Thứ Sáu, 11 tháng 3, 2016

Vàng Tháp Hời (III)


Giọng của Ta-Khốt nhỏ dần và ông Cửu Dật nghe rõ sương khuya lộp độp rơi xuống lá cành. Vài cánh dơi về chậm chí chóe giành nơi yên nghỉ trên các ngọn cốc đen ngòm. Xa xa trong các xóm thôn khuất vắng tiếng chó mơ hồ vẳng lại. Dòng sông Ly Ly qua các ghềnh đá, gieo vào lòng đêm một giọng rù rì bất tận, kể lể nỗi niềm tâm sự không nguôi. Ta-Khốt dừng lời, lịm đi trong sự giày vò cực độ rồi phều phào nói:

- Trọn đời ta đã hy sinh cho thằng Kha-Lai khốn nạn. Ta đã tốn công nuôi nó ăn học, nhưng nó biếng lười chẳng chịu nghe ta. Ta đã giúp nó gây dựng gia đình, nhưng nó bê tha cờ, rượu chẳng quan tâm đến vợ con. Gia tài phần lớn, ta đã nhường chia cho nó, cũng như vàng trong tháp ta đâu chiếm giữ một mình? Nhưng nó là đứa vô lương, chỉ muốn giết ta để đoạt lấy vàng. Thần linh đã hại nó rồi, xui nó ngã xuống giếng sâu, lại cho đá giếng vùi chôn xác nó…

Ông Cửu ngồi yên có vẻ không tin những lời Ta-Khốt. Qua sắc diện, lời nói, cử chỉ của y, ông Cửu liên tưởng đến những con người suốt đời chỉ sống bằng sự liều lĩnh, bằng sự nham hiểm khôn lường.. Cuối cùng ông hỏi:

- Tấm bia chỉ chỗ kho vàng nằm ở nơi nào?

Ta-Khốt lừ mắt nhìn chăm chú vào mặt ông rồi bỗng nhắm mắt lại, giây lâu mới chợt mở ra, đưa tay chỉ về một hướng:

- Đó là những mảnh đá nát mà ta đã nhặt dồn lại ở dưới chân thành phía nam… cạnh ngôi tháp nhỏ.

Giọng gã trở nên thống thiết khác thường:

- Ta khát nước lắm… Chịu không được rồi… Cho ta một gáo nước lạnh hay một chén rượu, may ta còn sống thêm được ngày nào…

Câu nói sau cùng làm cho ông Cửu nổi giận. Ông thấy ghê tởm lạ lùng cho kẻ tàn nhẫn mà ông đoán chắc đã giết người em để đoạt lấy vàng. Ông gầm lên:

- Im đi! Mày chỉ có uống máu người mới sống được thôi! Đồ bất nhân!

Và ông nhào đến, ghì lấy cái cổ già nua của gã Ta-Khốt trong hai bàn tay xương xẩu của mình. Ông thấy lão già vùng vẫy yếu ớt và chỉ giây lát đã nằm co quắp ở trên vũng máu. Lúc rời khỏi lớp da cổ lạnh ngắt, những đốt ngón tay ông Cửu như tê dại hẳn và ông tự hỏi sao mình không dùng chiếc dáo đem theo để kết thúc cho mau đời tên ác nghiệt? Ông cảm thấy sự bất bình của mình đối với Ta-Khốt có vẻ gấp rút quá sức, đột ngột quá sức, hình như không phải là ông thật sự oán hận một kẻ làm anh tàn nhẫn. Chính cái ý nghĩ Ta-Khốt có thể sống sót khiến ông xử sự quyết liệt, chính những tiếng gà xao xác gáy mau đã thúc giục ông thu xếp vội vàng trước khi mặt trời trở lại.

Ông Cửu khệ nệ bưng cái tảng đá Ta-Khốt ôm ghì lúc nãy đem giấu vào một bụi kín rồi kéo xác chết đi về phía giếng và xô mạnh xuống. Một tiếng vang dội nặng nề làm bắn tung lên vài giọt nước nhỏ trên bàn tay ông. Ông Cửu tự nghĩ đã báo thù giúp người em xấu số và ông đã làm một việc hết sức công bằng. Nhưng để yên lòng hơn nữa, ông tìm khúc cây còn bỏ trên đất và bẩy rơi luôn xuống nước mảnh thành còn lại ở trên miệng giếng. Từng đống gạch lớn ùa xuống, đem sự điêu tàn vùi trong lòng nước sâu đen và ngôi giếng cổ với cái công trình kiến trúc khác lạ bây giờ chỉ còn là lỗ huyệt chôn vùi hai kẻ tìm vàng.

Ông Cửu quay lại chỗ cũ lấy đất phủ lên vũng máu rồi đến chỗ giấu tảng đá. Ông phải hết sức mệt nhọc để đưa nó qua mấy bức tường gạch bao bọc quanh tháp và mặc dầu viễn ảnh giàu sang bùng dậy sáng lóa qua cái kho tàng chiếm hữu đột ngột, ông cũng không sao có đủ gân sức để mang một mạch tảng đá về nhà. Lúc đầu cứ độ ba bốn chục bước ông phải dừng lại để thở và sau chỉ một quãng ngắn là ông đã ngồi khuỵu xuống rất lâu, hơi thở hào hển, mồ hôi tuôn ra dầm dề, mặc dầu sương đêm rơi xuống càng nhiều. Dần dần ông Cửu thấy mình cứ mỗi lúc nghỉ càng ngồi lâu hơn và nếu không thiết tảng đá chôn giấu bao nhiêu vàng ngọc, có lẽ ông không thể nào gượng đứng dậy được. Đến khi ra gần ven rừng, ông thấy chân trời hừng sáng, tay chân rã rời, cơ thể nhức nhối mệt mỏi lạ lùng. Biết mình khó lòng tránh được cặp mắt tò mò của những lũ trẻ chăn bò hoặc những nông dân dậy sớm quanh vùng, ông bèn cố lê tảng đá giấu kín vào một bụi rậm. Nhưng vừa quay đi, ông Cửu vẫn thấy thắc mắc không yên và ông trở lại chỗ giấu, hì hục, cố khiêng tảng đá đến một nơi khác. Phải ba bốn lần như thế ông Cửu mới đặt nó vào bụi gai mây chằng chịt mà người đứng ngoài tinh mắt bao nhiêu cũng không biết được. Lúc chui ra khỏi lùm gai và đi được một quãng đường, ông Cửu mới kịp thấy quần áo mình bị rách nhiều chỗ, trên da thịt mình dấu gai sướt máu đen bầm. Ông phải lủi thủi tìm ngõ vắng nhất về nhà, tưởng chừng chung quanh lối đi vẫn có những kẻ theo dõi. Ngọn lửa thổi cơm buổi sáng cháy bùng dưới bếp khiến ông ngần ngại. Nhưng cuối cùng thấy ánh hừng đông mỗi lúc càng tỏ rạng mau, ông phải hấp tấp đi vào, lách mình vội vàng qua cánh cửa mạch khép hờ từ lúc ra đi.

May thay, những người trên nhà chưa ai thức giấc. Thay vội quần áo và đem giấu kín một nơi, ông Cửu lên giường nằm ngủ rồi thiếp mê đi rất chóng. Trong giấc ngủ, ông thấy bao nhiêu ác mộng hãi hùng đầy những xác chết, những bàn tay máu, những cái sọ dừa lủng lẳng điểm những đôi mắt lõm sâu sáng quắc và những hàm răng trắng nhởn nhe ra, đuổi theo bén gót sau ông. Ông Cửu rú lên, quờ quạng đôi tay trên không như muốn bấu vào một sự cứu đỡ. Đến khi ông bị lay mạnh và hai tay ông ôm chặt lấy một thân người, ông mới choàng tỉnh, ngơ ngác nhìn thấy khuôn mặt hốt hoảng của người vợ già cúi xuống bên mình. Nhớ lại sự việc vừa qua ông Cửu không sao phân biệt được giữa mộng và thực, nhiều khi ông cứ chập chờn nghĩ rằng Ta-Khốt, Kha-Lai và cả kho vàng ở trên đỉnh tháp là những sự việc trong cơn mơ ngủ mà thôi. Chỉ một lát sau, ông Cửu lại thiếp mê đi và lạc vào những giấc mộng lạ lùng quái đản hơn nữa. Thỉnh thoảng xen vào những cảnh rùng rợn, ông Cửu thấy mình trở nên sang trọng, quyền quí như bậc vua chúa với những lụa là, châu ngọc che phủ quanh mình và ông cười lên the thé.

Gần trưa, ông Cửu mới tỉnh dậy được. Bà Cửu đã đặt một chén thuốc cảm trên chiếc ghế gỗ cạnh giường và ngồi im lặng gần đấy canh chừng giấc ngủ cho ông. Cố gượng ngồi lên, ông Cửu thấy mình vẫn còn ê ẩm toàn thân, hai tay như không tự chủ được nữa. Dần dần trí não trở về thực tại, ông Cửu run run bưng lấy chén thuốc, tự nhủ một ngày gần đây ông sẽ uống toàn những thứ sâm nhung đắt giá để cho tuổi già của ông trở lại tươi nhuận hồi xuân. Những người hầu hạ cho ông sẽ là những nàng tỳ thiếp xinh đẹp hơn cả tranh vẽ chứ không hom hem già nua như người đàn bà đang ngồi trước mặt ông đây, giương cặp mắt yếu lo lắng nhìn ông như sợ ông sẽ đánh rơi chén thuốc xuống giường.

Trong người hơi tỉnh, ông Cửu đã thấy băn khoăn những muốn ra ngay ngoài tháp. Ông lo ngại rằng dấu máu ban đêm còn dính trên các cành cây bụi cỏ sẽ dẫn đôi kẻ lạc lối trong rừng tò mò tìm ra chỗ cất tảng đá, hoặc là một kẻ nào hái củi, bứt mây sẽ khám phá được chỗ giấu của ông thì cái tương lai sang giàu sẽ tan biến mất. Ông Cửu khệnh  khạng đội nón chống gậy ra đi, mặc dầu bà Cửu nhăn nhó kéo ông trở lại:

- Trời nắng thế này, đau ốm là vậy mà ông đi đâu kia chứ?

Ông Cửu cười gượng, trả lời:

- Đừng hỏi gì cả. Đi có việc cần rồi lại về ngay.

Ông lảo đảo bước, không quay nhìn lại dáng điệu của người vợ già ngẩng mặt nhìn theo, lẫn lộn lo âu cùng với kinh ngạc.

Tới rừng, ông Cửu cẩn thận quay nhìn quanh mình, đến khi chắc rằng không có một ai theo dõi, ông mới tiến sâu vào trong, cố tình đi theo nhiều lối quanh co trước khi tìm đến chỗ giấu tảng đá. Giữa bụi gai mây rậm rạp, tảng đá vẫn còn nằm yên, ngoan ngoãn, hiền lành, nhưng có một vẻ cao quí khác thường khiến ông Cửu Dật nhìn mãi không thấy chán mắt. Lâu lắm ông mới trở về chỗ tháp lấy thêm đá gạch, sỏi cát phủ lên một đôi dấu máu quánh đen, khô đặc còn dính rải rác ở trên mặt đất, cẩn thận bẻ những lá cành mà khi kéo lê xác chết, ông đã vô tình để lưu vết máu. Ông ném tất cả lá cành xuống giếng nhưng không dám đứng gần lại cúi nhìn, tưởng như sẽ thấy cặp mắt trợn ngược lõm trong hai lỗ hốc sâu đăm đắm nhìn mình. Xong, ông Cửu tìm đến chân thành phía nam và thấy những mảnh đá nhỏ dồn lại thành một tấm bia khá lớn. Ông Cửu đem những mảnh còn lưu nét chữ nhiều nhất ném luôn xuống giếng, cốt để riêng mình giữ lấy bí mật kho tàng. Ông lảng vảng trong rừng suốt buổi để ý canh chừng xem có kẻ nào bén mảng lại gần nơi giấu tảng đá hay không. Ông không thấy đói, cũng không thấy khát, quên cả mệt mỏi, hình như từ nơi tảng đá có một sức mạnh kỳ lạ nâng đỡ người ông, ban thêm sức sống cho ông một cách huyền bí lạ thường. Ông vừa thơ thẩn đi lại trong rừng, vừa tìm kế hoạch lấy chất vàng ngọc giấu trong tảng đá. Phá vỡ một khối đá cứng như thế không phải là công việc làm trong một khoảnh khắc, nếu ông đem dụng cụ vào rừng, nửa chừng hì hục có kẻ bắt gặp thì biết làm sao? Gợi sự chú ý của những người ngoài là điều nguy hiểm đối với kho tàng vô giá mà ông làm chủ từ nay. Nếu đem về nhà ông sẽ làm sao phá vỡ tảng đá mà không gợi sự chú ý của vợ con ông. Ông Cửu là người đa nghi, là người dè dặt. Cũng như hầu hết những người đàn ông thời trước, ông Cửu không tin nơi sự kín đáo của những “miệng lưỡi đàn bà”, nên ông không muốn vợ con vì quá hứng chí loan báo kho vàng của ông cho thiên hạ biết để rước lấy những tai họa sau này. Trong số con trai và cả con rể ở gởi trong nhà, bây giờ ông Cửu xem ra không còn tin cậy được ai. Ông tự nhủ thầm : “Chúng nó không chịu khổ sở bao nhiêu tâm lực như mình, chúng không thể hưởng ngang nhiên ngọc vàng như thế. Tuổi trẻ sớm được giàu sang thì chóng hư hỏng vì không hiểu được giá trị của những nỗ lực kiếm tìm. Phải cho chúng hưởng dần dần, từng giọt, từng giọt, để khỏi biến chúng thành lũ phá hoại, vong ân”.

Cuối cùng, ông Cửu quyết định tìm cách đưa tảng đá quí về nhà.

Tối hôm ấy, ông Cửu nằm ngủ sớm, nhưng vẫn trằn trọc không yên, tuy một chừng nào ông đã vững lòng hơn trước. Mỗi lần mở mắt, ông vẫn nhìn thấy vợ ông lảng vảng chung quanh nhìn ông với vẻ lo ngại rõ rệt như lúc ban chiều đã ra ngoài ngõ đợi chờ. Ông nghĩ vợ ông đã quá già nua sinh ra lẩm cẩm và người đàn bà bao giờ cũng lấy nỗi lo hẹp hòi ở trong lòng mình gán cho thiên hạ. Nhiều lần ông phải gắt gỏng bảo vợ đi nằm, nhưng đến giữa khuya, khi vừa choàng dậy, ông vẫn thấy người đàn bà thấp thoáng nơi cửa. Ông không muốn ai khuấy rộn những sự suy đoán của mình, phá rối những điều mà ông dự định, nên ông ngồi dậy hằn học nhìn người vợ già rồi đấm mạnh xuống mặt giường quát lớn:

- Hãy để cho tôi yên thân một chút!

Ông ngồi im lặng rất lâu để xem người ta có thực để ông yên thân hay không rồi mới nằm xuống, hơi thấy ngạc nhiên về cái thái độ hùng hổ không giống mọi ngày của mình khi nói với vợ. Trong bữa cơm sáng hôm sau, ông đặt đôi đũa xuống mâm, nói giữa mọi người đông đủ trong nhà một cách vô cùng thành kính:

- Đã lâu nay rồi những khi nằm ngủ ta bị tà ma đuổi theo bắt hoài. Nhưng lúc nguy kịch bao giờ ta cũng thấy một vị thần đầu voi cưỡi chuột đến phù trợ ta, xua đuổi những loài ác quỷ. Ta muốn kiếm một tảng đá thật tốt trong rừng đem về chọn ngày lành tháng tốt thuê người tạc tượng để thờ.

Xế chiều, sau khi vào rừng trở về, ông Cửu gọi người con lớn và bảo:

- Đã kiếm được một tảng đá tốt lắm, ta giấu trong bụi gai mây ngoài rừng. Theo ta khiêng giúp về nhà kẻo trời tối mất!

Người con tuy chẳng thiết tha đến chuyện thánh thần phò trợ nhưng không muốn phật lòng cha cho nên yên lặng vâng lời.

Ông Cửu cho đặt tảng đá dưới giường mình nằm và chưa đêm nào ông ngủ ngon lành như thế, vui vẻ như thế, cũng chưa bao giờ ông có những mối khoái cảm lạ lùng đến thế.

Thức dậy, ông bèn tìm cách sắp đặt công việc để cho hôm sau mọi người có thể rời khỏi gia đình. Những người con lớn ra đồng, bà Cửu dẫn cháu về bên quê ngoại. Ông cũng cẩn thận chuẩn bị những đồ dụng cụ cần thiết để phá vỡ xong tảng đá trước khi mọi người trở về.

Đến lúc biết rõ chỉ còn có mình đối diện với những vật quí nằm trong lòng đá, ông Cửu không ngăn được sự hồi hộp. Ông gài ngõ, đóng cửa, vào buồng bắt đầu khai thác kho tàng.

Chất đá rất cứng và ông thầm phục cho cái kỹ thuật cất giấu tài tình của tổ tiên mình. Những giọt mồ hôi rịn chảy toàn thân, trong vùng ánh sáng lờ mờ của gian buồng hẹp, ông Cửu loay hoay, hì hục cố sức bửa đôi tảng đá. Ông đã giáng mũi đục những nhát búa mạnh mà gân sức về già của ông có thể cho phép và phải mở to đôi mắt yếu đuối, cúi nhìn sát xuống bàn tay giữ chặt mũi đục để khỏi đập vào da thịt. Trong phút nỗ lực say mê, ông Cửu không còn nghĩ ngợi gì hết, không còn nghe thấy gì hết, chỉ có hình ảnh chói lòa của những vàng ngọc chấp chới trước mắt qua lớp sương mờ mồ hôi tuôn xuống mỗi lúc một dày. Một lát, quá đuối, ông Cửu dùng lại, định phải nghỉ ngơi giây phút và uống chén nước giải lao nhưng nỗi lo ngại có người trở về bất chợt khiến ông hấp tấp nắm lấy mũi đục, chiếc búa, tiếp tục công việc. Từng mảnh đá vụng tung tóe rơi ra vương vãi ở trên nền đất và ông hồi hộp nhìn thấy mũi đục đã khoét sâu vào trong đá. Cuối cùng, một nhát búa lớn bổ xuống tảng đá bể đôi, ông Cửu lau vội mồ hôi tuôn xuống cặp mắt, cúi nhìn.

Chỉ là chất đá xám ngắt, phẳng lì.

Ông Cửu cúi xuống, cúi gần thêm nữa cho mũi cọ vào chất đá, bàn tay run rẩy của ông sờ soạng mặt đá một cách tuyệt vọng như sờ vào khuôn mặt người yêu đã biệt cõi đời.

Một lát, ông Cửu ngồi lên tưởng như trời đất tan tành sụp đổ. Ông lật từng mảnh đá để xem có một kẻ nào đánh tráo, nhưng không, chính đây là tảng đá chạm đêm nào…

Biết đâu những chất ngọc quí còn nằm trong thớ đá này? Ông Cửu cầm vội mũi đục, chiếc búa và ông dồn dập đập phá cho vỡ tan ra. Cuối cùng nửa mảnh vỡ đôi, vỡ tư, nát từng mảnh nhỏ, và chỉ là đá xám ngắt, phẳng lì, lạnh lùng, trơ tráo. Một sự phẫn nộ ghê gớm xâm chiếm tâm hồn, khiến ông Cửu Dật quên cả những sự mệt nhọc chi phối cơ thể, ông bửa tới tấp vào các mảnh đá, giáng xuống quyết liệt nhiều nhát búa lớn để cho hả hê một nỗi tức bực khôn cùng. Ông Cửu trợn mắt, nghiến răng, co quắp người lại trong sự giận dữ, và cùng với bao nhiêu mảnh vụn bắn ra tung tóe ông thấy hy vọng cuối cùng của đời ông cũng tan nát phũ phàng.

Nhưng, một nhát búa hùng hổ vừa hạ mạnh xuống, ông Cửu bỗng kêu rú lên.

Và ông quăng búa đục, đưa cả hai tay ôm lấy mắt.

Một dòng máu tuôn xối xả nhuộm đỏ khuôn mặt, chảy dài xuống ngực.

Khi người con gái lớn ở ngoài ruộng về thì chỉ còn thấy ông Cửu nằm vật trên lớp đá vụn mê man bất tỉnh, con mắt bên trái đã bị một mảnh đá nhọn ghim sâu.

Ông Cửu kéo lê những năm rầu rĩ về sau với một con mắt còn lại càng ngày càng suy yếu dần.

Vợ con không nghe nhắc tới vị thần phò trợ, không còn thấy ông lang thang suốt buổi ngoài rừng. Ông hay ngồi yên hàng giờ, lờ đờ nhìn vào khoảng không như cố hình dung giấc mơ giàu sang trong sự hồi tưởng, vẻ mặt càng teo tóp thêm, càng buồn bã thêm. Ông vẫn không hiểu vì sao lời bia đã dặn lại không đúng với sự thực, cuối cùng ông phỏng đoán rằng từ lâu đã có kẻ nào đánh tráo tảng đá trên đỉnh để chiếm kho vàng. Nhưng còn những gì đã chôn giấu dưới đáy giếng kia, chắc là chưa mất. Kho tàng dưới ấy, nếu còn, đã có hai cái thây ma kia giữ và ông Cửu Dật không còn mong gì tìm đến được nữa. Đôi lúc ông muốn bảo cho con cháu biết rõ để chúng thử gắng tìm kiếm xem sao, nhưng ông ngần ngại phải nói sự thực và không dám chắc con cháu có thể tin lời.

Một hôm, người con trai lớn ông Cửu nhân đi qua rừng, trở về bảo rằng có gặp một người du khách đi vào viếng tháp. Ông Cửu không hề chú ý mảy may đến sự kiện này, nhưng ba hôm sau, người con trai lại bảo vẫn thấy kẻ ấy đang còn sục sạo kiếm tìm trong tháp. Tự nhiên nỗi lòng thèm muốn từ xưa tưởng đã nguội lạnh bỗng chợt lóe sáng và ông Cửu Dật chống gậy khập khễnh đi vội ra rừng.

Lúc ấy trời đã gần trưa, ánh nắng xuyên qua lá cành rọi xuống lưa thưa trên các lối đi như những giọt vàng lấm tấm. Ông Cửu vừa lê bước chân mệt mỏi trên lớp lá khô vừa nghĩ đến những ngày xưa, khi còn trai trẻ, ông đã đi lại bao nhiêu lần rồi trên quãng đường này và gần như chưa bao gờ ông nghe được tiếng chim hót, thấy sắc lá xanh, hay màu hoa nở. Bây giờ tai ông đã gần câm lặng, mắt ông đã gần điếc mờ, chân ông lại đi trên những lối cũ mà óc nhớ về ánh trăng nhợt nhạt và dòng máu chảy đêm nào… Ông biết mình không hoàn toàn yên lòng chờ ngày nhắm mắt nếu chưa rõ được châu báu ngọc vàng chôn vùi đáy giếng ra sao, nếu chưa an lòng về một nghi vấn nhiều năm ám ảnh tâm hồn.

Ông vào trong tháp và thấy một người đứng tuổi, ăn vận y phục màu tro, nằm dài ở cửa ngôi tháp lớn trên một mặt đá đã quét sạch sẽ. Người ấy xếp hai tay lại để vòng dưới đầu và mắt lim dim chăm chắm nhìn lên đỉnh tháp khoét trống thấy khoảng trời xa. Ông Cửu đến sát gần bên mà người kia vẫn yên lặng như bị thu hút trong một sự suy tưởng hết sức thâm trầm. đến lúc ông Cửu thấy mỏi, ngồi xuống gần bên thì kẻ ấy mới rời mắt khỏi đỉnh tháp để quay nhìn ông, không lộ vẻ gì đổi khác, và ngồi ngay dậy với một cử chỉ chào hỏi nhã nhặn:

- Thưa cụ chắc là cụ ở vùng này?

Ông Cửu tự giới thiệu tên họ, nói rõ chỗ ở, rồi hỏi lại khách:

- Tôi nghe ông đến xem tháp đã mấy ngày rồi mà hình như vẫn tìm kiếm chưa xong nên mới ra thăm. Đã được gì chưa?

Người kia gật gù trả lời:

- Cũng được khá nhiều cụ ạ.

Ông Cửu cố mở con mắt độc nhất trợn trừng nhìn người đối diện, hỏi rất vội vàng:

- Thế à? Tìm ở đâu thế?

Người kia đưa tay phác họa một nét vòng quanh chỗ ngồi:

- Ở khắp quanh đây.

Ông Cửu làm thinh soi mói nhìn khách bằng một dáng điệu ngờ vực. Ông đoán là khách giấu mình vì biết lỡ lời. Nhưng không nén được tò mò, ông hỏi:

- Ngọc hay là vàng?

Người kia có vẻ ngơ ngác:

- Cụ nói gì đấy?

- Tôi hỏi cho biết vậy thôi, để mừng cho ông. Tìm ra vàng ngọc ở đây đâu phải là chuyện dễ dàng.

Người khách lắc đầu:

- Không, không, tôi không hề nghĩ đến chuyện tìm vàng ngọc.

- Thế ông tìm những thứ gì?

Người khách mỉm một nụ cười khiêm tốn, trả lời:

- Tìm những sự thực về ngôi tháp này, về cái công trình kiến trúc, về cái đặc tính nghệ thuật và cái đời sống tinh thần cũng như vật chất của người dân Chàm qua những…

Nhưng khách dừng lại khi nhìn vẻ mặt của ông Cửu Dật. Hai người lặng thinh có vẻ lúng túng như vừa nhận biết là họ không hề gặp nhau bao giờ trong sự đối diện. Một lát, ông Cửu mới nói ngập ngừng:

- Nhưng nếu gặp phải kho tàng có thể khai thác, ông đủ phương tiện hay không?

Người kia trả lời:

- Chúng tôi đủ sức khai quật những di tích xưa, nếu xét thấy cần. Tôi ở trong ban khảo cổ…

- Ồ! Thật là quí hóa không biết chừng nào!

Và ông Cửu sán lại gần bên người khách, con mắt yếu đuối độc nhất vụt sáng một cách khác thường.

Khi ông Cửu kể xong sự tích tấm bia và những dòng chữ ghi lại chỗ giấu kho tàng thì khách vội hỏi:

- Tấm bia đâu rồi?

Ông Cửu mỉm một nụ cười bí mật, trả lời:

- Đâu dám để lại cho người ta thấy. Nhưng mà tôi biết chắc chắn lắm đó. Rồi ông sẽ xem, có cả hai bộ xương người giữ của ở trong đáy giếng nữa kia!

Người khách trầm ngâm giây lâu, ra dáng nghĩ ngợi xa xôi. Một lát, mới nói một giọng chậm rãi, nhưng nghe thoáng đượm vẻ buồn:

- Có lẽ tôi hiểu được rồi.

Ông Cửu nắm tay người khách giựt lịa:

- Ông hiểu rồi sao? Không! Không! Tôi bảo cho ông đấy chứ? Chẳng phải tôi vừa mới bảo cho ông đấy sao? Chỉ tôi mới biết, chỉ có mình tôi…

Ông Cửu tưởng như có thể uất nghẹn không nói ra lời. Nhưng khách ôn tồn:

- Cụ đừng thắc mắc. Nhà cụ có gần đây không? Chúng ta tìm một bát nước chè tươi và hãy nói chuyện dông dài…

*

__________________________________________________________________________
Xem tiếp PHẦN IV
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>