CHƯƠNG IV
Nghỉ hè sắp tới. Tàn cây
phượng vĩ lá xanh um đã trổ hoa đỏ rực điểm những đài tươi thắm màu vàng chanh.
Ve sầu kêu ra rả khắp nơi.
Vũ Phan phải ở lại trong
trường dọn bài để dự kỳ thi lên lớp. Tú Mai tiến hành cuộc điều tra một mình.
Nhưng em không lấy thế làm lo ngại mà lại có phần thích thú là khác. Em tin
tưởng thế nào cũng thâu lượm được nhiều tin tức hay để khi Phan về, báo cho anh
biết. Vũ Phan sẽ phải phục lăn cô bạn gái mà chàng vẫn chê là nhát như thỏ đế.
Nhưng, buồn quá! Đã gần một
tuần lễ trôi qua, Tú Mai chưa dò xét được một manh mối gì mới lạ. Chiều nào em
cũng làng vảng tới gần khu vực biệt thự Bạch Tuyết, lòng thầm mong Minh Lệ bình
phục rồi thấy mình sẽ mời vào chơi chuyện trò tâm sự. Mấy lần trước, khi thì
giáo sư Châu, khi thì bà Giang, chị ruột ông, đã đón tiếp mời Tú Mai vào nhà.
Nhưng tình trạng sức khỏe của em nhỏ không cho phép. Minh Lệ lúc nào cũng li bì
trong cơn sốt, nằm mê man trong phòng cửa đóng kín mít. Tú Mai chỉ được nắm nhẹ
một bàn tay nhỏ xinh, nóng hừng hực, đáp lại nụ cười lợt lạt trên đôi môi trắng
nhợt của cô bé, rồi lại tất tả ra về, trong lòng buồn tênh chẳng chút mảy may
hy vọng.
Một buổi chiều, cô gái tình
cờ gặp được bác Hai Lũy bên vòng rào đầy hoa râm bụt. Tú Mai hỏi thăm về bệnh
trạng của cô bé, bác làm vườn lắc đầu buồn bã:
- Cô nhỏ bị cảm lạnh, nhiễm
vào phổi nặng lắm. Giáo sư Châu cho biết những người đồng hương với Minh Lệ đa
số đều bị yếu phổi cả. Vốn sinh trưởng tại vùng đất bạc, đồng khô cỏ cháy, ăn
không đủ no, mặc không đủ ấm, mùa đông gió lạnh cắt da, mùa hạ lại nắng cháy da
cháy thịt, Minh Lệ cùng đồng bào của em đều yếu phổi kinh niên.
Tú Mai ngạc nhiên:
- Thế ra… Minh Lệ không phải
là người Việt?
- Đâu phải! Cô nhỏ người
Trung Hoa, sinh trưởng tại thôn Xung Hà, cách Đài Bắc chừng 300 cây số đó. Giáo
sư Châu đem từ bên đó về đây mà.
Cô gái ngấm ngầm vui sướng
khi thu lượm được tin tức này. Tâm tư rộn ràng, Tú Mai nhẹ bước tiến lại nhấc
cái tay cầm dây kéo chuông treo toòng teng trên trụ cửa vườn, chỉ vào hình vẽ:
- A! Ai vẽ cái hình này đẹp
quá hả bác Hai?
Bác làm vườn nheo mắt, nghiêng
đầu tiến lại gần, nét mặt bác lộ vẻ ngạc nhiên rõ rệt:
- Ủa! Hình vẽ cái gì đây?
Cô gái giọng lơ đãng:
- Vậy mà tôi cứ tưởng bác
Hai vẽ đấy chứ!
Bác Hai Lũy cười vui vẻ:
- Đâu có, cô! Tôi làm việc
túi bụi suốt ngày ấy, thì giờ đâu!
- Mà bác cũng không để ý nên
không biết ai vẽ và vẽ từ bao giờ nữa?
- Lớn tuổi rồi nên mắt tôi
hồi này kém lắm. Vả lại tôi đâu cần phải giật chuông mỗi khi muốn vào trong
vườn. Chắc có từ lâu lắm rồi. Một tay thợ hồ nào khi xây trụ, đã nổi hứng bất
tử vẽ bậy vào đó.
Vùa nói, bác Hai Lũy vừa cúi
đầu chào và cất bước bỏ đi.
Tú Mai nhẹ tay đặt đầu dây
chuông vào chỗ cũ. Em quay ra, quơ xe đạp nhẩy lên, đạp như máy. Vừa đạp, cô
gái vừa cất giọng trong veo hát một điệp khúc nhạc tuổi xanh, ngón tay không
ngớt bấm chuông gõ nhịp. Đầu óc Tú Mai rộn ràng vui tươi như mở hội : “Ngày hôm
nay mình đi thám sát thật không uổng công.”
*
Minh Lệ áp má trên mặt gối
trắng tinh. Đôi môi xinh xinh mỉm nụ cười thật đẹp. Nằm bẹp trong phòng tối tăm
mãi, bữa nay được thoải mái nằm nghỉ ngoài hiên mát, trên chiếc ghế xích đu êm
êm, dưới giàn hoa thiên lý thoảng mùi hương thơm ngát, thật không còn gì thú vị
cho bằng. Hồi tưởng lại những ngày qua, nhất là khi bệnh tình đã nhiều phần
thuyên giảm nhưng giáo sư Châu vẫn không cho con gái nuôi ra ngoài e gió máy,
cô bé lại cảm thấy rùng mình chán ngán… Nhưng bữa nay thì hết rồi! Hết tất cả
những ngày nằm dài trong căn phòng quá tĩnh mịch, quá rộng lớn, đồng thời hết
luôn cả cơn ác mộng dưới đáy hầm đá tối đen như mực, chỉ có đá lạnh với nước chảy
róc rách như đếm nhịp thời gian.
Minh Lệ giang đôi cánh tay
gầy xanh dưới nắng ấm. Bầu trời xanh, nhìn qua kẽ lá, trông như một thảm dệt
khéo tay. Những con chim se sẻ chí chóe tranh mồi, chốc chốc lại tung cánh vút
qua thật nhanh như mũi tên. Những con bướm muôn màu chập chờn bay lượn, hạ đôi
cánh to và tròn xuống giống hệt cái “vó te” (một loại lưới nhỏ mắt, bé bằng nửa
cái mặt bàn) trong những ngày xưa xa xôi lắm, cô gái nhỏ tên Minh Lệ vẫn thường
thả xuống những vũng nước nông. Và rồi những bát cơm gạo đỏ trộn với cá tép dầu
kho đậm muối với nước tương đậu nành, trong mái nhà lụp xụp tại làng xưa thôn
cũ.
Đôi hàng mi dài hạ xuống che
kín đôi mắt đen, như một bức mành mỏng ngăn cách, phân biệt hẳn hiện tại với
ngày xưa.
Minh Lệ lại thấy hiện ra trong
trí nhớ một chiếc thuyền câu cũ kỹ, gỗ đã bạc màu, ngồi trên là một ngư ông
bình thản buông cần chờ đợi. Mặc cho sông nước dập dềnh đưa đẩy thuyền con tới
đâu thì tới, trên mặt hồ bát ngát mênh mông.
Xa xa, ngọn núi lửa nguội
tắt đã từ mấy trăm năm, sườn núi đỏ quạch như còn cố vươn lên cái đỉnh ngọn cao
chớn chở màu trắng xám. Ngọn núi hùng vĩ như có ý ngăn cấm loài người tới gần
bằng cách trải đầy dưới chân một vùng bãi um tùm lau sậy và nứa ngộ, tre rừng.
Giữa khu rừng tre nứa đó là
thôn Xung Hà.
Cô bé bất giác thở ra một
hơi dài nhè nhẹ. Bao giờ? Biết bao giờ mới có dịp trở lại thôn Xung Hà? Cha
nuôi cũng đã hứa một ngày nào đó, có dịp thuận tiện, sẽ đưa em về thăm làng cũ
chốn xưa. Trời! Lúc đó chắc là sung sướng lắm!... À, nhưng phải không có mặt
tên “chủ tịch” ở đó mới được! Cô bé khẽ rùng mình, – tên chủ tịch, vị hung thần hiện đang nắm giữ vận
mạng Minh Lệ trong bàn tay lông lá. Tên chủ tịch đang nắm giữ lời em thề
nguyện, lời em bị bắt buộc phải hứa mà em tin chắc là không thể nào thi hành
nổi.
Hai năm, thấm thoát đã hai
năm. Hai năm kể cũng mau thật mà nghĩ lại, lại thấy dài lâu. Cuộc đời yên ấm an
vui thì hai năm chỉ bằng hai tháng. Nhưng với một lời hứa…, hai năm lại được kể
là lâu. Với thời gian mòn mỏi, lời hứa, ngay đến cả một lời thề cũng phải theo
tháng ngày mà loãng dần đi chứ. Trong đầu óc non nớt của cô bé Trung Hoa bừng
lên niềm hy vọng : Lão “chủ tịch” đã quên lời em hứa và hắn thôi rồi không còn
nghĩ đến nữa. Hai năm rồi kia mà! Ồ, nếu lão đã quên hẳn rồi thì thích quá! Cha
nuôi em sẽ đưa em về làng cũ, thăm viếng chốn xưa. Em lại được trông thấy tận
mắt, sờ tận tay cái thôn làng bé nhỏ xác xơ, những mái lều tiều tụy nắng mưa
dầu dãi, mặt hồ nước trong leo lẻo lúc nào cũng xanh như da trời biêng biếc.
Trên những cánh phên làm liếp che cửa, những cuộn len cắt ở lông cừu ra, se lại
rồi nhuộm đủ màu : Đỏ, xanh, đen. Rồi những cái guồng kéo sợi làm bằng tre thô
sơ, khi quay quay phát ra những âm thanh kẽo kẹt, kẽo kẹt…
Thôn Xung Hà… dưới chân ngọn
Bạch-Hỏa-Sơn.
Thôn Xung Hà, nơi Minh Lệ
chôn rau cắt rốn, ra đời và lớn lên giữa đám gia súc : chó dê đông nhung nhúc,
và những đứa trẻ khác cùng trang lứa. Với những trẻ đó, em đã nô giỡn, đánh bi
đánh đáo trên bãi đất phẳng cứng màu đen xám. Cứ mỗi trận gió lướt qua lại hốt
lên một đám bụi mù phả vào mặt, vào mắt, mũi, khiến tụi bé con, áo không đủ ấm,
cứ phải chạy xúm lại với nhau, hai tay che mặt né cát, rú lên cười sằng sặc,
bất chấp cả làn gió đông cứa thịt cắt da. Bốn chung quanh làng là rừng cây xanh
ngắt. Rừng xanh xoải dài vô tận như một con quái vật khổng lồ hả miệng nuốt dần
cái thôn làng bé nhỏ cũng như đã nuốt gần hết ngôi đền có tới gần trăm bậc đá
phủ rêu xanh. Sát cạnh ngôi đền đã có từ hàng ngàn năm đó, là một mái nhà thờ,
tường quét vôi trắng xóa như màu muối. Đức Mẹ Đồng Trinh! Trong ngôi nhà thờ
trắng đó, ngự tọa Đức Mẹ Đồng Trinh. Trời! Minh Lệ mến yêu Đức Mẹ Đồng Trinh
không biết chừng nào. Cô bé chỉ thích ngắm nét cười hồn nhiên như nụ cười con
nít trĩu nặng thương yêu trên môi Đức Mẹ. Trong tay người, một bó huệ vàng và một
cành hồng điểm hạt trai lóng lánh. Buổi tối trước ngày rời bỏ quê hương, cô bé
Minh Lệ đã quỳ xuống đặt dưới chân Đức Mẹ một bó hoa huệ trắng em hái trên bờ
giếng. Giếng! Chữ "giếng” hiện ra trong ký ức chợt khiến cô bé rùng mình. Toàn
thân Minh Lệ run lên bần bật như một người đang đứng trước một phong cảnh đẹp
rực rỡ mà đột nhiên mặt trời lại biến đâu mất hút.
Cái giếng!... Phải rồi, cái
giếng đó! Từ thuở biết chạy đi chơi, cô bé vẫn thường nhẩy nhót, cười đùa bên
bờ cái giếng đó. Em còn liệng cả đá sỏi xuống mặt nước tù hãm đục ngầu của nó
nữa mà. Có sao đâu…
Chỉ mãi tới khi có mấy người
lạ ở đâu tới, cô bé mới được nghe sự tích ghê gớm của cái giếng ấy. Ngày xưa,
lâu lắm rồi, có đến hàng mấy ngàn năm, người ta vẫn liệng xuống cái giếng ấy
những cô gái xinh xinh mặc quần áo đẹp, đeo đầy nữ trang để cúng vị thần linh
quái đản hiện vẫn còn ngự trị trong ngôi đền cổ thềm đá, tường và mái phủ rêu
xanh, kế bên ngôi nhà thờ trắng như màu muối kia.
Trong đám người lạ ngoại
quốc đó, có giáo sư khảo cổ Đặng Thế Châu. Rồi là những cuộc đào xới sưu tầm cổ
vật của giáo sư cùng với mấy người bạn. Phái đoàn khảo cổ đào tìm được nhiều
thứ lắm. Và cũng từ ngày đó, tên “chủ tịch” người địa phương xuất hiện. Gã lén
lút đi từ nhà nọ tới nhà kia rỉ vào tai mọi người tên vị thần linh huyền bí,
gieo rắc vào tâm não mọi người sự kinh hãi, lòng ham muốn cũng như óc căm thù.
Minh Lệ quằn quại, trăn trở
cái đầu nóng bỏng vì những tư tưởng nặng nề đang chất chứa bên trong. Em có ý
muốn dồn tất cả những ý nghĩ nhức buốt ấy vào trong một hốc kẹt nào đó, quên
hẳn đi, để chỉ nhớ rằng : hiện tại em đang sống tại Việt Nam, tại Tùng Lâm,
phong cảnh nên thơ, khí hậu cũng như con người thật hiền hòa, trong một tòa
biệt thự rộng lớn khang trang có cái tên là Bạch Tuyết với những bức tường vôi
trắng. Không bao giờ, thật không bao giờ, cái đầu óc non nớt của cô bé 11 tuổi
lại có thể cho rằng thế giới lại khác lạ, lại rộng lớn đến như vậy được. Và
cũng không phải mới hai năm, mà là từ lâu lắm rồi… hàng mấy chục năm, mấy trăm
năm rồi mới biến đổi được một cô bé man dại, tóc bím đuôi sam, áo một manh,
quần một mảnh, rách nát tả tơi, cơm ăn không đủ no, nước uống chẳng đỡ khát,
thành một cô nhỏ xinh tươi, áo quần tơ lụa, mặc đẹp, ăn toàn đồ bổ dưỡng, thông
minh đĩnh ngộ, con gái cưng chiều độc nhất của nhà thông thái họ Đặng tên Thế
Châu.
Giáo sư Châu còn cho em một
quả cầu tròn mà ông giảng giải cho biết đó là quả địa cầu hiện con người đang
ở. Ông chỉ cho em đâu là nước Việt Nam, chỗ nào là biển cả, chỗ nào là nước Ai
Cập, Hy Lạp, Ba Tư, Ấn Độ, Mỹ Châu và… Đài Loan, hòn đảo có quê hương xứ sở của
em nữa. Minh Lệ mơ màng đến một ngày kia em khôn lớn, sẽ theo cha nuôi đi khắp
nơi trên mặt địa cầu để săn sóc ông, hầu hạ ông, chăm lo cho ông từng miếng ăn
giấc ngủ, không để ông phải lam lũ vất vả như hai năm trước đây trong công cuộc
đào tìm khảo cổ tại thôn Xung Hà nữa. Hồi này cha nuôi đã có vẻ già yếu, tóc đã
bạc trắng cả. Không thể để ông quá mê say trong công việc mà cứ gặp cái gì ăn
cái đó, gặp chỗ nào ngả lưng được là ngủ luôn tại đó. Chỉ trừ khi về đến biệt
thự Bạch Tuyết là mới thấy ông ăn ra bữa và ngủ có giờ có giấc đàng hoàng. Cha
nuôi hiền lành đức độ như vậy, có xả thân để trả nghĩa đền ơn ông âu cũng là
một lẽ tự nhiên.
Từ khi đặt đôi chân nhỏ bé
lên phần đất Việt Nam,
Minh Lệ có được một cảm giác an ninh lạ thường. Giáo sư Châu cũng cho em nán
lại Saigon một thời gian. Ôi chao! Cái “làng
thôn” gì mà to lớn quá thế! Người đông lúc nhúc, chen chân không lọt, xe cộ vùn
vụt lại qua như mắc cửi. Em ngỡ ngàng run sợ như một con cá con đang tung tăng
nơi biển hồ mênh mông bát ngát ở Xung Hà, nay bỗng nhiên bị thả chung với muôn
triệu con cá khác, to lớn hơn nhiều, trong một vũng nước vẩn bùn ngầu đục.
Nhưng một con cá lúc nhúc
lẫn lộn với muôn ngàn con cá khác, dễ gì phân biệt, dễ gì bị theo dõi… Minh Lệ
cảm thấy được an ninh cũng là nhờ thế.
Rồi về đến Tùng Nghĩa, đồng
quê thoáng đãng vắng người, nhưng em vẫn cảm thấy được an tâm. Đã hai năm rồi,
thời gian lặng lẽ êm trôi trong cảnh đời sung túc. Cô bé thường vui mừng tự nhủ
: “Có lẽ tên chủ tịch đã quên mình rồi”. Và em sẽ còn được sung sướng mãi mãi
trong cái lâu đài Bạch Tuyết này với những “người bạn” yêu quý em hết lòng. Bác
Hai Lũy lỗ mãng nhưng chất phác thật thà, hai con chó lài cao lớn như hai con
bê và con chó nhỏ tên Phích lúc nào cũng quấn quít bên cô tiểu chủ.
Minh Lệ lật mình nằm ngửa,
dựa đầu trên làn gối êm. Dĩ vãng đã trôi vào dĩ vãng. Ngày hôm nay em sốt ruột
đợi chờ người bạn mới. Em quay hẳn đầu, tia mắt dán chặt nơi phía cổng ra vào.
Quả nhiên, có tiếng chuông
xe đạp kính coong, kính coong ngoài đường cái. Minh Lệ tụt người xuống khỏi ghế
xích đu. Giơ tay nắm chắc một chiếc gậy lớn bằng song, em chầm chậm đặt bước
lần xuống mấy bậc thềm, tiến dần ra phía cổng.
Giọng trong vắt như tiếng
chim sơn ca của cô bé vang lên, đồng thời một bàn tay vẫy rối rít:
- A! Chị! Chị Mai! Em chờ
chị mãi đó!
Để cô bé đỡ phải di chuyển
nhiều đau chân, Tú Mai chạy nhanh tới:
- Thế nào? Em khỏi hẳn rồi
chứ?
- Dạ, còn hơi tập tễnh chút
xíu thôi chị à!
Cô gái đưa tay đỡ Minh Lệ,
dắt tới bên ghế xích đu:
- Em cố kiêng cữ, đừng đi
nhiều, nghe!
Cô bé Trung Hoa nở một nụ
cười rất xinh, nhìn Tú Mai tỏ vẻ biết ơn. Minh Lệ hay có cái lối cười đột ngột
như thế.
- Trong khi em đau ốm miên
man, chị hay đến thăm em lắm, phải không hả chị? Ba và cô em kể chuyện lại em
mới biết đấy!
- Có thế! Minh Lệ nói sảng
nói mê luôn miệng nên không nhận được ra chị kia mà!
- Đúng đấy chị ạ! Em sốt quá
nên chẳng biết gì hết. Thế hôm nay chị có ở lại chơi với em lâu không hả chị?
Giọng nói cô bé đượm vẻ lo
âu.
- Lâu chứ! Chị ở chơi với em
suốt buổi chiều nay, chịu không?
Minh Lệ vỗ tay reo mừng.
Giọng nói của em vui sướng nghe thật dễ thương:
- Tối mịt chị mới được về đó
nghe!
- Ừ, tối mịt chị mới về.
- À, anh gì đâu? Sao chị
không dắt anh ấy tới đây chơi?
- Anh Phan phải ở lại trong
trường sửa soạn thi lên lớp đó em.
- Tên anh ấy là Phan hả chị?
À, khi chị cứu em trong hang đá anh Phan cũng cùng đi với chị phải không?
- Chính anh Phan đã trông
thấy em trước nhất đấy!
- À, anh Phan trông thấy em
trước nhất. Thế rồi chị đã giúp anh ấy một tay khiêng em ra khỏi cái hang hầm
ghê rợn đó?
- Hang đá đẹp thế sao em lại
bảo là ghê rợn? Anh Phan và chị bất ngờ khám phá được nên thích lắm. Chị định
lấy chữ “Minh Lệ” đặt tên cho nó đấy.
- Sao lạ thế, chị? Hang đá
mà cũng phải đặt tên?
- Đúng vậy đó, em! Nhiều
lắm! Dưới đó nhiều hang xiên ngang chạy dọc như mạng nhện. Nếu không đặt tên
làm sao mà phân biệt được hang này với hang khác? Đường hang nọ tiếp nối hang
kia, quẹo phải, rẽ trái chập chùng ngoắt ngoéo như đường đi trong thành phố vậy
đó. Đẹp không thể tả được! Thế ba em chưa đưa em vào xem trong đó bao giờ sao?
Miệng cất tiếng hỏi mà trong
lòng Tú Mai cảm thấy ngạc nhiên vô cùng. Những hang động ngầm dưới đất tại vùng
này đã nổi tiếng là danh lam thắng cảnh. Du khách nào tới đây cũng chỉ có một
mục đích vào trong đó xem tận mắt tác phẩm tuyệt vời của thiên nhiên. Vậy mà…
- Ba và cô em về ở đây chưa
được lâu lắm. Phần lại bận rộn tu sửa nhà cửa, sơn phết kê dọn đồ đạc đủ thứ
nên chưa có lúc nào thong thả mà đi chơi được chị ạ! Đến ra khỏi khu vườn này
em cũng còn chưa ra nữa mà. Nói chi…
Chưa ra khỏi khu vườn này!
Tú Mai ghi nhớ ngay cái chi tiết “chưa bước chân ra khỏi khu vườn” của Minh Lệ.
và em thầm phân tích “như vậy thì không thể bảo là cô bé đã tự tay hoặc là đã
giúp người lạ mặt kia vẽ những hình thù quái gở đó!”
Rồi em vui vẻ nói chuyện:
- Để bữa nào em khỏe hẳn chị
sẽ xin phép ba và cô dẫn em đi xem. Minh Lệ biết không? Cách đây chừng bốn cây
số có một cái hang thạch nhũ còn đẹp hơn nhiều nữa. Chưa được như động thạch
nhũ của vịnh Hạ Long ngoài Bắc đâu, nhưng cũng đã đẹp vô ngần rồi Minh Lệ à.
Lối vào cửa hang tròn vành vạnh như cái nong, bước xuống mát rười rượi. Rồi là
tới một cái… giếng vẫn gọi là giếng Tiên, nước uống ngọt…
Đột nhiên cô bé khẽ rú lên,
ngắt lời Tú Mai:
- Ý! Giếng!... Có cả giếng
nữa! Trời ơi!
Tia nhìn sáng rực, đôi mắt
Minh Lệ trợn tròn:
- Ối! Không, không! Chịu
thôi! Em không đi đâu! Em sợ lắm! Mon men đến bờ em cũng còn không dám, huống
hồ…
Tú Mai bật cười vui:
- Minh Lệ nhát quá! Có gì
đáng sợ đâu nào! Chung quanh bờ giếng người ta quây hàng rào kiên cố lắm, có gì
mà lo chứ! Rồi lại có cả thang sắt để trèo xuống, leo lên. Đèn điện trong đó
sáng trưng hà!
Cô bé vẫn chưa hết run, luôn
miệng lải nhải:
- Ối, không! Em nhất định
không đi đâu! Không đi coi đâu!
Cô gái thương hại:
- Tội nghiệp Minh Lệ! Em vẫn
chưa quên được cái tai nạn ngã gẫy chân trong đường hầm bữa nọ – chợt thấy trán
cô bé tươm đẫm mồ hôi – em nực lắm hả, Minh Lệ? Thế sao không mở khuy áo cổ ra
cho mát?
Cô bé khẽ giật mình, đưa
tay… cài nốt chiếc khuy cổ, luống cuống:
- À… không chị ạ! Em… lại
thích trời nóng kia chứ!
Tú Mai có dụng ý gợi cho
Minh Lệ nói chuyện về con rắn lông chim nếu quả thực cô bé biết được một vài
điều gì về nó. Khi thấy Minh Lệ đưa tay gài kín khuy cổ áo, em cụt hết hy vọng.
Nhưng trong trí óc, Tú Mai vẫn loay hoay tìm cách…
Cô bé đã bình tĩnh, hai tay
nắm bàn tay Tú Mai thỉnh thoảng lại bóp nhè nhẹ. Cử chỉ ấy bao hàm ý nghĩ hân
hoan thầm kín khi có được một người bạn lớn hơn ở bên cạnh. Tú Mai cũng biết
thế. Em nhìn cô bé ốm đau, mỉm cười âu yếm. Một lúc sau, cô gái giơ tay chỉ ra
vườn hoa:
- Bác làm vườn nhà Minh Lệ
giỏi quá. Cỏ và hoa ở đây đẹp ghê. Em nên nhớ rằng trong vùng ta, về mùa này,
nước hiếm lắm à nghe!
- Nhà em có cái bể chứa nước
lớn lắm, chị Mai! Chiều nào bác Hai Lũy cũng tưới cây đó chị! Chị thấy hoa đẹp
không?
- Đẹp! Hèn chi Minh Lệ không
cần đi ra ngoài là phải!... À, em đã thấy những con vật?...
Minh Lệ láu táu:
- Thiếu gì chị! Ve sầu, rắn
mối, chim chóc đủ thứ, đôi khi lại có cả thỏ rừng lạng quạng lạc vào đây nữa đó
chị.
- Không, chị không nói những
con vật sống ấy đâu. Mà chị muốn nói về… mấy cái hình vẽ con vật kỳ dị đó kìa.
Giọng nói của Minh Lệ chợt
trầm hẳn xuống:
- Hình vẽ con gì hả chị Mai?
Cô gái nhè nhẹ lắc đầu:
- Chị cũng không biết nữa…
con gì đó kỳ lắm… nửa rắn nửa chim.
Minh Lệ chợt vật người nằm
rụt đầu vào mấy cái gối êm. Làn da mặt vốn hồng hào của em đột nhiên xám ngoét.
Đôi môi cô bé khô rang, lắp bắp:
- Ý! Linh Thần Địa Chấn
Phong Ba!
Tú Mai mừng khấp khởi:
- Minh Lệ biết con vật đó
hả? Em vừa nói tên nó đó phải không?
Cô bé không còn hơi sức đâu
trả lời vào câu bạn hỏi nữa. Vẻ mệt mỏi đau yếu rã rời của Minh Lệ khiến Tú Mai
sợ hãi vô cùng. Cô gái cúi xuống đưa hai bàn tay xoa đôi má nhợt nhạt như có ý
làm cho nó được ửng hồng lên một chút.
Tiếng nói Tú Mai run run
khắc khoải:
- Em làm sao thế, Minh Lệ?
Chị chạy đi gọi người cho em nhé!
Cô bé chợt mở to đôi mắt:
- Ấy, đừng gọi… chị! Em
choáng váng chút xíu thôi mà!
Cô gái tự trách thầm : “Mình
dại quá! Làm Minh Lệ bị xúc động ghê gớm… A, vậy là rõ ràng cô bé này có biết
một cái gì rồi. Thật mình vụng về quá! Bây giờ có cạy răng Minh Lệ cũng không
nói cho biết nữa…”
Lịm người đi rất nhanh mà
khi hồi tỉnh cũng mau chóng, cô bé đã lấy lại được vẻ mặt bình thản tự nhiên.
Duy chỉ có tiếng nói là chìm hẳn xuống, thì thào:
- Hình vẽ đó ở đâu hả chị?
- Quanh quẩn gần đây thôi!
Trên trụ cổng ngoài vườn kia cũng có kìa.
Minh Lệ ngẩng đầu, hất cằm
về phía hàng rào:
- Kia đó hả chị?
- Đúng đó em! Em muốn ra coi
không?
Cô bé chợt quay nhìn đi nơi
khác:
- Thôi, để khi khác chị ạ,
vội gì! Cũng chỉ là cái hình vẽ thôi mà! Con vật thật xem mới thích hơn chứ!
Ngoài miệng nói tỉnh như
thế, nhưng nếu Tú Mai tinh mắt hơn chút nữa, chắc hẳn đã nhận thấy khóe môi của
cô bé đang run lên nhè nhẹ. Nhưng Minh Lệ vẫn gắng gượng mỉm cười. Tú Mai lợi
dụng ngay cơ hội:
- Thế theo em thì hình vẽ ấy
có nghĩa gì?
Tia nhìn cô bé Trung Hoa
lướt qua khuôn mặt bạn rồi hướng lên cao, cao tít tận chín tầng mây trắng:
- Chưa nhìn kỹ tận mắt làm
sao em biết được mà nói, hả chị?
- Chị đỡ em ra coi nghe!
Minh Lệ lắc đầu:
- Thôi, chị ạ! Để lúc khác,
vội gì?
Giọng nói cô bé có vẻ cương
quyết. Tú Mai biết thế nên cũng không ép nữa.
Trong lòng lo ngại vẩn vơ,
Tú Mai đưa mắt nhìn quanh một vòng. Cũng như khi mới bước chân đến, quang cảnh
vẫn không có gì thay đổi : nắng trong vườn vẫn đẹp, ve sầu vẫn kêu ra rả tấu
khúc nhạc mùa hè từ bao giờ đến giờ vẫn vậy. Nhưng cô gái lại cảm thấy một cái
gì… là lạ. Ngoài kia, trên trụ cổng, dấu hiệu quái vật “đầu rắn mình chim” tác
động như một lá ngải bùa thần bí. Hình vẽ nhỏ nhít chẳng nghĩa lý gì, nhưng
hình như có đôi cánh khổng lồ che khuất được cả nắng đẹp khiến cảnh vật trở
thành tăm tối âm u.
Minh Lệ vẫn lặng im không
nói một tiếng. Tú Mai khẽ đứng lên:
- Thôi chị về nhé! Minh Lệ
buồn ngủ rồi!
Dứt lời cô gái xoay mình.
Chưa được một bước, Minh Lệ đã chồm ngay dậy, níu chặt cánh tay bạn:
- Chị cần về lắm hả? Vậy chị
hứa với em là sẽ tới nữa đi, chị!
- Em muốn chị đến nữa?
- Dạ! Chị còn phải hỏi!
- Được rồi! vậy bây giờ Minh
Lệ nằm nghỉ đi, rồi chị sẽ tới nữa!
Ra tới cổng vườn, Tú mai khẽ
quay mặt lại. Minh Lệ chong mắt nhìn theo. Tia nhìn ngây dại như ánh mắt một
con thú rừng bị săn đuổi, đang loay hoay tìm đường chạy trốn. Tú Mai cảm thấy
bất nhẫn, đã định trở vào hỏi cho ra điều bí mật đang ám ảnh cô bé, khuyến khích
cô bé kể lể hết nỗi niềm để rồi em sẽ tìm cách giúp đỡ. Nhưng nghĩ kỹ, Tú Mai
lại cắm cúi đi thẳng. Lý do : em ngại Vũ Phan biết được chuyện này sẽ chế em là
chỉ giàu óc tưởng tượng, mơ màng toàn những chuyện ghê gớm không đâu.
- Ừ, kể thì mình cũng hay lo
lắng hão huyền! Minh Lệ ở đây có giáo sư Châu, rồi lại bà cô, bác Hai Lũy lực
lưỡng khỏe mạnh, chưa kể hai con chó lài cao lớn như hai con bê, dữ tợn như cọp
ấy, phỏng còn sợ hãi cái gì nữa chứ!
Tú Mai đạp xe thoăn thoắt
lao xuống chân đồi. Trong đầu óc em chỉ vang vang một câu mong đợi “Anh Phan
mãi chẳng về, giải tỏa cho mình những điều nghi vấn này. Bực quá, thời gian gì
mà đi chậm như rùa bò. Ngày mai, ngày mai hoài, lâu quá!”
Tâm lý chung của các cô nữ
sinh trẻ tuổi… mà cũng là hầu hết của tất cả những người thiếu niên : Không bao
giờ trí óc họ vương vấn đến hai chữ “hôm qua”. Trái hẳn thế, lúc nào họ cũng
chỉ nghĩ : “ngày mai, ngày mai”…
*
Minh Lệ ngồi thừ người trên
mép giường, tia mắt lơ đãng ngắm nhìn những lỗ chạm trổ hình trái tim trên bậu
cửa sổ cao. Đêm không trăng, nếu có, ánh trăng đã lọt qua mấy cái lỗ đục đó,
chiếu sáng căn phòng em ngủ. Nhiều đêm, Minh Lệ đã được ngắm cảnh vật trong biệt
thự Bạch Tuyết dưới ánh trăng lấp lánh như bạc. Cô bé lần bước ra tới khuôn cửa
sổ, đưa tay mở cái móc sắt, đẩy hai cánh nhè nhẹ để khỏi làm kinh động tới mọi
người.
Đúng như em dự đoán : Bầu
trời chỉ có toàn sao nhỏ li ti, ở xa tít nên không thấy ngôi nào lấp lánh. Da
trời xanh thẫm, trong như một hồ nước thật sâu, dưới đáy rải toàn cuội sáng
trắng. Ngẩng đầu nhìn lên cao mãi, Minh Lệ cảm thấy mắt hoa đầu váng, nên vội
vàng cúi xuống nhìn lối đi trải sỏi trong vườn dưới chân cửa sổ. Tâm không định
mà Minh Lệ đưa mắt ước lượng khoảng cách từ thành cửa sổ tới mặt đất. Bất giác
em lắc đầu lẩm bẩm:
- Cao quá, không nhẩy được,
chân mình chưa khỏi hẳn, còn yếu quá!
Thả một cái ghế dựa xuống,
chiều cao giảm bớt được một nửa. Phút sau, không mệt nhọc gì cho lắm, Minh Lệ
đã đứng trên lối đi. Kể từ lúc nghe Tú Mai tả hình dạng con quái vật vẽ trên
trụ cửa vườn, em biết ngay là tai họa đã đến : tên “chủ tịch” đã có mặt tại đây
rồi. Y đã tìm đến nơi để đòi hỏi em thi hành công việc em đã hứa. Cô bé khốn
khổ run lên khi nhớ lại câu nói của lão “chủ tịch” thôn Xung Hà:
- “Khi nào xuất hiện dấu
hiệu “Rắn thần họ Lý” tức là ta đã tới nơi rồi đó, nghe chưa!”
Vậy thì gã sang Việt Nam, mò đến đây
từ hồi nào? Và hắn đã rình rập, chờ đợi bao lâu cái khoanh tròn chung quanh con
rắn thần họ Lý, do chính bàn tay Minh lệ vẽ thêm để chứng tỏ là em đã biết hắn
đến và em sẵn sàng tuân lệnh hắn, thi hành công tác mật. Chắc hẳn ngày nào hắn
cũng ẩn mình sau đám cây rậm nơi hàng rào quanh vườn biệt thự Bạch Tuyết, chờ
đợi “dấu hiệu nhận nhau” mà hắn càng mong lại càng mất. Và mỗi ngày, cơn phẫn
nộ trong lòng hắn mỗi gia tăng… Nhưng liệu tên “chủ tịch” có biết chăng là Minh
Lệ bị đau ốm liệt giường không bước nổi một bước chân?... Có thể, có thể là hắn
đã biết nên mới im lặng đợi chờ, ẩn kín một chỗ, thu mình như một con nhện lông
lá chờ đợi con mồi, và con mồi Minh Lệ dĩ nhiên là không thể nào lẩn trốn mãi
được.
Cô bé lần mò ra tới trụ cổng
ngoài. Đột nhiên, một cái gì mềm nhũn, lạnh ngắt, lướt cọ vào mắt cá chân, Minh
Lệ suýt kêu thét lên nếu không đưa tay lên bịt miệng kịp. Thì ra, con Phốc, mẹ
con chó Phích của em, đang đi “tuần tiễu” trong vườn chợt thấy bóng người liền
đuổi theo, tới gần, đánh hơi xem quen hay lạ. Cô bé nắm chặt “cổ dề” bằng da,
dắt con chó khôn đi theo ra phía ngoài cổng.
Minh Lệ nhấc cái tay cầm sợi
dây chuông. Trong bóng tối, mấy ngón tay non nớt của em xoa xoa lên mặt lớp hồ
tô, sờ thấy rõ ràng nét vẽ hằn sâu trên mặt vôi trắng cứng. Cúi sát tận nơi, cô
bé cũng không thể nhìn thấy được gì. Đêm đã không trăng, trời tối như đêm ba
mươi Tết, lại thêm cây long não, tàn lá vừa lớn vừa rậm chùm lên nữa khiến bóng
đen lại càng dầy đặc. May mà trong túi Minh Lệ lại có bao quẹt. Em khẽ quát con
chó:
- Xê ra, Phốc! Ngồi đó,
không được sủa ầm lên, nghe!
Lửa quẹt lóe lên, vươn dài
ra, tắt ngấm ngay vì có gió tạt mạnh. Nhưng, ánh lửa dài cũng đã đủ soi sáng
cái hình vẽ con quái vật đầu rắn lông chim, con “rắn thần họ Lý”. Cô bé run rẩy
vì cái lạnh của ban đêm thì ít mà lẩy bẩy vì cái lạnh do hãi sợ trong lòng thì
nhiều. Toàn thân giá buốt, Minh Lệ thầm khấn nguyện Đức Mẹ Đồng Trinh ban phép
nhiệm mầu biến cái hình vẽ quái đản kia thành một cái hình vuông, tam giác, chữ
nhật hoặc hình thang hay bất cứ một hình gì cũng được, miễn là… hoàn toàn vô
nghĩa thì thôi.
Từ phía rừng cây um tùm gần
đó khẽ vang ra một tiếng cành khô gẫy kêu lắc rắc. Một con chim ăn đêm rời chỗ
hay một con thú rừng rón rén rình mồi trong đêm tối? Có lẽ thế! Nhưng trong đầu
óc nóng bỏng của cô bé lại chợt vang lên một câu ghê gớm:
- “Lão chủ tịch!”
Toàn thân như bị dội một gáo
nước lạnh, nổi da gà, quên hẳn cái chân đau đớn, Minh Lệ lao người chạy một
mạch tới bên cái ghế dựng dưới chân cửa sổ. dừng lại mấy giây để thở, cô bé thoăn
thoắt leo lên, nhẩy mạnh vào căn phòng ấm cúng, chăn nệm tinh tươm, bốn bên
tường xây kín mít, an ninh chắc chắn vô cùng. Cô bé rúm người ngồi thừ trên mặt
nệm trắng. Đầu con chó Phốc đặt êm lên đầu gối tiểu chủ. Minh Lệ ôm đầu con
nghĩa khuyển ghì chặt vào mình. Thái độ và cử chỉ bình tĩnh của con vật khôn
ngoan khiến cô bé cảm thấy trong lòng ấm hẳn lại, và em tự nhủ:
- Chắc không phải đâu! Nếu
đúng là gã thì con Phốc đã gầm gừ sục sạo dữ lắm rồi chứ!
Nhắc cái ghế dựa đem vào,
đóng chặt hai cánh cửa sổ xong, Minh Lệ nằm vật xuống giường. Đêm không lạnh
lắm mà em rét run cầm cập. Những tưởng đã quên được mọi điều buồn khổ từ hai
năm qua : nét mặt hung ác của người cậu tên Hà Bỉ Bảo, đôi mắt nham hiểm của
người mợ tên Bạch Lệ Chi. Rồi lại cả khuôn mặt mấy đứa anh họ, chị họ, con của
cậu mợ. Chúng nó thật dễ thương, vẫn chia sớt với em từng bát cơm gạo đỏ trộn
toàn ngô khoai ăn với cá tép dầu kho nước tương đậu nành bùi thơm béo ngậy.
Quá khứ… như một cuốn phim
dài quay lại, thật chậm, những nét trắng đen nổi bật như mới xẩy ra ngày hôm
qua.
Minh lệ nằm dài trên tấm
chăn len, úp sấp thân mình, gục mặt vào đôi cánh tay xếp lại ngang đầu như
người say ngủ.
Sự thực, tuy thân xác nằm
đó, thần trí em lại đã lọt ra khỏi khu vườn biệt thự Bạch Tuyết, chơi vơi vút
bổng, bất chấp cả không gian lẫn thời gian, bay về… thôn Xung Hà, chốn xưa, nơi
quê cũ, khi ba năm về trước, Minh Lệ mới lên tám tuổi.
__________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG V