Ai cũng gây ra lỗi lầm, nhất là khi ta còn trẻ. Chẳng vậy mà có người đã nói, muốn trẻ mãi thì cứ việc lầm lỗi hoài. Mỗi khi có dịp hồi tưởng lại những tháng ngày tuổi dại, tôi không khỏi bật cười một mình, hoặc nhỏ một vài giọt nước mắt hoài niệm, nhưng cũng mừng thầm là mình cũng đã không gây nên những lầm lỗi đáng tiếc nào cho lắm.
Năm lên lớp ba, tôi đã quay trở lại Sài Gòn sống với gia đình. Hàng ngày, ba tôi đều ra khoảng 3, 4 bài toán đố để tôi làm ở nhà. Thú thật, toán là môn học tôi sợ nhứt đời. Tới bây giờ khi đã không còn mài đũng quần trên ghế nhà trường đến mấy chục năm rồi, nhưng cứ nghe ai nhắc tới môn toán là tôi không khỏi có những cảm giác hãi hùng! Dĩ nhiên là tôi không thể giải nổi bất cứ một bài toán nào, dù lớp ba hay lớp bảy. Thế nên ba tôi vừa ra xong bài tập ở nhà cho tôi, ông vừa đi khỏi thì tôi cũng vừa lục lọi coi ông cất cuốn sách toán đố đó ở đâu để đem ra chép đáp số, nhưng cũng cẩn thận (hay ma giáo?) sửa lời giải đôi chút để ông khỏi nghi ngờ tôi đã copy!
Với sức học của tôi như vậy mà tới khi dự kỳ thi vô lớp đệ thất, tôi cũng bày đặt tài lanh quăng bài giải toán cho nhỏ bạn thân nhất ở lớp nhứt, đã tình cờ cũng ngồi cạnh nhau trong phòng thi, vì trùng tên. Khỏi nói cũng biết kết quả kỳ thi năm đó ra sao! Ba má tôi không khiển trách tôi lấy một lời, chắc vì tôi là con gái, nên có rớt năm nay thì năm sau thi lại chẳng sao, không bị áp lực như cánh con trai sinh nhằm thời chiến lúc bấy giờ. Nhưng chính vì thái độ "buồn nhưng không nói" đó của ba má mà tôi đã ráng hết sức để thi đậu năm sau để ông bà vui lòng. Thỉnh thoảng tôi cũng tự hỏi chẳng biết nhỏ bạn thân thời tiểu học của tôi, đã cùng kể nhau nghe bao kỷ niệm, chia sẻ biết bao nhiêu vui buồn của quãng đời học sinh tiểu học ngày đó, bây giờ cuộc đời đã trôi nổi về đâu.
Đậu vô lớp sáu rồi, hàng ngày mỗi sáng ba tôi lại kèm tôi học Anh văn! Ông sẽ đọc đi đọc lại những câu tiếng Anh đơn giản như What's this? It's a chair/table/book... trong cuốn English For Today màu vàng để tôi bắt chước đọc theo, trước khi ông đi công chuyện. Nhưng ông vừa ra khỏi nhà thì tôi cũng đi vô phòng tắm để khóc, khoảng mười phút, ngày nào cũng vậy! Tôi khóc đã đời trong phòng tắm, lau mặt mũi sạch sẽ rồi trở ra ngồi đọc bài oang oang rổn rảng như chưa có gì xảy ra, khiến chính tôi cũng phải lấy làm ngạc nhiên. Sau này khi hỏi má nguyên do, tôi mới biết đó là vì tôi không thích học, nhưng bị bắt buộc học trái với ý muốn, nên mới xảy ra cớ sự như vậy! Có đứa con nít nào mà lại thích học không trời? Một lần nữa, tôi lại phải chào thua môn Tâm lý học, vì tôi còn không lý giải nổi chính mình!
Trong khoảng thời gian học lớp sáu, tôi có một kỷ niệm thật ngộ nghĩnh khiến tôi cứ bật cười mỗi khi nghĩ lại. Tôi dám bảo đảm những học sinh lùn mà cứ đòi ngồi bàn cuối là những đứa phá như quỷ, vì tôi nằm trong số đó. Những bàn chung quanh tôi đều là những bạn cao ráo, như HN chẳng hạn. Không hiểu tôi đã lọt vô "cặp mắt xanh" của bạn ấy từ hồi nào mà sinh nhựt năm ấy, HN đã mời tôi và các bạn ngồi xung quanh, ai nấy đều cao kều, tới nhà dự tiệc. Nhà bạn ấy là đại lý máy may Singer, nên trong nhà chất cả ngàn chiếc máy may khắp nơi. Sau này bạn ấy có rủ tụi tôi về vườn cây ăn trái của nhà bạn ấy hình như ở Thủ Đức, phải nói ngoài vườn là những cây xoài trĩu trái, còn trong nhà là máy may, nhiều vô số kể! Đại lý có khác! Trở lại chuyện tôi đi dự sinh nhựt lần đầu tiên trong đời. Tôi cùng một bạn nữa tung tăng đến nơi, đã thấy các bạn khác đến rồi. Ai cũng mang quà tới chúc mừng sinh nhựt HN, trừ tôi. Thấy vậy bạn K hỏi tôi rằng tôi tặng cho HN quà sinh nhựt gì? Ôi cha mạ ơi cái lần đầu tiên tôi dự tiệc sinh nhựt ấy khiến tôi muốn độn thổ, vì lúc đó tôi tưởng cứ việc "vác xác" tới ăn, chớ nào tôi có biết cái "thủ tục" tặng quà sinh nhựt ấy hồi nào đâu, thế nên tôi đã ú ớ những gì không rõ. Lần đó, đến tận mấy ngày sau, HN mới nhận món quà sinh nhựt muộn từ tôi, nhưng chắc bạn ấy chẳng lấy gì làm phiền, vì tụi tôi đứa nào cũng còn con nít trân.
Từ lớp sáu tới lớp 12, năm nào tôi cũng được lớp bầu làm Trưởng ban Báo chí vì thường đứng đầu lớp môn Việt văn. Nhưng Trưởng ban Báo chí cũng phải phụ trách nhiều công việc có dính dáng tới tờ báo lớp, và phải dự những cuộc họp trường liên quan tới tờ đặc san xuân của trường, chớ không phải chỉ ngồi chơi không. Lớp 6 thì tụi tôi chỉ phải làm một tờ bích báo, nhưng từ lớp 7 trở đi thì lớp tôi mỗi năm tết đến (hay hè tới nhỉ, tôi quên mất rồi) phải ra một cuốn đặc san. Một năm nọ, sau khi biên tập nội dung xong, tôi rủ một nhỏ bạn gần nhà chiều chiều tan học cùng ra tiệm quay ronéo cũng gần nhà để "giám sát" việc in ấn từ A tới Z. Tôi chỉ phụ trách in ấn báo lớp duy nhất lần đó rồi chạy làng luôn từ bấy giờ đến sau này, vì quá xấu hổ. Là vì chú chủ tiệm quay ronéo tuy không có hoa tay nhưng vẫn nguệch ngoạc đồ lại những tác phẩm hội họa đẹp tuyệt vời của những nhỏ bạn họa sĩ nhí của tôi dùng để minh họa, trang trí lên tờ stencil. Khỏi nói cũng biết kết quả: từ tiên thành cú, cuốn đặc san dễ thương của chúng tôi năm ấy từ đầu tới cuối, thay vì có những bức vẽ đẹp mà trẻ em gái thường mơ ước như công chúa, tiên nữ, tiểu thơ... thì chỉ thấy toàn những Thị Nở, Chung Vô Diệm! Thật là một kỷ niệm rùng rợn đáng nhớ đời.
Có lần anh Hải mang về nhà một chú rùa con nhỏ xíu thật dễ thương, và nói rằng nó chẳng cần ăn uống gì! Cho tới lúc bấy giờ, tôi chưa từng được trông thấy một sinh vật dùng làm thú cưng nào ngộ nghĩnh đến thế, vì tôi chỉ biết người ta thường nuôi chó, mèo, chớ không ngờ tới cả rùa nữa. Tôi cứ mê man chơi đùa với chú rùa con hiền lành đó, và một hôm đẹp trời kia, còn mang vô khoe với các bạn học cùng lớp trường tư tôi học thêm vào buổi trưa. Nhưng trên đường về nhà, tôi lỡ đánh rơi chú rùa từ hồi nào không hay. Tôi nhớ mình đã quanh đi quẩn lại tìm mãi chú rùa con ấy, nhưng vô ích. Chẳng hiểu sao anh Hải tôi lại biết đích danh tôi là thủ phạm, cho dù tôi đã cố cãi chày cãi cối, em thấy nó bò từ cây bông giấy tím, qua cây bông giấy cam, rồi nó đi đâu mất tiêu! Sau đó anh Hải còn mang về nhà ít nhất là một chú rùa khác nữa nhưng kỳ sau lớn hơn kỳ trước, và cũng cái kiểu, "nó không cần ăn uống gì hết", rùa ta lăn quay ra chết! Tôi còn nhớ mình đã chui xuống gầm bàn, dùng phấn viết lên gầm bàn dòng chữ, rùa chết ngày 11 tháng 11!
Có lần tôi theo lũ trẻ hàng xóm vô hẻm chơi, và hái được những chùm hoa Thông Thiên (hay Huỳnh Liên) màu vàng thật đẹp, có kèm cả những chùm trái, nổi gân, hình thoi, màu xanh, trông thật lạ lùng nhưng cũng thật bắt mắt. Trẻ em hay tò mò, và tôi cũng vậy. Tôi đã lấy một con dao lam rọc giấy có cán được sơn nhiều hình thù, màu sắc, gấp lại được, và rất bén, để xắt trái Thông Thiên ra thành từng lát coi có gì ở trỏng. Đang mê man với thứ trái lạ lùng ấy thì anh Hòa tôi, cũng tò mò không kém, đã giựt lấy để xem. Bị mất đồ chơi, tôi dùng con dao ấy, đã gấp cán lại, đánh vào đầu anh. Không ngờ lưỡi dao lỏng đã văng ra theo nhịp đánh và chém vào đầu anh một vết thương dài chừng 2cm, khiến máu ra xối xả. Xanh lè mặt mũi, tôi đã không thốt nổi nên lời, lẳng lặng nhìn anh Hải dùng thuốc đỏ và bông gòn chấm lên vết thương để sát trùng cho anh Hòa. Sau đó tôi còn bị thêm một phen đứng tim nữa, vì ba tôi, lo lắng khi thấy cái đầu máu của anh Hòa, hỏi anh chuyện gì đã xảy ra. Binh vực tôi, anh Hòa nói bị té đập đầu vô thành cầu thang! Cảm ơn Trời Phật tôi có được hai ông anh thật đích đáng. Làm anh khó lắm, Hoài Linh đã nói vậy mà!
Trưa trưa, ba tôi, nằm ghế bố, hay bắt xấp nhỏ tụi tôi thay phiên nhau, hôm nay đứa này, mai đứa khác, bắt tóc bạc. Như các bạn biết rồi đó: con nít không thích làm việc, nhất là những việc buồn chán như nhổ tóc sâu! Nếu có nhạc xuân hay nhạc giựt nghe để đánh lạc hướng thì cũng còn đỡ buồn, đàng này vì là buổi trưa, mọi âm thanh đều phải "điều chỉnh vừa đủ nghe để khỏi phiền lòng hàng xóm", và TV cũng không được mở, vì lẽ ba tôi cứ ngủ gà ngủ gật như vậy thì còn coi TV nỗi gì nữa. Thế nên, ngồi dưới đất, tay cầm nhíp, tay lùa tóc ba, tôi tha hồ gấp chân này, duỗi chân kia, đổi chân nọ, mãi mà vẫn không được phép nghỉ. Chán chường, một trưa nọ, tôi bèn nghĩ ra cách bứt một cọng tóc bạc ra làm đôi (hay làm ba không biết chừng?) để chóng xong việc! Ba tôi mắt nhắm mắt mở, thấy cả đống tóc sâu đặt trên đầu gối, gật gù khen tôi giỏi, một tay phủi đám tóc bạc xuống đất, tay kia phẩy phẩy cho phép tôi được nghỉ, đi chơi! Tôi không nhớ tôi có bao giờ hối hận về việc làm gian dối này của mình không, nhưng viết tới đây, tôi sực nhớ tới một câu danh ngôn nọ, The greatest sinner makes the greatest saint. (Người gây nhiều tội lỗi nhứt sẽ trở thành vị thánh vĩ đại nhứt)!
Đang nửa chừng viết đoản hồi ký này, tôi chợt nhớ tới cô ca sĩ nào đó có lần nói rằng, phải là những nhân vật có tiếng tăm mới nên viết hồi ký. Nhưng đối với riêng tôi, cuộc đời mỗi một cá nhân bất kỳ đều là một sự bí hiểm, với những góc khuất đầy kỳ thú, nhiều nước mắt nhưng cũng lắm nụ cười, đều đáng trân trọng và cần được khám phá. Không lẽ đời cô ca sĩ không đáng giá và không cần tìm hiểu bằng đời một vị tổng thống? Ai cũng có thể là thày ta, đều có cái hay để mình học hỏi, và khuyết điểm để mình coi mà rút kinh nghiệm. Càng lớn tuổi tôi càng chán tiểu thuyết – những tác phẩm tưởng tượng – trừ những tác phẩm để đời của nhóm Tự Lực Văn Đoàn, và càng ngày tôi càng thích thú với những áng văn hồi ký nói lên sự thật bất kỳ của một cuộc đời nào đó, một trong hằng hà sa số những chúng sinh đang hụp lặn trong cõi nhân gian này!
Trần Thị Phương Lan
(Bút nhóm Hoa Nắng)