Phượng đang ngồi nhặt rau, thì em Dũng
lững thững đi vào ôm lấy cổ:
- Chị Phượng ơi, em buồn ngủ!
Phượng vội vàng bỏ rổ rau xuống quay
lại nựng nịu em:
- Em Dũng buồn ngủ rồi à, để chị vào
ru em ngủ nghe!
Cô bé đứng dậy, múc nước rửa tay chân
cho em rồi bồng em lên nhà trên. Cô đặt em nằm vào võng, lấy gối lót cho em,
rồi khẽ đưa võng qua lại. Cô hát cho em nghe những câu ca dao mà cô đã học
thuộc trong sách:
- À
ơ… Công cha như núi Thái Sơn,
Nghĩa
mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
À
ơ… Một lòng thờ mẹ kính cha,
Cho
tròn chữ hiếu mới là đạo con… à ơ… à ơ…
Nghe chị hát dịu dàng, mắt em nhỏ riu
riu nhắm lại. Thấy em đã ngủ, Phượng đưa võng thêm vài cái, rồi nhẹ nhàng xuống
bếp. Có tiếng thằng Tuấn kéo đồ chơi nghe rổn rảng trước sân, Phượng chạy ra
gọi em:
- Tuấn! Tuấn! Chơi nhè nhẹ để cho em
Dũng ngủ. Nó dậy đòi chị bồng, chị nấu cơm không được, Tuấn nhịn đói nghe!
Tuấn vất đồ chơi, nhìn chị:
- Tuấn cũng buồn ngủ nữa!
Phượng cười:
- Thế thì vào đây, rửa tay chân cho
sạch sẽ rồi lên ngủ với em!
Lo cho hai em xong, Phượng chốt cửa
nhà trên lại, trở xuống bếp nhặt cho xong mớ rau. Cô nhúm bếp bắc nồi lên nấu
nước. Trước khi đi, cô cẩn thận bếp lửa, rồi mới ra ngoài khép cửa lại.
*
Cô bé Phượng là con gái đầu của anh
chị Hai Nam, năm nay cô được 12 tuổi. Cô có bốn em, nhưng hai em không nuôi
được, chỉ còn em Tuấn lên 6 và em Dũng lên 3. Anh chị Hai Nam, cũng như các gia
đình khác trong thôn, chuyên nghề làm ruộng. Quanh năm anh chị phải đầu tắt mặt
tối, mới đủ ăn. Cô bé Phượng được ba má cho đi học trường trong thôn đã hai năm
nay.
Tháng này lúa bắt đầu chín vàng. Các
trường học miền quê phần nhiều đều cho các học trò nghỉ vào vụ mùa để các em
giúp những việc vặt ở nhà, trong lúc các người lớn ra đồng gặt hái. Ngày nào,
trên cánh đồng lúa mênh mông một màu vàng đỏ, cũng có đông người gặt hái. Chỗ
này gặt, chỗ kia đập lúa, chỗ khác bó rơm; tiếng cười tiếng nói vang lên rộn
rã. Cảnh tượng thật vui mắt.
Trời đã gần trưa, ai nấy đã thấy “kiến
bò trong bụng”, tay chân bắt đầu luỗi dần. Một người đứng nhìn về nhà, bỗng anh
ta kêu thét lên:
- Cháy nhà! Bà con ơi, cháy nhà kia
kìa!
Các người chung quanh ngửng đầu lên
nhìn : chưa thấy lửa ló ra nhưng thấy khói lên nghi ngút. Một người bảo:
- Nhà ai như nhà Hai Nam, phải không?
- Phải rồi, nhà Hai Nam.
Vợ chồng Hai Nam đang gặt lúa xa đó
một quãng. Một người đàn ông vừa chạy lại, vừa kêu to:
- Anh chị Hai, nhà cháy kìa!
Cả hai vợ chồng cùng ngửng đầu lên
nhìn, rồi không ai bảo ai, cả hai hốt hoảng vất bó lúa đang cầm trên tay, tất
tả chạy lên bờ. Anh chồng cắm đầu chạy miết, chị vợ vừa chạy vừa khóc. Những
người làm cũng rùng rùng kéo nhau chạy về chữa cháy. Một người đàn ông đứng lại
bảo:
- Chỉ đàn ông về thôi! Đàn bà ở lại
coi lúa!
Anh Hai Nam chạy về đến nơi, thì lửa
đã lan sang nhà trên. Thấy thằng Tuấn đứng khóc trước sân, anh vội vàng ôm lấy
con, hỏi dồn:
- Chị Phượng và em Dũng con đâu?
Thằng Tuấn chỉ ra luống khoai, mếu
máo:
- Chị bồng em Dũng nằm giữa luống
khoai đó!
Anh Hai Nam buông thằng Tuấn ra, nhảy
hai bước đến luống khoai. Con chị bồng thằng em, cả hai nằm như chết. Anh cúi
xuống đỡ hai con dậy: Thằng Dũng đang ngủ còn con Phượng thì bị ngất đi! Anh
loay hoay chưa biết làm thế nào, thì chị vợ về, anh gọi lại:
- Thôi mình đừng buồn! Nhà cháy mà
trời cho ba đứa con thoát được là mừng rồi. Mình đem thằng Dũng, thằng Tuấn về
ở tạm bên nhà bà ngoại. Tui bồng con Phượng sang nhờ thầy Y tá chích cho nó mũi
thuốc, chắc nó sợ quá, nên ngất đi đấy!
Nói rồi, anh bồng con đi, để mặc nhà
cháy cho anh em trong thôn chữa giùm. Bồng con trên tay, anh Hai Nam bây giờ
mới nhận ra áo quần con gái anh bị ướt mèm, hai chân nó bị cháy phỏng nhiều
chỗ. Anh không hiểu vì sao, nhà bị cháy, con bị phỏng. Nhờ thầy Y tá biết cách
chữa: thầy để vào mũi cô bé một thứ thuốc hít, một lát sau, em hắt hơi mấy cái
và tỉnh lại, mở mắt nhìn quanh. Thấy ba ngồi một bên, cô bé nắm lấy tay ba òa
lên khóc. Anh Hai Nam tưởng con khóc vì sợ bị la mắng, nên cúi xuống dịu dàng
vuốt tóc con và an ủi:
- Con đừng khóc, ba má không phiền
trách gì con đâu. Ba má thấy các con thoát được là ba má mừng rồi. Mà sao con
bị phỏng cả hai chân thế này?
Phượng thuật lại cho ba và mọi người
trong nhà Y tá nghe:
- Con cho hai em ngủ, rồi xuống nhóm
lửa, bắc nồi nước lên bếp, đoạn đi rửa rau. Không dè lu nước rửa hết, con liền
khép cửa nhà dưới lại đi gánh nước. Lúc về đến sân con thấy mái nhà bếp khói
lên nghi ngút. Con bỏ gánh nước xuống sân, con nghe tiếng em Tuấn đang la khóc trong
bếp. Con lấy một thùng nước xối lên áo quần con ướt hết rồi xô cửa vào. Trong
bếp nóng lắm, khói mịt mù, con rờ được em Tuấn liền lôi nó ra ngoài sân. Lúc
đó, con sực nhớ là em Dũng đang ngủ trong nhà trên. Cửa nhà trên con đã chốt
phía trong, con lại giội lên đầu và quần áo thêm một thùng nước rồi chui vào
cửa nhà bếp. Giữa nền nhà tàn lửa rơi xuống nhiều, nóng quá sức, con liều lên
được nhà trên: em Dũng đang ngủ yên. Con mở cửa lớn rồi bồng em ra. Đến nơi
luống khoai, con không biết gì nữa. Con không hiểu tại sao nhà bị cháy…
Chị Hai Nam gởi hai đứa nhỏ cho bà
ngoại, đoạn chạy lên nhà thầy Y tá thăm con. Thấy con gái đã tỉnh chị mừng quá,
ôm lấy con hôn lấy hôn để. Chị kể cho chồng con và mọi người nghe nguyên do nhà
bị cháy:
- Thằng Tuấn nó đang ngủ thì con chó
đuổi con mèo chạy vào chỗ nó nằm. Nó dậy đuổi, con mèo chạy xuống bếp, trèo lên
vách. Nó lấy que củi trong bếp giơ lên đốt con mèo, thành ra lửa bén vô vách!
Mọi người chắt lưỡi:
- Cái thằng dại quá! Cũng may mà cháu
Phượng lanh trí khôn, không thì chết cả!
Chỉ trong chốc lát, người trong thôn
ai cũng hay biết chuyện cô bé Phượng can đảm cứu được hai em khỏi chết cháy.
Mọi người đều tấm tắc khen cô gái nhỏ mà khôn ngoan.
Tối hôm ấy, ông Trưởng thôn hội họp
các phụ huynh trong thôn và bày tỏ:
- Lâu nay thôn ta vẫn có tinh thần
tương trợ lẫn nhau : một người bị tai nạn, thì kẻ ít người nhiều tận tình giúp
đỡ. Nhưng trong trường hợp anh Hai Nam, ai cũng công nhận, đứa con gái anh còn
nhỏ mà can đảm, lanh trí, nên tôi nghĩ: chúng ta nên giúp anh ấy làm lại cái
nhà khác và sắm sửa các đồ dung lại y như cũ, để thưởng công và cũng để nêu cao
gương cô bé cho các thiếu nhi trong thôn ta bắt chước. Tiền chi phí thì ai giúp
được bao nhiêu thì giúp, còn thiếu thì trích của công. Hồi chiều, cô giáo trường
em Phượng học và các bạn bè em cũng đến gặp tôi xin đóng góp một phần nhỏ vào
việc này. Chẳng biết các ông có đồng ý không?
Mọi người đều vui vẻ tán thành. Thế là
chỉ trong vòng một tuần lễ, căn nhà của ba má em Phượng đã hoàn toàn như cũ. Đồ
đạc trong nhà cũng sắm dọn lại như trước. Ngày em Phượng bắt đầu đi lại được,
ông Trưởng thôn mời mọi người trong thôn cùng với cô giáo và bạn học của em đến
thăm ngôi nhà mới. Ông Trưởng thôn bảo anh Hai Nam đến nhà thầy Y tá bồng em
Phượng về. Cô bé thấy căn nhà và đồ đạc y nguyên như cũ, lấy làm bỡ ngỡ hết
sức. Má em cắt nghĩa em mới hiểu, em cám ơn ông Trưởng thôn và mọi người đã
thương ba má em và em. Em ngả đầu vào lòng má em, nước mắt trào ra: em cảm động
hết sức, em không ngờ mọi người đối xử với em tốt lành như thế!
GIANG
THẢO
(Trích
từ tạp chí Tuổi Hoa số 16, ra ngày 25-4-1964)