Thứ Năm, 23 tháng 3, 2017

Thiếu Nhi Trên Đường Cải Tiến

Một cái tết buồn tẻ đã qua đi, trước ngưỡng cửa của năm mới, dẫu thế nào, Thiếu Nhi cũng tự đặt cho mình trước một niềm hy vọng mới. Hy vọng rằng mọi khó khăn chật vật của năm cũ sẽ qua đi, tình hình sách báo Thiếu Nhi, sẽ cải thiện hơn, giới phụ huynh và giáo chức quan tâm tích cực hơn về vấn đề nhu cầu tinh thần của giới trẻ, để từ đó, Thiếu Nhi sẽ có cơ hội tự đứng vững và vươn lên.

Trong niềm hy vọng đó, tòa soạn đã gặp gỡ, thảo luận để nghiên cứu cho Thiếu Nhi một hình thức mới, một nội dung mới, quyết dứt bỏ mọi khó khăn lệ thuộc đã tạo cho Thiếu Nhi một khoảng thời gian dài trì trệ, thoi thóp từ hơn một năm qua.

1) Về mặt hình thức, sau 10 số báo trắc nghiệm thu lại khổ nhỏ, tòa soạn nhận thấy Thiếu Nhi không đáp ứng được nhu cầu của một tờ báo cho tuổi trẻ trong thời đại mới. Với khổ nhỏ, tờ báo không có cơ hội trình bầy những hình vẽ rất cần thiết, đi kèm theo các bài sưu tầm, khảo cứu; nhu cầu giải trí, vui tươi, linh hoạt cũng vì trang báo chật mà bị tiết giảm hay hạn chế đi. Mặt khác, ở vào thời đại mà kỹ thuật ấn loát đã tiến bộ tinh vi, một tờ báo dành cho tuổi trẻ hơn bất cứ loại báo nào khác rất cần sự hỗ trợ kỹ thật ấy để làm cho hình thức trở nên tươi sáng, rõ ràng, sắc sảo hơn. Vì vậy kỹ thuật ấn loát Typo sử dụng những bản kẽm thông thường không thể nào đáp ứng được tính chất rõ ràng, sáng sủa của tờ báo cần nhiều hình ảnh, minh họa.

Mặt khác, vì lý do tài chánh eo hẹp, trong hơn một năm qua, như độc giả đã thấy, tờ báo đã xuất hiện một cách thất thường. Thất thường không phải vì lầm lỗi ở kỹ thuật ấn loát, cũng không phải vì thiếu thốn bài vở hay sự chậm trễ của các cây bút cộng tác, nhưng chính vì túi tiền của ban quản lý. Thành thực mà nói, trong suốt hơn một năm qua, tòa soạn Thiếu Nhi đã sống trong một hoàn cảnh vô cùng chật vật, chạy từng rame giấy, khất nợ từng bản kẽm, ấn công thoi thóp cầm hơi theo sự thoi thóp của tờ báo. Nhiều khi dàn chữ đã sắp xếp thành trang, lên khuôn sẵn sàng trên máy, nhưng giấy chạy chưa ra đành phải gác đó dăm bẩy bữa để chờ đợi. Ban quản lý lúc đó phải hụt hơi đắp chỗ này, vá chỗ kia, vay mượn lung tung mới xoay nổi vài chục rame giấy, mong báo ra đúng hạn kỳ theo luật định để khỏi phải bị cảnh thu hồi giấy phép ra báo. (Luật định rằng mỗi tuần báo sau 4 tuần lễ không phát hành số kế tiếp sẽ bị coi như tự đình bản).

Sự kiện than lỗ lã hoài với độc giả, chẳng những không giải quyết được gì mà chỉ làm độc giả thêm nhàm tai; Thiếu Nhi không muốn làm công chuyện đó. Chúng tôi chỉ muốn nhấn mạnh một điều, đó là sau gần 4 năm có mặt liên tục, anh chị em trong tòa soạn đã mặc nhiên coi Thiếu Nhi như một đứa con tinh thần, và không một ai nghĩ đến chuyện nó phải đình bản. Cho nên bằng bất cứ giá nào, dù phải chật vật khó khăn trong hoàn cảnh gay go lo toan từng món chi tiêu nhỏ nhặt, mọi người đều đồng ý giữ nó, phải cho nó hiện diện, nhất là trong hoàn cảnh hết sức nghèo nàn của tình trạng báo chí dành cho Thiếu Nhi hiện nay.

Sự kiện báo ra thất thường cũng là một nguyên nhân quan trọng khiến cho độc giả bỏ rơi Thiếu Nhi. Báo ra nửa tháng đã lâu, ra hàng tháng lại càng lâu nữa. Tâm lý Thiếu Nhi là nôn nóng, thích linh hoạt, thích đổi mới luôn luôn. Tờ báo không đáp ứng được nhu cầu đó sẽ tự khoác cho mình một nguyên nhân thất bại.

Cho nên về phần hình thức, kể từ số 138, Thiếu Nhi sẽ đổi khổ, in offset, ra lại hàng tuần. Nhưng có một sự hy sinh đau đớn mà vì tái chánh eo hẹp, tạm thời tòa soạn phải chấp nhận. Đó là trong hình thức mới, Thiếu Nhi phải giới hạn phần lộng lẫy của tấm bìa để tiết giảm chi phí. Tuy nhiên, với khả năng sáng tạo của họa sĩ Vi Vi bạn đọc hãy tin tưởng dù ở phương tiện eo hẹp thế nào, Thiếu Nhi vẫn có một hình thức mỹ thuật trang nhã.

Về phần nội dung, Thiếu Nhi trong số cải tiến cũng sẽ mang một mầu sắc mới.

Trong suốt 4 năm qua, tôn chỉ giải trí và giáo dục mà Thiếu Nhi đã nêu ra từ số ra mắt vẫn được triệt để tôn trọng. Ngoại trừ một vài lỗi lầm nhỏ nhặt khó thể tránh, Thiếu Nhi vẫn luôn luôn tự hào về chủ trương của mình, ngay cả ở những thời kỳ đen tối nhất, có nhiều đề nghị hấp dẫn để lôi cuốn Thiếu Nhi từ bỏ đường lối cố hữu đã cam kết với độc giả và các phụ huynh.

Trong tương lai, Thiếu Nhi vẫn cương quyết duy trì chủ trương đó, bởi Thiếu Nhi luôn luôn quan niệm rằng chỉ vì nhu cầu giáo dục mà Thiếu Nhi mới hiện diện, và anh chị em trong tòa soạn nếu có phải chịu nỗ lực và hy sinh cũng chỉ là vì nhu cầu tinh thần đích thực đó của các em. Nếu từ bỏ đường lối đó, Thiếu Nhi không còn lý do gì để mà tiếp tục nữa.

Tuy nhiên, đường lối thực hiện mục đích giáo dục của Thiếu Nhi, từ 4 năm qua, đã mang một mầu sắc hết sức ôn hòa, và có tính chất tiêu cực. Những vấn đề nóng bỏng của giáo dục, những vấn đề giáo dục ngoài học đường, những khía cạnh giáo dục thực tế trong đời sống của Thanh, Thiếu Nhi… đã xuất hiện thật ít ỏi trên trang báo, đấy là một thiếu sót mà Thiếu Nhi sẽ bổ túc trong những loạt bài vở sẽ xuất hiện trong đợt cải tiến sắp tới.

Nói theo danh từ thời thượng, thì Thiếu Nhi sẽ dấn thân hơn trong lãnh vực giáo dục. Tiếng nói đích thực của Thiếu Nhi sẽ được dõng dạc cất lên, không tránh né, không sợ đụng chạm, không ngại mất mát tình cảm. Thiếu Nhi tự nguyện sẽ trở thành một diễn đàn trung thực của các giới trong lãnh vực giáo dục, từ phụ huynh đến các nhà giáo, từ  giới có thẩm quyền đến các Thanh Thiếu Nhi. Những thắc mắc, những nguyện vọng, những tệ đoan giáo dục cũng như những công trình giáo dục tốt, đều được Thiếu Nhi đề cập đến một cách trung thực, thẳng thắn, và xây dựng trong mục tiêu lành mạnh hóa và phát triển vai trò của giáo dục.

Đây là con đường mà Thiếu Nhi sẽ đi tới. Việc thành hay bại, không đặt thành vấn đề, chuyện chủ yếu là Thiếu Nhi phải đáp ứng vai trò của mình để xứng đáng được mệnh danh là tiếng nói của Thanh Thiếu Nhi. Tất nhiên, một nhóm nhỏ trong tòa soạn khó có thể làm tròn nhiệm vụ của mình, nếu không có sự tiếp tay của độc giả.

Chúng tôi hy vọng rằng, trong chiều hướng của một nội dung mới, tờ báo sẽ là diễn đàn chung của mọi giới, những người thật sự quan tâm đến nhu cầu giáo dục của tuổi trẻ nhất là trong giai đoạn hết sức khẩn thiết của lãnh vực giáo dục hiện nay.

Trong số tới, chúng tôi sẽ xin tường trình tiếp về những tiết mục sẽ xuất hiện trên Thiếu Nhi Số Cải Tiến. Bạn đọc có ý kiến gì đóng góp với tòa soạn, chúng tôi hết sức hoan nghênh.


NHẬT TIẾN  


(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 136, số cuối cùng, ra ngày 15-3-1975)



oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>