Thứ Ba, 29 tháng 3, 2016

CHƯƠNG MƯỜI_NHỮNG CUỘC SĂN RÙNG RỢN


CHƯƠNG MƯỜI


Tội lỗi của San được Mặc Lâm bỏ qua, không nhắc tới, có lẽ một phần vì cuộc săn được nhiều may mắn, không thiệt hại nhân mạng như trước nay và phần nữa, ông bận tâm nghĩ đến thủ phạm bắn lén ông. Tuy ông kín đáo không tiết lộ ra, song hai đứa trẻ tinh khôn biết thế.
 
Nhiều ngày qua. Cuộc sống êm đềm trở lại. San cùng Yago lại đi săn thịt cho cả nhà ăn. Tio cũng lớn lên, tuy vậy, vẫn cứ ở trong soukala với hai cậu con trai, con báo và con khỉ tạo thành một gia đình ngộ nghĩnh, buồn cười. Sau một thời gian, mỗi lần vào soukala nó phải thót bụng lại mới chui lọt. Biết rằng nó sẽ phải ngủ ở ngoài nhà một ngày sắp tới, nhưng hai đứa cứ cố giữ nó trong soukala được ngày nào hay ngày ấy, chưa muốn rời ra.
 
Những con vịt trời mập mạp đi dạo từng cặp trên mấy đám ruộng gần làng, mấy con gà gô ngu ngốc và những con bồ câu xanh xinh đẹp lần lượt thay nhau nạp mạng dưới những mũi tên của San hoặc Yago. Yago đã phải thành thật công nhận là San bây giờ nhanh tay, nhanh mắt không kém chi mình. Sau khi đi săn, hai đứa sóng bước bên nhau vừa đi vừa trò chuyện vui vẻ, có khi ghé lại một xóm nhỏ xem phụ nữ nặn đất sét hay làm mặt nạ. San đứng nhìn họ, bàn tay nhanh nhẹn vò viên đất sét, thoáng chốc trở thành cái cốc, con chim hay bất cứ vật gì như ý muốn. Một bữa, Yago đưa San đến gặp một phụ nữ chuyên nặn đồ gốm này. Hai bên bàn tán rất lâu, đôi khi Yago và bà ta ngừng lại đưa mắt nhìn San. Sau này, San mới biết là Yago nài nỉ bà ta giúp bạn mình, quả đó là một bà phù thủy, hiểu hết những dấu hiệu có tính chất huyền bí cũng như tạo ra chúng vậy.
 
Hôm sau, Yago đưa bạn lại, nó sung sướng đón nhận trên tay bà ta một cái cốc thô sơ chứa cỡ phần tư lít có vẽ hình mấy con rắn quấn lấy nhau. Đó là biểu hiện tình bạn thâm sâu, mà cũng mang ý niệm về sự trường sinh. – Rắn là loài vật thay da – Và kể từ đó, San phải làm vui lòng bạn : uống nước trong cốc ấy để được an lành và để tình bạn hai đứa ngày càng thêm thắm thiết. Đầu óc ngây ngô đơn giản của Yago chỉ mong mỏi có một điều là San sẽ quên hết : Ba Lan xa cách muôn trùng, người cha bác học đang một mình với muôn vàn nguy hiểm… bởi chính Yago đã thấy con báo Baou, con khỉ A Ta, con khỉ Niki và mới đây con voi Tio đều vui vẻ chấp nhận quê hương mới thì tại sao San lại nhớ mãi chuyện đã qua ?
 
Riêng Mặc Lâm, không nghĩ như Yago, ông cũng đối xử với San như trước song có phần dịu dàng hơn. Đôi khi, ông trầm giọng bảo :
 
- Con hãy yên tâm ! Cha con sẽ được bề trên phò trợ. Người tốt có gặp nạn song rồi sẽ qua đi. Con Niki chắc còn bận vài nhiệm vụ, và ta cam đoan nó sẽ về cùng với thư của cha con.
 
Mặc cho một già một trẻ tìm mọi cách cho San nguôi buồn khổ, San không thể nào quên được chuyến dạ hành nguy hiểm của cha, nhất là mỗi khi nhớ đến Lịch, gã da trắng đã bắn lén cha mình và ông Mặc Lâm… Mà tại sao con Niki đi lâu đến vậy chớ ? Những lần trước nó về sớm hơn nhiều. Trong đầu cậu, cả ngàn câu hỏi hiện lên làm San khó giữ được vẻ bình thản dù hết sức cố gắng.
 
Mấy ngày đầu, việc gieo vàng trên sông, việc đến chỗ hà mã tụ tập, rồi kế đến việc săn voi… việc chăm sóc voi Tio choán hết thì giờ nên San tạm nguôi khuây. Ngay cả Mặc Lâm, miệng nói cứng để trấn an con bạn, mà chính ông, ông cũng tỏ ra thắc thỏm lo âu. Ngồi một mình, ông hút ống điếu không ngừng và thở dài sườn sượt, rồi ông chắp tay sau lưng đi ra , đi vào cả chục lần. Tối tối, bác sĩ Viết, đồn trưởng Cát cùng ông bàn bạc nho nhỏ, nét mặt trang trọng mà động thấy bóng San là họ im bặt tức thì. Họ hết sức tránh không muốn cậu con trai buồn lo về chuyện cha nó không tin tức.
 
Con Niki coi như mất tích cùng với cha San.
 
*
 
Thế rồi một hôm, sau bữa ăn tối nó lừng lững bước vô nhà. San ứa nước mắt vì sung sướng. Yago và Mặc Lâm cũng mừng không kém. Con vật bươn bả đến gần người này, người kia mong có bàn tay tháo ngay cái bao da nặng trĩu trên vai nó, song không một ai nhúc nhích vì đột ngột quá, mừng rỡ quá. Nó kêu lên khe khẽ mấy tiếng biểu lộ niềm vui. Tận lúc ấy, Yago mới nhớ ra, vội vã tháo cái bao da đem lại cho cha nuôi. Mặc Lâm run rẩy lôi ra từng thứ một, nào thuốc cho bác sĩ Viết, nào đèn bấm, nào đá lửa… nhưng ông có vẻ không cần những thứ đó, ông nóng nảy thò tận đáy bao tìm vật muốn tìm – trong lúc San nhìn chằm chằm vào tay ông, không chớp mắt – Song rồi, già lẫn trẻ cùng thất vọng : cha San không viết cho họ chữ nào hết, không nhắn nhủ gì hết. Niki rất khôn ngoan nhưng không biết nói, làm sao mà hiểu được những gì đã xảy ra ?
 
Mặc Lâm tìm lời an ủi San :
 
- Ta nghĩ là gấp quá nên cha con không viết được thư. Hãy kiên nhẫn con ạ ! Để đợi kỳ xe thư tuần tới xem sao… Phải kiên…
 
Ông ngừng bặt vì có tiếng trống vang lên, càng lúc càng dồn dập và dù không hiểu được thứ ngôn ngữ đặc biệt ấy, San cũng đoán được một phần mức độ quan trọng của bản tin vì Yago và Mặc Lâm đều không giấu được vẻ lo âu. Tiếng trống khoan dần và tắt hẳn sau 10 phút. Mặc Lâm kín đáo đưa mắt cho Yago, cậu con trai bảo San :
 
- Tình hình nghiêm trọng : trời không chịu mưa cả tháng nay, lúa gieo bị nắng như lửa đỏ đốt cháy. Dân chúng yêu cầu cha nuôi tôi mua cho hạt giống kê hay bắp để gieo, nếu không sẽ đói… mà cha nuôi tôi thì… kỳ này không có tiền.
 
Không quen nói dối, cho nên Yago không thể đánh lừa được San. Cậu thất vọng đưa mắt nhìn Mặc Lâm cầu cứu. Ông già cũng bối rối không kém chẳng biết làm gì hơn là quay phía khác, tránh cái nhìn tha thiết, cầu khẩn của San. San không chịu được sự úp mở này, nó đánh bạo đến trước mặt ông, run giọng :
 
- Thưa bác, con muốn biết rõ mọi việc. Thà con biết một lần con hơn phấp phỏng thế này. Con chưa là người lớn nhưng cũng không còn trẻ con nữa, con đủ sức chịu đựng, dù sự thực có tàn nhẫn đến đâu. Xin bác thương con… con muốn biết tin cha con, con van bác !
 
Mặc Lâm quay lại nhìn San, những lời của nó làm ông xúc động tận đáy lòng. Có lẽ nó nói đúng : che giấu sự thực chỉ làm nó khổ sở thêm. Vả lại đã chắc gì là cha nó táng mạng… ? Bằng giọng hết sức điềm tĩnh, Mặc Lâm nói :
 
- San ơi ! Ta không muốn con lo lắng quá, vả lại bản tin cũng chưa đích xác. Nhưng thôi, ta nói cho con biết : có hai người da trắng thanh toán nhau tại vùng biên giới Biển Vàng (Gold Coast) một trong hai người ấy bị thương rất nặng và chạy vào một làng da đen lẩn trốn, còn người kia thì lại mất tích ngay sau đó. Ta cũng như con, suy nghĩ đến điên đầu mà chẳng biết sự thực ra sao. Nhưng San ơi ! Ta từng nói với con rằng có…
 
San ù tai lại không nghe gì nữa. Người bị thương lẩn trốn là ai nếu không là cha nó ? Tên Lịch thì đời nào dám chường mặt vào các làng để được dân làng dung chứa ? Nó không cần cầm giữ nữa, bưng mặt khóc ròng.
 
Nó khóc rất lâu, rất nhiều, rất hả hê, cho đến lúc nỗi đau đớn vơi đôi chút rồi nó im bặt, lau nước mắt nhìn quanh. Ông Mặc Lâm đã vào phòng, cạnh nó Yago ngồi bó gối, gương mặt buồn rũ, ngay đến khỉ A Ta vẫn liến thoắng mà cũng ngồi yên, đưa mắt nhìn San nửa như dò hỏi, nửa như cảm thông. Con Niki thì sau khi uống cạn tiếp hai tách sữa nóng do Yago pha cho, nó nằm lăn ra ngủ tức thì.
 
*
 
Hai tuần nữa trôi qua, hai tuần lễ dài lê thê như vô tận. Cứ mỗi thứ bảy, lúc tờ mờ sáng, San đã leo lên đồi, sớm hơn cả toán lính có phận sự kéo cờ bên dưới cái sân trải cuội. San trông thấy toán lính đi lại nhộn nhịp rồi sắp hàng, chào cờ và đồn trường Cát hiện ra với quần soọc và sơ mi ngắn tay. Xa xa, bác sĩ Viết cũng tiến lại trước khi vô bệnh viện.
 
Nhiều toán người phạt cây, đốt bụi, phá những khu rừng dọc theo ven hồ và thung lũng để làm nhà; họ được bác sĩ khuyên nên làm nhà gần nơi có nước và khoáng đãng vì muỗi Tsé-tsé gây chứng bệnh buồn ngủ đáng sợ rất kỵ ánh sáng mặt trời, chỉ ưa ẩn nấp ở bụi bờ rậm rạp. Vì vậy, họ đốt phá hết những bụi rậm gần soukala của dân chúng. Dần dà, từng ngày một, mầu đỏ trên bản đồ lúc trước rất nhiều – mầu đỏ chỉ vùng dân chúng bị chứng buồn ngủ hoành hành – được thay bằng mầu xanh dịu mắt. San thơ thẩn trong đồn, lơ đãng nhận xét công trình kiên nhẫn của bác sĩ để đợi chuyến xe thư, có khi hàng hai giờ chưa thấy tăm dạng.
 
Trước hiên đồn, dân bản xứ từ các vùng hẻo lánh kéo nhau đến, họ ngồi phệch ngay dưới nắng hút ống điếu chờ đợi đồn trưởng Cát tiếp mình. Cát giải quyết lanh lẹ, dứt khoát những tranh chấp qua viên thông ngôn, những khiếu nại nho nhỏ (những điều quan trọng thì được giải quyết tại nhà Mặc Lâm) Mặc Lâm phân xử không cần thông ngôn như đồn trưởng Cát. Ông biết hết cung cách gieo tai họa, phù phép, bùa chú của bọn phù thủy da đen, họ không dám chống lại ông và tuân lời răm rắp. Ông cắt đôi con rắn nước xanh biếc mà dân Lobi ưa thích, đoạn chia cho mỗi bên một nửa, sau khi hòa giải. Hai đối thủ được hút ống điếu của Mặc Lâm mời và mỗi người giữ nửa con rắn, biểu hiệu bảo đảm cho sự hòa bình. Họ sẽ ăn sau khi về đến nhà riêng.
 
Song con người da trắng đầy quyền uy đó cũng đành bó tay trước sự phiền muộn của con trai bạn : xe thư không ngừng lại trước nhà ông.
 
- Này con – Mặc Lâm cố nén lo âu, nói – hãy kiên nhẫn chút nữa, chắc cha con không đến nỗi nào đâu, nếu có gì ta đã biết tin qua đồn trưởng Cát, hay tiếng trống. Đừng lo lắng, không tốt !
 
Không để cho san cô độc lâu, Yago chạy bay đến đồn đón bạn đi săn. San được nguôi đi giây lát. Tio, con voi em nuôi hai đứa lớn như thổi vì được hai người anh, một trắng một đen săn sóc chu đáo, kỹ càng. Nhờ Yago – người anh cả da đen – dạy dỗ khéo léo, nó đã biết dùng cái vòi nhỏ xíu để tháo một nút dây hay quấn quanh cái chày và giã kê trong một cái cối làm bằng khúc cây đục giữa lòng. San, người anh thứ hai, dạy nó tiếng Pháp song quả thực nó dễ thụ nhận tiếng Lobi hơn cho nên sau cùng hai anh dùng tiếng đó để sai phái nó công việc. Giọng đắc thắng, Yago bảo San :
 
- Thấy chưa, tao nói có sai đâu : nó quên bộ lạc nó rồi, nó chạy theo anh em mình như một con chó nhỏ trung thành, ăn trên tay mình như con Niki, giã kê như con người, tháo dây như… thứ gì… à, như Hướng đạo ở xứ mày, bảo gì nghe nấy, thấy chưa ?
 
Đôi khi, hai anh giả vờ bỏ cái cung hay túi tên trong rừng, chỗ nghỉ chân khi đi săn, rồi hỏi qua, hỏi lại như là quên thật, đoạn Yago lớn tiếng bảo :
 
- Tio ! Đi kiếm cái cung (hay túi tên) mau !
 
Tio gật đầu quay lại bới từng bụi cỏ tìm vật bỏ quên, và luôn luôn nó làm cho hai ông anh nghịch ngợm hài lòng. San công nhận nó có một giác quan tinh nhạy. Dùng cái vòi, nó rà rà trên mặt đất, bụi cây, nó ngửi và tìm thấy mùi như một con chó săn có biệt tài.
 
Càng ngày nó càng lớn phổng và đã có thể chở một lúc cả hai anh trên lưng.
 
Song anh cả nó là người khó tính, luôn bảo San :
 
- Ta phải nhắc cho nó nhớ nó thuộc giòng giống cao quí của rừng già. Nó phải…
 
Rồi Yago tổ chức cuộc tranh tài giữa báo với voi, nhưng hai con vật chỉ đùa chơi : báo nhảy lên lưng voi, voi lấy vòi hất nhào báo xuống, thế là hai ông anh quên vai trò ban huấn thị, xông vào cuộc vui luôn. Người và vật quần nhau trên thảm cỏ, cho đến lúc báo Baou đè lên mình làm San và Yago gần ngạt thở, như hai con chuột nhắt trong vuốt con mèo già, voi tức thì can thiệp : nó dùng vòi kéo chân báo ra, đoạn cắp từng anh trong vòi, đem đi chỗ khác.
 
Nhưng Yago vẫn chưa hài lòng, nó muốn cho Tio tiến hơn, hơn nữa mới nghe.
 
- Tại sao bên Ấn Độ người ta bắt voi làm công việc nặng nhọc hơn Phi Châu ? Mày đọc nhiều sách, mày biết chứ ?
 
- À ! – San lúng túng – Tôi chưa đọc sách nói về điều này, nhưng tôi nghĩ có lẽ những voi đó giỏi làm việc vì họ bắt lúc nó còn nhỏ, luyện tập thuần thục…
 
- Làm sao mày dám cả quyết như vậy ?
 
- Sao lại không ? Thì coi con Tio của mình đó…
 
- Mày có lý ! Hay là chúng ta thử nói với ông ấy xem sao ?
 
- Phải ! Có voi, người ta sẽ đỡ nhọc nhiều lắm.
 
- Trong lúc chờ đợi ông ấy thuyết phục dân chúng bằng lòng bắt voi con về dạy làm việc, chúng ta thí nghiệm con Tio, nghe ?
 
- Đồng ý !
 
Thế là hai đứa đến ông thợ rèn bảo làm một cái cày có dây bằng da trâu, rồi bắt ách vào cho Tio và con vật kéo theo lệnh anh cả.
 
Yago mừng rơn. Giọng hãnh diện, Yago bảo San :
 
- Một ngày kia tao sẽ chỉ huy một đàn voi thuần thục. Dio ! Sau này, tao sẽ thay cha nuôi và tuy tao không được cái mầu da trắng, tao sẽ chỉ huy dân chúng vùng này như ông ấy hiện nay.
 
- Tao sẽ làm phụ tá cho mày, à, quên, cho anh chớ, Yago !
 
*
 
San đang vét cái hồ ở cuối khu vườn, chỗ con Tio ưa đầm mình xuống và lăn tròn trong bùn dẻo quánh (bùn rất mau khô bao một lớp mỏng quanh mình nó, nhờ vậy mấy con ruồi trâu chích nó không đau). Chợt Yago phóng tới, hét dựng :
 
- Mau lên chú em ! Có một lá thư cho chú à !
 
San quăng cái xẻng chạy bay lại phía bạn, mình mẩy tóc tai dính đầy bùn, hai đứa kéo nhau chạy băng băng, thở hồng hộc. Trước sân, cái xe thư đang rồ máy. Mặc Lâm vui vẻ trao cho San một tờ giấy đánh máy mỏng tanh và không để cho San ngạc nhiên, giải thích :
 
- Ta biết con đợi lá thư đúng một lá thư, nghĩa là có bao thư và đề tên con đàng hoàng nhưng có lẽ cha con vội quá không đủ thì giờ, con hiểu chứ ? Ông ấy gửi chung trong thư ta…
 
San không nghe gì nữa, nó vồ lấy tờ giấy mỏng đọc ngấu tức thì, tay run rẩy, mắt hoa lên, những giòng chữ đánh máy như nhảy múa dưới mắt nó, song nó vẫn đọc được. Thư rất ngắn – chắc cha mình bận quá, San nhủ thầm – dù vậy, ông cũng có hỏi thăm đến Yago. San sung sướng quá, nó đọc đi đọc lại hàng chục bận và còn đưa cho Yago đọc nữa. Trong lúc Yago đón lấy lá thư, nét mặt rạng rỡ, ông Mặc Lâm nói với San :
 
- Thôi, vậy là chúng ta yên tâm nhé ? Ta cũng mừng như con vậy.
 
Thật y như cơn ác mộng kéo dài và giờ được chấm dứt. San vui không thể tả, Yago cũng vậy, hai đứa bá cổ nhau nhảy, hét điên cuồng. Thật là một ngày đáng ghi nhớ. Lại càng đáng nhớ hơn nữa khi tối đó, con Tio không sao vào lọt trong phòng ngủ của hai anh : nó đã quá lớn, nên dù lối đi khoét rộng hai thước và nó đã cố thót bụng lại nó vẫn không đi qua được. Đứa em thứ ba rên rỉ, gần như muốn ép dẹp xương sườn…
 
Hai anh nó cố xoa dịu nỗi đau của nó và dịu dàng dìu nó trở ra, con vật buông thả cái vòi không ngớt vừa đi vừa rên rỉ.
 
San ghi vào nhật ký chung của hai anh em : “Tội nghiệp con Tio quá : từ nay nó không được ngủ với anh em tôi. Bên ngoài rất lạnh. Lúc dìu nó ra ngoài tôi thấy mắt nó ướt đẫm. Thật mà ! Nó chỉ lớn xác chớ vẫn còn trẻ con. Nó nhỏ hơn chúng tôi nhiều. Yago bảo tôi là từ nay hai đứa phải chăm sóc nó cẩn thận hơn. Khéo bày đặt, Yago lúc nào cũng làm ra vẻ người lớn, kỳ thật hai đứa bằng nhau, nhưng không sao, cứ để anh ấy ra vẻ như vậy, may ra ảnh cao hơn tôi”
 
Tuần lễ kế, San nhận được thư cha, cũng lối đó, ông không chịu viết riêng. San hơi phật ý, song rồi đoán là cha quá bận, vả lại bác Mặc Lâm cũng như cha, có gì mà phàn nàn ? Quí hồ được tin ông là tốt rồi. Kỳ này thư hơi dài, ông nói là đợi ít lâu sắp đặt nơi ăn chốn ở đàng hoàng ông sẽ đem San theo, San cần tiếp tục học hành.
 
- Yago ! Tôi sẽ xin cha tôi đưa anh đi với tôi.
 
- Đi đâu ? Qua Mỹ hả ?
 
- Tại sao không ? Chỗ nào tôi đến là anh đến. Anh sẽ đi học với tôi, mình là anh em mà ?
 
- Cha nuôi tao có cho không ?
 
- Sao lại không ? Cha tôi xin chắc ông bằng lòng.
 
Mắt Yago sáng ngời lên, nhưng chợt nụ cười tắt mất ngay sau đó. Ngập ngừng một giây, nó bảo San :
 
- Không được đâu, Dio ! Tao không thể rời Châu Phi…
 
- Vậy mà nói là anh em với nhau ?
 
Lần thứ nhất San nói với Yago bằng giọng hờn dỗi. Yago cũng bằng thái độ ấy, bảo San :
 
- Vậy chớ anh, anh có chịu ở lại đây với tôi không ? Anh bỏ tôi, anh đi mà !
 
Bầu không khí giữa hai đứa ngột ngạt khó chịu. San không bao giờ quên được cuộc đối thoại hôm đó : hai đứa đang đứng trước cái cối xay bột to lớn do Mặc Lâm có lòng tốt sắm cho phụ nữ trong làng đến xay bột, tiện lợi hơn những cái cối nhỏ mà họ quay lâu lắc trong những căn nhà tồi tàn của họ. Lòng cối rất sâu, Mặc Lâm cung cấp bốn con trâu to bắt vào ách để kéo cối xay. Bây giờ thì chỉ một mình Tio đảm nhận việc đó, nó vừa kéo vừa nhảy tưng tưng vui vẻ, chốc chốc lại nghịch ngợm dùng vòi hít hít mấy cái làm bột trắng xóa bay tung lên, ba anh em cùng cười. Song hôm nay, Tio ngạc nhiên thấy hai anh không hưởng ứng trò chơi. Hai anh nó đang giận nhau. Bởi một lẽ giản dị là chúng yêu nhau quá, thế thôi.
 
Nhưng không ai chịu làm lành trước, cho đến một hôm, Mặc Lâm gọi hai đứa lại giao cho một sứ mạng mới : đưa một đàn bò của ông sang vùng đất Anh Cát Lợi. Thật là một dịp tốt cho đôi bạn trẻ. Cả hai cùng cười mà trả lời rằng chúng có thể đi bất cứ chỗ nào nếu có nhau. Ngày khởi hành là sáng hôm sau.
 
- Thưa, bò có được làm dấu chứ ?
 
- Đúng, dấu lửa nung in trên móng mặt chân trước. Cả thảy 50 con, rất đẹp. Cố giữ chúng đừng cho chúng sút ký lô nhiều lúc đi đường. Việc này quả không dễ dàng nhưng ta tin hai đứa. Các con đi ngựa đến Kouloumitan rồi để ngựa lại trong làng, ta sẽ cho người đến đem về nội trong ngày đó.
 
*
 
Đúng như lời ông Mặc Lâm nói, đó là 50 con bò bướu lớn, sừng rộng. Hai đứa có phận sự hộ tống chúng đến Gold Coast. Yago xem xét cẩn thận từng con, chúng đứng dưới một gốc cây to giữa làng. Người ta tặng cho hai đứa một bầu sữa và giỏ trứng. Trong nháy mắt, Yago và San chiên trứng ăn, uống sữa và tức tốc lên đường. Cuộc hành trình kéo dài cả tuần lễ, hai đứa đi hai bên đàn bò, mỗi ngày chúng gầy đi một chút, cho đến ngày thứ bảy thì những cái bướu mềm nhũn, ngã oặt về một bên vai, nom thảm hại hết sức. Yago đề nghị dừng lại từng chặng ngắn cho chúng ăn. Thật là một công việc khó chu toàn : phải cố đưa chúng đi mau, vì kéo dài cuộc đi thì chúng sút kí lô, nhưng bắt chúng đi hoài không dừng lại cho ăn, chúng lại cũng sút kí lô trông thấy rõ. Mà thức ăn thì toàn cỏ cháy hàng dặm dặm ! Gặp những thung lũng nhỏ, cỏ còn khá xanh, Yago tức thì cho dừng lại ngay. Tối tối, phải tổ chức đóng trại : trước tiên chúng chọn một chỗ đất trống có cỏ mà phải gần ven rừng, đoạn hai đứa dùng dao săn chặt những thứ cây gì có gai, trải ra, vây quanh đàn bò như một thứ hàng rào. Kế đến, kiếm củi thật nhiều để đủ gây ngọn lửa ấm và sáng, suốt cả đêm. Lửa ấm và gai nhọn có công dụng ngăn ngừa thú dữ. Kinh nghiệm cho Yago biết rằng một con sư tử phóc qua rào gai rất dễ dàng. Bên đống lửa, Yago kể cho bạn biết là có lần một con sư tử đói nhảy vào rào gai, rào không cao nhưng được trải rộng, vì vậy nó vướng gai không phóng tới được và người giữ bò dùng gậy xúm đến đập nó chết tươi. San còn ngủ gà, ngủ gật chớ Yago thì thức trắng đêm, canh, vì nó nhận lấy trách nhiệm trước cha nuôi, San chỉ đi với nó cho có bạn thôi.
 
Một buổi sáng vào ngày thứ tám, một con bò trong đàn báng lộn và chạy vụt ra khỏi đàn, dông tuốt vô rừng. Hai đứa băng mình chạy theo đến bìa rừng và con vật quỉ quái lại chạy vào sâu hơn nữa, San cắm cổ đuổi theo liền bị Yago giữ lại. San ngơ ngác :
 
- Sao không rượt theo, chịu khó một chút mình có thể bắt nó được mà ? Nó gần đứt hơi rồi (trông dáng bộ nghiêm nghị của bạn, San ngờ ngợ hỏi) Anh làm sao vậy ? Lại có gì đây ?
 
- Thôi ! Thà mất một con, ông ấy không la mắng chi đâu. Đó là khu rừng cấm, không ai được bước chân vào, mất mạng như chơi.
 
Yago kéo bạn ngồi xuống cỏ, dưới gốc cây to tàng lá xòe rộng mầu tím, thân cây mầu tro, điểm những đường gân xanh, hai đứa nhìn theo con bò, nó chậm bước lại và mất hút sau đám cây thưa. Cuối tầm mắt hai đứa, những gò mối thật cao nổi bật lên sắp hàng như thể những tấm bia mộ cổ. Những đống đất sét đó được nước dãi của loài mối làm cho dẻo thêm và cứng lại, trông xa tựa những cái soukala của bọn người lùn. Xa nữa là khu rừng già xanh nghịt, ngút ngàn. Có một cái gì ngăn cách khu rừng với dân chúng bên ngoài, không một đường mòn, không cả bóng chim. Từ giữa rừng, một làn khói lam bốc lên, quấn quít qua các cành cây, càng tăng thêm vẻ âm u, huyền bí.
 
San chợt nghĩ đến những phù thủy mang lốt thú, mang mặt nạ xuất hiện trong buổi lễ thích huyết với những cái móng sắt pha đồng. Ánh mắt nó nhìn Yago như dò hỏi. Yago gật gù :
 
- Và chỉ gồm toàn đàn ông thôi. Không ai có quyền bén mảng gần đó. Vậy mà có một lần, cách đây hai năm, cha nuôi tôi đã bị rắc rối trong vụ này…
 
- Bác ấy định vô coi, hả ?
 
- Không đâu. Ông hướng dẫn một đoàn săn người da trắng, từ Âu Châu đến săn voi. Một bữa tối đóng trại tại đây, con sơn dương láng quáng sao đó chạy vô khu rừng cấm, một ông tiếc con vật quí rượt theo, cha nuôi tôi cố ngăn lại mà ông ta không nghe, bảo là nhảm nhí, nhất định làm theo ý mình…
 
- Rồi sao ?
 
- Cha nuôi tôi sợ những mũi tên từ trong rừng sẽ không tha mạng người khách hàng của ông nên ông phải bắn một viên đạn vào bắp chân người Anh đó.
 
- Trời ơi !
 
- Chớ sao, đó là cách duy nhất để cứu mạng ông ta, vả lại cha nuôi tôi chịu trách nhiệm đoàn săn, để mất một người Anh trong đoàn săn đâu được.
 
- Rồi sau ra sao ?
 
- Ra sao ? – Yago cười hì hì – anh ta ngã quị xuống, nhân viên phải dùng dây đan cái võng khiêng về Kotokro chớ còn làm sao ?
 
- Có anh lúc đó không ?
 
- Không ! Nhưng cha nuôi tôi hay kể chuyện này lại cho mọi người nghe. Bác sĩ Viết cũng có mặt…
 
- Vậy mà anh kể như là có mặt anh tại trận. Giỏi lắm ! Anh có thể làm nhà văn được đó, Yago !
 
- Nhà văn ? Là cái quỉ quái gì ?
 
- Là viết sách cho người ta đọc, kể lại những chuyện đã xảy ra hay là tưởng tượng, nhưng mà phải rất khéo.
 
- Thôi, cái đó ngon lành gì ? Tôi, tôi sẽ huấn luyện voi, thú hơn.
 
Đôi bạn đã làm hòa dễ dàng. Kéo nhau đứng lên, chúng trở lại với đàn bò đang gặm cỏ. Theo bản năng thiên phú, đàn bò tự động tập hợp lại, đứng sát vào nhau, hai con lớn nhất đứng canh chừng, sừng ngẩng cao, tai dỏng lên để đề phòng bất trắc. Mỗi tối, cuộc đóng trại lại diễn ra, khó nhọc, vất vả, nhưng hai đứa không kêu ca.
 
Sau cùng, hai đứa hoàn thành sứ mạng, tuy 49 con bò còn lại da bọc ngoài xương. Trên đường về, chúng thư thả ghé ngủ đêm trong mấy xóm làng nghèo, lụp xụp. Một bữa, trong khi ngồi hút ống điếu và tán dóc với các bô lão trong làng, Yago đã được biết là có một người da trắng bị thương nặng được họ săn sóc bằng dược thảo và bùa chú tầm phơ. “Ông ta cao lớn, khoảng trung niên, mặc quần soọc và sơ mi ngắn tay, có cái thắt lưng da thật to. Năm ngày sau, mặc dù chưa dứt cơn sốt do các vết thương hành hạ, ông vẫn khăng khăng lên đường, bảo vì có nhiệm vụ quan trọng đang chờ đợi”
 
Bên ngọn lửa bập bùng ma quái, yago kể lại cho bạn câu chuyện vừa nghe.
 
*
 
Người và vật đều rất mừng được thấy hai đứa trở về. Mặc Lâm bảo là khi hai đứa vắng nhà, khỉ Niki, khỉ A Ta và con báo quấn lấy ông : ban đêm chúng sợ không dám ngủ trong soukala với nhau. Con Tio thì khỏi nói, nó mừng hơn hết, nó dùng vòi cắp hai anh lên lưng, chạy thẳng tới chỗ đặt cối xay, đòi bắt ách vô để nó xay bột, đặng có dịp phì phì cho bột trắng phủ cùng mình.
 
Đêm đó hai đứa thức rất khuya, vì Yago lục trong tủ sách của cha nuôi tìm được một cuốn chỉ cách huấn luyện voi.
 
- Dio ! Tao đã nói chuyện với cha nuôi tao rồi, chuyện huấn luyện voi đó mà.
 
- Bác ấy bảo sao ?
 
- Ông chịu lắm. Ông bảo là tao có sáng kiến, nhưng phải thong thả, bây giờ đang có nhiều mối bận tâm…
 
- Vì cha con tôi chứ gì ?
 
Yago biết mình lỡ lời vội gạt đi :
 
- Tầm phơ ! Ai nói là vì cha con mày ? Ba mày đã bình an từ xa lắc. Ông điên đầu vì trời không mưa, biết chưa ? Dân làng đã nhảy múa, cầu khẩn đủ thứ vẫn vô hiệu. Tao thì cho là tại ông phù thủy này già quá rồi, ổng không đủ sức hô phong hoán vũ nữa… Mà thôi, chuyện người lớn, can gì đến tụi mình ? Nghe đây !
 
Yago đổi giọng, đọc to lên :
 
“Phải đem voi con để riêng ngay sau khi bắt được, phải dạy cho nó vài tiếng mà các chú nài thường dùng, vài tiếng mà thôi, cần kiên nhẫn, chớ nóng nảy vô ích… Phải nhớ là voi tinh khôn nhất trong loài thú rừng, có giác quan tinh nhạy như loài người. Phải… “
 
Nhưng San không chú ý nữa. Nó biết ông Mặc Lâm bận tâm nhiều, rất nhiều vì nó, Yago không thể lừa nó được đâu.
 
Sáng thứ bảy, San cỡi con ngựa kim của mặc Lâm đi dạo nơi sân tập do Mặc lâm làm cho hai đứa. Yago thì cỡi ngựa ô, không yên cương. Mặc Lâm đã nhiều lần chỉ vẽ cho San cách cỡi ngựa. Ông vẫn chê :
 
- Con cỡi ngựa như một dân biển.
 
Sáng nay, ông không ra chỉ cho San, ông bận gì đó. San loay hoay với cái bàn đạp và khi lên yên chạy được một quãng ngắn, cậu bị ngựa hất ngã xuống đất, dập mũi.
 
- Đau không Dio ?
 
- Không đau mấy, nhưng đứt dây đan rồi.
 
- Tao sửa cho, rồi tụi mình đi tắm sông chơi, mình mẩy mày đầy đất sét.
 
- Tôi thích tắm ở cái vòi trong soukala hơn, Yago à !
 
Và San đi về phía soukala, Yago ngăn lại, thế là hai đứa vật lộn nhau để nhân đó, Yago dạy cho San một thế võ. Bấy giờ đã thông thạo và San có thể quật lại thầy mà Yago không ngờ, vì vậy, San khóa tay bạn trong cái thế hai đứa vẫn gọi là thế báo Baou, Yago khó khăn mới phá được thế đó và sơ ý bị San hất lăn cù xuống dốc rồi San chồm dậy, chạy bay về. Yago hoảng hốt rượt theo nhưng quá muộn, mấy con sơn dương cũng tham dự trò rượt đuổi thích thú đối với San nhưng nghiêm trọng đối với yago.
 
San bỏ Yago rất xa, qua khỏi hành lang, nó chứng kiến một điều ngoài sức tưởng tượng : San khựng lại trước cái máy chữ đang phát ra những tiếng tóc tóc chậm rãi, đều đều dưới hai bàn tay vụng về lóng cóng của Mặc Lâm. San choáng váng lùi lại, nó đã hiểu : không phải vô tình mà Yago ngăn nó trở về tắm trong soukala. Rồi những tờ thư đánh máy mỏng tanh (thứ giấy mà cha San không bao giờ dùng đến, theo một thói quen cố định). Hừ ! Thư viết chung với ông Mặc Lâm, không bao giờ có bao thư riêng… rõ ràng quá rồi. San nghẹn cứng cổ.
 
San nhẹ nhàng lùi ra – tuy đau đớn vì bị lừa dối, nó biết rằng ông ấy vì thương nó mà làm vậy – nó không muốn làm ông ta bẽ mặt trong cái hành vi vì lòng tốt gây ra. Yago cũng vừa đến kịp, lặng người nhìn bạn. Suốt sáng đó đầu óc San rỗng không. Khoảng đứng bóng, chìu ý bạn, San xuống đồn với Yago, nó bước những bước nặng nề, chán nản. Trước đồn, Cát đang coi người ta khuân hàng hóa. Bỗng tài xế đưa túi thư xuống, hai người lính đón lấy mang vào đồn, cắm cúi soạn ra. Yago lảng mất, nó không đủ can đảm đứng đó. Mặt trời chói chang, lá cờ phe phẩy, tiếng trò chuyện huyên náo, tất cả những thứ đó như mờ dần trước mắt San. Chợt San giật mình, tiếng Cát gọi to :
 
- Cậu bé, lại đây mau ! Có tin mừng cho cậu !
 
San không còn tin ở mắt mình nữa, nhưng vẫn mở to mắt, kinh ngạc khi nhìn thấy tuồng chữ quen thuộc của cha trên cái bao thư đề tên nó rõ ràng ! Mặt xám ngoét, San gần như phải tựa vào vai bạn. Cát la lên :
 
- San ! Cậu làm sao vậy ? Thư cha cậu đây mà !
 
Và bảo Yago :
 
- Có một cái cho ông Mặc Lâm nữa đây, chú bé !
 
Yago vồ lấy rồi hai đứa kéo nhau chạy bay về. Mặc Lâm cũng đã giấu xong cái máy chữ. Giọng ông trầm ấm :
 
- Có thư… hả ?
 
Rồi cố lấy giọng bình thản, ông nói sau khi cầm lá thư mong đợi trong tay :
 
- Hôm nay chính con đi lấy thư đó ư ? Nào, cha con viết gì đây ?
 
Ông đóng trò không tệ lắm, San thầm nghĩ trong niềm xúc động trào dâng. Hai lá thư cùng được xé soạt một lần. Một lá thư thật sự. Cha San cho biết là sau nhiều hiểm nguy ông đã đến được nơi muốn đến bình an, hiện ông đã bắt tay vào việc, tiếp tục công trình nghiên cứu của mình. Phần Mặc Lâm, ông phải mất nhiều thì giờ mới đọc trọn là thư có tuồng chữ như mèo quào của cha San.
 
Người ta không thể nói được niềm hân hoan của mỗi người ra làm sao, chỉ nhìn nhau chia xẻ bằng ánh mắt. Mặc Lâm như trẻ lại mấy tuổi sau nhiều ngày lo lắng buồn phiền.
 
Chiều hôm đó, đồn trưởng Cát cho người cấp tốc mang đến cho Mặc Lâm một điện tín ông ta vừa nhận được : chiến xa Đức Quốc Xã đã tiến chiếm Ba Lan.
 
Chiến tranh bùng nổ.

________________________________________________________________________________ 
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>