Sáng nay gió thổi nhẹ. Mặt biển chỉ
hơi gợn nhưng nước biển trong và xanh ngắt. Ánh nắng buổi sáng chưa đủ nóng để
có thể mang đi những đám sương mù còn vất vưởng trên mặt biển. Mọi người trên
giàn khoan Ocean Prospector đều đang bận rộn với công việc. Kẻ lo khuân vác dọn
dẹp các ống khoan, kẻ lo sửa soạn những dụng cụ thí nghiệm, kẻ lo kiểm soát các
bộ phận máy móc. Tất cả đều chuẩn bị sẵn sàng để thí nghiệm lưu lượng sản xuất
của giếng Dừa I-X vào ngày hôm nay, ngày 23-10-1974.
Trên ngọn tháp của giàn khoan, mọi
người cũng đang bận rộn kiểm soát lần chót các hệ thống thí nghiệm sản xuất.
Ống sản xuất đi từ lòng đất lên, đang nhịp nhàng lên xuống theo nhịp của sóng
biển. Dầu, hay nói đúng hơn là dầu thô, nước và khí thiên nhiên, từ trong lòng
đất sẽ theo ống nầy để lên trên mặt đất. Sau khi đi qua hệ thống “van”, cả ba
chất cùng được dẫn vào một “hệ thống phân đoạn ba trạng tướng” (three phase
separator). Tại đây, hỗn hợp dồn khí, nước sẽ được phân đoạn thành ba phần
riêng biệt : dầu, khí và nước.
Thông thường, nếu sản xuất ở trên đất
liền, dầu và khí sẽ được dẫn vào các bồn chứa và nước được thải đi. Tuy nhiên ở
ngoài biển, việc tồn trữ dầu và khí không phải là chuyện dễ dàng và đơn giản
chỉ vì một lý do duy nhất là không có bồn chứa. Chính vì vậy mà dầu và khí phải
được đốt đi nếu không muốn (mà đương nhiên là không muốn) đổ chúng xuống biển
để làm ô nhiễm cả vùng biển.
Tất cả mọi người đều sẵn sàng, hồi hộp
nhìn về phía “loa đốt”., nơi dầu và khí sẽ được phun ra để đốt. “Bù… ùm”, một
ngọn lửa tung lên gầm thét. Đồng hồ chỉ chin giờ đúng. Ngọn lửa dầu hỏa đầu
tiên ở Việt Nam phải chăng là đây? Không, đây chỉ là ngọn lửa đang đốt chất dầu
Diesel được cho vào lòng giếng từ trước. Tuy nhiên, “van” đã mở, ống sản xuất
đã thông suốt. Hỗn hợp dầu, khí, nước chắc chắn giờ này đang rời lòng đất nóng
bỏng để đi lên mặt đất. Mọi người đều chăm chú nhìn vào chiếc ống cao su nhỏ
được nối với hệ thống “van”, một phần những chất trong lòng giếng chảy lên sẽ
đi qua ống cao su này để kiểm soát. Một dòng nước đục ngầu, sền sệt chảy ra.
“Vẫn còn là bùn”, một người trong bọn nói thế. Phải, đây vẫn chỉ là bùn khoan
đã xâm nhập vào trong lòng đất từ khi đào giếng. Ngọn lửa ở loa đã ngừng cháy
vì không còn gì để cháy nữa cả. “Ê nó lên rồi”, một người kêu lên mừng rỡ.
Trong dòng dung dịch chảy ra từ ống cao su xuất hiện những giọt dầu bóng loáng.
Mọi người chăm chú nhìn những giọt dầu lấp lánh mà lòng đầy bồi hồi rung cảm.
Nhìn những giọt dầu hỏa thực không có gì là lạ cả nhưng sao người ta cảm thấy
xúc động vô cùng. Có lẽ nỗi vui mừng này còn lớn hơn nỗi vui mừng khi nhìn
chiếc trứng chim cút từ từ nứt rạn và con chim bé nhỏ lách đầu chui ra vào thời
mà “chim cút” thịnh hành và đắt giá trước đây.
Từ miệng “loa đốt”, một dòng dung dịch
đục ngầu đang phun ra và rơi xuống mặt biển. Đây chỉ là dung dịch nước bùn, chỉ
trong chốc lát nước bùn đục ngầu đã tan biến vào lòng đại dương xanh ngắt. Có
tiếng loa từ trên tháp khoan vọng xuống kêu gọi mọi người tránh xa loa đốt vì
sắp sửa phun dầu và khí ra. Tiếng kêu gọi bằng Nhật Ngữ và sau đó Bằng Anh Ngữ.
Liền sau đó, những giọt dầu hỏa đầu
tiên của Việt Nam đã thực sự được phun ra. Ngọn lửa vẫy vùng, cuồn cuộn gào
thét. Từng cuộn khói đen ngòm bốc lên rồi kéo dài ra, tạo thành một luồng khói
kéo lê thê trên mặt biển. Những luồng hơi nóng tạt vào những người đứng gần đó
khiến họ phải rút lên tháp khoan. Dù vậy, nơi đây hơi nóng vẫn còn hắt lên nóng
hổi. Mặt người nào người nấy đều đỏ hồng vì hơi nóng.
Chiếc tàu yểm trợ của giàn khoan Ocean
Prospector lúc này cũng đã túc trực ở gần phía loa đốt để sẵn sàng tiếp cứu
trong trường hợp có gì nguy hiểm xảy ra. Chiếc tàu của Hải Quân Việt Nam có
nhiệm vụ bảo vệ cho giàn khoan này đang lướt sóng từ xa tiến tới gần. Tới một
khoảng cách an toàn chiếc tàu Hải Quân ngừng lại. Bên hông tàu xám lố nhố các
bóng người, tuy không thấy rõ nhưng ai cũng hiểu đó là những chiến sĩ Hải Quân
của Việt Nam Cộng Hòa. Chắc họ đang phân vân không biết chuyện gì xảy ra ở bên
này. Chiếc tàu yểm trợ của giàn khoan đang tiến lại gần và đậu cạnh chiếc tàu
Hải Quân. Chắc họ đang giải thích cho nhau nghe về ngọn lửa đang lồng lộn ở đây.
Giờ đây chắc chắn đã có thêm những người Việt Nam có cùng một tâm trạng khi
được tận mắt thấy ngọn lửa dầu hỏa đầu tiên của nước mình. Những người Việt Nam
có mặt tại đây chắc chắn là rất khó khăn để có thể viết ra được tất cả những
tâm trạng của mình lúc này.
Chiếc van được đóng lại, ngọn lửa dầu
hỏa cũng thu nhỏ lại và tắt ngấm. Việc thí nghiệm sản xuất sơ khởi đã hoàn tất.
Mọi người lại bắt tay vào việc, sửa soạn mọi dụng cụ cần thiết để có thể thực
hiện việc thử nghiệm chính thức vào buổi chiều.
Bữa ăn trưa diễn ra vội vã, mọi người
đều nôn nóng về việc thử nghiệm chính thức. Đúng 15 giờ chiều, ngọn lửa dầu hỏa
lại bắt đầu lồng lộn gầm thét giữa đại dương. Từng cụm khói đen vẫn thi nhau
bốc lên. Màu khói đen là dấu hiệu của dầu nhiều hơn là khí thiên nhiên. Như vậy
là chúng ta đã có dầu và ngọn lửa dầu hỏa dài như thế kia lại còn chứng tỏ
chúng ta có nhiều dầu là đằng khác. Chúng tôi đi quan sát bộ phận ghi nhận áp
suất trong lòng giếng và rồi lại xuống xem xét hệ thống phân đoạn ba trạng
tướng để ghi nhận các kết quả về lưu lượng của dầu và khí sản xuất. Chúng tôi mở
một van phụ của hệ thống phân đoạn để lấy dầu ra. Một dòng dầu đen chảy ra và
bốc khói vì còn nóng. Việc đo tỷ trọng của dầu đã được thực hiện và ghi nhận.
Lưu lượng của giếng cũng thật khả quan : mỗi ngày sản xuất được 1514 thùng dầu
và 5,8 triệu “bộ” khối (1514 BOPD, và 5,8 MMCF). Tỷ trọng của dầu được ghi nhận
là 390 API hay tương đương với 0,83. Đây là một loại dầu nhẹ và do
đó sẽ đắt giá hơn. Những kết quả thật là khả quan và chắc chắn sẽ đưa tới một
điều mà trước đây vài năm chưa ai dám nghĩ tới : Việt Nam là một quốc gia sản
xuất dầu hỏa.
Chiếc loa đốt vẫn đang khạc lửa, ngọn
lửa vẫn mạnh mẽ, hùng dũng lồng lộn như con rồng lửa ở giữa biển khơi. Cuộc thử
nghiệm chính thức thường kéo dài lâu. Một vài người công nhân đang phải dùng
những chiếc vòi rồng để phun nước làm nguội những dụng cụ máy móc chung quanh. Chiếc
tàu yểm trợ vẫn đang ở tư thế sẵn sàng tiếp cứu. Nhiều đám mây bay đến và làm
mưa rơi nhẹ, gió cũng thổi nhiều không hiểu có phải vì ảnh hưởng của sức nóng
do ngọn lửa dầu hỏa sinh ra hay không? Nhìn luồng khói đen dài lê thê đang ép
mình trên mặt biển dưới cơn mưa nhẹ, mọi người đang nghĩ đến một tương lai tươi
đẹp. Ngọn lửa dầu hỏa này chính thực như là một ánh đuốc bất ngờ hiện ra soi
sáng và dẫn đường cho người dân Việt Nam vậy.
Phí
Lê Sơn
M. Sc. Kỹ Sư Dầu Hỏa
(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 233, ra ngày 1-4-1975)
VỀ BÀI
NHỮNG
NGỌN LỬA DẦU HỎA
Bài này TH xin phép trích trong Nguyệt
San Quản Trị Xí Nghiệp số 4, tháng 10-1974. Tác giả, Kỹ Sư PHÍ LÊ SƠN, là người
Việt Nam duy nhất có mặt trên giàn khoan Ocean Prospector trong suốt thời gian
thử nghiệm.