CHƯƠNG NĂM
Mười
tám ngọn nến được thắp sáng lên. Ánh lửa hiền dịu lung linh.
Tiếng sáp gặp nóng kêu lách tách như những lời hân hoan. Đông
Hà nhắm mắt lại, trí tưởng tượng làm tâm hồn xao động. Những
giấc mơ hãi hùng trở về. Kỷ niệm lóng lánh như sương, mịt mờ
như khói. Nỗi chết, niềm thống khổ làm Đông Hà tưởng như đang
sống trong một tuổi nhỏ ngậm ngùi.
- Đông Hà, tới đây con!
Tiếng gọi sau lưng, nhẹ và ấm áp, làm Đông Hà mở mắt. Rồi quay lại, Đông Hà bước vài bước, đến bên giường. Trên đó ba đang ngồi, như bao ngày vẫn ngồi. Gương mặt ba bình thản và thoải mái. Có phải ba bằng xương bằng thịt đây không? Đông Hà còn bàng hoàng. Nhưng sự thật là ba vẫn còn sống với con. Ba vẫn còn là một thực thể. Đông Hà ngồi xuống chiếc ghế nhỏ, chiếc ghế mặc nhiên đã là của mình rồi. Ba mỉm cười, hỏi:
- Con không đợi Đơn sao?
- Đơn sắp đến. Con thắp đèn trước. Đơn không bao giờ trễ hẹn. Các bạn con cũng sắp đến.
- Con nghĩ gì mà hồi nãy ngồi thừ người ra vậy?
Đông Hà chớp mắt:
- Dạ… không. Con đang nóng lòng chờ món quà của ba.
- À ra vậy. Quà của ba đây!
Ba vói mở hộc bàn lấy ra một gói nhỏ, dẹp, đưa cho Đông Hà. Đông Hà cầm lấy, tay run run và nghe lòng hồi hộp lạ kỳ.
- Con mở ra bây giờ nghen ba!
- Ừ, tùy con.
Đông Hà tháo lớp giấy gói bên ngoài. Quà của ba cho con là đây: quyển nhật ký quen thuộc của ba. Viên đạn đêm đó đã xuyên thủng mấy trăm trang giấy, làm một dấu tích kỳ lạ. Đông Hà ôm quyển nhật ký vào lòng. Tự nhiên nước mắt ứa ra. Không còn gì để đo lường niềm sung sướng của ta trong lúc này nữa đâu! Đông Hà muốn ôm lấy ba, khóc òa lên, hay hét to lên để cho ba thấy nỗi tuyệt vọng đã đột biến thành nỗi hân hoan, và những giấc mơ quái đản đã được thay bằng khúc hát ngọt ngào. Nhưng Đông Hà ngồi yên ở đó. Thôi, hãy để cho hạnh phúc ngấm dần vào từng thớ thịt, từng lóng xương, đến tận cùng của cảm giác. Ba vẫn còn đó, là còn tất cả. Lòng ba đã muốn vậy. Không cần đến phép tiên. Không cần ai khuyên bảo.
Ba nói, như một lời giới thiệu:
- Đây là quyển nhật ký của ba. Gọi là nhật ký, nhưng ba viết không liên tục. Ba chỉ viết khi nào đầu óc ba tràn đặc những ý nghĩ mà không biết nói với ai.
Ba ngừng một lát, rồi giọng ba hơi cao lên:
- Từ nay ba không viết nữa. Vì ba đã có Đông Hà, để cho ba nói chuyện, kể lể những điều mà ba nghĩ, phải không con?
Đông Hà gật đầu. Ba ôm trán như muốn đuổi hết những ý tưởng muộn phiền đi…
- Vả lại, trong quyển nhật ký này, hầu như ba chỉ viết quanh quẩn một ý nghĩ…
- Ý nghĩ tự diệt?
Ba giật mình:
- Con đã biết?
- Dạ. Con đọc gần hết những trang sách. Con sợ hãi quá! Lúc nào con cũng bị ám ảnh cái ngày ba chết. Con tìm hết cách để ngăn cản ba một cách âm thầm.
- Nhưng con không ngờ là ba còn một khẩu súng?
Đông Hà cúi đầu. Nếu đêm đó, viên đạn không phải xoi lủng những trang giấy mà là giúp ba thực hiện sự chấm dứt một đời ...? Ngay lúc ba mở cửa ra, ba gọi Đông Hà một cách hoảng hốt, Đông Hà vẫn không tin là có ba trước mặt. Nỗi kinh hoàng làm Đông Hà quỵ ngã trên ngưỡng cửa, không dậy nổi. Nghe ba gọi như nghe tiếng thinh không xa lắc. Ngỡ ba đã tan thành nước, đã loãng thành mây. Ba cầm một khẩu súng nhỏ. Khẩu súng ấy ba được quyền cất giấu để tự vệ, nhưng có bao giờ Đông Hà nghĩ đến?
Ba nói, giọng xúc động:
- Ba còn một viên đạn chót trong khẩu súng này. Ba cất súng thật kỹ dưới gối. Thật không ngờ là ròng rã mấy năm nay ba có ý nghĩ để dành viên đạn cuối đó để chấm dứt cuộc đời buồn thảm của ba. Bây giờ ba mới cảm thấy ghê sợ nếu một ngày nào ba tự ý bỏ con mà đi. Ba đã thấy rồi, mười tám tuổi, chưa phải là con đã khôn lớn. Con có đầy đủ can đảm, nghị lực và tình cảm để sống, nhưng không có nghĩa là ba có quyền bỏ mặc con một mình, chống chọi một mình.
Đông Hà nghẹn ngào:
- Con sẽ ngã xuống nếu không có ba.
Đông Hà run run vuốt trên bàn tay khô cằn của ba. Ba yêu mến! Chỉ có lòng ba mới quyết định kéo dài thêm cuộc đời vì con.
Ba nói tiếp:
- Trước cái đêm mà con tổ chức buổi văn nghệ một hôm, ba vẫn còn mang ý định của ba. Dì Niệm đến thăm ba lần cuối trước khi ra Trung. Hai người bạn già nói chuyện với nhau thật ít. Dì Niệm có nhắc đến những trường hợp hủy mình, nhưng ba chứng tỏ cho dì Niệm thấy rằng ba đang rất yêu đời, rất ham sống. Rồi thôi, dì Niệm từ giã ba. Ba biết người phụ nữ ấy là một người rất đáng quý, chấp nhận một cuộc sống vị tha, rộng rãi và thanh khiết. Mãi mãi hình ảnh của dì Niệm sẽ không mờ nhạt trong lòng ba.
Ba nhìn Đông Hà, mỉm cười, hỏi:
- Con có cho phép không, Đông Hà?
Ba quả thật là trịnh trọng khi nói đến tình cảm. Đông Hà gật đầu, và nghĩ đến hình ảnh một dì Niệm giờ đây đang tiếp tục sống với cái lý tưởng cao đẹp của một người đàn bà nhân ái, bao dung.
Ba nói thật trầm:
- Nhưng Đông Hà, con có biết vì sao ba quyết định gạt bỏ ý muốn tự diệt của ba không? Dì Niệm đi rồi, ba trở lại với con người khắc khoải của ba. Nhưng cùng hôm đó, Đơn đã tới đây. Sự hiện diện của Đơn làm ba giật mình nghĩ đến một điều…
Đông Hà ngạc nhiên:
- Đơn đến đây gặp ba? Ba nghĩ điều gì?
- Tình yêu. Không phải của ba, của mẹ con hay của dì Niệm. Không phải của những người già. Mà là của bọn trẻ, của con.
Đông Hà mở to hai mắt nhìn ba như vừa nghe thấy một điều kỳ lạ. Tình yêu! Tình yêu là gì? Ba thấy gì ở Đơn, ở con?
Ba nhìn thẳng vào hai vì sao đó, nói thật hân hoan:
- Đơn chỉ đến thăm ba, tự giới thiệu, và nói nhiều về con. Ba đã sống qua thời trai trẻ, nên ba hiểu rõ tâm trạng của Đơn. Và… cái đêm văn nghệ đó, ba nhìn theo con và Đơn, ở đàng xa, hai đứa đi với nhau về phía ngọn lửa hồng, ba xúc động quá đỗi. Ba muốn sống để thấy tình cảm của con biến thiên. Cái điều quan trọng mà những người lớn lại thường vô tình không nghĩ đến, là tình cảm của bọn trẻ. Tình yêu đã làm ba ray rứt cả đời, thì thật vô lý khi ba không chia xẻ với con nếu con gặp được một tấm lòng chân thật, hay nếu con đau đớn vì va chạm với sự man trá.
Đông Hà rưng rưng muốn khóc. Ba đã thấy trước những điều mà ta chưa thấy. Đông Hà chỉ xao xuyến một chút mỗi khi tưởng tượng có Đơn trước mặt, đang giở kính ra nhìn mình bằng đôi mắt thương mến, mỗi khi thấy Đơn đứng chờ dưới cây Còng bé nhất, mỗi khi Đơn an ủi, lo lắng. Chưa cảm thấy gì hết. Tình yêu… là thế nào? Là như thế chăng? Nhẹ nhàng như một đám mây trắng? Bàng bạc như tơ, như khói thuốc? Hay sẽ dữ dội như một đám cháy rừng? Tình yêu là gì? Làm cho lòng người thoải mái, hân hoan, thanh khiết, cao thượng hay khiến cho ta đau khổ, thất vọng, xấu xa, ích kỷ?... Nhưng ba đã thấy rồi.
- Nghĩ gì đó, Đông Hà?
- Dạ không, … ba nói tiếp đi ba.
- Nói tiếp hở? À… ba nghĩ rằng con, cũng như Đơn, đều còn nhỏ lắm, trẻ lắm. Tình cảm của các con đẹp lắm. Nhưng một bông hoa đẹp cần phải được vun bón. Tình cảm đẹp cần phải được xây dựng trên những căn bản vững vàng. Con biết là gì không? Đó là tình người, là lý tưởng và sự thủy chung.
Len xuất hiện từ cửa sau. Ba nghe động, quay lại rồi nói:
- Len! Cho chú xuống xe giùm một chút.
Len giở tấm chăn, bế ba xuống ngồi vào xe lăn, rồi đắp tấm chăn lên chân ba. Đông Hà rớt nước mắt. Ba đang nối tiếp một cuộc chịu đựng vĩ đại, không có tiếng than, không có tiếng thở dài, mà bằng một nụ cười.
Ba cười thật, và nói với Đông Hà:
- Con thấy không? Len nó làm được những việc mà một đứa con gái như con không thể làm. Con hãy gắng học hành, giúp đỡ cậu mợ và mai sau đền ơn cậu mợ bằng cách nuôi dạy hai em của con.
Đông Hà đẩy xe đến gần cửa sổ. Buổi sáng ở khu trại êm đềm vô hạn. Bên kia đường, một người đàn bà trẻ đang đẩy xe cho chồng. Ba nói thật bùi ngùi:
- Những người tàn phế có một điều đau khổ lớn nhất, đó là trước tiên họ đánh mất hình ảnh của chính họ. Nhưng họ sống được là nhờ những niềm an ủi xung quanh. Người kia sống được là vì có vợ anh bên cạnh. Còn ba, ba không còn cần thiết hạnh phúc của ba nữa. Ba sống vì hình ảnh của con, vì sự thanh khiết của một tuổi trẻ, của một tình yêu. Ba đang cảm thấy là ba chưa già. Ba còn nhiều ước nguyện lắm. Sau này, khi Đông Hà thành đạt theo như ba mong muốn, cha con ta sẽ về thăm quê ba. Con biết nơi nào không? Đông Hà. Ừ , nơi đó cũng mang tên Đông Hà như con. Ba sẽ dẫn con đến ngôi trường mà ba học lúc còn để chỏm. Ba sẽ chỉ cho con thấy căn nhà của ông bà nội. Còn nữa, Đông Hà! Có một khúc sông rất êm đềm, con ra đó, sẽ thấy cả một thời thơ ấu của ba. Chưa hết, khi về quê, con phải tập nói cho quen giọng địa phương. “Con trâu” thì nói là “côn tru”, “ông Lý Toét” thì nói là “ôn Lý Tuết”, nghen Đông Hà!....
Ba nói không biết mệt, nói say sưa như một văn sĩ. Nắng xuống chan hòa trước mái hiên. Đông Hà hình dung thấy trước mặt một chiếc tàu hỏa, thấy mình đi qua những rừng dừa, những rừng cau, những đồng lúa xanh ngợp mắt. Và ở một con suối, hay ở một khúc sông, hai cha con dừng lại. Mặc cho tàu hỏa chạy đi, sẽ có chuyến khác đến đón, ba dẫn Đông Hà băng qua dòng nước. Nước xô đẩy những chướng ngại vật. Nhưng ba đã qua được bên kia bờ.
Tân Định, Sài Gòn 18-7-1974
Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh