2
Tôi
nhớn lên như thổi. Chẳng bao lâu, chỉ chừng ít tháng tôi đã chạy nhông
khắp chốn. Trang trại của chủ tôi rất rộng, sân, vườn, bờ bụi, mặc sức
cho anh chị em tôi tung hoành. Quãng đời “chó con” của chúng tôi thật
sung sướng. Ngày ngày chúng tôi chỉ việc ăn no rồi lăn kềnh ra ngủ. Ngủ
chán chúng tôi lại rủ nhau ra sân đuổi quanh gốc rạ, hoặc vật nhau, đùa
rỡn ủng oẳng. Còn đang tuổi ăn chơi chúng tôi chẳng phải lo việc gì. Tuy
nhiên mỗi đứa chúng tôi cũng đã bắt đầu tập theo một cách sống riêng.
Chị
“Bông con” được cô chủ gọi đến luôn. Cô hay bắt chị theo ra bờ ao để cô
tắm rửa cho, hoặc phải theo cô xuống dưới vườn. Trong lúc cô ngồi tựa
mình bên một gốc cây đọc sách, hoặc mơ màng nhìn đám mây bay, thì chị
tôi cũng phải chầu bên cạnh, ghếch mõm lên đùi cô, để bàn tay cô lơ đãng
vuốt ve trên bộ lông óng mượt của chị.
Anh
Vá được hai cậu con trai ông chủ kêu lại, bắt tập luyện theo ý muốn của
họ. Anh phải nhảy thẳng mình cố vươn cao tới tầm tay họ giơ lên, hoặc
xoải người ra chộp lấy một vật ở tay họ phóng ra rồi trả về chỗ cũ. Đôi
khi anh còn phải lội xuống nước, tập bơi theo họ.
Anh
Vằn thì luôn luôn theo sát mẹ tôi. Từ khi mẹ tôi nằm ổ, và bị chúng tôi
nhay tọp cả bầu vú sữa thì mẹ tôi gầy yếu một cách đáng thương. Mẹ tôi
đi đứng lẩy bẩy nên thường hay nằm thở một chỗ. Anh Vằn, vì vậy cũng chỉ
nằm buồn bên cạnh. Ngoài những lúc vui đùa với chúng tôi, hình như mẹ
tôi cũng không muốn cho anh tôi đi đâu cả.
Một
hôm thấy anh Vá đang tập dượt với hai cậu con ông chủ, anh Vằn cũng
ngứa cẳng chạy lại, nghiêng mõm đứng xem. Ý chừng thấy cái trò anh Vá
làm không khó gì, - phải, có gì là khó nếu chỉ có việc rình xem chủ ném
một vật gì rồi nhảy tới ngoạm lấy ? – nên anh cũng muốn thử phô tài.
Cậu
trai nhặt một hòn sỏi ném ra, rơi gần chỗ một chị gà đang bới đất tìm
sâu. Giật mình, chị gà kêu quác một tiếng bỏ chạy, làm anh Vằn tưởng đâu
hòn sỏi đã hóa thành gà, nên anh chồm mình đuổi theo, trong lúc anh Vá
đã nhặt được hòn sỏi đem về.
Tình
thế sẽ trở nên nguy ngập, nếu mẹ tôi không vội vàng can thiệp. Nghe chị
gà quang quác nhộn cả một góc vườn lại thấy đứa con đần độn của mình
đang hăm hở đuổi theo, mẹ tôi phải vội chạy đón đầu đuổi anh trở lại.
Nghĩ thật đáng buồn cho anh.
Em
Cún được anh chăn trâu săn sóc một cách kín đáo. Đến bữa ăn anh nhắc nó
ra một chỗ riêng đem phần cơm anh ăn dở cho nó. Anh vuốt ve nó và bảo :
-
Khôn nghe Cún ! Tập ăn rau đậu đi cho quen. Tao nghèo không mấy khi có
thịt cá cho mày ăn đâu. Chịu khó sống nghèo với tao vậy, nghe không ?
Chỉ
có tôi chẳng ai dòm ngó đến cả. Tôi cũng không mấy bận tâm về điều ấy.
Tính tôi như vậy, bông lông đến đâu hay đó. Được thể tôi càng rộng cẳng
nhởn nhơ với cái tuổi trẻ non dại của tôi. Trong khi các anh chị em tôi
tập sống theo hoàn cảnh riêng, rèn luyện thành những con chó tốt, thì
tôi tự do lang thang, sục sạo đi tìm những cảnh sống mới lạ chung quanh.
Tôi tò mò đứng xem ông Trâu nhai cỏ, hai cánh mũi to tướng thở phì phì
nghe đến khiếp… Tuy tướng mạo ông to lớn dữ dằn như thế mà tính nết ông
rất hiền lành. Tôi làm quen với ông và thường theo ra đồng xem ông cày
ruộng. Tôi nhảy rỡn quanh ông, kêu lên những tiếng gâu gâu vui vẻ. Tới
bờ
ruộng, khi ông đủng đỉnh bước xuống đám bùn ngập nước tôi đứng nhìn ông
một chập rồi mới cắm cổ chạy về. Tôi chui vào bờ bụi quanh vườn rình
xem những chị gà “cục cục” tranh ăn, tranh nói bên anh gà trống. Những
anh gà trống rất có vẻ ta đây, hay vươn cổ vỗ cánh bành bạch với dáng
điệu coi đời bằng nửa con mắt ! Thấy thế là tôi nhảy xổ ra phá các anh
chơi, đuổi các anh chạy cong đuôi.
Không
phá các anh gà, thì tôi đi chọc tức các chú lợn ủn ỉn. Chà ! Các chú
mắt híp bụng phệ này chỉ có ăn với ở bẩn không loài nào bằng. Ụt ịt, ụt
ịt, các chú đi lặc lè không nổi. Thấy họ đi mà sốt ruột Muốn bắt họ đi
nhanh, tôi cắn vào đuôi họ làm họ kêu lên eng éc. Đàn lợn thuộc vào một
nguồn lợi của nhà chủ, nên khi nghe tiếng kêu cấp cứu đó, bà chủ thường
hiện ra, chỉ dọc ngọn roi vào tôi mà quát :
- Cộc !
Tôi sững người lại, lấm lét nhìn bà.
Bà vung roi lên đe dọa :
- Con nầy hư quá ! Mày muốn chết đó, phải không Cộc ?
Tôi vội vàng lủi ngay, tìm chỗ kín nằm ẩn và đánh một giấc ngủ ngon lành. Tỉnh dậy, đói bụng tôi lần xuống nhà bếp tìm ăn. Thức ăn ở đây không thiếu. Tất cả cơm thừa canh cặn của nhà chủ đều được duôn vào một chậu sành dành làm phần ăn cho chúng tôi. Chúng tôi mặc sức ăn no mà vẫn không hết, thường phải trút bớt sang nồi cám lợn.
Cuộc sống thanh nhàn no ấm như thế kéo dài suốt một thời kỳ thơ ấu của tôi.
Tôi đang sung sướng nhởn nhơ bỗng một hôm nghe tiếng ông chủ đứng trên hè gọi xuống :
- Cộc ! Cộc !
Tôi vội vàng chạy lại. Ông nắm gáy tôi đứng trước một người khách lạ mà nói :
- Thưa, nó đây ! Thầy giáo xem có ưng, tôi xin biếu để thầy giáo nuôi.
Ông
khách lạ ngắm tôi mỉm cười. Trông ông có vẻ hiền từ nhưng nghiêm nghị.
Trước mặt ông, tôi vừa muốn nằm mọp xuống, vừa muốn bỏ chạy đi.
Nhưng ông đã gọi :
- Cộc ! Lại đây xem nào !
Ông
đặt tay lên đầu tôi, vỗ về ra vẻ ưng thuận. Linh tính báo cho biết đời
tôi sắp có sự thay đổi. Tôi sẽ phải từ giã cha mẹ, anh em để sống theo
một hoàn cảnh mới. Tự nhiên tôi ngoắt mình bỏ chạy. Ra ngoài, tôi vội
nép vào lòng mẹ tôi mà rít lên ai oán. Mẹ tôi, có lẽ đã hiểu từ lâu rằng
: những đứa con bà sinh ra trước sau rồi cũng mỗi đứa đi một ngả. Đó là
luật chung của Thượng Đế cho cả mọi loài, không riêng gì loài chó chúng
tôi. Cho nên mẹ tôi lặng lẽ cúi xuống liếm trên mình tôi cho đến khi có
tiếng cậu con trai ông chủ điền gọi :
- Cộc ! Con Cộc đâu rồi ?
Thì
mẹ tôi buồn bã đứng lên, quay đi chỗ khác để mặc cậu quàng vào cổ tôi
chiếc dây thòng lọng. Cuộc biệt ly buồn chảy nước mắt. Tôi lết hai chân
sau xuống đất cố ngoảnh cổ lại nhìn lần cuối nơi tôi được diễm phúc sinh
ra. Qua chuồng trâu, ông trâu còn ngoài ruộng chưa về. Các anh chị gà
chạy rạt ra xa ngơ ngác đứng nhìn theo. Anh chị em tôi thì chạy theo
tôi, kêu ủng oẳng. Gia đình chủ cũ đưa tôi ra tới cổng. Tôi nhìn họ với
đôi mắt bi thảm, nhưng tất cả, lạ lùng thay con người, đều vui vẻ bảo
tôi :
- Về với thầy giáo cho ngoan nhé ! Coi chừng kẻo ăn đòn đó nghe Cộc !
________________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG 3