Thứ Tư, 9 tháng 3, 2016

Vàng Tháp Hời (I)


Truyện ngắn của VŨ HẠNH 
 
Chuyện này xẩy ra cách đây khá lâu, khi làng Đồng-Dương còn nguyên hai ngọn Tháp Mẹ, Tháp Con.

Hai tháp nằm cách con đường quốc lộ khoảng mười cây số, giữa vùng đồi núi miền thượng quận Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, thuộc trong khu vực của một kinh đô Chiêm Thành (*) ngày xưa.

Phía bắc hai tháp, cách một cây số, có sông Ly Ly nước chảy uốn khúc, quanh năm rù rì tuôn qua các ghềnh đá lớn nhấp nhô rồi thu hẹp dòng len lỏi giữa những bãi cát vàng hau để tìm ra bể. Phía nam là những ruộng đồng xen lẫn núi đồi và phía tây dẫn đến Việt An, một chợ miền nguồn, quanh năm có những trái cây chín ngọt và những cô gái giỏi nghề bán buôn với một nụ cười luôn thắm, đôi má luôn hồng. Phía đông, cách vài cây số, bên phải con đàng cái quan nối từ miền biển lên nguồn có một cái ao rộng lờn, vuông vắn – tục gọi ao Vuông – bốn mùa không cạn, có lẽ là nơi vua Chiêm Thành lấy đất xây đắp đền đài và biến thành chỗ hằng năm tổ chức những lễ đua thuyền trong ngày hội lớn. Trước khi chuyện này xảy ra, nhiều người bảo rằng ao Vuông vẫn được thông thương với ngôi giếng cổ nằm trong khu vực hai tháp bằng một mạch nước chảy ngầm, và bỏ quả bưởi xuống giếng thì nửa buổi sau có thể thấy nó bồng bềnh nổi trên mặt ao. Gần chung quanh tháp là ruộng gò và đồi cây cằn cỗi, dân cư thưa thớt. Chỉ có gia đình Cửu Dật ở trong một vườn tre bọc kín là gần tháp nhất. Ông Dật, họ Trà, vốn là dòng dõi người Hời đã được Việt hóa trải qua nhiều đời, nhưng vì sống mãi bên những ngôi tháp luôn luôn nhắc nhở nguồn gốc của mình nên ông vẫn giữ cốt dáng thể chất, tinh thần dễ thấy trong những mẫu người Chiêm Thành chính thống còn lại ngày nay. Ông ít nói, đăm chiêu, thu hình lại trong thế tự vệ thường trực đối với cuộc đời, có vẻ lạc loài giữa những lớp người đồng thời  và những tượng đá rêu phong đứng ngồi trầm mặc trong một khu rừng hoang vắng. Không hiểu ở nơi lòng ông nỗi niềm vong quốc có khuấy động gì chăng nhưng một mối băn khoăn đã giày vò ông từ thời còn trẻ là sự khám phá những món ngọc vàng ẩn tàng ở trong cổ tháp. Thực ra sự khát thèm những của quí vẫn nung nấu bao đời tiền bối ông Cửu Dật nhưng trước di tích cổ đại được thêu dệt bằng những chuyện ma quái hoang đường, mọi người đều phải đặt lòng tham vàng dưới sự tôn kính. Nhưng đến ông Cửu, con người đã từng theo hầu quan trên xông pha trận mạc thì tượng đá mất nhiều tính chất linh thiêng. Ông đã bỏ mất nhiều năm trong thời còn trẻ để đào xới tìm tòi. Nhiều pho tượng như thần Ga-Nơ-Xa đã bị ông chém cụt chiếc vòi voi và bẻ gảy bốn tay để đòi chất ngọc, tượng thần Xi-va bị ông bửa nát đế chân to lớn để hỏi chất vàng và những nàng vũ nữ Áp-Xa-Ra duyên dáng cũng bị ông khoét bụng để tìm châu báu.

Những cuộc tìm kiếm lâu dài ấy không đem lại gì cho ông Cửu Dật nhưng đã mang đi gần hết sinh lực của buổi xuân thời. Mãi khi về già, liệu thấy sức mình đã kiệt, ông mới tiết lộ cho nhiều trai trẻ họ hàng biết rằng, theo những di chúc khẩu truyền, thì còn một món vàng ngọc quí nhất giấu trong miệng con rắn đá chôn sâu dưới một gốc cây duối trắng. Cây duối trắng trở thành mối ám ảnh giàu sang cho nhiều trai trẻ, nhưng bất kỳ đâu họ cũng chỉ tìm gặp những cụm duối xanh chĩa những cành lá tươi tốt ở trên lớp đất sỏi cằn. Đến khi người Pháp đem những chiếc xe to đến chở những pho tượng lớn nhất – những pho tượng mà ông Cửu Dật không có đủ sức phá hủy – mang về bảo tàng viện Đà Nẵng và Hà Nội thì ông Cửu Dật gần như tuyệt vọng hẳn rồi. Họa hoằn, chiều đến, ông mới bước chân vào rừng, ngước mắt nhìn ngôi Tháp Mẹ cao vút sừng sững che rợp bóng lớn lên ngọn Tháp Con kiên nhẫn đứng kề, rồi ông đảo mắt một vòng lướt qua rất mau trên các tượng đá, như không dám nhìn thật kỹ nhũng cái hình thù long lở vì đôi bàn tay sục sạo của ông.

*

Một chiều cuối thu năm Dậu, hai người ăn mày rách rưới, đen đủi, đến tháp Đồng Dương.

Họ đến đúng vào lúc nào, ban đầu không ai được biết. Mấy hôm liền, hai đứa cháu trai của ông Cửu Dật chăn bò thấy hai bóng người lò rò ở chung quanh tháp, rủ nhau lén đến nhìn xem mới rõ một già một trẻ suốt ngày cặm cụi tìm đọc các bia đá cũ ngổn ngang trong các lùm cây, bờ thành long lở. Khi chúng kể lại thì bà Cửu Dật vỗ đùi cái độp, sực nhớ ra rằng cách đấy năm hôm, đi mua mắm muối ở chợ Được về, bà gặp trên đường hai người ăn xin – đúng hệt hình dạng như bọn trẻ nói – lơ lớ hỏi bà con đường về tháp. Ông Cửu nghe xong, có vẻ suy nghĩ nhiều lắm, vê mãi mấy sợi râu cằm lưa thưa và giương cặp mắt già nua trừng trừng nhìn vào bát nước chè đen quên uống đã nguội từ lâu, dần dần tan đi những lớp bọt vàng.

Đêm ấy, trái với lệ thường, ông Cửu hối bảo trong nhà ngủ sớm và ông đi nằm trước cả mọi người. Rất khuya, ông vẫn nằm yên, đếm từng giấc ngủ của những người nhà và đợi tiếng ngáy của họ trở nên đều đặn. Ở ngoài, vừng trăng mười tám lên cao, chiếu lọt qua các kẽ hở phên tre những vệt sáng dài. Biết chắc mọi người đã ngủ say, ông mới rón rén trở dậy, rút lấy chiếc dáo để săn thú rừng luôn luôn đặt dưới gầm phản và mở cửa mạch, nhẹ nhàng lách mình ra ngoài.

Nép dưới bóng cây, ông đi lần mò vào tháp. Đến bức thành ngoài của ngôi tháp mẹ ông dừng bước lại, để tai nghe ngóng giây lâu. Không một bóng người, không một tiếng động, chỉ nghe tiếng than bất tận của loài côn trùng râm ran trong các lùm cây bụi cỏ, thỉnh thoảng tiếng gáy của loài rắn độc ẩn mình trong các chân thành. Ông vẫn nín thở đứng yên, dồn hết tinh lực lên đôi mắt già, soi mói nhìn từng tượng đá bụi cây cố tìm lấy một bóng người. Có lẽ họ đã ngủ yên trong tháp, hoặc đã đi rồi. Một bầy dơi quạ từ đâu bên mạn Quế Sơn bay về, sà xuống trên các ngọn cốc um tùm, kêu lên chí chóe để tìm chỗ đậu gây nên đôi phút rộn ràng ở tận trên cao rồi cái màn đêm bao la khuấy đục sữa trăng lấy lại không khí âm thầm bí mật. Và hai cửa tháp tối đen im lìm như hai hang sâu thăm thẳm về quá khứ ngàn đời.

Ông Cửu nghĩ rằng ban chiều hai người còn lần mò tìm dọc các bia đá thì chắc họ chưa khám phá được gì và đêm nay còn ở nơi đây để đến ngày mai tiếp tục, ông sẽ có dịp theo dõi kỹ hơn, thế nào trong tuần trăng này ông cũng tính chuyện gặp gỡ với họ.

Vừa toan quay về ông bỗng nghe một tiếng động kỳ lạ ở đâu trên cao. Không phải là một nhánh cây khô gẫy hay một cánh dơi vỗ mạnh trong đêm, tiếng động như sự va chạm của loài gạch đá hay sự tuôn đụng bất thần của hai vật nặng. Ông nghễnh tai, nghe ngóng. Im lìm. Rồi một hơi gió, hay tiếng thở dài như từ chót đỉnh chảy lan xuống đến chân thềm – Kinh ngạc, ông nhìn thấy một vệt sáng thẳng đứng trong lòng Tháp Mẹ từ trên rọi xuống dưới nền một khoảnh rất tròn. Vầng trăng lên đến đỉnh đầu như có sức mạnh dị thuờng chọc thủng đỉnh tháp để trồng một cột ánh sáng lạ lùng. Ông Cửu còn đang phân vân tự hỏi vì đâu mà có hiện tượng kỳ quái thế này thì bỗng nghe trên đỉnh cao có những hơi thở gấp rút nặng nề mỗi lúc mỗi thêm mệt nhọc, hổn hển. Rồi một tiếng rú vang lên kịp thời ghìm lại và hai khối nặng sàn sạt rọc các bụi cây giáng mạnh xuống mặt đất đầy gạch đá đổ nát. Ông Cửu vội vã leo qua bờ gạch chạy ra sau tháp, đến nơi xuất phát tiếng động. Dưới ánh trăng sáng ông thấy một người quằn quại nằm trên vũng máu. Kẻ bị nạn cố nén tiếng kêu từ trong lồng ngực phát ra, vặn người, giẫy giụa, hầu mong giảm bớt những nỗi đau đớn đang giày xéo mình. Tất cả sự việc xảy ra một cách đột ngột bi thảm giữa lúc đêm khuya, trong chốn hoang vắng mà lúc ban ngày cũng ít bóng người lui tới khiến ông Cửu Dật đứng sững rất lâu, không biết xử liệu thế nào. Đến khi người kia nằm yên trong máu và rên khe khẽ từng chặp từng hồi theo cơn nhức nhối của các vết thương thì ông mới định thần lại, bước tới gần kề, nhìn thấy một người già nua gầy ốm nằm giương cặp mắt lờ đờ, nét mặt co lại trong vẻ đau đớn tột cùng.

Ông Cửu hỏi khẽ:

- Làm gì ở đây? Sao đến nỗi này?

Người kia có vẻ kinh sợ, chăm chăm nhìn ông không nói tiếng nào, như phải đối diện với một hồn ma thình lình xuất hiện.

Ông Cửu đặt tay lên người bị nạn, ôn tồn:

- Tôi ở gần đây, đừng có ngại gì. Tôi vốn họ Trà.

Nét mặt người kia dịu lại, có vẻ trầm ngâm. Một lát, người ấy cất giọng khàn khàn:

- Khát quá. Tôi phải chết thôi.

Ông Cửu vỗ nhè nhẹ lên cánh tay khẳng khiu quờ quạng liên hồi ở trên lồng ngực gầy gò, an ủi:

- Nằm yên, tôi đi lấy nước. Ở đây có ngôi giếng cổ…

Người kia bỗng kêu thét lên:

- Thôi đi! Thôi Đi!

Ông Cửu nhíu mày nhìn vào cặp mắt trợn trừng hốt hoảng lồ lộ trên khuôn mặt già nua soi tỏ ánh trăng, tưởng chừng chứng kiến những cơn thác loạn trước phút lìa trần.

Người kia quờ quạng nắm cánh tay ông, nói bằng một giọng van lơn:

- Ngồi đây, tôi không còn khát nữa đâu. Đã hết khát rồi.

Ngừng lại một chút, người ấy khàn khàn nói tiếp:

- Còn giếng nước nào nữa không? Chao ôi! Có vũng nước nào…

Ông Cửu không trả lời, nhìn vào trong những lùm cây ủ đầy bóng tối. Sau một lát trầm ngâm, ông hỏi:

- Một người nữa đâu?

Người kia nhắm nghiền mắt lại, không đáp. Ông Cửu nhớ lúc vừa rồi như có hai người từ cao rớt xuống. Ông vội đứng dậy, nhưng người này đã mở đôi mắt thao láo nhìn ông:

- Đi đâu?

Ông Cửu đáp:

- Tìm một người nữa.

Người bị nạn bỗng nhiên nở một nụ cười nham nhở rồi giơ bàn tay gầy guộc ra dấu cản ngăn:

- Không bao giờ tìm thấy hắn đâu. Đừng tìm vô ích. Ta cùng rơi xuống với mô đá chạm ở trên chót đỉnh. Tìm giùm vật ấy cho ta.

Ông Cửu đoán rằng mô đá không thể rơi xa chỗ người bị nạn nhưng ông đảo mắt nhìn quanh mà chẳng tìm thấy. Bấy giờ mặt trăng đã bị một đám mây dày bao phủ và cả khu rừng chìm trong ánh sáng âm u. Ông Cửu ngồi xuống bậc thềm cạnh tháp để chờ và người bị nạn khó nhọc chống tay  ngồi dậy, ngước đầu nhìn lại phía ông, ra dáng ngóng đợi.

Khi trăng ra khỏi đám mây, ông Cửu sục sạo trong các bụi rậm cạnh đấy, cuối cùng tìm được mô đá nằm giữa một khóm sim dày. Mô đá khá nặng và khi mang đến chỗ người bị nạn cách đấy chừng năm sáu thước, ông Cửu đã thở hào hển.

Trông thấy vật này, người kia gần như quên hết đau đớn, ngồi thẳng dậy được, ôm nó trong lòng, hai tay khẳng khiu cố ghì chặt lấy như ghì một người yêu dấu, mái đầu cúi xuống rất gần, phơi dưới ánh trăng lớp tóc thưa thớt, quăn queo đã bạc, phía dưới bê bết những máu và cả vạt áo sau lưng thấm máu đen sì.

Ông Cửu đứng yên, nhìn từng cử điệu của người ấy, cố gắng tìm hiểu ý nghĩa của bao nhiêu việc vừa qua. Ông nghĩ đáng lẽ ông phải đưa kẻ bị nạn về nhà cứu chữa nhưng không hiểu sao người ấy cũng chẳng nói gì và ông cũng không nhắc đến trước khi rõ hết những điều bí ẩn. Cuối cùng, chừng đã qua rồi cái phút đê mê của sự hội ngộ với mô đá ấy, người kia ngẩng lên, giương mắt trừng trừng nhìn vào trong đêm rất lâu như ngóng tìm ai rồi buông tay khỏi mô đá, quay về phía ông Cửu Dật, nói bằng một giọng khô khan:

- Hãy ngồi xuống đây, ngồi lại gần đây.

Ông Cửu ngoan ngoãn nghe theo và ngồi xuống lớp gạch vụn, đối diện với người bị nạn. Người này lại nhìn chăm chắm vào ông rồi cất tiếng hỏi:

- Ông đến đây làm gì, vào khoảng giờ này?

Ông Cửu tưởng nghe những tiếng rít lên trong giọng căm hờn từ một cổ họng sắp tắt, nhưng cố giữ vẻ bình tĩnh đáp lại:

- Tôi có việc đi xa, về khuya, tình cờ mà tạt ngang đây để cho ngắn bớt đoạn đường.

Người kia trầm ngâm giây lâu rồi nói:

- Thời vận của ngươi đã đến và thần Xi-Va dun rủi cho ngươi gặp ta vào đúng lúc này. Những gì mà ta ao ước suốt đời, theo đuổi trọn kiếp, bây giờ ta đã gặp rồi nhưng ta lại không thể hưởng.

Ngừng lại để thở, người ấy cố nén mệt nhọc nói tiếp:

- Ta như nhìn thấy trong đêm bóng gã chèo đò đưa người về cõi âm hối hả giục ta… Trước khi lìa đời ta phải kể hết cho ngươi tất cả sự tình. Ngươi là thừa kế của ta, ngươi phải lo liệu cho ta một khoảnh mộ phần, ngươi phải giải oan cho vong hồn ta…

Giọng nói càng ngày càng thu nhỏ lại, nhiều khi như tiếng thì thầm. Ông Cửu ngồi yên, đôi lúc áp tai xuống gần vành miệng người ấy nhưng hai con mắt vẫn dán chặt vào mô đá trước mặt, tưởng như nghe chuyển vọng về từ một cõi nào huyền bí xa xôi…

*
-------------
(*) Kinh đô Indrapura.

_________________________________________________________________________
Xem tiếp PHẦN II
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>