Thứ Hai, 28 tháng 9, 2020

Những Mùa Thu Xa



Tôi trở về nhà khi thành phố vừa lên đèn. Buổi chiều đang cố le lói một chút ánh sáng ở phương Tây như nuối tiếc trước khi tắt hẳn. Giờ này mọi người có lẽ đã ăn cơm cả rồi, chỉ có tôi về trễ thôi. Cũng tại chiều hôm nay trời đẹp quá, mải đi với lũ bạn mà quên về "Thôi thì đành ăn cơm trễ vậy" Tôi mỉm cười với ý nghĩ đó...

Chị Ngân đang sửa lại ít trái cây trong dĩa ngũ quả trên bàn thờ. Thấy tôi chị hỏi:

- Hôm nay Du về trễ cơm rồi đấy nhé...

- Vâng, em với Việt đi lang thang chơi... Màu mây buổi chiều đẹp quá chị ạ, em định vẽ lại liền mới được.

Chị Ngân nhìn ra cửa:

- Du thì lúc nào cũng cọ sơn giá vẽ... Không ăn cơm à?

Tôi lắc đầu rồi bước nhanh lên thang. Căn gác bé nhỏ với sách vở bừa bãi có một vẻ thân mật đặc biệt. Để nguyên quần áo không thay tôi nhào đại lên giường nằm nhắm mắt. Cơn làm biếng không cho phép tôi cầm lấy cây cọ để ghi lại cảnh chiều vừa thấy. Phải nằm một lúc mới có đủ can đảm làm việc được.

Nhưng mãi rồi tôi cũng không ngủ được. Nghe quanh mình mọi vật đều im lặng. Loáng thoáng có tiếng chị Ngân với lũ cháu đang làm gì đó ở dưới thang lầu. Sự mỏi mệt của buổi đi dạo xâm chiếm hoàn toàn làm rã rời cơ thể. Căn gác tối thui nhưng tôi cũng không thèm bật đèn lên.

Hơi giật mình khi nhớ lại hôm nay đã là 14 rồi. Trung thu đã về mà tôi quên bẵng. Tánh tôi vẫn thế, cứ hay quên và không khi nào để ý đến sự vật quanh mình. Lúc nãy đi dạo phố tôi đã thấy lồng đèn bày thật nhiều trong các tiệm, có cả bánh trái nữa chứ. Ấy thế mà vẫn không nghĩ ra được ngày lễ hôm nay thì thực là đãng trí.

Có tiếng động trên cầu thang rồi một cái bóng bé nhỏ bước lên cất tiếng kêu nho nhỏ:

- Chú Du ơi... Chú Du...

Nhận ra tiếng bé Nhật, tôi bước xuống giường bảo:

- A... Nhật đấy hở... Chờ chú vặn đèn chút nha... Đứng đó, đừng đi đâu coi chừng té nha.

Đứa cháu ngoan ngoãn cất tiếng dạ nhỏ. Ánh đèn bật lên, tôi nhìn nó mỉm cười:

- Nhật lên đây chi thế... Hông sợ té à?

Đứa cháu bước lại gần tôi, miệng cười thật ngây thơ:

- Chú Du sửa dùm Nhật cái nan lồng đèn này đi. Nó lệch qua một bên nè. Nhật sợ lát nữa đốt đèn nó cháy quá chú ơi...

Nhìn vẻ lo âu món đồ chơi hiện lên gương mặt bé Nhật tôi bỗng xúc động, tưởng nhớ lại một thời đã qua với những mùa trăng rằm xách lồng đèn theo sau chị Ngân mà lòng cứ nơm nớp lo bị cháy. Quả là xui xẻo nếu việc đó xảy ra và dù có nhiều bánh mứt đem cho cũng không bằng những giây phút vầy đoàn rước đèn như thế. Những mùa trăng ấu thơ đã qua đi rồi, đã xa tít tắp, tôi lớn lên với những muộn phiền ưu tư giăng kín nên không còn can đảm vui chơi một lần như ngày xa xưa.

- Nhật ngồi xuống đó lật sách xem đi, để chú sửa lại cho...

Bé Nhật vâng lời, bước đến giường ngồi xuống. Tôi đưa tay đỡ chiếc lồng đèn lên xem. Chiếc đèn có hình con cá với cặp râu vàng ngoe ngoảy thật đẹp. Chị Ngân hẳn cũng như mẹ tôi ngày xưa, đã bỏ rất nhiều thì giờ để lựa được như thế này. Đưa tay kéo nhẹ cái nan lồng cho trở về vị trí cũ xong tôi quay sang hỏi Nhật:

- Bé này, vậy chứ cu Tường, cu Lân, cu Sang và bé Xuân Du có lồng đèn hình con gì hở?

Mắt thằng bé sáng lên:

- Đẹp lắm chú ơi! Cu Tường có con chim bồ câu, cu Lân có cái quả trám, còn anh Sang thì có chiếc thuyền buồm mí lị chị Xuân Du với ngôi sao í... Tối nay nè, mẹ bày cỗ ở ngoài vườn hoa ấy... Vui lắm.

Đưa cho bé Nhật chiếc đèn đã sửa xong tôi mỉm cười:

- Ừ, chơi cho khéo hông thôi nó cháy thì xui lắm nha...

Thằng bé gật đầu vui vẻ tiếp lấy chiếc đèn. Có tiếng chị Ngân dưới nhà vọng lên:

- Chú Du ơi, xuống đây bày cỗ với các cháu nè... Hôm nay Trung Thu mờ làm gì rút lên gác vậy...

Tôi quơ vội chiếc áo, đáp:

- Chờ em thay đồ đã chị ơi...

Nhưng lũ cháu nóng lòng đã leo lên gác tìm tôi. Trên tay đứa nào cũng lủng lẳng đèn hoa. Bé Xuân Du nhìn tôi láu táu:

- Chú thay đồ nhanh lên đi rồi ra vườn hoa xem. Nãy giờ cháu với me bày cỗ ngoài ấy đó... Đẹp ghê đi...

Vất lũ quần áo vừa thay đổi xong qua một bên, tôi đứng dậy:

- Ừ, cháu Xuân Du một khi ra tay là phải biết... Đẹp lắm chứ chả chơi đâu...

Mấy đứa bé líu ríu cười nói theo chân tôi xuống thang ra vườn.

Khu vườn lúc này sáng rực lên với những ngọn đèn được cắm chặt trên cành cây. Và trên cao, vầng trăng tròn đang lơ lửng thả những sợi tơ vàng óng ánh xuống trần gian. Tất cả đều chan hòa ánh sáng, thứ ánh sáng huyền diệu mà mỗi năm chỉ có một mùa được cảm nhận. Không gian ngát hương hoa thơm quyện mùi trầm nơi bàn thờ Phật làm sảng khoái tinh thần. Cơn mỏi mệt lúc nãy dường như bay biến, tôi bước lại gần chị Ngân, cười:

- Một mùa trăng nữa lại về, em chúc chị và các cháu được mãi mãi yên vui và trong lành như ánh trăng.

Chị Ngân cũng cười, bảo:

- Chú làm thơ đó hở?

Mắt chị chớp nhanh cảm động, lời chúc có vẻ bông đùa của tôi có lẽ đã gợi cho chị những hình ảnh xa xôi nhưng cũng tuyệt vời nhất của thời thơ ấu. Kỷ niệm tưởng chôn vùi theo thời gian không dừng lại nổi lên dạt dào trong tâm khảm, tôi đưa tay đốt ngọn đèn cầy trong con bồ câu của cu Tường rồi nhẹ nhàng thốt:

- Mẹ khi xưa cũng đã từng bày cỗ, từng đốt đèn cho mình chơi đấy chị ạ...

Chị Ngân mơ màng, xa vắng:

- Chị vẫn nhớ, vì có ai quên được tuổi thơ của mình bao giờ đâu em...

Tôi tiếp tục mồi đèn cho lũ cháu, chúng mừng vui cám ơn tôi ríu rít. Ánh sáng được lọc qua lớp giấy kiếng bóng màu hồng rọi lên những gương mặt ngây thơ và mắt nhìn thánh thiện. Tôi xúc động, hình ảnh đó là của tôi, của chị Ngân ngày xưa chứ gì?... Cũng cười vui, cũng đòi bánh trái, cũng ca hát... và bóng dáng người mẹ thân yêu của vùng quê xa xôi. Một thời đã qua mãi mãi không tìm lại được, càng nhớ nhiều tôi lại càng thêm nuối tiếc.

Trong trí tưởng tôi, những mùa trăng xa xưa mịt mùng như huyền thoại. Vâng, huyền thoại... vì tháng ngày đó quá đẹp, quá tuyệt vời như truyện thần tiên. Cứ độ Thu sang, lá rụng nhiều là trong lòng mỗi đứa trẻ cũng khấp khởi mong đợi. Cái ngày 15 tháng 8 ta ấy như được kết bằng muôn vạn ước mơ. Không biết từ đời thuở nào mà người ta đã đặt ra ngày đó dành cho trẻ con, riêng mình trẻ con và được gọi là tết Nhi Đồng. Một cái Tết trong sáng dễ thương của tuổi thơ.

Vào những ngày đó, mẹ tôi hiền từ như bà tiên mua đèn lồng, bánh trái về bày cỗ. Tôi với chị Ngân suốt ngày được rong chơi chờ đêm đến rước đèn cùng lũ trẻ quanh xóm.

Đêm lúc ấy cũng trong lành và đầy ánh sáng. Không khí thì quyện mùi lúa mới ngất ngây. Cả bọn kéo nhau cầm đèn đi cùng làng, vừa đi vừa ca hát, đôi khi lại tạt qua nhà nào đó để rủ vài đứa nhập bọn. Đi đâu cũng được người ta cho ăn chè và bánh đến ứ cả cổ. Gió mát đưa lời ca trong lành khắp nơi cho trăng thêm sáng, cho đêm thêm dài và mọi người thêm vui. Và rong chơi suốt đêm không ai cản ngăn, đến lúc buồn ngủ thì lăn ra gốc rạ thiếp đi dưới ánh trăng vàng tỏa khắp. Tay cầm chiếc lồng đèn như ôm lấy cả trời mộng mơ thơ dại.

Cái thuở vô tư đó trôi thật nhanh. Một... hai... ba rồi... nhiều mùa trăng đi qua. Tôi vẫn không để ý, vẫn thờ ơ với thời gian. Rồi một ngày chợt giật mình nhận ra tôi đã lớn, với muộn phiền lo nghĩ vẩn vơ. Tôi mới nhận ra rằng tuổi thơ đã xa rồi, xa theo bóng dáng mẹ tôi về nơi thế giới khác. Tôi và chị Ngân lên tỉnh thành sinh sống, bỏ lại vùng quê xưa chất chồng kỷ niệm.

- Em nghĩ gì mà thừ người ra thế hở Du?...

Tôi quay lại, lũ cháu đã bỏ đi với đèn trong tay vầy đoàn ca hát. Chị Ngân đang nhìn tôi.

- Em nghĩ là... Trung Thu năm nay thực tuyệt...

Chị mỉm cười đưa tôi cái bánh. Tôi cầm lấy nói miên man:

- Vâng, mùa trăng năm nay quá đẹp. Lát nữa em sẽ lên gác vẽ lại cảnh nầy vào giấy... Em sẽ tặng chị.

Gió thổi làm hương hoa bay tản mạn, tôi phồng mũi hít thật mạnh. Và đưa miếng bánh lên miệng, cảm thấy thật ngon, thật ngọt...


LÊ MINH CHÂU        
(10B2 - Trung Học, Sadec)  

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 106, ra ngày 7-9-1973)

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>