Thứ Ba, 22 tháng 9, 2020

Chuyện Của Tôi


Kính thưa các bạn

Đáng nhẽ tôi không kể câu chuyện này cho các bạn nghe đâu vì nó là câu chuyện ruột, ý quên chuyện lòng của tôi ai lại đi kể cho các bạn nghe bao giờ. Thế nhưng chiều hôm nay trời đang nắng đẹp đẽ bỗng lất phất vài hạt mưa bay, mây xám trôi bàng bạc, gió hiu hiu tôi cảm thấy buồn. Buồn da diết, buồn áo não nên muốn trút tâm sự cùng các bạn. Dù sao chúng mình cùng trong gia đình buồn vui phải chia sẻ với nhau phải không các bạn? Và bây giờ câu chuyện bắt đầu.

Thưa các bạn, trước tiên phải giới thiệu CÁI TÔI với các bạn, tiếng Tàu gọi là BẢN NGÃ (đúng không chả biết vì tôi dốt chữ Hán nhưng thích xổ) Tôi có mỹ danh là Lữ Mộng Diễm Thùy (!) sinh ra đời dưới một vì sao chói sáng (chứ không xấu đâu vì nếu xấu tôi đã không làm nên những chuyện vĩ đại sau này). Trước ngày vào gia đình Tuổi Hoa tôi đã là một người vĩ đại nhưng vì lầm lỗi nên bị ba me phạt phải vào gia đình Tuổi Hoa nhờ chú Trường Sơn giáo huấn lại nên "mới ra nông nỗi này" đấy chứ! Kể nhiều quá và bây giờ đi vào câu chuyện của tôi. Trước tiên là chuyện:

 
TÔI LÀM THI SĨ

Buổi sáng mùa Xuân trời trong đẹp và mát lạ, tôi ngồi dưới gốc cây nhãn trong vườn bỗng dưng xuất khẩu được mấy câu thơ:

Ô những mùa xuân sang
Lắm người sang ngang
Tôi buồn hoang mang
Tình tính tang!!

Tôi ngồi bật dậy và khám phá "mình có cái máu thi sĩ trong người". Chao ôi! Thế mà từ lâu rồi tôi không biết. Thế là từ đó, tôi làm thơ thật nhiều và xin gia nhập nhóm thơ "Bình Minh chói sáng". Bài thơ ra mắt thi nhóm tôi không nhớ hết nhưng cũng được vài câu:

Ôi! Tôi buồn như lá vàng rơi.
Tôi sầu như mưa chơi vơi
Em ơi, em ơi, em ơi...


Chả hiểu thế nào mà anh trưởng nhóm chịu gấp, cho tôi gia nhập ngay thi nhóm. Tôi lấy biệt hiệu là "Chiều lang thang", anh ấy phản đối quyết liệt. "Cái tên Chiều lang thang không hợp với ý nghĩa của tên nhóm. Thùy lấy tên Thùy cũng được vậy chứ. Bình Minh chói sáng là ta liên tưởng ngay đến một buổi sáng tươi mát, đẹp trời còn Chiều lang thang, chao ơi! Chả lẽ Thùy đi làng thang vào buổi chiều trời nắng bể đầu sao! Thùy phải đi lang thang lúc trời mưa bay bay, gió dìu dặt nhẹ nhàng, mây u ám thế mới làm thơ được chứ. Nó phản nhau chỗ đó, Thùy không thấy chị Trang lấy bút hiệu Hoa Bình Minh, anh Tuấn bút hiệu Nắng Mai Hồng sao. Đổi bút hiệu đi". Tôi phải dùng cái mỹ nghệ, ý không phải, cái mỹ thuật văn chương ra mà thuyết phục anh một hồi anh mới tạm bằng lòng nhưng còn hậm hực: "Bao giờ tôi bảo không được là phải đổi nghe vì còn kỷ luật của nhóm nữa". Nhưng về sau anh bằng lòng và mãn nguyện tôi lắm, không có gì trách tôi cả. Chắc các bạn ngạc nhiên lắm? Có gì đâu, anh mời tôi... ra khỏi nhóm! Anh bảo: "Thơ Thùy không hợp với nhóm, lại không tuân theo kỷ luật, mời đi họp không đi mà Thùy có bận cho cam". A, tôi đâu có muốn phạm kỷ luật, tại cái tính đãng trí ấy mà, mặc áo vào định đi họp thì lại ra nhà con bạn rủ nó đi phố mua cờ tướng về đánh! (Tôi đánh cờ cao lắm đó nghe, thua em trai có hai bận thôi). Ố là là, tại anh này không biết thưởng thức tài nghệ tôi đấy thôi, ta làm thơ gửi báo đăng tự do cũng được vậy: Báo Mộng Mơ có cô ÁO TÍM phụ trách thơ, cô ấy bảo: "Thơ nhiều ý nhưng hơi khô khan" nên cô không đăng. Quái! Họ không biết thưởng thức thơ tôi nên tôi chả gửi cho họ nữa mà về chép lại trong tập thật đẹp để dành bao giờ có tiền xuất bản. Tập "Em ngồi trông mây hoàng hôn qua cửa sổ" của tôi vẫn còn giữ, bạn nào muốn có một bài làm kỷ niệm xin biên thư về:

Nữ thi sĩ Chiều lang thang.
Bến Cát Trắng - Thùy Dương trại.

là tôi sẽ gửi cho bạn một bài thơ làm "kỷ nghệ" ngay! Từ đó tôi không làm thơ nữa và bắt đầu có một loại máu văn sĩ trong người và đây:

 
TÔI LÀM VĂN SĨ


Buổi sáng mùa thu (lại buổi sáng!) trường khai giảng và tôi bắt đầu vào học. Lớp tôi hôm nay có một cô học trò mới rất dễ thương, ít nói, hiền hậu. Tôi muốn làm quen quá nhưng chả biết phải mở đầu thế nào. Chả nhẽ "ấy tên gì" à, "quê" không chịu được. À phải rồi ta làm một bài văn làm quen chứ có khó gì đâu. Thế là về nhà tôi cặm cụi viết: "Sáng hôm ấy một buổi sáng cuối thu trời nhiều mây và có mưa rải rác khắp miền duyên hải..." Ý, không được rồi vì hình như câu này của cô xướng ngôn viên đài Sàigòn thông báo thời tiết tiên đoán mà. Thì sửa lại: "Sáng hôm ấy một buổi sáng cuối thu trời bắt đầu có mưa phùn và gió bấc..." Nghe tôi cất giọng em tôi nói: "À, bài này em mới học hôm nay, Thu Cảm của Khái Hưng đấy, sao chị thuộc giỏi vậy?" Thế lại càng không được nốt, may không có nó tôi đã gửi cho cô bạn bài này rồi. Tôi giả lả: "Thì chị học năm đệ thất". Tôi quyết định sửa một lần nữa: "Hằng năm cứ vào cuối thu lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây trời bàng bạc thì lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường..." Để chắc chắn hơn tôi lục tìm sách vở Giảng văn để xem có giống không thì chao ơi, nó nguyên văn của Thanh Tịnh! Không đáng trách mấy vì như vậy chứng tỏ trí nhớ tôi phi thường, dám thuộc cả mấy bài giảng văn học hồi nhỏ! Và tôi viết một lần cuối cùng: "Buổi sáng mùa thu, trời xanh ngăn ngắt, mây trắng lổn ngổn bò, tôi đi học thật hân hoan, vui vẻ. Đến lớp tôi gặp ngay khuôn mặt bạn, đôi mắt mơ huyền, mái tóc đen lay láy (!), đôi má bầu bầu, ô, sao tôi muốn làm quen với bạn ghê. Bạn bằng lòng chứ? Tôi xin thề có biển trước trường chứng dám cho tấm lòng trắng như cát biển của tôi là tôi sẽ thân với bạn mãi mãi..."

Đưa cho cô bạn xem, cô ấy làm thinh và cười, chắc khoái tỉ lắm, thế là tôi bảo ngay: "Cho xin lại bản thảo, tôi gửi cho báo đăng". Đầu bài tôi đề: "Kính mến trao tặng Kim-Thương-Thương người bạn gái thân thiết nhất cõi lòng tôi". Ký tên: nữ sĩ Mộng Hoàng Hôn. Chờ mãi họ vẫn không đăng nhưng tôi thầm nghĩ: "Văn mình bất hủ như chuyện của Alexandre Dumas chắc họ không chấm nổi đâu" Nhưng bù lại tôi làm quen được cô bạn dễ thương nhất lớp và cũng là khó làm quen nhất lớp. Kể ra đó cũng là một thành công vĩ đại của tôi đấy chứ! Bạn có nhận thấy thế không? Và tôi lần lượt bỏ thơ văn nhảy sang địa hạt hội họa.

Kình thưa bạn bây giờ đến lượt:

 
TÔI LÀM HỌA SĨ

Buổi chiều mùa thu (xin nói rõ không phải buổi sáng đâu nghe) tôi ngồi nhìn lá rơi thấy khung trời mùa thu thật đẹp. Tôi nảy ra ý nghĩ muốn vẽ, thế là thực hiện ngay. Tôi nghĩ ngay đến Picasso, ông ta dùng tấm ván giặt đồ mà vẽ trong buồng tắm. Tôi đỡ hơn ông là mua được một tấm Carton về chùi sạch sẽ để vẽ. Tôi vẽ cảnh "mùa thu trong công viên" tuy nơi tôi ngồi không phải công viên mà là vườn nhà tôi. À, mà lá vàng rơi phải làm thế nào cho sống động chứ, tôi lại nghĩ đến Picasso vẽ mây, ông ta dùng đá gắn vào và phết sơn lên, lúc đem vào nhà có khi đá trên bảng vẽ rớt xuống khiến bà mẹ đau tim của ông thỉnh thoảng chết xỉu. Mẹ tôi không đau tim nên tôi không ngại dùng mấy hòn đá lớn và đẹp làm lá vàng rơi. Tôi hăng say phụng sự nghệ thuật đến nỗi một hôm, mẹ tôi vào phòng tôi, bà muốn xỉu khi thấy phòng tôi đầy rẫy những tranh và sơn, cọ vung vãi... Mẹ tôi la lối om sòm nhưng anh Huy điềm nhiên: "Mẹ cứ để yên nó, đừng nói gì cả, cũng một thời nó làm văn, thơ rồi, mẹ nhớ chứ?" Me tôi không chịu: "Con gái làm văn, thi sĩ được chứ ai lại làm họa sĩ" Tôi kéo tay me ra phòng khách: "Dễ thường me tưởng bức tranh ba treo trên tường kia là của đàn ông ấy à? Của nữ họa sĩ Bé Ký đấy. Me đừng lo, mai mốt tranh con đủ để ba trang trí phòng khách và bán dư dả khỏi phải mua đến bấy nhiêu thế đâu. Tranh con lại sơn dầu nên giá trị lắm!" Me tôi lắc đầu không tin nhưng tôi nghĩ đàn bà già không hiểu được thế hệ trăng tròn lẻ, ủa quên trăng tròn chẵn đâu. Ba tôi thông cảm với tôi hơn vì ông thuộc loại thế hệ "tân cổ giao duyên!" Me tôi than thở: "Chả biết tiền đâu nó mua sơn cọ" A, có thế mà bà cụ cũng lo, tôi trấn an: "Me đừng lo tí ti ông cụ nào cả, con đập con heo nhựa ra đó, bao giờ bán tranh xong thì chẳng cần heo nhựa mà heo vàng". Bao giờ me tôi cũng lắc đầu nguây nguẩy: "Nó bảo để dành tiền xuất bản tập thơ, tập thi gì đó mà bây giờ lại đập ra, con nầy lắm chuyện". Nếu giòng đời cứ triền miên xuôi ngược (!) mãi thì rôi đâu có chuyện để nói cùng các bạn. Đàng này chiều hôm ấy (lại chiều!) có bác Phùng đến chơi với ba tôi, trông thấy tôi đang vẽ ông hỏi: "Cháu vẽ gì vậy?" - "Thưa bác, bức tranh ĐI TRONG MƠ của cháu". Ông này cười và hai ông già vào nhà nói chuyện với nhau có vẻ tương đắc lắm. Thế nhưng ông này đi xong ba tôi ra lệnh chị ở vào phòng tôi dọn tất cả các bức tranh đóng lại che cho chuồng gà khỏi ướt. Ôi thôi rồi cái công trình của tôi chết theo cõi lòng tê tái sầu... Tôi nhìn những bức tranh... sang ngang mà đứt từng đoạn ruột. Tôi ấm ức cái ông bạn già ba tôi lạ, chả hiểu ông nói gì mà ĐẠI TƯỚNG - ba tôi - ra lệnh ác ôn thế không biết. Về sau tôi mới biết ông nói với ba tôi tháng này tôi học kém lắm. "Cháu Thu nhà tôi bảo thế, nó nói sao chị Thùy con bác Thông tháng này học lạ quá nhưng con không đến thăm nên không biết". Hôm nay ông mới biết tôi bận vẽ. À ra thế, hôm nay ngày gì mà xui thật, phải rồi, tử vi trong tuần của tôi bảo tôi gặp nạn mà, lại bị la một trận nên thân. Chị ở chỉ biết có tranh sơn dầu thôi còn tranh tôi vẽ bằng màu nước và phấn tiên còn đầy cả hộc bàn. Tôi có gửi cho anh Vi Vi bức tranh Tâm sự Học Trò bằng phấn tiên để anh xem cho lên khuôn báo Tuổi Hoa mà chờ mãi chả thấy. Hay tạo anh Vi Vi cận nên không thấy cái mỹ thuật của bức tranh tuyệt thế giai nhân của tôi? (xin anh Vi Vi đừng giận tội nghiệp vì Thùy cam đoan chuyện này có thật một... phần trăm mà) Chưa triển lãm tranh mà bị xui thế này nên tôi thất vọng ghê và sang cái máu họa sĩ cho thằng em kế, nó vẽ tranh đánh nhau cho bọn Rộn Ràng (bạn nó) xem. Nó bảo "sẽ triển lãm tranh nầy tại nhà để xe đạp trường em. Bọn Rộn Ràng sẽ mua với giá rất cao". Tôi lắc đầu vì chán vẽ lắm rồi, nhưng chỉ ít lâu sau là tôi bắt đầu muốn làm một cái gì vĩ đại nữa. Và thưa các bạn thật vậy, câu chuyện thứ tư của tôi:

 
TÔI LÀM CA SĨ


Ấy, xin các bạn đừng vội kêu lên "sao con bé này giỏi dữ vậy". Tôi đã thông báo trước với các bạn là tôi sinh ra đời dưới một ngôi sao sáng mà lại! Thuở học lớp nhất thầy tôi đã phê học bạ tôi: "Học giỏi, ít thuộc học thuộc lòng và hát hay" Ấy, thuở bé tôi hát hay lắm! Mỗi kỳ thi lục cá nguyệt có môn học thuộc lòng hay hát tôi luôn luôn chọn hát vì lười học bài. Tôi thường bát bài "Em bé quê" cho thầy tôi nghe. Dĩ nhiên hát hay thầy tôi mới phê vậy chứ. Bạn không tin ư? Tôi kể bạn nghe câu chuyện này:

Một chiều đông (lại buổi chiều nốt) mưa bay tầm tã, gió thổi lạnh lùng thì lòng tôi cũng trở nên tê tái ... ơ... ơ sầu (yêu cầu bật đèn màu, vỗ tay) Ủa mà không, tôi làm ca sĩ tân nhạc chứ không phải cổ nhạc vì tôi không biết ca vọng cổ. Xin lỗi các bạn vậy.

Một buổi chiều đông cả nhà tôi co ro bên bếp lửa, anh chị em tôi ngồi bên nhau tán dóc. Đến lúc hết chuyện rồi cả mấy anh em im lặng, tôi bỗng cất tiếng:

"Người ơi mau về đây
Về bên bếp hồng tay cầm tay, cười lên chan chứa bao nguồn vui, nhớ phút vui đêm nay..."

Quái! Mọi ngày anh tôi vẫn bảo tôi hát như mèo kêu mà sao hôm ấy anh bảo tôi hát hay đáo để... Tôi khoái tỉ hát thêm:

"Đêm đông ôi ta nhớ mong đường về xa xa
Đêm đông ta mơ giấc mơ gia đình yêu thương
Đêm đông ta lê bước chân phong trần tha hương
Có ai thấu chăng tình cô lữ đêm đông xa nhà..."

(Tôi nhớ mài mại thế) Bốp, bốp, bốp cả nhà tôi vỗ tay hoan hô nhiệt liệt. Đây là lần đầu tiên tôi làm một việc mà được cả nhà tán thưởng. Thế là địa hạt ca sĩ có vẻ chắc ăn hơn mấy địa hạt khác nên tôi vào ban văn nghệ lớp ngay. Ngày thi văn nghệ toàn trường cũng đã đến và tôi tranh đấu ráo riết để giữ mục đơn ca. Kết quả lớp tôi... chót đơn ca! Không có gì lạ cả, chị trưởng ban văn nghệ bảo tôi hát bài AI RA XỨ HUẾ, ban đầu tôi chịu nhưng còn hai ngày nữa thi thì tôi đổi ý kiến: "Bài này có mấy câu hò HUẾ mà tôi không phải người Huế nên không hò được (biện luận!), đổi bài "Bốn ngả đường quê hương" hợp với tôi hơn. Thế là tôi ráo riết tập hát lại, về nhà đang chẻ rau muống cũng hát, vo gạo cũng hát (Mẹ tôi ghét nhất cái này). Tôi bảo hôm ấy có giấy mời ba mẹ đi dự xem con hát, con tập cho hay mẹ xem chứ. A, bà cụ bằng lòng không la nữa rồi đấy. Đến cái buổi trình diễn sao mà ban đàn lớp tôi tệ quá, tôi hơi chán nhưng khi thấy chị Linh lên hát bài "The young ones" tôi nảy ra một ý. Ô hay, sao mình không hát nhạc ngoại quốc? Tuổi trẻ và ban đàn nhà trường lại oai và tôi lên sân khấu cất giọng "oanh vàng":

"Tous les garçons et filles de mon âge
"Savent bien ce que c'est qu'être heureux..." 

Và gì nữa tôi quên mất rồi đành chịu trận. Ngay hôm ấy tôi bị cô hướng dẫn la tơi bời vì đổi ý kiến bất tử và chị trưởng ban văn nghệ giận một trận thật dai. Lớp tôi chỉ có phần thưởng về vũ thôi trong khi lớp tôi là lớp giỏi văn nghệ nhất trường! Tôi không hát nữa vì họ không hiểu được tôi, nghe được tôi. Anh Huy tôi thì bảo: "Hồi đó Thùy hát "Tình Cố Đô" chắc hay". Phải rồi, bài ruột thế mà không hát, lại đi hát bài khác, rõ dại. Mà không, tất cả người nhớn đều không hiểu được tôi và tôi đoán chắc chỉ có các bạn trong gia đình Tuổi Hoa mới biết thưởng thức tài nghệ của tôi, dầu sao mình cũng dễ thông cảm với nhau hơn. Tôi để dành cái vốn... ca sĩ để bao giờ gặp các bạn tặng đấy!

Kính thưa các bạn,

Đó là câu chuyện ruột của tôi mà đáng nhẽ tôi không kể cho các bạn nghe đâu. Kể xong câu chuyện cho các bạn nghe tôi chưa biết phải gọi là chuyện gì. "Chuyện của tôi" ấy à? Quê không chịu được! Ngoại kể tôi nghe câu chuyện ngoại gọi là: "Chuyện cổ tích Công Chúa Bạch Tuyết", ba ngâm bài thơ gọi là "bài thơ Chùa Hương", anh Huy đàn bản nhạc gọi là "bản nhạc The longest" Ấy, tất cả đều có tên nghe thật kêu. Còn "chuyện của tôi" ai lại chả biết chuyện của tôi, đâu có ai giành của tôi phải không các bạn. Thế thì yêu cầu các bạn gọi cái chuyện này là "CHUYỆN CỦA... LUNG TUNG SĨ" (Thi sĩ, văn sĩ, họa sĩ, ca sĩ ; nhiều sĩ vậy không phải lung tung sĩ là gì?) và dĩ nhiên khi nói đến lung tung sĩ các bạn sẽ nghĩ ngay đến Lữ Mộng Diễm Thùy!

Vĩnh biệt, ý quên tạm biệt các bạn trong gia đình Tuổi Hoa (Vì biết đâu sau này tôi sẽ có nhiều chuyện kể các bạn nghe chẳng hạn như tôi làm học sĩ (học trò giỏi), nhân sĩ (nhân cộng giỏi), bán sĩ (buôn bán giỏi) và vân vân sĩ!!!)


Kính chào các bạn    
Diệu-Thùy        
Qui Nhơn         

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 74, ra ngày 1-8-1967) 
 
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>