Người khách của ông Cửu Dật
– vị giáo sư khảo cổ – đặt bát nước chè tươi xuống tấm phản gõ, rồi nói:
- Sau khi biết nàng Phô-Mai
đã chết ở dưới chân thành, nhà vua đã làm một bài thơ dài cho khắc lên tấm bia
lớn đặt giữa hai tháp. Rất tiếc, tôi không nhớ trọn, chỉ còn mang máng mấy câu
mà tôi diễn dịch như sau:
Có những thần linh cho đến trọn đời ta không được
thấy,
Có những con người dẫu đến trọn đời ta không được
yêu.
Như con sông kia chảy mãi về Đông ngọn nước xuôi
chiều
Thấy những sườn non tươi tốt nhưng không bao giờ gần
gũi
Hạnh phúc mơ hồ như trong đôi tay chới với
Vói xuống lòng sông ôm lấy trời xa.
Mối tình vô biên chôn sâu dưới đáy lòng ta
Và niềm tin tưởng cao siêu đặt trên
chót đỉnh.
Những gì quí nhất của muôn đời yêu kính,
Ta gởi trong ta cho đến bao giờ?...
Vị giáo sư cúi nhìn trong
lòng bát nước chỉ còn chất cặn, giọng nói trở nên chán nản:
- Có lẽ cụ đã đọc thấy dòng
chữ “những gì quí nhất để trên chót đỉnh
và chôn dưới đáy sâu” là do những mảnh bia vụn ghép lại tình cờ đôi ý trong
mấy câu thơ cuối cùng. Từ lâu tôi theo cổ sử lưu truyền, những muốn tìm tấm bia
ấy, nhưng bao công trình trong các tháp xưa đã bị phá hủy bằng những bàn tay
đói vàng. Ở đâu người ta cũng chỉ nhìn thấy tấm lòng trục lợi của mình. Hết cả
nghệ thuật, hết cả sinh hoạt tinh thần, hết cả ý nghĩa lịch sử, mà chỉ toàn là
lòng tham, toàn là thèm muốn, chỉ là giày xéo cho đổ vỡ, phá hoại cho tiêu
điều. Cụ xem, cả đến ngôi tháp lạ lùng, vĩ đại, ngày nay cũng mất nóc rồi! Tảng
đá thiêng liêng đặt ở trên cao chẳng còn nữa rồi! Có lẽ người ta nghĩ nó chứa
toàn vàng ngọc! Mất tảng đá ấy, ngôi tháp làm sao chịu đựng gió mưa công phá
hàng ngày cũng như mất hẳn niềm tin con người làm sao đương đầu thắng lợi với
những gian nguy? Những khối óc mờ ám vì điều tư lợi không thấy xa hơn tầm ruột
của mình, nói gì đến cái cao siêu?
Vị giáo sư đứng dậy, lệt bệt
kéo giày ra sân, đôi tay chống lên cạnh sườn, nhíu mắt nhìn về ngõ tháp.
Riêng ông Cửu Dật gần như
không còn nghĩ ngợi gì nữa. Ông ngồi lặng yên, đầu óc trống rỗng, con mắt duy
nhất lờ đờ nhìn vào khoảng trống trước mặt như thấy một màu hoàng hôn chìm
xuống dần dần, xóa đen cả cuộc đời mình.
Mùa đông năm Bính Thìn, một
trận bão lớn ngoài khơi Đông Hải tràn vào bờ bể miền Trung, lông lốc quay cuồng
suốt mấy ngày liền. Ngọn gió đem mưa thổi về mạn núi tới tấp, cả miền Thăng
Bình chìm sâu trong sự vùi dập tơi bời.
Dòng sông Ly-Ly mực nước
tràn dâng cuồn cuộn lôi theo muôn lớp rác rều và cầu Ông Triệu, ở dưới ao
Vuông, ồ ạt trôi đi với dòng thác lũ. Gió chuyển từng luồng mãnh liệt bẻ cong
rừng cốc Vĩnh Huy, quạt mạnh từng cơn, xô rạt cây rừng Đồng Dương, xoáy vào
lòng ngôi Tháp Mẹ, hú lên những tiếng rất dài như sự khiếp hãi bốc dậy từ trong
ruột tháp.
Suốt mấy ngày mưa, ông Cửu
nằm ốm li bì. Ông nghe tiếng gió gầm thét ngoài rừng, rít lên trên mái tranh
nhà và qua những giọng hú dài vẳng lại, tưởng như có những hồn oan chỗi dậy gọi
mình. Ông chìm trong cơn mê sảng đầy bao ác mộng hãi hùng và co quắp lại như
một cành khô sắp mục.
Ngọn gió thổi nhanh vào lúc
nửa đêm, lồng lộn trên khắp núi rừng miền Thượng Thăng Bình và bất thình lình
xoáy sâu vào lòng Tháp Mẹ, vụt bốc lên cao. Tiếng hú ghê hồn bốc dậy và một tiếng ầm dữ dội, chấn động cả một vùng
xa : Tháp Mẹ sụp ngã tan tành, biến thành một khối ngổn ngang, vung vãi đá gạch
bốn bề phủ che mấy lớp bờ thành vây bọc.
Nhiều cụ già ở chợ Việt An,
cách xa chỗ tháp trên mười cây số, mất ngủ trong đêm mưa gió, bỗng ngồi choàng
dậy, một tay che lấy ngọn đèn chực tắt, một tay hứng lấy bờ tai ngơ ngác khi
nghe tiếng động lạ lùng theo gió dội về.
Giữa phút mê man, ông Cửu
bỗng kêu rú lên, hai tay gầy guộc quờ quạng trên không, ú ớ vài lời mê sảng rồi
ông giẫy giụa yếu ớt như đêm khuya nào Ta-Khốt đã cố vẫy vùng tuyệt vọng để
nuối cõi đời.
Bên ngoài gió vẫn kêu rú
liên hồi, lồng lộn điên cuồng trên các rừng cây.
Bà Cửu đưa tay vuốt lấy mắt
chồng rồi bưng mặt khóc, tiếng khóc khô khan mệt nhọc lịm dần ở trong cổ họng
già nua.
*
Ngày nay, du khách đến miền
Đồng Dương chỉ thấy trơ lại một ngôi tháp nhỏ tiêu điều. Về ngôi tháp lớn, chỉ
là gạch vụn hoang tàn. Về ngôi giếng cổ, chỉ là hố sâu chen chúc những loài cỏ
dại. Ngôi giếng bắt đầu cạn nước và khô kiệt dần, từ lâu, khi những người dân
quanh vùng lặn xuống mò cua bắt cá ở ao Vuông bỗng nghe mùi tanh khủng khiếp
của những thịt người vữa nát.
12-1960
VŨ HẠNH