Thứ Năm, 10 tháng 3, 2016

Vàng Tháp Hời (II)


Ta-Khốt và Kha-Lai là hai anh em ruột thịt. Ta-Khốt lớn lên, cha mẹ còn sống, gã được theo học nhiều năm ở trường. Kha-Lai ra đời vài năm thì cha rồi mẹ lần lượt lìa trần. Trước khi nhắm mắt, người cha nhận thấy bản chất Ta-Khốt đam mê, nên gọi con lại bên mình. Bắt chước nhân vật trong một cổ tích Ấn Độ, ông dặn con rằng:

- Con phải quản trị gia tài, nuôi em khôn lớn. Đời sống còn dài, con hãy gắng giữ lấy mình. Có ba điều đáng sợ hơn ma quỷ : một là rượu chè, hai là cờ bạc, ba là phụ nữ. Tránh được cả ba điều ấy thì con có thể cúng lạy thần linh mà không xấu hổ.

Nhưng biết con mình không phải sinh ra để mà duy trì đạo đức, ông bèn nói tiếp theo câu chuyện xưa:

- Nếu liệu không thể giữ mình trước những cám dỗ thì hãy nghe đây : con hãy đánh bạc nhưng đánh thế nào cho tròng mắt con hóa đỏ như thể lò than. Con hãy uống rượu nhưng uống thế nào cho đến mê man bất tỉnh. Và đàn bà, con hãy tìm đến với họ, trước khi họ dậy độ một canh gà.

Người cha noi gương cổ tích ý muốn cho con thấy rõ tất cả ý nghĩa chán chường của những thú vui khi đã vào sâu cực độ. Người ta thường bị đam mê là vì không được toại nguyện. Kẻ đói mới phải thèm thuồng, người no tỏ vẻ lơ đãng. Cờ bạc thức cho đỏ mắt, rượu chè uống cho mê man, còn gì mà nói mê say? Còn người đàn bà, trước khi thức giấc, phấn son lợt lạt, điệu bộ buông tuồng, còn gì mà nói quyến rũ?

Dứt câu cha dạy, Ta-Khốt quyết giữ lời và người cha yên lòng nhắm mắt. Ta- Khốt nuôi em, nhưng khi Kha-Lai đến tuổi đi học, Ta-Khốt bảo rằng:

- Bao nhiêu chữ nghĩa ở trường ta đã học giúp cho mày cả rồi. Bây giờ chỉ có đàn bò ở nhà là không ai giữ.

Và Kha-Lai phải đi giữ bò.

Đến khi Kha-Lai đã lớn, Ta-Khốt cưới cho Kha-Lai một người đàn bà hiền lành trong xóm, chia cho Kha-Lai vài khoảnh ruộng vườn rồi chiếm gia tài. Ta-Khốt bảo rằng:

- Đấng Bà-La dạy chỉ người hiểu biết mới được giữ nhiều của cải. Mày không đi học, không phải là người hiểu biết.

Và Kha-Lai phải chịu cảnh nghèo.

Ban đầu, Ta-Khốt cố theo những lời cha dạy chống lại ba thứ cám dỗ. Nhưng càng chống lại càng phải nghĩ ngợi đến luôn nên thành một mối ám ảnh và hóa mê say. Anh tự nghĩ rằng, đối với thần linh, dù có xấu hổ trong khi cúng lạy cũng chẳng thua thiệt điều gì cho nên cương quyết thực hiện những phần thứ hai của lời cha dạy. Anh bắt đầu đánh bạc cho đến đỏ mắt, bắt đầu uống rượu cho đến mê man, anh lại tìm đến đàn bà trước khi đàn bà thức giấc độ một canh gà. Nhưng khi cặp mắt hết đỏ thì anh hăm hở gỡ gạc và thua càng nhiều. Sau khi cơn mê đã tỉnh thì anh quen mồi lại uống càng mạnh. Và người đàn bà, trước khi thức giấc, có vẻ khêu gợi hơn bao giờ. Thành thử Ta-Khốt nghe lời cha dạy bao nhiêu thì càng bệ rạc, cùng túng, cuối cùng như người rối loạn trí não.

Ta-Khốt bỏ nhà ra đi để tránh công nợ và một ngày kia anh ta lại về quê cũ. Bây giờ tóc anh đã bạc và những chủ nợ đã chết hết cả rồi. Những người thừa kế của họ không ai còn nhớ mặt anh và anh nhất định không quen biết họ. Ta-Khốt tìm đến Kha-Lai, ngủ lại một đêm, rồi giữa canh khuya, bên ngọn đèn dầu, bảo với em rằng:

- Anh đã học nhiều, đã biết nhiều lắm. Trong những cổ tháp của ông bà ta để lại, vẫn còn bao nhiêu của quí ẩn tàng. Tổ tiên chúng ta không muốn chúng ta khổ sở. Phải tìm mà hưởng.

Kha-Lai thật thà hỏi lại:

- Thế ra từ trước đến giờ không ai tìm lấy cả sao?

Ta-Khốt trả lời:

- Có chứ. Người ta đã lấy nhiều rồi. Người ta sung sướng vô kể. Anh sẽ đưa em đi xem bao nhiêu ruộng đồng tươi tốt, bao nhiêu nhà cửa cao sang người ta tạo được bằng đồ vàng ngọc tổ tiên chúng ta. Nhưng kho tàng chưa hết, kho tàng vẫn còn… Tội gì mà em chịu khổ cả đời? Chỉ cần một ít, một nắm tay thôi là em sung sướng trọn kiếp, em chẳng phải làm gì nữa.

Để Kha-Lai thêm tin tưởng, Ta-Khốt với tay lấy cái khăn gói dùng làm chiếc gối, lôi từ trong ra một quyển sách cũ, trịnh trọng bảo rằng:

- Ngày xưa anh ăn chơi nhiều là vì anh biết tổ tiên chúng mình vẫn còn lưu lại vô vàn châu báu. Anh phải mất đi nhiều năm mới tìm ra quyển sách này ở trong hang sâu do bầy rắn thần canh giữ. Tất cả những điều bí mật thảy đều ghi chép trong đây. Nhìn xem…

Ta-Khốt chìa quyển sách ra dưới ánh đèn dầu. Kha-Lai cúi nhìn với vẻ tò mò ngơ ngác bao nhiêu chấm đen chi chít ngòng ngoèo và nghĩ đó là bùa chú. Từ bé đến giờ Kha-Lai chưa hề đối diện với chữ một cách quan trọng thế này cho nên không ngăn được lòng cảm động.

Ta-Khốt lật qua lật lại quyển sách rồi ấp lên ngực, lim dim đôi mắt, khẩn cầu. Giây phút trở nên thiêng liêng, khiến cho Kha-Lai kính cẩn cúi đầu.

Vài hôm sau, hai người lên đường. Bao nhiêu của tiền dành dụm, Kha-Lai vét hết đem theo. Đến ngôi tháp nào họ cũng ghé vào tìm kiếm. Ta-Khốt đọc hết các bia, xem hết các tượng, nhưng qua nhiều nơi, Ta-Khốt đều bảo mình đến quá chậm, kho tàng bị lấy từ lâu hoặc vừa lấy xong. Họ lại tiếp tục lên đường, mỗi ngày mỗi thêm mệt mỏi. Trong ba mối cám dỗ lớn của thời trẻ trung, bây giờ Ta-Khốt về già còn giữ được món rượu chè và càng tỏ ra chí hiếu trên phương diện đó cho nên Kha-Lai phải héo cả ruột khi thấy số tiền mỗi ngày càng vợi mau đi. Một điều làm cho Kha-Lai ngạc nhiên là không hề thấy người anh giở đến quyển sách thiêng liêng mỗi khi vào tháp. Một hôm ghé vào quán rượu, trong lúc say sưa, Ta-Khốt làm rơi quyển sách ra ngoài. Một khách ngồi gần trông thấy cúi nhặt, chìa cho các người cùng bàn và đồng cười lên. Ta-Khốt giận lắm, giật lấy, rồi sẵn lò bếp bên cạnh đang cháy ngùn ngụt, ném vào. Kha-Lai hoảng hốt muốn kéo lôi ra nhưng thấy thái độ cương quyết của anh đành phải dừng lại.

Khi bước ra đường, Kha-Lai bèn hỏi:

- Tai sao anh lại đốt sách đi?

Ta-Khốt cười đáp:

- Ta thuộc hết rồi. Quyển sách bây giờ đã nằm trong ruột của ta, Giữ nó ích gì, lỡ làm rơi rớt kẻ nào nhặt được sẽ chiếm hết cả kho vàng.

Một chiều cuối thu, họ tìm đến tháp Đồng Dương…

Sau mấy ngày dài tìm kiếm, một hôm Ta-Khốt kêu lên một tiếng vui mừng. Kha-Lai đang ngồi rầu rĩ trên một bậc thềm vội ngẩng đầu lên. Ta-Khốt đang đập hai tay vào nhau để làm tiếng trống, ưỡn ẹo cái thân già nua, gầy gò, nhảy nhót quanh một tấm bia xiêu đổ do nhiều mảnh vụn ghép thành. Một lát, Ta-Khốt dừng lại, nghiêm trang nói với Kha-Lai:

- Chúng ta đã thành công rồi. Từ nay, mày sẽ sung sướng cho đến trọn đời. Mày phải nhớ ơn của ta, Kha-Lai. Bao nhiêu công phu học hỏi, tìm kiếm của ta là cũng vì mày. Tiếc quá, ở đây cách xa hàng quán không thì phải uống thật nhiều để mừng cho kết quả này. Hãy nhìn tấm bia mà xem. Nắng mưa sương gió đã làm nát mòn nhiều mảnh, nhưng ta ghép lại vẫn còn đọc được. Ha! Ha! Ta vẫn còn đọc được…

Kha-Lai cúi xuống trên những dòng chữ ngoằn ngoèo lờ mờ in trên thớ đá rêu phong, trầy trụa, như từng cúi xuống trên sách đêm nào, với niềm ngơ ngác chứa chan hy vọng.

Ta-Khốt ngồi xuống cạnh bia, đưa mắt nhìn quanh như sợ có người trông thấy, rồi chĩa ngón tay gầy gò điểm trên nét chữ:

- Đây, bia dạy rằng : “Những gì quí nhất để trên chót đỉnh và chôn dưới giếng sâu”. Chót đỉnh không thể leo lên trong lúc ban ngày. Nhưng còn giếng nước… chúng ta cùng đến xem nào.

Hai anh em tìm đến ngôi giếng cổ, còn trơ mấy thành đá vuông sứt mẻ nhiều nơi. Ta-Khốt bảo em:

- Cái vinh dự được tiếp xúc đầu tiên với kho tàng của tổ tiên giấu dưới đáy sâu, anh nhường cho em.

Rồi giọng Ta-Khốt càng thêm ngọt ngào:

- Tương lai của em ở đấy, hãy gắng mà tìm. Mò sâu dưới đáy, nhớ nhé.

Kha-Lai ngoan ngoãn vâng lời, trút lớp quần áo. Từ nhỏ sống với trâu bò, quen nghề bơi lội mò cua bắt cá, Kha-Lai không hề biết sợ những vực nước sâu. Nhưng khi nhúng mình xuống mặt giếng lạnh chung quanh đủ thứ rêu dài tua tủa đâm ra như muôn ngàn rắn độc và lúc lộn người trong nước thấy trước mặt mình chỉ một màu đen dày đặc, Kha-Lai bỗng nhiên khiếp sợ lạ lùng. Nhưng nghĩ đến bao nhiêu vàng ngọc ở trong đất bùn dưới đáy, Kha-Lai quẫy mạnh, nhoai người trở xuống…

Ta-Khốt ngồi trên thành giếng, đăm đăm chờ đợi, Từng tăm bọt sủi, rồi những quầng nước xao động đục ngầu. Cuối cùng, Kha-Lai ngoi lên, nghếch khuôn mặt tái mét để thở.

Ta-Khốt cúi thòng người xuống hỏi vội:

- Thế nào?

Kha-Lai hổn hển trả lời:

- Không thấy gì hết!

- Không thấy gì hết? Kho vàng còn chôn dưới đáy. Hãy cố moi tìm. Chịu khó đi nghe, không có sự sung sướng nào mà mình không phải nhọc lòng.

Kha-Lai hít một hơi dài rồi nhoài người, lộn xuống.

Rất lâu Ta-Khốt mới thấy Kha-Lai trồi lên, mái đầu còn dính bê bết bùn đen.

- Thế nào? Có thấy gì không?

Kha-Lai không nói tiếng nào, hai tay bám vào một nhánh si già đâm ra từ một vách giếng, để thở. Ta-Khốt hỏi lại:

- Thế nào? Gặp rồi đấy chứ?

Kha-Lai vẫn cúi gục đầu, đáp trong hơi thở dồn dập:

- Không có kho vàng nào hết.

- Chẳng sờ chạm phải vật gì cả sao?

- Chỉ có lá cây bủn mục, bùn đen chất đống lâu đời.

- Vàng ở dưới đấy, vàng dưới bùn đấy. Hãy vục xuống bùn mới lấy được vàng.

Kha-Lai ngẩng đầu, giương mắt lờ đờ đầm đìa những nước, nói bằng một giọng chán nản:

- Bùn đóng dày lắm không sao xuống nổi. Hãy lấy vàng trên đỉnh tháp cũng đủ quá rồi.

Và anh bám vào thành giếng, cố gắng trèo lên. Nhưng bỗng Ta-Khốt hét to:

- Mày thực là đứa biếng lười, hãy gắng lần nữa xem sao!

Kha-Lai lắc đầu:

- Chịu thôi. Lặn xuống thì phải vùi xác trong bùn.

Đột nhiên Kha-Lai nghe một tiếng cười ghê rợn ở trên đầu mình. Đang hì hục trèo lên, Kha-Lai vội vã ngước nhìn và kinh ngạc thấy cặp mắt người anh đỏ ngầu sắc máu.

Ta-Khốt nói bằng một giọng giận dữ:

- Đồ bất lương! Mày đã tìm thấy kho vàng dưới ấy mà mày nhất định giấu tao! Mày biết là tao không thể lặn xuống đáy giếng và mày còn muốn đoạt luôn cả vàng ở trên đỉnh tháp nữa sao?

Kha-Lai há miệng trong sự ngạc nhiên lẫn kinh hãi và anh chưa kịp trả lời thì Ta-Khốt  đã vội rời khỏi miệng giếng. Anh cố hết sức nhoi lên, vừa trườn tay bấu mặt thành đã thấy Ta-Khốt chạy đến với một khúc cây rất lớn và một vẻ mặt đanh ác lạ thường. Vẻ mặt ấy, Kha-Lai chưa hề bắt gặp ở trong đời mình. Hình như tất cả những gì nham hiểm, tàn nhẫn ở trong đáy hồn đều thành sắc diện khiến cho con người có vẻ gớm ghiếc như loài ác quỷ. Kha-Lai chỉ kịp nhìn thấy khúc cây đưa cao và anh bị đánh văng nhào xuống nước. Nhiều lần anh cố trồi lên, trồi lên, nhưng sự đau nhói từ đầu lan khắp cơ thể như sức giày vò cấu xé vô cùng thảm khốc khiến anh buông xuôi… Trong lúc giẫy giụa tuyệt vọng anh nghe mơ hồ những tiếng dội mạnh liên tiếp, dập dồn, nhận chìm anh xuống một vùng mát lạnh nhầy nhụa.

Ta-Khốt, sau khi bẫy tung những lớp gạch đá bờ thành chờ ngày đổ nát xuống lòng giếng thẳm để vùi kín xác Kha-Lai, cúi nhìn rất lâu chờ xem em gã còn gắng ngoi lên mặt nước hay không. Đến lúc chắc rằng Kha-Lai đã bị chìm sâu dưới lớp bùn dày và cái bí mật kho tàng ở trên nóc tháp thuộc về sở hữu của mình, Ta-Khốt mới thực yên lòng. Gã chõ miệng xuống giếng, nói như rít lên:

- Kho vàng dưới đấy là thuộc phần mày, giữ lấy, Kha-Lai! Ta đã chia xẻ công bằng rồi đó, mày đừng oán hận nỗi gì. Trọn kiếp mày sống nghèo nàn, bây giờ về cõi bên kia mày được tha hồ mà hưởng cuộc đời phú quí.

*
_______________________________________________________________________________ 
Xem tiếp PHẦN III
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>