Thứ Tư, 19 tháng 5, 2021

CHƯƠNG V, VI, VII_XÓM GIÁO

 
V
 
 
Gần trở về chiều bỗng nhiên nổi gió heo may. Hơi gió bảng lảng kéo vào trong xóm đem theo cả khí lạnh của mùa đông. 

Hải ngồi trong nhà nhìn ra ngoài trời. Ánh nắng tàn úa sớm hơn mọi hôm, ửng tím trên nền trời mờ sương. Anh lẩm bẩm:

- Trời bắt đầu trở rét, và cũng sắp tối rồi đây.

Hôm nay Hải không sang bãi, Còn việc xây ngôi trường học vẫn tuần tự tiến hành. Nhưng đặc biệt ông Trùm muốn anh em hôm nay nghỉ việc, để có thì giờ đi dự tam-nhật, khai mạc năm Thánh Mẫu bên nhà thờ xứ. Năm nay là năm kính riêng Đức Mẹ. Nhà xứ có tổ chức nhiều việc đạo đức để dục lòng sốt mến của mọi người. Tuần tam-nhật khai mạc là để sửa soạn cho một buổi lễ trọng và tiếp theo sẽ có một cuộc rước kiệu Đức Mẹ chung cho cả hàng xứ.

Dân Xóm Giáo mới nhạt ánh mặt trời đã thu dọn công việc để sửa soạn ra đi. Tiếng người nhớn gọi trẻ ơi ới, hòa lẫn với tiếng guốc của các cô thiếu nữ gõ lóc cóc vang trên mặt đường gạch.

Một hồi chuông róng rả ngân vang trong không trung. Tiếng chuông bay từ đỉnh tháp nhà thờ xứ ra nghe như nương theo áng mây chiều mà tản mác đi khắp chốn. Người công giáo nghe tiếng chuông êm đềm thúc dục đó, không thể nào không nghĩ đến phận việc thiêng liêng phải làm.

Hải đi vào trong sân, múc nước trong vại ra chậu thau rửa mặt. Anh chải đầu, mặc áo rồi khép cửa ra đường. Từ nhà, anh bước nhanh qua khu nhà nguyện. Đến quãng rẽ qua cửa nhà ông Trùm, anh đi chậm chân lại, cố ý ghé mắt nhìn vào.

Thu chắc đã đi rồi. Cả thằng Bảo cũng vậy. Giá Bảo chưa đi, anh sẽ rủ nó cùng đi. Nó còn nhỏ chưa đáng làm bạn tri kỷ với anh. Nhưng nó là em Thu thì giữa nó với Thu cũng có một chút gì liên lạc. Nói truyện với nó Hải thấy như được nói với Thu, hay có chiều chuộng nó thì cũng thấy thu thú vì được chiều đứa em của người mình yêu. Từ hôm ngồi ăn cơm, bà cai Ngân vô tình gợi truyện vợ con ra nói, và hỏi đùa xem Hải bằng lòng đám nào để bà hỏi hộ, thì Hải đâm ra tơ tưởng nhiều về Thu. Mối tình của anh xưa kia còn thầm kín, mơ hồ, bỗng nhiên nảy nở mãnh liệt. Nó như một trái cây xanh trải đủ thời tiết đã đến thời kỳ ửng chín.

Trước kia, Hải coi Thu cũng chỉ như mọi thiếu nữ khác. Xóm nhỏ có được một dúm người nên dân xóm đều quen mặt thuộc tên nhau. Thanh niên thiếu nữ gặp nhau thường vẫn chào hỏi, truyện trò một cách thẳng thắn và thân mật. Hải và Thu cũng thế. Mới đầu tự nhiên như anh em trong một đại gia đình. Dần dần, theo với tình cảm nảy nở trong lòng, Hải đâm ra rụt rè ngượng ngập. Cùng với sự biến đổi ấy, hình ảnh của Thu trước con mắt tình cảm của anh cũng biến đổi đi. Nhan sắc của Thu chỉ thường thôi. Không sắc sảo bằng Thảo, em Phong. Cũng không mặn mà như Liên, con ông Trương Bát. Ấy thế mà đối với Hải thì nàng đẹp hơn cả. Mới đầu còn đẹp vừa vừa. Sau thì đẹp quá. Đẹp đến quên ăn, mất ngủ đi được.

Bây giờ chẳng lúc nào Hải ngơi nghỉ đến Thu. Hồ nhắm mắt lại, hồ mở mắt ra, anh đều thấy hình bóng Thu luẩn quất ở bên cạnh. Thu như một bông hoa trong trắng, hương thơm ngan ngát, vương vấn trong hồn trí anh. Thứ hương trinh khiết đó làm anh say mê mà cũng làm anh phấn khởi. Anh muốn được ướp thứ hương màu nhiệm đó trong lòng, để đời anh thêm tươi thắm và thêm thanh thú.

Ít lâu nay lối đi qua nhà ông Trùm là lối quen thuộc nhẵn gót chân đi của Hải. Ngày nào anh cũng phải kiếm cớ đi qua vài ba lượt để được nhác thấy bóng Thu. Hôm nào không được thấy Thu, lòng anh rã rượi buồn tênh.

Hải đi qua nhìn vào chỉ thấy ông Trùm ngồi sau quầy thuốc hí húi biên chép. Sợ ông Trùm nhìn ra bắt gặp, anh rảo bước đi thẳng.

Sang đến nhà thờ, giờ chầu buổi chiều đã bắt đầu. Người hàng xứ chiều nay kéo đến ngồi đông chật cả hai bên hàng ghế và đứng đầy ngoài cửa. Tan giờ chầu Hải còn nán lại. Nhiều người ở xa sợ tối đã ra bề. Ghế trong nhà thờ đã vợi bớt người, Hải tìm một chỗ vắng đến quỳ gối cầu nguyện. 

Ngoài trời bóng tối dâng lên tràn ngập. Ánh đèn nến trong nhà thờ tỏa ra một làn sáng huyền ảo giữa bóng tối của chiều hôm. Những bổn đạo ở lại trong nhà thờ quỳ gối im lặng lầm rầm đọc kinh.
 
Giữa cảnh tôn nghiêm, trầm tĩnh đó lòng Hải lắng lại, thông suốt, nghe rõ cả những tiếng nói thầm kín của nội tâm.
 
Lòng Hải nổi lên những nguyện vọng, những ước ao, mà Hải đặt hết tin cậy vào quyền phép thiêng liêng và sự phù trì của Chúa và Đức Mẹ.
 
Anh nghĩ đến cha mẹ, anh em của anh không biết hiện nay còn lưu lạc phương nào. Hai thân da mồi tóc bạc, liệu lúc này sống thác ra sao, và lấy ai là người sớm khuya phụng dưỡng.
 
Hải một mình lạc lõng, mà hóa ra yên thân ở Xóm Giáo thấm thoát đã được mấy năm. Nhờ những hoạt động vô vị lợi, có tính cách tông đồ, mà anh được dân xóm đem lòng mộ mến. Anh ước ao giá cha mẹ anh biết anh ở đây, trở về sum họp quây quần một chỗ thì thực vui vẻ sung sướng biết bao. Ông Trùm vẫn hỏi thăm, ai nấy nếu thấy cha mẹ anh song toàn trở về chắc cũng mừng thay.
 
Rồi thì anh sẽ lập nghiệp vĩnh viễn ở đây, sẽ dự vào tất cả những tổ chức canh tân kiến thiết cho cái xóm nhỏ này trở nên phong quang sầm uất. Xóm này đất lành người hiền, cuộc sống rất dễ chịu, vì đầy tình tương thân tương ái.
 
Hải tự đặt mình là một phần tử của Xóm Giáo, coi Xóm Giáo như quê hương của mình. Qua bao nhiêu năm tháng, từ quang cảnh điêu tàn, tường xiêu, cỏ mọc, cho đến bộ mặt vui vẻ ngày nay, Hải đã theo dõi cuộc hưng thịnh của xóm với tấm lòng người thanh niên ham sống, muốn sống lành và sống mạnh trong sự xây dựng. Anh hy vọng Xóm Giáo còn tiến nhiều hơn nữa, xứng đáng là một xóm hoàn toàn công giáo, có nhiều thuần phong mỹ tục, với đủ mọi tiện nghi về vật chất lẫn tinh thần. Ước vọng của anh đôi khi không tránh khỏi sự dèm pha khích bác của ít nhiều người khác, và gây nên những cuộc bàn cãi sôi nổi. Nhưng được ông Trùm đương thứ là người thức thời, được anh em thanh niên là những người hăng hái, nên công việc vẫn cứ thực hiện được dần dần. Mình Hải không thể làm gì được. Có thành công được việc gì là nhờ ở thiện chí và lòng sốt sắng hy sinh của tất cả mọi người. Cả một xóm hưởng ứng, góp gió phải thành bão. Công việc xây ngôi trường học chỉ mới là bước đầu thử thách của chương trình kiến tạo.
 
Sau nữa, Hải cũng không quên nghĩ đến tương lai của chính mình. Đã tính lập nghiệp lâu dài, tất phải có tính đến việc lập gia đình nữa. Bởi gia đình là căn bản cho một cuộc sống trường tồn.
 
Vậy thì, Hải sẽ có một gia - đình, có một căn nhà nho nhỏ, ở giữa Xóm Giáo vui vẻ nầy. Mà sao Hải lại mong ước điều ấy nhỉ? Tại sao anh muốn xây dựng gia đình ở Xóm Giáo? Phải chăng đó là vì Thu?
 
Đích hẳn là vì Thu rồi. Vì người thiếu nữ đoan chính mà Hải nghĩ tới chỉ là Thu. Nàng sẽ là người nội trợ hiền thục của anh, người bạn đường dịu dàng chung thuận của anh vậy.
 
Hải ước mong như thế như thiên mệnh nhiệm mầu, chưa biết sẽ định liệu ra sao. Anh ngước mắt nhìn lên bàn thờ rồi cúi đầu xuống, kính cẩn thu hết tâm trí lại, để dâng lên những lời cầu xin tha thiết. Đoạn anh hướng mắt nhìn sang bàn thờ Đức Mẹ, có ý xin nhờ sự bầu cử, dẫn dắt của người. Bỗng Hải nhận ra một bóng dáng quen thuộc đương quỳ gối ngay trước bàn thờ Đức Mẹ. Từ chỗ Hải nhìn chếch sang nom không rõ được cả người, song anh cũng nhận ra người ấy là Thu.
 
Cô thiếu nữ đơn sơ mộc mạc của Xóm Giáo không ngờ dã làm xiêu động lòng Hải. Anh chàng không nom thấy gì nữa. Những hình ảnh khác trong nhà thờ đều mờ đi, trừ có bóng dáng Thu sáng lên dưới ánh nến của bàn thờ Đức Mẹ. Trên bàn thờ, tượng Đức Mẹ hình như đưa đôi mắt hiền từ nhìn xuống mái tóc của Thu. Nàng cúi đầu dưới đôi mắt dịu hiền ấy, đương lẩm bẩm cầu xin. Ôi, giá Hải được biết Thu đương cầu xin sự gì cùng Đức Mẹ? Chẳng biết Thu có ước mong như anh đã ước mong và kêu xin những lời anh đương muốn kêu xin không nhỉ.
 
Nhìn Thu, Hải lại nhìn lên Đức Mẹ. Anh muốn nói với Đức Mẹ rằng:
 
- Mẹ ơi, người thiếu nữ đương quỳ trước bàn thờ Mẹ kia chính là người con yêu mến. Con xin Mẹ chứng dám mối tình của con và tác thành cho mối lương duyên giữa con với nàng...
 
Tiếng nói của lòng ấy vừa gợn lên xong thì Hải lặng người lại. Anh chợt thấy những ý nghĩ của anh phàm tục quá, và cảm như người con nhầm lỗi có những ý tưởng bất chính làm cho cha mẹ buồn lòng. Phải, sao lại dám kêu cầu đến một truyện tình duyên ở trước nhan thánh tôn nghiêm thế được?
 
Hải đưa mắt nhìn từ bàn thờ Mẹ, sang bàn thờ Chúa, rồi lại nhìn từ bàn thờ Chúa sang bàn thờ Mẹ.
 
Chúa gục đầu trên Thánh giá chịu đựng một sự đau đớn vô biên. Sự đau đớn của Chúa làm Hải nhủn lòng không dám có một ý nghĩ gì hơn ngoài sự cúi đầu thờ lạy.
 
Đức Mẹ vẫn nhìn xuống, dịu hiền. Hình như cả trong sự đau khổ, lẫn trong niềm hân hoan, đôi mắt Đức Mẹ vẫn dịu hiền như thế. Tâm trạng của loài người dù ở hoàn cảnh nào, nhìn vẻ từ bi vô đối của Đức Mẹ cũng vẫn nhận được sự bình yên thanh thoát trong lòng.
 
Thu vẫn quỳ dưới ánh nến.
 
Hải không dám đọng tia mắt vào chỗ ấy nữa, sợ lại có những ý nghĩ đắm đuối vẩn động tâm hồn. Anh nhắm mắt lại cố cầm trí đọc mấy kinh rồi trở gót lui ra.
 
Ngoài trời, gió heo may nổi lên mỗi lúc một mạnh. Những cánh lá rụng, bay lệt xệt trên mặt đất. Khí lạnh thấm vào hơi sương phủ mờ những ngọn đèn điện lắc lư trên hàng cột bên đường.
 
Hải theo đường về Xóm Giáo. Anh đi thong thả, đầu cúi nhìn mặt đường, như người đang mải suy nghĩ. Lòng Hải tơi bời, xáo động. Chưa bao giờ anh bồn chồn thắc mắc như thế, vì rằng cũng chưa bao giờ Hải đã yêu.
 
Hỏi rằng sao Hải lại yêu Thu thì quả thực điều ấy anh không thể nào giải đáp được. Thứ tình cảm ấy, thấm nhập dần vào lòng anh như một thứ hương thơm chứ không phải do những cảm giác rạo rực của xác thịt mà có.
 
Yêu Thu, Hải nghĩ đến xây dựng hạnh phúc. Thứ tình yêu ấy không có gì đáng coi là bất chính cả. Tình yêu chẳng phải là một điều ai cũng phải có để đạt tới hạnh phúc đó sao. Nếu tình yêu được đặt đúng chỗ, hợp đạo lý thì không còn là một tội lỗi như khi nãy ngồi trong nhà thờ Hải đã nhầm tưởng và sợ sệt. Lúc ấy chỉ vì Hải nhận biết Chúa và Đức Mẹ cũng có biểu lộ tình yêu. Nhưng tình yêu của hai đấng là thứ tình yêu siêu phàm linh diệu quá. Không thể và không dám để lẫn tình cảm phàm tục vào được. Bây giờ ở giữa đường phố Hải có thể để mặc cho tình cảm chân thành ấy nói lên trong lòng mình. Anh chỉ muốn biết đối với mối tình của anh, Thu sẽ nghĩ như thế nào?
 
Nghĩ thế nào? Thì anh phải nói ra chứ! Ồ, mà nói thế nào đây? Nói rằng:
 
- Cô Thu ơi, tôi...
 
Hải mỉm cười nghĩ thầm:
 
- Nói như trai gái tỏ tình với nhau trong tiểu thuyết thì mình chịu chẳng có gan nói. Mà chắc Thu sẽ ngượng lắm. Chả chắc nàng trả lời. Có khi còn tưởng nhầm mình có ý lả lơi mà cự tuyệt nữa.
 
Vậy biết nói thế nào cho được? Nói sao thì nói, chứ cứ để canh cánh bên lòng thế này thì còn làm ăn gì được.
 
Hải cứ luẩn quẩn với cái ý bộc lộ lòng mình ra với Thu mà không sao tìm nổi câu nói cho gọn.
 
Ấy là Thu không có trước mặt anh. Chứ nếu có nàng bên cạnh, dễ thường anh chẳng nói được câu gì nên hồn, đành ngậm miệng mà chịu.
 
Khỏi phố đông đã đến chỗ rẽ vào ngõ xóm, Hải dừng chân lại cho mắt quen với bóng tối. Ngõ hút thăm thẳm vào phía trong, vách nhà hai bên dựng đứng như hai bức tường thành để lọt lối đi ở giữa. Đường xóm không có đèn điện tối mò mò. Một ngọn điện đứng ngoài đầu ngõ, chí chiếu vát được một vệt vào trong - Ánh sáng và bóng tối tiếp giáp nhau cắt chéo ngang đầu ngõ.
 
Hải vừa bước từ ngoài ánh sáng đèn vào trong bóng tối, thì có tiếng guốc ngừng sau lưng, và tiếng nói trong trẻo:
 
- Trời tối quá!
 
Tự nhiên, tim Hải nhảy mạnh trong lồng ngực... Anh nhận ra tiếng nói ấy là của Thu và anh xoay lưng lại. Thu còn đứng bên ngoài ánh sáng lưỡng lự chưa định đi vào. Cô cần nhìn quen bóng tối một lát mới đi được. Đường ngõ đi đã quen rồi, thuộc cả từng mặt hòn gạch vỡ, nên dù đi mò trong tối cũng biết quãng nào gồ ghề phải tránh cho khỏi vấp. Chừng Thu cũng mới bên nhà thờ về, chưa quen với bóng tối trong ngõ.
 
Hải buột miệng kêu:
 
- Cô Thu!
 
Thốt ra xong, Hải vội bịt miệng như muốn lấy lại lời nói mà không kịp. Thu đã nhớn nhác nhìn vào.
 
- Ai thế? Anh Minh phải không? Gớm tối quá anh ạ. Có cái đèn ngoài đầu ngõ, làm phía trong càng tối thêm. Anh đi trước đi cho tôi đi theo với. 
 
Hải bối rối, lúng túng, nhưng cũng ấp úng trả lời:
 
- Không... Tôi đây cô Thu ạ... Tôi là Hải!
 
Thu hơi sửng sốt vì thấy mình nhầm.
 
- À, anh Hải!
 
Rồi Thu lặng lẽ đi, không vui truyện như khi nãy còn tưởng Hải là Minh. Đó là tính e lệ tự nhiên khiến Thu phải giữ gìn ý tứ đối với Hải. Cô không có tình ý gì đâu. Nhưng Hải là một thanh niên được nhiều người nhắc nhở đến trong xó, lại có chức việc bên thanh niên như Thu đứng bên thiếu nữ. Hai anh chị thường được nhiều người vui miệng đem chuyện nhân duyên ra gán ghép. Kể cũng tốt đôi thực đấy. Song việc vợ chồng không thể là câu truyện đùa. Thu cũng hiểu như vậy và cô mất tự nhiên khi đứng trước mặt Hải, không dám có những lời lẽ quá hồn như với người khác.
 
Sự e dè kín đáo của Thu làm Hải càng áy náy hơn... Anh đi trước nàng vài bước, trống ngực đập theo nhịp guốc của Thu gõ nhẹ trên mặt đường. Anh có cảm giác rợn buồn khắp người, thân thể nhẹ bỗng, chân như bước hụt trên mặt đất. Hải muốn phá tan cái cảm giác ấy đi, định tìm một câu gì để nói, vừa để trấn tĩnh lòng anh lại, vừa để phá tan cái im lặng nặng nề giữa hai người. Anh chậm chân chờ tiếng guốc của Thu tới gần.

- Cô Thu...

- Dạ!

Hải bụng bảo dạ : nói đi, nói cho Thu hiểu rõ ẩn tình của mình đi chứ! Lúc này không nói còn chờ đến lúc nào? Anh hắng giọng:

- Cô Thu ạ... Trời tối quá nhỉ!

Thôi, thế là hỏng mất rồi. Hải vẫn chưa có gan nói ra. Thu đáp:

- Vâng.

Hải thở dài. Tiếng guốc của Thu ngừng lại. Vì Hải đi chậm quá. Anh vẫn lúng túng muốn nói mà chưa biết nói thế nào. Văng vẳng có tiếng lao xao trong xóm lọt ra. Quãng đường được đi cùng Thu sắp hết. Đã gần vào tới xóm rồi. Làm thế nào đây? Hải cuống lên, hắng giọng lên lần nữa. À, anh đã tìm ra câu nói rồi. Anh định nói rằng:

- Cô Thu ơi, giá lòng tôi như chiếc bánh, thì tôi sẽ bóc ngay ra cho cô xem để cô hiểu rõ lòng tôi.

Nói được như thế đã là bạo lắm rồi, và được thể, anh sẽ nói nhiều nữa. Nói tất cả dự định về tương lai của anh định xây đắp với Thu. Anh thu hết can đảm lại:

- Cô Thu này...

- Anh bảo gì cơ?

Hải mở miệng sắp nói. Bỗng nhiên từ gáy lên mang tai gai ốc nổi lên như bị ớn lạnh, bao nhiêu ý định toan nói tan biến mất. Hải lại ấp úng nói chệch đi:

- Xây xong ngôi trường học, tôi sẽ bàn với ông Trúm vận động xin mắc đèn vào xóm. Như vậy, buổi tối xóm ta cũng sáng sủa hơn. Không đến nỗi tối tăm như thế này nữa!

Thu lại đáp:

- Vâng.

Và cô thành thực tiếp:

- Nếu xóm ta mắc được đèn điện thì còn gì vui bằng. Mà lợi biết bao công việc.

Hải thẫn thờ đáp:

- Đúng thế.

Anh nghĩ giận mình quá. Có một việc nói với Thu sao anh không nói, lại đem công việc của xóm ra bàn? Cơ hội thuận tiện hôm nay thế là hỏng. Thu vẫn chưa rõ lòng anh, mà quãng đường từ ngõ ngoài vào xóm, sao ngắn ngủi đến thế! Xóm Giáo đã hiện ra, vùng rộng quanh ngôi nhà nguyện. Ánh đèn trong các nhà hắt ra soi rõ những bóng hình quen thuộc. Dăm ba người đang đi lại trên con đường bờ giếng. Những đứa trẻ con nghịch chơi trước cửa nhà. Tiếng reo cười của chúng hòa lẫn với tiếng nói truyện rì rầm, tiếng va chạm lách cách đó đây, họp thành những thứ động âm tạp loạn.

Hải đứng lại để Thu tiến trước.

Anh lững thững theo sau và cả hai đều im lặng. Đến lối rẽ về nhà ông Trùm, Thu quay lại bảo Hải:

- Mời anh vào chơi, chắc thày tôi có nhà.

Hải muốn nghe lời mời của Thu, nhưng lại lắc đầu:

- Thôi, cô để cho hôm khác.

Và anh đứng nhìn Thu trở về nhà, theo rõi bóng nàng bước lên thềm, nổi hình giữa khuôn cửa sáng, rồi khuất vào trong, anh mới rẽ sang lối khác.
 


VI
 

Ba anh em bước ra khỏi nhà nguyện. Trước khi chia tay họ còn đứng lại giữa bãi cỏ, nhìn quanh khắp xóm.

Đêm nay Xóm Giáo treo đèn mừng lễ Chúa Giáng sinh. Trước cửa mỗi nhà đều có một ngọn đèn ngôi sao, cái xanh cái đỏ nhấp nhánh trong màn trời đen tối. Ánh đèn sáng mờ mờ, vì lửa nến dọi qua lần giấy bóng, chiếu thành từng vùng sáng đỏ hoe, xanh rờn hay vàng ửng. Những màu sáng ấy nối lẫn nhau, trộn thành một thứ ánh sáng huyền ảo và biến Xóm Giáo, trong đêm nay, thành một cảnh trí thần tiên.

Cả ở chung quanh ngôi nhà nguyện cũng thế, các ngọn đèn sao lơ lửng trên các vòm cây, rải rác ra bờ giếng, nom như các vì tinh tú trên trời sa xuống, để ngấp nghé nhìn vào cung thánh, xem Chúa Hài Nhi nắm trong máng cỏ.

Máng cỏ của Xóm Giáo vừa được ba anh em Minh, Phong, Hải hoàn thành xong. Đêm nay cũng như mọi năm, Xóm Giáo không có lễ nửa đêm; vì là họ lẻ gần nhà xứ. Mọi người đều có thể sang bên nhà xứ dự lễ được. Nhưng xóm cũng muốn có một máng cỏ riêng, bày cảnh Chúa Cứu Thế ra đời, để trước là cho dân xóm tiện chiêm ngưỡng, sau nữa cho có mầu lễ Giáng Sinh, và cho trẻ con vui thích một chút.

Ba người đưa mắt nhìn quanh một lượt, rồi bất giác nở một nụ cười. Dưới ánh sáng mập mờ không ai nhận rõ nụ cười của ai, nhưng trong óc mỗi người đều có một mối cảm hoài riêng biệt.

Phong lẩm bẩm:

- Đã đến lễ Giáng Sinh rồi! Chóng quá!

Minh quấn lại chiếc khăn len quàng cổ, hai tay đút vào túi áo, đứng co ro, tiếp:

- Chóng thật. Kể từ lễ Giáng Sinh năm nào tôi được dự đầu tiên ở xóm này, đến nay đã là bẩy lần rồi. Bẩy năm qua, biết bao nhiêu biến đổi...

Hải cười nhẹ trong cổ:

- Phải, và Xóm Giáo ngày nay với Xóm Giáo ngày chúng ta mới đến đã khác xưa.

Anh dơ tay khoát một vòng rộng:

- Các anh xem, vui vẻ tưng bừng quá!

Phong thở dài:

- Vui thực. Vậy mà phải bỏ đây đi chỗ khác nghĩ cũng tiếc...

Minh hơi ngạc nhiên về lời nói của Phong:

- Sao anh lại nói truyện bỏ đây đi đâu?

Và anh cười đùa:

- Chẳng phải đi đâu cả, các anh ạ. Tôi nhất định sống ở Xóm Giáo, chết ở Xóm Giáo này thôi. Các anh cứ bắt chước tôi là xong!

Hải cười hóm hỉnh:

- Nghĩa là...

- ... Là tính truyện lập ngay gia đình ở đây. Điều ấy tôi đã nêu gương cho các anh bắt chước. Chỉ còn hai anh nữa thôi. Anh Hải nên tính truyện ấy đi thì vừa...

Minh vừa nói vừa cười nên giá lạnh lọt vào cổ làm anh ho sặc sụa. Ho xong anh hắt hơi liền mấy cái, nước mũi chảy ra phải lấy khăn tay lau. Giọng anh khê đặc:

- Khỉ quá, khéo mình bị cảm rồi. Hôm nay lạnh quá, tôi thấy khó chịu từ chiều.

Hải thân mật:

- Sương đương xuống nhiều, anh nên về nhà nằm nghỉ đi một lát. Liệu nửa đêm có sang dự lễ bên nhà thờ xứ được không?

Minh so vai:

- Được chứ! Quái gì đâu mà sợ. Thôi tôi về đây.

Anh quay đi vẫn còn nói đùa trở lại:

- Nhỡ có ốm đã có thuốc của ông Trùm!

Còn lại Phong và Hải, hai anh em khoác vai nhau lững thững bước sang còn đường bờ giếng. Cả hai đều im lặng đi trong hơi lạnh của đêm đông. Hải nghĩ đến lời Minh vừa nói, đến việc khuyên anh nên lập gia đình ở Xóm Giáo, và nhân chuyện ấy anh nhớ sang lời nói của Phong. Anh hỏi:

- Sao ban nãy anh lại có ý nghĩ phải bỏ Xóm Giáo đi nơi khác?

Phong buồn rầu:

- Nói như thế vì tôi có ý định đi thật anh ạ. Phải bỏ Xóm Giáo, và xa các anh tôi rất tiếc.

Hải dừng chân lại, bóp chặt lấy vai Phong:

- Anh định đi thực à? Sao thế?

Phong cười nhếch mép:

- Vì hoàn cảnh.

Hải lẩm bẩm:

- Hoàn cảnh... Sao lại vì hoàn cảnh? Tôi thấy gia đình anh vui vẻ lắm mà!

- Phải, đấy là bề ngoài thôi. Sự thực gia cảnh tôi rất túng thiếu. Anh không hiểu được là vì thày tôi vẫn khuyên : dù có túng đói đến đâu vẫn phải làm ra vui vẻ, để giấy rách cố giữ lấy lề. Có ở hoàn cảnh chúng tôi anh mới rõ.

Hải cắn chặt môi, cảm động. Bây giờ Hải mới hiểu tình cảnh của bạn. Ý nghĩ phải xa một người bạn như Phong làm anh buồn bã. Anh cố gặng:

- Nhưng ở đây, anh vẫn có việc làm, vẫn kiếm được tiền nuôi sống gia đình...

- Có thế, song sinh kế của tôi eo hẹp lắm. Tôi không muốn ở mãi trong tình trạng này. Tôi cần nghĩ đến tương lai của Thảo, em tôi, và đến tuổi già của thày tôi.

Ngừng một lát, Phong mỉm cười:

- Anh xem, em Thảo tôi còn tiếp tục việc học được, mà vì cái nghèo của chúng tôi phải bỏ dở dang. Tôi cũng thế. Nhưng bây giờ tôi muốn làm việc, kiếm đủ tiền cho Thảo theo học. Thày tôi, tuổi già chưa được yên thân, vẫn phải lo vì thấy chúng tôi chưa có một tương lai chắc chắn.

Đôi bạn dừng chân dưới gốc cây cọ. Hải nhìn Phong:

- Vậy anh định đi đâu?

- Tôi sẽ xuống Hải Phòng. Ở đấy, tôi có người quen hứa tìm cho một việc làm trong sở máy của họ đương làm.

Hải thấy ý định Phong đã rõ rệt. Ý định ấy hợp lý quá, làm anh lặng im không biết nói gì.

Một hơi gió len đến, lay phất phơ mấy tàu lá cọ. Tiếng lá như nói truyện rì rầm với nhau. Cây cọ này đã bao phen chứng kiến những cuộc đổi thay của Xóm Giáo, từng được nghe những giọng nói tiếng cười vô tư của tuổi trẻ, nay lại có dịp được nghe một mẩu truyện tâm tình.

Phong bứt một ngọn lá rủ xuống gần mặt lẩn mẩn cấu nát trong tay, cất tiếng nói tiếp. Giọng anh trở nên đầm ấm:

- Bỏ đây xuống Hải Phòng làm ăn, tôi cũng để lại đây một mối tình nữa. Tôi tưởng có thể nói với anh câu truyện này được, vì anh là bạn thân của tối. Mối tình ấy là mối tình của tôi với Liên.

- Với Liên? Vậy Liên có hiểu anh không?

- Có!

Hải hỏi một câu lẩn thẩn:

- Anh làm thế nào để Liên hiểu bụng anh được?

Phong cười nhẹ nhàng:

- Điều ấy nào có gì khó đâu, vì chúng tôi yêu nhau, thành thực tìm hiểu nhau để mong xây dựng một tương lai vững bền. Vả Liên lại là bạn của Thảo, và em tôi cũng muốn gắn bó cuộc lương duyên tốt lành đó.

- Thế sao anh có thể xa Liên được?

- Phải xa để được gần chứ!

- Tôi không hiểu!

Phong ném những mảnh lá vò nát trong tay.

- Có gì mà anh không hiểu! Vì muốn gần Liên nên tôi mới tạm đi xa để kiếm cho có một bảo đảm vững vàng cho cuộc đời của hai đứa sau này. Khi nào đủ điều kiện, tôi ngỏ nhời với ông Trương Bát, xin cưới Liên làm vợ.

- Tại sao anh không ngỏ ý ấy với ông Trương Bát ngay từ bây giờ?

Phong cười nhìn Hải:

- Chưa vội và cũng chưa nên. Sửa soạn để đón nhận hạnh phúc gia đình, đâu có phải là việc làm hấp tấp. Cần phải có đủ điều kiện cho cả đôi bên. Chúng ta là người Công giáo, hẳn anh cũng hiểu cái quan niệm về hạnh phúc gia đình như thế nào?

Hải thẫn thờ đáp:

- Phải.

Lời nói của Hải buông chìm vào trong tiếng gió lay động lá cây. Cả hai người hình như cùng chờ nghe ý kiến của nhau, nhưng lòng họ rộn ràng quá, nên đều không nói gì nữa.

Tiếng chuông đêm bên nhà thờ xứ đã vẳng lên, nương theo chiều gió bay vào Xóm Giáo. Tiếng chuông thức tỉnh mọi nhà. Loáng thoáng có tiếng người gọi nhau:

- Chuông rồi, sửa soạn đi lễ thì vừa!

Cửa ở các nhà lần lượt kẹt mở. Những bóng người đổ ra, đi dăng dăng trên con đường bờ giếng và kéo nhau ra ngõ. Bóng họ nhuộm dưới ánh đèn mờ ảo trong vừng sáng ngũ sắc.

Phong chia tay Hải:

- Tôi chạy về nhà để đón thày tôi và Thảo đi lễ.

Hải nắm lấy tay bạn:

- Vậy bao giờ anh đi Hải Phòng?

- Độ vài hôm nữa thôi. Tôi không muốn cho ai biết, ngoài anh và anh Minh.

Hải còn muốn hỏi nữa, nhưng Phong đã quay đi:

- Thôi về còn sửa soạn đi lễ chứ. Muộn rồi đấy anh Hải ạ. Hôm nào tính đi tôi sẽ cho anh biết sau...

*

Hải một mình quày quả trở về nhà. Anh rẽ về xem bà Cai Ngân đã đi lễ chưa hay đã ngủ quên mất. Nhân thể anh mặc thêm cái áo cho chững chạc và cho khỏi lạnh. Đi qua cửa nhà ông Trùm anh dỏng tai nghe chứ không dám đứng lại vì chiếc đèn ngôi sao nhà ông do anh làm cho Bảo, to và sáng quá, chiếu đỏ ối cả hiên nhà.

Văng vẳng bên trong có tiếng của Thu nói lọt ra. Nàng đương dục em:

- Mau lên Bảo! Mày cứ chùng chình mãi, bao giờ mới sang tới nơi?

Lời nói ấy cũng như dục cả Hải. Anh đảo về nhà rồi lại trở ra ngay. Lần này đi qua nhà ông Trùm anh chợt nghe có tiếng kẹt cửa. Anh không quay lại, nhưng cố nhận xét bước chân đi. Tiếng guốc tiếng giày pha lộn, làm Hải không nhận được có những ai vừa ra, đi cách sau lưng mình.

Bỗng có tiếng gọi:

- Anh Hải, chờ em mấy.

Bảo chạy lên, mừng rỡ bám lấy tay Hải. Nó lôi cả Thu theo sau, làm cô phảo chạy lẽo đẽo theo nó. Hải chào:

- Bây giờ cô mới đi lễ!

- Vâng.

Thu gắt nhẹ em:

- Chỉ tại thằng này thôi. Khéo muộn mất rồi.

Hải nói đỡ cho Bảo vừa để cho có truyện:

- Hãy còn sớm, chưa muộn đâu. Mới chuông có một lần.

Bảo láu táu:

- Còn những hai lần chuông nữa mới lễ anh nhỉ. Thế mà chị Thu chị ấy cứ dục nhắng lên.

Thu nói trống không:

- Chỉ sợ sang chậm mất hết chỗ. Người đông len chân làm sao được?

Hải đáp:

- Vì sợ đông quá, nên năm nay, Cha xứ mới làm lễ ngoài trời.

- Thế à, đứng ngoài trời thì lạnh chết!

- Lạnh một tý còn hơn phải chen lấn và chết ngốt vì hơi người!
 
Câu truyện vẩn vơ chỉ có thế, kéo dài giữa hai người. Thằng Bảo đi len ở giữa, tung tăng liến láu, làm cả Thu và Hải phải nắm lấy hai bên tay nó. Hình như hai người chỉ lo nó chạy mất thì cái ngượng nghịu sẽ đến và làm cho cả hai bối rối. Thu vì tính e lệ tự nhiên. Còn Hải vì có sẵn mối tình thầm kín trong lòng. Cầm tay Bảo và đi bên cạnh Thu, tự nhiên Hải cảm thấy một mối thân mật dịu dàng. Anh muốn cứ được đi như thế này mãi, và chỉ nói bâng quơ như thế này thôi. Nhưng khỏi ngõ ra đến phố, thì kia, ngọn tháp nhà thờ xứ đã hiện ra, đột ngột trên nền trời.

Quang cảnh bên nhà xứ thật vui. Ngọn tháp nhà thờ chăng đầy bóng điện, lấp lánh từng chuỗi dài. Ánh sáng từ trên cao chiếu xuống, nhấp nhô trên đám người chuyển động. Kẻ đứng người đi, giữa một cảnh an hòa trong sự kính mến. Tất cả, tụ lại trước cửa nhà thờ ngóng đợi giờ Chúa Giáng Sinh. Giữa sự tấp nập mà thành kính đó, Hải và Thu quên cả e dè ngượng ngập. Cả hai mạnh dạn theo sau thằng Bảo, tìm sẵn một chỗ đứng, để lát nữa xem lễ cho rõ.

Tìm được chỗ, Thu kéo Bảo lại gần và đứng cách Hải mấy bước. Hai người không nói truyện với nhau nữa. Hải đứng đấy, gần Thu mà hóa ra xa. Anh có cảm giác mơ hồ như thấy gần hạnh phúc mà cái hạnh phúc đó lại vô hình, như có, như không.

Cũng là tại Hải chưa thổ lộ gì cho Thu hiểu cả. Nàng vẫn coi anh như một người quen cùng xóm, như một người bạn mà thôi. Hải bỗng nhớ đến câu truyện của Phong vừa kể. Anh nghĩ: ừ, tại sao lại không thẳng thắn, và thành thực như Phong đối với Liên? Cứ thử ngay thật mà tỏ ý ra thì đã làm sao. Thôi được, Hải nhất quyết rồi. Đêm nay Hải sẽ nói. Đêm nay là đêm an lạc, đêm các thiên thần ca hát, đêm Chúa giáng trần để mưu hạnh phúc cho nhân loại. Hạnh phúc của Chúa, Chúa ban cho những người ngay lành. Ý muốn xây dựng hạnh phúc của Hải cũng là một ý ngay lành, thì trước hết là cứ ngay thẳng bộc lộ lòng mình ra đã.

Và Hải đã nói thực. Nói ngay lúc tan lễ, trên con đường trở về Xóm Giáo. Lúc ấy Bảo nhảy chân sáo ở giữa đường. Nhác thấy bóng mấy thằng bạn chạy đằng trước nó chạy ùa theo, bỏ mặc Thu với Hải lại sau.

Hải liền bảo:

- Cô Thu!

- Dạ!

- Đã lâu tôi muốn ngỏ ý với cô một điều để xem cô có tán thành hay không...

Thu tưởng Hải hỏi ý kiến mình về việc chung trong xóm nên vui vẻ đáp:

- Vâng, anh cứ cho tôi biết.

Hải chót nói rồi, đành thẳng một mạch:

- Tôi muốn nhờ người đến thưa với ông bà Trùm để... xin cô. Nhưng trước khi ngỏ nhời, tôi muốn được biết ý kiến của cô thế nào...

Thu rừ cả người, lặng im. Hải tiếp:

- Có thế nào xin cô cứ cho tôi biết.

Thu vẫn im. Hải không thấy Thu trả lời, cũng tịt mít. Đi đã gần về xóm, anh cố gặng:

- Cô Thu...

Thu như người hoảng hốt cúi mặt xuống nói:

- Tôi chưa biết nói với anh thế nào. Việc ấy là do ý Chúa định...

Nói xong Thu bước vội lên trước, và tới đầu ngõ cô chạy vụt vào trong.

*

Vẻ hoảng hốt và đột ngột bỏ chạy của Thu làm Hải chưng hửng. Anh đứng ngẩn ra đó rồi lủi thủi trở về nhà, đầu óc mung lung không có một ý nghĩ gì xác thực. Lòng anh vừa nhẹ nhõm như người mới trút được một ẩn tình đè nặng trong lòng, lại vừa bứt rứt như người sợ phạm vào một điều lầm lỗi. Khi Hải nghĩ tới vẻ e thẹn của Thu hấp tấp chạy sâu vào ngõ xóm, thì anh mỉm cười thú vị. Chà nom Thu hay quá, cái dáng e lệ ấy mới đáng yêu làm sao. Nhưng mà Thu cũng dát tệ. Chỉ có thế thôi cũng phải bỏ chạy. Làm như những lời anh vừa thố lộ là những điều ghê gớm lắm. Ồ mà anh đã nói được mối tình ẩn kín trong lòng ra rồi nhỉ. Vậy là Thu đã rõ lòng Hải rồi. Rõ rồi thì Thu nghĩ sao đây?

Thu chưa trả lời Hải điều đó, và cũng vì thế mà anh bứt rứt quá chừng. Hải muốn vò đầu bứt tai, tự trách mình sao lại vụng về sống sượng đến nỗi để Thu phải chạy. Nghĩ lẩn mẩn, Hải chỉ lo Thu khinh mình. Khinh vì hiểu nhầm tấm lòng chân thành của anh. Hải liền ôn lại những ngôn ngữ cử chỉ khi anh nói truyện ấy với Thu. Không, quả là anh rất mực nghiêm trang đứng đắn khi nói những điều lòng anh mong ước.

Thực ra, Hải không hiểu rằng chính vì những lời lẽ chân thành đó đã làm cho Thu bối rối. Cũng vì bối rối nên Thu mới bỏ chạy, chưa trả lời được.

Vả, trả lời một điều hệ trọng như thế, Thu cần phải có đủ bình tĩnh, đủ sáng suốt để cân nhắc và suy xét lòng mình đã chứ. Đối với anh, Thu chưa hề vương một tình ý nào. Trước sau cô chỉ coi anh như một người bạn đứng đắn, một người anh chân thật mà thôi. Cô thường tỏ bụng kính mến Hải vì tư cách của anh hơn là vì tình cảm. Hơn nữa mối tình của Hải lại kín đáo quá, khiến Thu không ngờ. Vẫn hay bạn bè thường nói đùa, người trong xóm hay gán ghép, song Thu chỉ cho đó là câu truyện trong khi vui miệng. Vui lên, người ta nói thế nào chả được. Việc lương duyên nào phải do những lời nói đùa mà thành. Cốt ở lòng ước muốn của đôi bên, ở sự ưng thuận của cha mẹ, ở... ờ phải, cả thánh ý Chúa định cho nữa!

Hải chỉ nhìn thấy lòng mình, nên không rõ sự bối rối và thực trạng của Thu. Anh băn khoăn trở về nhà, nằm thao thức thâu canh.

Đêm lúc ấy đã quá khuya về sáng. Hải nằm trên giường muốn ngủ để quên những điều bứt rứt trong lòng mà không tài nào chợp mắt được. Óc anh chong sõng ghi đủ mọi âm thanh của đêm khuya, và ý nghĩ diễn thành hình bóng hiện rõ trong đầu.

Ngoài xóm, thưa thớt còn một vài tiếng chân đi. Đấy là những người đi lễ đêm về muộn. Xa xa nghe huyền hoặc như ở trên mây có tiếng hát nhịp nhàng của một đứa trẻ nào chưa buồn ngủ:

Đêm đông lạnh lẽo
Chúa sinh ra đời...

Và tiếng gió lướt lên từng hồi lay vật vờ những ngọn đèn sao treo trên các cửa nhà. Dư âm của đêm Sinh-Nhật còn lưu trong lòng Hải. Đêm Sinh-Nhật ấy chưa tàn, và Hải đương sống lại với những hình ảnh vừa qua. Anh nhớ lại hết. Nhớ từ lúc cùng với Minh, Phong đứng trước của nhà nguyện, ngắm nhìn Xóm Giáo rộn rịp dưới ánh đèn sao... nhớ đến lúc Minh ho sặc sụa, kêu bị cảm bỏ về nhà. À mà hình như Minh không đi lễ. Chắc anh sợ lạnh và sợ sương ngấm vào người.

Sau khi Minh đi khỏi, Hải khoác vai Phong đi nói truyện tri kỷ bên bờ giếng. Phong sắp sửa từ giã Xóm Giáo đi làm ăn nơi khác. Gia cảnh của Phong nghĩ cũng buồn. Nghèo quá. Nhưng cái nghèo của Phong với ý chí của anh ta thật đáng cảm phục. Hải còn kèm Phong ở nhiều đức tính. Phải xa một người bạn như thế kể cũng đáng tiếc...

Rồi Hải sang dự lễ nhà thờ xứ với chị em Thu. Chao ôi, quãng thời gian ấy êm dịu quá, bàng hoàng và ngắn ngủi quá. Hải mường tượng lại tất cả những tình tiết vừa qua, và bao nhiêu tình cảm nổi lên cùng với nhiều ý nghĩ xáo lộn giữa cái lạnh lẽo tịch mạc của đêm khuya làm Hải trằn trọc mãi.

Điều làm cho Hải băn khoăn đến đỗi phải thốt ra tiếng thở dài, là chưa được biết rõ ý tứ của Thu. Cô không hứa hẹn. Cũng không rứt khoát. Thành thử Hải không lượng được cảm tình của nàng đối với anh ra sao. Thế mới phiền. Và Hải đâm ra nghĩ ngợi vẩn vơ, mơ ước vẩn vơ, buồn bã một cách vẩn vơ nữa.

Hồn trí cứ lăng băng như thế cho tới sáng, người Hải bã ra vì mất ngủ. Anh nằm lịm trong chăn, lắng nghe Xóm Giáo thức giấc. Hôm nay vẫn còn là ngày Giáng-Sinh. Dân xóm đều nghỉ việc, ăn mừng lễ.

Chung quanh hàng xóm đã có tiếng động cửa, tiếng gọi nhau giọng còn ngái ngủ, tiếng đọc kinh buổi sáng lầm rầm, rồi đến tiếng động dao thớt, tiếng gà vịt kêu quang quác. Được một lát lại nghe tiếng thùng va chạm vội vã ngoài bờ giếng và tiếng chào hỏi vui vẻ của các cô thiếu nữ.

Sáng rồi! Ánh sáng buổi sớm mai lờ mờ chiếu qua khe cửa, trắng đục như hơi sữa. Bà cai Ngân giật mình, vùng dậy, che miệng ngáp:

- Chết chửa, sáng bảnh mắt ra rồi!

Ở giường trong, bà hỏi vọng ra:

- Cậu Hải đã dậy chưa?

Hải đáp:

- Rồi ạ!

Miệng anh cay xè, và nước miếng đắng sít trong cổ họng. Anh muốn trở dậy nhưng thấy đầu óc choáng váng nặng nề nên lại nằm yên mơ màng trong chăn. Bà cai Ngân lẹp kẹp ra sân, xuống dọn dẹp lủng củng dưới bếp. Trở lên bà vẫn thấy Hải còn nằm trên giường.

- Tội nợ! Ra còn nằm ườn đấy ư?

Hải cựa mình, uể oải:

- Vâng. Dậy sớm cũng chả làm gì. Hôm nay là ngày lễ nghỉ...

- Vậy cậu có đi chơi đâu không?

Hải ầm ừ:

- Không ạ.

Anh thiu thiu không đáp lời bà Cai nữa. Hình như bà có dặn anh trông nhà để bà đi đâu đó, vì thấy bà mở cửa ra ngoài. Cánh cửa mở ra, ánh sáng hửng rạng ùa vào. Hải biết trời sáng đã muộn, nhưng thấy người mỏi mệt, chán nản nên vẫn nằm yên không buồn dậy. Anh kéo chăn lên tới cằm, nằm thẳng đơ như cái xác chết. Hải tính cứ nằm như thế, cho tới bữa ăn, hoặc nếu có Minh hay Phong đến chơi mới trở dậy. Buồn tình, không nằm lơ mơ như thế, còn biết làm gì. Hải buồn tình thật. Giá hôm qua Thu cho anh một lời hứa hẹn, chỉ một lời thôi, chẳng hạn như nàng nói:

- Việc trăm năm xin để tùy lòng mẹ cha. Nếu anh có lòng, cứ nên nhờ người đến hỏi.

Như thế anh đã sướng mê người lên rồi, đã tấp tểnh nhờ bà Cai Ngân lo liệu, đến nói với ông bà Trùm hộ. Nhưng đấy chỉ là anh mơ mộng thế thôi. Chứ Thu đâu có nói như vậy! Thu chỉ nói:

- Tôi chưa biết nói với anh thế nào!

Nghĩa là Thu chẳng trả lời gì cả, mà cũng chẳng tỏ nàng có cảm tình với anh không.

Bực vì cái nỗi ấy. Lắm lúc Hải chép miệng, muốn gạt truyện ấy đi không thèm nghĩ tới nữa.

Bỗng có tiếng gõ cửa. Hải mừng thầm, tưởng Minh hay Phong tới chơi. Nhưng người mới tới chỉ là thằng Bảo. Nó đẩy cửa bước vào, nhìn thấy Hải còn nằm trên giường, nó cười hỏi:

- Anh còn ngủ kia à?

- Không.

- Anh ốm hay sao thế?

Hải nói với Bảo như là một người lớn:

- Ừ, đương chán cả người ra đây!
 
Bảo xán lại cạnh giường hỏi:

- Sao mà chán? Dậy em đưa cho cái này.

Vừa nói Bảo vừa móc túi giơ ra một phong giấy nhỏ. Hải hững hờ hỏi:

- Có cái gì thế, Bảo?

Bảo lắc đầu:

- Em không biết!

- Sao lại không biết?

- Vì của chị Thu bảo đưa cho anh.

Hải nhỏm bật người dậy:

- Thế à.

Anh dằng lấy chiếc gói giấy ở tay Bảo, hỏi rồn rập:

- Của chị Thu bảo đưa cho anh?

- Vâng. Chị ấy dặn: cái điều gì hôm qua anh hỏi chị ấy thì chị ấy đưa anh đấy.

- À!

Hải đoán: chắc tối qua Thu ngượng không nói, nên bây giờ trả lời bằng thư. Anh nắn nắn gói giấy. Có cái gì kệnh kệnh ở trong nữa. Hải nóng ruột muốn mở ra quá, nhưng phải làm ra vẻ thản nhiên:

- Được rồi, Bảo cứ về đi. Nói anh cám ơn chị Thu nhé!

Ý Hải muốn thằng Bảo đi khỏi sẽ mở xem trong gói có gì. Nhưng Bảo có vẻ tò mò nhìn chiếc gói nhỏ buộc kín bằng sợi chỉ đỏ. Nó hỏi:

- Chị ấy gửi cái gì cho anh thế? Em sờ thấy cứng cứng anh ạ.

- Thế à!

- Vâng, mở ra xem đi anh.

Hải không thể chờ lâu được nữa. Anh thận trọng mở lần giấy gói, chỉ sợ rách mất lá thư ở trong. Chiếc gói vừa được mở ra Bảo đã reo lên:

- Ồ, cỗ tràng hạt! Đẹp quá.

Hải cố tìm một lời thư trong lần giấy gói, nhưng tuyệt nhiên chẳng thấy gì ngoài cỗ tràng hạt bằng trai trắng. Anh nhắc chuỗi hạt trên tay, tỏ vẻ nghĩ ngợi. Bảo hỏi:

- Anh nhờ chị ấy mua tràng hạt?

- Ừ!

- Thôi em về đây. Ngỡ là cái gì bí mật!

- Ừ em về.

Bảo ra đến cửa, Hải vội gọi lại:

- Ấy Bảo ơi, anh hỏi tý đã!

- Gì kia anh?

- Thế chị Thu không dặn gì em thêm nữa?

- Không.

Nói xong Bảo nhảy tênh tênh ra ngoài, mặc Hải ngồi bần thần với cỗ tràng hạt. Hải nghĩ thầm:

- Quái lạ, sao Thu lại gửi tràng hạt cho mình nhỉ? Thu dặn rằng: đây là câu trả lời điều mình hỏi nàng hôm qua, vậy chắc hẳn có thâm ý gì đây. À thôi! Hải vỗ tay vào đùi mỉm cười: Thu bảo mình hãy cầu nguyện đấy. Cầu nguyện nhiều vào để được ơn dìu dắt, soi sáng, và để biết thánh ý của Chúa. Nếu Chúa định cho hai người thì, ôi... sung sướng quá!

Hải tỉnh người ra. Anh đưa cỗ tràng hạt lên môi, hôn vào tượng Chúa và úp mặt xuống chăn cười rúc rích...
 
 
 
VII
 
 
 Ông Trùm Mỹ đứng lặng hồi lâu, tay vân vê mấy sợi râu trên cằm rồi đột ngột hỏi Hải:
 
-  Anh tính thế nào?

Hải quay lại nhìn ông:

- Dạ, ông bảo sao kia?

Ông Trùm hất cằm về phía cuối bãi, chỗ ngôi trường học đương xây dở, hơi nhíu cặp lông mày:

- Thế này đến bao giờ mới xong. Liệu ra giêng có khánh thành trường mới được không?

Hải lẳng lặng đưa mắt nhìn chỗ công việc đương làm dở. Ngôi trường học mới xây được mấy bức tường, đứng trần trụi giữa đống vôi cát ngổn ngang. Công việc xây dựng vẫn tiến hành, nhưng không được đều đặn, nhanh chóng, vì không đủ vật liệu sẵn sàng. Làm xong việc nọ phải chờ đợi, tính toán nốt việc kia. Lúc chưa có gạch, phải đắp lò nung gạch. Có gạch xây tường lại phải chờ có gỗ đặt rui kèo, khuôn cửa... Cứ thế mà công việc hóa chậm, mấy tháng nay vẫn chưa xong. Hiện giờ ngôi trường chỉ còn thiếu mái, nhưng chưa liệu được ngói nên vẫn còn bỏ dở đấy. Hải lấy làm sốt ruột chẳng kém gì ông Trùm. Anh còn lo nữa, vì trông rõ thấy sự bế tắc của công việc. Trong xóm không thiếu gì nhân công. Có sẵn vật liệu, chỉ đánh mõ ra một vòng là những đàn ông, thanh niên ra giúp tới tấp. Việc đặt rui lợp ngói, đã có những người chuyên nghề đảm nhận. Hiềm nỗi chưa xoay được đủ tiền để mua. Số gỗ cần dùng có rồi, chỉ còn thiếu ngói nữa. Vậy, vấn đề cốt yếu vẫn là tiền. Và cũng là vấn đề mà cả ông Trùm và Hải đương thắc mắc suy nghĩ.

Hải trầm ngâm nói:

- Thưa ông Trùm, chỉ còn thiếu lợp mái lên nữa là xong.

- Phải. Nhưng bao giờ có mái?

Hải gãi tai:

- Dạ, phiền ở chỗ ấy đấy.

Ông Trùm nhắc lại câu ông hỏi lúc trước:

- Vậy anh tính sao?

- Con đã nghĩ đến cách tổ chức một cuộc vui lấy tiền...

- À phải, thế cái buổi kịch các anh định diễn sao chưa thấy nhắc nhở gì đến?

- Thưa đã tập luyện xong đâu vào đấy cả rồi...

- Tích gì thế nhỉ?

- Tích ông Lý Mỹ tử đạo.

- Ừ hay đấy. Vậy còn chờ gì nữa?

Hải lắc đầu:

- Thưa, nhỡ mất cả vì thiếu các vai chính.

- Sao?

- Vì anh Phong thủ vai ông Lý Mỹ, và chị Thảo vai bà Lý, thì cả hai anh em đều đã đi xuống Hải Phòng.

Ông Trùm thở dài:

- Rõ chán!Hải tiếp:

- Còn vai quan án do anh Minh đóng lại bị ốm từ hôm lễ Sinh-Nhật đến giờ.

- Thế là có ba vai chính thì hỏng cả?

- Vâng.

- Vậy tìm người khác mà thay vào chứ?

- Con cũng nghĩ thế, song lại phải tập luyện lâu lắm mới thuộc vở. Mà như thế công việc càng chậm trễ hơn.

Ông Trùm lặng im, rồi chép miệng:

- Chỉ còn thiếu có mấy nghìn bạc nữa thôi, mà không kiếm đâu ra được. Chả lẽ lại hô hào đi quyên một lần nữa.

Nhưng ông lắc đầu ngay:

- Tôi không tán thành việc đi quyên tiền bao giờ. Đã hay việc là việc công ích, song làm như thế có vẻ ép buộc người ta.

- Vâng. 
 
- Chỉ nên để tùy tâm, tùy lực mỗi người. Ai giúp được bao nhiêu thì giúp, vả dân xóm dù ít dù nhiều cũng đã hưởng ứng đủ mặt, không nhận cho cái nọ thì cái kia. Nguyên số bàn ghế đóng cho học trò dùng sau này, nhiều nhà đã nhận cho rồi. Thanh niên các anh thì đã hy sinh thời giờ, bỏ cả công việc làm ăn. Mà thời giờ của các anh chẳng phải là tiền bạc đó sao?

- Dạ, nhưng ông Trùm nghĩ thế thì chẳng đi đến giải quyết nào cả.

- Mà còn có giải quyết nào bây giờ? Tôi vẫn hy vọng vào buổi kịch của các anh tổ chức để ai muốn mua vui thì đến. Người ta bỏ tiền ra vừa hưởng ít giờ giải trí lành mạnh, lại vừa hả hê biết rằng số tiền ấy đem dùng vào việc ích chung. Như vậy không ai còn ca thán điều gì. Thế mà buổi kịch lại nhỡ, nghĩ cũng đáng tiếc.

Hải bàn:

- Thưa ông Trùm, hay con cứ cho tập lại vở kịch đó?

Ông Trùm gật đầu:

- Việc tập các anh cứ tập đi. Chả dùng được dịp này ta dùng vào dịp khác. Nhưng ngôi trường học này thì không thể nhờ vào buổi kịch ấy nữa rồi.

- Dạ?

- Vì tường đã xây lên rồi thì cần phải lợp mái. Nếu để lâu mưa dầm xuống nó hư hại đi chứ. Kỳ này khô ráo không liệu ngay còn chờ đến bao giờ?

Hải lẩm bẩm:

- Khó nghĩ thực!

Hai người lại yên lặng suy nghĩ. Không ai tìm ra được giải pháp tiện dụng để tiếp tục việc hoàn thành ngôi trường đương xây dở. Cả hai đều cảm thấy cái công cuộc của mình nêu lên đi đến chỗ làm họ nản chí mà không dám nản. Bao nhiêu công lao khó nhọc, chả nhẽ bây giờ thôi, bỏ dở đấy?

Chợt ông Trùm như nghĩ ra điều gì, nắm lấy tay Hải:

- Anh sang nhà xứ với tôi đi.

- Thưa ông, sang có việc gì?

- Sang gặp cha xứ. Ta thử bàn tính với ngài xem, may ra ngài có phương thế gì chỉ bảo chăng?

Bao giờ cũng vậy, hễ gặp sự gì nan giải ông Trùm lại nghĩ tới cha xứ. Ông coi cha như một cố vấn khôn ngoan và sáng suốt, có thể giải quyết ổn định được mọi việc. Không cứ gì ông Trùm, tất cả mọi người trong hàng xứ đều quen đem những việc riêng trong gia đình đến xin nhờ cha quyết định hộ như thế.

Khi ông Trùm và Hải tới nhà xứ thì cha vừa đi đâu về. Ngài dựa chiếc xe đạp vào vệ hè, quay lại niềm nở:

- Chào ông Trùm. Ông sang có việc gì thế? Kìa, lại cả anh trưởng ban thanh niên nữa!

Ông Trùm và Hải đều chắp tay:

- Lạy cha, chúng con sang quấy quả cha...

Cha xứ bước lên thềm, tươi cười chỉ vào trong nhà:

- Mời ông Trùm và anh Hải vào ngồi chơi trong này, chúng ta nói truyện với nhau.

- Dạ.

An tọa, ông Trùm dặng hắng:

- Trình cha, ngôi trường học ở xóm chúng con...

Cha xứ vui vẻ một cách bặt thiệp:

- À, chừng ông Trùm muốn mời tôi sang dự lễ khánh thành đó nhỉ. Quý hóa quá! Định đến hôm nào ông cho tôi biết?

Ông Trùm ngượng nghịu:

- Dạ, trình cha chưa đâu ạ, vì chúng con chưa xây xong.

- Sao chậm thế?

Lời nói ấy cha xứ vui vẻ thốt ra như có ý hỏi xem duyên cớ. Nhưng ông Trùm tưởng cha trách móc về sự chậm trễ của mình, nên ông đưa mắt nhìn Hải chưa biết giãi bày ra sao.

Cha xứ tiếp:

- Mới hôm nào tôi sang thăm thấy đã xây tường chung quanh rồi mà.

- Vâng, hôm cha sang thăm thấy thế nào thì bây giờ vẫn nguyên như thế.

Cha xứ ngẩn ngơ:

- Sao vậy? Có điều gì ngăn trở chăng?

- Trình cha chúng con đang lúng túng vì trường xây gần xong mà thiếu mái lợp.

Cha xứ mỉm cười:

- Thế tức là trường không có mái!

- Vâng!

- Không có mái thì ông Trùm liệu lợp mái lên, việc gì mà phải lúng túng!

Hải như bị lôi cuốn vào cái vẻ bình dị của cha xứ, cũng mỉm cười nói chêm vào:

- Trình cha, nhưng chúng con không có tiền.

- Không có tiền! Ồ nguy nhỉ, cái truyện tiền nong là điều phiền phúc lắm đấy.

Ông Trùm gật đầu:

- Dạ.

- Nhưng không có tiền thì kiếm cho ra tiền chứ lo gì. Phải vậy không ông Trùm?

- Dạ, cha tính kiếm tiền bằng cách nào?

- Chắc ông Trùm lo lắng lắm nhỉ?

- Trình cha quả có thế! Nên chúng con sang xin ý kiến cha.

Cha xứ trở nên trầm mặc. Cha là một vị linh mục hoạt bát, nhanh nhẹn và vui tính nên mọi việc cha đều giải quyết một cách chóng vánh. Ở vị linh mục đơn sơ ấy còn có thêm lòng tin tưởng mãnh liệt nữa. Cha vỗ tay trên trán rồi vẫn giữ nụ cười trên môi:

- Cha làm gì được. Việc ấy ông Trùm phải lo lấy chứ!

- Dạ.

- Mà không lo xong thì cũng là lỗi tự ông Trùm.

- Dạ.

- Là vì ông Trùm không dâng công việc xây dựng ngôi trường học ấy cho Chúa và Đức Mẹ. Nếu ông Trùm dâng cho Chú, thì Chúa sẽ lo liệu thay.

- Dạ, trình cha chúng con vẫn hằng cầu xin Chúa cho những công việc chúng con làm là do thánh ý Chúa và làm sáng danh Chúa.

- Nếu vậy thì rồi chắc Chúa sẽ giúp, ông Trùm ạ. Số tiền ông Trùm cần dùng để lợp nốt máo phỏng độ bao nhiêu?

- Trình cha phỏng năm ngàn nữa thì đủ.

Cha xứ lẩm bẩm:

- Năm ngàn đồng! Làm sao cho có năm ngàn đồng bây giờ nhỉ? Cũng là một món tiền to đấy chứ!

Ông Trùm vin ngay vào:

- Vâng, vì thế mà chúng con bối rối chưa tìm ra phương kế gì. Chúng con vẫn hy vọng vào buổi kịch do anh em thanh niên trong xóm tổ chức để giúp vui lấy tiền, thì chẳng may lại bị nhỡ.

- Có phải vở kịch ông Lý Mỹ tử đạo đấy không?

Hải trả lời thay ông Trùm:

- Trình cha phải ạ. Chính là vỡ kịch cha cho chúng con mượn để tập.

- Thế rồi sao?

- Dạ, tập vừa thuộc vở, sắp sửa diễn được thì đột nhiên thiếu vai chính, vì anh em Phong xuống Hải Phòng.

Cha xứ gật gù:

- Tiếc thực. Nhưng việc đi Hải Phòng của anh em Phong không phải là lỗi tại anh. Anh Phong là một thanh niên cha rất cảm mến. Hiện giờ nếu buổi kịch nhỡ rồi thì ta tổ chức một buổi chiếu bóng thay vào vậy.

- Trình cha, việc ấy con chưa quen tổ chức ra sao.

Cha xứ ngẫm nghĩ:

- Trong xứ có chi hội bác ái thánh Vinh Sơn họ quen tổ chức những buổi vui giúp người nghèo. Để cha nhờ họ đứng ra tổ chức giúp cho Xóm Giáo một buổi.

Ông Trùm Mỹ tỏ vẻ lưỡng lự:

- Trình cha, con thiết tưởng không nên, vì...

Cha xứ đoán hiểu ngay được sự e ngại của ông Trùm:

- Ông Trùm chỉ ngại Xóm Giáo bị mang tiếng phải nhờ tiền giúp đỡ của một hội đoàn trong xứ mới xây được trường học chứ gì?

- Dạ.

- Ấy đấy ông Trùm vẫn còn nhiều lòng tự ái lắm. Song cha cũng không trách ông Trùm mà còn phải tránh cho ông Trùm sự công kích của dân xóm sau này.

- Dạ trình cha, cha thực hiểu rõ nỗi băn khoăn của con lắm!

- Cho nên cha tính thế này: Buổi chiếu bóng đó cha sẽ tổ chức lấy, nói trống là để giúp vào việc xã hội và do các anh em thanh niên Xóm Giáo sang giúp cha.

Cả ông Trùm và Hải đều rạng rỡ nét mặt:

- Trình cha, thế thì hay lắm ạ. Chúng con xin hết sức...

Cha xứ mỉm cười:

- Chả có gì khó nhọc lắm đâu. Cha sẽ đi mượn máy chiếu bóng, thuê một cuốn phim hay, đem về chiếu ngay tại trường học của xứ. Vé bán rẻ thôi, độ mươi đồng trở lại, để ai cũng có thể tới xem và không suy bì với giá vé ở rạp. Như vậy, nếu bán được ba bốn trăm vé ta cũng còn thu về được ba bốn ngàn đồng.

Cha xứ quay về phía Hải:

- Anh Hải sẽ sang giúp cha biến lớp học thành rạp chiếu bóng tạm thời một buổi.

- Vâng ạ.

- Mà liệu sửa soạn ngay vào chiều chủ nhật tới này cho tiện.

- Vâng ạ.

Hường về ông Trùm cha xứ tươi cười:

- Như thế hẳn ông Trùm bằng lòng chứ?

Ông Trùm đứng dậy chắp tay lên ngực:

- Dạ, lạy cha, quả là chúng con đội ơn cha nhiều lắm.

- Việc là việc của Chúa, ông Trùm ạ. Chúng ta chỉ làm việc cho Chúa mà thôi. Ông Trùm hãy ngồi xuống đây đã.

- Dạ.

Cha xứ nhẩm tính:

- Hãy cầm chắc vào buổi chiếu bóng được chừng ba ngàn đồng, còn thiếu hai ngàn nữa thì...

Đột nhiên cha xứ quay sang truyện khác. Cha trỏ vào bộ bàn ghế đương ngồi:

- Cha chưa khoe với ông Trùm bộ bàn ghế mới này nhỉ. Ông Trùm xem có lịch sự không?

Ông Trùm nhẹ tay xoa trên mặt bàn:

- Trình cha, con để ý ngay từ lúc mới vào mà chưa dám hỏi. Cha mới sắm bộ bàn ghế này? Đẹp quá!

Bộ bàn ghế đẹp thực. Toàn bộ đóng bằng gỗ gụ chạm lọng hình mai điểu. Mặt bàn và chỗ lưng ghế có lát đá cẩm thạch.

Cha xứ cười đáp câu hỏi của ông Trùm:

- Cha làm gì có tiền để sắm bộ bàn ghế đẹp đẽ, sang trọng đến thế này. Đây là của mẹ cha mới cho chuyên ở nhà quê ra, vì hôm nọ người có lên chơi...

- Dạ cụ cố lên thăm cha, mà chúng con không biết để sang vấn an cụ.

- Cám ơn ông Trùm, bà cụ ở chơi có nửa buổi, và thấy chỗ tiếp khách của cha tiều tụy quá nên người cho cha bộ bàn ghế này.

- Quý hóa quá!

- Hôm nọ có một đôi vợ chồng quyền quý tới chơi thăm cha, thấy bộ bàn ghế này cũng tấm tắc khen mãi và đem lòng ao ước.

- Trình cha, bộ bàn ghế này kể là hiếm lắm.

- Ông Trùm thử đánh giá bộ bàn ghế này xem đáng độ bao nhiêu?

- Dạ, dễ phải đến vài ba ngàn đồng.

Cha xứ có vẻ đắc ý:

- Vài ba ngàn! Vậy thì đủ rồi! Cha biếu Xóm Giáo bộ bàn ghế này đó. Ông Trùm đem bán quách nó đi!

Ông Trùm nhổm người lên xá cha xứ một cái:

- Lạy cha con đâu dám thế.

- Ông Trùm tưởng tôi nói đùa hẳn thôi. Không tôi nói thật đấy ông Trùm ạ. Tôi tu hành khắc khổ không cần đến những đồ dùng quý giá này.

- Trình cha, như thế sao tiện. Đây là kỷ vật của cụ cố.

- Phải. Nhưng cụ đã cho tôi tức là của riêng tôi rồi, tôi muốn dùng hay cho đi là tùy ý tôi. Tôi không sung sướng được ngồi bộ bàn ghế này cho bằng được thấy các trẻ em Xóm Giáo có một mái trường che mưa che nắng, yên trí học hành.

Lời nói của cha xứ làm Hải cảm phục. Lòng anh nao nao tựa như mặt nước phẳng lặng bỗng nhiên nổi sóng vì cơn gió lộng. Có cái gì như một sức gió mạnh thúc đẩy lòng anh trước tấm hy sinh bác ái của cha xứ. Anh muốn chạy đến ôm lấy cha, nói những lời thán phục. Nhưng anh không làm thế, mà chỉ ngồi lặng nhìn cha.

Ông Trùm thì cảm động hiện ra nét mặt, cứ một mực chắp tay vái và lắc đầu, làm cha xứ phải bật cười:

- Thôi được, nếu ông Trùm không bằng lòng thì thôi. Nhưng ông Trùm cứ cho tiến hành nốt việc xây dựng ngôi trường học đi nhé. Chỉ mai kia, xong buổi chiếu bóng là có đủ tiền lợp mái thôi.

_____________________________________________________________ 

Không có nhận xét nào:

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>