CHƯƠNG VIII
Sau bốn ngày cắm cúi làm việc, Vũ Phan
và Tú Mai đã hoàn thành xấp tài liệu.
Nhờ cái máy chữ cũ nhưng vẫn dùng được
của giáo sư Châu, sáu chục trang giấy đầy đặc chữ đánh máy, coi bộ cũng sáng
sủa rõ rệt. Tài liệu còn được đính kèm theo gần hai mươi bức hình chụp những
món cổ vật hiếm, rất quý giá của giáo sư Châu. Đặc biệt có một bức lớn in hình
con rắn lông chim rõ từng nét. Con “rắn thần họ Lý!”
Vũ Phan xoa tay vui mừng bảo bạn:
- Chẳng hiểu ông chủ bút tờ báo Tin
Nhạn đọc có lẹ không? Và đọc xong không biết ông có cho đăng không đây chứ?
Bé Lan, Minh Lệ cũng có mặt tại phòng
làm việc của chàng trai. Hai em nhỏ chạy lăng xăng, lúc lấy giùm Vũ Phan cái
này, lúc lại làm hộ Tú Mai vài việc lặt vặt khác.
Bé Lan láu táu:
- Anh Phan! Nếu được đăng báo, anh sẽ
có tiền! Thế… ngoài việc mua kẹo cho Minh Lệ và em, anh và chị Mai định sẽ mua
gì nữa nào?
Đôi bạn chưa phút nào nghĩ đến việc
bài của mình sẽ được đăng và hai người sẽ được một số tiền. Nghe bé Lan nhắc,
Phan, Mai cũng cảm thấy đôi chút hy vọng. Không nói ra, nhưng trong trí, hai
người cùng chung một ý nghĩ: “Ừ! Biết đâu đấy!” Chợt chàng trai lên tiếng vui
vẻ:
- Tụi mình cần cái gì nhỉ?
Và anh đưa mắt nhìn Tú Mai, nhất là
hai cặp mắt sáng long lanh, nét môi tươi cười của hai cô bé. Vũ Phan tự nhủ:
“Phải mua một cái gì mà tất cả bốn người cùng có thể sử dụng được mới vui”.
Mãi không thấy ai lên tiếng, chàng
trai tiếp luôn:
- Riêng tôi, tôi biết rõ hiện chúng
mình đang cần một thứ!
Bé Lan giật tay áo anh, hối thúc:
- Cái gì? Nói đi anh Phan. Cái gì?
- Cái máy chụp hình! Đúng chưa?
- Mà rồi anh có cho tụi em mượn chụp
phong cảnh không?
- Có chứ! Với điều kiện các em phải bỏ
tiền mua lấy phim.
- Vâng! Được! Chúng em chịu.
- Thôi, thế thì được rồi! Riêng về
phần anh và chị Tú Mai, một cái máy tốt là một món đồ nghề không thể thiếu sót.
Tài liệu này đây, nếu không nhờ cái máy chụp tối tân của ba Minh Lệ, chắc gì đã
có được những tấm hình rõ, đẹp như thế này. Mà mua một cái tốt như vậy thì anh
và chị Tú Mai không thể nào có đủ tiền mà mua được đâu. Có lẽ anh sẽ bán cái
Kodak của ba thưởng cho từ hồi đậu tú tài II, để dành thêm một ít tiền nữa phụ
vào mua mới được. Một phóng viên ký giả không thể nào không có máy chụp hình
được.
Bé Lan reo lên:
- Anh Phan vẫn thích làm phóng viên ký
giả hả?
Chàng trai mỉm cười:
- … Có thể lắm chứ Lan!
Minh Lệ cười theo:
- Anh Phan làm gì mà không được!
Chủ nhật sau, Vũ Phan, Tú Mai và bé
Lan đến biệt thự Bạch Tuyết rủ Minh Lệ ra chợ Tùng Nghĩa chơi, nhân tiện đón xe
đò đem báo từ Saigon lên.
Trời đã sáng rõ lắm. Tiết trời thật ấm
áp. Phong cảnh đẹp vô cùng. Con sông con, mặt nước lấp lánh tựa bạc, như rộng thêm
ra với hai bờ dốc thoai thoải rải đầy cuội trắng. Trên cành cây bưởi, trong
vườn nhà ai, trổ đầy hoa nhị vàng cánh trắng muốt, tỏa hương thơm ngào ngạt,
một đôi chim chìa vôi ngước mỏ xinh xinh cất tiếng hót: ti ti ti! hít ti ti!
Tú Mai tia mắt đăm đăm phóng ra ngắm
cánh đồng rộng soải dài mãi tận hàng tre phía xa xa, buột miệng:
- Thiên nhiên đẹp, trong lành như thế
này, chẳng hiểu tại sao nhiều người không biết tận hưởng, lại cứ để ngày giờ
nghĩ đến làm những điều xấu xa?
Chợt bé Lan và Minh Lệ chỉ tay về phía
đường cái nhựa:
- Kìa, anh Phan, chị Mai! Có xe đò
Saigon lên kìa! Đúng rồi!
Quả nhiên, một chiếc xe lớn đang bon
bon tiến lại, giảm dần tốc độ. Thân xe sơn xanh, mui màu đỏ. Vũ Phan reo khẽ:
- Đúng xe Thành Xương rồi!
Tú Mai la lên khi chiếc xe vừa dừng
bánh:
- Bác “lơ” già cẩn thận mở từng nút
dây cột. Sốt ruột, bé Lan kêu lên:
- Lâu thế bác.
- Trời đất! Làm gì mà hối thúc như
“giặc” vậy? Tuần báo chứ nhật báo đâu mà “nôn” quá xá vậy?
Cầm số báo dầy cộm trong tay, Vũ Phan
dẫn cả bọn vào một tiệm phở rộng rãi sạch sẽ. Mùi nước dùng nóng sôi bốc thơm
làm tăng thêm cái đói. Hai cô bé con nhao nhao giật tay Phan:
- Cho tụi em ăn phở đi, anh Phan! Đi
bộ từ nhà ra đây, đói lắm rồi!
Vũ Phan vui vẻ:
- Yên trí! Cho anh xin mười phút.
Dứt lời, chàng trai chọn một chiếc bàn
giáp vách tường, lát gạch men trắng sạch sẽ, kéo ghế cho ba cô gái ngồi. Sau
khi mọi người đã an vị, Vũ Phan trịnh trọng mở tờ báo. Mọi người hồi hộp ngồi
yên lặng. Lật được năm, sáu trang, chợt tia mắt chàng trai ngưng đọng nhìn chăm
chú : trên hai trang giữa quyển báo, “tác phẩm” xuất hiện bằng mực đen trên
giấy trắng. Bốn người đồng thanh reo khẽ:
- “Ồ”!
Trên đầu trang bên trái, đầu đề in chữ
lớn:
“DẤU HIỆU RẮN THẦN HỌ LÝ”
Ngay dòng dưới, loại chữ nhỏ hơn một
chút, có hàng chú thích:
“Một chuyện có thật viết tặng bạn đọc
do đôi bạn Phan Mai”
Đóng khung chung quanh bài viết là
hình con rắn kỳ quái uốn khúc, mình ghê rợn, cái đuôi lông chim xòe ra như nan
quạt ôm lấy hàng chữ cuối cùng.
Bốn anh em châu đầu nhìn vào trang báo
mà trống ngực dập thình thình, không ai đọc được một hàng nào. Những nét chữ
như biết cựa quậy không khác muôn ngàn con rắn nhỏ li ti bó lúc nhúc ngoằn
ngoèo. Mãi một lúc sau, Vũ Phan và Tú Mai mới đọc được. Những câu văn bị sửa
chữa rất ít. Có đoạn lại không sửa một chữ nào. Đôi bạn say sưa đọc, trong lòng
cảm động đến độ nước mắt rưng rưng.
*
Giáo sư Châu đẩy hai tách cà phê nóng,
đĩa bánh ngọt tới trước mặt đôi bạn Vũ Phan, Tú Mai.
Minh Lệ và bé Lan đang cắm cúi chơi cá
ngựa.
Tiếng nói nhà bác học, niên kỷ đã gần
60 đó vang vang như tiếng chuông ngân:
- Mấy bữa nay bác cứ băn khoăn mãi về
vấn đề quà thưởng tặng hai anh em. Vừa may, em Minh Lệ về nói chuyện bác mới
yên trí. Đây, bác có chút quà nhỏ này tặng hai cháu! Bác mong rằng mỗi khi nhìn
tới nó, hai anh em lại nhớ tới lòng biết ơn của bác.
Giáo sư Châu nghiêng mình, đưa tay mở
cánh cửa tủ buýp phê kiểu mới bằng gỗ cẩm lai hai màu nâu và trắng ngà. Ông lôi
ra một chiếc máy chụp hình bóng loáng. Máy hiệu Rolleiflex đủ cả chóa đèn, chân
máy. Cái máy của ông vẫn dùng và đã cho Phan Mai mượn?
- Nhờ hai cháu mà Minh Lệ và mớ cổ vật
của bác mới thoát khỏi tay của tên bất lương họ Lý đó. Hơn thế nữa, một số đồ
cổ lại được độc giả bốn phương của tờ tuần báo Tin Nhạn biết đến và hoan nghênh
qua hình ảnh thật đẹp và những lời dẫn
giải rất minh bạch của hai anh em.
Vũ Phan, Tú Mai lễ phép ngả đầu, mỉm
cười khiêm tốn. Vũ Phan:
- Thưa bác! Khi gởi xấp tài liệu đi,
chúng cháu hồi hộp lắm vì chưa biết bài đăng báo bao giờ. Lúc nào cũng lo lắng
là sẽ bị từ chối. Đến khi thấy sự cố gắng của mình được thể hiện trên giấy
trắng mực đen, chúng cháu đã vô cùng vui sướng. Niềm vui sướng đó, thưa bác,
quả đã là một món quà vô giá rồi đó ạ. Vậy, chúng cháu không dám lạm dụng, nhận
thêm món quà này của bác nữa. Vả lại, nếu cho chúng cháu, khi cần đến, bác sẽ
lấy gì để dùng?
Nhà khảo cổ không nói gì, chỉ mỉm cười
khe khẽ lắc đầu. Ông lại nghiêng người về phía cánh tủ buýp phê còn đang mở
rộng. Chớp mắt, trong tay ông lại cầm một chiếc máy hình khác, cũng hiệu
Rolleiflex, cũng đủ chóa đèn, chân máy : cái máy cũ đích thực của ông.
Trí óc đôi bạn chưa hết rộn ràng vì ý
nghĩ : “Giáo sư Châu đã âm thầm đi mua chiếc máy Rollei mới toanh để dành tặng
hai người” Đôi bạn lại tròn mắt ngạc nhiên khi thấy trên tay nhà bác học một
chiếc phong bì trắng, phía trên, mấy hàng chữ đen in rõ rệt:
Tuần báo Tin Nhạn
Tòa soạn và Trị Sự số… đường… Saigon
Tiếng nói giáo sư vang lên như một lời
reo vui:
- Hai anh em hãy đọc thư đi và đừng lo
gì về việc tôi không có máy ảnh để dùng nghe!
Vũ Phan, hai tay khẽ run, nhẹ rút tờ
giấy trắng gấp đôi, liếc nhanh:
Saigon,
ngày… tháng… năm 1972.
Kình
gửi giáo sư Khảo Cổ Đặng Thế Châu
Xã
Tùng Lâm – Quận Tùng Nghĩa
Tỉnh
Tuyên Đức
Thưa
giáo sư,
Trước
hết, thay mặt ban Quản đốc tòa soạn Tuần báo Tin Nhạn, chúng tôi trân trọng gởi
đến giáo sư lời chân thành xin lỗi vì tính chất đường đột của lá thư này. Lẽ
ra, chúng tôi phải viết và trực tiếp gửi đến tay tác giả bài “Rắn thần họ Lý”,
tức đôi bạn Phan Mai.
Nhưng
nhận thấy nội dung bài phóng sự đều đề cập đến số cổ vật quý hiếm của giáo sư,
sau bao năm khổ công tìm kiếm mới có được, chúng tôi mạo muội king gởi vài hàng,
nồng nhiệt cám ơn giáo sư đã cho phép đôi bạn Phan Mai viết, kèm theo cả hình
ảnh một đề tài thật độc đáo, thật hấp dẫn, từ trước đến nay, chúng tôi chưa hề
được hân hạnh đăng tải. Số báo phát hành so với thường lệ, đã tăng lên gấp
rưỡi, mà đại lý các nơi vẫn còn điện về yêu cầu gửi thêm nữa.
Không
nói, chắc giáo sư cũng đoán biết được niềm hân hoan của toàn thể anh em tại tòa
soạn Tin Nhạn chúng tôi đã đến mức nào.
Trân
trọng kính nhờ giáo sư chuyển lời chân thành cảm tạ của chúng tôi tới hai bạn
Phan Mai và của riêng tôi lời nhắn sau đây:
Kính
mời hai bạn Vũ Phan, Tú Mai cho chúng tôi được hội diên tại tòa soạn nội tuần
lễ này, có việc cần gấp.
Trong
khi chờ đợi, một lần nữa, thay mặt toàn ban biên tập Tuần Báo TIN NHẠN, xin
nồng nhiệt kính gởi đến giáo sư cùng đôi bạn tấm lòng thành biết ơn của chúng
tôi.
Tổng
Thư ký
Kiêm
Chú bút Tuần báo Tin Nhạn
Kính
thư
Nguyễn
Đức Minh
Trao lá thư cho Mai, rồi trong khi cô
gái chăm chú đọc, Vũ Phan lặng người cảm động không nói nên lời. Mắt đăm đăm
ngó ly cà phê nóng trong tay, tia nhìn của chàng trai như đang dõi về một chân
trời nào xa lắm.
Tiếng Tú Mai:
- Vậy, sàng mai anh Phan đi Saigon
nghe.
- Tú Mai cùng đi với anh chứ?
- Không, em đi sao được. Bài học ôn
của em còn bao nhiêu chưa thanh toán xong đây này. Vả lại, mọi việc đều do anh
chủ trương hết. Em chỉ đóng vai phụ tá, và chỉ thích đóng vai phụ tá cho anh
thôi mà.
Tiếng nhà bác học:
- Cháu Tú Mai nói đúng đấy… Hai anh em
uống cà phê đi kẻo nguội hết.
Vũ Phan lễ phép “dạ” khẽ một tiếng.
Rồi trầm ngâm chàng đưa mắt ngắm nhìn chiếc máy hình tối tân do giáo sư Châu
tặng cho hai người. Chiếc máy bóng loáng, chóa đèn, chân máy mới tinh hảo.
Chiếc Rollei như ngầm nói với Phan:
“ … Chúng mình sẽ cùng bắt tay vào
những công việc thật hấp dẫn, thật sôi nổi, để đem lợi ích và những phút vui
tươi cho độc giả bốn phương…!”
Bất giác, chàng trai buột miệng nói
với giáo sư Châu, đồng thời cũng để trả lời Tú Mai:
- Vâng, ngày mai cháu sẽ về Saigon.
Tiếng hai cô bé con nhao nhao:
- Anh Phan về Saigon phải mua thật
nhiều quà cho chúng em nghe anh Phan.
Ngoài vườn, hai mẹ con con Phích nô
đùa, đuổi nhau khiến sỏi trên lối kêu lạo xạo.
Ve sầu vẫn êm êm hòa tấu khúc nhạc mùa
hè.
Dưới mắt Vũ Phan, lá cây trong vườn
biệt thự Bạch Tuyết hình như xanh hơn mọi ngày, phản chiếu ánh nắng mai sáng
lấp lánh, tưng bừng rực rỡ.
Cảnh vật vui tươi như đang dang rộng
hai cánh tay đón mừng một chân trời mới màu hồng.
NAM
QUÂN