Chủ Nhật, 6 tháng 9, 2020

Thế Giới Học Trò



Thầy giáo Phúc đến lớp thì đã thấy bọn trẻ con ở đội 5 đang quét dọn, phủi bụi bàn ghế và đốt rác. Thầy đằng hắng một tiếng và mỉm cười với thằng Dư, đội trưởng Hôm nào đến phiên đội nó trực nhật là thầy có thể yên chí. Thầy không sợ bẩn vạt áo dài đen hay đũng quần trắng vì ngồi phải lớp bụi trên mặt ghế. Thầy không phải ôm chồng vở cao lêu khêu và lách cách mang mực, thước kẻ đến lớp vì bọn thằng Dư đã đến nhà thầy từ lúc tờ mờ sáng để làm thay thầy cái công việc đó. Lúc sau, thầy chỉ việc ung dung chắp tay sau lưng, chậm rãi đi đến nơi dạy học. Những bã mía, vỏ quýt hay giấy gói kẹo thầy không lo vương vãi trước cửa lớp vì bọn thằng Dư đã tỉ mỉ nhặt hết, cho xuống một cái hố và châm lửa đốt. Lũ trẻ con, không riêng gì đội 5, đều tỏ ra khoái cái trò chơi với lửa đó. Đứa nào cũng muốn giành phần được châm que lửa đầu tiên vào đám rác khô để rồi nhìn say sưa những lưỡi lửa đỏ liếm dần đống thừa thãi dưới hố. Nhiều đứa còn rủ nhau đi thật xa kiếm những que tre khô, những mẩu giấy vương vãi bên lề đường để mang về lớp tiếp tục khêu cho ngọn lửa cháy mãi. Đôi ba lần thầy Phúc nghe bà bên cạnh lớp than phiền về cái hàng rào của bà, không hiểu sao cứ thưa dần. Thầy nghe bà kể lể, chỉ mỉm cười vì thừa biết rằng cái hàng rào tre của bà đang nằm yên dưới đáy hố đốt rác của lũ nhỏ. Còn bọn trẻ con mỗi lần thấy thầy chắp tay sau lưng nói chuyện với bà ta thì lại nhìn nhau, nở những nụ cười bí mật và thích thú.

Lớp học của thầy Phúc không giống như những lớp học khác ở vùng chung quanh. Ở đây không có trường. Những lớp học là những căn nhà mua lại được sửa sang cho thích hợp, tùy theo điều kiện tài chính của thầy giáo và lũ học trò theo học. Lớp nọ cách lớp kia cả trăm thước. Riêng ông Hiệu Trưởng kiêm thầy giáo lớp Năm thì được toàn quyền sử dụng một phòng đọc sách của xã. "Tổng hành dinh" của ông ta đặt luôn tại đó và mỗi lần thằng Dư đội trưởng đội 5 kiêm liên đội trưởng của cả lớp có việc phải đến gặp ông là mỗi lần nó phải khéo léo lách tránh những vị học trò tí hon bò lổm nhổm dưới đất, trên những chiếc chiếu và cạnh những chiếc ghế gỗ thấp lè tè dùng làm bàn viết. Nhiều vị không biết vô tình hay cố ý, ngang nhiên coi lớp học như một chỗ để bài tiết, cứ tiểu tiện bừa ra. Và những khi đó, ông Hiệu Trưởng đáng thương mặt mũi đầm đìa mồ hôi, chạy lên chạy xuống như một bà mẹ tận tụy chăm sóc cho đám con yêu quí...

Như vậy lớp thầy Phúc dạy tương đối dễ chịu nhất, vì học trò đã lớn cả. Lớp Nhất B của thầy không nổi danh về kỷ lục thi đậu, nhưng nổi danh về sạch sẽ, ngăn nắp, gọn gàng và mát mẻ. Năm nào thầy Phúc cũng có những tay phụ tá đắc lực trong việc giữ gìn vệ sinh của lớp và kiến thiết lớp học mỗi ngày một ọp ẹp vì mưa gió, nắng nôi và gián mối. Năm nay thằng Dư chính là viên phụ tá đắc lực ấy.

Mặt trời lên khỏi ngọn cây tầm ruột thì lớp học bắt đầu. Thầy Phúc cẩn thận cầm một tấm bìa cứng quạt quạt mặt ghế rồi mới ngồi xuống.Thầy chăm chú mở sổ điểm ra rồi sai một đứa ngồi gần đấy xóa tấm bảng con treo trên vách. Tấm bảng này bằng đá đen, trên mặt chia làm bốn hàng. Hàng đầu kê tên lớp. Hàng thứ hai đề ngày tháng. Hàng thứ ba ghi số học sinh vắng mặt và hàng cuối cùng là số học sinh có mặt trong ngày. Muốn viết những con số đó để có thể làm hài lòng vị thanh tra mỗi khi ông ta đến viếng lớp, thầy phải điểm danh. Thường thì thầy điểm danh luôn vào sổ điểm cho đỡ mất công. Tên bắt đầu là Bách. Không có đứa nào vần A.


Thầy đọc:

- Nguyễn văn Bách!

Một tiếng dạ rồi một cánh tay thò lên. Thầy nhìn xuống và chợt nhận ra thằng Bách thay vì đưa tay phải như thông lệ đã giơ tay trái lên làm hiệu.

Thầy chăm chú nhìn cánh tay giấu kín dưới gậm bàn, hỏi nhẹ:

- Tay kia sao thế?

Thằng Bách lúng túng. Một đứa bên cạnh đỡ lời:

- Thưa thầy anh ấy bị trật khuỷu tay ạ!

Thầy ngạc nhiên. Hôm qua thầy còn thấy nó lành lặn mà. Thằng bên cạnh giải thích, vẻ hãnh diện:

- Thưa thầy anh ấy đá bóng chẳng may bị ngã ạ!

Thầy gật gù, định bụng sau buổi học sẽ bảo nó đến nhà để thầy nắn hộ. Thầy cũng là một ông lang mát tay chứ phải đùa sao.

Thầy định chấm bút gọi tiếp tên khác thì bỗng thấy vẻ mặt thằng Bách ngập ngừng như muốn nói điều gì. Thầy nhìn kỹ cánh tay nó rồi chợt hiểu.

- Thôi được. Thầy cho nghỉ. Về đi. Đến quá trưa nhớ đến nhà, thầy nắn cho.

Thằng Bách sung sướng, tay trái ôm vở, tay phải co lên ngang ngực, chào thầy một tiếng thật to rồi nhẹ nhàng nhảy ra khỏi lớp. Thầy Phúc nhìn theo, bỗng phì cười một mình.

Đứa thứ hai là thằng Dư. Chỉ có một đứa vần B và cũng không đứa nào vần C cả. Thầy Phúc vừa gọi tên "Trần Hữu Dư" vừa liếc mắt xuống chấm ngay sang tên thứ ba:
- Nguyễn văn Đức!

Không có tiếng trả lời. Thầy ngạc nhiên nhìn xuống. Lúc nãy rõ ràng có bóng thằng Đức đứng cạnh đống rác đốt dưới hố mà.

Một đứa cạnh thằng Đức lên tiếng:

- Thưa thầy, lúc nãy anh ấy có đến ạ. Nhưng sắp vào học, mẹ anh ấy đến gọi về...

Thầy Phúc mỉm cười. Thầy hỏi thằng bé đó:

- Có phải con lợn nhà nó lại xổng chuồng đi biệt hả?

Thằng kia gật đầu, cười với thầy vì câu hỏi quen thuộc đó. Cả lớp này, đứa nào cũng rõ chuyện hai mẹ con thằng Đức nuôi lợn. Con lợn duy nhất và là kho bạc của cả nhà. Mỗi lần lợn xổng chuồng là y như mỗi lần cu Đức phải bỏ học chạy về lo săn đuổi.

Mấy đứa sau, không có đứa nào vắng mặt. Chúng giơ tay đầy đủ cả. Sang đến đứa thứ ba mươi sáu, bắt đầu lộn xộn.

Thầy chấm đưa ba mươi sáu, miệng gọi:

- Nguyễn văn Thành!

Năm cánh tay cùng giơ lên một lượt. Thầy mỉm cười. Lại vẫn như mọi lần. Ngày nào cũng gọi, ngày nào năm thằng Thành cũng giơ tay một lượt. Chúng như sợ bị bỏ quên trong số danh sách những người đi học.

Thầy Phúc gọi rõ hơn:

- Nguyễn văn Thành A!

Bốn cánh tay rụt xuống. Chỉ còn một cái thò lên, nhưng rồi nó ngần ngừ, và cuối cùng thụt xuống nốt.

Thầy Phúc chăm chú nhìn đám năm đứa cùng tên đó:

- Em nào là Thành A?

Năm đứa ngơ ngác nhìn nhau. Nom chúng đáng thương. Chúng không dám nhận mình là A hay B hay C... vì sợ lẫn mặc dù ngày nào thầy cũng gọi tên chúng minh bạch rõ ràng.

Thầy hỏi gặng:

- Không em nào nhớ mình là A à?

Hai cánh tay khẽ động đậy rồi sau một lúc do dự, cùng giơ lên một lúc. Cả lớp ôm bụng cười bò ra đất. Thầy giáo cũng phải bật cười. Thầy vẫn hay đùa như thế, mặc dù thầy thừa biết đứa nào tên A cũng được, chẳng quan hệ gì. Có năm Nguyễn văn Thành, đủ mặt cả năm thì làm gì phải gọi cho mất thì giờ?

Tuy nhiên thầy cũng dặn dò kỹ càng lại một lần nữa:

- Em nào lớn nhất lấy chữ A, thứ nhì lấy chữ B v.v... em nào nhỏ nhất thì lấy chữ Đ... cho dễ phân biệt.

Năm "Nguyễn văn Thành" nhìn nhau, tỏ vẻ chấp thuận cái qui ước đó.

Thầy điểm sang đứa thứ bốn mươi mốt:
- Đào Đức Thành!

Có tiếng dạ hấp tấp rồi một đứa bé xốc xếch chạy ùa vào, tuồng như sợ bị liệt kê vào thành phần những tên vắng mặt. Đó là Đào Đức Thành, thằng bé ngày nào cũng đến muộn vì ngay nào cũng thức đến quá một giờ khuya để làm thịt chó với bố. Hai bố con thằng Thành một ngày giết mười mấy con vẫn không đủ bán nên mới có cái hậu quả tai hại là trời sáng bạch rồi, thằng Thành mới hấp tấp vớ quyển vở chạy ào đến lớp. Cũng may nó lại là đứa cuối sổ nên ít khi thầy giáo ghi nhầm lắm.

Thằng Thành học giỏi nhất lớp. Không ai đoán nổi tại sao nó lại có một thành tích đặc biệt như thế. Riêng thầy Phúc thì thầy lờ mờ đoán được là nó học ngay trong lớp, khác hẳn các bạn của nó.

Mỗi khi bắt đầu buổi học, thầy giáo thấy thằng Thành chui qua gầm bàn, vào ngồi ở chỗ thường lệ và cắm cúi nghe giảng, ghi chép và lẩm nhẩm bài vừa học. Không thấy nó nói chuyện với những đứa chung quanh bao giờ ngoại trừ những lúc mượn thước kẻ hay chấm nhờ ngòi mực. Những lúc vở mới chép xong còn ướt mực, thằng bé chui xuống đất, bốc một nắm cát rắc vào chỗ mới chép đó, đợi một lúc rồi khe khẽ đập đập quyển vở vào mép bàn cho những hạt cát hút mực rơi xuống rồi lại chăm chú nhìn thẳng vào thầy như muốn nuốt chửng những gì thầy chứa trong óc.

Thầy giáo thích nhất là đôi mắt thằng Thành những lúc nó nhìn thầy, đôi mắt như chờ đợi một cái gì mới mẻ, như khao khát một cái gì xa lạ, đôi mắt của một đứa trẻ ham học, ưa tìm tòi suy nghĩ.

Thầy giáo Phúc đã điểm danh xong, sửa soạn bài giảng đầu tiên. Lũ học trò bút mực đã sẵn sàng, nhìn đăm đăm thầy và chờ đợi. Thầy cẩn thận dẹp quyển sổ lớn sang một bên rồi mới cầm thước, gõ gõ lên bàn, đằng hắng trước khi mở miệng:

- Hôm nay các em làm một bài luận.

Lũ trẻ nhao nhao vì câu tuyên bố bất ngờ. Chúng ùn ùn cất quyển Việt Sử đi và lôi ra cuốn Luận văn quen thuộc.

Thầy giáo đợi khi chúng đã yên lặng hết mới tiếp tục:

- Đề luận hôm nay không bắt buộc. Các em được tự do muốn viết gì thì viết...

Lũ trẻ lại lao xao nhấp nhổm. Thầy giáo chậm rãi nói thêm:

- Nhưng cấm không được viết những gì quá cũ kỹ. Thí dụ "Bầu ơi thương lấy bí cùng v.v..." hoặc "Tả một cuộc du lịch mà em đã được dự v.v..." hay "Viết thư thăm anh chiến sĩ nơi tiền tuyến v.v..." Các em phải viết những gì thật mới lạ. Chính bài luận này định rõ khả năng của các em...

Lũ trẻ không chú ý đến mấy câu sau cùng của thầy giáo. Chúng đang bận giở mục lục những quyển luận lem nhem để cố gắng tìm một đề tài "không cũ kỹ". Nhiều đứa nhìn thầy giáo, vẻ ngạc nhiên. Một vài đứa nhìn trời nhìn đất như sắp sửa làm thơ than mây khóc gió... Riêng thằng Đào Đức Thành và thằng Trần Hữu Dư, thầy giáo thấy chúng cắm cúi làm ngay, hình như sợ thầy đổi ý kiến thì chúng mất toi một dịp để trổ tài múa bút. Lũ trẻ đã im lặng dần dần. Chúng viết rào rào trên mặt giấy. Thỉnh thoảng có vài đứa khịt mũi hay ho khan mấy tiếng. Quang cảnh thật hoạt động. Đứa nào đứa nấy như dán mặt vào quyển vở luận của mình.

Trong lúc đó, để khỏi mất thì giờ quí báu, thầy Phúc lấy giấy, viết một bài báo nhan đề "Văn phạm Việt Nam SOS". Đã từ lâu thầy để ý đến vấn đề này và khi học trò làm luận thì thầy ra sức kêu gào xây dựng lại nền văn hóa của một quốc gia có hơn 4000 năm văn hiến. Cả thầy lẫn trò say sưa trong công việc. Bốn mươi hai cái ngòi bút lúc chạy, lúc dừng, nối tiếp nhau quét trên mặt giấy những dòng chữ biểu dương tinh thần của tác giả.

Cuối giờ học, thầy giáo gõ mạnh thước. Vẫn chỉ còn thằng Thành và thằng Dư lúi húi viết viết xóa xóa. Những đứa khác xong từ lâu, mang vở chất lên nhau thành một đống đặt sẵn sàng ở đầu bàn chờ đội trực đến thu.

Thầy giáo bình tĩnh thu xếp giấy tờ, sách vở, chờ cho hai đứa học trò đặc biệt làm xong "tác phẩm" của chúng. Khi chúng, với vẻ mặt ân hận mang vở lên góp, thầy khẽ mỉm cười với chúng làm cho cả hai thêm vững dạ và ngoan ngoãn nhặt nhạnh sách vở theo thầy ra khỏi lớp.

Thằng Dư hỏi:

- Thưa thầy chiều nay có học không ạ?

Thầy Phúc nhìn nó:

- Chiều nay thứ bẩy. Các em được nghỉ như thường lệ.

Thằng Dư chưng hửng nhìn thằng Thành. Hai đứa nhòm nhau, lấy làm lạ về cái sự quên ngày tháng của mình. Thầy giáo lại mỉm cười với chúng rồi trao tập vở dầy cộm cho thằng Dư. Cả ba thầy trò song song rẽ vào ngõ.

*

Thầy giáo ăn cơm xong, miệng còn ngậm tăm đã lại gần bàn viết, sửa soạn chấm mấy bài luận của đám học trò. Thầy Phúc có đặc điểm là rất thích chấm luận, hình như trong những lúc đó thầy có nhiều cơ hội để thấy rằng lời kêu cứu của mình về văn hóa Việt Nam là hợp lý, khẩn thiết và tối quan trọng.

Thầy giở mấy quyển trên cùng. Một đứa viết:

"Em thích nhất là được đi tắm sông. Ở gần sông lại có ruộng dứa. Tắm xong mua dứa chấm muối ớt ăn thì ngon tuyệt. Mỗi khi tắm sông em hay rủ mấy bạn em đi. Chúng em xin phép cha mẹ rồi lên xe đạp, vừa đi vừa ca hát vang trời dưới ánh nắng mai dịu dàng của một buổi sáng đẹp trời miền quê..."

Thầy giáo dẹp quyển đó sang một bên vì đoạn sau của bài luận là một phần của cái đề cũ rích: "Em hãy tả lại một cuộc du lịch mà em đã được tham dự". Chẳng có gì mới lạ. Đứa bé làm bài đó đã khéo léo chắp đầu chắp đuôi và sửa đổi vài chi tiết cho hợp với khung cảnh riêng của nó. Nhưng cũng không giấu nổi những chi tiết thừa, vụng về làm người đọc phải bật cười vì bực tức.

Quyển vở thứ hai chép đầu đề rất sạch sẽ "Em hãy tả một đám đánh bạc bị lính bắt". Thầy Phúc cười khì, nhìn sơ xuống dưới:

... Ông cảnh sát vừa chạy vào vừa thổi tu hít ầm ỹ. Mấy người đánh bạc hoảng hồn xô nhau đứng dậy. Người chạy đàng trước. Người chạy đàng sau. Có người luồn qua nách ông cảnh sát mà chạy. Mấy đứa chia bài vội vàng vơ vét những đồng tiền rơi vãi trên mặt chiếu rồi cũng chạy ra cửa. Nhưng bọn nó bị lính chăn bắt được. Lúc ấy em đang ngồi học trong nhà bỗng thấy một bóng đen nhẩy xổ vào chui tọt dưới gậm giường nhà em, chẳng may bị con chó mới đẻ cắn cho một cái bò lê bò càng chui ra mặt tái mét.

..........

Thầy giáo Phúc cười ngật ngưỡng. Không ngờ chấm luận lại vui đến thế! Vậy mà thầy không hiểu sao có những ông thầy khác ghét thậm tệ giờ luận văn đến nỗi vừa cầm bài luận là đã quẳng đi rồi. Rót một cốc nước, thầy xem đến quyển thứ ba:

... ở nhà, em hát đi hát lại thuộc trơn tru như cháo, thế mà không hiểu sao vào đến nơi em lại đứng trơ ra như phỗng đá. Ở bên dưới đông người quá, họ nhìn em chăm chú làm mặt em nóng bừng lên, hát không ra tiếng nữa. Em càng hát, khán giả càng cười rũ rượi và la hét om sòm. Em xấu hổ quá chỉ muốn "úm ba la" một cái rồi biến mất như ông thần đèn A-la-đanh thôi. Sau cùng em cũng hát hết và ông xướng ngôn viên đọc to lên là em được mười một điểm bẩy mươi lăm, thiếu chút nữa thì đậu...

Thầy giáo Phúc "à" lên một tiếng. Thì ra đứa bé tả kỳ đi thi hát của nó ở trước đám đông người. Thầy cẩn thận ghi tên nó ra một tờ giấy định để hôm nào hỏi xem có thật không.

Quyển thứ tư không có gì đặc biệt, vừa thấy mấy dòng:

"... Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh..."

Thầy đã vội gấp lại, miệng lẩm bẩm "suốt ngày lôi Thanh Tịnh ra làm luận, dở quá". Đoạn, thầy xem đến quyển số năm. Mỗi quyển là một sự hồi hộp thích thú đối với thầy giào Phúc...

Đầu bài luận của quyển thứ năm là "giả sử cha em là một tên ăn trộm thì em phải làm sao?"

Thầy giáo tò mò đọc xuống:

"... Ba em sau khi tàn tật không còn đủ sức khỏe để làm ăn nữa. Ông phải nằm ở nhà để nghe mợ em kêu réo suốt ngày về việc thiếu tiền đi chợ và may quần áo cho chúng em. Một hôm, ông lẳng lặng bỏ nhà ra đi và mấy ngày sau đem về bao nhiêu là tiền và cả hoa tai, nhẫn vàng nữa. Mợ em hỏi, ba em bảo là mượn của người bạn nhưng cả nhà em không tin..."

Bên dưới nữa mới là phần chính của bài luận:

"Em hiểu là vì hoàn cảnh gia đình nên ba em mới lâm vào tình trạng khốn khổ như thế. Em không trách ba em nhưng em chỉ buồn vì mợ em đã làm cho ba em phải nên thằng ăn trộm. Em không dùng những tiền đó và em cố làm sao để ba em hiểu rằng không cần phải đi ăn trộm mới có đủ tiền chi tiêu trong gia đình..."

Thầy giáo Phúc cảm động, lật quyển vở xem tên đứa học trò thì bỗng ồ lên một tiếng. Đó là quyển vở của một trong năm thằng Nguyễn văn Thành và quả thật nó có một người cha đã từng bị tù nhiều lần vì ăn trộm.

Câu chuyện nó kể trong quyển vở này chắc chắn là câu chuyện có thật, rất thương tâm và đầy nước mắt. Thầy giáo nhè nhẹ đặt quyển vở sang một phía rồi buồn bã lật sang quyển kế tiếp. Bài luận của quyển này không có đầu đề và được viết bằng một nét bút còn nguệch ngoạc nhưng sắc sảo:

 "... Chưa bao giờ em bị mắng dữ dội như lần đó. Mặc dù em không có lỗi, bố em vẫn cứ trói em vào gốc cây trứng cá và đánh một trận gần chết. Em lả đi vì đau và vì đói. Bố em không cho em ăn cơm và cũng cấm không ai được phép đem cơm cho em ăn. Lúc ấy chỉ có con chó cún của em là dám đến gần gốc cây chỗ em bị trói và lẩn quẩn chơi với em suốt cả buổi chiều. Em nhìn nó. Nó nhìn em. Đôi mắt tí hon của nó như an ủi em và khuyên bảo em đừng nên báo thù những đứa đã làm cho em bị đánh..."

Đây là câu chuyện một em nhỏ bị đòn oan, không ai dỗ dành em trừ con chó vẫn thường nô đùa với em hàng ngày. Thầy giáo Phúc im lặng gấp quyển vở lại, đặt sang chồng đã coi và ngồi yên mấy phút trước khi lật quyển kế tiếp...

Suốt cả chiều hôm đó, thầy giáo say mê đọc bài luận của lũ học trò. Đứa nào cũng tỏ ra rất thành thật khi kể chuyện. Dăm ba đứa chép vớ vẩn những đoạn văn kỳ dị rồi vá đầu vá đuôi lại, thầy giáo vừa đọc vừa lăn ra chiếu mà cười. Nhiều đứa viết rất cảm động, hình như đó là những chuyện thực xảy ra trong đời chúng nên từ giọng văn đến cốt chuyện hết sức sống động và gây xúc cảm nơi người đọc.

Hai bài luận thầy giáo Phúc dành đến tối mới coi là hai "tác phẩm" của Đào Đức Thành, chú bé làm thịt chó và Trần Hữu Dư, liên đội trưởng của lớp. Thằng Bách buổi chiều lại cho thầy nắn tay đã không ngớt tiếc rẻ buổi làm luận hứng thú mà nó không được tham dự. Thầy Phúc thấy nó buồn bèn cười bảo:

- Lo gì. Chứng nào khỏi tay em làm rồi nộp cho thầy cũng được mà.

Mắt thằng Bách sáng lên, nó hấp tấp:

- Nếu vậy con sẽ tả chuyện con bị gãy tay và được thầy nắn hộ...

Thầy mỉm cười: Quả nhiên mỗi đứa trẻ là một thế giới riêng đầy kỳ bí và lạ lùng như rất nhiều người đã từng nhận xét.

Sau khi bó cẩn thận chỗ sai khớp xương cho thằng Bách, thầy dặn:

- Chiều mai lại đến, thầy sẽ thay cho thuốc mới.

Bách vâng dạ liên hồi, sung sướng chào thầy và ra về vui vẻ như một đứa trẻ chưa hề bị tai nạn.

Bữa cơm chiều, thầy Phúc vừa ăn vừa nghĩ về những bài luận lý thú của đám "môn đồ" có nhiều tư tưởng mới lạ ấy. Bây giờ thầy mới nhận rõ là nghề giáo có lắm lúc hứng khởi đến tột đỉnh và ngược lại.

Thầy ăn qua loa mấy bát rồi pha một chén nước trà đậm đoạn giở bài luận của thằng Thành ra coi trước.

Bài luận dài kín mấy trang giấy. Nhiều chỗ xóa xóa dập dập chứng tỏ thằng bé đã không nháp ra giấy như thường lệ. Thầy tò mò đọc cái đầu đề nhỏ mà nó ghi ở giữa tập:

"Thịt chó"

Thầy Phúc suýt kêu lên một tiếng vì kinh ngạc. Chẳng ai ngờ được là thằng bé lại đem chính cái nghề của ba nó ra làm đề luận. Thầy uống một ngụm nước trà rồi hớn hở bắt đầu đi vào bài "tác văn" kỳ cục ấy:

Tôi có cái đặc điểm là hay đi đến lớp muộn. Anh em trong lớp chế tôi ngủ trưa, nhưng tôi thì tôi không để ý đến lời chế nhạo đó bởi vì tôi đã có lý do để bào chữa: tôi phải thức khuya để làm thịt chó.

Nổi tiếng nhất vùng này là thịt chó của ba con tôi làm. Món thịt đó nhiều khi bán chạy hơn cả thịt bò thịt lợn nữa. Nhưng riêng tôi, chưa bao giờ tôi đụng đến một miếng. Điều đó những người khác chắc cũng hiểu. Tôi không dám ăn thịt chó vì chính tay tôi đã giết biết bao nhiêu là chó. Tôi sợ lắm.

Mỗi lần đi học về, ba tôi thường sai tôi đi vào trong xóm tìm chó để mua. Chó lớn, chó bé, chó lành, chó ghẻ ba tôi đều mua hết. Giá cả thì liệu liệu mà trả, sao cho khỏi hớ thì thôi. Đi mua chó, tay tôi kéo một cái xích có luồn vào đó một gióng tre. Cái gióng tre ấy dùng khít chặt cổ con chó lại để dắt nó dễ dàng hơn, khỏi lo tuột mất giữa đường. Tay cầm xích, mặt đảo quanh để "đánh hơi" những nhà có chó, tôi cứ thế đi sâu vào trong ngõ. Chung quanh tôi, đàn chó được nuôi cẩn thận để giữ nhà xúm lấy tôi mà sủa. Chúng chỉ sủa thôi chứ đâu dám cắn, vì chắc chúng biết tôi là "đao phủ" giết chó lành nghề. Nhác trông thấy con chó nào ngơ ngác đứng ở giữa đường là tôi liền hỏi thăm chủ nuôi nó. Tôi ít khi mặc cả lắm, tôi trả đủ tiền là mua, không bao giờ kỳ kèo thêm bớt cho phí thì giờ vì tôi còn phải dành ít thời gian để học bài trước khi đến lớp - đoạn này thằng bé xóa đi, thầy giáo cố đọc thì thấy nó viết: "mặc dù ở lớp bao giờ tôi cũng đứng đầu" - thầy giáo phì cười, quả thật thằng bé khiêm tốn quá, nó không dám viết những gì có vẻ đề cao nó. Thầy lại đọc tiếp:

"... Chó mang về đến nhà, tôi dắt nó đến bên một cái cọc và xích nó lại chờ ba tôi đến làm thịt. Sau đó tôi lại cầm một cái xích khác và tiếp tục đi lùng những con chó cần chầu Diêm Vương, để chọc tiết hộ. Có buổi chiều tôi mua được cả chục con, có hôm chỉ dắt được dăm ba chú về nhà dù đã đi rã rời chân tay suốt buổi.

Đem đến, ăn tạm cơm tối xong ba tôi và tôi sửa soạn thịt chó. Mẹ tôi và đứa em gái tôi thì xách nước, bày chậu, thớt, dao sẵn sàng. Đầu tiên ba tôi lấy một sợi dây thép khá to bó chặt mõm con chó lại cho nó khỏi kêu khóc (thằng bé gạch nửa chừng chữ "khóc", hình như muốn xoa đi song lại thôi) còn tôi lo việc tìm mấy sợi dây khác trói chân tay nó lại (thằng bé gạch nửa chừng chữ "tay") cho nó khỏi dãy dụa khi bị đánh đau.

Sau đó tôi treo ngược con chó lên cao bằng một cái móc sắt, chờ đợi phút cuối cùng của giống vật khốn khổ này. Ba tôi lấy cây búa vẫn dùng thường ngày, lại gần nó, tay rờ rờ lên đầu con vật. Đó là lúc ba tôi đang tìm cái "cục" yếu huyệt của chó. Biết được chỗ đó, chỉ cần đánh nhẹ là chó đủ lăn quay chết thẳng. Nếu không thì có khi nện mười mấy cú búa, chó vẫn dẫy dụa được. Những lúc ấy trông thật thảm thương. Con chó sùi bọt mép trắng xóa, mắt lạc hẳn đi, mồm không ngớt rú lên từng hồi (tôi đoán nó rú vì thực sự nó chỉ kêu ư ử dưới cái đai buộc mõm cứng chắc thôi). Đầu nó dường như móp đi và đôi khi tôi thấy xương đầu của nó lộ ra nữa. Mỗi lúc đó, tôi kinh hãi quay mặt đi và sợ đến nỗi tim đập ầm ầm như trống báo hiệu mỗi lần cháy nhà. Tôi không dám nhìn vào mặt con vật đáng thương đó nữa, vì tôi biết rằng nhìn nó là tôi sẽ chẩy nước mắt ngay.

Không nhìn thấy gì, nhưng tôi vẫn nghe tiếng rên đau đớn của nó. Tiếng rên khàn khàn ở cổ như khóc lóc, như oán hận làm tôi rưng rưng nước mắt. Tôi không chạy lên nhà được vì tôi phải ở lại giúp ba tôi. Tôi cũng biết là ba tôi, mẹ tôi và em tôi cũng thương giống vật như tôi, cũng ứa nước mắt mỗi khi thấy chúng bị hành hạ, nhưng không làm thế thì không có cách nào sinh sống được. Có lần ba tôi bảo tôi "giết một sinh vật khác để cho mình được sống là điều hơi bất nhân. Mỗi lần làm xong việc đó là mình thấy xót xa trong ruột và ân hận vô cùng. Nhưng ở đời này thì... phải làm như vậy chứ sao khác được.

Tôi cũng giống ba tôi ở điểm đó và tôi chắc mẹ tôi, em tôi, hàng xóm tôi cũng giống tôi ở điểm đó. Chính vì thế mà tôi chẳng bao giờ ăn thịt chó, cũng chẳng bao giờ ăn thịt bò thịt lợn vì tôi đã hình dung ra được cảnh thương tâm nơi giết những con vật đó...

Tôi kể chuyện thịt chó đến đây là hết. Vì đoạn lột da, thui chó, mổ bụng, lôi ruột con vật đó làm thức ăn cho mọi người chẳng có gì là vui thú cả. Tôi chỉ mong sao cho lũ chó chết dưới mắt tôi đừng oán hận tôi là đủ lắm rồi...

Đoạn cuối cùng chữ viết hấp tấp vội vàng. Đó chính là lúc tan học. Thằng bé như có vẻ khổ sở vì phải viết ra những điều như vậy, nhưng khi viết xong, nó lại cảm thấy trong người nhẹ nhõm hẳn. Thầy giáo bây giờ mới nhớ lại vẻ mặt của nó và những cử chỉ của nó trong lớp. Nó đã phải im lặng vì hối hận. Nó đã phải làm việc túi bụi trong lớp để mong quên đi những cảnh đau khổ đã qua và sắp diễn ra trước mắt nó. Nhưng nó vẫn ngoan ngoãn vâng lời cha mẹ đi mua chó và đến đêm phụ giúp với cha giết từng con vật mà nó hằng yêu mến. Thằng bé đáng thương thật. Nó giống như nhiều người hiện nay, phải làm những việc mà họ không thích, nhưng vẫn phải tuân hành vì lý do này hay vì lý do khác...

Thầy giáo gấp quyển luận văn của Đào Đức Thành lại. Uống một ngụm nước trà, ngồi nghĩ ngợi giây lâu, ông mới giở đến tập cuối cùng: tập luận văn của Trần Hữu Dư.

Ngay vào bài, thằng bé vẽ một ông thầy giáo đội mũ, mặc áo the đen, tay cầm một cái quạt. Cạnh ông thầy là một đứa bé ôm chồng vở cao quá đầu. Hai thầy trò cùng nhìn về phía trước, nơi có một căn nhà và mấy chữ "Lớp Nhất B".

Thầy Phúc bật cười. Thằng bé gan góc dám đi ra ngoài thông lệ là đã vẽ bừa trong vở luận. Nhưng thầy tôn trọng sự "tự do ngôn luận" của nó, không phê gì, chỉ tiếp tục đọc xuống phía dưới:

"Tả thầy trò lớp chúng em".

Thầy Phúc "à" lên một tiếng. Thì ra đây là bài luận viết về thầy do chính tay đứa học trò thân thiết nhất làm ra...

Sau mấy câu vào đầu như thông lệ, thằng Dư bắt đầu viết:

"... thầy thường mặc áo đen, quần trắng. Những hôm đội em quét lớp thì thầy chắp tay sau lưng đi đến lớp không phải ôm vở vì đã có chúng em mang hộ.

Thầy hay mỉm cười với chúng em vì chúng em rất chăm chỉ làm việc. Đứa nào lười, thầy không đánh, thầy chỉ xoa đầu và bảo "thua người không biết nhục sao?" Thế là nó đỏ mặt tía tai, lủi về chỗ.

Hôm nào mưa to, nóc nhà có vài chỗ dột, bọn học trò nào số đen thì ngồi phải chỗ đó. Bọn chúng xô đẩy nhau để chiếm chỗ ở những bàn đằng trước. Những khi ấy, thầy cho mấy đứa lên bàn thầy đứng mà viết, còn thầy chắp tay sau lưng xuống cuối lớp nhìn chỗ dột.

Thỉnh thoảng có đứa đá bóng hay chơi cầu bị trặc tay sưng chân, thầy lại lấy thuốc rượu của thầy xoa bóp, nắn xương cho chúng. Người ta bảo thầy là một ông lang rất nổi danh, em có thể tin được vì thầy giỏi lắm, đọc cả sách thuốc chữ Tầu và viết chữ Tầu nhanh như gió.

.........

Những đoạn sau, thằng Dư tả tính tình thầy giáo nó, tính tình các bạn bè, chẳng hạn về thằng Kim: "thằng Kim xấu ăn lắm, ai ăn gì nó xin cũng được thế mà nó có gì thì nó chui vào bụi nó ăn một mình..."

Hay về thằng Tân:

"Thằng Tân ăn trộm dứa giỏi lắm. Hôm nào tắm sông xong nó cũng lặn sâu dưới nước lại gần bờ ruộng dứa đắng sau vì đằng trước rào kín đáo lắm. Bẻ được mấy quả nó lại cho vào bọc áo rồi lặn xuống nước bơi trở về chia cho nhau ăn..."

Thằng bé Dư đúng là không biết kỹ thuật làm luận. Nó cứ kể tuốt tuột cả những gì nó biết về lớp học ra nên bài luận của nó dài bẩy tám trang mà vẫn còn nhiều "nhân vật" chưa được giới thiệu...

Cái kết luận của nó thật kỳ cục:

"Còn mười mấy đứa nữa em chưa kịp kể vì hết giờ học rồi. Muốn biết thêm chi tiết xin đón coi hồi sau rất hấp dẫn như chuyện thằng Quốc đi chăn vịt bị ma nhét bùn vào miệng hay chuyện thằng Sơn một mình chữa cháy cho cả xóm vân vân. Nhưng em phải xin phép thầy cho làm bài nữa mới được..."

Thầy giáo Phúc buông rời quyển luận. Thầy vừa từ giã thế giới đầy mầu sắc của đám học trò quen thuộc. Lẳng lặng, thầy châm đóm, hút thuốc lào và uống mấy cốc nước chè liên tiếp...

*

Hôm trả bài, thầy giáo Phúc bắt học trò ngồi im lặng. Rồi thầy cất tiếng nửa như buồn, nửa như mừng rỡ:

- Thầy thấy cần nói với các em điều này trước khi trả luận cho các em: không một số điểm nào lại có thể cho đúng với năng lực làm việc của các em. Hầu hết các em đã cố gắng dùng tất cả sức lực của mình để viết nên một bài văn diễn tả ý tưởng của mình trước cảnh sống chung quanh. Các em đều xứng đáng được điểm cao. Kỳ này thầy cho các em bằng nhau và đồng hạng nhất...

Lũ trẻ ngơ ngác trước bài "diễn văn" xa lạ của thầy. Mắt chúng chỉ sáng lên khi nghe thấy hai tiếng "hạng nhất" sau cùng. Chúng bá cổ nhau, gây ồn ào khắp lớp. Trong khi đó, thầy giáo Phúc lẳng lặng mở sổ điểm ra, ghi cẩn thận nơi cột "LUẬN" của mỗi đứa một con số 8 thật tròn trĩnh, thật chững chạc. Thằng Thành, thằng Dư ghé mắt nhìn trộm. Thầy thấy thế, mỉm cười với chúng. Hai đứa trẻ hớn hở ngó nhau, sung sướng như vừa được một món quà mà chúng chưa bao giờ được hưởng.


VĂN HƯƠNG    

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 49, ra ngày 15-7-1966)

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>