Chủ Nhật, 26 tháng 3, 2017

CHƯƠNG III_RẮN THẦN HỌ LÝ


CHƯƠNG III


Kể từ lúc biết tên cô bé, Tú Mai im lặng trầm ngâm suy nghĩ. Càng suy nghĩ em lại càng lo ngại vì những điều phát giác ra : nét mặt rất giống nhau của người khách lạ với cô bé và cái tên gọi nghe rất lạ lùng : Minh Lệ.

“Phải lắm! Đài Loan! Giáo sư Châu mới ở Đài Loan về! Đài Loan! Quê hương của người Tầu. Mà Minh Lệ, cái tên nghe sao có vẻ Trung Hoa quá! Rồi cô bé con với người lạ mặt lại giống nhau như hệt. Phải chăng hai người này là bà con giòng họ với nhau? Đáng nghi quá! Cô bé ở trong nhà giáo sư Châu, mà người kia cũng lại lảng vảng rình mò tại biệt thự Bạch Tuyết lúc chiều tà bữa nọ! Sao lại có nhiều sự trùng hợp lạ kỳ như thế?”

Trí óc giàu tưởng tượng của Tú Mai tha hồ đặt hết giả thuyết nọ tới giả thuyết kia. Giả thuyết nào cũng đầy tính chất ghê gớm.

Khung cảnh âm u bao quanh lại tăng thêm phần rùng rợn. Ngực em như có hòn đá nặng ngàn cân đè làm cho khó thở. Tú Mai dư biết là trong đường hầm tăm tối kín bưng thì không thể nào có đủ không khí cho hai lá phổi như ở ngoài trời quang đãng được nên mới có tình trạng hô hấp khó khăn thế này. Nhưng cô gái vẫn cảm thấy một niềm khắc khoải bồn chồn thật khó giải thích, thật khó chịu. Thêm nữa, bóng đêm trong hầm lại là một thứ màn đen tối rất đặc biệt, không giống bóng đêm trên mặt đất, trong những căn nhà đóng kín cửa lớn, cửa sổ, đèn đóm tắt hết. Cái tăm tối ở đây, chung quanh hai cô gái, có thể nói là lấy tay rờ được hay lấy dao mà xắt được thành từng miếng.

Chưa hết! Lại còn… im lặng. Một sự im lặng rất lạ lùng, im lặng… tuyệt đối. Một tiếng động rất nhỏ, rơi vào cái im lặng đó cũng vang lên rất lớn, dội vào trần thạch nhũ, vách đá, vọng lại, khiến người nghe phải rùng mình, sởn gai ốc. Trên bờ cao, nước lạnh buốt luồn qua khe đá, rì rào như người nói chuyện thầm trong bóng tối. Những giọt nước tách khỏi giòng bắn lên bám vào những “vú đá”. Khi rớt xuống trúng vào vũng nước có sẵn từ bao giờ, bật thành tiếng “bích, bóc”. Nhiều giọt khác, va vào những “tai” đá mỏng nhô ra từ vách núi : “Tính, tang!” . Rồi lại những giòng nước nhỏ, đổ ào ào vào những hòn đá trũng lòng như quả trứng, đến khi văng lên, đụng vào thành “vỏ trứng” phát ra những tiếng “đinh, đoong!”.

Tú Mai nhắm mắt hình dung lại hình ảnh rực rỡ trong động đá lúc ánh đèn từ tay Vũ Phan lóe lên. Cảnh sắc ấy, hợp với những âm thanh hiện tại khiến cô gái liên tưởng đến những cảnh huy hoàng tiên giới đã được đọc, nhưng chưa được thấy bao giờ, trong những chuyện thần tiên. Những âm thanh trong vắt bổng trầm kia tưởng chừng như do một ngón tay thần bí nào bay lượn, búng nhẹ trên hàng phím của một chiếc dương cầm. Một chiếc dương cầm thiên tạo.

Cô gái buột miệng gọi khẽ:

- Minh Lệ!

Một bàn tay Tú Mai mò mẫm, sờ soạng trong bóng đêm đen, khẽ vén lọn tóc ẩm lòa xòa trên mặt cô bé. Gò má đụng vào tay Tú Mai lạnh buốt.

- Minh Lệ!... Có nghe tiếng chị gọi em không? Minh Lệ! Em có đau không? Trả lời chị đi, Minh Lệ!

Cô gái nín cả hơi thở để lắng tai nghe xem cô bé còn thở nữa không. Tiếng con chó cứ rên ư ử khiến Tú Mai không còn phân biệt được gì nữa. Em lại cất tiếng gọi:

- Minh Lệ! Minh Lệ!

Mãi sau, cô bé mới mệt nhọc , lên tiếng nhẹ phào như hơi thở:

- Em đây! Trời! Mệt quá chị ơi! Mà sao tai em ù quá hà!

- Chị cũng ù tai như em vậy đó. Tại ở trong này thiếu không khí đó mà. Em còn đau nhiều không?

Giọng rên rỉ lại cất lên:

- Không cục cựa thì còn chịu được! Và em lạnh quá đi chị ơi!

Tú Mai cũng chẳng hơn gì. Em lạnh run người trong bộ quần áo ẩm ướt. Tú Mai đưa tay quàng hai vai cô bé, kéo con chó tới gần, đặt nó nằm len vào giữa hai người. Con vật được ấp ủ trong hai làn hơi ấm áp, kêu ư ử lên mấy tiếng có vẻ thích thú rồi ngoan ngoãn nằm im.

- Chút nữa anh Phan trở lại sẽ đem nhiều chăn đắp cho em, Minh Lệ ạ! Rồi khiêng em, đem em vào nhà, đặt nằm trên giường nệm, em sẽ ngủ một giấc ngon, em sẽ quên được ngay cái cảnh khổ này, nghe!

Tú Mai nói, nói mãi để Minh Lệ phải lắng tai nghe, khỏi bị cứ chốc chốc lại mê man bất tỉnh.

- À, thế ra Minh Lệ ở trong biệt thự của giáo sư Châu đó?

- Vâng! Giáo sư Châu là cha nuôi em.

Ồ, thì ra thế! Minh Lệ là con gái nuôi giáo sư Châu. Vậy mà Tú Mai cứ nghĩ lầm cô bé là họ hàng bà con gì với người khách lạ kia mãi. Cũng may là Phan chưa biết sự hiểu lầm của em. Nếu biết, chắc chắn chàng trai thế nào cũng chế riễu em một phen.

Sau một hồi tỉnh táo,cô bé lại cựa quậy thân mình, miệng nói lảm nhảm:

- À, tôi thấy, tôi thấy…

Tú Mai gượng nói lảng:

- Minh Lệ là con giáo sư Châu. Em ở trong biệt thự Bạch Tuyết thích nhỉ…! Ấy, ấy, đừng cựa mạnh, lăn xuống nước thì nguy đó em!

Cô bé vẫn đều một giọng:

- Tôi thấy mặt trời mọc… À! Sắp sửa sáng rồi, thích quá!

Tú Mai lo ngại quá chừng nhưng vẫn cố làm mặt tỉnh:

- Đã sáng thế nào được hả em? Bây giờ mới có bốn giờ chiều này.

- Không, em thấy rõ ràng mặt trời đang lên mà – tiếng nói Minh Lệ nghe vui tươi hớn hở một cách khác thường – Mặt trời từ dưới mặt nước hồ nhô lên, mới đầu xám xám, sau hóa màu vàng, chiếu sáng cả sườn núi, rồi khi chiếu tới mấy hòn đảo thấp thoáng sau đám sương mù thì lại biến thành nâu sẫm chị ạ!

Tú Mai lo sợ:

- Trời! Cô bé lại mê sảng rồi! Minh Lệ, em nói gì lạ thế? Làm gì có hồ nào ở đây đâu?

Minh Lệ, mắt lạc thần, cười ngây dại:

- Có, có mà chị! Em nghe cả tiếng gió thổi và đám lau sậy kêu xào xạc mà.

- Tiếng nước chẩy qua ghềnh đá đó chứ!

Cô bé hình như không nghe tiếng Tú Mai:

- Con dê đực to lắm… rung cái chuông đeo ở cổ. Rồi… rồi đàn dê cái, dê con, tập họp lại đông lắm chị ơi!

- Tiếng nước nhỏ giọt từ trên nhũ đá xuống đó, không phải tiếng chuông đâu em!

- Ô kìa, lão chủ tịch! À, à, lão chủ tịch! Từ ngày đó tới giờ mình không gặp lại nữa. Ôi chao! Kính lạy Thần Nữ Đồng Trinh. Trăm lạy, ngàn lạy người! Người cứu vớt con, làm phúc. Con kính dâng Thần Nữ những nhánh hoa huệ trắng tinh đây! Lạy người! Cứu con!... Em quỳ dâng người bó hoa huệ rừng mọc ở bờ giếng đó – Cô bé bỗng thét lên – Bờ giếng! Úi chao ôi! Giếng, giếng! Cái giếng sâu lắm! Eo ơi, em sợ cái giếng sâu lắm! Chị ơi! Ối, ối! Vâng! Lạy ông chủ tịch, đừng, đừng, trời ơi! Đừng liệng tôi xuống cái giếng đó! Đừng liệng tôi xuống giếng nhé! Lạy ông. Vâng, vâng! Tôi xin nghe lời ông. Lạy ông, tha cho tôi! Đừng ném tôi xuống đó! Trời ơi!

Tú Mai vừa xót thương vừa sợ hãi, giang tay ôm chặt cô bé vào lòng. Minh Lệ cựa quậy thật mạnh, hình như không còn biết đau đớn là gì nữa.

Tú Mai lo lắng tự nhủ:

- Trời ơi! Làm sao bây giờ? Một mình mình biết xoay sở ra sao đây? Anh Phan đi gì mà lâu thế chứ? Hay là anh lạc đường? Hang động chập chùng thế này dễ gì đi đúng được đường hầm dẫn về biệt thự Bạch Tuyết! Trời ơi làm sao đây?

Cô gái có cảm tưởng chính mình cũng sắp sửa mê đi như cô bé Minh Lệ. Nỗi lo buồn thất vọng tràn ngập trong lòng. Đôi mắt mở trừng trừng dán chặt về phía cửa hang bỗng sáng lên mừng rỡ. Có ánh đèn thấp thoáng. Ánh đèn nhỏ như một đóm sao, lớn dần, ấm áp như hơi lửa cứu tinh một đêm đông vắng lạnh.

Nếu không mắc ôm giữ cô bé bị thương, chắc Tú Mai đã nhẩy bổ, chạy sáp tới ánh đèn đang tiến lại gần.

Tú Mai hét lên:

- Làm gì lâu quá vậy, anh Phan?

- Cố gắng hết sức rồi đó, Tú Mai, đường hầm khó đi kinh khủng! Sao, cô bé ra sao?

- Em sợ quá, anh Phan! Có lúc cô bé mê sảng nói lảm nhảm cái gì nghe sợ quá anh à! Bây giờ thì nằm yên không cựa quậy gì hết!

Quả thật, lúc này Minh Lệ buông xuôi hai tay như người… chết rồi. Chỉ khác là cái ngực nhỏ bé vẫn còn phập phồng hơi thở nhẹ như tơ. Vũ Phan lợi dụng dịp tốt, cùng Tú Mai khiêng cô bé đặt lên “băng ca”.

Cô gái hỏi bạn:

- Anh có gặp giáo sư Châu không?

- Có chứ! Giáo sư là ba nuôi cô bé này đó!

- Em biết rồi. Chính cô bé cũng đã nói cho em hay! Thế còn…

- Thế còn… gì? Tú Mai tưởng là tôi đã có thì giờ nói chuyện với giáo sư Châu đó hả? Được tin cấp báo, ông liền quay điện thoại mời bác sĩ ngay đó.

- Bác Hai Lũy có ở nhà không?

- Bác ấy đang chặt bụi hồng gai, dọn quang lối đi chờ chúng mình khiêng cô bé lên đấy.

Khi đôi bạn cáng Minh Lệ bước trên đường hầm, theo lối ra, đi ngang giòng suối có ghềnh đá lớn chắn ngang, Tú Mai công nhận lời nói của Phan là đúng. Đường lối quanh co gập ghềnh rất khó đi. Đá tai mèo lởm chởm, nhiều chỗ dốc cao tuồn tuột. Hai người lại khiêng nặng, tiến bước thật khó khăn. Có quãng, trần đá cao vút, hai bên vách đá sát gần nhau vừa chạm tay khiêng cáng. Nhiều đoạn, mái thạch nhũ lại sà thấp gần đỉnh đầu khiến hai người phải cúi khom mình, ì ạch đặt bước. Cô bé Minh Lệ vẫn bằn bặt hôn mê. Sát bên em, con chó Phích soải mình nằm thoải mái, toàn thân nó nhún nhẩy theo nhịp cáng khiêng, đôi mắt vui mừng nhờ cái phương tiện di chuyển không tốn sức lao động ấy.

Chợt, Tú Mai cất tiếng bảo Phan:

- Cô bé nói cho em biết nhiều chuyện kỳ lạ lắm anh Phan à!

- À, thì khi yếu đau trong người, nói chuyện chẳng đâu vào đâu là sự thường lắm chứ, có gì là lạ hả Tú Mai?

Giọng Tú Mai vẫn hăm hở:

- Mới đầu, cô bé nói chuyện, kể lể, coi như mình hiện đang đứng trên bờ một cái hồ rộng mênh mông, đúng lúc mặt trời mọc ấy anh à!

Tiếng nói Vũ Phan chẳng tỏ chút ngạc nhiên:

- Có gì lạ đâu? Trong hầm, bốn chung quanh chỗ nào chẳng có nước. Còn mặt trời mọc? Chắc hẳn cô bé bị lóa mắt vì ánh đèn bấm của anh đó, Tú Mai!

- Đâu phải anh Phan! Mãi sau, anh mới quay trở lại kia mà! Lúc đó trong hầm chỉ có hai chị em, bốn bên tối đen như mực ấy!

Chàng trai vẫn lắc đầu không tin:

- Vô lý! Lúc đem cáng xuống, anh chiếu đèn hoài hoài để soi rõ đường đi. Ánh đèn càng tới gần càng sáng rõ. Do đó, cô bé mơ màng tưởng như trời rạng đông chứ còn gì nữa. Mắt của Tú Mai vậy mà không tinh bằng mắt cô bé đó nghe!

- Thôi được! Cứ tạm cho là anh có lý về mấy điểm đó! Thế còn… tiếng chuông đeo ở cổ một con dê đực? Ý chừng anh sẽ cho là do tiếng nước nhỏ giọt kêu “đinh, đoong” đã khiến cô bé nghe lầm rồi tưởng tượng ra? Và tiếng nước chẩy trên ghềnh đá kia đã bị cô ta tưởng lầm là tiếng lau sậy rì rào? Rồi! Nhưng em muốn hỏi anh : Thế còn cái danh từ “chủ tịch”? Cô bé luôn miệng nhắc đến hai tiếng “chủ tịch”. Hả? Vậy theo anh… chủ tịch là chủ tịch gì vậy?

Vũ Phan phì cười:

- Chủ tịch… hội đồng… chuột!

- A! Anh đừng cười như vậy nghe anh Phan! Anh còn đủ can đảm cười được chớ em thì không. Em ngại ghê lắm! Cô bé, khi nhắc nhở tới hai tiếng chủ tịch, nét mặt lộ vẻ hoảng hốt vô cùng. À, và khi phát âm “chủ tịch” em nghe rõ ràng giọng cô nhỏ lơ lớ, âm thanh kỳ lắm, giống như người Trung Hoa vậy đó!

Chàng trai bình tĩnh như không:

- Vậy ra Tú Mai đã quên câu Minh Lệ phát thanh trong phút đầu tiên gặp gỡ tụi mình?

Cô gái gật gật đầu, phục thiện:

- À, vâng! Anh nhắc em mới nhớ đấy!... Cô bé này mới chút xíu tuổi đầu mà coi bộ đã có vẻ thông minh đĩnh ngộ lắm anh à!... À, còn một điểm này nữa, kỳ quái lắm. Minh Lệ cứ nói đến một cái giếng. Và em cứ lải nhải van lạy một người nào đó xin đừng liệng em xuống cái giếng ấy.

Vũ Phan lại cười vui:

- Đúng cái giếng cạn ở cuối vườn biệt thự ông Châu. Minh Lệ đã nhẩy xuống đó định bắt con chó lên chứ còn gì nữa.

- Nhưng anh có thể cho em biết rằng : chung quanh bờ cái giếng đó có hoa huệ trắng mọc đầy không?

- Cái đó thì anh chưa rõ lắm. Đã có phút nào rảnh mà coi kỹ mấy luống hoa của bác Hai Lũy đâu.

Tú Mai gật đầu nhưng vẻ mặt rất bướng:

- Thôi được, để chốc nữa em kiểm lại coi, nhưng trong khi chờ đợi, em vẫn có quyền nghĩ rằng trong việc này thế nào cũng phải có một cái gì bí mật.

Đôi bạn ê ẩm cả sống lưng, mỏi rời rã hai cánh tay. Chiếc cáng Minh Lệ và con chó Phích nằm trên mỗi phút mỗi nặng thêm. Nhưng rồi họ cũng đi tới đầu cửa hang ăn thông ra cái giếng cạn trong vườn biệt thự Bạch Tuyết. Bác Hai Lũy đã chờ sẵn ở đó. Lại có mặt cả giáo sư Châu cùng bà chị gái của ông : bà Giang. Khi Vũ Phan, Tú Mai xuất hiện, mọi người đứng trên vườn reo hò mừng rỡ. bác Hai Lũy nhẩy xuống đỡ hai người một tay, nâng chiếc cáng cô bé bị thương lên.

Tú Mai nhường tay cáng cho bác làm vườn. Bác Lũy và Vũ Phan khiêng cáng nhằm nhà tiến tới. Tú Mai rảnh tay đi sát bên, tia nhìn không lúc nào rời khỏi khuôn mặt da xanh mét, đôi mắt nhắm nghiền của Minh Lệ. Chợt, cô nữ sinh thoáng rùng mình, trợn tròn đôi mắt, cúi xuống nhìn chăm chú vào phần dưới cần cổ cô bé : một món nữ trang treo toòng teng, từ trong cổ áo rộng trồi ra, bằng chất thủy tinh màu trắng đục, món nữ trang ấy hình một… con rắn có lông như lông chim. Con “rắn chim” kỳ quái sáng lóng lánh trên làn da màu nâu nhạt nơi cổ Minh Lệ. Chung quanh con “xà điểu” là một cái vòng tròn bằng vàng…

*

Ngồi tại bàn trong phòng riêng, Vũ Phan, hai tay chống má, mắt nhìn vào trang sách mà không đọc được chữ nào. Cách đây mười hôm, Tú Mai có nói:

- Này anh Phan! Trên bờ và chung quanh miệng cái giếng cạn trong biệt thự Bạch Tuyết, có thấy một bông huệ trắng nào đâu.

Chàng trai đã phải trả lời liều:

- Trong vườn ấy, thiếu gì? Mà Tú Mai cũng phải chờ cho tới khi huệ trổ hoa mới biết được chứ!

- Vâng, để rồi em sẽ hỏi bác Hai Lũy!... Còn một điều này nữa, kỳ quái lắm, anh Phan! Minh Lệ đeo một món nữ trang rất lạ.

Vũ Phan bật cười:

- Cô gái nào mà lại chẳng xài nữ trang.

- Em cũng biết thế chớ bộ! Nhưng, cái dây chuyền của Minh Lệ hình thù rất lạ : một con rắn có lông chim làm bằng thủy tinh hay ngọc thạch gì đó màu trắng đục, uốn khúc trong một cái vòng tròn bằng vàng.

Nghe cô bạn gái kể chuyện, Vũ Phan theo thói quen phân tích và kết luận một cách rất… thực tế:

- À, nếu vậy thì chúng ta có thể hiểu được những hình vẽ con rắn kỳ quái do đâu mà ra rồi. Món nữ trang của Minh Lệ chắc là ở trong mớ đồ cổ giáo sư Châu đào được đem về cho đứa con gái nuôi. Và rồi cô bé buồn tay đã vẽ con xà điểu hình thù quái dị đó để ngắm chơi.

Tú Mai lại nghĩ khác:

- Bây giờ tụi mình thử thế này thì biết này, anh Phan! Hiện nay Minh Lệ đau chân phải nằm bẹp một chỗ. Tụi mình dễ dàng theo dõi các việc sẽ xẩy ra. Nếu hình vẽ con rắn lông chim cứ tiếp tục xuất hiện nữa, chúng mình sẽ có thể kết luận : không phải cô bé đã vẽ những hình đó.

Đồng ý với Tú Mai, Vũ Phan lần mò đi xóa hết các hình vẽ con rắn chim trên cánh cửa vườn biệt thự Bạch Tuyết, trên thân cây chẩu. Tú Mai chịu trách nhiệm cạo sạch vết vẽ trên trụ cửa  tại lối vào vườn biệt thự Bạch Tuyết. Hai người hăm hở xông xáo trong khu vực quanh nhà giáo sư Châu, nội tâm thúc đẩy mãnh liệt vì những lý lẽ riêng tư đối nghịch nhau chan chát.

Nhưng, cho đến hôm nay, Tú Mai đã toàn thắng. Cô gái thắng lợi thật vẻ vang. Vũ Phan ngẩn người vì sự thất bại của mình. Hình con quái vật nửa rắn, nửa chim lại xuất hiện trên trụ cổng vườn Bạch Tuyết, trên cánh cửa thấp ẩn khuất trong bức tường rào, trên thân cây chẩu vỏ nhẵn nhụi. Họa sĩ vô danh nào đó đã vẽ lại tất cả. Những hình con xà điểu đẹp hơn, mà cũng dữ dội hơn. Hàng lông trên sống lưng quái vật dựng đứng chơm chởm, miệng rắn há ra cũng lớn hơn, chìa hai răng nanh nhọn hoắt, đôi mắt nhìn lạnh như ánh thép… Con quái vật có vẻ như nổi cơn phẫn nộ…

… Mấy ngón tay thuôn thuôn lùa sâu vào mớ tóc bồng bềnh, một tay đỡ vầng trán thông minh nóng bỏng, in rõ một nếp nhăn hằn sâu như rãnh nước, chàng trai lẩm bẩm:

“Chuyện này có vẻ gay cấn đây chớ chẳng phải giỡn đâu. Vậy thì, theo ý Tú Mai mà cả ý mình nữa, Minh Lệ chắc hẳn phải quen biết người lạ mặt kia và chính người khách lạ này đã vẽ những hình thù quái dị đó. Phải dè dặt lắm mới được. Sự việc đã đến hồi sôi bỏng lắm đây! Mà mình lại phải ở lại trong trường hai tuần lễ nữa chứ! Trời đất! Hai tuần lâu quá là lâu!”

Vũ Phan duyệt lại trong óc hình dáng món nữ trang cô bạn gái bất chợt thấy ở cổ Minh Lệ và tả lại cho nghe. Chàng định thần, từ tốn phân tích từng chi tiết ngõ hầu có thể khám phá ra một điều gì khác lạ.

- “Hừ! Món nữ trang hình một con rắn lông chim uốn khúc trong một cái vòng vàng!”

Vũ Phan thầm nhắc lại như thế và chàng cũng chỉ nhắc lại được có thế. Việc tìm hiểu cứ dậm chân tại chỗ, chẳng nhúc nhích tiến được một bước cỏn con nào.

__________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG IV
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>