Con đường mòn vương vãi nước. Mùa mưa
đã về. Mỗi buổi chiều khi những đám mây đen ở phương Nam ùn ùn kéo đến là Ly
chạy vội ra sau nhà bưng rổ chén bát và cái lò nấu đem vào giấu dưới gậm
giường. Đôi khi, những cái áo, cái quần giặt trễ còn âm ẩm nước cũng phải đem
vào vắt ở thành ghế gỗ hay đầu giường. Mùi áo quần ẩm khó ngửi chi lạ. Ly ghét
nên đôi lúc nó giả vờ bỏ quên cho nước mưa giặt quần giặt áo lại lần nữa. Chiều
nay, trời oi bức hơn mọi bữa. Mây trên trời từng đợt ngồn ngộn như bông gòn
bẩn. Ly tẩn mẩn nghịch vẽ hình người nhăn nhíu trên đất bằng một cọng chổi
ngắn. Thỉnh thoảng ngước mắt nhìn trời. Mọi lần, bà Ba mẹ nó chả cần căn dặn gì
hết. Nhưng hồi trưa bà tạt gánh hàng rong về nhà đánh thức giấc ngủ trưa quá
sớm của nó và bảo nó coi chừng đồ đạc, nhà cửa. Bữa nay ngó bộ mưa to. Mưa to.
Ly ngao ngán lắm rồi. Cơn mưa dài hơn mọi ngày và sầm sập như trút nước. Con
hẻm nhỏ lênh láng. Nước từ ống cống ngoài đường dâng lên. Nước trên trời đổ
xuống y như là nước ở sông Saigon được đổ dồn về xóm cả. Rác rến, bụi bùn đục
ngàu ngàu. Ly phải nhảy lên giường, chồm hổm, bao nhiêu đồ đạc, chén bát, chổi,
chai lọ, nước mắm, than củi, ghế, thùng đựng áo quần đều thượng cả lên giường,
lên mặt cái bàn gỗ tạp. Sót lại bất cứ thứ gì ở trên mặt đất là thứ đó mất.
Nước chảy như muốn lôi cuốn cả cột nhà đi. Đồ đạc trôi dạt từ nhà nầy sang nhà
khác. Ly là chúa muốn lội nước, thế mà khi tạnh mưa, nhìn con hẻm lềnh bềnh
toàn vật bẩn, Ly không dám. Bây giờ, ngồi trên ngạch cửa, Ly mong ngóng cho cơn
mưa lớn đừng tới. Tới một ngày là Ly cực khổ suốt cả mấy ngày hôm sau. Nước lên
đã cực mà lúc nước rút, càng cực hơn. Còng lưng quét dọn bùn rác vương vãi trên
nền nhà, quấn quit chân giường, chân bàn cũng đủ ớn đến tận cổ. Thế mà đã xong
đâu, cứ lần dọn nầy chưa xong thì một cơn mưa khác lại ụp xuống. Rồi cũng rác,
cũng gói to, gói nhỏ tanh tưởi, nhớp nháp, bùn bẩn, linh tinh. Ly lại cong lưng
quét dọn đến rõ chán.
Mặt trời phía Tây vẫn còn bỏng rát
đàng lưng. Nhưng phía Đông thì báo hiệu một cơn mưa như chĩnh đổ sắp đến. Trời
không cả một ngọn gió thoảng. Con ngõ nhỏ vắng tanh. Quán nước bà Ba lơ thơ hai
ông khách mặc áo ka ki, đầu trần, mặt mũi đỏ gay trước ly bia sủi bọt. Chốc
nữa, nếu trời chưa mưa và số vỏ chai trên bàn lổn ngổn phải chất xuống chân bàn
thì thế nào cũng có một màn đấu võ mồm gay cấn giữa hai ông khách Lưu Linh cho
mà xem. Ly lắng tai chờ cơ hội. Con nít sẽ đổ ra khá đông, đàn bà ở nhà nội
trợ, đàn ông thất nghiệp đều có mặt. Võ mồm có thể thành võ tay, võ chân. Thật
là một pha giải trí không tiền. Ly chờ đợi trong háo hức. Nhưng trí tưởng tượng
tắt ngang. Nó cụt hứng nhìn một ông khách thò tay vào túi áo, ông kia gõ lách cách
trên mặt bàn. Trả tiền, đứng dậy, ra đi. Chán ơi là chán. Ly nhổ phẹt ngụm nước
bọt lộn ngộn cát đứng dậy vung đôi chân tê rần. Nó lấy ngón tay thấm nước bọt
thoa thoa vào đầu ngón cái bàn chân. Mẹo trị bệnh tê mà nó đã học được của con
Kỳ bán chuối chiên. Máu vẫn còn rậm rật dưới làn da gây cảm giác khó chịu. Ly
nhăn mặt dậm thình thịch bàn chân phải, rồi chân bên kia.
- Trời mưa tới rồi mà chưa chịu dọn
nhà còn đứng đó.
Ly quay ngoắt lại. Nó bĩu môi trả lời
bà Bé. Người ta đợi mưa từ hồi chiều rồi chớ bộ. Dân sống hẻm từ nhỏ đến lớn
mà. Mới ở hẻm có một mùa mưa năm ngoái mà cũng làm tàng. Ly nhủ thầm trong bụng
nhưng vẫn vào nhà, ra sau bếp.
Khi Ly dọn xong đồ đạc lên bàn, lên
giường và chắc chắn không có một vật gì có thể trôi đi khỏi nhà được, nó bưng
thau đồ giặt dở hồi sáng ra trước ngõ. Áo quần thì nhớp nhúa mà xà bông lại
hiếm hơn cơm. Chà xát mãi đến đỏ ửng hai bàn tay cũng không có lấy chút bọt xà
phòng nào. Ly hắt thau nước bẩn, đục lờ lên nền đất khô khốc. Nước sùi bọt ngấm
nhanh như chớp. Ấy thế mà tí nữa, có mưa thời nước lại tràn trề cho mà xem.
Thau nước giặt, rồi lại thau nước xổ. Ly đổ nhàu ra bờ đường. Quần áo đầy ngộn
vắt kỹ cuốn từng cuộn như dây chảo. Ly tung tung áo quần từng cái một vắt lên
sợi dây thép căng một đầu ở cột nhà, đầu kia lên bờ tường nhà cạnh.
- Ê Ly, mày đổ nước thì phải ngó trước
ngó sau chớ, bộ nhà công cộng sao mà đổ đầy qua nhà tao vậy mậy…
Tiếng nói chua như giấm, dấm dẳn sau
lưng. Ly quay ngoắt lại. Con Bê tay chống nạnh, tay xỉa xói chỉ vũng nước còn
sùi bong bóng lan tràn qua kẽ ván nhà nó. Ly mở môi định nói vài lời qua quit
cho xong, nhưng thấy dáng điệu con Bê làm tàng quá, những câu trả đũa bỗng dưng
cuồn cuộn tuôn qua miệng:
- Nước nôi gì. Sao ông trời ổng mưa
trôi nhà trôi cửa mày không giỏi lên nói với ổng đi. Đừng có làm tàng hoài,
người ta lỡ chớ bộ cố tình sao?
- Lỡ nữa hả. Nhà mầy mầy muốn đổ nước
thây tía mầy, còn nhà tao mầy đổ nước tao quánh hất tóc đi.
Ly quơ tay, mặt đỏ phừng phừng. Con
nhỏ lối quá rồi.
- Đó, giỏi thì quánh đi. Đừng thấy
người ta hiền mà làm tàng. Đừng có làm tàng nghe mậy. Đừng có làm tàng nghe
mậy.
Ly lập đi lập lại câu đừng có làm tàng.
Nó cố hét cho rõ to để át luôn tiếng cãi lại của con Bê. Nhưng hình như con Bê
đang nói gì mà có trường, có cô giáo. Ly thôi nói, lóng tai:
- Học dốt mà cũng làm bộ. Tao biết quá
mà. Mầy hỗn vậy hèn gì cô thầy đuổi lên đuổi xuống hoài. Đồ hỗn, đồ bị thầy
đuổi. Đồ…
Ly uất ức, nước mắt bỗng dưng muốn
trào ra khỏi hai viền mi. Nhưng Ly nhất định không khóc trước mặt con nhỏ xấu
xa nầy. Không, Ly không khóc được. Phải xông vào cắn nó cho đã nư. Phải túm
được mấy chùm tóc lưa thưa cháy đỏ kia dằn xuống mới đã giận. Tại sao nó dám đả
động đến cái nghèo của Ly. Mối thương tâm mà Ly vẫn giấu mình để tự an ủi. Ly
không được cắp sách đến trường. Ly nghèo không có tiền trả tiền học thì mặc kệ
Ly. Ai mượn nó. Ai mượn nó xía vô. Ý nghĩ thầm thoát qua kẽ răng thành câu nói
giữa chừng nghèn nghẹn:
- Ai, ai mượn mầy xía vô chuyện tao.
Tao nghèo, tao dốt, tao không có tiền để học đó mầy làm gì tao chưa. Tao không
có ăn cướp, ăn giựt của đứa nào hết. Mầy, mầy thối tha… Mầy có chịu đi về bển
không, tao xách chổi tao quánh chết cha mầy bây giờ. Đi về, đi về khỏi nhà tao…
Đi về… Tao bảo mầy đi về…
Mắt Ly long lên. Hai hàm răng siết
lại, hung dữ. Con Bê chần chờ giây lát, rồi vòng chạy về nhà. Vừa đi vừa nói
vớt, chửi vói lại:
- Tao đâu có thèm ở nhà mầy. Đứng
trong nhà mầy lây cái việc học bị cô đuổi. Dốt bị cô đuổi. Bị cô đuổi. Bị cô
đuổi…
Từng chữ từng câu xoáy mạnh vào tai
Ly. Nước mắt chảy dài. Ly quẹt má. Tức thôi không chịu được. Cũng chỉ tại thau
đồ nầy. Ly vật vã thau áo quần đánh lộp bộp trên nền đất ướt. Ngồi thừ người
một lát, Ly đành chỗi dậy giũ phơi mớ áo quần còn lại. Trên trời, mây lù mù kéo
thấp. Mặt đất dịu mát. Vừa khi Ly cất chiếc thau không lên gác bếp thì những
giọt mưa đầu đã lả tả. Rồi bỗng liền theo cơn gió đi qua trên mái đem theo mùi
hăng nồng của đất ẩm, trận mưa lớn đầu mùa bắt đầu. Ly ngồi chồm hổm trên
giường. Nhìn ra bên ngoài, con ngõ hẹp phút chốc đã trở thành một giòng sông
nhớp nhúa, hai bờ cứ ăn rộng mãi. Nước lấp ló bậc thềm. Nước tràn qua kẽ hở và
cứ thế tràn ào ạt vào nhà, tràn từ bốn phía. Từ trên trời rơi xuống, từ nhà bên
cạnh tràn sang. Từ hiên trước, từ nhà bếp. Chiếc giường trải chiếu đã âm ẩm
nước. Ly vội vã cuốn tròn lại. Cơn mưa kéo dài đến hơn nửa tiếng đồng hồ rồi
dịu dần. Ly đã nghe thấy tiếng lột sột ở nhà cạnh. Tiếng người la đong đỏng:
- Trời ơi, nước còn ùa vô như sông mà
mầy tát nước làm chi vậy. Đồ ngu.
Chiếc guốc của ai lạc lõng trôi lềnh
bềnh tấp vào cửa nhà. Ly vói chân khèo đẩy ra ngoài. Theo dòng nước, màu đen
của nước sơn lẫn vào giòng nước đỏ đục.
- Quét nước đi chớ Chỏn, quét đại ra
đi.
Tiếng con Bê la lối rõ mồn một tiếp
liền là tiếng chổi sồn sột, tiếng nước khua động. Cơn tức hồi nãy đã dịu bây
giờ ứa nghẹn lên cổ. Ly hứ một mình. Nó nhảy từ trên giường xuống đất. Nước bắn
tung tóe lên hai ống quần khô xắn cao. Tìm cái chổi Ly bắt đầu quét tới tấp.
Đáng lẽ quét hẳn ra ngoài cửa, Ly cố ý quét một bên xiên xiên cho nước lọt qua
kẽ ván nhà con Bê. Tiếng thằng Chỏn càu nhàu:
- Quét hoài mà nước tràn “dô” hoài,
hổng thấy hết.
- Quét đại đi, quét ra ngõ, ra sau
vườn, ra hai bên, vừa quét vừa biểu mấy đứa nhác nhớm quét nhà quét cửa để nước
khỏi tràn qua nhà người khác. Đồ lười biếng.
Con Bê kéo dài tiếng sau cùng. Ly lóng
tai nghe nhưng cũng nhận mình có lỗi, nó làm thinh và cơn tức cũng nhạt đi từ
từ. Cả xóm hoạt động tới tấp. Nhà nào cũng xoàn xoạt nước. Trẻ con chỉ mặc độc
cái quần cộc nhẩy nhí nha nhí nhố ngoài đường hẻm đang đầy nước. Nước đã đục bị
khuấy lộn càng đục thêm. Bây giờ là giờ bãi sở. Trời còn sáng, nhưng mặt trời
chắc đã lặn từ khi cơn mưa chưa chấm dứt. Tiếng bánh xe đùa nước. Tiếng còi tin
tin của những chiếc Honda, Suzuki ròn rã, ồn ào. Mỗi khi một chiếc xe vô ý
không chịu giảm tốc độ khi vào hẻm là mỗi lần những câu chửi thề tới tấp vang
lên ở nhà này, nhà kia. Nước bùn bắn tung vào nhà họ, bắn trên mặt trên mũi
người đi bộ. Bà Ba đã gánh gánh hàng nặng về nhà. Ly đang lau lại mấy cái chân
ghế đầy bùn. Cái bếp dầu Ly đã đặt cẩn thận trên bàn đang cháy đầy khói vì bị
ẩm. Lúc lục tìm đồ ăn trong gánh, Ly phát giác thấy gánh hàng của mẹ lạ hơn mấy
bữa. Nó hỏi bà Ba, lúc đó đang bận kỳ cọ hai bàn chân đầy cáu bẩn.
- Bữa nay má bán cả đồ hộp nữa hả má?
- Ừa, bán bánh kẹo không ế quá nhứt là
mùa mưa tới rồi, ít người mua lắm. Tao mua đồ hộp để bán cho con nít lối xóm
với cho thợ đi làm ăn trưa.
- Có hộp bánh trái cây không mẹ?
Ly nhớ đến những hộp trái cây xanh đỏ
vàng trông ngon mắt mà con Bê vẫn thường ăn nhơi nhơi ở ngạch cửa. Chả vì mẹ nó
chuyên môn bán đồ hộp của Mỹ mà. Ly vẫn thường ao ước được nếm mùi vị cho biết,
nhưng chẳng bao giờ nó dám rờ đến một hàng quà nào. Nó chỉ sợ mấy bà bán hàn g
chửi chỏ lúc nó không đủ tiền mua sau khi trả giá, hoặc trả giá quá rẻ. Nó ướm lời
xin mẹ:
- Má cho con một hộp bánh đi má.
- Trời ơi, chưa bán được hộp nào, mới
mua mở hàng mà mầy đã đòi xin trước.
- Cho con một hộp ăn thử đi má.
Bà Ba đã rửa xong chân tay đến gánh
hàng soạn sửa:
- Đây nè, có cái đồ mở hộp để ở trong
thùng bên kia. Ăn cơm rồi mới được ăn bánh nghe chưa. Bán cái điệu này lỗ vốn
là cái chắc.
Ly săm soi cái hộp màu cứt ngựa. Nó
lúc lắc bên tai. Hộp có vẻ đặc. Nó định mở hộp, nhưng loay hoay mãi với con dao
mở hộp đùi nhây. Bà Ba cằn nhằn:
- Thôi để đó đã chớ, đi nấu cơm cho
rồi.
- Ủa mà bữa ni má không mua đồ ăn?
- Đồ ăn làm gì, có đồ hộp đó. Lấy cái
hộp thịt dăm bông nầy nè, khui ra rồi đem bỏ nước mắm vô nấu, cho thêm chút
nước, kho ăn cơm.
Ly chép miệng:
- Có ngon không má?
- Không ngon cũng phải ăn.
- Chắc ngon má hở?
- Ừa…
Bữa cơm tối, sau một cơn mưa, trong
không khí mát dịu còn tươm hơi nước, đã trở nên ngon lành. Ly nghĩ đến nhà con
Bê, má nó bán đồ Mỹ nên mau “giàu” ghê, nó có tiền đi học đàng hoàng, em nó
cũng đi học, lâu lâu, Ly thấy hình như tụi nó cũng có chút ít tiền, nó mua ô
mai đãi tụi bạn trong lớp, nên tụi nó thích con Bê lắm. Riêng Ly thì ghét con
Bê quá, thật ra hai đứa nó đâu có ghét nhau, ở gần nhà, học cùng lớp thì không
thân cũng quen. Nhưng có một bữa, con Bê đá con Ti Tô của Ly một cái rõ mạnh,
con chó Ti Tô mà Ly nuôi nấng và thương như em, mà con Ti Tô có làm gì đâu cho
cam, nó chỉ có tội ngửi ngửi vào bát cơm của thằng Chỏn đặt ở mép giường, thế
mà con Bê đá Ti Tô một đá. Con Ti Tô kêu la thảm thiết rồi từ bữa đó nó bỏ cơm
nằm rên hừ hừ được mấy ngày rồi chết. Ly gây với con Bê một trận kịch liệt
nhưng vẫn không lại cái miệng chanh chua của con Bê. Hai đứa xem nhau như kẻ
thù từ đấy. Chợt nhớ ra, Ly nói với mẹ:
- Má ơi, vài bữa đầu tháng mẹ cho con
đi học trở lại nghe má?
Bà ba bỏ dở bát cơm đặt xuống chiếu:
- Chiếu manh thì thủ phận chiếu manh
đi con ơi. Má chạy gao còn đờ hơi ra, thôi học đến biết đọc biết viết là được
rồi. bây giờ giúp má buôn bán là vừa. Tao định kiếm thêm tiền sang cho mầy cái
thùng bán thuốc lá ở cửa rạp xi nê đàng chợ đó.
Ly hớt lời:
- Không, má cho con đi học lại má
nghe. Con Bê lớn hơn con mà vẫn còn đi học đó má.
- Nhà nó có tiền mà con bì với nó sao?
- Vài bữa nữa má cũng có tiền như má
con Bê mà?
Bà Ba ngạc nhiên:
- Ai nói với mầy vậy?
- Thì má không thấy má con Bê nhờ bán
đồ hộp của Mỹ mà mau giàu, bữa nay má cũng bán đồ hộp rồi má cũng có tiền như
má nó chớ gì?
- Không phải đâu con ơi, giàu có số có
phần hết.
Bà Ba ngồi suy nghĩ hồi lâu. Để cho
con Ly bỏ học như bữa trước bà cũng buồn lắm, nhưng biết làm sao. Thời buổi
càng ngày càng khó khăn, mắc mỏ thêm, bà lại còn trả tiền nhà, tiền nước. Bao
nhiêu là thứ tiền mà chỉ trông cậy vào gánh hàng rong nhỏ xíu nầy. Ly nghỉ học,
bà bớt được một gánh nặng trăm cân. Bây giờ nó lại đòi đi học bà không biết nói
sao. Một lát bà thở dài, chầm chậm khuyên con:
- Thôi được rồi, má sẽ cho con đi học
lại nhưng má nói trước để con biết là nhà mình không dư dả gì cho cam đâu. Mặc
dù má bán đồ hộp, nhưng mỗi hộp lời một hai đồng là cùng. Vậy má rán kiếm tiền
trả tiền học cho con thì mình cũng chịu tằn tiện thêm một chút nghe.
Hình ảnh con Bê với những trái ô mai
vẫn còn vương vấn trong đầu Ly, nó thắc mắc hỏi mẹ:
- Má ơi, sao nhà con Bê cũng bán đồ
hộp mà lời nhiều?
- Má đâu có biết…
- Ối, bá Sáu Chương buôn bán lời nhiều
thì ai mà lạ.
Ly và má quay ra ngoài cửa. Bóng tối
lờ mờ. Ngọn đèn dầu không đủ soi sáng, nhưng nghe giọng nói Ly cũng biết đó là
ông Tư bán vé số.
- Sao chú biết hả chú Tư?
- Nói để mà nói, chớ làm ăn như vậy
thất đức lắm tụi bây ơi.
- Cái gì mà thất đức chú Tư. Bà Sáu
Chương bán đồ hộp như má cháu mà.
- Ừ thì bả cũng bán đồ hộp. Nhưng má
mầy bán cái kiểu đó tết Ma Rốc mới có tiền cho mầy đi học đi hành.
Ly ngơ ngác không hiểu gì hết. Chớ bà
Sáu Chương làm gì đâu. Ly vẫn thấy bà gánh hàng đồ hộp bán cho lối xóm, cho thợ
thầy mà. Tiếng bà Ba nói nhỏ:
- Chú nói nho nhỏ kẻo bác Sáu nghe
được thì phiền. Thật ra tui cũng hổng biết làm cách nào mà bác Sáu buôn bán
giỏi vậy. Hay là con người có số có vận chú Tư?
Chú Tư vất điếu thuốc cháy dở ra ngoài
hiên. Giọng chú sệt sệt khi nói nhỏ:
- Không có gì đâu chị Tư, chị biết đồ
hộp đó bả mua ở đâu không? Ăn vào có nước đi tiêu đến chết luôn.
Bà Ba à một tiếng nhỏ.
- Như vậy thất đức chết.
- Mà làm sao hả chú Tư?
Chú Tư nheo nheo mắt:
- Mầy bạn với con Bê mà không biết hả?
Chị em nó thường ra xa lộ lượm đồ hộp người ta vất đi đó. Hoặc bả mua của tụi
nhỏ khác cũng lượm được ở trển. Đồ hư, quá thời gian người ta đốt bỏ.
- Nhưng vẫn còn lành lặn hả chú Tư?
- Thì lẽ dĩ nhiên, đồ hộp mà, chỉ có
độc thôi. Bán cái đó lời lắm, không vốn hoặc vốn khoảng mấy chục đồng đã mua
được cả gánh đồ hộp.
Ly đâu có thèm nghe gì nữa. Óc nó suy
tính nhiều chuyện thiệt hơn. Lòng nó bỗng ham muốn ra xa lộ nhặt những đồ hộp
về bán. Lời được nhiều, nó sẽ có tiền trả tiền học, có tiền mua ô mai cho tụi
bạn cùng lớp ăn, có tiền để con Bê hết làm tàng. Nhưng muốn vậy trước hết phải
nhờ con Bê chỉ chỗ nào để lấy đồ hộp. Sau bữa cơm. Má ngồi nói chuyện với chú
Tư. Ly cầm lấy hộp bánh trái cây ra khỏi nhà ngó lom lom vào nhà con Bê tìm
kiếm. Đợi một lát, con Bê ra trước cửa tay dẫn theo đứa em nhỏ nhất nhà. Ly mon
men lại gần:
- Chuyện hồi chiều xí xóa nghe mầy.
Con Bê quay mặt đi không thèm trả lời.
- Tao có cái bánh tụi mình ăn chung
nghe.
Con Bê hơi liếc nhìn về phía hộp bánh
của Ly. Nó dụ dự một chút rồi lại làm thinh dắt em đi về phía đầu ngõ. Ly tức
lắm. Con nhỏ làm phách ghê. Ly nói thêm một câu nữa:
- Cuối tháng tao đi học lại, tao với
mầy ngồi cạnh nhau nhen.
Con Bê vẫn làm thinh. Thằng bé bị lôi
đi đã trì kéo lại. Ly đưa chiếc bánh lên miệng nhơi nhơi. Đứa bé thấy thế dùng
dằng tay chị, miệng mếu máo đòi bánh. Con Bê vô tình vẫn cố lôi em. Đứa bé ngồi
bịch xuống đất giẫy mạnh hai chân. Con Bê đành đứng lại dỗ em. Nhưng càng dỗ,
nó càng khóc dữ, miệng ngọng nghịu:
- Bánh… Bánh… hu hu…
Con Bê liếc mắt nhìn Ly một giây rồi
lại cúi xuống vỗ về thằng bé. Ly đến gần, tay bẻ một miếng bánh đút vào miệng
đứa nhỏ. Đứa nhỏ nín khóc ngay. Mặt con Bê dịu lại, nó cũng cảm thấy bẽn lẽn.
Nhưng mùi bánh lại thơm quá đỗi. Nó buột miệng quở:
- Bánh thơm quá.
- Ừa, bữa nay má tao bán đồ hộp cho
tao một hộp, mầy ăn một chút nghe.
Con Bê không gật đầu cũng không lắc
đầu. Ly bẻ một miếng lớn đưa cho Bê. Con Bê cầm lấy nhưng vẫn ra vẻ hờ hững.
- Tụi mình ra lề đường ngồi chơi đi.
Con Bê đã ăn bánh, lắc đầu.
- Thôi, hồi nãy tao ra, ngoài đó chưa
có xe chở rác đi còn hôi lắm.
- Ở đây cũng dơ quá, nước đầy hẻm.
Ly sợ mất cơ hội tốt nói vội vàng:
- Hay thôi, tụi mình ngồi đây nói
chuyện chơi.
Hai đứa ngồi thụp xuống, nhưng chẳng
đứa nào moi ra được một câu nào. Mãi chập sau, Ly ấp úng một câu:
- Trời tối quá rồi.
- Ừa, mà mầy nói thiệt hay giỡn? Cuối
tháng đi học hả?
- Chớ sao, má tao cho tao tiền trả
tiền học.
- Ừa, mầy đi học đi, cô giáo cứ nói
tội nghiệp mầy hoài. Cô nói tại ông Hiệu Trưởng hổng cho mầy học nên cổ mới
không dám cho mầy vào lớp.
Ly gật đầu:
- Hồi mầy nhớ cho tao mượn vở coi lại
nghe.
Bánh đã hết tự bao giờ. Ly đưa ngón
tay út quét chung quanh thành hộp đưa lên miệng rồi quẳng cái hộp không. Cái
lon gặp nước kêu lụp bụp mấy tiếng rồi im lặng. Hai đứa cũng không còn chuyện
gì để mà nói. Mấy lần, Ly định hỏi con Bê xem thử lấy đồ hộp ở đâu nhưng nó cứ
ngần ngại. Rủi con Bê không chịu nói thì ê mặt.
- Nè Ly, má mầy bán đồ hộp có đỡ
không?
Ly dè dặt:
- Tao không biết, vì bữa nay là bữa
đầu tiên bả mua đồ hộp về bán. Nhưng tao nghe nói hình như không lời nhiều đâu
mầy.
- Bán đồ hộp mầy được ăn thịt hộp bằng
thích.
Ly liếm môi, một giây im lặng rồi
quyết định:
- Bê nè, bữa nào mầy đi mót đồ hộp dẫn
tao đi với nghe.
Con Bê quay hẳn người lại đưa mắt nhìn
bạn dò xét.
- Ai nói vậy?
Ly chối:
- Tao biết mờ.
- Trên xa lộ thiếu gì, nhưng họ canh
kỹ lắm mầy ơi.
- Mầy đi lấy được đó.
- Nhưng cực lắm, má mầy biết bả xách
chổi bả quánh tao chết.
Ly năn nỉ:
- Kệ, tao không nói với bả đâu. Phải
đi như mầy tao mới có đủ tiền đi học chớ. Mầy có thích tao đi học không?
Con Bê nhìn bạn thương hại:
- Thôi được rồi, khi nào ta đi tao rủ
nghe, nhưng nhất định không nói cho ai hay, không rủ ai đi theo nghe. Thề đi.
Ly mừng quýnh, nó nói nhanh:
- Được, được, tao thề.
- Bây giờ mầy về nhà kiếm một cái
thùng giấy cũ, loại thùng vừa vừa cũng được. Mấy tờ giấy báo cũ và một cái que
cứng, bằng sắt là nhất. Để sẵn đó bữa nào đi tao kêu. Bây giờ tao dẫn em về đã.
Thôi về nghe.
- Ừa, nhớ bữa mô dẫn tao đi nghe.
Ly về nhà. Tối hôm đó nó lục lọi tìm
một cái thùng rỗng để dành cho bà Ba đựng đồ ăn thừa cho ngày mai. Cây que bằng
nẹp cứng. Tờ giấy báo lót trong thùng hàng của bà Ba Ly xé lấy một nửa, nửa tờ
kia để lại. Chắc bà Ba sẽ không để ý.
*
Mấy hôm rày ly nóng ruột quá sức. Đồ
con Bê dặn Ly đã sắm đủ. Trời lại nắng, không mưa. Đến tối mịt mưa mới bắt đầu
cho đến sáng bét thì tạnh. Thời tiết thuận tiện cho việc đi biết bao. Ly nghĩ
vậy, nhưng nó cũng không hiểu tại sao mà con Bê vẫn chưa chịu rủ. Gặp Ly, nó
chỉ hỏi đã xong chưa rồi bảo chờ. Ly thấy sốt cả ruột. Ngó bộ con Bê muốn để
cho đến ngày Ly đi học sao chớ. Như vậy Ly có thì giờ đâu mà đi.
Buổi trưa ăn xong mấy chén cơm nguội,
Ly lại ra bờ hè ngồi đợi con Bê. Trời râm râm, gió như ở trên cao, mấy ngọn cây
me lá nhỏ ở ngoài đường xa lắc lay, nhưng không khí thì vẫn oi ả. Ly sợ chiều
nay trời mưa, thế là hôm nay, khỏi có đi được. Mà mưa thật, một giờ sau, cơn
mưa mới bắt đầu nhưng không to lắm. Và cứ thế mưa lâm râm hoài. Ly tức mình vào
nhà đưa đồ đạc lên bàn, cuốn chiếu lại rồi ngồi bó gối.
Như một cơn gió lốc, con Bê ào chạy
vào nhà. Chân cẳng nó lấm lem bùn. Đầu che bởi một cái bao ny lông. Nó nói:
- Đi Ly ơi. Đi.
Ly ngạc nhiên:
- Trời còn mưa mà.
- Mưa mới đi, chớ nắng ráo làm sao mà
đi.
Ly mừng quýnh. Nó lấy vội những đồ mà
con Bê dặn. Mặc áo mưa may bằng vải dầu của lính. Dép cao su chạy theo con Bê.
- Mầy có cái bao ny lông để bịt mũi
chưa? Hôi lắm mà tro khói không hà.
- Ủa đồ hộp mà sao có tro khói?
- Thì tụi Mỹ hắn đốt đồ hắn bỏ nên mới
có khói, có tro chớ.
- Trời ơi, như vậy còn gì mà mót.
- Con nầy ngu quá. Bởi vậy mới đi lúc
trời mưa. Tụi Mỹ hắn khôn lắm. Đốt mà cứ đứng canh riết. Tao đợi trời mưa lửa
tắt, có nhiều hộp chưa cháy kịp. Mà ít khi cháy hết lắm, cháy trên mặt là cùng.
Nhiều lắm.
- Khi trời nắng thì sao?
- Trời nắng, tụi tao chờ bọn lính canh
về hết tụi tao lấy nước tưới cho lửa tắt. Nhưng nói vậy chớ khó tắt lắm. Mà vậy
mới bán đồ kiếm được, chớ bề bộn thì ai cũng lấy được bán cho ai.
Ly lại hỏi:
- Bộ không có ai đi lấy cả sao?
Con Bê bĩu môi:
- Hiếm giống gì. Cả trăm người. Có
nhiều chỗ ngon, mấy cha nội giành hết, cho cả tụi du đãng giành độc quyền nữa.
Sức mấy nhỏ nhỏ như mình rớ vô. Tụi mình chỉ đi tìm ở chỗ đống bị cháy nhiều
thôi.
Ly lo lắng:
- Liệu có kiếm được một thùng giấy nầy
không mậy?
Con Bê chắc chắn:
- Dư sức.
Ly an tâm. Nó tưởng tượng khi lượm
được những thùng đầy bánh, nó đem về cho mẹ bán. Nếu mẹ không bán nó sẽ bán lại
cho má con Bê, lấy tiền trả tiền học, còn thừa mua ô mai, để má khỏi cực. Lòng
sướng ra. Ly thoăn thoắt đi theo con Bê. Hai đứa đã ra khỏi ngã Tư xa lộ. Đường
rộng thênh thang, trơn trợt, dài xa ngút mắt. Mưa nhỏ hạt. Con Bê cắm cúi đi
không nói. Ly cứ nhướng mắt ra phía trước để xem có dấu hiệu gì không. Qua khỏi
cầu, một bên là bờ ruộng, một bên là bãi đất trống. Ly chỉ vài đống rác cao như
núi hỏi Bê:
- Có phải kia không?
Bê lắc đầu:
- Không phải đâu, đó là rác Sài Gòn.
- Nhưng sao cũng có người lượm đồ?
- Ừa, những người đó họ lượm mảnh
chai, đồ đồng, đồ sắt hư. Đằng kia mới là chỗ tụi mình mót đồ hộp, đó đó, đàng
chỗ khói lên đen thui đó.
Ly nhướng mắt. Không xa, sâu vào
trong, từng đụn đen cao như những quả đồi con. Trên đó, khói bốc mù mịt. Khói
nặng nề không vượt được những giọt mưa. Không có lửa. Con Bê nói:
- Chút nữa, tao đi đâu mi theo đó
nghe. Thấy cái gì không phải đồ hộp đừng có đem về. Rủi gặp lựu đạn hắn nổ
chết.
Ly kinh hãi hỏi tới:
- Có cả lựu đạn nữa hả? Đạn có nhiều
không?
- Không hề chi. Mình đừng đập nó ra,
hoặc làm rớt thì đâu có nổ.
- Dẫm lên nó có nổ không?
Con Bê ngần ngừ:
- Người lớn chớ mình con nít nhẹ phỡn,
đạp không hề chi đâu.
Đến nơi, Ly thấy từ trên cao đã có
nhiều người tay cầm que, tay xách thùng, mũi bịt bằng khăn xới xới đống đồ hộp
cháy đen. Con Bê đứng cạnh nhắc:
- Lấy bao ni lông bịt mũi đi.
- Á, đừng qua đống đó. Qua đống nầy
nè, con mụ kia hắn hỗn lắm. Hắn chửi cho mà biết.
- Thôi mi đi trước đi.
- Đây, đi theo tao.
Ly leo một cách khó khăn lên đồi làm
bằng hộp. Những cái hộp đen thui, cháy dở nhớp nháp lăn tròn dưới chân. Một đám
tro bốc lên. Dù bịt mũi, Ly cũng bị sặc. Con Bê có vẻ kỳ cựu. Tay cầm thùng,
tay cầm que nó thọc sâu xuống phía dưới rồi lại nạy trở lên, vài cái hộp còn
nguyên, lồ lộ. Nó lượm thoăn thoắt. Ly cũng bắt chước nhưng chưa được cái nào.
Chỗ Ly đứng cháy thui. Con Bê nói to trong gió:
- Đi xuống mé phía bên kia một chút.
Hai phút sau con Bê nghe tiếng Ly la
to mừng rỡ:
- Trời ơi, bên ni còn nguyên. Bê ơi!
Tao lượm được nhiều hộp mới quá.
Con Bê tất tả chạy sang. Nó làm rớt
cái que sắt. Cái que lăn tròn dưới chân. Con Bê buột miệng chửi đổng cúi xuống
chạy vội vàng. Khi cái que vừa ở tầm tay, con Bê bỗng nghe một tiếng nổ lớn.
Cái que hụt khỏi tay. Những cái lon từ phía sau, phía trước tung lên trời. Bên
tai còn nghe một tiếng thét như xé. Cả một ngọn đồi đồ hộp tung tóe. Con Bê
không biết gì nữa.
*
Đến cuối mùa mưa con Bê mới đi học trở
lại. Ngôi trường xóm nhỏ vẫn còn một khoảng sân ướt bùn nhèm nhẹp. Tay trái
quấn băng trắng treo ngang bằng sợi dây băng quàng qua cổ. tay phải ôm cặp. Con
Bê rụt rè bước qua ngưỡng cửa lớp.
- A, con Bê đi học lại rồi.
- Mi khỏe rồi hả Bê?
- Hồi bị đạn nổ mi có thấy gì không?
Những câu hỏi tới tấp bao quanh con
Bê. Con Bê ngơ ngác nhìn. Cũng lớp học đó. Cũng bạn bè đó. Cũng bàn ghế đó.
Nhưng sau tai nạn nó thấy xa lạ vô cùng. Hình như có cái gì không an trong lòng.
Tự trái tim nhỏ bé đưa ra một cơn co thắt đau đớn, cơn đau chưa bao giờ bắt gặp
kể cả 3 tháng nằm trên giường bệnh. Bây giờ, đối diện bạn bè, ngồi trong lớp
học, niềm đau mới vỡ, nhói buốt mới lên. Con Bê tự nó không phân tích được
mình. Tuổi ngây thơ chợt lớn lên bàng hoàng. Ly, mầy chết đi, có phải tại tao
không? Mặc cảm vụng dại lại đè nặng tâm hồn nhỏ bé như vết mực trên tờ giấy
thấm. Tiếng con Ly một đêm mát nước nào đó ở ngoài hẻm còn vang vọng. Con Ly
cần tiền đi học. Con Ly muốn đi học. Và bây giờ con Ly vĩnh viễn không bao giờ
đi học được nữa. Không bao giờ có mặt ở lớp học dù đã một lần chối từ mà nó vẫn
còn hy vọng.
Lớp học im bặt thình lình, cô giáo đã
đến. Cô nghiêm khắc nhìn con Bê. Rồi một thoáng, mắt cô dịu lại. Cô đi xuống
chỗ nó ngồi.
- Em đi học rồi. Có viết được không?
- Dạ thưa được.
Bê cúi gằm mặt xuống. Nó sợ nhìn vào
mắt cô giáo, sợ cô hỏi nó một câu thôi, nó muốn cô trở về chỗ ngồi, nó chờ đợi,
nhưng câu hỏi cũng đến như một cơn lốc:
- Tại sao hai em, em và Ly lại rủ nhau
đi làm chuyện đó?
Con Bê không trả lời. Nó biết trả lời
sao bây giờ. Cô giáo hỏi tiếp:
- Trò Ly rủ trò đi có phải không?
Cô đi lên trên bục. Cô bắt đầu nói. Cô
đưa trường hợp điển hình hai đứa ra để khuyên răn học trò. Cô kết luận:
- Hễ các em rời mái học đường là các
em không được dẫn dắt tận tình. Xã hội sẽ lôi kéo các em làm điều bậy. Và hậu
quả như các em thấy đó…
Bê không định được câu nói của cô là
sai lầm hoàn toàn. Nhưng chắc chắn con Ly không vì vậy, không vì nó không được
học mà phải làm bậy. Điều chính yếu là con Ly đã vì muốn trở về lớp học, muốn
được cắp sách đến trường mà phải mang số mệnh thảm khốc đó. Nhưng con Bê làm
sao nói cho cô giáo hiểu, cho bạn bè hiểu. Làm sao đây, khi câu chuyện giữa hai
đứa là một câu chuyện được giữ kín giữa hai đứa trẻ, được tâm sự trong đêm tối
trời, trong con ngõ vắng sau cơn mưa mà chứng nhân thứ ba là một đứa bé còn
ngọng nghịu mải ăn bánh.
KIM
HÀI
(Sóng Vàng)
(Trích
từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 131, ra ngày 15-6-1970)