Chủ Nhật, 19 tháng 3, 2017

Tình Ngoại



Nó không biết cha mẹ nó là ai cả. Quá khứ của tuổi thơ không hề để lại cho nó một vết tích gì về hai nguồn thương yêu đó. Những lần đánh nhau, cãi nhau với mấy thằng bé xóm trên thì mới là những lần nó khóc và thấm thía tình thiêng liêng đó, tụi trẻ mắng nó:

- Đồ thằng Phương con hoang, không cha, không mẹ đừng chơi với mặt nó.

Nhưng rồi sau những lần như vậy, nó lại quên, nó chỉ biết có ngoại, nó lớn lên ở miền đồng quê cỏ cháy nầy với ngoại. Ngoại già rồi, mắt kém, lưng còng, tóc bạc. Khi mùa mưa về, gió lạnh, những cơn ho như xé phổi lại đè nặng trên lồng ngực ngoại. Cả hai bà cháu nó sống nhờ vào miếng vườn nhỏ sau nhà: ngoại vun bón từng cây rau, gốc cải, bắt từng con sâu, tưới từng gáo nước để chống chỏi với những mùa đất khô nứt cho hai bà cháu không chết đói vì gia tài của ngoại chỉ ngần ấy thôi và căn nhà – hay nói khác hơn là căn chòi – mục nát xiêu vẹo nầy.

Buổi chiều, mưa thật nhiều, gió nổi lên từng cơn. Ngoại mặc cho nó luôn hai cái áo, thế mà vẫn lạnh. Nó nghĩ thầm – “Ngoại già chắc lạnh hơn” Và nó thấy thương ngoại nhiều thật nhiều. Ngoại ôm nó trong lòng, nó vân vê cái khăn rách ngoại choàng lên đầu và nó ngây thơ hỏi:

- Ngoại à, rủi mưa nhiều sập nhà, bà cháu mình ở đâu hả ngoại?

Sau câu hỏi của nó, tia nhìn ngoại đảo khắp nơi và cuối cùng dừng lại ở cánh liếp cửa rung lên từng hồi vì gió, ngoại buông nó ra rồi đưa tay áo lau vội nỗi buồn sắp trào khỏi mắt. Nó lắp bắp – con xin lỗi ngoại… ngoại – Nhưng ngoại đã cười và nhìn nó, trong tiếng mưa nó nghe niềm vui lên cao, réo rắt…

*

- Má phải cho tôi rước thằng Phương về.

Nó giật mình thức dậy sau giấc ngủ trưa dài. Ai gọi ngoại bằng má? Nó tò mò hé mắt lén nhìn người vừa phát ra câu nói : Ông ta ăn mặc thật sang, lớn người và nhất là gương mặt của ông ta khiến nó thấy mến mến làm sao ấy. Ngoại lại nói tiếp bằng một giọng khàn khàn:

- Từ ngày má thằng Phương sinh nó rồi chết, mày bỏ đi biệt luôn. Mười mấy năm nay tao quen hơi quen tánh, hủ hỉ với nó thì mày phải để nó ở đây.

Nó chợt hiểu. Thì ra người đàn ông đó là ba nó. Nó muốn nhảy xuống ôm chầm lấy ba, kéo ba lên xóm trên để vênh mặt nói với tụi con nít là: “Tao có ba, ba tao mặc quần áo sang hơn ba tụi bây” Nhưng vừa lúc ấy nó nghe tiếng ba buồn buồn cất lên:

- Con biết má thương thằng Phương nhưng má nghĩ coi, đâu phải con bội bạc. Vì buồn má nó chết con mới ra đi. Ngày nay có sự nghiệp rồi con muốn đem nó về nuôi nấng, cho nó ăn học chứ con không muốn má nó tủi thân nơi chin suối, con không muốn nó dốt nát, nó còn tương lai…

Tiếng khóc ngoại nhỏ rồi lớn dần. Ba đổi giọng:

- Má à, hay là má xuống ở với vợ chồng con? Má sau của thằng Phương và mấy đứa cháu sau hiền ngoan lắm má ạ.

Giọng ngoại đứt quãng:

- Thôi mày đừng nói nữa, tao chỉ còn nó, tao không bao giờ muốn nó dốt, mày dắt nó đi đi, để tao sắp xếp quần áo rồi đánh thức nó dậy, mày đừng để nó gặp cảnh mẹ ghẻ con chồng…

Nó nghe mang tai nhột nhạt, thì ra một dòng nước mắt đã chảy xuống đó. Không thể yên lặng mãi, nó ngồi bật dậy chạy về phía ba.

- Ba!

Chỉ gọi được một tiếng duy nhất, cổ họng nó bỗng nghẹn lại. Tay ba ôm choàng lấy nó và đặt lên mái tóc khét nắng của đứa con thân yêu một cái hôn thiết tha tình phụ tử. Qua phút giây xúc động, mặt nó đầm đìa nước mắt. Ba chỉ ra cổng nhà và cười:

- Cái kia của con đó.

Theo ngón tay ba, nó thấy một chiếc xe hơi màu xanh nằm oai vệ bên hàng rào cây bàng. Ba lấy “mu soa” âu yếm lau mặt nó và nói:

- Con đừng khóc nữa, từ nay con sẽ ở mãi với ba, đến thưa ngoại rồi về, má và các em con đang chờ ba đem con xuống đó.

Nó khựng người lại thật nhanh:

- Má… má nào ba?

Tiếng nói ba hiền hậu:

- Con sẽ biết, má sau của con mà.

Nó quay về phía ngoại rồi nó bật khóc to.

- Ngoại… con ở đây với ngoại, con hổng đi Sàigòn đâu… con ở đây với ngoại…

Ngoại ôm nó trong đôi tay run rẩy, tiếng ngoại thì thầm bên tai nó:

- Ngoại không muốn con dốt, con phải về ở với ba với má, phải nghe lời ngoại học hành cho tử tế, lâu lâu có nhớ thì về thăm ngoại nghen, bộ con không thương ngoại sao Phương?

Nó mếu máo khóc, nó biết ngoại bảo nó theo ba là vì ngoại thương nó. Qua nụ cười gượng gạo của ngoại nó thấy giấu một nỗi buồn héo hắt. Tiếng ngoại êm đềm:

- Đừng khóc nữa, ra hè rửa mặt đi, rồi theo ba con. Để ngoại vô sắp xếp áo quần.

Ngoại buông nó ra, quay mặt giấu hai hàng nước mắt rồi đi vội về căn buồng nhỏ độc nhất. Nó thẫn thờ ra cửa, quên cả thời gian, quên cả nụ cười, trước mắt nó chỉ có hình bóng già nua lụm cụm của ngoại – ngoại sẽ ra sao khi vắng nó? Ai sẽ làm những việc như hái trầu, bổ cau cho ngoại?

Nhưng rồi cũng phải mỗi người mỗi ngả, cuộc chia ly nào mà không buồn tê tái? Từ nhỏ đến giờ đây là lần đầu nó khóc nhiều như thế. Chiếc khăn rằn đỏ ngoại vắt trên vai đẫm đầy nước mắt. Hai bà cháu ôm nhau đến lúc ba giục mới rời. Nó bệu bạo lần cuối:

- Thưa ngoại con đi… mai mốt con về thăm ngoại nghen ngoại…

Ngoại gật nhẹ đầu, đẩy nó ra xe, ba choàng tay đóng ập cửa. Nó cố quay nhìn hình bóng ngoại. Trong gió chiều ngoại đứng trơ trọi nhìn theo, cái quần vải ú đen, cái áo túi nâu chỉ trong mấy phút phai… phai… dần rồi mắt hẳn. Con đường đất đỏ khô cằn trong bụi mù. Mắt nó mờ lệ, nó mơ hồ nghe tiếng ba dỗ dành nhưng hình như nó không biết gì hết, nó chỉ thấy ngoại, cái lưng còng, làn da nhăn, mái tóc bạc và nó thiếp đi…

*

- A… ba về ba về…

Ông Tân mở cửa xe quay sang người đàn bà đứng kế:

- Duyên nè, con chúng ta đó.

Phương chợt mở mắt, nó ngơ ngác nhìn người đàn bà và hai đứa trẻ đang lấp ló đứng sau lưng ba. Ba nắm tay nó, chỉ hai đứa trẻ:

- Anh Phương của hai con đó, đến chào anh đi Nhật, Phúc-Ti!

Đứa con gái nhỏ tóc úp úp chẩu môi:

- Hông, con hổng thèm chào đâu. Ghê, anh gì… mà cù lần quá… bận áo túi… ghê…

Nói xong nó chạy ù vào nhà. Thằng bé lớn cười khúc khích rồi cũng chạy theo. Ba lắc đầu:

- Hai đứa nhỏ được cưng chiều càng ngày càng mất dạy.

Người đàn bà châu mày:

- Nếu không có gì thì đời nào các con như thế, anh lại sắp mắng em đó à?

Nó chợt hiểu vì nó mà không khí ban đầu căng thẳng. Ba lặng lẽ dắt nó vào nhà. Cảnh sang trọng bày biện bên trong khiến nó rối chân lại, sợ sệt bâng quơ. Ba phì cười:

- Nhà nầy của con mà, xuống đây tắm nghe con.

Nó lặng lẽ theo ba và nghe như mình bị ép vào một cái không khí nặng nề. Bữa cơm tối đầu tiên đầy món ngon vật lạ khiến nó càng ngậm ngùi nhớ ngoại, nhớ chén nước mắm dằm cá rô chiên với dĩa rau dền luộc. Khi vợ ba ngồi cạnh hai đứa em nó, tiếng ba thì thầm, người đàn bà thỉnh thoảng bĩu môi mỉm cười. Nó âm thầm ra sân cỏ trước nhà, chọn một lùm cây và ngồi xuống khóc một mình, cho đến lúc có một bàn tay ấm áp đặt lên vai nó mới giật mình ngước lên. Tiếng ba êm đềm, ngọt ngào:

- Con đừng buồn nữa, má đã xin lỗi ba, vào nhà với ba nghe con.

*

Rồi thằng Phương được đi học, được biết vô tuyến truyền hình, được thưởng thức những trò vui mà từ bé đến giờ nó mới biết. Những thú vui đó dù to lớn đến thế nào vẫn không thể lấp khoảng trống trong hồn nó. Những lời nặng nhẹ, mỉa mai của bà mẹ kế khiến nó nhiều lần tủi thân, chua xót. Nó sợ tia nhìn riễu cợt của thằng Nhật, nó không dám mét ba những lần sách vở của nó bị con Ti xé. Vòng tay ba không đủ ấm và ý định về với ngoại trong sáng nay lại lởn vởn trong óc nó. Nó nghĩ thầm:

- Mình biết chữ rồi thì cần gì ở đây nhỉ?

Dù thương ba, dù biết ba chiều chuộng cưng yêu nhưng nó không thể nào không về với ngoại được. Nó nhớ ngoại quá, nhớ những đêm mưa hai bà cháu đắp chung một chiếc mền rách mà nghe ấm cúng lạ lùng. Nó nhớ sao là nhớ cái giọng khàn khàn lúc ngoại sai nó hái trầu, tưới nước. Không một phút suy nghĩ nào thêm, thằng bé mở cổng ngôi biệt thự lách ra và băng mình trong cái sinh hoạt hỗn tạp của thành phố về sáng.

*

Thành phố xa dần, thụt lùi sau chiếc xe đò xuôi về tỉnh nhỏ. Thằng Phương nhắm mắt lim dim, liên tưởng đến phút ngồi bên cạnh ngoại và nó mỉm cười sung sướng. Thời gian vẫn lặng lẽ trôi…

- Ê nhỏ, mày xin cho quá giang tới chợ “Gòn” sao tới bây giờ còn ngồi đó mậy?

Tiếng ông lơ xe vang lên đánh thức nó khỏi giấc mộng. Nó mỉm cười cám ơn ông ta và nhảy khỏi xe. Cái chợ nhỏ đã tàn từ lâu, buổi trưa nắng thật gắt, xe lôi, xe ngựa không còn hoạt động nữa, mấy bác phu già nằm trên xe chìm trong giấc ngủ mệt mỏi. Nó chạy theo người đàn bà gánh khoai mì hỏi thăm đường về “Xóm Kinh”. Thế là theo lời người đàn bà nó cắm cúi đi. Lúc gần mệt nụ cười của ngoại hiện lên và cứ thế nó để đôi chân bé nhỏ dẫm từ con đường mòn này đến con đường mòn khác. Đêm xuống dần, vừa lúc đó nó nhận ra những nét quen thuộc… Kia rồi cái hàng rào cây bàng thấp, căn nhà nhỏ… tất cả hiện lên như một liều thuốc tiên. Nó quên cả đôi chân mỏi rã rời và thét vang:

- Ngoại ơi con về nè ngoại!

Nhưng cảnh im lìm vắng lặng làm nó chùn chân lại. Ngoại đâu rồi sao nhà không đốt đèn? Hay ngoại ngủ? Nhưng ngoại nó già ngủ ít thức khuya mà? À chắc ngoại buồn nên sang nhà vợ chồng ông Năm cấy mướn chơi rồi chứ gì? Nó kêu ngoại một lần cho chắc chắn rồi nhảy qua cái mương nhỏ thực hành ý định.

Tiếng đập cửa của nó làm ông Năm thức giấc. Tiếng ông già càu nhàu:

- Hứ, đứa nào mà phá tao vậy? Định ngủ sớm một bữa cũng không được nữa.

Bà Năm thở ra:

- Ối, trễ tràng gì mà ông cằn nhằn. Ai đó?

Nụ cười nó nở trong đêm:

- Con là thằng Phương nè ông bà Năm ơi.

Hai tiếng “hả” vang lên một lượt. Ánh sáng trong nhà lóe lên và ông Năm hiện ra ở ngưỡng cửa kèm theo sự ngạc nhiên hiện lên gương mặt:

- Ủa, thằng nầy mầy ở Sàigòn mà?

Bà Năm chen vào:

- Nó ở Sàigòn mà hèn gì nó không hay. Phương à, ngoại con chết nửa tháng nay rồi. Tội nghiệp, chỉ không muốn mầy bỏ học hành nên đau gần chết mà chỉ không cho mầy hay.

Ngực nó khô ran, cổ nó nghẹn lại và mắt nó muốn toét ra. Ông Năm châm cây đèn soi dắt tay nó đi về nhà ngoại. Nó đi theo như một cái xác, đôi chân hình như ngừng hẳn các mạch máu, chân nó đạp lên mảnh đất nghèo nàn khô cằn như sức cỗi già của ngoại.

- Mộ chị Tư nè Phương.

Nước mắt đầm đìa trên mặt, mặn chát. Nó ngồi phệt xuống như một cây thịt chết. Hai tiếng “ngoại ơi” thoát ra khỏi cổ họng nó rồi nhường cho những tiếng khóc đau đớn bật từng hồi. Tiếng ếch nhái rên rỉ trong đêm như chia xẻ nỗi buồn của một thằng bé xấu số. Ông Năm lay vai nó:

- Vô nhà nghỉ đi con. Khổ thiệt! Con khóc nhiều cũng vậy, nằm vật vã hoài rồi cảm sương chết à con.

Sau tiếng thở dài, ông Năm nâng nó dậy, ánh đèn soi vàng vọt…

*

Tiếng khóc, lời năn nỉ, vuốt ve âu yếm của người mẹ kế và hai đứa em không làm nó xao xuyến một chút nào cả. Ba khổ sở bứt tóc, bứt tai dằn vặt cợ và khuyên nhủ nhưng nó vẫn lạnh lùng. Nó ngước nhìn ba như muốn thâu những nét thân yêu còn sót lại trong cuộc đời bơ vơ của nó và tự nhiên nước mắt nó ứa ra. Nó thương ba lắm chứ, nó cũng thương hai đứa em kế kia nữa nhưng nó không thể bỏ ngoại. Ngoại nhắm mắt xuôi tay trong cô đơn, tuổi già nghèo nàn. Nó đã hứa sẽ ở mãi với ngoại cơ mà. Nó nuốt nước mắt nghẹn ngào:

- Con xin cám ơn ba má nhưng con không muốn ngoại buồn. Nhật với Phúc Ti, về Sàigòn ráng học mai mốt lên chơi với anh Phương nhé.

Ba xúc động nhìn bàn thờ ngoại:

- Con muốn thế ba cũng đành chịu. Thôi mình dắt các con ra xe đi.

Người mẹ kế đặt gói tiền nhỏ lên bàn thờ nghèo và ra cửa. Rồi sau những lời âu yếm, ba cũng ra xe. Nó gọi khẽ “Ba ơi” rồi nhìn chiếc xe Huê Kỳ lộng lẫy bỏ lại đám bụi mù của vùng đất đỏ khô cằn. Nó đến gần bàn thờ ngoại nhìn mãi những nén nhang cháy dở. Ngoài kia, nắng chiều buồn tê tái. Trong không gian tiếng chim lạc bầy kêu lên từng hổi thảm thiết… Ngoại ơi!...


TRINH NHẬT PHƯƠNG  


(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 102, ra ngày 15-3-1969)

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>