Thứ Ba, 21 tháng 3, 2017

Tờ Lịch Nơi Xóm Nhỏ


Bà Phò nằm thao thức trong tuổi già khó ngủ. Bà lắng nghe từng nhịp gõ của chiếc đồng hồ quả lắc treo ở căn phòng khách. Cũng là chỗ kê bộ ngựa cho hai đứa cháu nội gái ngủ tạm. Với tiếng thạch sùng chắc lưỡi, rượt đuổi nhau là tiếng nấc từng chập của A Muối. Con bé không dám khóc to. Mai này con bé phải lên Sàigòn phụ bán ở tiệm cơm của người chú họ. Hẳn con bé sẽ cực hơn hồi ở không đi học, và nhất là nhớ nhà. Chị Bội đổi tính bẳn gắt từ ngày té trặc chân, trong lúc làm phu gánh hồ. Chị không muốn người thân cũng vô công rồi nghề như chị. Lúc còn mạnh khỏe, chị làm quần quật đủ mọi nghề. Bị tai nạn, ngồi một chỗ, chị cảm thấy bức rức làm sao. Ngày qua ngày, chỉ biết trông cho mau tới tháng để anh Vương đem tiền lương về. Tuy không cần nhớ là ngày thứ mấy, nhưng chị nhớ rất rõ ngày thứ ba. Ngày mà những người thuộc xóm lao động này nao nức, xôn xao : ngày xổ số. Chị Bội cũng như họ, trông vào thần tài. Thường thì phần tiền có đi không có về đó khiến các bữa ăn của gia đình chị đạm bạc hơn. Nhưng cần gì, dân lao động vốn quen ăn để mà sống, không phải sống để mà ăn.

Quan niệm đó liên quan đến sự học của a Muối. Con gái mà! Cho nó tập tành buôn bán là vừa. Chị Bội sẽ đỡ 1 miệng ăn. Rồi con gái của chị sẽ có ích hơn là mẹ chồng. Bà thật là vô tích sự. Đôi lúc chị Bội ngẫm nghĩ rồi đâm tội nghiệp mẹ chồng. Bà Phò muốn hoạt động như bất cứ mọi người. Ác thay, đôi chân của bà không cho phép bà đi đứng bình thường. Còn tệ hơn chân đau của chị nữa kia. Chân của chị có ngày sẽ lành lặn. Chân của bà thì tới chết cũng không làm sao sửa đổi được. Chị Bội không có sinh làm con nhà giàu có để phải bó chân theo tục lệ. Nhưng nếu là con cái giới đó ắt chị khỏi phải tha hương tìm sống. Mãi đến khi khôn lớn, lấy chồng, chị Bội vẫn chưa nếm mùi phú quý và nhàn rỗi. Cái thời vàng son của gia đình bên chồng quá ngắn ngủi. Sau ngày cha chồng qua đời, bà Phò chỉ biết ăn dần của cải chồng để lại. Rồi bà tìm dâu, cốt kiếm cháu để bồng. Bà chọn chị Bội. Chị không những giỏi việc, siêng năng, chịu khó, chị lại vừa mồ côi và sống tạm với người cậu họ. Ở đâu cũng hoài cực nhọc, nhưng chị Bội nhận lời bà mối và xin cậu mợ cho theo chồng. Chị bước vào một nhà tù mới từ đó. Nhưng là một nhà tù thong thả và linh động.

Bà mẹ chồng hiền lành, không cay nghiệt với dâu như các bà khác. Bà chỉ có cái tật hay nói và nói dai lắm. Một chuyện phiền phức nhỏ bà có thể rầy liên tục cả ngày. Riết rồi chị Bội đâm ra nhàm, dám rầy ngược lại bà. Anh Vương chớ hề chú ý. Anh biết rằng giữa mẹ và vợ không thể có xích mích xảy ra. Anh Vương chỉ cần vợ lo tròn bổn phận dâu con và nội trợ mà thôi. Trái lại chị Bội giành đi làm hay đi bán thêm. Anh Vương không đồng ý. Lần lữa mãi cũng phải thuận cho chị Bội đi làm. Từ ngày họ có đứa con gái đầu lòng. Rồi một đứa con gái nữa. Bà Phò cưng cháu vô cùng. Bà ôm cháu trum trủm cả ngày. Bà sợ thời gian thương yêu cháu không được lâu. Bà không mong cháu biết đi, chạy nhảy… Nó sẽ không thèm quấn quit bên bà nữa. Bà có muốn rượt cháu cũng khó khăn. Bà xê dịch từng bước như người đi cà khêu. Người ta đi từ nhỏ đến lúc già, chứ bà mới tập đi hồi chồng chết – Lúc bà cho người đày tớ có phận sự dìu bà đi nghỉ việc – Dạo sau này bà đã bỏ gậy để tập bước một mình. Bà bước chân phải trước, rồi kéo chân trái đến gần. Từ từ chân phải lê thêm 1 bước ngắn nữa. Cả 1 sự tiến bộ vì ban đầu bà đau đớn không thể tả. Bàn chân của bà đút gọn trong chiếc hài cườm dài 5 hay 6 phân tây. Xương ngón chân bó cụp lại và đã chết, không còn tăng trưởng. Mặt bàn chân của bà thịt phồng lên như bướu, trông rất dễ sợ. Do đó chẳng những bà đi vớ, bà còn quấn vải đồng màu với hài để che những cặp mắt tò mò. Bà không để một ai nhìn thấy tật nhân tạo ở chân cả lúc ngủ hay lúc phải bắt buộc thay vớ, băng vải. Ít khi bà tiếp xúc với hàng xóm. Nhưng sau vụ hỏa hoạn, ảnh hưởng của chiến cuộc Tết Mậu Thân, gia đình bà dọn về xóm nghèo, thì bà bắt buộc phải ra khỏi nhà nhiều hơn. Nhất là khi có thêm đứa cháu trai. Thằng Chảy lí lắc gấp mười tụi chị nó. Rời được cái xe đẩy bằng mây, thằng bé tuôn mà chạy. Nó té là thường, bởi vì đi đã vững đâu. Bà giữ cháu để chị Bội rảnh tay đi làm thêm ở xưởng bánh kẹo. Trước thì có con Muối phụ bếp núc. Nay con Muối đã đi Sàigòn. Con Huê mới 10 tuổi, chửa biết làm gì. Đi học về, con bé theo trẻ hàng xóm bày trò chơi tối ngày. Nó không ham em. Khi chị nó còn ở nhà, trẻ hàng xóm sửa tên, gọi chị nó là con Muỗi và gọi nó là Muỗi em. Có thêm thằng em bên mình, nó hay bị chọc “A, con Muỗi dẫn con Lăng Quăng đi chơi”.

Mà thôi, không thèm cãi với tụi trẻ ranh. Giao em cho bà nội là xong chuyện. Bà ở không làm gì, trong khi bà rảnh việc đút cháo với mớm cơm cho trẻ.

*

Nhà nhỏ Hòa lục đục dọn cơm. Con Huê luyến tiếc ngưng chơi chuyền và ra về. Nó cảm thấy kiến bò bụng nhưng sao bà nội chiều nay lại không đi tìm nó? Nhà nó tối thui chưa vặn đèn lên. Bà nội đang dai dẳng kể lể, nửa tiếng Tàu nửa tiếng Việt. Em nó khóc trong tay bà nội. Trong buồng hình như má nó cũng khóc. Nó không hay ba má vừa cãi nhau một trận. Anh Vương quay trở lại cùng lúc với chị Bội vừa xỏ dép, lẹp kẹp bước ra trước. Chị Bội gieo mình xuống cái ghế mây. Chị tiếp tục rên rỉ:

- Trời ơi, tiền lương đâu?

- Lương gì? Bữa nay ai phát?

- Hăm tám chớ mấy.

Anh Vương quay nhìn tấm lịch, tức tối:

- Ở không xé lịch cho cố, thấy mặt là đòi tiền, tiền, tiền…

- Tôi mà lành chân, khỏi có ngửa tay xin anh một cắc.

Bà Phò lắc đầu chán nản. Bà khệnh khạng tiến ra cửa để đuổi tụi trẻ nít bu lại như xem diễn tuồng. Thằng Chảy giơ tay cho chị Bội ẵm. Chị trừng mắt nhìn con. Thằng bé mếu miệng ngó ba nó. Anh Vương toan làm cái công việc ấy. Bất chợt thằng bé khóc và chạy mau về phía bà nội. Tụi trẻ nít cười rộ lên giữa trận đấu khẩu của hai vợ chồng đã lẩn sang tiếng Tiều để mọi người khó hiểu. Bà Phò giữ cháu lại. Được 5 phút, thằng bé đã quên hết, nó vuột khỏi tay bà và tuôn theo đám trẻ. Đám trẻ nghe cãi chán, bày chơi trò rượt bắt. Bà Phò hét con Huê rượt thằng Chảy. Con bé đói bụng, vùng vằng lắc đầu. Bà Phò hết kiên nhẫn. Bà cố bước dài hơn những bước tập tễnh mọi lần. Đám trẻ ồn áo bất chấp xe cộ ngoài đầu hẻm. Có một đứa bị chụp rách lưng áo đẫm mồ hôi. Nó đụng thằng Chảy té sấp xuống. Mắt bà Phò hoa lên. Bà quên mình vẫn trở ngại với đôi chân bó. Bà chỉ kịp thấy máu cam chảy dòng xuống cái mặt bụ bẫm của đứa cháu, đang khóc nấc. Bởi vì bà cũng trợt chân té nhào xuống đất. Đầu bà đập vào bệ trụ đèn đầu hẻm, và bà bất tỉnh.

*

Nhờ hai bà cháu té mà vợ chồng anh Vương làm lành với nhau. Như thằng Chảy, bà Phò không sao cả. Đầu bà đã bớt ê ẩm nhiều. Nằm trong tĩnh mịch của đêm, bà Phò hồi nhớ mọi sự việc. Hình như có nhiều bà con lối xóm phụ với anh Vương khiêng bà về. Rồi họ xoa dầu, bóp tay chân, giựt tóc mai của bà. Còn thằng Chảy? Và mối bất hòa của vợ chồng anh Vương? Bỗng bà nghĩ ra nguyên nhân sự gây gổ ban chiều. Đúng rồi, thằng bé con hàng xóm. Hồi trưa bà bắt gặp nó đứng trên cái ghế đó có thể gỡ lịch. Bà không để ý lắm, tưởng nó cũng vô nhà phá, ghẹo con Huê như mọi lần. Bà đuổi nó lấy lệ. Nào dè, thằng bé tinh nghịch một cách tai quái. Thằng bé cũng không ngờ mình trộm chơi vài tờ lịch để xếp máy bay, có thể gây ra xào xáo cho gia đình bà Phò. Bà phải nói rõ cho chị Bội biết vụ này.

Người ta không còn chứng kiến cảnh cãi nhau như cơm bữa ở nhà bà Phò nữa. Anh Vương tìm việc làm thêm cho cả nhà rồi. Chị Bội hết chê mẹ chồng. Vì bà cũng giúp một tay, những việc như : dán bao vani, múc vô bao nhỏ vani, bột ngọt, đếm đậu phộng chiên vô bao nylon…, tất cả những cái lặt vặt mà tiệm bánh kẹo cần mướn. Chừng một tuần nữa, chân lành, chị Bội sẽ giao hết cho bà Phò và con Huê. Chị đi làm như cũ. Chị định nói với chồng dành dụm tiền sắm cho bà Phò một chiếc xe lăn tay. Nhưng nếu bà Phò hay được, bà sẽ tự ái khước từ. Bà không muốn con cái phí tiền. Nhất là bà không muốn mọi người coi bà là một phế nhân trong khi bà còn đủ hai chân. Đôi chân chứng tích cho một thời tục lệ trưởng giả, làm đau khổ biết bao người phụ nữ, đáng lý phải hoàn toàn để có thể đảm đang nhiều công việc.


PHAN KHƯƠNG THÁI    


(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 122, ra ngày 1-3-1974)

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>