Thứ Tư, 1 tháng 3, 2017

Cùng Soi Lại Gương Hai Bà Còn Sáng Chói Ngàn Thu




CÁI CHẾT CỦA THI SÁCH, GIỌT NƯỚC LÀM TRÀN LY CỦA TRÙM THAM NHŨNG TÔ ĐỊNH

LỰC LƯỢNG CỦA HAI BÀ ĐÔNG TỚI 6 VẠN NGƯỜI

LỜI THỀ CỦA HAI BÀ KHI PHẤT CỜ KHỞI NGHĨA

QUÉT MỘT HƠI, 65 THÀNH TRÌ RƠI RỤNG NHƯ LÁ MÙA THU


Thái Thú Tộ Định trùm tham nhũng đất Giao Chỉ

Cuộc đảo chính của Tể tướng Lữ Gia, lật đổ triều đình Triệu Ai Vương và xử tử Cù Thị Thái Hậu (đã tư thông với An Thiếu Quí, sứ giả của nhà Tây Hán) đã xảy ra trong chớp nhoáng. Nhưng chế độ mới của Triệu Dương Vương cũng không kéo dài được quá một năm. Nhà Triệu đã bị tiêu diệt để mở đầu cho thời kỳ Bắc thuộc lần thứ hai. Lấy được Nam Việt, nhà Hán thiết lập một cơ cấu hành chánh mềm dẻo: các lạc hầu, lạc tướng nhà Triệu vẫn được giữ nguyên, nhưng đặt dưới quyền điều khiển của quan Thứ Sử, toàn là người Trung Quốc. Có nhiều quan Thái Thú là người tốt như Tích Quang, Nhâm Diên, nhưng cũng có lắm kẻ tham nhũng cỡ chúa trùm như Ích Xương, Tô Định.

Tô Định là Thái Thú quận Giao Chỉ, kẻ được bổ nhiệm sang thay Tích Quang. Người đi chưa hết tiếng khen, kẻ tới đã biểu lộ bộ mặt tham nhũng hạng bự, vừa tham tàn, vừa hiếu sát, trong mấy năm đầu đã gây ra bao nhiêu sự bất mãn làm môi trường nẩy mầm tốt đẹp cho lực lượng cách mạng vùng lên. Nhân vật lãnh đạo cách mạng là một Huyện lệnh có nhiều uy tín ở Châu Diên, thuộc phủ Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Yên ngày nay.

Đó là ông Đặng Thi Sách, con rể của quan Lạc Tướng huyện Mê Linh, làng Hạ Lôi, tỉnh Phúc Yên, chồng bà Trưng Trắc, anh rể bà Trưng Nhị. Lực lượng cách mạng lên tới 6 vạn người. Thi Sách thoạt tiên chủ trương cách mạng ôn hòa để tiết kiệm xương máu.

Ông chỉ viết một lá thư với lời lẽ đanh thép, lên án gắt gao chính sách cầm quyền của Tô Định, cảnh cáo nặng nề chủ trương tham nhũng, hiếp bóc dân lành và báo động một cuộc chiến tranh khởi nghĩa nếu Tô Định không chịu thay đổi đường lối của mình.

Tô Định trả lời lá thư tuyên chiến này bằng cách thừa lúc sơ hở, đem quân vây bắt Thi Sách rồi chém đầu gọi là để làm gương. Ly nước đã đầy, hành động đó như một giọt nước cuối cùng làm tràn ra khỏi miệng.

Lực lượng cách mạng nhất quyết vùng lên. Người cầm đầu chính là Bà Trưng Trắc, với bốn lời thề gởi hào kiệt bốn phương:

1) Thề khôi phục nghiệp lớn của giòng Lạc Hồng.

2) Thề trả thù cho Thi Sách.

3) Thề giết kỳ được Tô Định.

4) Thề ai có công to thì gả em là Trưng Nhị cho.

Lời kêu gọi của hai bà được các đảng nghĩa dũng hưởng ứng nồng nhiệt. Kiểm điểm thấy gồm có đảng của bà Nguyễn Đào Nương, đảng của ông Cao Doãn, đảng của ông Trương Quân, đồng thời các đồng chí của Thi Sách ở các vùng lân cận như Đông Sàng, Liên Chiểu, Phù Sá cũng đem quân trợ giúp rất nhiều. Lực lượng cách mạng lên tới 6 vạn người.


Cờ vàng oai dũng trong biển máu

Mặc dù hãy còn đại tang, Hai Bà không hề tị hiềm mà trang sức vô cùng lộng lẫy (để tạo uy thế và đánh trúng tâm lý khiếp nhược của đối phương). Hai Bà cỡi voi trên bành vàng, che lọng vàng, bận áo giáp vàng, phất cờ vàng tiến quân đánh thẳng vào Liên Lâu Thành là trụ sở của Tô Định, đuổi quân tướng Trung Hoa về Tầu, rồi thừa thắng xông lên, tiến quân ào ào như thác lũ, khí thế mạnh mẽ như chẻ tre. Quân cách mạng đi đến đâu, dân chúng hưởng ứng nhiệt liệt tới đó, và với chiến thuật tốc chiến tốc thắng, Hai Bà đã chiếm một hơi 65 thành trì, đem giang sơn Việt thâu gồm một mối, chấm dứt cuộc nô lệ phương Bắc đã kéo dải đằng đẵng trên một trăm năm dưới ách thống trị của nhà Hán.

Năm đó là năm 40 sau Tây lịch kỷ nguyên.

Hai Bà thắng trận xong, liền xưng Vương và đóng đô ở Mê Linh. Việc triều chính chưa kịp lo sắp xếp ổn định, thì mùa đông năm sau (41 sau Tây lịch), vua Hán Quang Vũ sai một Thượng Tướng Trung Hoa là Mã Viện (tức Mã văn Uyên) lúc đó đã bảy chục tuổi, đầu bạc trắng nhưng kinh nghiệm chiến trận rất dồi dào, lãnh hai chục ngàn quân qua N.V. lại huy động hàng vạn dân phu phá rừng, mở núi để tiến sang.

Cuộc chiến tranh kéo dài tới hai năm liền với những trận đánh rất anh dũng từ đồng bằng lên miền núi, từ cực Bắc của lãnh thổ đến cực Nam quận Nhật Nam. Nhưng rút cục, vì bộ đội mới thành lập, ít được tôi luyện và trang bị kỹ càng; lại thêm quân Hán vừa tinh nhuệ vừa đông đảo nên Hai Bà thất thế phải lui về Cấm Khê thuộc tỉnh Phú Thọ, rồi trầm mình trên dòng sông Hát (1 nhánh của sông Nhị) vào giữa ngày mồng 6 tháng 2 năm Quí mão (năm 43 dương lịch). Theo lời dân chúng thì ngọc thể của Hai Bà trôi về bãi Đồng Nhân gần Hà Nội, nên ở đấy cho đến nay vẫn còn có đền thờ Hai Bà, và cả nước ta ai ai cũng ghi nhớ ngày 6 tháng 2 là ngày trọng đại trong lịch sử dân tộc.


(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 30, ra ngày 19-3-1972)


oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>