vách, dõi đôi mắt ngơ ngác ra cửa. Dưới gầm giường ngổn ngang những dụng cụ của một người thợ vẽ. Những hộp sơn mầu nhòe nhoẹt giờ đã khô cứng, vứt lăn lóc vào một góc. Vài ba tấm biển quảng cáo đương kẻ dở xếp chồng lên nhau vì khách hàng bỏ không lấy nữa.

Minh ngồi nhích lại, giơ tay ra như có ý đón bạn. Hải tiến lại ngồi xuống cạnh nắm lấy bàn tay Minh. Mặt Minh thoáng lộ nét vui mừng. Lúc ấy anh biết được ngồi bên cạnh bạn, và cất tiếng hỏi:

- Có gì lạ không anh?

Bao giờ Minh cũng bắt đầu gợi truyện bằng câu ấy. Anh muốn được nghe thuật lại những điều mọi người đã sống trong ngày, để cũng được sống góp với họ đôi chút. Khi câu hỏi ấy gợi lên thì Hải thường kể cho anh nghe dề sự sinh hoạt của xóm ; Nhẫn kể truyện buôn bán ngoài chợ, những điều họ thì thào với nhau ; và thằng Hùng cũng liến láu kể những mẩu vui vui về trường học. Vì thế, tuy ngồi một chỗ, và không trông thấy gì, nhưng Minh được biết rõ mọi việc. Nào hôm khánh thành trường học ra làm sao, dân xóm vui vẻ như thế nào, tại sao thày giáo trường xóm được bọn trẻ yêu thích, cùng những dự định mới mà ông Trùm và Hải đương lo thực hiện dần dần.

Hải thấy Minh hỏi, cười đáp:

- Hôm nay không có truyện gì lạ cả, chỉ có ban ngày hửng nắng, chiều đến mưa bay thôi!

Và anh hỏi thăm tình trạng của bạn:

- Hôm nay anh thế nào?

Minh cũng cười đáp lại:

- Tôi vẫn như thế. Nghĩa là vẫn cứ chịu phép ngồi yên một chỗ thôi. Vậy ra ngoài kia đương mưa bụi nhỉ?

- Vâng.

Minh thở dài:

- Tôi rất sợ bóng tối anh ạ.

- Tưởng anh quen với bóng tối rồi chứ. Anh có trông thấy gì đâu?

- Không trông thấy gì, nhưng tôi còn nhận được lờ mờ khi có ánh sáng. Ban ngày nhìn ra ánh nắng, tôi biết rằng trời đương nắng, vì trong mắt tôi có hửng lên một thứ sáng hoe hoe đùng đục. Bây giờ cũng thế, có ánh đèn thì ánh đèn rọi vào mắt tôi một thứ sáng mờ mờ. Nhưng nếu ánh nắng hay ánh đèn tắt đi thì bóng tối sập đến, làm tôi hoảng hốt. Thứ ánh sáng đục kia, hình như còn dư ảnh giữa cái tối thăm thẳm, xa xôi chới với như những bóng ma chơi. Rồi đột nhiên thứ ánh sáng đó thu lại, thành hai điểm sáng chạy gần lại rất nhanh, quay lộn vung vãi ra thành những điểm ngũ sắc. Những màu sắc ấy rối loạn trong óc tôi, làm cho đầu óc tôi cũng rối loạn nốt. Từ những điểm sáng rối loạn ấy thoát ra những hình bóng quen thuộc, cử động chớp nhoáng một cách ma quái.

Tai tôi nghe văng vẳng như có một thứ thanh âm kỳ lạ do những hình tượng đó phát ra, âm u ở trong tai. Những lúc ấy, tôi chỉ muốn vùng vẫy chân tay hay chạy lồng lên để xua đuổi, trốn tránh những thứ quái gở đó.

Hải lẩm bẩm:

- Lạ nhỉ!

- Vâng. Cho nên tối đến, tôi bảo nhà tôi chong đèn cả đêm, để khi không lịm vào giấc ngủ được, thì tôi thức với ánh đèn.

Nói tới truyện sáng đèn, Minh chợt hỏi Hải:

- À, về cái việc mắc đèn vào xóm thì sao?

- Còn đương tiến hành!

- Đến đâu rồi?

- Hiện mới nhờ cha xứ điều đình với sở máy điện hộ, và vận động với các nhà đương chức. Họ đương tính đường cột, đường dây xem mắc từ đường phố vào thì phí tổn hết bao nhiêu.

- Vậy xóm có đủ để trả khoản phí tổn đó không?

- Còn xem sao đã. Hiện quỹ của xóm mới có ít tiền thừa lại từ hồi xây xong trường học. Nhưng ông Trùm tin tưởng rồi đâu có đó.

- Ông Trùm hăng hái nhỉ?

Hải mỉm cười:

- Gì mà chẳng hăng hái, chúng m ình còn phấn khởi nữa là ông Trùm.

Minh buồn rầu:

- Các anh thôi, chứ tôi chả còn giúp xóm được việc gì nữa!

Hải nói át đi:

- Chả giúp được bằng chân tay thì giúp bằng ý kiến. Ngồi một chỗ nghĩ ra điều gì hay, anh cứ bày tỏ để chúng tôi thi hành. Thiếu người nọ có người kia. Xóm ta bây giờ thêm thày giáo, xem chừng cũng hoạt động lắm. Cùng tính thanh niên cả.

- Nhà giáo thì giúp được việc gì!

- Có chứ. Có  những việc trước kia ta phải ủy cho anh Phong thì bây giờ đã có thày nhận giúp. Chả hạn như buổi kịch anh Phong đương tập dở...

- Ừ nhỉ!

- Mà kỳ này phải cần đến, để kiếm tiền cho xóm có đủ quỹ mắc đèn. Tôi đã có ngỏ ý nhờ thày tập cho anh em. Ngoài ra thày còn hứa sẽ tập thêm cho các trẻ nhỏ một vở hát nghe nói là hay lắm.

- Thế à?

Hai anh em im lặng một lát, câu truyện bị đứt quãng vì tiếng xếp guốc lóc cóc của Nhẫn, chị lau xong những đôi guốc bẩn, đương soạn từng đôi xếp gọn vào quang gánh. Xong xuôi, chị đứng lên đi rót nước mời Hải. Chị niềm nở bảo:

- Bận quá, chưa kịp đi rót nước mời khách. Xin lỗi anh Hải nhé!

Hải cũng vui vẻ:

- Chị để mặc tôi, khách khứa gì đâu mà phải câu nệ.

Minh tiếp lại câu truyện đang bỏ dở khi nãy:

- Anh nghĩ việc ấy có thành không?

- Việc gì kia?

- Việc mắc đèn vào xóm.

Hải nói mạnh mẽ:

- Sao lại chả thành! Khó bằng việc xây trường học còn được, huống chi việc này đã được Cha xứ nhận lo liệu giúp. Điều cần nhất là lo cho có tiền để sẵn đấy thôi. Khi nào thày giáo tập xong cho anh em vở kịch là chúng tôi sẵn sàng.

Nhẫn đã rót được tách nước đem lại. Nghe câu truyện của Minh và Hải, như chợt nhớ ra điều gì, chị đặt tách nước xuống cạnh Hải:

- Này, các anh ạ, tôi mới nghe được câu truyện lạ lắm kia.

- Truyện gì thế chị?

- Truyện chị Thu sắp lấy chồng!

Hải giật thót lưng lại, sửng sốt nhìn Nhẫn. Anh tưởng như tai bị ù nghe không rõ, nên cần phải hỏi lại:

- Chị bảo sao? Cô Thu sắp lấy chồng?

- Vâng!

Câu trả lời rành mạch của Nhẫn, như một nhát búa giáng xuống đầu Hải. Anh lặng người đi, ngẩn mặt nhìn Nhẫn. Anh chỉ mong Nhẫn nói đùa. Nhưng không, nét mặt chị ta không có vẻ gì đùa nghịch cả. Vô tình Nhẫn không nhận thấy sắc mặt biến đổi của Hải, vì chị hiểu đâu được mối tình ẩn kín của anh.

Nhẫn nói tiếp:

- Nghe như ông bà Trùm bằng lòng rồi thì phải.

Hải cau mày:

- Vô lý!

Nhẫn cãi:

- Ô hay! Sao anh lại cho là vô lý khi đàn bà chúng tôi đi lấy chồng? Thì có khác gì việc đàn ông các anh đi hỏi vợ!

- Đành thế, nhưng mà...

Hải không nói được nữa. Anh muốn giấu sự xúc động quá đột ngột của mình. Nhưng Minh nhận thấy bàn tay Hải run run và qua giọng nói rung động của Hải anh đã đoán được mối ẩn tình thầm kín của bạn. Xưa nay Minh vẫn thầm mong cho cuộc lương duyên giữa Thu và Hải. Anh thường nửa đùa nửa thật vun vén hai người với nhau. Nghe vợ nói, anh bán tín bán nghi, hỏi lại:

- Nhà có chắc thế không?

- Tôi mới nghe các bà ấy kháo nhau ở ngoài chợ chiều hôm nay. Tôi chưa gặp chị Thu nên chưa hỏi rõ lại chị ấy xem thế nào.

- Họ đồn cô Thu lấy ai?

- Lấy thày giáo Quý.
 
Hải thẫn thờ nhắc lại:
 
- Thày giáo Quý, thày giáo trường ta?
 
- Vâng!
 
- Thực à chị?
 
- Thì tôi cũng nghe người ta nói thế. Thấy bảo đến chủ nhật này sẽ rao bên nhà thờ xứ, và sau mùa chay thì ông Trùm cho cưới.

- Lạ nhỉ!

Vợ Minh bật cười:

- Anh làm như chị Thu lấy thày giáo Quý là việc lạ lùng lắm. Có gì mà lạ nào? Xứng đôi vừa lứa đấy chứ!

Minh hiểu nỗi băn khoăn của bạn, bảo vợ:

- Đã biết thế nào! Vợ chồng là duyên số. Vả chắc đâu cô Thu đã nhận nhời...

Chắc hay không, cứ chờ đến hôm này sẽ biết. Nếu cha xứ rao ở nhà thờ, thì không còn hồ nghi gì nữa. Hay cứ gặp chị Thu hỏi ngay chị ấy xem! Nhưng kìa anh Hải ngồi chơi đã.

Hải đứng lên:

- Thôi khuya rồi, tôi về đây.

- Còn sớm! Anh ngồi nói truyện với nhà tôi lát nữa.

Minh nắm lấy tay bạn nghe ngóng, rồi buông ra:

- Thôi để cho anh Hải về, mình ạ.

Nhẫn tiễn Hải ra cửa. Quay vào lấy tách nước vẫn còn nguyên và đã nguội để cạnh mé giường, chị cầm lấy hắt ra sân vô tình bảo chồng:

- Mải nói truyện về chị Thu làm anh Hải quên cả uống nước!

*

Bên ngoài trời tối mịt mù. Mưa bụi làm cho không khí vừa ẩm vừa lạnh. Hải ở trong nhà Minh ra, máu trong người bốc lên đầu làm mặt anh nóng bừng. Khí lạnh ngoài trời không đánh lui được hơi nóng trong người, chỉ làm da thịt anh se lại. Hải không nhận thấy mưa, cũng không cảm thấy rét. Anh đi lảo đảo dưới làn mưa bụi, đầu óc hoang mang và lòng dạ rối bời về cái tin Nhẫn vừa cho anh hay.

Ồ nhỉ, Thu sắp lấy chồng! Có thực thế hay không? Câu hỏi ấy cứ quay cuồng trong óc Hải khiến anh không có nổi một ý nghĩ gì xác đáng. Cảm giác của anh lúc ấy cũng thực là phức tạp. Chẳng biết nên buồn rầu rĩ, hay nên cười mỉa mai. Thu sắp lấy chồng. Mà người sánh duyên với nàng lại không phải là Hải. Buồn chưa! Bao nhiêu hy vọng thầm kín xây đắp bằng một mối tình chơn thật hóa ra giấc mộng thôi ư? Con người thế ấy không ngờ mà tệ bạc nhỉ. Nhưng Thu tệ bạc ở chỗ nào? Thu đã hứa hẹn gì với Hải? Không, anh không thể trách nàng vào đâu được. Giữa cơn rối loạn của tâm hồn, hình ảnh Thu vẫn làm anh xao xuyến. Anh muốn gặp Thu, nói với Thu, dò la ý tứ xem cớ sự thế nào. Chẳng biết cái tin Nhẫn vừa nói đó có đúng hay không? Từ trước đến giờ, Hải vẫn ấp ủ mối tình thầm kín trong lòng. Lúc này anh ước ao rằng Nhẫn đoán được tình ý của anh, nên mới thả ra cái tin ấy đẻ dò xét anh chơi. Phải, ước gì tin ấy chỉ là do Nhẫn bịa đặt. Dù Nhẫn có vô tình hay quái ác làm anh khổ sở vì cái tin của chị, nhưng nếu khổ sở để mà được sung sướng, được đến gần hạnh phúc chẳng là thú lắm sao. Anh muốn nắm lấy một chút hy vọng, song vừa hy vọng anh cũng vừa thắc mắc nữa. Ước muốn được gặp Thu dẫn bước chân anh về phía nhà nàng.

Đường xóm vắng teo không một bóng người. Mọi nhà cửa đóng im ỉm, chỉ để lọt tý ánh sáng đèn qua các kẽ hở. Những ánh đèn ấy chiếu ra, đỏ lòm và mờ ảo trong làn mưa bụi, như xa xôi, thấp thoáng sau một tấm màn che. Văng vẳng có tiếng đọc kinh tối ở mọi nhà lọt ra, nhịp nhàng và ấm cúng. Ở nhà ông Trùm có tiếng ồ ồ của ông bà Trùm cất kinh, và giọng thưa kinh êm ái của Thu bên cạnh giọng lanh lảnh của thằng Bảo. Anh dừng chân ở cửa, nghe ngóng, rồi rón rén bước lên thềm. Hải đứng lặng trong hiên không nhúc nhích, lòng xôn xao, có cảm tưởng hồi hộp như một vài trò đầu tiên sắp phải ra sân khấu. Vai trò của anh sắp đóng, anh chưa có ý thức rõ rệt nó sẽ ra thế nào. Vụng về hay trơ trẽn? Hẳn là ông Trùm sẽ ngạc nhiên thấy anh tới chơi vào giờ này. Đêm tuy chưa khuya, song không ai lặn lội trong mưa, trong rét nếu không có cớ gì quan trọng. Giữa Hải với ông Trùm ngoài việc xóm chẳng còn có truyện gì hơn, mà việc xóm không bàn được hôm nay thì để đến ngày mai, có gì là quan trọng!

Nhưng việc quan trọng đối với Hải, mới khó nói làm sao! Anh đâm ra lúng túng, ngượng ngập, muốn quay vào, lại muốn quay ra.

Trong nhà ông Trùm, tiếng đọc kinh vẫn chưa ngớt. Ngoài hiên, Hải đứng lắng nghe, chờ đợi. Nghe giọng trong trẻo của Thu, anh không cầm nổi ý muốn được nhìn thấy mặt nàng. Anh liền ghé mắt nhòm qua khe cửa. Thu ngồi dựa lưng trên ghế tràng kỷ, hướng mặt nhìn lên vách, chỗ có bày bàn thờ. Mặt Thu sáng dưới ánh đèn, nom thật dịu hiền. Mắt cô nhìn đăm đăm, tâm hồn như để hết vào lời cầu nguyện, và dáng điệu rất bình thản. Hải không thể nhận thấy điều gì hơn ở nàng. Thu vẫn có vẻ thùy mị, đáng yêu như thế. Trước sau cô vẫn là một thiếu nữ nết na kín đáo mà thôi. Hình như không có việc gì mới lạ xảy ra trong tâm hồn người thiếu nữ ấy. Hải tự hỏi: nếu quả thật thày giáo Quý đã làm xao xuyến được lòng Thu thì tại sao nét mặt của cô có thể thanh thản được như thế. Nhưng Hải không ngờ rằng chính lúc ấy Thu cũng đương thắc mắc về việc lương duyên của nàng. Song Thu tin tưởng vào sự kén chọn khôn ngoan của cha mẹ. vào thánh ý nhiệm mầu của Chúa. Cô bình tĩnh cầu xin, và lắng nghe tiếng nói của lòng mình. Lời cầu nguyện vừa rứt. Sự im lặng làm Hải như bị tắc thở. Anh nghe rõ tiếng tích tắc của chiếc đồng hồ treo trên vách điểm nhịp đều đều. Chợt Thu đứng dậy, hình như muốn đi ra phía cửa. Hải bàng hoàng, luống cuống nhảy vội ra đường, lẩn tránh như một tên đạo chích sợ người ta bắt gặp.

Anh đi thẳng một mạch về nhà. Vẫn như mọi khi, bà cai Ngân chong ngọn đèn con đặt khuất sau rỏ nước nằm thiu thiu chờ Hải. Hôm ấy bà vừa mới đọc kinh xong và tuy biết Hải vừa mới về, bà cũng hỏi ra:

- Cậu Hải đấy à?

- Vâng.

Hải giơ tay vặn ngọn đèn. Áo anh ẩm hơi nước và bàn tay lạnh cóng. Một giọt mưa đọng trên tóc Hải rỏ xuống nắp chiếc ấm tích. Anh đưa tay vuốt bụi mưa bám trên đầu, rồi ngồi thần mặt xuống mép giường đăm đăm nhìn ngọn đèn dầu. Có lẽ thấy Hải ngồi ngẩn như thế lâu lắm nên bà cai Ngân mới ngạc nhiên hỏi:

- Gì mà buồn thế cậu Hải?

- Không ạ.

- Vậy nằm ngủ đi chứ, sao lại ngồi thần mặt ra thế! Cậu nhớ cài cửa cẩn thận hộ nhé!

- Vâng.

Hải vẫn cứ ngồi lặng nhìn đèn, không buồn nhúc nhích. Óc anh hoang mang cùng với những cảm giác bâng khuâng.

Bà cai Ngân dặn Hải xong, yên trí quay mặt vào vách:

- Tôi ngủ đây.

Hải chưa muốn ngủ. Anh muốn thức vò võ như thế thâu đêm để nghĩ tới Thu. Giá có ai ngồi với anh nói truyện về Thu thì hay quá. Bởi thế Hải gọi vào phía giường trong:

- Bà cai này!

- Hả?

Hải nghĩ rằng : nếu cái tin Thu sắp lấy thầy giáo Quý được người ta thì thào ngoài chợ, chắc thế nào bà cai cũng biết. Làm ra bộ thản nhiên, anh hỏi:

- Bà có biết gì về vụ cô Thu không?

Bà cai hỏi lại:

- Có. Làm sao?

Hải ấp úng:

- Tôi nghe có người nói cô ta sắp lấy chồng.

- Phải!

Ngọn đèn trước mắt Hải hình như loe ra thành năm sáu ngọn. Anh vuốt tay lên mặt cố lấy vẻ bình tĩnh:

- Lấy ai thế bà?

- Thế ra cậu chưa biết gì ư? Ông Trùm chưa khoe với cậu?

- Chưa ạ.

- Cô ấy sắp lấy thày giáo trường ta đấy!

Thôi, cái tin ấy như thế là đích xác rồi, không còn phải hoài nghi gì nữa. Hải còn cố gặng:

- Ai nói với bà thế?

Bà cai quả quyết:

- Chính bà Trùm chứ ai. Đâu như thày giáo nhòm con Liên con ông Trương Bát trước. Nhưng không hiểu tại sao cô ta không nhận, nên thày giáo mới lại hỏi cô Thu.

Lòng Hải bào hao như có lửa đốt:

- Vậy cô Thu bằng lòng chứ bà?

- Ông bà Trùm rất bằng lòng, và khi hỏi ý cô Thu thì cô ta lặng yên!

Bà cai cất tiếng cười ranh mãnh:

- Lặng yên tức là bằng lòng rồi chứ còn gì. Cô con gái nào chả vậy!

Hải không biết hỏi gì hơn nữa, đưa hai tay lên ôm đầu.

Bà cai pha trò tiếp:

- Chả nhẽ lại xoắn xuýt ngay rằng: "vâng con bằng lòng!" Chẳng lấy thầy giáo còn lấy ai hơn nữa! Kể thầy giáo cũng tinh đấy chứ. Mới đến được ít lâu, có hai đám khá nhất đã để ý đến ngay. Giai xóm này chả anh nào tinh bằng thầy ta!

Hải thở dài không đáp. Bà cai thêm câu nữa làm anh ngẩn ngơ:

- Tôi chỉ tiếc thay cho cậu. Giá cậu cứ nghe tôi, hỏi ngay từ trước có phải là...

Hải tiếc thật. Nhưng nào anh có ngờ việc xẩy ra như thế! Bà cai Ngân không rõ tâm trạng của Hải, song bà cũng chép miệng, kết luận:

- Vợ chồng là duyên số cả đấy cậu ạ.

Hải lững lờ đáp:

- Vâng!

Giọng anh buồn ngao ngán, vì lúc ấy anh thực hết hy vọng!

__________________________________________________________________ 
Xem tiếp CHƯƠNG XI, XII XIII, XIV

Không có nhận xét nào:

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>