Thứ Ba, 8 tháng 3, 2016

Trầm Theo Chinh Sử


Chị em nặng một lời nguyền
Phất cờ Nương Tử thay quyền tướng quân

Năm ấy toàn thể dân Giao Chỉ sống trong hòa bình, hoan lạc. Trên ngai đã có nhị vị Trưng Vương tài đức chăn dắt. Mùa đông cách mùa chiến thắng một năm (41 sau Tây lịch), nhị vị Trưng Vương vẫn còn lo lắng vì việc triều chính chưa ổn định. Hai bà còn nghe gián điệp cấp báo rằng tướng nhà Hán sắp kéo quân sang đánh báo thù. Hai con voi thả rong tự do ở kinh đô Mê Linh được tìm về gấp. Có lẽ chúng sắp sửa dự phần xông xáo vào trận mạc hiểm nguy như khi xưa.

Thật vậy! Vua Hán Quang Vũ lần này sai thượng tướng Mã Viện (tức Mã văn Uyên) thống lĩnh hai chục vạn hùng binh rong ruổi tiến về Nam. Phía trước Mã Viện còn sai hàng vạn dân phu phá rừng, mở núi cho dễ lối đi sang.

Chuyện phải đến rồi cũng đến. Một lần nữa hai bà Trưng lại cởi voi trên bành vàng, che lọng vàng, bận áo giáp vàng, phất cờ vàng hiên ngang chống cự. Quân Cách mạng năm nào chỉ có sáu vạn người chiến chinh hao hụt, nay đã chiêu tuyển thêm cho đủ số và đông gần gấp đôi. Các tướng quân và nữ tướng của hai bà đều dũng cảm tranh đấu cho đến hơi thở cuối cùng. Lúc thắng, khi bại… cuộc chiến dần dà trong hai năm liền với những trận đánh khốc liệt, hào hùng… từ đồng bằng lên miền núi, từ cực Bắc của lãnh thổ đến cực Nam quận Nhật Nam. Dù Phục ba tướng quân Mã Viện là một lão bảy chục tuổi, đầu bạc với kinh nghiệm chiến trận dồi dào, danh tiếng lừng lẫy. Dù quân đội của nhị vị Trưng Vương là bộ đội mới thành lập, ít được rèn luyện và trang bị kỹ càng. Hai bà vẫn can đảm điều động binh sĩ lấy sức châu chấu mà đá xe… Thương thay cho kém cỏi và ít oi chống với tinh nhuệ và đông đảo…

Đêm ấy, một đêm buồn héo hắt. Hai con voi đầy dẫy công trận lúc nào cũng theo sát hai bà. Chúng đã đến đây và dừng tại Cẩm Khê thuộc tỉnh Phú Thọ (bây giờ thuộc phủ Vĩnh Tường, tỉnh Sơn Tây). Hai bà quá mỏi mệt đã thiếp đi trên bành voi tự lúc nào. Bên cạnh hai bà chỉ còn đếm trên đầu ngón tay một số nữ binh. Hai con voi tự biết thân phận, lặng lẽ phủ phục trong bóng đêm. Con này quan sát những vết sẹo giáo mác trên lớp da dày của con kia với ánh mắt thông cảm. Tâm linh chúng buồn bã vô cùng. Con Bạch Tượng ôn lại những hào hùng xưa… “Ba năm về trước Bạch Tượng và bạn Ngà Dài còn trẻ và sung sức. Bạch Tượng nhận thấy mình hơi nhút nhát chớ anh bạn Ngà Dài thì trái lại, hung dữ vô cùng. Ngà Dài luôn dẫn đầu bất cứ trận nào. Đôi ngà dài của anh ta còn là cặp khí giới hữu hiệu nhất để phụ lực chống quân thù. Bạch Tượng và Ngà Dài đưa hai bà vào Liên Lâu Thành đánh rốc tan trụ sở của Thái thú Tô Định. Thái thú Tô Định chạy ra Nam Hải, theo đường bể về Tàu. Nhưng Bạch Tượng với Ngà Dài vẫn dẻo dai sức để xông pha khắp 65 thành trì ở xứ Lĩnh nam (thuộc hạt Quảng Đông, Quảng Tây nước Tàu). Ngày xưa là những ngày bách chiến bách thắng, voi cũng như ngựa, ào ạt theo lệnh tiến quân, giết giặc như chẻ tre. Lòng căm thù sục sôi trước ách bạo tàn đô hộ, đã ào ạt bùng lên truy đuổi quân xâm lăng. Bạch Tượng nức lòng như tiếng quân hò reo, tiếng nhạc ngựa, tiếng va chạm của gươm đao… Thân thể Bạch Tượng với Ngà dài rồi cũng nhận những mũi tên không có mắt… chai đá hẳn đi rồi chính lúc đó quân giặc đã chọc sùng anh bạn Ngà Dài. Ngà Dài lựa những kẻ tóc bím mà quấn vòi tung lên không. Nếu cặp ngà nhọn của Ngà Dài xuyên hụt đã có giáo mác chờ dưới đất hay các chân khổng lồ sẵn sàng đạp chết. Hai cái bóng một trắng một xám luôn nương tựa lẫn hau, giúp nhau… và hơn nữa bảo vệ hai nữ chủ anh thư. Bạch Tượng và Ngà dài lúc nào cũng nổi bật vượt trên đoàn binh mã. Cả hai khéo hiểu ý người để tiến thối nhịp nhàng theo hiệu lệnh. Cả hai quen lắm với đường xa, hay rừng rậm… Bạch Tượng hay Ngà Dài sẽ càn lướt một cách dễ dàng, với sức lực phi thường và dẻo dai. Một đoàn ngựa có thể mệt chứ voi thì dư sức chịu đựng thật bền bỉ.

Nhưng than ôi! Sau trận chính thức thư hùng ở hồ Lãng Bạc (hồ Tây, Hà Nội), hai bà đành thua trước mưu mô khéo léo cùng tài dùng binh của Mã Viện. Thế là Bạch Tượng với Ngà dài vùng vằng quay bước. Hai con voi không bằng lòng với mùi vị thất bại ấy. Ròng rã qua ngày tháng, Bạch Tượng với Ngà dài hung hăng thêm như là voi điên… Nhưng định mệnh đã an bài, mấy trận thắng nhỏ không gỡ gạc nổi bao trận thua to. Bạch Tượng với Ngà Dài thường hậm hực mỗi khi phải rút quân, đưa hai bà tìm chỗ tránh an toàn…”

Sáng hôm sau nữ binh về tâu lại rằng xã Hát Môn huyện Phúc Lộc (tức là huyện Phúc Thọ, thuộc Sơn Tây) gần đây có thể ẩn náu qua ngày. Bạch Tượng và Ngà Dài buồn bã đi theo đám tàn quân. Đâu đây dòng sông Hát vô tình vẫn êm đềm nhẹ chảy. Hai bà Trưng bước xuống khỏi bành voi, quan sát địa thế. Hai bà thầm nghĩ : “Rủi có bề nào quân giặc dí tận nơi đây, tận chốn kỳ cùng, thì làm sao đây?”

Mà quân giặc do thám cũng giỏi. Một đạo binh rục rịch bủa vây. Hai bà vẫn chưa hay biết gì. Trưng Trắc cắt đặt đám tàn quân đi gọi quân tiếp viện ở những nơi khác về. Hai bà sẽ chờ ở đây. “Dù quân mộ thêm ô hợp cũng quyết một trận sống còn mới thôi chớ không thể nào hèn hạ mà hàng phục”.

Tàn quân, tùy tùng, cận vệ… vừa đi khỏi, hai bà Trưng thoáng nghe lao xao theo gió, Bạch Tượng với Ngà Dài rống lên. Cặp mắt chúng long lanh đẫm lệ, có lúc tròn xoe giận dữ. Chúng đoán trước tai họa sắp xảy ra khi hai bà thế cùng lực kiệt. Trưng Trắc bùi ngùi nhìn em là Trưng Nhị. May quá đám tàn quân đã theo đường tắt đi trót lọt. Tưởng rằng quân giặc không ngờ mình đến chỗ hiểm địa, dè đâu Mã Viện liệu việc như thần. Quân “truy kích, chó săn” vừa đuổi tới vừa kêu gọi hai bà đầu hàng. Trưng Trắc than thở đôi lời cùng em, rồi luyến tiếc vuốt ve con Ngà dài. Con Ngà Dài lẫn con Bạch Tượng đều trông dắn dỏi và già trước tuổi. Những hàng nước mắt ứa ra sầu than số kiếp, một đời. Trưng Trắc không đợi quân giặc đến tận nơi đã gieo mình xuống Hát Giang tự trầm, bên tai bà còn nghe tiếng Trưng Nhị nấc lên:

- Khoan, đợi em theo với…

Bạch Tượng với Ngà Dài lại phủ phục chào lần chót. Chúng rống lên thê thảm. Con Bạch Tượng thoáng thấy tà áo dài của Trưng Nhị chưa chìm hẳn, màu vàng dát lấp lánh hoa nắng trên sông. Phút chốc, Bạch Tượng buông xuôi, và lần theo bờ sông trơn dốc, Bạch Tượng hy vọng cứu được Trưng Nhị. Nhưng khi vòi của Bạch Tượng thò tới tấm áo thì nó cũng vừa hụt chân sa lầy. Con Ngà dài ngạc nhiên nhìn bạn chìm dần theo hai nữ chủ lần chót. Nó quay phắt lại vừa kịp lao đến tàn sát bọn quân Tàu theo dai như đỉa. Sau giây phút hỗn loạn, quân Tàu đã tuân theo lệnh truyền của chủ tướng tìm cách nhử và bắt sống con Ngà Dài vẫy vùng chưa được mấy đã sắp thúc thủ. Quân tàu quăng dây ghịt bốn chân voi, dây quấn vào cổ vào niệt, dây siết muốn gẫy ngà của voi… Con Ngà Dài chợt nằm im xuống. Quân Tàu hò reo tở mở. Sau phút tạm dưỡng sức, Ngà Dài vùng lên mãnh liệt, bứt đứt dây lẫn câu liêm, đòn móc. Ngà Dài cố ý nổi cơn, khóe mắt trợn lên tóe lửa. Thêm một số bị thương và chết. Quân Tàu giạt ra xa. Bấy giờ Ngà Dài mới chịu thôi. Nó lững thững đi thẳng xuống sông Hát tìm bạn… Mã Viện cũng vừa hay kịp, đến nơi ngậm ngùi nhìn nấm mồ thiên nhiên vừa vùi chôn hai bậc cân quắc anh hùng và hai con voi trung hiếu tiết liệt gồm đầy.

Tục truyền từ lúc hai bà xuống sông rồi hóa ra hai người bằng đá mà lại nổi lênh đênh trên mặt nước trôi đi, các làng quanh sông thấy vậy, tranh nhau ra khấn để vớt về thờ, nhưng chỉ có làng Đồng Nhân huyện Thanh Trì (bây giờ thuộc tỉnh Hà Đông) vớt được, mới lập đền thờ ở bãi làng ấy. Dân xã Hát Môn thấy sự thiêng liêng cũng lập đền thờ vọng ở bên sông.

Đến đời vua Anh Tôn nhà Lý, chỗ bãi Đồng Nhân lở gần đến miếu thờ. Vua sai làng Hưng Viên bên trong đê, ra đền rước tượng Hai Bà vào, rồi vua ban tiền bạc cho dân lập miếu mà thờ, phong sắc là “Trinh linh chi phu nhân”. Đền Hai Bà bây giờ vẫn còn. Đến đời nhà Trần lại được phong thêm tám chữ : “Uy liệt chế thắng thuần trinh bảo thuận”. Đến bây giờ vẫn còn anh linh. Trước sân đền có tượng hai con voi bằng đá, công trận vô cùng.

Hồn con Bạch Tượng thoát theo chân hai bà nhưng không kịp nữa. Hồn Bạch Tượng bơ vơ, quay lại chờ anh bạn Ngà Dài. Nhưng Ngà Dài còn bận với đám quan Tàu. Hồn Bạch Tượng phiêu lãng bay đi. Nó yên tâm nhờ nhang khói thờ phượng của bá tánh trong các đền thờ lập về sau. Chẳng hiểu rồi hồn anh bạn Ngà Dài đi đến chốn nào. Hồn Bạch Tượng không đợi chờ được nữa. Mòn mỏi cho đến nhiều năm sau, nước ta lại bị nhà Ngô bên tàu cai trị. Hồn Bạch Tượng quyết định đi đầu thai làm một người dân nước Việt, để sẽ nổi lên chống ách nô lệ tham tàn… Hồn Bạch Tượng bay đi… Nhưng đến quận Cửu Chân thì sa xuống. Vì nơi đó đã có bà Triệu thị Trinh mộ quân đánh với giặc Ngô. Hồn Bạch Tượng đầu thai như tiền kiếp xưa… Lần này Bạch Tượng đơn độc một mình. Chẳng có gì để phải khiếp sợ, đối diện với dòng lịch sử tiếp diễn luân lưu. Bạch Tượng đã để hồn bỏ lỡ dịp may. Nhưng cần gì, lịch sử hoàng lương lại được vẽ lên đậm nét. Và con Bạch Tượng tái sinh thuở nào vẫn hiên ngang trận mạc với nữ chủ mới cũng rất oai hùng.


THÁI LYNH LĂNG      



(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 80, ra ngày 11-3-1973)

Bìa của Vi Vi : Trưng Nữ Vương

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>