Thứ Ba, 7 tháng 3, 2017

"Nữ Vi Quý"


Tác giả: Trần thị Hậu


Buồn! Có bao giờ bạn buồn chưa nhỉ? Dĩ nhiên bạn trả lời “có là cái chắc”, nhất là các bạn “tuổi trăng tròn” gật đầu mạnh chứ lỵ – Ôi! Cái tuổi mới có nhiều nỗi buồn làm sao: buồn cô đơn, buồn vớ vẩn, buồn không tên, v.v… và v.v… Có bạn lại bảo: “Ta ấy à? Ta vừa thi đậu tú tài hạng… tối ưu, đời ta đang tươi vui như hoa. Nghe “nhà mi” nói ta cũng phát… rầu”. Ấy, xin lỗi bạn nhé! Vì tôi cũng đang… rầu đây. Lâu nay “gác bút” cảm thấy nhớ nhớ. Tôi định hôm nào sẽ viết một bài nhưng chờ mãi mà “cảm hứng” cứ “rong chơi” ở chốn… mô. Thật là khốn khổ!

Tôi có một ông anh (hẳn bạn nào có anh cũng lâm vào hoàn cảnh như tôi), ông ta lười ơi là lười, mà lười thường đi đôi với cẩu thả. Áo quần, giày dép, xe cộ của ông anh khỏi chỗ… chê. Mỗi lần giặt áo quần, lau xe cho ông ta tôi thật bực mình, miệng không ngớt cằn nhằn. Thậm chí đến “ngọc thể” của ông ý ông cũng lười tắm rửa nữa bạn ạ! Nếu mẹ tôi không nhắc luôn, tôi nghĩ chắc ông ta sẽ thành “thằng bẩn” như trong bài tập đọc. Sở dĩ tôi phải giới thiệu mấy điều không đẹp về ông anh của mình vì… vì… bất công lắm bạn ạ! Với một đứa con lười kinh niên như rứa tôi những tưởng bố mẹ tôi sẽ ghét lắm. Nhưng không, rõ ràng bố mẹ tôi bất công trông thấy. Bố mẹ tôi cưng ông ý như… trứng mỏng. Không những chẳng la mắng gì về tội lười của ông ý bố mẹ tôi còn bắt chúng tôi phục dịch ông ta đủ điều. Mẹ thường bảo chúng tôi:
– Năm đứa con gái mà không giặt nổi cho anh mày cái quần, cái áo à?
Chúng tôi phản đối:
– Tụi con là “ngũ long công chúa” mà mẹ không quý. Anh ấy chỉ là một kẻ “vô tích sự” mà mẹ thương, mẹ quý, bắt tụi con…
– Nhưng đó là việc của con gái. Thằng Bảo còn phải lo học.
Anh tôi được mẹ bênh vênh mặt “xùy” một tiếng rõ ghét:
– “Ngũ long công chúa”, quý dữ? Mấy cô không nghe các cụ thường nói “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” à?
Rồi lên giọng kẻ cả, anh giảng dạy:
– Mấy cô không chịu suy nghĩ gì cả. Nếu mấy cô có phải cực nhọc vì “kẻ hèn” này thì “kẻ hèn” này cũng là anh ruột của mấy cô (anh em như thể tay chân mờ) chớ mấy cô có cực nhọc vì người ngoài đâu mà lo.
Anh lại kéo dài giọng như than thở giùm:
– Ối! Giúp ông anh có tí xíu thì than lên than xuống. Mai mốt phục dịch cho “ông ấy” suốt đời xem có than không?
Tôi cãi:
– “Ông ấy” khác, anh khác chớ bộ.
Nếu kéo dài cuộc đấu khẩu của anh em tôi thì chả bao giờ chấm dứt bạn ạ. Hơn nữa không ích lợi gì khi lúc nào mẹ tôi cũng thương anh ấy hơn bọn con gái chúng tôi. Bà cụ cho rằng con trai quý hơn con gái bạn ạ. – “Con gái là con của người ta” mẹ tôi vẫn nói thế. Nhưng…
Đừng thèm buồn nữa bạn ạ! Nhân lúc ngồi buồn nghĩ đến thân phận con gái của mình không được bố mẹ quý, tôi đọc được một “tài liệu” rất là quý giá trong Giáo dục phổ thông (số 25 ngày 15-10-58) tựa là “Gái quý hơn trai *”. Xét rằng, đây là một bài rất đáng cho bọn con gái chúng mình lấy làm sung sướng hỉ hả ; và bọn con trai bớt cái vẻ “ta đây” được bố mẹ quý trọng hơn “bọn nó”. Tôi xin ghi lại cống hiến các bạn đọc đỡ buồn.
Cổ ngạn Trung Hoa có câu “Trọng sinh nam bất trọng sinh nữ”, với hàm ý rằng: Tâm lý chung của các bậc làm cha mẹ thường là thương yêu con trai hơn là con gái. Nhất là đối với Đông Phương, theo lý thuyết cổ truyền: “Bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại”.
Nhưng ngày nay, quan niệm đó hầu như đã mất thời gian tính, vì trai hay gái cũng đều nhất luật bình đẳng rồi, nếu không muốn nói là gái đảm hơn trai.
Để dẫn chứng, tôi xin nêu ra trường hợp nhi đồng phạm tội. Về trường hợp này, sau khi điều tra, nghiên cứu, lập thống kê và phân tách kỹ càng những vụ án nhi phạm trong nhiều tiểu bang của hợp chủng quốc Mỹ Châu, các nhà xã hội học Hoa Kỳ đã phải xác nhận rằng: “Con gái mới thực đáng quý vì tương đối, nữ hài biết thủ pháp và cư xử lương thiện gấp bội hơn nam hài”.
Lẽ tất nhiên, tình trạng xã hội Hoa Kỳ khác hẳn tình trạng xã hội Á Đông ; nguyên nhân là Á Đông đã hấp thụ sâu xa nền luân thường Khổng Mạnh, khiến cho thiếu nhi bị gia đình giáo luyện gắt gao hơn các trẻ em bên Âu Mỹ.
Như vậy, đáng lẽ nạn nhi đồng phạm pháp không thể có được tại Á Đông. Nào ngờ, từ sau Đại chiến, bọn trẻ vị thành niên càng ngày càng phạm tội rất nhiều và gây nên một vấn đề xã hội tối nghiêm trọng trong khắp miền Đông Nam Á.
Tại Hoa Kỳ, tỷ lệ số trẻ em phạm pháp so với tổng số tội nhân toàn quốc như sau:
Thanh thiếu niên đã chiếm 53% các tội sang đoạt, 66% các tội trộm xe và 18% các tội cưỡng hiếp v.v… Đem phân tách ra, thì con trai phạm pháp nhiều hơn con gái.
Thí dụ, trong số 122.851 vụ án nhi đồng, con trai chiếm 101.240 vụ, còn con gái chỉ phạm có 21.611 vụ và chia ra như sau:
1) – Trộm cắp : 38610 trai so với 2269 gái.
2) – Du đãng : 6164 trai so với 2517 gái.
3) – Phá hoại : 16.779 trai so với 1462 gái.
4) – Đả thương : 2.828 trai so với 396 gái.
Đứng trước thống kê đó, một vị quan tòa đã ái ngại nói rằng:
“Nếu con trai cũng biết tu thân như con gái, thì làm gì nạn nhi đồng phạm pháp đến nỗi quá trầm trọng như ngày nay. Vì chính con trai đã phạm tội trước để lôi cuốn con gái bắt chước noi theo”.
Gái ngoan vì đâu?
Một nhà bác học nói rằng: “Thiên tính con người là biết lo âu và nhẫn nại. Nhưng tương đối, thì đàn bà có tinh thần chịu đựng và giữ đặng thiên tính bẩm sinh hơn đàn ông rất nhiều, nên ít khi họ mắc tội”.
Một vị chuyên về nhi đồng học đã dẫn chứng như sau: “Trong ấu trĩ viên, con trai thường hay phẫn nộ, động tý là đấm đá nhau hoài. Trái lại, con gái rất hiền lành, ngoan ngoãn, biết phục tùng luật lệ và ít khi tranh giành hay cãi lộn”.
Gái sợ trách phạt hơn trai.
Đem so sánh, con gái thường sợ bị trách phạt hơn con trai. Nói thế không phải là con gái nhút nhát. Khoa tâm lý trắc nghiệm đã chứng minh rằng: Tuy đồng niên, đồng tuế nhưng con gái thường tỏ vẻ kiên cường, nhẫn nại, cam chịu khổ cực và biết trọng tinh thần kỷ luật hơn con trai nhiều.
Hơn nữa mỗi lần bị trách mắng, con gái cảm thấy cõi lòng sầu tủi một cách sắc bén và lâu dài.
Theo lời một giáo viên kể lại, thì khi bị quở phạt nam học sinh thường phát cáu, nghiến răng, mím lợi, trong khi nữ sinh chỉ cúi đầu ân hận và có khi khóc thút thít.
Hạng gái Á Phi.
Á Phi là một danh từ đồng nghĩa với Cao Bồi, nếu nói về đàn ông. Nam Á phi đang lộng hành trên khắp thế giới. Nhưng tương đối, nam Á phi nhiều hơn nữ Á phi.
Cứ theo nhận xét của các nhà tâm lý học, thì bản tánh phụ nữ không thích chuyện họp đàn, kết lũ để đi du đãng hay quấy phá học đường.
Một vị giáo phụ, phụ trách ban nghiên cứu xã hội học Đại học đường Michigan nói rằng: tiêu chuẩn đạo đức được nẩy nở trong tâm hồn thiếu nữ sớm hơn thiếu nam, vì lẽ thiếu nữ luôn luôn được gần gũi để hấp thụ những đức hạnh và tập quán sinh hoạt của bà mẹ hiền, nên không được rảnh rỗi thời giờ, để đua đòi bậy bạ.
Gái với vấn đề gia vụ.
Nhiều nhà nghiên cứu vấn đề nhi đồng phạm đã nhận định rằng: Sở dĩ, con trai phạm tội nhiều hơn con gái, một phần là do hoàn cảnh xã hội tạo nên, còn một phần với quan niệm đổi mới của các bậc phụ mẫu đối với trẻ em trong vấn đề tề gia nội trợ. Thực vậy, những năm về trước, đại đa số gia đình sống bằng nghề nông nơi đồng ruộng, hay nghề tiểu thương ở chốn thị thành. Khi ấy, cha mẹ chỉ mong con cái giúp đỡ một tay: hậu quả là đám con trai cũng phải chăn trâu, cắt cỏ, bổ củi, gánh nước và tham gia nhiều việc vặt trong nhà. Nhưng ngày nay, dưới trào lưu Âu hóa, bọn con trai được miễn làm gia vụ, nên một số đã lợi dụng thời gian đi học, để ham mê chơi bời hư hỏng trong những lúc vắng bóng mẹ cha. Trái lại, đa số trẻ gái vẫn phải tiếp tục giúp việc trong nhà như thêu thùa, may vá, quét nhà, coi hàng, ẵm em, đi chợ v.v… khiến cho chúng không còn thì giờ đâu để thi hành câu “Nhàn cư vi bất thiện” nữa!
Phải chăng, vì những lý do trên, mà nhiều nhà xã hội học đã nêu lên vấn đề: “Gái quý hơn trai?” (nguyên văn: Nữ vi quý?) để đánh đổ cái quan niệm thời xưa “Trọng sinh nam, bất trọng sinh nữ” của nước Trung Hoa lễ nghi và cổ kính.
Bài đến đây là chấm dứt. Bình thường tôi là người ít nói, hôm nay thế này là “lắm mồm” quá rồi. Nhưng còn một điều nói với bạn nữa cơ. Hẳn bạn biết rằng phe “kẹp tóc” thường được phe “húi cua” gọi là “phái yếu”. Nhưng cũng trong Giáo dục phổ thông (số 26 ngày 1-11-58) tôi lại thấy một vấn đề được đặt ra là “Bên nào mới đáng được gọi là phái yếu?”
Theo nhà bác học Mỹ Ashley Montaigu, nhà chuyên môn nổi tiếng trong việc nghiên cứu các giống vật thì sức khỏe của người đàn bà hơn hẳn đàn ông.
– Đàn bà có một nguồn sống rạt rào hơn. Cơ thể của đàn bà chịu đựng bệnh tật hơn cơ thể đàn ông. Đàn bà ít bị đau tim, ít bị bệnh tăng huyết áp, chịu đựng dẻo dai được các bệnh truyền nhiễm.
– Sức chịu đựng của thần kinh hệ của đàn bà dẻo dai hơn đàn ông.
Tính ra một người đàn bà nói cà lăm thì có năm đàn ông bị cà lăm, một người đàn bà bị chứng sắc manh thì bên đàn ông có 16 người bị bệnh ấy.
Khắp các nước trên thế giới, số đàn ông tự tử luôn luôn gấp năm lần số nạn nhân đàn bà.
Vậy, theo ý bạn bên nào mới đáng gọi là phái yếu hở bạn?
Riêng tôi, đọc hai bài này xong lấy làm hỉ hả ghê lắm. Dù ông anh đang bận học tôi cũng đưa cho ông ấy đọc và không quên bảo:
– Này, đọc đi. Xem mình có còn… quý như vàng để bắt nạt người ta nữa thôi.
Với ông anh lười tôi muốn con gái phải là “phái khỏe” cơ (để khỏi bị ông ấy bắt nạt). Nhưng sự thật tôi chẳng muốn phe “kẹp tóc” là “phái khỏe” đâu bạn. Bằng chứng là từ ngày đi học thêm sinh ngữ buổi tối, mẹ và anh tôi bảo tôi đi học… võ để nhỡ… có gì bảo vệ lấy thân nhưng tôi chẳng chịu. Tôi nói:
– Con gái mà học võ nó… làm sao ấy, trông chả dịu hiền gì cả. Con gái phải để người khác bảo vệ chớ bộ.
Anh tôi bèn nói ngay:
– Ừ, muốn “người ta” bảo vệ cho thì phải ráng chịu cực nhọc chứ không phải một tí là than, hai tí là thở. Cứ như mấy cô thì chẳng ai thèm bảo vệ đâu.
Tôi che mặt cười thẹn – đây là lần đầu tôi không phản đối lời nói của ông anh lười.

Trần thị Hậu  
* Phùng Bá Khanh dịch

(Trích từ bán nguyệt san Ngàn Thông số 36, ra ngày 20-10-1972)

Bìa của Minh Trung : Khăn ấm


oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>