Thứ Sáu, 7 tháng 4, 2017

Hối Hận


Hồi nhỏ, gia đình tôi sống tại thị trấn X, một thị trấn nằm trên vùng đồi núi heo hút tiếp giáp với bờ biển, quy tụ khá đông công chức phục vụ nơi cơ quan chính quyền, nhất là tổ hợp quốc doanh khai thác than đá, ngoại trừ số ít dân chúng đến đây buôn bán, làm ăn chứ không chuyên về lâm sản hay ngư nghiệp.

Vì mỏ than rộng lớn, tài nguyên dồi dào nên người ta thiết lập nhiều chòi cao để các chuyên viên dễ dàng theo dõi và điều khiển những toa “goòng” bằng thép mắc vào giàn di động gồm nhiều bánh xe chạy trên các sợi dây “cáp” chắc chắn giăng tỏa đó đây như mạng nhện nối từ trung tâm hầm mỏ tới tận vị trí chứa than lộ thiên cách nhau hàng hai, ba dặm đường. Tất nhiên sức người khó lòng di chuyển từng chuyến goòng đầy ắp vật liệu lên cao và đi xa, ví thử có thực hiện được chăng nữa, chắc chằn công tác sẽ tốn kém, chậm chạp, nguy hiểm hơn là dùng điện vừa nhanh chóng, vừa đỡ nhân công lại bảo đảm.

Người dân thị trấn quá quen thuộc với tiếng “…rè…rè…choang…rè…rè…choang…” phát ra đều đều từ những toa goòng hoạt động lên xuống nhộn nhịp. Thường thường các toa này chỉ dừng lại ở mỗi địa điểm chừng nửa tiếng đồng hồ rồi tiếp tục không ngừng cho tới xế trưa hay chiều tối, lúc mọi người nghỉ ngơi ra về mới thôi.

Ngoài giờ học và những dịp rảnh rỗi, lũ trẻ chúng tôi vẫn kéo nhau ra bãi cỏ sát bên khu vực mỏ than chơi đùa thỏa thích, rồi khi mệt quá cả bọn lăn ra nằm nghỉ hoặc ngắm nhìn các toa goòng di chuyển trên các đường dây như thường lệ. Hôm đó, đột nhiên mấy thằng bạn tôi đang nằm chơi bỗng bàn tán xôn xao. Chúng thấy một đứa nào đó bám vào chiếc goòng từ dưới Trung Tâm hầm mỏ đi lên. Thế là cả bọn đứng phắt ngay dậy, mồm đứa nào đứa nấy há hốc trong lúc mắt nheo lại vì nắng, cố ngửa cổ lên coi. Chờ tới khi lại gần, thằng Mão, con ông thợ rèn ở phố chợ được bọn tôi tôn sùng như vị “anh hùng”, mới cúi xuống hét lớn:

- Ê! Chúng mày ơi, coi tao này!

Lời “kêu gọi” ấy có sức quyến rũ lạ thường, bởi lẽ không cần phải giục, lập tức chúng tôi reo hò ầm ỹ rồi vùng chạy theo dợi dây cáp trong lúc mắt chăm chăm vào chiếc goòng, bất kể mọi chướng ngại vật dọc đường. Người khách bộ hành, suýt bị chúng tôi húc phải, vừa né tránh vừa ngó lại đến khi nhận ra mục tiêu của chúng tôi, ông phải kêu lên hoảng hốt:

- Chết thật! Con cái nhà ai mà lại dại dột thế kia. Tuột tay một cái là bỏ mạng chứ đừng tưởng chơi đâu.

Mặc kệ, bọn tôi cứ mải miết cắm đầu cắm cổ chạy lách giữa đường phố, đông người qua lại, để đến tận ụ than nghĩa là địa điểm chiếc goòng phải tới.

Người tài công, sau khi cho ngừng máy điện và sửa soạn đổ than, bất chợt thấy thằng Mão đang lo sợ nhìn mình bèn nhặt mấy hòn sỏi nhỏ ném về phía nó tới tấp, miệng làu nhàu chửi rủa. Chúng tôi đứng ngoài xa, thích chí reo hò vang dậy đoạn ù té chạy mất. Nhân dịp đó, thằng mão tụt xuống từ đống than xuống chuồn thẳng một mạch.

Gặp bọn “đàn em”, Mão hớn hở kiêu hãnh về trò chơi liều lĩnh vừa rồi. Thằng Thành tò mò hỏi:

- Thú không mày?

- Khoái lắm! Ở trên ngó xuống bọn mày bé tý tẹo như những con búp bê thôi… thật đấy. Thích nhất là cảnh mặt trời chiếu rọi ngoài biển… đẹp vô kể.

Chẳng hiểu những đứa kia nghĩ sao chứ riêng tôi, tôi phục Mão quá, nể nó quá đi thôi. Xưa nay chưa từng bao giờ tôi được thấy biển cả ra sao, nay nghe Mão nói lòng tôi háo hức tột độ. Cho đến lúc ấy, tôi vẫn nghĩ rằng mình không thể bắt chước Mão được vì còn quá nhỏ.

Năm vừa tám tuổi, tôi bảo với cái Lý – con bác phó mộc bên hàng xóm vẫn thường đùa nghịch với bọn tôi là bao giờ bằng tuổi Mão, tôi sẽ trở lại chứ bây giờ thì chả dám. Cái Lý nheo mắt, bĩu môi nói:

- Sí! Mày mà bắt chước được như nó tao đi đầu xuống đất… Chỉ được cái nói dóc…

Bị nói khích, tôi tức lắm và hẹn sẽ thực hiện khi nào đủ mười tuổi.

Hai năm sau, bằng tuổi với Mão nghĩa là lên mười, tôi cùng chục đứa khác đang chơi đùa gần đường cái cách sân cỏ khá xa, đột nhiên cái Lý nhắc khéo:

- Sơn! Bây giờ trên chòi không có ai đó, mày có giỏi thử leo lên toa goòng coi nào.

Nói xong Lý cười khẩy như gián tiếp chê tôi là đồ nhát gan, không dám làm. Hơn nữa các bạn tôi cười theo như thách thức khiến tôi bực quá. Thấy cần phải tỏ cho bọn chúng biết tay, tôi lẹ làng leo lên chòi rồi lần ra mé ngoài. Chà, hơi nóng trong toa goòng hừng hực bốc lên vì phơi nắng khá lâu, tôi bất kể, cứ bám chặt lấy càng toa, hai chân buông thõng. Ôi chao! Thành toa gồ ghề vì những mảnh vụn than dính chặt tự bao giờ làm bụng và đùi tôi đau quá.

Bọn bạn tôi ở dưới đất ngó lên thấy thế vỗ tay cổ vũ khi chiếc goòng từ từ rời địa điểm. Thế là kể từ giờ phút này, dù muốn dù không tôi phải bám thật chặt nếu không sẽ ngã.

Ba phút sau, tôi cảm thấy hai tay mỏi rời, nhưng vẫn cố ngó xem biển ở phía nào. Gió mát rượi dễ chịu ghê. Ngoài kia ánh nắng chiếu rọi trên những đợt sóng nhấp nhô trong lúc con tàu nhỏ bé nhả khói mù mịt băng qua. Tôi lắng nghe tiếng máy chạy “rè…rè…choang…rà…rè…choang…” phát ra bên tai, chuyền cả tới hai tay. Một lát sau, bỗng dung máy ngưng chạy đột ngột rồi toa goòng không di chuyển nữa. Chết rồi! Hết giờ làm việc nên bác tài công vội tắt điện thành thử toa goòng chỉ còn cách Trung Tâm khai thác non chục thước phải dừng lại. Phải làm sao bây giờ? Nhẩy xuống ư? Cao quá tôi không dám. Hai tay mỏi rã rời, mồ hôi toát ra như tắm tôi cố chịu đựng với hy vọng sẽ xuống an toàn. Phía dưới lũ trẻ chạy theo cũng dừng lại. Có tiếng cái Lý vọng lên:

- Cứ bám chặt lấy nhé, thằng Đôn đã chạy tới báo cho bác tài công biết rồi. Họ sẽ cho toa goòng xuống tận nơi.

Nghe vậy nhưng tôi không hy vọng gì vì từ đây tới Trung Tâm khai thác còn xa lắm, trên nửa dặm chứ ít ỏi gì đâu.

Có lẽ bắt đầu thấy nguy hiểm, lũ bạn tôi hết dám bàn cãi mà chỉ biết đứng đực ra nhìn tôi lo ngại. Trên này hai tay tôi mỏi quá thể, tôi biết mình không chịu đựng thêm được nữa. Tôi cố nhắm mắt lại yên lặng chờ đợi. Tiếng cái Lý khuyến khích:

- Bám chặt vào! Bám chặt vào!

Tôi mở mắt ra ngó xuống và thấy bờ biển chiếc tàu ánh nắng đẹp đẽ quay cuồng loạn xạ, mấy đứa bạn tôi biến đâu mất. Thế rồi tôi không biết gì nữa.

Tỉnh dậy thấy mình nằm trong bệnh viện, chân, tay cứng ngắc vì băng bột, tôi bàng hoàng không hiểu tại sao mình lại ở đây. Đến lúc mẹ tôi quay lại vỗ về và cắt nghĩa tôi mới chợt nhớ ra.

Suốt cả tuần lễ, mẹ tôi luôn luôn ở bên tôi săn sóc. Nhìn vẻ lo âu trên khuôn mặt mẹ hiền, tôi hối hận vô cùng. Chỉ vì tức khí xằng nên mới ra nông nỗi này. Tôi muốn xin lỗi mẹ tôi quá, nhưng lại ngại nên cứ chần chừ mãi. Mẹ tôi biết ý bảo tôi:

- Thôi! Mẹ hiểu rồi… Con cứ nằm yên nghỉ đi cho khỏe, đừng nghĩ ngợi gì cả.

Mấy ngày sau bọn bạn tôi tới thăm. Tôi mỉm cười nói với Lý:

- Tôi đã biểu diễn rồi đó Lý ạ.

Từ đó mỗi khi thấy toa goòng chở than, tôi lại nhớ tới câu chuyện nghịch dại hồi nhỏ.


ĐẶNG HOÀNG
phóng tác    


(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 86, ra ngày 22-4-1973)
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>