Thứ Năm, 13 tháng 4, 2017

Con Sư Tử



Sư Tử đực
Mỗi khi nhắc đến danh từ “chúa sơn lâm”, chúng ta lại liên tưởng ngay tới hổ hoặc sư tử, vì đây quả là những con vật xứng đáng mang danh hiệu độc tôn. Người ta nhận thấy rằng dường như tạo hóa ban cho hai loài này từng vùng sinh sống thích hợp nhưng riêng biệt để chia nhau nắm giữ vai trò bá chủ bao đám thú rừng : Á Châu dành cho hổ, còn Âu và đặc biệt Phi Châu mới là đất dụng võ muôn đời của sư tử. Thật thế, nếu người đông phương nhắc nhở rất nhiều về hổ trong văn chương, thi ca, nghệ thuật – đôi khi cả tín ngưỡng nữa – thì ở tây phương, hình dáng sư tử thường được tượng trưng cho sự khôn ngoan, sức mạnh cùng quyền lực vô song.

Theo các nhà cổ sinh vật học thì ngay từ trước thời hồng tích kỷ (Pleistocene), cách đây mười sáu triệu năm tức thời tiệm tân kỷ (Oligocene), sư tử hiện diện nhiều vô số kể tại Âu Châu, nhưng dần dần bị con người giết hại, xua đuổi nên đã phải bỏ chạy giạt xuống miền Nam rồi tụ tập đông đảo tại Phi Châu. Từ đây, một số lan sang hướng đông, băng Tiểu Á, qua Ba Tư, A Phú Hãn để ngừng lại trong vùng Tây Bắc Ấn Độ (thuộc tiểu bang Kathiawar và Gujarat). Hiện nay, sư tử còn rất ít và chỉ sống tại Phi Châu, rừng Gir bên Ấn Độ mà thôi.

VÓC DÁNG SƯ TỬ

Với tên khoa học Panthera Leo sư tử oai hùng dũng mãnh ghê gớm chẳng thua gì loài hổ, tuy nhiên thân hình chúng ngắn, thon thon và thấp hơn nhiều. Trung bình, sư tử nặng ngoài hai trăm kilo, cao quãng thước hai, đo khoảng hai thước bẩy tới ngót ba thước kể từ mõm đến tận chùm lông đen ở chót đuôi. Đặc biệt năm 1928, người ta hạ được lần đầu tiên và duy nhất một chú sư tử nọ dài ba thước tám, cao thước rưỡi, nặng gần ba trăm kilo.

Tuy là một trong những con thú vật thuộc loài mèo (Felidae), thế nhưng chỉ sư tử cái mới có dáng dấp y hệt hổ, beo, báo… mà thôi, còn sư tử đực lại chẳng giống chút nào. Quả vậy, sở dĩ “anh chàng” trông thật oai phong lẫm liệt cũng chỉ vì chiếc đầu đồ sộ mang chùm lông rậm, dài mọc dựng đứng che kín đôi tai cùng hai bên má đoạn chẩy xuống lòa xòa gần sát chân làm tăng vẻ uy nghi hách dịch hơn thực lực nhiều lắm. Chùm lông này, mầu nhạt hoặc sậm đôi khi pha đen, ngoài tính cách trang điểm cho bộ điệu thêm hung dữ còn là phần đệm khiến sư tử chịu đựng nổi bao cú đá nguy hiểm của đối phương hòng lừa miếng quật lại những đòn vũ bão giết chết địch thủ. Chỉ khi nào đủ hai tuổi trở đi, sư tử đực mới bắt đầu có chùm lông này, để rồi theo với thời gian, lông đó mọc đầy lên, dài ra và sậm hơn so với lớp lông mao ngắn, bao phủ toàn thân chỉ là màu vàng nghệ hoặc pha xám như đất cát.

Sư Tử cái
Ngoài cặp mắt không lớn lắm nhưng đủ để có thể nhìn thấy thật tinh, sư tử đánh hơi tài tình vì mũi lớn lại thêm đôi tai to, vành tròn chứ không nhọn, luôn luôn vểnh lên nghe ngóng động tĩnh, thành thử dù con mồi còn ở mãi tít đằng xa, sư tử đã chuẩn bị tấn công kịp thời nên ít khi trật lắm. Điều đáng sợ là sư tử có ba chục chiếc răng nhọn hoắt dành vào nhiều việc. Bốn chiếc nanh dài chỉ để cắn chết ngoạm về rồi xé tan nát xác địch thủ, bốn răng kế tiếp chuyên cắt đứt xương thịt thành những mảnh nhỏ, số răng còn lại không dùng nghiền nát thức ăn nhưng là phương tiện đưa đẩy từng khẩu phần vào cuống họng trước khi nuốt chửng, vì sư tử không nhai bao giờ.

ĐỜI SỐNG SƯ TỬ

Trái hẳn với loài hổ ưa sống cô độc, sư tử thích quay quần thành từng nhóm từ hai chục đến bốn mươi con mỗi bầy. Chúng không có đầu đàn mà do ba, bốn con đực già cùng nhau bảo vệ đám sư tử cái cùng đàn con. Một điểm đáng chú ý là sư tử chung bầy luôn “trên thuận dưới hòa”. Người ta vẫn bắt gặp chúng đùa rỡn như : Liếm mặt, cắn dữ hay vật lộn vậy mà tuyệt nhiên chưa hề “nặng chân nặng tay” thật sự với nhau bao giờ. Chỉ riêng những con lạc đàn mới khó lòng được chấp nhận tới sinh sống trong khu vực do một bầy khác chiếm ngự mà thôi.

Tùy theo số lượng con mồi, chu vi cư ngụ của một bầy sư tử có thể rộng từ mười lăm cho tới hàng trăm dặm vuông. Giống như hổ, mỗi khi tiểu tiện, sư tử cũng tiết ra chất dầu riêng để đánh dấu biên giới lãnh vực. Thú vật nào – kể cả người – liều lĩnh, dám to gan “xâm phạm gia cư bất hợp pháp” đều bị sư tử trừng trị thẳng tay. Bình thường sư tử gầm gừ hoặc rít như chó hay phát ra những tiếng ho, nhưng khi chúng rống lên chát chúa, mà từ xa mấy cây số đã nghe thấy là phải coi chừng : Sư tử tỏ thái độ hăm dọa, phản đối đấy. Tiếng rống đó thật ghê rợn khiến ngay những con đồng loại hoặc thú vật khác hay bất cứ ai chưa quen với rừng đều kinh hồn khiếp vía.

Mùa thai nghén của sư tử bất định. Chừng một hai tuổi, sư tử cái đã đủ khả năng gieo giống để ba tháng rưỡi sau đó sẽ sinh được ba, bốn – đôi khi năm, sáu – đứa con to bằng chú chó lớn. Lọt lòng mẹ, sư tử con nặng chừng mươi, mười lăm kilô, màu vàng nhạt điểm nhiều đốm đen (những đốm đó biến mất khi chúng trưởng thành). Vào tháng thứ tư, chúng thôi bú mẹ và sửa soạn làm quen với thịt con mồi đã được cắn sẵn thành từng miếng nhỏ do mẹ chúng tha đến. Hầu như sư tử cái rất vụng về trên bổn phạn làm mẹ. Nhiều khi mẹ bỏ đàn con dại để đi kiếm ăn một vài ngày mới về thành thử chúng trở nên mồi ngon cho beo, báo, hổ, lợn lòi, chó sói và ngay cả sư tử khác nữa. Đã thế, gặp buổi săn khó khăn, sư tử cái chỉ lo cho thân mẹ chứ ít nghĩ tới lũ con, nhờ vậy số sinh thì nhiều mà số dưỡng lại chả là bao, âu cũng là điều may cho loài người. Quả thật sư tử cái “đoảng vị” lắm nên chẳng đáng mang thiên chức làm mẹ chút nào, bạn đồng ý chứ?

Độ một hai tuổi, sư tử con, nhất là sư tử đực, đều phải tách rời khỏi bầy để tự đi kiếm ăn lấy. Từ đây chúng xa hẳn mẹ và sinh sống ở một nơi khác. Nếu sau này đủ khôn ngoan, sức khỏe dồi dào, chúng sẽ đánh gục những con sư tử già của bầy nào đó hầu trở thành “người nhà” của bầy này nếu thắng cuộc.

Tuổi thọ của sư tử chỉ tối đa là ba chục năm thôi.

CÁCH THỨC SĂN MỒI

Rừng thưa, đồng cỏ với những cây cao mà phải lại gần sông, ngòi, khe, lạch, con suối chính là địa điểm hoạt động lý tưởng của sư tử. Vốn tinh khôn, chúng thừa biết thú vật hay lần mò tìm chỗ uống nước nên chia nhau rình rập chung quanh để kiếm ăn. Rất đoàn kết lại hay nhường nhịn, sư tử kéo cả bầy đi săn từ lúc mặt trời lặn trở đi cho tới sáng, còn ban ngày chúng chui vào bụi bờ hoặc vắt vẻo trên cành cây ngủ li bì tới chiều tối cho lại sức chứ ít khi xuất hiện lắm. Hươu cao cổ, ngựa vằn, nai, mãng, lợn lòi, linh dương, trâu bò rừng, đà điểu… là “món” sư tử khoái nhất. Khốn nỗi lũ này luôn luôn lẩn trốn làm sư tử chật vật nhiều khi phải đi xa tổ ấm hàng dặm mới gặp bữa no nê. Kẹt quá, sư tử đành bắt tạm sóc, thỏ, chồn, chuột, khỉ… hay bơi theo dòng nước lùng tìm cá, ba ba, ếch, cóc, nhái ăn đỡ.

Thấy bóng dáng con mồi, lập tức sư tử tản mác ẩn núp thật kín đáo bằng cách thụp sát mình xuống đất lẫn trong cỏ hoặc leo lên cây hay bờ dốc gần các đường mòn. Chúng yên lặng chờ đợi và chỉ để một con nhẩy xổ ra đi lùa “bọn kia” tới dịa điểm phục kích. Bạn hãy nhớ rằng đêm tối càng âm u, hai mắt sư tử càng nhìn rõ và sáng quắc như lân tinh theo dõi chặt chẽ từng cử chỉ địch thủ. Hốt hoảng vì bị đuổi gấp quá, bầy thú tới số kia chạy cuống cuồng nên vô tình lao đầu vào chỗ chết thành thử đành bỏ xác tại trận khi quân mai phục bất thần từ chung quanh ùa ra tấn công tới tấp. Với khả năng nhẩy cao tới bốn năm thước dễ như bỡn nhờ bắp thịt vai đùi và đuôi rắn chắc, sư tử phóng lên lưng địch thủ đoạn vít đầu “nó” xuống để cắn chết. Qua lối đánh “cạnh sườn” tài tình nầy hầu như chưa một con thú nào hy vọng thoát khỏi nanh vuốt sư tử nếu chỉ cách nhau trong vòng hai chục thước trở lại.

Chợp được mồi, sư tử không ăn ngay tại chỗ nhưng ngoạm chặt rồi tha đi hàng dặm đường. Một con ngựa vằn nặng tới sáu trăm cân Anh phải cần tới sáu người dân bản xứ (Phi Châu) mới khiêng nổi, thế mà chú sư tử kia kéo đi phăng phăng từ một nơi cách đó hơn cây số về cho cả bầy cùng ăn thì đủ biết bắp thịt hàm và cổ nó khỏe biết chừng nào. Thường thường mỗi bữa sư tử đực “nuốt” trôi bẩy mươi lăm cân thịt mới đủ, tuy vậy những cuộc “loạn đả vì miếng ăn” chưa hề thấy giữa các con trong một bầy, mà trái lại tất cả cùng xúm vào chia nhau con mồi. Ăn xong, bầu đoàn thê tử lục đục kéo nhau xuống suối uống nước và uống thật nhiều để rồi trở về tổ ngủ kỹ.

Sư tử mắc phải nhược điểm là tuy khỏe nhưng kém dai sức lại chạy chậm. Tốc độ tối đa cũng chỉ tới ba chục dặm là cùng, vì thế, chúng thường thành công trong lúc đi săn nhờ yếu tố bất ngờ mà thôi.

SƯ TỬ VÀ CON NGƯỜI

Dù dữ dằn thế nào đi nữa, sư tử vẫn e dè kiêng nể con người. Chúng thường lẩn tránh chúng ta, trừ khi bị săn đuổi gấp quá mới có phản ứng tự vệ rất khốc liệt. Nói như thế không có nghĩa là nó chê thịt người đâu. Năm 1880, khi thiết lập đường xe lửa tại Kenya (Phi Châu), chừng một trăm công nhân táng trong bụng sư tử, và hiện tại số thổ dân bị sư tử vồ cũng chẳng ít ỏi gì : sơ sơ chừng năm mười mạng mỗi năm.

Xưa kia, đức vua Rames đệ nhị Ai cập đưa sư tử đã được huấn luyện thuần thục làm “hộ vệ viên” lúc lâm trận. Năm 630 (trước Thiên Chúa giáng sinh), hoàng đế Athur-bamipal xứ Yria (1) dùng mười lăm con sư tử đực để kéo xe thay cho ngựa. Ngày nay, Quốc Vương Ethiopie (2) nuôi sư tử trong lâu đài để canh giữ nhà cửa. Ngoài ra, những con sư tử trong gánh xiếc đều được bắt về dạy dỗ từ khi một hai tuổi, chứ già hơn rất khó thành công. Tuy nhiên, người ta ghi nhận rằng vốn là thú rừng nên sư tử vẫn mang bản tính hoang dã, vì thế lúc nào cũng phải đề phòng cẩn thận, bằng chứng là đã có nhiều huấn luyện viên bị sư tử cắn chết sau bao năm “chung sống”. Tốt hơn hết chớ nuôi loài này để tránh chuyện không may.

Trước đây, sư tử bị giết hại bừa bãi, nhất là thổ dân Phi Châu thường dùng cung tên giáo mác tẩm thuốc độc để hạ loài này hầu lấy thịt làm thực phẩm và da bọc mộc, khiên. Hiện nay sư tử được bảo vệ rất gắt.


ĐẶNG HOÀNG   

_________

1) Đế quc ngày xưa nằm ở phía nam Thổ Nhĩ Kỳ và phía Bắc bán đảo Á rập

2) Quốc gia ở Đông Nam Soudan bên bờ Hồng Hải (Phi Châu)


(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 123, ra ngày 1-4-1974)


oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>