Thứ Ba, 25 tháng 4, 2017

Tiếng Súng


Đứa bé sợ những tiếng ấy lắm! Những buổi chiều mưa hay đến bất chợt, làm ướt lầy lội cả con đường trong xóm và mang đến những tiếng gầm rung cả đất. Chỉ những khi mưa to mới có những tiếng ấy. Đứa bé thấy một vệt sáng quét trên nền trời xám xịt, rồi sau đó lại có tiếng gầm. Nó thường ôm cứng lấy mẹ nó, đòi mẹ nó bồng. Mẹ nó đốt đèn lên, đặt nó ngồi trên chân và kể chuyện cho nó nghe. Mẹ nó kể chuyện người thiếu phụ ở đất Nam Xương, hết lòng thương con và chung thủy với chồng. Người thiếu phụ bị chồng nghi oan nên nhảy xuống sông tự vẫn. Mẹ nó kể bằng những lời lẽ hết sức giản dị để cho nó hiểu. Và nó đã hiểu câu chuyện. Nó nghe xong, ôm mẹ mà khóc. Mẹ nó mắng yêu:
     
 - Gớm, con trai gì mà mau nước mắt quá! Khóc chi thế con?
 
Đứa bé vẫn khóc. Trong đầu óc nó liên tưởng đến cái chết của người thiếu phụ ấy. Nó hình dung ra chết chóc chắc là phải ghê gớm lắm. Mẹ nó ôm nó vỗ về và lau nước mắt cho nó. Nó nhìn thấy bóng mẹ nó in lên tường, và cả bóng của nó đang nằm trong vòng tay yêu thương của người nữa.

Qua cơn mưa, vào buổi sáng mặt trời lại chiếu rực rỡ trên những vòm cây và vào trong sân. Ánh nắng rón rén đi vào nhà, chui xuống bàn. Đứa bé ngồi đập tay lên những đốm sáng ấy rồi lại thả ra. Trò chơi của nó đấy! Và cũng là công việc “trông nhà” cho mẹ nó làm cơm ở đàng sau. Đến mười một giờ trưa, người phát thư đi qua, nó lại chạy ra đón. Những lúc có thư, ông leo xuống, dựng xe đạp bên rào rồi bế nó lên, hôn vào má nó rồi mới trao thư cho nó. Khi ông phát thư thả nó xuống, lên xe đạp, nó cầm thư chạy vào nhà gọi mẹ. Mẹ nó vội vàng chạy lên. Lần nào cũng thế, mẹ nó bóc thư run run, tay mẹ nó như quýnh lên, hơi thở mẹ nó dồn dập cơ hồ sắp khám phá một điều gì mới lắm, vui lắm. Rồi mẹ nó đọc thư, đọc ngấu nghiến. Đọc xong, mẹ nó ôm nó vào lòng, nói cho nó nghe những điều viết trong thư. Chỉ những lúc này nó mới thấy mẹ nó cười tươi hơn bao giờ hết. Niềm vui đến tràn ngập trong lòng hai mẹ con, vì chỉ có lúc này thôi: lúc nhận được thư của ba nó!

Hình dung ra trong một cánh rừng, đoàn quân hăng hái tiến bước, đứa bé nghĩ chắc ba nó oai vệ hơn ai hết. Mỗi ngày đi học nó thường đứng dừng lại để ngắm tấm bích chương in hình người lính chiến. Nó tự nghĩ đó là ba của nó đấy! Ba nó sẽ chạy thật nhanh, bắn thật hay và hét gọi thật to khi đánh giặc. Nhưng rồi khi ba nó ngồi nghỉ mệt, ba nó sẽ nhớ đến mẹ nó, đến nó, và ba nó sẽ nghĩ đến thật nhiều quà mà ba nó sẽ mua tặng hai mẹ con như lời ba nó hứa trong thư. Nó nhớ ba nó nhiều lắm, và những buổi chiều mưa thật to, đứng đợi mẹ trong sân trường, nó bắt đầu nghĩ ngợi, nghĩ ngợi một mình. Đến khi nhác thấy bóng mẹ nó đàng xa đang băng qua đường, yếu đuối trong chiếc áo mưa màu xám, nó thấy thương mẹ nó nhiều hơn nữa…

Rồi một buổi chiều trời mưa cũng to và sấm chớp cũng nhiều, ba nó về. Hai mẹ con đang ăn cơm chiều trên bộ ván. Ba nó lom khom cởi giày ngoài cửa. Mẹ nó nhìn ra, kêu lên một tiếng vui mừng. Cả hai mẹ con cùng xô ra cửa ôm lấy ba nó. Bộ quần áo lính trên người ba nó sũng nước. Ba nó bế nó lên, hôn lấy hôn để vào mái tóc thơm mùi nắng của nó. Mẹ nó nghẹn ngào. Ba nó trông khác đi nhiều. Da ba nó đen sạm hơn nhưng nụ cười của ba nó vẫn tươi và giọng nói vẫn ấm áp. Trời lại đổ mưa to hơn, lúc ba nó tắm rửa xong ngồi ăn cơm với hai mẹ con. Chợt một tia sáng quét mạnh trên nền nhà, rồi “ầm” một tiếng, rung chuyển cả bộ ván. Đứa bé ôm cứng lấy ba nó, hét lên sợ hãi. Ba mẹ nó cùng cười. Ba nó siết chặt nó trong tay, nhạo nó:
     
 - Thằng con trai nhát gan! Sợ thế rồi lớn lên làm sao đi lính?
 
Nó như chợt nhớ ra, hỏi:     
- Lớn lên con cũng được đi lính như ba hở ba?
     
- Ừ.
      
- Con cũng phải bắn súng nữa hở ba?
    
- Ừ.
    
- Thế thì con chả sợ tiếng ấy nữa. Con không sợ nữa đâu!
     
- Vậy mới là con của ba.
 
Ba nó cười vang khoái chí. Hạnh phúc của ba nó đấy! Ba nó chỉ về phép hai ngày thôi nhưng ba nó tận hưởng hết những nguồn vui gia đình cơ hồ những mấy năm dài…

Hai ngày qua, ba nó lại ra đi. Bây giờ, mỗi khi trời mưa, đứa bé lại thấy mẹ nó có vẻ buồn hơn. Mẹ nó thường đứng lặng bên cửa, nhìn đăm đăm những hạt mưa phũ phàng đập trên mái ngói. Gió thổi mạnh, tóc mẹ nó bay lòa xòa trên mặt. Có nhiều khi mẹ nó rơm rớm nước mắt buồn rầu. Nó đứng một bên, mẹ nó cũng không hay. Thái độ của mẹ nó làm nó tự đi tìm một câu trả lời trong đầu. Và nó thoáng nghĩ là ba nó đi như vậy chắc chẳng sung sướng gì đâu. Rồi nó mường tượng ra cảnh ăn uống, ngủ nghê cực khổ của một người lính xa nhà. Nó tự vẽ ra trong óc, bằng trí tưởng tượng non nớt của nó. Nó thấy thương ba nó quá! Nhưng khi nó nghĩ đến cảnh đoàn quân chiến thắng trở về, nó lại tươi tỉnh ngay, nó lại thèm thuồng cuộc sống oai hùng của ba nó. Và nó kính phục ba nó nhiều.

Tháng năm qua nuôi đứa bé lớn lên dần. Nó biết suy nghĩ nhiều hơn và nó cố gắng học thật giỏi. Nó hát lại hay nữa. Cô giáo dạy nó nhiều bài hát chứa chan tình quê hương. Rỗi rảnh nó hát cho mẹ nó nghe: “Việt Nam Việt Nam nghe từ vào đời, Việt Nam hai câu nói bên vành nôi, Việt Nam nước tôi.” Hết mùa thu, mỗi buổi chiều cơm nước xong không còn nghe tiếng mưa đổ ào ào trên mái, cũng không còn tiếng sấm vang. Chỉ có tiếng hát thơ ngây của đứa bé hát cho mẹ nó nghe. Đôi khi mẹ nó cười bảo:
      
- Thằng này hát hay quá! Lớn cho làm ca sĩ nghen!
     
 Nó lắc đầu không chịu:
      
- Thôi con không làm ca sĩ đâu, con đi lính như ba cơ!
     
 Nụ cười của mẹ nó như muốn tắt:
      
- Đi lính cực lắm con ơi!
      
- Nhưng con thích – Đứa bé giẫy nẩy – Đi lính được bắn súng như ba ấy mà!


Mẹ nó không nói nữa, đưa mắt nhìn quanh nhà. Đứa bé thấy nét mặt của mẹ nó không còn vẻ vui tươi như trước. Hình như mẹ nó nghĩ ngợi điều gì. Ngọn đèn dầu không đủ sáng căn nhà nhỏ, chiếu ánh sáng mập mờ trên gương mặt mẹ nó. Nó muốn khám phá nỗi buồn của mẹ. Nhưng đầu óc nó non nớt quá, nó vẫn không hiểu nổi. Nó không biết làm gì để an ủi mẹ, ngoài những lúc kể chuyện trong lớp hay hát cho mẹ nó nghe. Chuyện vui trong lớp, giọng hát trong trẻo của nó vẫn không làm tan được nét buồn trên mặt mẹ nó. Và nó nhất định phải tìm cho ra lý do.

Than ôi, khi đứa bé tìm ra lý do bằng tất cả sự tò mò hết sức của nó thì tin ba nó tử trận báo về. Mẹ nó ngất đi trên bậc cửa. Người lính đến báo tin đứng lặng gạt nước mắt. Nó òa khóc bên mẹ nó. Nó không khóc như những lần vòi vĩnh hay bị đòn. Nó nghe có cái gì bừng trên mặt, và nó nghe nỗi buồn chạy dần lan khắp người. Trí óc nó như mờ đi. Nó lay gọi mẹ nó. Mẹ nó hồi tỉnh, gượng ngồi dậy. Nhưng mẹ nó xác xơ như một chiếc lá khô. Mẹ nó ôm nó vào lòng, nhưng đôi cánh tay không còn sức mạnh nữa. Mẹ nó nấc lên từng tiếng não nùng. Đôi mắt mẹ nó trừng trừng nhìn ra phía xa, môi mẹ nó run run. Mẹ nó cố gượng đứng lên cám ơn người lính báo tin. Khi người ấy quay gót đi, mẹ nó gào lên thê thảm, và rũ người xuống như một tầu lá úa…

     
Kể từ hôm đó căn nhà nhỏ bé như hiu quạnh thêm, mặc dù có khói hương nghi ngút trên chiếc bàn thờ mới tỏa ra. Mẹ đứa bé trở nên lạnh lùng buồn thảm như một người gần hết sinh lực. Và đứa bé cũng kém dần vẻ hồn nhiên ngộ nghĩnh ngày nào. Những bữa cơm chiều không còn ấm cúng. Những đêm tối trời không còn vọng lên tiếng hát bé thơ – Việt Nam Việt Nam nghe tự vào đời – Mẹ nó như một cái bóng, và nó cũng không dám hỏi nhiều về người. Lúc đứng một mình trước bàn thờ, nó nhìn thật sâu vào khung ảnh vàng vọt để tìm thấy trên gương mặt ba nó một nụ cười. Gương mặt của ba nó vẫn nghiêm nghị và không cử động, nhưng nó tưởng như người vẫn gần gũi với nó ghê lắm.

Rồi thấm thoát lại đến mùa mưa. Mỗi buổi chiều đứng trong sân trường đứa bé lại nhìn làn mưa trắng xóa và nghĩ ngợi về ba, về mẹ. Bữa cơm chiều đến trong khung cảnh cô đơn của hai mẹ con. Chợt giữa tiếng mưa rào rào đổ trên mái ngói, một vệt sáng quét mạnh trên nền nhà, rồi tiếng sét nổ vang. Mẹ nó ôm nó vào lòng cho nó bớt sợ. Nhưng nó đã không còn sợ nữa.

Đêm đến đứa bé vẫn cuộn mình trong tấm mền ngủ say bên cạnh mẹ. Nửa đêm, trời đã hết mưa. Nhưng bỗng có tiếng đại bác vọng về. Đứa bé giật mình thức dậy. Mẹ nó lại siết chặt nó, nói vội vàng:
      
- Đừng sợ! Tiếng trời gầm đó con!

Đứa bé chợt tỉnh hẳn, vì nó nghe hình như giọng mẹ nó có gì nghẹn ngào lẫn hốt hoảng. Nó thương mẹ nó vô ngần. Đại bác vẫn rền từng tiếng…

 
NGUYỄN THỊ MỸ THANH  

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 90, ra ngày 1-5-1968)



Nguồn : http://camlinguyenthimythanh.com
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>