Thứ Ba, 25 tháng 4, 2017

Một Nhánh Sông Đời


“Tượng đá ôm con xanh rêu đợi chờ”


Khi Duyên bước vào cổng thì me vẫn còn đứng lặng trên bực thềm. Tay me cầm một mảnh giấy màu xanh. Tờ giấy, không, một bức điện tín, đã lấm tấm những giọt mưa thật nhỏ. Có lẽ me đứng im như vậy được vài phút rồi. Duyên đi vào như tiếng chuông đồng hồ đánh thức người mê ngủ. Me chuyển động cả người. Mắt me long lanh. Giọng nói đặc sệt niềm vui.

- Duyên ơi, ba con sắp được về. May quá. Ba con được phép đến 15 ngày.

Duyên cũng dừng chân dưới mái hiên. Mưa lất phất đẹp như bức mành mành bằng tơ trắng nõn. Ba sắp được về phép. Duyên nhìn me. Tiếng kêu mừng đột ngột vang lên:

- Trời ơi, thật không me? Điện tín của ba phải không me?

Me không nói, chỉ gật đầu. Hai me con lại châu đầu vào nhau đọc những giòng chữ trên tấm giấy xanh. Chiếc cặp sách rơi xuống chân Duyên tự bao giờ. Bàn tay me siết chặt lấy cánh tay Duyên. Duyên biết me mừng đến mức nào.

- Hơn một năm rồi ba mới lại được về phép đó me nhỉ?

Me cải chính rành rọt:

- Một năm ba tháng 21 ngày chứ. Thứ bảy nầy ba con về. Duyên ơi, hôm nay là ngày thứ mấy nhỉ?

- Thứ hai me ạ. Còn thứ ba, thứ tư, thứ năm, thứ sáu, bốn ngày nữa me.

- Những bốn ngày nữa. Trời ơi, me con mình phải làm cái gì để mừng ba chứ.

- Một bữa chả giò thật ngon đi me. Có cua, gà, tôm, thịt, nấm. Ba thích lắm.

Bữa cơm trưa giữa hai me con Duyên chấm dứt thật nhanh. Ai cũng thấy no tràn bụng, không muốn ăn. Cơm như nhạt trong miệng. Duyên thì háo hức quá đi mất. Lần nầy về phép ba sẽ tặng cho Duyên thứ gì đây. Một năm trời không gặp ba. Tết năm rồi nhà Duyên buồn như có đám tang. Ba không về được. Ba kẹt ở chiến trường Dakto. Me mua gởi ba ít lạp xưởng. Duyên làm ruốc bỏ vào túi ny lông cho vào hộp guigoz. Ngần ấy để ba ăn Tết. Đêm giao thừa, hai me con ngồi cạnh nhau. Đèn trong phòng không thắp. Duyên nghe mình thương ba vô hạn. Tiếng me chốc chốc lại thở dài. Duyên có cảm tưởng me đang chảy nước mắt lặng lẽ. Mồng một Tết, rồi mồng hai, mồng ba trôi qua. Sang mồng bốn, hai me con nhận được thư ba từ tiền tuyến gửi về. Thư nhòe nhoẹt bởi nước mưa và vấy bùn. Ba chỉ kể toàn chuyện thường, không vui, không buồn. Ba muốn sự an tâm cho cả nhà. Nhưng ba quên rằng báo chí, phát thanh đã diễn tả tình trạng chiến trường trung thực quá đi mất. Ngày đi, ngày lại. Thư ba lúc nào cũng hẹn sẽ xin phép về thăm gia đình. Mãi đến hôm nay, ba mới trở về thăm nhà.

Me không được ngủ trưa nay. Duyên nằm một chốc cũng không dỗ được giấc ngủ. Duyên lẩn thẩn ra nhà ngoài, chờ giờ đi học. Me đang rút tất cả những tấm màn cửa.

- Me cất đi hả me?

Me không quay lại:

- Không, me giặt sạch và thay màn khác. Ba không thích màu hồng. Ba thích màu xanh cơ.

Duyên nũng nịu:

- Nhưng con thích màu hồng mà me.

Me cười thật tươi:

- Tới đây me nói nhỏ cho biết tại sao… tại tuần nầy là tuần lễ của ba mà.

- A, thế me về phe ba rồi.

- Thế Duyên về phe ai nào…

Duyên hấp tấp:

- Con về phe ba.

- Như vậy là con cũng về phe với me rồi. Vì me cũng về phe với ba mà…

Duyên cười trừ chịu thua.

- Me lại dùng ông Socrat vào lý luận rồi đấy nhé.

Me đã giặt xong tất cả màn và đang treo lên những tấm màn cửa màu xanh dịu. Thế này thì lạnh chết được. Mùa mưa mà ba lại ưa màu xanh. Duyên cười một mình với ý nghĩ ba quê quá. Không hiểu đến khi ba già ba còn thích màu xanh không nhỉ? Bây giờ ba me còn trẻ quá. Tụi bạn học vẫn nói với Duyên như vậy. Chúng cứ thì thầm mỗi lần lại nhà Duyên chơi. Gặp ba, nhất là gặp me, chúng bấm nhau phê bình khẽ là me Duyên có ngày lại trẻ hơn Duyên cho mà xem. Duyên hãnh diện lắm thấy me tươi trẻ hoài. Hôm nay, niềm vui đến nhanh và lớn quá làm me trẻ trung ra.

- Chiều nay Duyên đi học chứ?

- Vâng me ạ, chiều nay có hai giờ Việt Văn đầu. Hai giờ sau nghỉ.

Me ngẩng lên:

- Nhớ về sớm đi phố với me nhé.

Duyên ngạc nhiên:

- Đi phố làm gì me? Trời mù lắm.

- Me mua khăn mặt và những đồ lặt vặt để ba về dùng. Ba đi lâu quá nên những thứ ấy cho đi luôn từ lâu rồi.

- Vâng, con sẽ về nhà thật nhanh.

Ngoài vườn, mưa nhỏ lay phay. Lá xanh mướt đầy những chồi non. Những nụ hoa chanh trắng nõn phập phồng lành lạnh. Duyên sửa soạn quần áo, sách vở. Chiếc áo tơi mưa phủ từ đầu đến gót chân. Me kêu lên:

- Sao áo mưa dài quá thế này? Để mai me cắt bớt lên nửa tấc.

Duyên cười bằng lòng rồi thưa me đi học. Từng giọt mưa châm chích hai má. Duyên suýt soa luôn miệng. Ngang qua quán cà phê cô Dung, Duyên lại nhớ đến ba. Có lần ba dắt Duyên vào quán cà phê này. Đầu tiên là để trú một cơn mưa buổi chiều bất chợt. Nhưng những cơn mưa xứ Huế thường kéo dài, quá dài. Ba nẩy ý muốn uống một ly cà phê thơm có tiếng của quán này. Duyên được dùng một ly. Ngồi ngang hàng và hưởng thụ như ba, Duyên thấy mình vĩ đại hẳn lên, mặt nhơn nhơn. Có lẽ lúc ấy nét mặt Duyên tức cười lắm nên ba nheo mắt qua làn khói thuốc bảo:

- Uống ly cà phê ngoài quán là con đã lớn hẳn rồi đấy nhé. Sửa lại nét mặt để ba xem con gái của ba có lịch sự không nào.

Duyên lại càng vênh mặt đòi ba cho hút thuốc nữa.

Ba kêu lên:

- Thôi chứ cô bé, được voi đứng có đòi tiên. Làm những gì mình làm được mà thôi. Để ba cho thêm tí sữa vào ly nhé.

Có thế thôi mà Duyên giận ba. Mặt xịu xuống như màu mây trời mùa Đông. Lúc cơn mưa dứt hột, Duyên ra về không nói gì với ba cả. Lần uống cà phê với ba cũng là lần đi chơi với ba sau cùng. Ba được lịnh nhập ngũ. Ba đi mãi, ngược xuôi khắp chiến trường. Duyên chỉ còn gặp ba qua những cánh thư kể chuyện hằng tháng gửi về từ một nơi nào đó xa xôi.

Ba luôn luôn khuyên Duyên chăm học. Những ngày còn ở nhà, chưa bao giờ ba khuyên Duyên tha thiết như trong những bức thư gửi cho me và Duyên. Một bức thư ba đùa là Duyên cần gắng học để giúp đỡ me rủi khi ba có điều gì. Me giận ba ghê lắm về câu viết ấy. Riêng Duyên, Duyên không linh cảm thấy chuyện gì cả. Duyên vẫn chăm học đều đặn. Hằng ngày, mấy nhịp cầu vẫn in bước chân Duyên qua lại. Ngôi trường có nhiều cây cổ thụ cao chót vót vẫn là nơi thân yêu của Duyên nhất, sau gia đình. Duyên nhìn xuống giòng nước ngầu đục mùa mưa. Nước lên cao từ từ. Gió bốc lạnh se da. Bèo tây nổi trôi vương vấn dưới chân cầu, trổ hoa tím ngát như màu áo mốt mới của các cô gái Huế năm nay. Duyên nhớ đến chiếc khăn choàng màu tím đậm, nhớ đến số tiền dành dụm trong ngăn kéo bàn học, ép ở lòng mấy cuốn sách. Số tiền ấy đủ để mua tặng ba chiếc khăn choàng cổ tuyệt đẹp ấy. Duyên định bụng là bắt me phải diện cho ba đúng mốt thời trang mới được. Nhất là năm nay hình như lạnh hơn năm ngoái. Khăn choàng cổ thực dụng nhất.

- Duyên ơi, trễ giờ rồi. Lên đây tao chở tới trường cho.

Duyên mừng rỡ:

- Làm tao hết hồn. May quá. Sao hôm nay mày đi xe đạp? Trời gió quá mà.

Duyên leo lên yên sau xe đạp. Chiếc xe chậm chạp tiếp tục ngược gió. Tiếng Duyên như bay vụt ra đằng sau. Duyên nói to:

- Sao hôm nay mi đi xe đạp, Hương?

- Trễ rồi, đi cũng được chớ răng.

Duyên báo cho bạn biết tin mừng đầu tiên:

- Ba tao được về phép Hương ơi. Về mười lăm ngày luôn.

- Rứa hả?

Giọng Hương bình thường, không có chút ngạc nhiên nào như Duyên mong đợi. Duyên gợi lại:

- Thứ bảy tới ba tao về.

- Ờ, đi lính lâu lâu về phép cũng vui hỉ.

“Cái con này chán mớ đời” Duyên nhủ thầm trong bụng.

- Nhưng ba tao cả năm nay chưa về nhà mà. Tao với me tao mừng muốn chết. Chiều nay nghỉ hai giờ sau, tao mua biếu ba tao cái khăn ấm choàng cổ.

Hương bắt đầu chú ý đến câu chuyện. Nó tò mò:

- Ủa, chớ ba mi đóng ở đâu mà cả năm không về?

- Ba tao đóng ở Đồng Tháp Mười lận.

- Xa quá hỉ, tận trong Nam.

Duyên nhớ đến cái xứ kỳ lạ mà ba đã kể trong thư. Xứ mà kinh rạch chằng chịt như màng nhện. Sình lầy có khi ngập đến đầu gối. Suốt cả hai mùa mưa nắng, Đồng Tháp vẫn là vùng đất khó chịu nhất đối với các chiến sĩ không quen ở.

- À Hương ơi, vùng ba tao đóng có nhiều ổi mận lắm. Chắc bữa nào ba tao về tụi mình một phen được ăn trái cây bằng thích.

Hương cười nhỏ:

- Thôi, cho kẹo tao cũng không dám. Mi quên chuyện bị cô cho số không hiệu đoàn tháng trước rồi hả?

Duyên với Hương cười to. Duyên nhớ đến bữa ổi me chua loét tức cười bữa đó. Hai đứa ngồi nhai rạo rạo mấy trái ổi ngon ngọt. Đến lúc thanh toán mấy trái me dốt, hai đứa cứ ngỡ là ngọt lắm. Me giữa mùa mà. Trái vừa chin dốt, ngửi như là ngọt ngọt. Đứa nào đứa nấy tham lam cắn miếng rõ to. Me chua như cắn lấy vị giác. Hương buột miệng suýt soa. Duyên ngăn lại không kịp. Giáo sư đã nghe. Và chuyện sẽ đến là mấy trái me còn lại bị tịch thu nằm chõng chơ trên bàn giáo sư. Sổ điểm ghi hai con zê rô to tướng. Nghĩ đến đó Duyên véo Hương một cái đau điếng. Hương kêu to:

- Xe té đây nì. Quỷ chưa. Đến trường rồi, ngồi đó mà cười cho nhiều.

Cổng trường mở rộng ồn ào. Mưa chỉ còn lại vài ba sợi tơ quấn quíu theo gió, như không có mưa. Phía trước trường, sông Hương mờ mờ gợn sóng. Bên kia là thành phố với dáng Phú Vân Lâu xám đậm. Duyên xuống xe để Hương đem xe vòng ngã sau. Áo mưa đủ màu, đủ dạng trông đẹp mắt, tươi mát. Gặp ai Duyên cũng cười.Lòng vui như ngày hội, Duyên ước ao gặp vài đứa bạn kể cho chúng nghe nỗi lòng của Duyên, kể chuyện ba Duyên sắp về.

Hai giờ Việt Văn lâu như cả buổi chiều. Duyên không ghi chép được gì. Hết thì thầm với Hương, lại quay sang nghĩ ngợi lan man. Duyên nghĩ đến ngày chủ nhật có ba. Phải bắt ba đưa hai me con đi chơi mới được. Cả nhà sẽ đi ăn bánh khoái ở cầu Đông Ba, ăn chè bắp ở cồn Hến. Nếu trời không mưa, cả nhà sẽ đi Linh Mụ ăn bánh bèo. Duyên thuật lại những sách của mình cho Hương nghe, Hương chỉ cười nhẹ nói:

- Động đến mi là chỉ nghe toàn ăn với ăn mà thôi. Trời mưa lạnh bắt chết, sức mấy mà đi chơi.

Duyên cụt hứng cãi lại là ngày chủ nhật nhất định không mưa. Không mưa cho mà xem. Hương còn mải viết bài chỉ ừ ầm.

- Ờ, rồi để bữa đó cho coi. Tao nói có sai không. Mùa ni là mùa mưa mà.

Mùa này là mùa mưa. Duyên lại nhớ đến ngày mưa ba đi. Duyên, me đưa ba đến Phú Bài. Mưa to mà không lạnh. Nhưng đường đất đỏ nhớp nháp vô cùng. Duyên ngồi cạnh ba lòng buồn buồn. Hình như me có khóc. Me hay khóc. Duyên không dám nhìn vào mắt me. Duyên sợ mình cũng lây khóc nốt. Nhưng đến khi ba hôn lên trán Duyên, Duyên khóc thật và khóc cả lúc trên đường về. Me lặng yên không nói suốt buổi. Duyên biết me buồn lắm. Nhưng hình như không hẳn me buồn cái buồn như Duyên đã buồn mà me lo sợ. Duyên đã nghĩ đến niềm lo ấy của me nhưng Duyên không muốn biết tới, không thích nghĩ sâu.

Buổi chiều rồi qua đi rất nhanh. Duyên và me đã lựa xong chiếc khăn quàng màu tím tuyệt đẹp. Khăn làm bằng dạ mềm. Và tuyệt hơn nữa, giá tiền của khăn bằng đúng số tiền Duyên để dành được. Me mua biếu ba một cái ví da. Me nói ví của ba đã lạc mất trong một trận hành quân ở Dakto. Ba cần có ví để đựng giấy tờ. Ví có ba ngăn và không ngăn phụ với những mặt bằng nhựa. Me để hình của hai me con vào đó, để lâu lâu ba mở ra nhìn cho đỡ nhớ. Me nói với Duyên như vậy, khi Duyên bắt gặp me chăm chú ngắm đi ngắm lại chiếc ví. Buổi tối ở nhà, me lăn xoăn dọn dẹp nhà cửa. Gối được thay lại một lần áo. Sách vở của ba được me sắp xếp lại cẩn thận.

- Ngày mai, Duyên nghỉ học phải không?

- Vâng me ạ! Ngày mai con nghỉ cả ngày.

- Thế sang mai ghé tiệm sách mua cho ba một ít tập san mới nghe. À mà thôi, ngày mai để me đi lựa cho ba một ít sách.

Duyên ngước lên ngắm me một lát bảo, giọng vui vui:

- Ngày mai me đi làm tóc nữa me nghe. Me quấn tóc cao lên, ba thích kiểu tóc đó lắm.

Me cười mỉm háy Duyên:

- Đừng có nói xàm, me già rồi.

Duyên đứng dậy ôm lấy vai me:

- Me mà già. Đó me xem, con với me gần bằng nhau rồi.

Me đứng yên một lát rồi đẩy Duyên ra bảo:

- Duyên đi lấy giấy bút mai mình đi chợ mua vài món hương liệu về làm bánh. Ghi kỹ kẻo quên nhé.

Duyên chạy vội đi, một loáng, giấy bút đã sẵn sàng. Me kể:

- Phải làm bánh kem cho ba nầy.

- Kem Plank hở me?

- Rồi, kem Plank, con ghi vào. Hoa để bày ở phòng khách.

Duyên vừa ghi vừa giả vờ tặc lưỡi:

- Tư bản quá me ạ. Người đi xa trở về quáng cả mắt.

Me mắng yêu Duyên rồi đọc tiếp những món phải sắm trước. Thật me không quên một thứ gì. Me bắt ghi mua cả hương liệu để làm cơm cho ngày thứ bảy là ngày ba về nữa. Ngần thứ ghi chọn mua sắm cũng là một cách trút bớt đi nỗi vui cứ trào ngọn trong lòng hai me con. Gian nhà nhỏ tự dưng ấm cúng như khi ba còn ở nhà. Giờ đi ngủ, nằm trong chăn ấm, hai me con còn thử hình dung sức khỏe của ba như thế nào. Da đen hay còn hồng mạnh như năm ngoái. Người ốm hay mập. Duyên cười khi nói với me. Câu nói chưa thoát ra đã reo vui trong ý nghĩ:

- Con sợ ba lùn xuống quá me ôi.

Me ngạc nhiên:

- Sao vậy? Người lớn đâu có lùn?

Duyên lại càng cười.

- Ba đi lính vác súng nặng, vác ba lô nặng, người lún xuống là cái chắc.

Me cũng bật cười. thế rồi me nói lan man mãi cho đến khi Duyên mơ màng. Trong cơn ngủ chập chờn Duyên thấy như me không nằm ngủ nữa. Duyên hé mắt. Me xuống giường, bước ra nhà ngoài. Me không thắp đèn. Duyên đoán là me muốn ngồi một mình cạnh cửa sổ ngó mông ngoài bóng đêm. Hôm nay ba chưa về đâu me ơi. Duyên nói thầm trong giấc ngủ.

*

Sáng thứ bảy Duyên phải đi học. Sáng nay ba về mà. Duyên muốn nghỉ quá. Nhưng me gạt đi:

- Duyên nên đi học. Ba về đến nửa tháng cơ mà.

- Không, con muốn đón ba về cơ.

Me suy nghĩ:

- Thôi con đi học đi để me ở nhà làm bếp. Có con, cấn cái lắm me không làm được gì cả. Nếu ba về sớm, ba me đến đón con ở cổng trường nhé. Chịu không. Nhất cô rồi đấy.

Duyên hơi bằng lòng nhưng cũng vớt vát:

- Con ở nhà giúp me làm bánh!

- Thôi mẹ không mượn đâu. Đi học kẻo trễ, trưa về cho lẹ.

Duyên đành đi học mặc dù biết sáng nay Duyên sẽ khó mà nghe cô giáo giảng dạy gì. Thật vậy, suốt buổi sáng, Duyên ngồi ngơ ngẩn, Hương phải huých cùi tay Duyên mấy lần. Cô giáo có vẻ đã để ý đến Duyên. Cô kêu Duyên lên đọc bài. May quá Duyên lại thuộc. Nếu đụng phải bài khác chắc Duyên lại lãnh hột vịt quá. Mà lãnh hột vịt đúng ngày ba về thì ê người thật. Duyên tưởng tượng trưa nay, khi Duyên bước ra khỏi cổng, ba sẽ đón ngay ở phía bên kia đường. Duyên chạy đến bíu lấy tay ba. Ba sẽ cười tươi thật tươi. Duyên nhớ nụ cười tươi tắn của ba. Nụ cười có hàm răng trắng phau và đôi mắt thì long lanh. Nụ cười làm Duyên thương ba quá sức.

- Ê Duyên, chiều nay đi học tổ đề thi lục cá nguyệt không?

Duyên trả lời không do dự:

- Tao đi sao được, chiều nay ba tao về mà.

- Cái con này, chuyện gì cũng ba tao về cả. Chiều ni không học phải không. Rứa bữa mô mới học?

Duyên ngẩn ngơ:

- Thôi tuần sau đi.

- Tuần sau nhớ nghe.

Duyên thấy hình như Hương có vẻ thất vọng:

- Không có mi học tổ buồn muốn chết. Tụi con Liên, con Phương hắn hợp với nhau hơn với tao.

Duyên chợt nhớ ra:

- Hay chiều ni mi tới nhà tao. Có ba tao về.

- Thôi tao sợ lắm. Để chủ nhật tao ghé lại chơi. Chiều ni để mi đi chơi với ba mi.

Ngoài hiên trường, mưa lại bắt đầu và có vẻ nặng hạt.

- Ba về lại bị ướt cho xem.

Duyên lo lắng nhòm mãi ra ngoài trời. Mưa đã tan thành tấm màn dày đục. Nắng không rọi qua được màn mưa và màn mây dày cộm. Trời cứ lờ mờ như buổi hoàng hôn. Buổi học kéo dài cùng với nỗi cau có của Duyên. Trời mưa chi mưa thật ác. Lâu lâu mới có một ngày ba về. Duyên cứ bức rức không an. Càng về trưa, Duyên càng nóng ruột. Cứ tưởng trông ba đang đón ở đầu cổng trường đủ làm Duyên nhúc nhích, chỉ muốn bay vọt ra cổng. Dãy phòng học của Duyên lại ở trong tít cuối sân trường. Cửa sổ mở ra sân thể thao và bên ngoài là tường cao, có cỏ mọc. Duyên không thấy gì ngoài mưa cỏ và cây cối. Cái sân im lìm như thách thức thời gian quá chậm.

Hồi chuông reo vui òa vỡ một lần với nhiều âm thanh hỗn tạp. Duyên kéo tay Hương đi nhanh.

- Chắc ba tao đón tao ở cổng trường, tao thấy nóng ruột hắt hơi hoài.

Hương chạy theo cùng với những cử động nhốn nháo như bạn:

- Mi chỉ ba mi cho tao coi nghe. Bữa trước tao có tới mà không nhìn kỹ.

- Ba tao hiền lắm Hương ơi.

- Tao thấy me mi cũng hiền lắm.

Duyên kéo Hương đi vùn vụt. Mưa tạt ướt cả mặt, cả tóc. Ống quần trắng cũng bê bết nước. Hương kêu lên:

- Đi gì mà như ăn cướp rứa. Thủng thẳng một chút nờ.

- Ba tao đang đợi mà.

Tuy nói vậy, nhưng Duyên cũng đi chậm lại. Cổng trường đã đầy đặc người. Duyên và Hương lấn qua rừng người kẹt ở trước. Mưa phía ngoài đường lại càng to hơn cả trong sân trường. Tay liên tiếp vuốt mưa trên mặt, Duyên đưa mắt nhìn quanh tìm kiếm. Sông Hương khuất mờ. Ghế đa chênh vênh. Một dáng người. Một chiếc áo mưa quen. Không, không phải ba. Duyên đi quá một khúc nữa, quá trường Quốc Học. Cũng không có ai. Mưa lớn hơn. Lòng Duyên nặng chĩu. Hương ái ngại nói:

- Chắc ba mi trời mưa quá không đi đón chứ gì. Nếu ông mới về mệt bắt chết còn lội mưa đi đón mi nữa sao. Đôi khi ba mi chưa về cũng có. Nói ngày thứ bảy, chứ có nói buổi sáng hay buổi chiều gì đâu.

Duyên thở một hơi dài. Hương nói cũng có lý. Có khi ba chưa về cũng có. Một giớ trưa, hai giờ trưa ba mới về. Tuy nói vậy, nhưng trong thâm tâm, Duyên chỉ muốn cho buổi ăn trưa này đông đủ cả ba người. Bữa trưa ấm áp, bữa ăn trưa ngon lành chắc me đã bỏ công sửa soạn suốt cả buổi sáng. Bước chân về chỉ còn háo hức. Duyên muốn bay về thật nhanh. Nếu ba không về sáng nay thì Duyên sẽ được thú đón ba bước vào nhà, nhìn ba trong bộ binh phục.

Gian nhà vắng. Thôi thế là ba chưa về rồi. Duyên chạy vội vào nhà. Me đang sửa lại bình hoa. Me mặc chiếc áo màu tím nhạt, tóc quấn cao. Chiếc bàn ăn trải khăn xanh mùi ngào ngạt mũi. Duyên kêu giọng ướt nước:

- Ba chưa về hả me?

Me quay lại, gương mặt me vẫn tươi làm Duyên yên lòng.

- Ba chưa về Duyên ạ. Chắc chốc nữa hoặc quá trưa một chút. Đôi khi tối mới về. Con lấy cho me một viên aspyrine đi, để hoa lâu tàn.

Duyên vào trong thay quần áo. Nỗi lo sợ vơ vẩn cũng như những dự định buổi sáng đã tan đi, nhường chỗ cho những dự định khác.

- Me ơi, nếu trưa nầy ba chưa về, me con mình ăn làm sao cho hết bao nhiêu đồ ăn đây.

Me cười:

- Cô bé háu ăn đừng có lo lắng làm chi cho mệt. Me lo tất cả rồi. Nầy nhé, kem thì cho vào tủ lạnh, càng lạnh càng ngon. Chả giò me chưa ram hết. Đợi ba về mới ram. Còn những thức còn lại, me con mình ăn mừng cũng được chứ sao? Tha hồ cho Duyên thích nhé. Lâu ngày mới được ăn no một bữa cho phỉ chí.

Lâu ngày Duyên mới nhìn thấy một bữa cơm ngon như hôm nay. Thật vậy. Từ khi ba đi lính đến nay, đồng lương không dồi dào như khi trước nữa. Me tằn tiện hơn lên. Mặc dù cả nhà vẫn còn sung túc, nhưng me bảo phải lo xa. Chiến tranh còn dài. Biết khi nào ba mới được giải ngũ. Duyên không nghĩ đến những điều xa xôi. Duyên không muốn nghĩ đến là đúng hơn. Nhưng lảng vảng trong óc, Duyên còn ghi dấu vết những tin tức chiến sự từ một tờ báo, từ đài phát thanh. Đôi lúc Duyên muốn nói với me những điều Duyên nghĩ. Nhưng Duyên không nói được. Trong thâm tâm Duyên vẫn có điều gì giấu kín me. Và me hình như vẫn có điều gì giấu Duyên. Me ít khi đọc báo trước mặt Duyên. Có nhiều tờ báo me giấu kín. Duyên tình cờ kiếm được vài ngày sau thì trên đó, những trận đánh nhau long trời, những cảnh chết chóc ở mặt trận ba đóng. Duyên hiểu ra. Duyên hiểu me. Duyên đâm ra yêu me hơn và nhớ thương ba quá sức.

- Ăn cơm đi chứ Duyên. Một giờ rồi. Ngó bộ ba trễ bữa cơm trưa rồi.

Duyên với tay mở radio. Một điệu nhạc vui buổi trưa vừa chấm dứt. Duyên lắng tai nghe. Tin tức về những chuyến bay của hãng hàng không Việt Nam.

- Không hiểu ba về bằng máy bay e Việt Nam hay bằng hàng không quân đội me nhỉ.

Me lơ đễnh trả lời:

- Chắc ba về bằng máy bay dân sự con ạ. Thôi ăn đi. Tí nữa không có ngủ trưa đâu đấy nhé. Chờ, đón ba nghe. Me có cảm tưởng như ba sắp về.

Duyên vui vui trước cảm tưởng chứa chan của me. Duyên ăn uống ngon lành. Bữa cơm chấm dứt thật mau giống như bữa cơm ngày bắt được điện tín. Duyên rửa miệng xong lóng ngóng đi vào đi ra. Một chiếc xích lô đổ vội trước cổng nhà. Duyên mừng rỡ kêu me. Một người đàn bà bước xuống. Không phải ba. Duyên cụt hứng. lại chờ đợi, đoán già, đoán non. Mưa vẫn rơi rơi không ngớt. Đường ướt nhẹp. Duyên nghe rõ cả tiếng nước chảy ào ào xuống đầu cống. Ba về mùa này thì lội mưa bằng thích nhé. Me thường rầy Duyên về tội thích lội nước. Ba thì khuyến khích Duyên thêm. Gội mưa để chịu lạnh cho quen. Duyên nhìn qua phía Tam Tòa. Những cây sầu đông thẳng băng trắng toát dưới mưa. Thân cứng chắc. Lá xanh với những chùm hoa màu trắng ngả tím nhạt, thật nhạt trông như những đám mây mỏng mảnh trên cao. Bức tường im lìm. Hàng rào chè tàu cũng im lìm hai bên ngõ hẹp. Cây măng cụt lá rậm rạp lồ lộ những trái vỏ xanh tươi nõn. Cả khúc ngõ dài không có bóng dáng một người đi. Tiếng rao của bà hàng quà nào ướt nhẹp léo dài lê thê. Duyên quay vào trong nhà. Me ngồi im trên bàn. Những cánh hoa lay ơn màu đỏ tươi không còn làm tươi lòng me nữa. Đã hơn bốn giờ chiều. Ba vẫn chưa thấy ở đâu. Chuyến bay cuối cùng trong ngày chắc cũng gần tới đích. Me chờ đợi. Duyên chờ đợi. Những tấm màn cửa xanh phe phất trong gió. Duyên nghe lạnh. Chắc chắn ba về ngày nầy chứ. Duyên nói với me:

- Chắc ba sắp về phải không me?

Me gượng cười dịu dàng nói:

- Nếu hôm nay ba không về kịp thì ngày mai. Đôi khi máy bay không cất cánh, hoặc ba trễ, hoặc ba bận công việc. Me con mình vào nhà trong cho ấm một chút đi Duyên.

Me và Duyên đi vào nhà. Trước khi vào me còn ngoái trông ra cửa. Đường vẫn vắng im lìm. Me quay lại đóng vội cánh cửa cho mưa đỡ tạt. Hình như mưa to hơn. Chiều rồi đấy. Duyên lại nghe me thở dài. Duyên bỗng buột miệng nói:

- Rồi ba không về thì sao me?

Duyên không nói thêm gì nữa. Duyên nghe tay me cứng trong tay Duyên. Mặt me tái xanh. Me rùng mình mấy cái rồi bảo Duyên, giọng sượng:

- Sao lại không về? Chắc ba chỉ về trễ thôi.

Me vào phòng nằm. Duyên hối hận vì thấy mình vô tình. Duyên nhớ đến đôi mắt như kinh hoàng của me. Nhớ đến gương mặt me xanh xao. Rồi Duyên bỗng lầm thầm cầu mong ba về.

Duyên hé cửa nhìn vào phòng. Me nhắm mắt. Duyên lui trở ra ngồi sửa lại mấy cành hoa lay ơn, kéo bức rèm cửa. Duyên săm soi chiếc ví của me mua tặng ba. Tấm ảnh hai me con cười tươi. Ngăn bên kia tấm ảnh của ba chụp hồi mới vào quân trường, đầu hớt ngắn. Duyên nhớ hôm nhận được phim ba gửi nói đùa là để me con Duyên sang to treo trên tường dọa ma. Tấm ảnh khi đã sang ra làm hai me con cười chết thôi. Bây giờ me bỏ vào ví tặng lại ba. Duyên bật cười một mình nghĩ đến nét mặt ba lúc thấy cái ảnh thiếu mỹ thuật này nằm trong ví của mình.

Loay hoay hồi lâu mà me vẫn chưa dậy. Duyên chạy ra cửa nhìn mông con ngõ hẹp. Mưa to quá. Chắc ba lại phải trú mưa ở đâu rồi. Nắng chiều đã tắt đâu đó trên bầu trời nhiều mây. Duyên thấy ánh sáng đã nhạt bớt đi nhiều. Chiều xuống nhanh trong khi Duyên chỉ mong thời gian kéo dài ra để ba về kịp trước khi trời tối hẳn. Duyên nhìn cơn mưa mà lo ngại. Duyên lắng tai nghe. Tiếng giày sô nện bước vội vã át cơn mưa, loáng thoáng. Duyên nghe và chợt vui, Duyên muốn kêu một tiếng lớn. Chiếc áo mưa nhà binh to lớn đã dừng một giây trước cổng nhà rồi mạnh dạn đi vào. Duyên định kêu me thật to. Nhưng Duyên đã kịp dừng lại. Không phải ba mà một người khác. Một người lính già. Ông nhìn Duyên dò hỏi. Không kịp nói năng, tay ông đưa ra. Đôi giày và cái hộp vuông. Nước mưa tạt vào chiếc hộp màu đỏ của ba làm thành ngàn giọt long lanh tròn như nước mắt. Trong một thoáng Duyên hiểu hết. Duyên cứ nhìn chăm chăm vào đôi giày và chiếc hộp đỏ. Không phải ba cầm chiếc hộp này. Duyên ngơ ngẩn nhìn lên. Người lính nói gì Duyên không nghe rõ. Duyên vẫn nhìn hoài chiếc hộp, đôi giày. Có cái gì vừa đến trong ý nghĩ và trong lòng. Có cái gì dâng lên một lượt. Có cái gì lạnh băng như chưa bao giờ lạnh bằng. Duyên đưa tay đón chiếc hộp như người mộng du. Miệng vẫn há to. Duyên chợt thấy đôi mắt kinh hoàng của me. Gương mặt tái xanh như bằng sáp nặn. Đôi tay me lạnh cứng, giọng sượng não nùng. Duyên muốn mình nhắm mắt mê người đi để khỏi phải quay lại sau lưng. Có bước chân đi tới. Đừng khóc và ngất đi. Nhưng không, một giọt nước mắt đã vỡ đánh thức Duyên cùng niềm đau vừa vỡ vết.


KIM HÀI    
(Sóng Vàng) 


(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 155, ra ngày 15-6-1971)


oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>