Thứ Sáu, 14 tháng 4, 2017

Tuổi Thơ


Khi Sơn tới trường thì trời còn tối lắm. Cổng trường mở rộng bên trong sâu hun hút. Những lớp học chia thành hai dẫy bao lấy sân trường loáng thoáng cỏ xanh. Những cành cây khẳng khiu khuất sau mái ngói vẽ những nét nguệch ngoạc trên nền trời xám đục. Mây từng đám nặng như chì thấp hẳn xuống làm tăng thêm cái vẻ tối tăm và lạnh lẽo của một ngôi trường ngoại ô.

Những đứa trẻ con tụm năm tụm ba trong sân. Chúng chơi đánh đáo. Đứa nào cũng mặc áo rét vì trời đã trở lạnh. Có đứa cẩn thận chùm cả mũ len kín mít trông như một ông già Noӫl. Bóng chúng thấp thoáng sau những cây bàng cây điệp ở sân trường.

Thỉnh thoảng có đứa cãi nhau chí chóe, có đứa bỏ đi không chịu chơi nữa. Nhưng đám nào cũng vui vẻ và náo nhiệt lắm. Có mấy đứa co ro, chúng nhón từng gót chân trên mặt đất còn ướt nước mưa.

Bây giờ là mùa chơi đánh đáo. Những đứa trẻ có từng lúc chơi một trò chơi duy nhất. Rồi đến một ngày nào đó, khi đã chán lại quay sang một trò chơi khác. Nếu tuần này chúng bắt đầu chơi đánh bi thì có thể ít ngày sau chơi đánh đáo, đánh cầu hay chạy đuổi… Những trò chơi ấy như một thứ giải trí không thể thiếu được ở bọn trẻ nhỏ. Chúng ham mê đến độ những ngày mưa ướt át hay những lúc trống học đã điểm từng hồi lũ trẻ vẫn còn nấn ná ở sân trường để bàn cãi hơn thiệt về một ván đáo hay ván đánh bi. Rồi thì ông gác cổng xuất hiện. Người già cỗi và khẳng khiu như một khúc củi, tay cầm cái roi mây đi đến từng đứa trẻ để lùa chúng vào lớp học. Lúc ấy sân trường bỗng náo loạn, chúng nó mạnh ai nấy chạy như một đàn ong bị phá tổ. Nhưng cũng không quên hẹn nhau sẽ tiếp tục cuộc chơi vào giờ ra chơi tại một địa điểm nào đó đã được định sẵn.

Và bây giờ thì bước sang mùa đánh đáo. Có lẽ tụi trẻ con tới trường sớm lắm nên khi Sơn đến đây đã thấy chúng lố nhố đầy sân.

Sơn nhìn lũ trẻ đang chơi đùa, một cách thích thú. Có đứa vẫy tay gọi nó lại chơi nhưng Sơn lắc đầu. Nó trở về lớp mình học đứng tựa cửa nhìn ra ngoài.

Nó đội một chiếc mũ rộng vành, sụp xuống  tận mắt. Người nó nhỏ thành ra như bơi trong cái áo dài lụng thụng tới gần đầu gối. Trời còn đầy sương và cái lạnh làm da nó tái lại. Hai tay nó run run ôm lấy đống sách vở đựng trong một cái bao. Đó là cái cặp của nó.

Mặt nó vui hẳn lên khi thấy một đứa trẻ đã khéo léo dùng một miếng đá vỡ chọi trúng một đồng bạc cắc. Sơn định lại gần xem nhưng nó nghĩ cũng chả cần. Những lần chơi đánh đáo có bao giờ mình dự vào đâu. Nó thò tay vào túi quần và rút ra một đồng xu. Đó là một thứ tiền đồng nhẵn cả hai mặt và phẳng lì. Tiền này chỉ có thể dùng như một thứ vật lấy hên vì cũng chả có đứa nào chịu chấp nhận cuộc chơi có những đồng tiền không thể nào dùng được. Đồng tiền này hết xài rồi. Lũ trẻ con vẫn thường bảo nhau như thế mỗi lần trông thấy đồng xu của Sơn.

Nó cũng chả biết phải làm gì hơn. Nó dự vào cuộc chơi bằng cách đứng nhìn một cách khoan khoái và hứng thú. Rồi đến lúc tàn cuộc lũ trẻ lục tục trở vào lớp thì Sơn lại tiếc rẻ. Sơn lững thững đi dọc hành lang để tìm bắt những con kiến đen rồi cho chúng đá với nhau giải khuây. Nhưng những trò chơi lạc lõng như thế cũng phải hết. Sơn cách biệt với tụi trẻ con vì không có một đồng xu dính túi để mà nhập bọn.

Ban đầu nó cũng hay ra ngoài cổng trường để xem người ta làm việc trong nhà máy hoặc ra bờ sông nhìn những bãi đất, những cây xanh mờ mịt ở bờ bên kia để tìm một cái gì an ủi cho nỗi hiu quạnh. Nhưng sau, ông gác cổng ngăn cấm tụi trẻ con không được tha thẩn ngoài đường mà phải vào ngay trong sân trường. Ông ta làm như thế một phần cũng để bảo vệ cho cái sạp hàng của ông ta. Vì tụi trẻ con thích quanh quẩn ở ngoài để mua đồ ăn hơn là đến viếng cái quán của ông ở trong trường. Ông ta dữ tợn, cũng như những món hàng được bày bán : Một mớ những trái tầm ruột xanh, những me chua xát muối ớt đỏ lừ, những khúc bánh ỉu lấm tấm ruồi nhặng.

Và Sơn ở trường để nhìn thời gian trôi đi, ngày lại ngày, mùa đánh đáo tàn lụi. Có một bọn trẻ nào đó xướng ra trò chơi bắn bi. Thế là cái mùa bi lại bắt đầu, lũ trẻ đi học với những nắm bi xanh đỏ chất đầy trong túi quần túi áo. Sơn thích chơi những viên bi ấy lắm. Có những viên có hình lưỡi liềm như mặt trăng, có những viên trong suốt một màu tím hay màu hổ phách. Lũ trẻ sắp hạng những viên bi cẩn thận và rất quý những thứ đạn nào màu sắc khó kiếm. Trong lớp học thỉnh thoảng lại có những viên bi rớt ra khỏi túi áo một học sinh ngủ gục, lăn lông lốc đến tận gầm bàn của thầy giáo. Những viên bi ấy sẽ bị tịch thu và để đầy trên bàn thầy cho đến giờ về chủ nhân của nó mới được hoàn trả lại.

Tình hình đối với Sơn cũng chẳng lấy gì làm sáng sủa hơn. Những bận về học, qua tiệm của người Tàu già bán tạp hóa, nó vẫn dừng lại dòm vào, tần ngần, vì không có tiền để mà mạnh dạn bước vào. Nó biết rõ lắm, không bao giờ quên được. Ở góc trái của tủ kính có một đống những viên bi xanh đỏ đẹp vô cùng. Và Sơn vẫn hay đứng ỳ ra đó để mà nhìn cho đến lúc ông Tàu già nghểnh cái đầu bạc trắng và đôi mắt đùng đục mở to lên nhìn qua tủ kính. Sơn chạy vù đi một mạch tiếc rẻ cho một viên bi nào đó, rất đẹp, không biết sẽ lọt vào tay ai.

Nó trở về nhà với những ước ao, những buồn bã lẫn lộn. Sau cùng Sơn quyết kiểm soát lại tất cả các đồ chơi của mình để xem có thể đổi được vài viên bi của tụi bạn không. Nó có một con tôm, hai con cá đen, dăm cái hộp quẹt và một con đười ươi bằng nút chai đẽo gọt rất vụng về. Sơn đem những thứ ấy đổi cho tụi bạn lấy được năm hòn bi.

Hôm sau nó hí hửng mang bi đến trường. Nhưng trò chơi đánh bi thực đã tàn lụi. Sân trường không còn những đứa trẻ dự cái trò chơi ấy nữa. Một con vịt ai thả lạc lõng trong bãi cỏ gần cột cờ cất lên những tiếng kêu khàn khàn.

“Thế là hết” Sơn lẩm bẩm tiếc rẻ và cất những viên bi một cách cẩn thận vào cặp rồi trở vào lớp.

Trời đã ấm lại, lá cây đã xanh, những cành cây thiểu não đã tươi lại vì đầy những lá non. Những ngày học trong lớp đã có chút nắng buổi sáng mang cái dịu dàng và thuần khiết vào lớp học. Không gian trong suốt như pha lê. Thỉnh thoảng lớp học đang im lặng lại ồn lên vì một con chim sẻ bay vụt ngang và kêu lên những tiếng rộn rã.

Nắng vàng tươi in trên cửa kính lớp học những vệt sậm của lá hay bàn tay của một đứa trẻ nghịch ngợm xòe ra đủ cả năm ngón.

Vạn vật đã đổi mới, lũ trẻ cũng phải có những trò chơi khác. Chúng bắt đầu chơi chạy đuổi rồi chơi u. Những trò chơi này Sơn chỉ được mời đến để phân xử hơn thiệt hơn là dự phần vào. Vì nó chạy đã chậm lại rất yếu hơi. Trò “u” cần những đứa rất dai hơi để mà xông sang đất địch. Nó còn phải khỏe nữa để có thể trở về vùng của phe mình cho đến khi lũ đối phương không đủ sức giữ nó lại và ngã bò càng.

Những trò chơi này xem ra tàn lụi rất mau chóng vì tụi trẻ con bị rách hết quần áo. Có những đứa trở về nhà với một cái cúc mất, tay chân thì xây xát và mẹ nó cho ăn một trận đòn. Vài hôm sau trò chơi này tàn đi rồi thì mất hẳn.

Bây giờ thì lũ trẻ chơi đánh con quay. Trò này được rất nhiều đứa hưởng ứng. Sân trường nhộn nhịp với những con quay xoay tít và những tiếng dây vụt đi nghe vun vút.

Sơn thích lắm. Nhưng trò chơi này cũng như những trò chơi khác, nó chỉ đứng nhìn một cách thèm muốn. Đến khi có đứa bạn nào chán vì đã mỏi tay thì Sơn chạy lại mượn con quay để vụt vài cái cho nó quay đi lông lốc. Những khoảng thời gian ấy rất ngắn ngủi làm nó tiếc vô cùng. Cho đến một hôm chú nó đến thăm nhà, có dẫn nó đi chơi và mua cho Sơn một con quay.

Ngay buổi chiều hôm ấy, Sơn đem con cù ra ngoài hè. Một mình nó quay cuồng với sợi dây và con quay cho đến khi mệt lử vì nắng.

Sớm hôm sau nó đem thứ đồ chơi ấy đến trường thì một tin làm nó kinh hoàng. Những đứa trẻ nào chơi con quay đều bị tịch thu hết. Lệnh của ông Hiệu Trưởng ban ra để ngăn tụi trẻ con chơi trò nguy hiểm có thể mù mắt.

Lớp học u ám hẳn lại, những con quay trong cặp của tụi chúng đều bị thầy giáo tịch thu và đưa cho ông gác cổng. Ông ta đích thân vào từng lớp một và mang đi một đống những con cù. Ông ra đi và không bao giờ trở lại.

Những lần đi qua nhà ông gác cổng lũ trẻ vẫn thấy đứa con nhỏ của ông lẩn thẩn với mấy con quay lăn lóc.

Có những khoảng thời gian nào đó mà đứa trẻ không hề để ý đến nhưng vẫn trở lại bằng những bước lặng lẽ và êm ả. Giống như sao mai chớm mọc vào những buổi sớm lạnh lẽo những gió và dìu dịu một màu lam, như những tiếng dế vẫn âm thầm rả rích đón màn đêm trở về với vạn vật.

Những cây sao gần trường bắt đầu trút xuống những quả khô đét mang hai lá màu nâu già, quay lông lốc như chong chóng.

Lũ trẻ con bắt đầu thích ném những quả sao ấy lên trời để nhìn nó rơi trở xuống quay tít, một cách rất thú. Và Sơn đã chơi cái trò chơi ấy. Nó đã tìm được một thứ giải trí đúng mùa của nó nhất. Khi mà những đứa trẻ thích thơ thẩn ở ngoài đường để lượm những quả khô ấy và giấu đầy trong cặp.

Những buổi trưa êm ả, khi cổng trường vừa khép lại, lũ học trò trở về nhà, Sơn thơ thẩn trên con đường sắc xám, tìm những quả sao ném lên trời để nhìn nó quay tít mù. Sơn đã tìm được một trò chơi đúng lúc. Nó không còn cảm thấy lạc lõng nữa.


NGUYỄN TỊNH 


(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 205, ra ngày 15-7-1973) 

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>