CHƯƠNG MỘT
San
chào đời tại một làng nhỏ giữa rừng sâu, cách Vạt-xô-vi 50 cây số. San
không giữ được một kỷ niệm nhỏ về mẹ mình vì bà mất khi San còn bé lắm,
chưa đến thời kỳ dứt sữa. Tuy vậy, San vẫn nói thông hai thứ tiếng Pháp
và Ba Lan – mẹ San là người Pháp – và gia nhân cũng thế.
Tam
A, vú già trung tín của gia đình đã chăm sóc San suốt thời thơ ấu một
cách tận tâm, từ khi cha San ở Vạt-xô-vi cho đến khi, vì lý do sức khỏe
của San, cha cậu lại đưa cậu về làng Ất, nơi cậu mở mắt chào đời.
San lớn phổng lên như thổi trong khung cảnh thiên nhiên hoang dã ấy.
Cha
San vốn là một y sĩ, song người ta rất ngạc nhiên mà thấy ông không mấy
chú tâm đến việc hành nghề thủ lợi lại dành hết thì giờ cho một cái
phòng thí nghiệm dưới hầm, đặt tại nhà riêng của ông tại Vạt-xô-vi. Ông ở
lỳ trong đó ngày cũng như đêm để tìm tòi, nghiên cứu cùng với một phụ
tá và cũng là bạn chí thân : bác Minh Sơn.
Minh
Sơn, một người đàn ông khoảng trung niên, vạm vỡ và có sức khỏe đặc
biệt. San vẫn giữ mãi kỷ niệm về bác ấy : bác ưa đặt San ngồi lên lòng
bàn tay hộ pháp của mình, còn tay kia chỉ đưa lên, xa xa để cốt giữ
thăng bằng nếu San có tỏ ra sợ hãi hay ngồi không vững.
Bác có đôi mắt mầu xanh nhạt, bộ tóc hoe đỏ và luôn luôn bù rối, che khuất vầng trán phẳng, thông minh.
San
đã sống những chuỗi ngày vui vẻ, hồn nhiên trong ngôi nhà nhỏ với vú
Tam A, mà thế giới của cậu là khu vườn có nhiều nai, hoẵng. Cậu đinh
ninh mình rất mực tự do, không chút nghi ngờ thắc mắc, cậu không hay
biết rằng sự thực thì Bách, người lão bộc trung thành vẫn ngày đêm canh
chừng cho tiểu chủ không rời.
San
vẫn cỡi con ngựa nhỏ, xinh đẹp mà bác Minh Sơn cho cậu trong dịp sinh
nhật năm rồi. Bộ lông mượt như tơ, dày kịt, dày hơn lông gấu, con ngựa
Phi Tiễn thật xứng với tên, nhất là khi nào San thúc nó phi nước đại
vượt rừng rậm, gai góc, đuổi theo những con hoẵng lanh tựa loài chồn !
Luôn luôn, sau những lần như vậy, người ngựa trở về, San thì mặt mày tay
chân sây sát, sướt máu, còn ngựa thì mồ hôi ướt đẫm cả bộ lông.
- San ơi ! Con ngựa này thật là ghê gớm, nó có thể đuổi theo gió đó, nghe !
Bách
vừa nói với tiểu chủ vừa thở hào hển và rời khỏi lưng con lừa xám cũng
sùi bọt mép vì mệt ngất ngư sau khi đuổi theo Phi Tiễn và San trong rừng
rậm.
San thích thú cười dòn :
-
Ai bảo bác rượt theo tôi làm chi ? Bác già rồi, coi chừng có bữa đứng
tim đa ! Tôi đi chơi một mình có sao đâu ? Bác làm như tôi là đứa mới
lên năm ấy !
*
Một
sáng kia, San lẻn xuống chuồng ngựa : cậu muốn đi chơi mà không có mặt
lão bộc già bên cạnh. San biết khu rừng thưa gần nhà có nhiều heo rừng,
cậu lại nghĩ ra một cách săn táo bạo giống như cha và bác Minh Sơn đã
làm mỗi chúa nhật về chơi : đó là cách săn không dùng súng mà dùng dáo
đâm heo ! San sẽ sàng thắng yên con Phi Tiễn, ép nó ngậm lấy khớp và mặc
cho nó nhảy chồm lên ra khỏi chuồng trong khi con lừa xám to lớn cất
tiếng hí vang, ý chừng muốn báo cho lão bộc hay tin.
Khu
rừng thưa hiện ra ở phía cuối vườn sau thoáng chốc, một giòng suối
trong vắt quanh co chảy giữa những cây phong thấp. San thúc Phi Tiễn
vượt qua suối, đạp mạnh chân đinh vào hông nó và cho phi nước đại. Trước
mặt San, một đôi mang nhảy băng qua đường, sừng chấm sát vai, Phi Tiễn
chú ý đến và muốn đuổi theo, nhưng San không cho. Sáng nay cậu muốn săn
heo rừng, thứ heo rừng dữ tợn và to lớn kia. Chao ! Cây dáo dài và lưỡi
dáo mỏng làm sao ! Nhưng nó cũng khá nặng đối với thiếu niên (trong lúc
phi ngựa, cậu giữ cây dáo dọc theo yên, cán cắm vào bàn đạp).
San
có cảm tưởng mình là một vị đế vương vi hành, dưới vó ngựa đất lạnh như
lên tiếng chào mừng cậu con trai dũng cảm ! Cậu sắp vượt qua khỏi khu
rừng này và đến chỗ có nhiều heo rừng. Quả vậy : ba con vật lố nhố, mầu
lông đen nổi bật lên giữa màn sương, chúng đang chúi mõm ủi đất bên cái
hồ nhỏ. San rút cây dáo định tấn công, bỗng cậu nghe có tiếng vó ngựa
sau lưng và tiếng động đó làm ba chú heo rừng lủi mất trong nháy mắt.
San hết sức bất bình, ném phăng cây dáo vào bụi rậm, quay nhìn ra phía
sau : bóng dáng to lớn của lão bộc già lờ mờ hiện ra, qua màn sương dày
đặc cách cậu cỡ vài trăm thước. San nghe rõ cả tiếng con vật thở hổn hển
và tiếng roi quất
vun vút vào không khí. A ! San phải trả thù ! Phải làm cho bác đổ mồ
hôi vì San ! Tại làm sao mà bác cứ ưa can thiệp vào việc riêng của San
như thế chứ ? Đã mất mồi săn, San liền đổi trò chơi : đuổi chạy cũng
thích như săn heo rừng vậy !
Thế là, San nằm rạp trên lưng ngựa, buông lỏng dây cương và thúc mạnh vào hông nó, khiến nó phóng như bay qua những cụm rừng.
Những
cành cây quất vào mặt San và nhiều lần – rất nhiều lần – San suýt bị
bắn khỏi yên, hoặc bị các cây nghiền nát trong lúc con ngựa lồng lên,
phi qua giữa khoảng hẹp của các cây ấy.
Ôm
chặt cổ Phi Tiễn, San say sưa vì tốc độ, tuy nhiên phía sau cậu, lão
bộc già vẫn bám theo sát, không ngần ngại, và cứ mỗi phút qua, lão như
thu hẹp dần khoảng cách thêm lên.
Con
đường hẹp hiện ra trước mặt, cắt ngang các bụi rậm dày. Phi Tiễn đột
ngột rẽ ngoặt sang một bên để tránh cái hang chồn, San gần đánh rơi dây
cương, nhưng con vật vẫn tiếp tục phi nhanh làm cho chủ nó lần này như
nghẹn thở…
Thốt
nhiên, có tiếng ngã đánh “huỵch” một cái, San vội quay nhìn : người
ngựa phía sau ngã lăn trên đất. Vướng chân trên dây cương, con vật vùng
vẫy một cách bực tức còn lão Bách thì không gượng dậy được vì một chân
bị cái yên ngựa đè lên. Chắc là con vật bị gãy chân vì lọt vào một trong
những cái hang chồn mà Phi Tiễn lanh mắt trông thấy ? Còn lão Bách ?
San lạnh mình, vì cậu nghĩ đến chuyện lão bộc bị thương.
Cậu
hết sức khó nhọc mà không sao điều khiển con vật như ý muốn, nó như
điên tiết, hết biết vâng lời. Tuy nhiên, sau cùng, San cũng quày ngựa
được, giục nó trở lại cứu lão bộc của mình. Cậu kêu to lên :
- Đừng sợ, cứ nằm yên, bác Bách, tôi đến đây !
Phi
Tiễn vừa đến gần chỗ xảy ra tai nạn thì – trời ơi ! Bất ngờ làm sao ! –
Con ngựa ngã vừa gượng đứng lên lại té quị xuống, hí lên một tiếng man
rợ ; cùng lúc đó, cái yên ngựa dịch ra, kỵ sĩ bò dậy và San nhận ra
khuôn mặt hung tợn của hắn : không phải là lão bộc trung thành của nhà
San !
San
định kêu lên mà tiếng không thoát ra khỏi cổ họng. Kẻ lạ có dáng dấp
của một nông dân Nga, một bộ râu rậm mầu hung và con mắt… chao ! Con mắt
đầy gân máu ! Hắn kêu lên một tràng những lời khó hiểu – nguyền rủa hay
phàn nàn ? – Tận lúc đó, San mới bắt đầu biết sợ ! Trời ơi ! Kẻ lạ ấy
đã đuổi theo San chứ không phải là lão bộc theo để canh chừng săn sóc
cho San ?
Tức thì, cậu quày ngựa, thúc mạnh cho Phi Tiễn chạy… Chạy bất kể trời đất, bụi bờ, gai góc, hố hào…
Cho đến khi San mệt lả, thở không ra hơi và trước mặt ngôi nhà nhỏ hiện ra cậu mới tin là mình thoát hiểm.
Lão
Bách cũng vừa nhận thấy tàu ngựa trống đúng lúc San về. Không để cho
lão kịp gạn hỏi hay trách móc, San kể lại đầu đuôi, vừa kể vừa thở dồn,
sợ hãi còn ghi đậm trên nét mặt. Kể xong, San hỏi :
- Bác Bách ơi ! Làm sao mà họ lại ghét tôi ? Tôi có làm gì hại họ đâu ?
Ánh mắt lão bộc còn kinh hoàng hơn tiểu chủ, lão lắp bắp :
-
Làm sao à ? Nào biết làm sao… nhưng có một điều chắc chắn : nếu cậu bị
quân dã man ấy bắt cóc hay giết đi thì tôi cũng chết theo luôn, chớ mặt
mũi nào mà dám nhìn ông…
Giọng lão thê thiết cho đến nỗi San cảm thấy xấu hổ vì hành động vừa rồi. Cậu nắm tay lão, trấn an :
- Bác đừng lo ! Tôi đã thoát rồi mà ! Tôi đã về đây, bác không thấy sao ?
-
Phải ! Cậu thoát lần này ! Nhưng rồi đây… Ông đã ngỡ là cậu được bình
an tại khu rừng sâu hẻo lánh này, hơn là để cậu ở Vạt-xô-vi. Ngài có ngờ
đâu…
- Bác yên tâm đi ! Tôi xin hứa từ nay tôi không cỡi ngựa đi chơi bậy bạ như vậy nữa, bác bằng lòng chưa ?
Nét mặt lão bộc tươi lên một chút.
Và
tuy San đã làm đúng như lời hứa, lão vẫn thấp thỏm không yên. Vì vậy,
khi cha San về chơi vào ngày nghỉ, lão liền báo cáo lại chuyện xảy ra.
*
Ngày 24, tháng 2, sinh nhật thứ 15 của San, cậu được cha hứa là sẽ tổ chức một cuộc săn chồn.
Tinh
sương hôm ấy, San đã dán mũi vào cửa kính, nong nả đợi chiếc xe cha
xuất hiện, chiếc xe với những con ngựa ô to lớn thường được cha San dong
cương bằng một tốc độ ghê hồn.
Trên
tấm khăn bàn trắng tinh khôi, vú già Tam A đặt một cái bánh sinh nhật
với 15 ngọn đèn sáp mầu xanh cắm theo hình kim tự tháp. Nhà cửa có vẻ
khang trang sáng sủa hẳn lên.
Thời
khắc như không trôi mà ngưng đọng lại. Trận mưa tuyết dữ dội đêm qua
kèm với những ngọn cuồng phong làm những cành cây trong vườn oằn xuống.
San sốt ruột kinh khủng : khác với lệ thường, cha cậu không về vào buổi
sáng với bác Minh Sơn. Mặt trời đứng bóng rồi…
Chợt
bầy chó sủa vang lên rồi chiếc xe chở cha San và Minh Sơn xuất hiện. Xe
ngừng ở thềm cửa, hai người bước xuống, mình mặc áo choàng dày cộp, tay
lăm lẳm súng săn.
Trông
thấy hai người, San đã nghĩ ngay đến cuộc săn đầy hào hứng mà mình sắp
được dự chốc nữa đây, vì cậu vốn biết tính cha : ông luôn luôn giữ đúng
lời hứa với con trai.
Song
San hết sức ngạc nhiên mà thấy hình như… cha cậu không quan tâm đến
ngày sinh nhật của mình. Nét mặt đăm chiêu, ông ra lệnh mà không nhìn ai
cả :
-
Tam A ! Bảo Bách tháo ngựa ngay, đưa vô chuồng lau cho chúng được khô
và cho chúng lúa mạch, khẩu phần gấp đôi mọi ngày, nghe !
- Thưa vâng ạ ! Tôi sẽ bảo bác ấy ngay !
Tam A nói và sắp quay đi thì ông chủ chặn lại :
- Chưa xong, nghe đây : còn vú thì sửa soạn ngay cho chúng tôi một giỏ thức ăn, cả rượu vô-ka nữa, y như… y như đi săn vậy.
San nghẹn lại vì tức tối : y như đi săn ! Cha
cậu nói thế có nghĩa là hôm nay ông bãi bỏ cuộc săn như đã hứa với cậu ư
? Dễ nghe chưa ? San toan hỏi thì vú Tam A cất tiếng :
- Thưa ông chủ, chắc ông chủ định… định không đi săn hôm nay, phải không ạ ?
- Đừng gạn hỏi lôi thôi ! Hãy làm ngay điều ta bảo, và làm càng mau càng tốt, Tam A !
Rồi ông chợt đổi giọng, thấp xuống :
- Ta sẽ giải thích cho vú hiểu sau.
- Vậy, ông chủ không dùng bữa trưa tại nhà sao ?
- Phải, không đủ thì giờ (ông quay sang con trai) này, con !...
San
đến gần cha, thầm lo ngại, cậu đưa mắt nhìn vú Tam A đang run rẩy vì
xúc động rồi lại nhìn bác Minh Sơn trong lúc bác đặt cây súng xuống bàn
cạnh cái bánh sinh nhật có 15 ngọn đèn sáp xanh lơ. Khi San nhìn cha,
cậu bắt gặp mắt ông sáng lên một cách dị thường, cậu linh cảm là có điều
quan trọng xảy ra làm gián đoạn cuộc vui. Giọng cha cậu buồn rầu :
- San ơi ! Cha con ta sắp phải rời nơi này. Một cuộc hành trình xa… xa lắm !
Chợt ông ngừng lại, nhìn bác Minh Sơn, tiếp :
- Cả ba chúng ta, cả bác Minh Sơn nữa, con ạ !
Cậu
con trai muốn mở miệng mà không thể nói ra lời. Quyết định của cha cậu
đột ngột quá, bất ngờ quá, vượt trên sức tưởng tượng của thiếu niên.
- Tam A sẽ chuẩn bị đủ thứ cho con : áo lông thú, áo mưa và ủng. Hãy giúp vú một tay, San con !
San
lặng lẽ làm theo lời cha. Khi cậu trở lại phòng khách, cậu thấy cha
cùng bác Minh Sơn lôi những tập giấy dày từ các ngăn tủ ra đốt trong lò
sưởi. Trên bàn chỉ còn lại vài tờ rời, nét chữ nguệch ngoạc rất khó đọc.
Vài tờ khác, chép những công thức rắc rối, nhiều ký hiệu với phương
trình và con số giống như những trang đầy các bài tính mà hai người vừa
đốt xong.
Bằng
vài câu vắn tắt, cha San nói cho con biết những tài liệu quan trọng này
là đầu mối của cuộc hành trình đột ngột hôm nay, những công thức đó đã
bắt buộc họ phải tức tốc rời khỏi đất Ba Lan yêu dấu. Thì ra, cha San và
bác Minh Sơn là những nhà bác học nguyên tử đầu tiên. Họ đi rất xa
trong công cuộc nghiên cứu. Từ năm tuần nay, họ được biết là họ bị theo
dõi, kiểm soát và sắp bị uy hiếp. Cách đây hai ngày, họ tìm thấy người
gác tin cẩn bị đánh bất tỉnh, cửa phòng bị bẻ khóa và có nhiều dấu vết
chứng tỏ phòng thí nghiệm của họ bị lục soát không chừa một cái xó xỉnh
nào.
San
nhớ lại căn phòng rộng mênh mông với các cửa kính đầy tuyết đọng, cái
lò sưởi cao ngập than hồng… đến nét mặt trang trọng và chăm chú của cha
cũng như của bác Minh Sơn, họ đều như quên thời gian trôi bên ngoài, say
sưa vì công việc…
Tam
A đứng nép trong một góc, không buồn lau nước mắt đang giọt giọt trên
đôi má nhăn nheo. Tuy vậy, bà ta vẫn gắng gượng – trong khi tay run run –
để đốt cháy 15 ngọn đèn sáp trên cái bánh sinh nhật của San. Minh Sơn
mỉm cười gượng gạo :
- Nào ! San ! Hãy thổi một cái sao cho tắt hết các ngọn nến đi xem ! Can đảm lên !
San
bước lại bàn thổi phụt một cái, 15 ngọn nến cùng tắt đi một loạt. Có
tiếng vỗ tay nổi lên, song San không thấy thích thú chút nào. Cậu nghẹn
ngào khi chạnh nghĩ đến ngày mai và tiên cảm rằng cùng với những ngọn
nến mà cậu mới thổi tắt, cậu cũng vừa chấm dứt, xóa tan những tháng năm
đẹp đẽ của tuổi thơ từ phút này đây ! Mắt San như mờ đi…
- Cháu sẵn sàng chưa ?
- Thưa bác, đã…
- Còn ngựa ?
- Ngựa thắng rồi !
- Hôn vú Tam A của con đi, San ! Có thể, con không còn được gặp vú nữa đâu, San ạ !
Rồi ông chữa lại :
- Còn lâu lắm, ta mới được trở về đất Ba Lan…
Vú Tam A giữ chặt cậu con trai trong vòng tay mình, khóc lặng, nghẹn ngào không thành tiếng.
Bác
sĩ Vệ nhét vội vào túi trong của cái áo da một cái ví bằng da thuộc,
mầu đỏ trong đó cất đầy những giấy tờ quí giá, xếp nhỏ. Ngang hông, ông
thắt một dây lưng da giống như bọc đạn chứa đầy nhóc tiền vàng.
- Thôi ! Ta lên đường ! Đừng bịn rịn quá, Tam A !
Ngoài
sân, mấy con ngựa hung hí lên như giục giã, chúng được mắc vào trong cỗ
xe lớn, kéo mui bằng da thú dày, có đóng đinh đồng sáng loáng. Một tấm
lắc bằng bạc gắn vào sườn xe – sườn bằng gỗ đen bóng – trên đó khắc một
con báo đang đùa với ba trái cầu vàng (tượng trưng cho gia đình San).
Tam
A ôm chặt San lần nữa, rưng rưng nước mắt rồi bà ấn cái mũ dạ của San
xuống sâu hơn, đến tận mang tai đoạn đi cùng tiểu chủ ra sân. San trèo
lên xe ngồi giữa cha và bác Minh Sơn trên cái ghế thấp xung quanh đầy
chăn và áo choàng.
Dưới
chân cậu là hai khẩu súng đặt song song, súng ngắn của cha cậu và súng
hai nòng của Minh Sơn. Từng cơn gió rít lên qua các rặng thông, trận
cuồng phong đang tiếp diễn. Minh Sơn quất ngựa cho phi nước đại trong
lặng lẽ vì trước đó, lão bộc đã tháo các chuông ở cổ ngựa ra.
Minh Sơn bảo bạn, giọng trầm hẳn xuống :
- Mưa tuyết sẽ giúp chúng ta !
Mà
thực vậy, bánh xe vừa qua khỏi là lập tức tuyết phủ ngập, che lấp vết
xe, cũng khó mà nghe được tiếng vó ngựa dẫm lên mặt tuyết.
Con
đường mờ mịt kéo dài trước mặt, làm thiếu niên cảm thấy buồn thấm thía
trong lòng. Giờ này – cậu thở dài nghĩ thầm – đáng ra ta đang ở trong
khung cửa kính cắt bánh sinh nhật, sinh nhật thứ mười lăm…
*
Tối
đó, họ dừng lại trong một cái quán nhỏ cho ngựa nghỉ giây lát lấy sức
rồi lại ra đi, song lần này, họ cho đi chậm hơn. Họ tránh những đường
lớn. Lợi dụng lúc ngựa nghỉ, Minh Sơn chiếu đèn bấm lên bản đồ để tìm
một lối mòn băng qua các cánh đồng trống và các khu rừng bất tận. Rồi họ
băng qua những con sông đông cứng.
Đến
cuối ngày thứ hai của cuộc trốn chạy vất vả này, ngựa hoàn toàn kiệt
lực. Dùng một nắm tiền vàng, cha San đem đổi lấy hai đôi khác, nom dáng
bộ chúng, San đoán ngay là chúng không phải ngựa nòi, nhưng biết sao hơn
!
San
rất tiếc phải bỏ hai đôi ngựa đẹp của cha lại cho đám nông dân xa lạ,
cậu đứng cạnh lò sưởi, nghẹn ngào cố nuốt vội món xúp luễnh loãng cho
xong bữa. Khi họ lên xe, cha San khám phá ra khẩu súng hai nòng của Minh
Sơn đã biến mất, song phải cắn răng tiếp tục cuộc hành trình.
Tuyết
bắt đầu ngừng rơi, đêm sáng rỡ và lạnh rợi. Đất cứng khua vang dưới vó
ngựa. Cha San vừa quất vừa la to để giục ngựa đi. San được dịp chứng tỏ
là mình đoán đúng về đôi ngựa tồi tệ. Mờ mờ sáng hôm sau, cha San phải
rời đường mòn, đánh xe vào các lùm cây… Minh Sơn cười nhưng không phản
đối.
Chợt
San trông thấy hai kỵ mã nằm rạp trên lưng ngựa vút qua như hai mũi
tên. Họ có phải là những kẻ muốn ám hại cha con San chăng ? Cha San nói :
- Nếu định săn chúng ta, bọn chúng phải đợi ở các nhà ga, không nên nghi ngờ quá…
- Phải, tôi cũng nghĩ như anh, họ đón ta ở các nhà ga và ngang biên giới…
- Này, Minh Sơn ! Anh biết rõ vùng này phải không ?
-
Như biết rõ bàn tay tôi mấy ngón vậy, đừng lo. Phía nam kia là vùng đầm
lầy, hiện thì đông cứng, ta có thể cho ngựa phi qua dễ dàng. Không có
làng mạc gì cả.
- Như thế có làm cho xa thêm không ?
-
Dĩ nhiên là hơi xa, song an toàn hơn, vì tôi cam đoan không ai đón
chúng ta ở đó cả. Tôi chỉ ngại là gặp viên chức nhà Đoan lưu động…
- Và bầy chó nữa, phải không ?
- Đừng quá e ngại, chúng ta có súng mà !
Đến
giữa rừng, họ dừng xe, dùng hết số thực phẩm do Tam A soạn theo cho họ.
San lạnh cóng và cậu nốc cạn cốc lớn rượu vô-ka như uống một ly nước
ngọt không do dự, đoạn quấn kỹ chăn, cậu đánh một giấc, gác hết mọi lo
âu.
Lần
cuối cùng, họ dừng lại một thôn nhỏ lơ thơ mươi bếp lửa, cạnh biên
giới, nơi họ sẽ vượt qua đêm nay. Họ không tiếc rơm cũng như lúa mạch,
nên ra roi lần đầu, đôi ngựa đã phi nhanh.
Đêm
phủ xuống khi họ ra khỏi khu rừng đưa xuống một cánh đồng cói và rồi
khu sình lầy hiện ra. Đôi ngựa do dự, dùng móng dò dẫm trên mặt băng, sợ
băng vỡ ra dưới sức nặng của người và xe. Minh Sơn nhảy phóc ra khỏi
xe, vừa chạy vừa kéo mạnh dây cương để khuyến khích con ngựa đầu đàn vì
nó muốn lồng lên hơn là bước tới. Mặt băng vẫn cứng và rồi xe có trớn,
lướt nhanh. Minh Sơn thở hào hển, chạy theo và toan lên xe. Bỗng hai
tiếng súng khô khan nổ lên, khô đến nỗi người ta có thể lẫn tiếng nổ với
tiếng roi ngựa… Có lẽ phát ra từ xa, nên không ai nghe thấy đạn xé
trong không khí. Rồi thì con ngựa đầu đàn vấp chân, song cố gượng, hí
dài một tiếng và sau cùng
quị xuống như một thân cây bị lưỡi rìu sắc phạt ngang.
Tức
thì, Minh Sơn lao đến, dùng dao săn cắt lìa những sợi dây buộc con vật
vào xe. Nó lăn qua lăn lại, vùng vẫy một cách tuyệt vọng, bốn vó chổng
lên trời, quờ quạng nom thật thảm thương.
- Đưa khẩu súng của bác đây ! Nhanh lên !
San lúng túng giây lâu làm Minh Sơn sốt ruột, giục lại. Cha cậu bảo bạn :
- Tôi quên cho anh hay, súng hai nòng của anh bị quân gian cuỗm mất từ…
- Chúa ơi ! Ngồi đó mà kể lể… đưa ngay cái súng của anh cho tôi, coi nào !
Bác sĩ Vệ kêu thất thanh :
- Anh làm gì vậy ? Lên xe ngay ! Minh Sơn ơi, tôi không muốn anh hứng chịu…
- Vô ích ! Tôi biết rõ sức ngựa hơn anh. Họ sẽ đuổi kịp ta nếu có tôi. Để tôi chặn đường chúng. Anh và San đi ngay đi thì hơn.
- Đừng nói chuyện điên rồ ! Minh Sơn ! Lên xe ngay !
Cha San nói và đưa tay chực kéo bạn, giọng ông nghẹn lại vì quá xúc động. Minh Sơn khăng khăng :
-
Để tôi ở lại. Tôi thề rằng chúng không qua được khi anh và thằng bé
chưa thoát hiểm ! Đi đi ! Đừng làm như bọn phụ nữ hèn yếu… Vệ à ! Đừng
do dự. Anh phải nghe tôi ! Đừng cãi lại ý định chính đáng của tôi, đừng
làm cho sự cố gắng của tôi hóa thành vô ích ! Thúc ngựa nhanh lên ! Vệ!
San
chỉ còn trông thấy nét mặt cương nghị của Minh Sơn – mũ lông cừu của
ông ta rơi mất từ bao giờ – với tóc mầu hung đỏ rối bời trước gió… Một
viên đạn nã vào ông, ông vội vàng giấu cánh tay đang tuôn máu ròng ròng
ra sau lưng, giục bạn :
- Đi mau đi ! Vệ ! Chúng không bắt sống được tôi đâu ! Đừng sợ hão !
Giọng đẫm nước mắt, San kêu lên :
- Bác Minh Sơn ! Cháu không muốn bác hy sinh…
Minh Sơn quát lên :
-
Chúng nó sắp đến kìa ! Đi đi thôi ! Gia roi mạnh vào, Vệ ! Ta sẽ gặp
nhau mà San ! Tạm biệt nhé? Chúc may mắn, nhé? Đừng khóc San !
Bác
sĩ Vệ giơ cao ngọn roi, cậu thiếu niên hoa mắt lên. Chiếc xe lao tới
như một mũi tên. Trong đám sương mờ phủ vây quanh họ, cậu còn kịp nom
thấy lằn đạn từ nòng súng của Minh Sơn phát ra : một trong số hai tên kỵ
mã từ sườn núi trờ ra bị rớt khỏi yên ngựa, chân hắn bị vướng trong bàn
đạp và trong cơn hoảng hốt, con ngựa cuống cuồng kéo lê xác hắn chạy
một đoạn dài. Chiếc xe chở cha con cậu khuất xa, tiếng súng loạn xạ
không ngừng nổ chứng tỏ Minh Sơn vẫn chiến đấu gạn dạ để cứu bạn và
thiếu niên…
Rồi
thì im bặt : yên lặng như thể không có gì xảy ra. San biết rằng bác
Minh Sơn liều mạng, khó lòng thoát chết và cậu nghe đau nhói tận tim,
song cậu không dám khóc, vì muốn xứng đáng với gan dạ bác ta.
Cậu
quay nhìn cha, nét mặt ông ủ dột quá cho đến nỗi, cậu nghĩ rằng im lặng
để chia xẻ nỗi lòng ông hơn là cất tiếng nói một câu gì, dù là một câu
đề cao người bạn thiết của cha.
_______________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG HAI