Chủ Nhật, 5 tháng 3, 2017

Cô Vân


Tiếng “Keng! Keng!” của chiếc xe rác dưới đường vọng lên. Em mở mắt. Hình như sáng nay trời xanh hơn hôm qua. Gió ngoài cửa sổ hắt vào lay động cánh mùng. Em nghe thật rõ tiếng thùng khua, tiếng những người phu rác gọi nhau. Xen lẫn trong đó, tiếng các bà hàng xôi, hàng bánh cuốn rao lanh lảnh, tiếng của chú bán kẹo kéo cất lên khàn khàn. Lại có tiếng cười nói của vài đứa trẻ đi học nữa. Có lẽ học trò bắt đầu đến trường đấy! Ừ! Có lẽ học trò sắp sửa từ những ngõ hẻm tràn ra, đi học.

Học trò sắp đi học!!! Em chống hai tay xuống nệm, ngồi dậy. Em làm những động tác rất chậm chạp – rất nhàm chán –, vén cửa mùng, mang dép vào chân, ngồi ở giường một tí… Rồi em run run vịn vào thành giường, leo vào chiếc xe đẩy. Và cũng với một động tác rất đáng chán, đưa tay đẩy cho hai bánh xe to tướng lăn về phía trước, đến bên cửa sổ, em nhìn xuống đường.

Bà hàng xôi đang lanh lẹ gói từng gói xôi trao cho bọn trẻ nhỏ. Bà hàng bánh cuốn đang xắt những lát chả lụa một cách nhanh nhẹn, bên cạnh nồi bánh ngun ngút khói. Chú bán kẹo kéo đang gõ tay vào chiếc thùng gỗ đựng kẹo, mời mọc mấy đứa học trò nhỏ, nhưng có lẽ chú không được đắt khách bằng bà hàng xôi đâu, vì buổi sáng ít có đứa học trò nào ăn kẹo kéo của chú. Và ở cách đó không xa, cạnh hố rác lớn, cạnh chiếc xe "cam-nhông" chứa rác, những người phu rác làm cái công việc thảy thùng rác này lên, liệng thùng rác kia xuống, chuyền tay nhau một cách đều đặn. Ríu rít trên vỉa hè, những đứa trẻ đi với nhau, cặp ôm trong tay. Những anh, những chị học sinh, y phục trắng, đi bộ, đạp xe, trông đến thích. Tất cả mọi người dưới ấy, đang hoạt động, tạo thành một khung cảnh làm em say mê. Mà không phải chỉ có sáng nay ; sáng nào mỗi khi thức dậy, em cũng đẩy xe đến bên cửa sổ nhìn xuống, ngắm chừng đó người, nghe chừng đó âm thanh. Em bị cách biệt với bên dưới, trong căn phòng nhỏ, cô đơn. Và em cũng cách biệt với những người trong gia đình nữa. Em có chiếc xe đẩy làm bạn, vì nó gắn liền với thân thể em hầu như cả ngày.

Có tiếng guốc lê trên sàn gạch, rồi dừng trước cửa phòng. Em không buồn quay lại, vì đó cũng là một sự quá nhàm chán! Chị Tư mở cửa, bưng thau nước vào. Chị lặng lẽ đặt thau lên cái ghế đẩu giữa phòng, rồi chị đứng khoanh tay, lơ đãng nhìn ra ngoài, không thèm nói với em một tiếng. Em từ từ quay xe, lăn bánh về đó. Chị Tư đứng yên như một cây cột, nhìn em làm cái công việc rửa mặt, đánh răng. Khi em đụng tay vào thau nước hơi mạnh, chị gắt lên:

- Khéo đổ đấy, “cô Hai”! Mất công tui chùi lau.

Em không nhìn chị, cũng không tỏ một vẻ gì hết. Hồi chị mới vào làm – cách nay một tháng –, mỗi khi chị nói gì, em còn nhìn lên, “ú ớ” vài tiếng, phác vài cử chỉ cho chị hiểu ý mình. Nhưng mãi rồi chị chán, mỗi lần thấy em “ú ớ”, chị quay đi không thèm nghe. Và càng ngày em càng thấy “ú ớ” với chị chỉ làm trò cười một cách trơ trẽn, nên em chỉ lặng im. Có lẽ chị khinh thường em vì ảnh hưởng những người trong nhà. Chị gắt gỏng với em thì cũng như má em; chị nhăn mày, cau mặt thì cũng như ba em; và chị nói móc, nói xói thì cũng như con Lan là cùng. Em bằng lòng, em cam phận, em nhịn nhục với tất cả. Mà ví dụ em có muốn cãi cọ thì cũng không thốt ra lời được, hay em có muốn xông tới tát cho con Lan mấy cái mỗi khi nó hỗn thì hai bánh xe do hai bàn tay của em lăn cũng không đuổi kịp đôi chân chạy lanh lẹ của con Lan. Sự ghẻ lạnh của mọi người chỉ làm em buồn từ hồi nhỏ, chứ bây giờ thì không có nghĩa gì hết. Từ hồi nhỏ, nghĩa là từ khi em có trí khôn, em biết được rằng mình mang hai cái bất hạnh. Năm lên một, em bị một cơn bệnh nặng, vì chích thuốc không đúng phương pháp nên em co rút đôi chân, không đi được. Gia đình tưởng em chỉ tàn tật như thế là rồi. Nhưng em càng lớn, lại càng chậm nói. Và mọi người khám phá thêm một điều nữa – một điều bất hạnh nữa cho em! – Đi không được, nói không được, em hưởng sự thương hại của mọi người càng ngày càng phai dần. Đôi khi em làm mọi người khó chịu, gay gắt. Và em ở một mình trong căn phòng này, trên lầu. Mọi người vui vẻ, chuyện trò, ăn uống… với nhau ở nhà dưới, em không hề được biết đến. Không ai chịu mất công bế em lên xuống thang lầu để em dự chung, mà cũng không ai có thì giờ nghe em “ú ớ”, nhìn em ra dấu để hiểu ý em.

Nhưng điều khổ sở nhất cho em, là em không được đến trường. Đáng lẽ ở tuổi em, thì đã học đến lớp nhì. Không có trường nào chịu nhận dạy một đứa nhỏ vừa câm, vừa què cả. Cho nên em không biết một chữ nào. Con Lan đã học đến lớp tư, nó khoe em bài làm của nó. Đôi khi nó chỉ cho em, bảo rằng đó là chữ “O”, chữ “A”. Em hiểu hết, em há miệng ra, tưởng chừng phát ra được âm chữ “A”. Nhưng con Lan cười nắc nẻ mà bảo:

- Chỉ thấy toàn răng với lưỡi của chị hà!

Chuyện học hành cứ ám ảnh trong đầu, làm em tủi thân ghê lắm! Em ao ước được cắp sách như con Lan đến trường, được mặc áo dài, được đi xe đạp như những chị học trò dưới kia, được mở miệng đọc to những vần quốc ngữ, những câu ca dao, những bài cửu chương… Vì nỗi mơ ước đó, sáng nào em cũng nhìn xuống đường phố – dưới đấy, có những buổi sáng trời thật trong, có những buổi mù sương hay những buổi mưa dầm, bao giờ em cũng thấy học trò tấp nập. Những đứa trẻ bằng tuổi em, ăn mặc đơn sơ giản dị, nhưng được đến trường, chắc chúng nó sung sướng hơn em nhiều lắm! Không ai biết được có em ngồi trên lầu nhìn xuống ước ao. Mọi người thản nhiên đi lại, làm công việc của mình.

- Xong chưa? Lẹ lên “cô Hai”!

Tiếng “Hai” nghe như đập mạnh chát chúa. Chị Tư thường gọi mỉa mai như thế. Em ngước nhìn chị. Trong một thoáng, em thấy gương mặt nhăn nhó của chị tự nhiên hiền hậu và dễ yêu như bà tiên. Em bỗng nghĩ giá chị là chị ruột của em nhỉ! Chị sẽ thương em hơn ai hết; chị sẽ kể chuyện, an ủi em – và nhất là dạy em học. Em không cần đọc, em chỉ cần "biết" thôi! Khi em “biết” chữ, viết chữ được, em sẽ xem sách, viết thơ… Em sẽ viết cho ba em “con thương ba lắm”, cho má em “con yêu má nhiều”, cho con Lan “chị cưng em nhiều”, và cho chị Tư “em quý chị lắm”.

Em không tưởng tượng được lâu, vì chị Tư đang ném cây lược cho em:

- Nè! Chải đầu đi! Người ta sắp tới đó!

Người ta nào? Em nhìn chị Tư, ngạc nhiên. Nhưng chị đã lay lảy bưng thau nước đi ra rồi! Em lặng lẽ chải gỡ mái tóc. Tấm gương soi ở góc phòng phản chiếu gương mặt của em. Gương mặt em tròn trịa, mũm mĩm. Má em vẫn hay khen em dễ thương. Em lại nhìn xuống chân. Đôi chân em bé nhỏ gầy ốm, bất động trong xe. Em buồn rầu gục mặt vào đôi bàn tay vừa rời khỏi bánh xe. Tiếng thùng rác khua đã im. Tiếng rao hàng thưa thớt. Và tiếng ồn ào của học trò cũng đã tắt từ lâu dưới đường.

- Diệu!

Tiếng của má em! Em ngước lên. Má em đang vào phòng, theo sau còn có một người nữa. Đó là một thiếu nữ khoảng mười tám tuổi, tóc dài, nét mặt hiền dịu, ăn vận giản dị. Cô ấy nhìn em, mỉm cười. Má em quay sang bảo với cô ấy:

- Đó! Con Diệu tôi đó cô! Tội nghiệp, cả ngày nó chỉ ngồi như thế, buồn bã lắm! Mà nó lại rất thích đi học. Tôi nhờ cô vậy! Cô chẳng cần dạy nó như những đứa trẻ bình thường. Cô chỉ phải bày cho nó xem chữ, xem hình, và nếu có thể, kể chuyện cho nó nghe. Cô xem nó như em của cô vậy, cô nhé!

Người thiếu nữ “vâng” một tiếng rồi đến bên em, vuốt tóc em. Má em bảo:

- Diệu! Đây là cô Vân sẽ dạy con học, thích không?

Em gật đầu hớn hở. Má em lại nói với cô Vân – cô Vân, nghe sao mà êm ái! – thật nhỏ:

- Thôi chào cô! Cháu nó tuy… câm nhưng nghe thì thính lắm cô ạ!

Rồi má em đi ra.

Cô Vân còn nhìn em, cười hiền từ. Em cũng nhìn lại cô, chờ đợi. Tuy nhiên em chỉ muốn nói trước cô thôi! Em muốn nói rằng: em ngồi ở đây mấy năm nay rồi, buồn lắm, chán lắm. Cô kể chuyện cho em nghe đi! Cô dạy cho em “biết” chữ đi! Cô hát cho em nghe đi! Mà cô đừng gắt gỏng với em như cái chị Tư khó thương kia!...

Nhưng cô Vân cứ nhìn em cười mãi. Hình như nụ cười của cô thoáng vẻ xót xa. Một lúc lâu, cô gọi:

- Diệu ơi!

Em nắm chặt bàn tay mềm của cô – giá em nói được em sẽ “dạ” thật to – Cô cúi gần em hơn, âu yếm hỏi:

- Em thích học lắm hở?

Em gật đầu. Cô Vân lại hỏi:

- Em ngồi mãi ở đây buồn không?

Ấy, em muốn nói với cô trước rồi! Ngồi ở đây buồn lắm, mà lại chán nữa, cả mấy năm nay rồi! Em lại gật đầu.

- Chị Tư không đẩy em đi chơi à?

Chị Tư? Cái chị Tư khó thương ấy! Em ruột chị ấy chắc gì chị đã bồng đi đâu, huống gì là em, con nhỏ tàn tật câm nín thế này! Em lắc đầu, lại siết chặt bàn tay cô Vân hơn.

- Có cô đến chơi với em, em chịu không?

Em vui lắm chứ! Ngay khi cô mới vào, em đã thương mến rồi! Có cô an ủi em, dạy em học, em còn đòi gì hơn? Em còn thích gì hơn? Cô hiền dịu còn hơn má em, cô lại ăn nói ngọt ngào gấp trăm lần chị Tư. Em gật đầu. Mắt cô Vân sáng lên. Cô vẫn không rời em:

- Kể từ nay mỗi sáng cô đến chơi với em, dạy em học nhé! Cô bày em chơi, kể chuyện em nghe, chịu không?

Chưa bao giờ em nghe ai nói với em một cách êm ái như thế cả. Em cảm động quá! Em thấy trên mắt rưng rưng. Em ôm chặt cô Vân nghẹn ngào. Cô vuốt nhẹ vai em, cử chỉ tuyệt vời như của một bà tiên. Rồi cô đến bên cửa sổ, mở hai cánh cửa cho rộng thêm. Ánh sáng tràn thêm vào căn phòng, hân hoan nhảy múa trên bàn, và em thấy như nắng lên trong lòng…



“Cô chẳng cần dạy nó như những đứa trẻ bình thường”. Trái với lời nói của má em, em đã được học như mọi đứa trẻ bình thường khác, mà còn mau chóng hơn nữa – mặc dầu em chẳng nói được. Một tháng đầu tiên em học hết các chữ cái. Em chỉ nghe cô Vân đọc, và em nhẩm trong bụng, thuộc lòng. Tháng kế tiếp em tập viết thành chữ, thành câu; em làm toán trừ, toán cộng. Và bây giờ em đã “nói chuyện” được với mọi người. Em có một cuốn sổ dày rất đẹp, em viết những câu muốn nói lên đó – chính cô Vân đã bày em làm thế – Ba má em mừng lắm. Con Lan thì phục lăn. Chị Tư cũng bớt khinh thường em – em biết “nói” rồi, em mét má làm sao? – Riêng cô Vân, cô Vân của em, vui sướng hơn ai hết. Cô bảo với em rằng cô không ngờ đã giúp được em tìm thấy niềm tin. Và chính em, em cũng thấy không ngờ rằng mình đã được thoát khỏi những buồn bực từ trước.

Câu văn của em trôi chảy, cô Vân khen em thông minh, mau tiến. Dần dần cô cho em xem những chuyện cổ tích. Những “bà tiên”, những “phép lạ” làm cho em mơ mộng rất nhiều. Có lúc em mơ rằng em hết câm, hết què. “Phép lạ” nào đó sẽ làm cho em chạy nhảy tung tăng như con bướm. Em sẽ xuống đường, nhập bọn với lũ trẻ mỗi sáng, đến trường học. “Phép lạ” sẽ làm cho em ca hát nói cười như con chim họa mi của ông vua trong truyện. Em sẽ nói với ba, với má em những lời yêu thương, em sẽ hát cho con Lan nghe mấy bài “con chuột”, “con mèo”, sẽ nói với chị Tư: “Chị không được gắt với tôi” Và em sẽ nói với cô Vân: “Cô là bà tiên hiền dịu của em”.

Bây giờ mỗi sáng em dậy sớm hơn trước nữa. Lúc đó xe rác chưa đi qua, hàng rong chưa đến, học trò chưa đi học. Em ngồi bên cửa sổ, em nhìn xuống đường qua hơi sương mờ mờ, và em viết những ý nghĩ của em. Em viết mãi, cho đến khi dưới đường đông đảo dần, cho đến khi nghe tiếng chân – tiếng guốc gỗ của cô Vân dừng lại sau lưng, cho đến khi bàn tay của cô Vân đặt nhẹ trên vai em thì thôi. Rồi thì quay lại, em đưa quyển sổ cho cô Vân xem. Cô Vân đọc, nét mặt cô vui lắm, vì cô thấy em tin tưởng, yêu đời. Nhưng cũng có lúc em viết toàn những câu tủi thân thì cô lại ôm em mà an ủi.

Sự học làm cho em khám phá ra nhiều chuyện. Những bài tập viết mà cô Vân bảo em viết, giúp em biết thế nào là tình mẹ con, tình cha con, tình bạn bè, tình thầy trò… mà trước giờ em không nghĩ ra. Em thấy được rằng một đứa học trò phải cư xử với thầy cô ra sao, bạn bè đối đãi nhau thế nào, trong gia đình có những niềm vui gì… Lúc trước em chỉ ngồi lặng lẽ trong chiếc xe đẩy, không nói được một lời, mà cũng không được nghe ai nói nên em chẳng hiểu gì cả. Cô Vân đã đến, đã làm cái việc mở óc cho em, như đã làm cho em nói được vậy. Cô – mà thoạt đầu má em chỉ nhờ làm người an ủi, chơi đùa với em – đã là người dẫn em đi rất xa, thấy được những điều ngoài sức tưởng tượng. Trước kia em biết gì trừ căn phòng nhỏ bé này, những khuôn mặt quen thuộc ấy, và rộng lớn nhất là con đường em thấy qua cửa sổ kia? Trước kia có bao giờ em nghĩ được rằng: em là người Việt Nam , nước Việt Nam rộng bao nhiêu, ở đâu và đang có gì. Trước kia em chỉ nghĩ được rằng: em là một đứa nhỏ câm què – bất hạnh nhất rồi! Bây giờ em mới biết có những đứa còn bất hạnh hơn em, mà nghe cô Vân kể, em thương lắm! Nhiều lúc em muốn phá bức tường này, em theo cô Vân, đi xem khắp nơi để em thấy quê hương của em – em đã biết mình có “quê hương”, để em thấy những đứa trẻ bất hạnh mà em chưa hề gặp.

Còn chiến tranh, cô Vân còn kể cho em nghe về chiến tranh nữa. Em mới biết là chiến tranh đang lan tràn trên quê hương em. Em mới biết tiếng súng, tiếng bom mà em nghe, chứ chưa thấy, là do chiến tranh đó! Em ở khu phố bình yên này, không biết gì đến chiến tranh cả. Ban đầu em hỏi cô Vân: chiến tranh là gì? Cô Vân kể những cảnh tang thương ở dưới quê của cô cho em nghe. Chiến tranh đó! Chiến tranh tạo hằng vạn kẻ bất hạnh hơn em ở đầy rẫy khắp nơi. Ôi, khung cửa sổ của em nhỏ hẹp quá! Làm sao em thấy chiến tranh?

Một hôm em hỏi cô Vân mai sau cô sẽ làm gì. Cô Vân mơ màng đáp:

- Cô ấy à? Cô chỉ ao ước được về những miền quê xa xôi để dạy học cho những đứa trẻ nghèo khó. Cô không thích ở thành phố.

Em lại viết lên trang giấy:

- Bao giờ cô về quê?

- Cô chưa biết.

Tự nhiên em lo lắng: cô Vân sẽ về quê? Cô sẽ bỏ em, bỏ thành phố? Rồi em sẽ ra sao? Ai dạy em học? Ai thay thế cô Vân? Em tin chắc không có ai thay thế cô Vân được. Em nghĩ đến những ngày thiếu cô Vân, em lại sẽ ngồi lầm lì trong chiếc xe, nhìn xuống đường phố mỗi buổi sáng. Em lại sẽ phải làm những công việc rất nhàm chán vô duyên – đánh răng rửa mặt trong lúc chị Tư đứng im, mặt sưng sỉa – Từ ngày có cô Vân, em chẳng cần để ý đến chị Tư. Nghĩ như thế, em buồn vô cùng. Cô Vân có hiểu tại sao không nhỉ? Chắc không đâu, vì cô đang dệt ước mơ – ước mơ bỏ em, bỏ thành phố, về quê dạy học những đứa trẻ nghèo khó của cô.



Cô Vân cứ ngắm mãi bức tranh của em, yên lặng không nói. Em tẩn mẩn chà tay lên khoảng sắt giá lạnh của chiếc xe đẩy. Chỗ ấy mờ đi rồi từ từ bóng lên kỳ lạ. Em thấy rõ hình em và cô Vân chiếu trong ấy. Em đợi chờ cô Vân nói một tiếng, phê bình bức tranh. Lần đầu tiên em vẽ đấy! Tờ giấy nguệch ngoạc những nét vẽ bằng màu sáp – nét vẽ non nớt quá! Tối hôm qua em nghe súng nổ thật nhiều, nhưng xa, không hiểu ở đâu. Em nghe chị Tư la lên: “Họ thả trái sáng kìa!” Em vội vàng lăn xe đến bên cửa sổ xem. Lơ lửng trên những nóc lầu cao, hai trái sáng – không khác gì hai ngọn đèn – chiếu rực ở góc trời bên kia. Ánh sáng cũng giống như của đèn điện, nhưng sao ghê rợn quá! Em thấy cả những cụm mây xám xịt nổi lên trong màu đỏ ấy. Tự nhiên em nhớ lại chuyện “chiến tranh” của cô Vân. Ừ, có lẽ trong lúc trái sáng thả xuống, súng đang nổ, mà biết đâu có người chết nữa. Dễ sợ quá! Em đã tưởng tượng nổi chiến tranh. Em đã hình dung được những đứa trẻ bất hạnh hơn em rồi!

Và em đã vẽ vùng trái sáng em thấy qua cửa sổ vào mảnh giấy…

- Diệu! Cô thấy em như lớn hẳn lên.

Cô Vân trao lại bức tranh cho em. Em không ngạc nhiên vì lời nói của cô. Vì chính em, em cũng nhận thấy mình không còn khù khờ ngớ ngẩn như thuở trước. Em đã thông minh ra, em đã “sáng” ra. Em đã biết nghĩ đến nhiều điều xa vời rồi. Mà bằng cớ là tối qua, em đã vẽ bức tranh. Em đã quên đi sự câm nín què quặt của mình, vì em có cô Vân. Cô Vân! Cái hình hài thon nhỏ kia, nét mặt nhân hậu kia, mái tóc đen mướt kia, đang hiện hữu trước mắt em. Nếu nhỡ mỗi ngày em không được thấy cô, thì em sẽ ra sao?

Em không thích để những nỗi lo sợ vẩn vơ kia cứ đến hoài, nên em lấy quyển sổ ra. Cô Vân hôm nay sao ít nói thế nào! Cô cứ nhìn em mãi, mắt cô long lanh. Thấy em muốn học, cô gật đầu, cười nhẹ. Em hí hoáy viết:

- “Cô Vân ơi! Tiếng Việt nó hay hay làm sao! Em hỏi cô nhé! Chữ “lạnh” và chữ “ấm” trái nhau rõ ràng, mà sao “áo ấm” với “áo lạnh” thì là một? Còn nữa! Chữ “no” và “ốm” khác nhau xa, nhưng “no đòn” với “ốm đòn” lại cùng nghĩa. Thế là thế nào hở cô?”

Rồi em đưa cho cô Vân. Cô Vân xem xong, cười thích thú:

- Ừ nhỉ! Diệu khá lắm nhé! Khám phá ra điều này hay lắm! Tiếng Việt là thế đó Diệu! Rắc rối, quanh quẩn nên hay đáo để.

“Hay đáo để”! Nếu không có cô Vân làm sao em có được những ý nghĩ thắc mắc đó?

Em để ý thấy trong lúc em loay hoay tìm câu để hỏi thì cô Vân cứ ngồi yên lặng, không hoạt động như mọi ngày. Em phân vân, bèn viết:

- “Cô Vân ơi! Hôm nay cô có chuyện gì buồn mà cô ít nói cười với em vậy? Có gì cô nói cho em nghe đi!”

Cô Vân ngồi lại gần em hơn. Tự nhiên giọng cô như loãng ra:

- Diệu này!

Đáng lẽ em phải “dạ” khi cô gọi mới phải. Em ngước nhìn cô, chờ đợi. Cô nuốt nước bọt, nói khó khăn:

- Diệu ơi! Cô sắp phải xa Diệu…

Trời ơi! Em bấu chặt tay cô Vân.

- Như cô đã nói với Diệu đó, cô sẽ… cô muốn…

Sao cô ngập ngừng như thế này? Hay cô đã thấy đôi mắt em đỏ rừ lên? Một sức nặng đè ứ lên tròng mắt em, em phải quay đi, chớp thật mau. Giọng cô Vân vẫn êm, nhưng em nghe sắc như dao:

- Cô sẽ ra Huế, cô dạy học cho những đứa trẻ mồ côi…

Em gục đầu hẳn vào bàn tay. Má em chạm vào thành ghế sắt buốt giá. Nước mắt em thực sự chảy ràn rụa ra khỏi mi, nhòe nhoẹt trên bàn tay, nhỏ giọt xuống chân. Cô Vân sẽ ra Huế!!! Cô sẽ đến với những đứa trẻ nghèo khó, thất học, mồ côi. Cô bỏ em, cô bỏ thành phố! Cô yêu mến chốn tiêu sơ hoang tàn hơn là nơi đông đúc xa hoa hỗn độn này. Cô tha thiết với đàn trẻ tóc cháy nắng, da rám đen, quần áo rách rưới hơn là em, con nhỏ què quặt câm nín này. Cô mơ ước đến cái lớp học lủng mái, xiêu tường, gạch ngói bề bộn hơn là căn phòng nhỏ bé buồn nản với những cửa sổ âu sầu này. Thật thế cô Vân ơi! Những gì ở đây đều đáng chán, đáng bỏ – chính em còn muốn chán, muốn bỏ nữa là cô. Cô còn phải bay nhảy ra đời nữa mà! Cô có tiếng nói, cô có bàn tay, cô có đôi chân… Cô còn phải đóng góp cho đời những đóa hoa, và riêng cho đất nước tủi buồn của chúng mình một tia nắng ấm.

Ô hay! Nhưng còn em, em sẽ ra sao, cô Vân ơi!!! Quyển sổ như vừa rời khỏi tay em, rơi xuống đất. Cả cây viết nữa. Em nghe rõ tiếng nấc của mình, và tiếng thở dài của cô Vân.



Không một tiếng động nhỏ nào, nhưng em thức giấc. Trời bên ngoài vẫn còn tối đen. Mới sáu giờ sáng.

Mi mắt em sưng cứng, nặng trĩu. Em cố quên những chuyện buồn, nhưng không thể được. Sáng nay cô Vân sẽ đi. Cô sẽ từ giã những gì nơi em, để bước vào một vùng mới mẻ. Cô thực hiện điều mong ước của cô, như thế rất phải. Nhưng em, dù sao em cũng không thể quên được cô, vì những ngày xa vắng cô Vân, em làm sao chịu nổi? Em bé nhỏ, hèn mọn quá! Em cần niềm tin, cần sự che chở, an ủi của cô Vân.
Em muốn trời đừng bao giờ sáng nữa, để cô Vân đừng đi. Em muốn quên tiếng nói của mọi người. Nhưng trời vẫn đang từ từ sáng rõ, và em nghe tiếng rao đầu tiên trên đường:

- “Xôi đậu xanh, xôi đậu phụng đây!”

Tiếng rao ngân dài, xoáy vào màng tai em. Dù nghĩ một đàng, nhưng cứ theo lệ thường – như một cái máy – em tung chăn ngồi dậy. Rồi em lặng nhìn đôi chân gầy gò của em. Tự nhiên em ao ước giá em là bà hàng xôi ấy nhỉ! Được cái đôi chân gánh chạy nhanh thoăn thoắt và cái giọng rao lanh lảnh có sức mạnh đánh thức mọi người là em sướng rồi! Và đời em sẽ ngọt ngào như xôi đậu xanh, xôi đậu phụng của bà ấy chăng? Ừ! Sao em chẳng được sinh ra làm một con người lao động, cực khổ nhưng toàn vẹn? Trời sinh ra em vào một gia đình giàu có nào ích lợi gì khi em chỉ giam thân vào một chỗ?

Tiếng rao vẫn cất lên giữa những khoảng cách ngắn. Em lại làm những cử động nhàm chán để vào xe, lăn đến bên cửa sổ. Tia nắng đầu tiên đang ló ra ở cuối dãy phố. Trời trong vắt. Hàng cây im lặng đứng hai bên đường. Lúc này xe cộ đã hơi nhiều, tiếng động cơ nổ dòn dã. Bà hàng xôi ngồi trước một cửa tiệm, đang gói xôi cho một cô bé đi học sớm. Nhịp sống vẫn luôn luôn như thế, đều đặn, nhưng không chán buồn bằng những ngày sắp tới của em.

Một chị nho nhỏ người từ trong tiệm bánh mì đi ra, với cái giỏ lớn trên tay. Chị móc cái giỏ vào tay lái chiếc xe đạp để sẵn bên lề đường, rồi leo lên đạp. Một chiếc xe lam chở đầy hành khách chạy đến, quẹo lại. Chiếc xe đạp bị đụng ngã, kêu một tiếng khô khan. Chị con gái bị té xuống đường, cái giỏ rơi ra, những chiếc bánh mì ngọt tròn trịa lăn lông lốc như các bánh xe, nhiều lắm! Em hoảng hốt vịn tay vào song cửa. Chị con gái cố gượng ngồi dậy nhưng bàn tay chị đưa ra sau lưng thoa thoa, và mặt chị nhăn nhó. Vài đứa trẻ nhỏ đi học dừng lại xem. Rồi một người cảnh sát rời chỗ đứng, đi đến bên chị, nhặt bánh mì cho vào giỏ sau khi đã dìu chị đứng dậy. Em gục đầu vào song cửa, nghe nỗi chán nản đang đến. Không hiểu chị bánh mì vừa gặp rủi ro kia có sung sướng hơn gì em không?

Có tiếng chân, rồi tiếng mở cửa phòng. Chắc chắn là chị Tư, lại chị Tư. Chị Tư vào càng làm cho em chán nản vì những công việc nhàm chán chứ gì?

- Diệu!

Chị Tư sao lại có giọng nói ngọt ngào thế được? Không phải chị Tư! Cô Vân! Chiếc xe chưa kịp quay lại, cô Vân đã đến bên em rồi. Cô Vân đến sớm quá! Trên tay cô Vân là chiếc va-li trắng mới tinh. Cô Vân đến để từ giã em. Những hờn giận tủi hờn chạy lên mặt em, tràn ứ lên đôi mắt. Em nhìn cô Vân, nghẹn ngào.

Cô Vân mặc một chiếc áo dài màu nâu, tóc cột gọn, chân đi guốc gỗ thấp, dáng điệu của một người sắp về quê. Cô nhìn em, đôi mắt trìu mến:

- Diệu dậy sớm vậy?

Em gật đầu. Cô Vân ngồi xuống giường. Hình như cô đang tìm câu để nói với em. Tự nhiên sao hôm nay em thấy cô Vân xa lạ quá, khách sáo quá! Chắc đầu óc cô đang mải nghĩ đến những đứa trẻ ở Huế của cô. Sự hờn ghen bỗng đến với em, em cúi đầu buồn bã. Đáng lẽ em nên khóc thật to, cho cô Vân thương xót, cô Vân ở lại. Nhưng có lẽ tại bây giờ em đã “sáng” hơn xưa, nên em nghĩ làm thế là hèn hạ lắm! Em phải bình tĩnh, vì việc gì rồi cũng đến. Cô Vân không thể nào sống mãi ở đây được. Cô phải làm tròn mộng ước của cô. Em cố tạo nét mặt yên ổn, rồi em nhìn lên, cười với cô Vân. Cô lấy ra mấy cuốn truyện cổ tích, đặt vào tay em:

- Cô làm quà cho Diệu, Diệu xem đỡ buồn.

Chẳng bao giờ đỡ buồn đâu cô Vân! Em sẽ còn buồn hoài… Thiếu cô rồi, em vui với ai nữa? Mớ chữ nghĩa em mang chừng đó rồi thôi. Chẳng có ai kiên nhẫn, chịu đựng bằng cô mà đến với em đâu! Em rồi sẽ ngồi như tượng đá ở đây, không có gì thú vị hết.

- Cô phải đi chuyến xe sớm. Cô… sẽ viết thư về cho Diệu, và có cả quà Huế nữa. Diệu chịu không?

Em cố gắng mỉm cười, gật đầu.

- Diệu muốn nói gì nữa không?

Em đưa mắt nhìn cuốn sổ trên bàn, cây viết kế bên. Sao chúng lạnh lùng, hững hờ quá! Em thờ thẫn lắc đầu. Cô Vân đứng dậy, nước mắt rưng rưng:

- Thôi cô đi… nghe Diệu!

Cô hôn một cái lên trán em, rồi quay lưng. Em như bừng tỉnh cơn mê, hoảng hốt khi cô Vân đã đến bên cửa. Bỗng nhiên em muốn nói với cô Vân một điều… Em hấp tấp, em run rẩy đẩy bánh xe đến bên bàn có cuốn sổ và cây bút. Em với tay lấy chúng, khoảng cách từ em đến bàn còn xa quá, phần vì em run rẩy nên em chới với. Mất thăng bằng, chiếc xe nghiêng đi, ngã xuống. Tiếng sắt chạm nền nhà nghe rợn người. Cuốn sổ, cây bút rơi theo. Và em nằm mẹp dưới sức nặng của chiếc xe.

Em nghe tiếng cô Vân kêu lên. Em thấy mình nằm trong đôi tay cô Vân. Nước mắt em ràn rụa. Em nhìn thấy gương mặt cô Vân hiền và đẹp như thiên thần. Và em nghe chiếc va-li rơi đánh “cạch” khô khan xuống sàn đá hoa.

Rồi em nghe tiếng “keng, keng” của chiếc xe đổ rác dưới đường vọng lên thật rõ…
  
CAM LI   

(Trích từ Bán nguyệt san Tuổi Hoa số 101, ra ngày 1-3-1969)

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>