Ngày
xưa có một chú bé tên là Dương. Dương muốn sau này sẽ trở thành cảnh
sát công lộ. Nhưng cảnh sát công lộ thì phải có những bộ chân rắn chắc
để khỏi bị cứng nhắc vì băng giá trong mùa đông. Chú bé Dương của chúng
ta lại chẳng có gì là vững chắc cả bởi lẽ chú không chịu ăn cá.
Một
hôm trong lúc phồng mồm trợn má để thổi phù phù vào ngón tay cái vừa bị
đau, chú bé bị lạnh rồi ho rũ rượi mãi khiến cho ba bé sợ hãi vội vã vồ
lấy máy điện thoại để gọi cho ông bác sĩ Mai mời ông đến khám ngay cho
bé. Bác sĩ bắt bé uống thuốc.
Một
lần khác bé ngồi đọc một cuốn sách hình, nhưng vì vội vã muốn xem cho
nhanh nên giở thực nhanh những trang giấy trong cuốn sách đó và bị lạnh
luôn, mũi bị ngạt không thể thở được làm cho ba bé cuống cuồng vội gọi
ngay cho ông bác sĩ Mai và ông này lại bắt bé uống thuốc.
Một
hôm khác bé Dương sửa soạn đến chơi nhà bà ngoại, cô bé đem cho bé một
gói kẹo bạc hà. Loại kẹo bạc hà này ăn vào miệng thường làm cho miệng
lạnh đi. Đáng lẽ cô bé phải nghĩ rằng Dương hay bị lạnh lắm mà mua cho
bé thứ kẹo gì làm nóng miệng hơn là làm lạnh thì mới phải, nhưng bà ta
nghĩ vơ vẩn ở đâu chẳng để ý gì hết, vì thế nên thay vì mua kẹo có kem
cho bé thì lại mua kẹo bạc hà.
Dương
cho một cái kẹo vào mồm, không ngờ kẹo lạnh quá nên từ miệng Dương phát
ra một luồng gió mạnh và lạnh đến nỗi hai tai Dương ù ù như có gió thổi
và giấy má trong phòng bay tứ tung khiến cho má và cô Dương phải giữ
lấy vạt áo cho khỏi bay tung lên.
Trong
miệng mà có gió to như thế thì làm sao cho khỏi bị lạnh được và quả
nhiên Dương bị lạnh thực. Lần này bịnh có vẻ nặng hơn hai lần trước nên
ba bé vội vã quay số gọi điện thoại cho bác sĩ Mai nhưng vì lo lắng và
lơ đãng nên thay vì gọi số 12345 là số của bác sĩ Mai, ba Dương lại quay
số 12346. Cho nên khi có người mở cửa vào phòng tưởng là bác sĩ Mai,
nhưng không phải, kẻ mới vào là một anh Cá voi.
Ba bé hỏi: "Thưa ông vào nhà tôi có việc gì vậy?"
- Ông vừa gọi dây nói gọi tôi phải không? Số của tôi là 12346. – Cá voi nói.
- Thưa ông chắc là tôi gọi nhầm số rồi. Xin lỗi ông nhé. Tôi định gọi cho bác sĩ Mai vì cháu Dương bị sưng cuống họng.
-
Không sao hết. May quá về bịnh sưng cuống họng thì tôi thạo lắm. Xin
ông cứ để cho tôi xem em bé.
Nói xong Cá voi bước vào trong phòng.
- Chào chú bé, nào chú há miệng ra nói chữ A cho ta xem nào.
Bé
Dương há miệng kêu A. Cá voi nhìn vào cuống họng bé rồi nói: "Đúng là
sưng xuống họng rồi. Phải mua thuốc cho em bé súc miệng và cho em uống
si rô đường. Nhà có si rô không?"
Má Dương vội chạy xuống bếp lấy si rô làm y như làm theo lệnh của bác sĩ Mai vậy.
Nhưng bà cô Dương không bằng lòng. Bà nói:
- Anh chàng Cá voi này lạ hoắc chẳng ai biết tên tuổi gì cả thì làm sao chữa được bịnh sưng cuống họng cho bé Dương.
Ba
Dương vào phòng hỏi Cá voi: "Làm sao ông biết được đó là bịnh sưng
cuống họng trong khi ông không phải là bác sĩ? Ông chỉ là một ông Cá voi
như mọi ông Cá voi khác thôi mà."
Cá
voi hỏi lại: "Sao ông biết là tôi không biết. Ông thì cũng chỉ là một
người cha như mọi người cha khác thôi chứ gì. Tôi biết rõ bịnh này lắm.
Dạo còn bé tôi cũng ốm yếu lắm: chỉ hơi ít tí là bị bệnh đau cuống họng
liền. May quá là dạo này tôi khỏe lắm rồi chả còn bịnh tật gì nữa. Ông
có biết tại sao không? Có gì đâu, tôi sống mãi ở những miền biển lạnh
giá nên quen đi. Rồi tôi ăn rất nhiều cá và uống nhiều dầu cá thu. Ông
thử nhìn tôi xem. Ông không tin là tôi lại có thể khỏe mạnh thế này hả.
Tôi dài ba mươi chín thước. Bé Dương phải súc miệng đi rồi tôi sẽ chỉ
dẫn những điều phải theo.
- Được rồi, cho bé Dương súc miệng đi, có lẽ ông Cá voi nói đúng. – Ba Dương nói.
Nhưng
bé Dương chẳng biết súc miệng là thế nào. Cá voi phải dạy cho bé Dương
làm theo mình. Nhưng ngặt một nỗi miệng Cá voi lớn quá: cho vào đủ thứ
mà vẫn không vừa, nào xà bông, nào khăn tay, nào cả cái máy điện thoại,
cả cái giường to lớn, cả cái bếp điện, cả cái lò sưởi nhỏ, luôn cả máy
thu thanh và cuốn truyện bằng hình nữa. Nghĩa là tất cả mọi thứ Cá voi
đều ngốn hết. Nhưng rồi Cá voi khà khà một chút xong lại phun ra hết.
Dương cũng bắt chước làm theo. Hai người làm trong một lúc thì Dương
khỏi hẳn bịnh. Ba má Dương mừng lắm cám ơn Cá voi rối rít:
- Bé Dương khỏi. Xin cám ơn ông Cá voi. Xin mời ông trở lại nhà, còn chúng tôi xin về thăm bà ngoại cháu.
- Đâu có được. Bé Dương tuy khỏi bịnh sưng phổi rồi, nhưng chưa được cứng dắn lắm vì không chịu ăn cá và uống dầu cá thu.
-
Thế ả. Thế thì phiền ông ở lại đây trông cho cháu ăn cá và uống dầu cá
thu. Chúng tôi xin đi viếng bà ngoại cháu. Chắc khi về cháu sẽ khỏe
mạnh cứng dắn hơn bây giờ.
Lúc ba má Dương đi rồi Cá voi liền đổ đầy nước lạnh vào chậu rửa mặt rồi bảo Dương: "Nào mình bắt đầu. Em lấy khăn rửa mặt đi."
-
Nước lạnh quá thế này thì làm sao rửa được. – Nói xong Dương tháo cho
nước chẩy hết đi. – Ông Cá voi ơi, làm sao rửa mặt được vì trong chậu
làm gì có nước.
- Lạ nhỉ, nước đâu hết rồi? – Cá voi lại đổ nước vào đầy chậu.
Dương lại tháo nước rồi nói: "Làm gì có nước mà rửa."
- Thế này thì lạ thực, nước đi đâu hết rồi. – Rồi lại đổ đầy.
Dương lại cầm chiếc bọt biển hút hết nước trong chậu. Chú bé nhủ thầm: "Xem nào, xem trong hai người ai chịu thua ai nào."
Bọt
biển lúc đó đầy nước. Cá voi bối rối tự hỏi: "Không biết nước biến đâu
mất rồi." Rồi cá lại đổ đầy nước và Dương lại hút hết vào trong bọt
biển. Mãi sau Cá voi mệt quá không còn đủ sức đổ nước vào chậu được nữa.
Cá nói:
- Thôi mệt quá rồi, phải ngồi nghỉ một chút.
Nói
xong Cá ngồi phịch xuống ghế. Không ngờ cái bọt biển đầy nước để trên
ghế bị Cá ngồi phải vọt hết nước ra và làm ngập hết cả gian phòng, biến
gian phòng thành cái hồ nhỏ. Cá voi phải bơi lõm bõm trong hồ nước đó và
đặt Dương ngồi trong miệng mình, sợ thằng bé chết đuối. Cá voi lầu
nhầu: "Bé hư quá. Phòng đầy nước lạnh như thế này thế nào bé cũng bị
lạnh thôi. Thôi chui vào trong cho nó ấm." Và Cá voi khép miệng lại.
Dương chẳng thấy khó chịu chút nào, vì trong miệng Cá voi có đủ thứ như
bên ngoài: nào giường, nào máy ra đi ô, nào lò sưởi, nào khăn tay, nào
xà bông, nào cuốn sách hình, thành ra bé có cảm tưởng như ngồi trong
phòng mình vậy. Bé an tâm ngồi đọc sách. Đột nhiên có tiếng chuông điện
thoại reo vang. Thì ra Cá voi gọi vào: "Dương đấy hả? Có đói không? Nếu
đói thì mở tủ lạnh ra, trong đó có cá và dầu cá thu đó, lấy ra mà ăn và
uống đi." – "Cám ơn ông Cá voi. Em chưa đói." – "Được rồi. Không sao
hết. Khi nào đói cứ việc ăn nhé. Bây giờ thì đi ngủ đi, sáng mai ta sẽ
dạy em bơi nhé."
Sáng
hôm sau, Cá mở miệng thực to rồi ngụp xuống nước. Nước tràn vào trong
miệng. Dương vẫy vùng trong nước và rú lên: "Sao nước lạnh quá thế này?
Nhưng không sao." Nói xong bé lấy khăn lau mình thật khô. Bụng đói. Bé
lấy cá và dầu cá thu trong tủ lạnh ra ăn và uống. Ăn uống vài ngày như
thế bé đâm quen thấy ngon lắm. Bây giờ thì bé không sợ nước lạnh nữa. Bé
đã dám tắm ngay dưới cái hoa sen làm bằng miệng Cá voi nữa.
Thế
là bé đã trở thành một chú bé khỏe mạnh khác thường, cao hơn trước đến
cả một cái đầu, nặng hơn trước gấp hai lần, không còn sợ nước lạnh, gió
rét nữa. Vì ăn nhiều cá nên xương cốt dắn chắc, làm toàn bằng chất lân
tinh, tỏa tia sáng óng ánh.
Một hôm Cá voi bảo Dương: "Bé Dương này, hôm nay chúng mình đến nhà bà ngoại chơi đi. Tập tành thế là đủ rồi."
Thế là họ rủ nhau bơi đến tận nhà bà ngoại. Mọi người nhìn bé và há hốc mồm vì trông thấy thằng bé lạ hoắc:
- Đây đâu phải là bé Dương. Bé Dương ốm yếu trông như cây sậy kia mà.
Cả
ba má, bà ngoại và bà cô đều lắc đầu quầy quậy không nhận ra cái thằng
bé gầy gò ốm yếu xưa kia mà bây giờ trông khỏe mạnh thế. Dương nói:
- Chính con đây mà. Con khỏe mạnh lắm rồi, không ốm yếu như ngày xưa nữa đâu.
Bà cô cười: "Bây giờ cô muốn cho con ăn kẹo bạc hà nhưng thôi nhỡ lại bị lạnh lại thì khốn."
Bé
Dương cười ha hả, vồ lấy gói kẹo bạc hà ăn luôn năm cái liền rồi há
miệng ra. Bà cô bay tuốt lên trời mãi mười lăm hôm sau mới xuống được.
Bé
Dương cảm tạ Cá voi, và hai bên từ biệt nhau. Sau đó Dương trở thành
Cảnh sát công lộ. Chân Dương không còn bị sưng lên và lạnh nữa dù trời
lạnh đến nỗi hồ ao, sông ngòi đều đóng băng. Chân Dương còn nhiều chất
lân tinh đến nỗi ban đêm ánh sáng tỏa ra sáng loáng cả một góc phố, các
người lái xe hơi thấy thế thích lắm vì đến đó không cần bật đèn xe nữa.
Ai cũng khoái Dương hết, hỏi thăm nhau để biết tên Dương. Mỗi khu đi qua
mặt Dương trong lúc Dương điều khiển xe cộ đi lại, họ đều cất tiếng
chào: "Chào anh Dương!"
NGUYỄN XUÂN HIẾU
(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 36, ra ngày 30-4-1972)
Không có nhận xét nào:
Không cho phép có nhận xét mới.