Thứ Ba, 22 tháng 3, 2016

CHƯƠNG BA_NHỮNG CUỘC SĂN RÙNG RỢN


CHƯƠNG BA


- Này bác, xe này đi Kotokro chứ ?
 
- Kotokro ? Kotokro… ! Lâu quá không ai đi đến nơi này nên tôi gần như quên đi…
 
Bác tài xế da trắng, mặt mũi đầy dầu máy đang hì hục sửa bộ máy xe vận tải, ngừng tay, nói. Và bác ta có vẻ suy nghĩ rất lâu mà vẫn chưa nhớ ra cái địa danh Kotokro :
 
- Chịu thôi, nhưng có phải quí ông định đến thăm ông Mặc Lâm không ?
 
- Vâng !
 
- Thế thì hay quá, tôi biết rõ, song từ khi ông ấy bị trâu húc gãy xương sườn thì ông không hay đi đâu nữa… Chính tôi đưa ông ta đến nhà thương Bobo.
 
Tiếp theo đó là một chuỗi cười lanh lảnh làm rạng rỡ khuôn mặt láng bóng dính đầy dầu mỡ, cái cười quỉ quyệt làm người đối diện phải giật mình :
 
- Khi gặp ông ấy, nhờ quí ông nói dùm là Dĩ Vinh gửi lời thăm nghe ? Phải ! Cứ nói Dĩ Vinh, lái xe vận tải hãng S.A.K.A là ông ta biết liền.
 
- Vâng ! Tôi sẽ nói như lời bác dặn.
 
- Quí ông đi săn hẳn ? Để tôi chỉ xe giúp ! Đây chỉ có hãng S.A.K.A của chúng tôi là có xe đi các nơi : Volta, Diébougou, Gaoua, Batié… Nhìn đằng kia coi : cái xe mầu đỏ có đậy tấm bạt đó, thấy chưa ? Ui chà ! Đi săn mà gặp ông Mặc Lâm thì… phải biết, ngon lành số dách à !
 
- Cảm ơn bác Dĩ Vinh !
 
- Chưa xong đâu, ông có biết rằng xe không đến thẳng Kotokro không ? Xe chỉ đến Gaoua, rồi đổ ông xuống, tôi vừa nhớ ra…
 
- Vâng ! Tôi đã có đi rồi, bác ạ. Cảm ơn bác !
 
- Chúc ông đi bình yên ! Ông có cậu con trai dễ thương ghê !
 
Cha con san đi ngang chợ để đến bến xe. Dưới ánh nắng gay gắt, San thấy một đám người đi đi, lại lại, khung cảnh thật lạ đối với cậu. Tiếng la hét, trò chuyện hay mặc cả, cãi cọ vang lên chói cả màng tai. Những giỏ trái cây, những hàng đồ gốm, những hũ bia làm bằng hạt kê (mà khách hàng thò ngay quả bầu khô bẩn thỉu múc ra) Khách hàng chờ đến phiên mình sẽ lần lượt múc uống trước khi nhổ xoẹt một bãi kola đỏ ối xuống chân.
 
Chao ! Cách đây một tuần là Ba Lan lạnh lẽo với tuyết phủ, với đường sá đầy băng và đồng hương da trắng đắm mình trong sương mù của mùa đông, với những chiếc xe ba ngựa lướt như bay. Rồi giờ đây là ánh sáng chói lọi vùng nhiệt đới, thứ ánh sáng cuồng nhiệt làm cho mầu sắc và mùi vị như vụt bùng lên. Đây, Châu Phi với mầu đỏ chói chang, với mầu vàng rực rỡ, mầu xanh ngút ngàn của vô số áo choàng và khăn quấn đầu đặt trên những mái tóc xoăn tít.
 
Giữa chợ, trong đám bụi đất đỏ do những đôi chân trần tung lên, người ta chen lấn nhau hỗn độn không thể tả. Trong đám đông lẫn lộn nhiều chủng tộc : đây là bọn chăn cừu tóc dài mầu xanh, kia là những người dân quê mùa mặt vuông chằng chịt vết sẹo, rồi dân du mục che kín mặt trong khăn, rồi những phụ nữ váy bằng lá cây hay che ngực bằng những tấm da. Hắc chủng chia ra làm nhiều thứ : đen xanh của vùng Côte d’Ivorie, đen đo dỏ của xứ Soudan, đen xanh lục của vùng Niger.
 
Cha con San phải vất vả mới tìm được lối đi giữa đám người đông đảo ấy.
 
Đến một chỗ bày nhiều đồ thủy tinh lấp lánh trên chiếu cói, cha con cậu dừng lại. Một thương gia người Syrie bé nhỏ, da nhăn nheo đang cầm xâu chuỗi hạt mặc cả sát sạt với một người da đen to lớn, vận âu phục về một lô hạt ngọc xanh (Phụ nữ Lobi ưa mang nhiều chuỗi ngọc xanh như mang một cái yếm che ngực và buộc quàng ngang hông bằng một sợi dây nhỏ. Họ chọn một viên to nhất nhét vào cái lỗ khoét trên vành mũi). Người da đen cũng không vừa, anh ta giơ cao chuỗi ngọc lên, khoa chân múa tay, miệng nói liên hồi, nhưng vẫn không thắng nổi ông già.
 
Chợt, giữa những tiếng trầm trồ khó hiểu đó chen vô một cái tên : Mặc Lâm ! Ấy thế là mọi việc êm xuôi.
 
Cha con cậu lại đến chỗ nhốt dê, người ta đang chuẩn bị để đưa dê lên xe vận tải và chở đi.
 
Lại cũng xe của hãng S.A.K.A. và ngoài dê ra còn có cả những bao than, giỏ gà, và những kiện hàng đặc biệt ; thoạt nhìn thấy San đã chú ý ngay : đó là những bó ngà voi cong hình cánh cung đã mài nhẵn bóng và to tựa những cành cây. Bên cạnh là cái cũi bằng gỗ bên trong nhốt một con báo lông lấm chấm đen, cực đẹp. Tất cả những kiện hàng này đều có viết chữ bằng phấn đỏ : Mặc Lâm !
 
Bác tài xế tiếp cha con San một cách khá vồn vã tại góc chợ, dưới gốc cây phượng vĩ đỏ ối, nặng trĩu hoa nở rộ.
 
- Tôi biết… Tôi biết mà ! Tôi có ý định đợi các ông đó chớ. Máy bay đã đến cả giờ rồi. Mời lên xe ! Ngồi băng trước với tôi cho đỡ xóc. Chà ! Hãng S.A.K.A. tệ lắm : họ chỉ biết thu tiền rõ nhiều chứ không lo tu bổ xe đâu, chờ chừng nào cái đinh ốc cuối cùng long ra kìa ! Nào ! Mời… Mời…
 
- Có phải đến Gaoua, bác đổ chúng tôi xuống không ?
 
- Vâng !
 
Anh ta nói và sang số, chiếc xe kêu lên rèn rẹt khủng khiếp tưởng có thể nghiến nát bộ máy già nua… Rồi vẫn cái cười tinh quái như cha con San từng bắt gặp trên ánh mắt của người tại vùng này, bác ta lại nói về Mặc Lâm bằng giọng thán phục :
 
- Tôi quen ông Mặc Lâm. Dân bản xứ gọi ông ấy là người da trắng to lớn ở Kotokro. Tại vì ông biết đó : có nhiều người da trắng chẳng to lớn hơn dân bản xứ bao nhiêu. Những người da trắng bé nhỏ được họ gọi là “kê điểu”. Ông biết tại sao không ? Như vậy có nghĩa là họ nhỏ bé như những con chim, chỉ vài hạt kê cũng nuôi sống họ nổi. Họ thuộc loại vóc dáng như tôi, dĩ nhiên họ cũng làm việc được, song là thứ công việc ít nặng nhọc. Còn Mặc Lâm thì…
 
Phía sau gã tài xế lắm mồm, dưới tấm bạt chồng chất đầy hàng hóa, anh ta cố nhét lên một đám da đen. Họ ngồi như chồng lên nhau, đàn ông, đàn bà, các bà mẹ mang theo lũ con trên lưng, bọc trong tấm khăn choàng. Dân Dioulas, thứ dân da đen bé tí sinh hai bằng nghề bán hàng rong khắp Châu Phi. Họ trò chuyện bằng đủ thứ thổ ngữ của vùng Soudan và miền duyên hải, họ cười rộ từng hồi. Chợt, nghe đến tên Mặc Lâm, họ ngưng bặt câu chuyện, lắng tai.
 
Anh tài xế vẫn thao thao :
 
- Mặc Lâm là một người hùng ! Một tay lão luyện ! Một lãnh chúa ! Nếu ông ấy muốn, ông ấy đã là Tổng Đốc của Lobi. Họ tôn ông lên làm vua bọn da đen đó, không phải tôi nói quá đâu. Cứ trông vương miện và những vòng vàng đầy cổ tay cổ chân ông ấy là biết liền. Nếu mà quí ông được thấy ông ấy ngồi dưới bóng cây cao bá, quạt mát bằng quạt lông đà điểu và bọn nô lệ dâng lên cho ông những cốc bia kê tươi mát, thơm lừng trong lúc ông xét xử tội nhân thì phải biết ! Khả kính ! Khả kính !
 
- Tôi quen Mặc Lâm, bác ạ ! Tôi cũng có đi săn với ông ấy nhiều lần, lần sau cùng cách đây ba năm.
 
- Vậy sao ? Vậy thì tôi khỏi dài dòng vì ông biết rõ về ông ấy, há ?
 
Giọng bác ta có vẻ hụt hẫng, y như một kẻ đang thao thao về một khám phá mới, nào ngờ đâu kẻ đối thoại đã biết rõ từ lâu. Cha San vội nói :
 
- Tuy vậy, tôi làm sao biết rõ về ông ấy bằng bác…
 
- Chúng ta đến cái cầu thứ nhất đây, ông ạ. Chà ! Trận nước lũ vừa rồi đã cuốn mất một nửa sàn cầu. Giờ ta phải phụ lực nhau khuân các đà gỗ… thể thao mà, phải không, thưa ông !
 
Nói xong, bác tài thắng xe đến két một cái ghê hồn, cái xe lại lắc lư như gã say, bò chầm chậm lên một cái dốc dựng ngược dẫn đến con sông cạn, bùn xám chảy dưới thung lũng. Cầu bắc trên những cây trụ to lớn trồng kề nhau ở đáy sông, những chỗ thân cầu bị nước cuốn, giờ người ta phải thay bằng những khúc gỗ khác.
 
- Tất cả xuống xe !
 
Tài xế la lên, đoạn lại chạy xe chầm chậm cho đến lúc bánh xe sát bên lỗ hổng. Những người da đen tức thì bắt tay vào việc : họ cởi những cái khố ra, đoạn xúm lại khiêng gỗ phía sau đặt lên những cây tà vẹt ngay chỗ lỗ hổng.
 
Hì hà, hì hụi như thế đến hai tiếng đồng hồ mới sang sông được. Bên kia bờ, con đường lại lên dốc thẳng đứng. San giúp cha “canh” những bánh xe mỗi khi chiếc xe tận lực rồ máy tiến tới được vài thước. Nước trong két xe sôi sùng sục làm bật tung cả nắp đậy. Mỗi lần xe ngừng, anh tài xế lại la lên chửi bới và khuyến khích bọn mọi đen : họ đang gò lưng kéo những sợi thừng to cột trước bánh xe.
 
- Hò lơ… hò… lơ… kéo này !...
 
Sau cùng, xe lên đến đỉnh dốc. Bọn đàn bà ngồi thụp xuống vệ đường, vừa thở hào hển, vừa uống một thứ sữa đã bắt đầu đông đặc đựng trong những trái bầu khô, hoặc ăn hạt kola đựng trong những cái mẹt đan, những hạt kola mầu vàng vàng trăng trắng nằm phơi trên lớp lá. Anh tài xế hỏi:
 
- Ông có muốn nếm thử một chút không ? Cũng hay lắm à !
 
Cha con san nếm thử, chả hay chút nào. Để giải khát, họ uống một thứ nước âm ấm, mằn mặn đựng trong cái nậm da dê lạ mắt (Đây là lần đầu trong đời, San uống như vậy. Cái nậm làm bằng bộ da dê : người ta chặt đầu lột da nó, chân dê được cắt đi rồi cột túm thật kỹ bằng dây da, hẳn cũng là da dê !) Tài xế lại ra lệnh :
 
- Lên xe ! Mau !
 
Con đường đất đỏ hực len lỏi giữa rừng già, càng tiến sâu càng rậm rạp. Bầu trời xám tựa mầu chì và như sắp úp xuống đầu người, đè nặng lên khu rừng xanh nghịt. Đôi khi, con đường thẳng tắp, trải dài như một dải lụa đỏ mất hút giữa những bụi cây hoặc những đám dây leo từ ven rừng. Xe qua xong thì cây cỏ xanh tươi như khép lại che kín con đường.
 
- Này, ông có thể cầm cây súng này – anh tài xế vừa ngoặc tay ra sau lấy khẩu súng nhẹ, rất đẹp đưa cho bác sĩ Vệ – ông có thể bắn trong lúc xe chạy. Sơn dương ở đây nhiều lắm.
 
Lên đến một bình nguyên khô cằn đầy sỏi đá, cây cối thưa dần. Xe vẫn lắc lư như con tàu trên sóng, bác sĩ nghiêng mình ra khỏi cửa xe, đưa súng ngắm.
 
- Xa quá ! Không hy vọng mấy…
 
Anh tài xế nhận xét. Trước mặt họ, trên cao là một bầy sơn dương băng qua đường, con nào cũng to cự đại. Chúng nhảy ra khỏi biển cỏ như thể là đàn cá rộ nhảy khỏi làn sóng biển, làm San nhìn mê. Cha cậu hạ súng xuống. Đàn vật cách xe cỡ hơn trăm thước, nhưng xe lắc lư quá, dù là tay thiện xạ cũng khó lòng hạ nổi chúng.
 
A ! Châu Phi ! Châu Phi đã cho san thấy những con sơn dương to lớn mầu nâu. San tự hứa sẽ săn cho kỳ được nếu còn có dịp gặp chúng trên đường.
 
Xe đang từ từ tiến xuống đồng bằng, băng ngang những đồng cỏ lớn ngả mầu hung vì cháy sém do ánh mặt trời thiêu đốt. Dừng lại Diébougou chốc lát xe lại leo dốc đi Gaoua. Nghe nói ngày hôm trước có một chú voi buồn tình đi dạo ngang một làng bản xứ, nó lúng túng không biết đặt chân chỗ nào giữa đám lều lụp xụp nên vô tình đã dẫm nát mất đi mấy cái. Xe ngừng lại lấy xăng ở chợ, trước một cửa hiệu buôn, một anh chàng giữ câu lạc bộ, đội mũ kiểu Ấn Độ, nói thao thao:
 
- Ui cha ! Một con bélé chớ ít ỏi chi ? Nó to ghê là to…
 
- Mày thấy nó, hử ?
 
- Chớ sao ! tôi thấy nó như thấy anh vậy đó, nghe ! Tôi còn nhận ra nó nữa kìa. Nó là một con voi già, dữ lắm, nó tách ra khỏi đàn đi một mình. Nó đã dẫm nát hai làng rồi, phía dưới vùng Lokosso gần sông… Chà ! Con bélé – bélé !
 
Người bán xăng đang lọc xăng cho xe bằng cách rót trong một cái mũ, góp lời :
 
- Nó không nói dóc đâu, quả thật con voi đã dẫm nát hai làng.
 
Anh tài xế, sau khi đến văn phòng Thiếu tá ký giấy tờ về, cũng thêm :
 
- Tôi tin là con voi này sẽ chết một cách anh dũng, nó đúng là một chúa rừng đơn độc. Mỗi cái ngà cùa nó nặng dám 40 ký lô đa ! Tụi mọi đen hay nói quá lố : chúng bảo là ngà nó dài cho đến nỗi nó kéo lê dưới đất. Phải ! Nó sẽ chết một cách anh dũng như đã sống. Tôi chịu nó lắm. A ! Hình như nó định xuống vùng Volta , ông hiểu không ? Hả ?
 
Hỏi xong, chả cần cha San trả lời, anh thao thao tiếp :
 
- Nó không chủ tâm phá làng phá xóm đâu, vô tình mà. Nhưng Thiếu tá đã phi báo cho Kotokro hay. Giờ này, tôi đoán là ông ấy đã biết mọi sự phá phách do nó gây ra. Rồi xem, nó sẽ chết một cách xứng đáng bởi tay một người xứng đáng.
 
San không thể chịu nổi cái lối úp mở của bác tài, cậu hỏi :
 
- Thế có nghĩa là ông muốn nói ông Mặc Lâm sẽ…
 
- Cậu thông minh lắm, cậu nhỏ !
 
Anh ta cười hềnh hệch, quay sang cha San :
 
- Ông thấy chưa ? Cậu ấy đã biết tên Mặc Lâm ! Mà này, tôi nói thiệt : ông Đồn trưởng cù lần lắm! Trong lúc nhân viên của ông còn ở nửa đường thì người da đen đã truyền đạt cái tin này cho Mặc Lâm bằng những mật hiệu phát từ tiếng trống của họ. Mặc Lâm là người đầu tiên biết hết mọi việc xảy ra, dù ông ta ở lỳ tại Lobi, không ra khỏi cửa. Người đầu tiên, tôi nói ngoa, tôi chết liền !
 
Bỏ đồng cỏ sau lưng, cái xe ì ạch tiến vào rừng. Cha San giải thích cho con trai biết về lối truyền tin bí mật của những cái trống bịt da. Có một thứ mật hiệu còn rắc rối hơn là đánh “mọt” của thế giới văn minh. Tin tức được truyền đi nhanh chóng từ thôn trang hẻo lánh này đến thôn trang khác. Và cứ thế, tin tức được lần lượt truyền đi, qua những cánh đồng cỏ, qua sông, vượt rừng, còn nhanh hơn ngừa hỏa hoạn.
 
Anh tài xế lại chen vào câu chuyện :
 
- Chắc chắn giờ này Mặc Lâm đã biết có ông và cậu bé đến đây rồi. Tài lắm !
 
San ngơ ngác nhìn cha, ông gật đầu :
 
- Đúng vậy đó ! Con chớ ngạc nhiên.
 
San nghe thắt trong ruột vì lo lắng. Chao ơi ! Nếu người da đen biết tin thì bọn mật vụ Quốc Xã lại không biết ư ? Thoắt cái, quang cảnh hùng vĩ ở hai bên đường tối sầm trước mắt cậu con trai. May sao, gã tài xế tiếp :
 
- Nhưng ông đừng tưởng người da trắng chúng ta có thể hiểu được những tin tức do họ truyền đi bằng tiếng trống, ngoại trừ Mặc Lâm, đã bảo ông ta là bậc kỳ tài mà !
 
Anh ta nói không ngừng. Nhưng San thấy yêu anh ta quá ! Anh ta đã làm cậu yên lòng biết bao nhiêu ! Kể cũng tội (San nghĩ thầm) anh ta chỉ có một mình thui thủi trên đường với dân bản xứ, cứ phải thủ khẩu như bình. Nay có dịp gặp người da trắng, làm sao ít lời cho được ? Trong lúc San tự tìm cách để bênh vực thói lắm lời của anh ta, thì anh ta không bỏ lỡ một giây :
 
- Tôi kể cho ông và cậu bé một chuyện vui về những mật hiệu do tiếng trống biết nói cả ngày đêm, nghe ? Chuyện này gây náo động suốt mùa đông à ! Thế này đây : có một tên da trắng xuống máy bay ở Bobo như ông vậy đó, nhưng hắn ta đi trốn, có lẽ vậy. Không ai biết gã ta có phải người lương thiện không ? Khó hiểu thật, nhưng một điều chắc chắn là gã đã chạy trốn khỏi tầm lưới của cảnh sát Pháp nhiều ngày. Gã tưởng bở, vì đã qua mặt được cảnh sát Pháp là qua mặt được rừng già. Rừng già quá rộng, tìm ra gã thì khác gì tìm cây kim lẫn trong đống rơm khô ? Nào có ngờ đâu…
 
Cha con San nhìn nhau, mặt tái nhợt và trong lúc con trai nghẹn thở lắng nghe, ông không dằn được, hỏi :
 
- Nghĩa là… Bắt được gã ?
 
- Ê ! Nóng vậy, bồ ? – giọng anh tài trở nên thân mật vì thấy câu chuyện được tán thưởng – Phải kể có đầu đuôi chớ ! Nhờ những cái trống đó đuổi theo gã như người với bóng, như thể gã ta rải vôi bột trên đường đi giống cái kiểu chú bé trong chuyện đời xưa rắc hạt để nhớ lối về đó, cho nên khi gã đến Basse – Côte thì gã bị tóm trong cái trại đốn gỗ mà gã giả xin vô làm công. Mà cái trại đó ông biết không : nằm giữa rừng nghe, cách làng cả hai trăm cây số ngàn chớ ít ỏi gì ! Trong trại chỉ có độc một người da trắng làm xếp công trường, chỉ huy ba trăm tên da đen Korogo đốn gỗ đào. A ! Khoan ! Đừng bắn, không được đâu !
 
Anh ta vừa nói vừa dùng tay hất đầu súng cha San đang giương lên, cùng một lúc, thắng xe ngừng gấp lại. Cách xe non ba chục thước, một con vật xinh đẹp từ bụi rậm bên đường nhảy ra đứng thẳng trên bốn chân, cổ quay về phía xe, dáng bộ chững chạc và kiêu hãnh như không hề biết sợ (hay vốn đã quen với loài người ?) Nếu anh ta không ngăn kịp, cha San đã bóp cò rồi.
 
- Nó không phải là thú hoang – anh tài giải thích trong lúc cha San ngơ ngác – Và nó không đơn độc một mình đâu. Tôi nhận ra nó từ xa, nó là Baou, Nữ Hoàng của Lobi đa ! Chúng ta cách Kotokro không quá ba chục cây số đường chim bay.
 
- Nó là gia súc của Mặc Lâm phải không ?
 
- Ông đoán đúng đấy. Đụng đến nó không xong đâu. Nhưng nó hiền lắm…
 
San há hốc miệng ra, cậu đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.
 
- Nó không làm hại ai. Nó hay theo bọn dẫn đường đi săn do Mặc Lâm thuê. Dân bản xứ quen nó rồi nên không sợ và cũng không dám động đến một cái lông tơ của nó. Nó sống trong nhà với chủ như gia súc đã mấy năm nay lận, ông ơi !
 
San nhìn kỹ con báo : bộ lông mượt vàng rực rỡ, cặp mắt xanh long lanh giữa nếp mi nhăn nheo, dáng bộ đĩnh đạc, nó vừa nằm xuống trên đường đất đỏ một cách rất là tự thị ! San buột miệng hỏi :
 
- Nhưng rủi người ta không biết nó thì sao ? Báo thì con nào lại chẳng giống con nào ? Có gì để phân biệt ?
 
- Phải ! Nhưng đã có luật và các tay thợ săn đều phải biết luật đó : trong một đường kính 20 dặm, từ Kotokro đến Dakana và cả Kouloumitan, thợ săn không được bắn báo, vì có thể lầm con Baou. Nó oai vậy đó, nghe ?
 
Dã thú vụt đứng lên, cào cào trên mặt đường đất đỏ vài phút rồi nhảy phóc một cái, biến vào rừng.
 
- Nó có thể về Kotokro một mình. Nó khôn lắm. Kìa ! Tôi nói có sai đâu : nó không đến đây một mình thấy chưa ?
 
Có tiếng hát vẳng lại rồi từ bìa rừng bốn người da đen xuất hiện, bốn tên da đen lực lưỡng chỉ che mình bằng chút da thú choàng ngang hông phủ xuống… Trên vai là cây cung và ống tên, cổ đeo lủng lẳng cái còi săn ba lỗ, bằng gỗ mun mà thợ săn nào cũng có để gọi nhau khi lạc trong rừng. Ngang hông cũng có con dao lớn hai lưỡi đựng trong một cái bao bằng da sơn dương.
 
Mọi người xuống xe, bốn người thợ săn tiến lại cười toe toét, miệng rộng đến mang tai, bày bộ răng trắng toát tuy đã cà mà vẫn còn nhọn như răng sấu. Như tất cả thợ săn Lobi, mỗi người đều cắm vào dưới mũi, chỗ thịt giữa hai lỗ mũi, một miếng ngà voi nhỏ như một thứ trang sức đặc biệt. Như vậy, có nghĩa là họ thuộc vào một giai cấp khác, trong bộ lạc của Mặc Lâm : người da trắng khả kính ở Kotokro. Không cần giải thích, người ta có thể nhận ra họ là người của Mặc Lâm. Để cắt nghĩa rõ hơn – nếu ai không biết – họ chỉ việc vừa cười vừa quay đầu về phía trái, tất cả cùng quay về phía trái. Họ làm cho người lạ thấy rõ dấu hiệu bộ lạc mình bằng cách họ tự rạch mặt phía má trái, những vệt dài từ má tới mang tai, khác hẳn vết chém khi lâm trận. Đặc biệt hơn nữa, tai họ, phía trái cũng bị cắt mất đi một miếng.
 
- Mặc Lâm có đủ hai tai lành lặn khi gặp ông chứ ?
 
Và vẫn không đợi cha San trả lời câu hỏi, anh ta tiếp luôn :
 
- Ông ta cũng có hai tai lành lặn như chúng ta đây, nhưng trong một cuộc săn, chính mẹ con báo Baou đã rình trên cây và vồ đầu ông trong lúc ông đang hướng dẫn đoàn săn. Ông ta mạnh như Ẹt-cuyn chứ phải giỡn sao ? Ổng lăn tròn trên đất với con thú, trong lúc vật lộn, ổng thắng nó, ổng bóp cổ nó và thò tay sâu tận cuống họng nó, rút lưỡi nó ra. Còn nó ? Nó đâu có chịu thua dễ dàng? Nó cũng dùng vuốt rứt hết một tai ông ta, sát đến da đầu. Thiệt là kỳ phùng địch thủ, tướng ngộ lương tài !
 
San suýt kêu lên vì khiếp đảm khi nghe đến đoạn Mặc Lâm bị rứt hết một tai và rồi cậu ngăn được – vì muốn tỏ ra mình cũng có máu mạo hiểm – cậu lại tự ngăn lần nữa vì câu nói chữ sau cùng của bác tài vui tính.
 
- Còn Baou thì sao ?
 
- Baou hả ? Nó thì, nó chỉ nhích hơn con mèo con, bộ lông mới mọc lơ thơ khi Mặc Lâm đem về Kotokro và bây giờ nó xinh đẹp như vậy đó.
 
Chỉ tay vào bốn tên da đen vừa đi khuất, bác tài xế lại giở cái kho hiểu biết của mình ra :
 
- Tôi nói cho ông với cậu đây biết là, nếu muốn thì Mặc Lâm có thể trở thành một ông Vua chớ không phải chơi đâu. Ông thấy chớ ? Họ trung thành với ông ấy đến chết và rất hãnh diện chìa cái tai cắt cụt ra. Cùng với vị chủ soái có chung một dấu hiệu trên người là một vinh dự, đối với họ. Họ không làm Mặc Lâm thất vọng đâu nhé !
 
Con đường ngoằn ngoèo dẫn đến bình nguyên vùng Tingréda. Trời tối dần. Phía trước là bầu trời xanh thẫm, thấp, úp chụp xuống khu rừng chạy dọc theo bờ bể cho đến quá Volta . Nhìn vào thung lũng hẹp người ta có thể đoán có một con sông, rạch ranh giới vùng đất thuộc người Anh và vùng Côte d’Ivoire . Khỏi đó, con đường lại xuyên ngang rừng chìm ngập trong bóng tối. Xa lắm về phía tây, những tia nắng rớt hắt lên khu rừng làm khung cảnh thêm phần hùng vĩ.
 
Xe đang đổ dốc nhưng tài xế vẫn cứ hãm phanh, anh bảo :
 
- Tôi phải đổ các bạn xuống đây ! Con đường này vừa được khai phá sơ sịa. Ủa, lạ chưa ! Sao không có ai đến đón các bạn hết vậy kìa ? Chậc ! Tôi ngại quá, không muốn để các bạn ở đây, hiu quạnh quá.
 
San suýt cười vì giọng văn vẻ của anh ta nhưng cũng lấy làm cảm động về sự chu đáo của anh. Cha San chưa kịp tỏ ý kiến thì anh ta lại đã tiếp :
 
- Hay là tôi đưa đến Batié, tiện hơn ? Nghỉ đêm ở đó tốt lắm, an toàn…
 
- Cảm ơn bác. Bác tốt lắm, nhưng tôi muốn xuống đây, tôi cũng biết qua vùng này.
 
- Ông biết rõ, hử ?
 
- Không rõ lắm, nhưng tàm tạm…
 
- Ông có biết rằng trước khi đến Dankana, ông khó mà hy vọng gặp được một chỗ trú qua đêm không ? Trên đồi vắng, có thể ông phải ngủ đêm ngoài trời đó, nghe ?
 
- Vâng ! Tôi biết điều này.
 
- Vậy thì được, tôi cho hành lý xuống đây ! Chúc ông may mắn, chào cậu !
 
Nhưng trước khi nổ máy, anh ta lại gặng thêm lần nữa :
 
- Ông quyết định rồi chớ ? Không ân hận chớ ? Tôi muốn đưa cha con ông đến Batié hơn…
 
- Cảm ơn bác nhiều lắm, nhưng tôi tin là không có gì nguy hiểm. Tôi cũng là một thợ săn và Phi Châu không lạ lắm, đối với tôi.
 
Xe sắp chuyển bánh thì chợt mọi người nhận ra một tiếng kêu khác thường phát từ bụi rậm :
 
- Yo… yo…
 
Bác tài xế hớn hở :
 
- A ! Có người đấy ! Thôi, thế là tôi yên lòng lắm. Có thế chứ ! Chúc may nhé !
 
Cha con san chờ cho xe khuất dạng mới tiến lại phía có tiếng kêu. Một con đường nhỏ hơn hiện ra, vài bụi gai thưa, rồi một đám bụi rậm. Khu rừng hiện ra với những cây bách to cự đại. Một con trâu trắng mũi chấm đất, trên vai đong đưa cục bứu thật to, một thứ trâu tải của vùng này ; cái vòng sắt lớn xuyên ngang mũi nó cột vào một cành cây bằng sợi dây da. Trước con trâu là một thằng bé da đen ngồi xổm trên đất, cạnh nó có một con khỉ nhỏ, lông xanh, con vật cũng ngồi trong một tư thế như thằng bé. Cảnh tượng ấy khiến San liên tưởng đến thuyền trưởng Hồ Dũng với con mèo ở dưới tàu, bởi vì con khỉ và thằng bé cũng đang chơi cờ mà quân cờ là những hạt sỏi khác mầu và bàn cờ là mặt đất được vạch, chia ô cẩn thận. Chỉ khác cái là con mèo của thuyền trưởng chỉ nhìn thôi, còn ở đây, con khỉ xanh là một đối thủ đàng hoàng.
 
Khi cha con san đến gần, thằng bé đứng lên nhặt cung tên đã đặt trên đất trong lúc đánh cờ. Nó trang bị y như những người cha con San gặp vừa rồi : một mảnh da dê quấn ngang lưng như một cái xà rông, bó sát lấy bộ đùi. Cái còi săn nhỏ lủng lẳng trên cổ và con dao hai lưỡi bên hông. Cái nhìn mạnh bạo và thẳng thắn, mắt nó biểu lộ một sự vui mừng, như thể nó đang cười… bằng mắt. Thoạt trông, San ngỡ nó còn có một con mắt nữa, con mắt thứ ba trên khuôn mặt đen ngả mầu tim tím của nó, một con mắt xanh óng ánh, nhưng không : chính là viên ngọc quí được nhét vào cánh mũi ! Trạc tuổi San, song nó lực lưỡng hơn.
 
Nó lại đặt khí giới xuống chân sau khi nhặt lên, đứng thẳng người, dáng bộ chững chạc và hơi kiêu hãnh, mắt cũng nhìn thẳng khách lạ, một bàn tay úp lên ngực. San hiểu liền đó là một cách chào hỏi. Con khỉ thấy kẻ lạ có vẻ không bằng lòng, nhảy phóc lên bám vào ngực thằng bé da đen. Nó liền nhét con vật vào dây lưng như nhét một đồ vật vào túi rồi cất tiếng cười trong lúc quay đầu lại để lộ cho khách thấy phía tai bị cắt cụt, che dưới mái tóc xoăn.
 
Như thế là nó tự giới thiệu đấy. Sau đó, nó nhanh nhẹn đón lấy hành lý cha con san đặt lên lưng trâu, đoạn cắt dây rừng cột chặt.
 
Ra hiệu cho cha con San đi sau, nó nắm dây cột dắt trâu đi. San tò mò tợn vì từ đầu thằng bé da đen không nói một lời ! Mà cái vẻ mặt thì khinh khỉnh khó ưa làm sao ! Mặc dù vậy, trong cái nhìn của nó, thỉnh thoảng San bắt gặp một chút ngập ngừng e ngại, nê nể làm cậu thấy vững lòng.
 
San đi cạnh nó, cậu muốn bắt chuyện nhưng thấy… khó mở đầu quá, lại thôi. Thỉnh thoảng đôi bên lén nhìn nhau… San cảm thấy chịu không nổi… A ! Chắc nó chỉ biết nói thứ tiếng của xứ này! San tự nhủ. Song chỉ mươi phút sau nó trả lời cha San bằng tiếng Pháp khá thạo làm San thích quá, gần muốn reo lên. Nó cho khách biết là nó ở với Mặc Lâm ba năm rồi.
 
Con đường chằng chịt gai góc cho nên câu chuyện tạm ngưng. Đôi khi Yago – tên nó – phải dừng lại dùng dao phát một lối cho khách. Nom cái cách nó vung dao lên thành thạo, San nảy ra cái ý muốn kết bạn với nó ngay. Cậu thầm phục nó : đôi bàn chân không giày dép tiến tới không chút e dè, do dự. Đến khúc rừng thưa, Yago bảo khách dừng lại dưới một gốc cây to và đặt tay lên môi ra hiệu im lặng.
 
Rồi nó đăm chiêu như tuồng đang theo dõi những bước chân vang vọng từ xa do thứ giác quan đặc biệt của người rừng, mà khách lạ không sao cảm nhận. Đoạn nó nới dây cho con trâu thong thả gặm cỏ, còn nó thì tháo cung trên vai xuống lấy ra một mũi tên ; bứt một cái lá mỏng và cứng như lá tre, gập đôi lại nó đưa cái còi thô sơ đó lên môi thổi một hơi dài.
 
San chưa được nghe tiếng dã thú gọi nhau trong rừng thẳm, song cậu đoán rằng giả thứ tiếng chúng bằng cái còi lá kia, chắc Yago đã từng lừa chúng nhiều lần. Cậu hồi hộp đợi. Lâu, rất lâu sau đó, có tiếng từa tựa như tiếng do Yago gây ra đáp lại nhưng rất xa. Nét mặt tim tím của nó rạng rỡ trông thấy, làm San cũng vui lây.
 
Tuy vậy, nó không ngừng thổi. Rồi ngạc nhiên làm sao đối với San, mành lá trước mặt họ như vừa được vẹt ra : một chấm nâu nhạt xuất hiện ! Một con sơn dương nhỏ nhắn với những bước nhảy uyển chuyển, đôi tai mướt như nhung và chưa kịp nhú sừng. Rõ ràng là con vật lạc đàn, nghe tiếng còi nên chạy đến. Tức thì, Yago đặt tên lên cung và nghiêng mình nhắm bắn song nhanh tay hơn, cha San ngăn Yago lại làm cho nó hết sức ngạc nhiên. Còn con vật, nghe hai tiếng “đừng bắn” của cha San liền nhảy qua phía trái và biến mất vào bụi rậm trong nháy mắt. Yago nhìn theo bốn cái chân thon nhỏ bằng đôi mắt tiếc rẻ, bất bình.
 
Cũng như chú bé rừng xanh này, San ngạc nhiên về thái độ của cha, không hiểu ông cẩn thận hay vì lòng khoan dung đối với con mồi xinh đẹp ? Yago bằng giọng thành thạo và hơi ngụ ý trách móc:
 
- Đường đến Kotokro còn xa, xa lắm…
 
Cha San ngẩng lên, nhìn vào mắt nó và nó thong thả tiếp :
 
- Rồi đêm tối đến, phải ngủ dọc đường à !
 
- Dọc đường ? Chú muốn nói… nhưng mà chỗ nào đây ?
 
- Thưa ông, tôi biết một làng, một làng nhỏ thực nhỏ, nhưng không sao. Ông có thể tin tôi, ông chủ đã giao cho tôi việc đón ông thì…
 
Đột nhiên, nó ngừng lại, rút mũi tên, hạ cây cung xuống hướng lên một ngọn cây, nhắm bắn. Từ trong vòm lá xanh, rậm rạp bỗng rơi xuống chân đoàn người một con chim bồ câu xanh tuyệt đẹp, mũi tên xuyên qua mình nó, máu nhỏ ròng ròng.
 
San lập tức cúi xuống nhặt xác con vật rồi trong khi cậu chưa kịp ngẩng lên thì một mũi tên thứ nhì cũng vừa rít lên và một con thứ hai rơi vèo xuống gần chỗ vừa rồi, con chim lần này kêu lên một tiếng nhỏ như tiếng một con cắt bị ngạt thở.
 
Cùng một lúc, nhờ tiếng kêu báo động, vòm lá xanh rung chuyển và tiếng đập cánh rào rào vang lên, cả bầy chim hoảng hốt bay đi trong bóng tối. San không tài nào nhìn thấy được gì, nhưng con mắt tinh tường của Yago dường như có thể chọc thủng màn đêm, nên mũi tên thứ ba lại vút đi và con chim thứ ba bị hạ giữa lúc đang bay.
 
Yago đeo cung lại, vui vẻ nhìn cha con khách lạ rồi dùng một sợi dây nhỏ cột cả ba con chim vào thắt lưng, giọng đắc ý, nó nói :
 
- Thịt chim cũng khá, thưa ông !
 
Trời tối hẳn. Không thể nào đi trong rừng rậm nữa vì các lối mòn như bị xóa trong màn đêm. Nhiều lần Yago phải tháo dao ngắn ra phạt cây để lấy lối đi. Nó giục San lên ngồi trên lưng trâu, phía sau cục bướu mềm nhũn mà cậu trai da trắng hơi sờ sợ đó. Khi khu rừng đến đoạn quang hơn và nhìn thấy đồng cỏ lác, nó mới leo lên sau lưng San, hai chân bỏ thỏng hai bên, tay thì vịn vào vai bạn mới. Yago vừa cười vừa bảo San :
 
- Cỡi trâu không ngon, mình bị xóc quá, cỡi ngựa ngon hơn ! Ở Kotokro có nhiều ngựa ngon lắm à ! Anh sẽ có dịp thấy…
 
San muốn trêu Yago bằng cách gặng lại : “ngựa chớ phải bánh đâu mà nói là ngon ?” nhưng cậu ngừng kịp vì nghĩ mình mới quen, chưa đủ thân để trêu chọc kiểu này. Yago tiếp :
 
- Thiệt, tôi không nói dóc đâu, ngựa ở Kotokro còn ngon hơn là ngựa của ông Trưởng đồn à, ngựa bác sĩ cũng thua luôn, bác sĩ làm ở bệnh viện, anh biết không ?
 
- Có bệnh viện sao ?
 
- Có chớ, đó là nhà thương thí chữa bệnh buồn ngủ, anh biết không…
 
Vừa nói, Yago vừa thản nhiên nhổ lông chim một cách thành thạo, vứt bay tung tóe.
 
- Bộ anh mới tới Phi châu lần thứ nhất, hả ?
 
- Phải, nhưng cha tôi thì đã từng đi săn với…
 
- Biết rồi, khỏi khoe ra. Tôi biết cha anh quen với ông chủ tôi, có khi đến gặp để mua thú vật. Mày…
 
Yago ngừng lại thình lình, làm San trố mắt ngạc nhiên, tuy trong tối nó không thấy, nhưng nó biết thế, vội vàng chữa lại :
 
- Xin lỗi anh, tôi quen miệng, tôi phải kêu anh bằng anh.
 
- Không sao, chúng ta bằng nhau mà.
 
Yago sung sướng vì những lời thân mật của cậu trai da trắng, tâm sự ngay :
 
- Tôi là con một thủ lãnh à ! Cha tôi chỉ huy một bộ lạc lớn, rất lớn. Song từ lâu rồi, tôi không được trở về nhà với bộ lạc, tôi bị mất quyền. Nếu họ nhận ra tôi họ sẽ bắn tên đầy mình tôi. Nhưng họ không thể nhận ra tôi đâu, họ quên cả tên tôi rồi. Yago là tên của ông chủ đặt cho tôi đấy. Yago ! Yo ! Yo ! Là tiếng để chỉ cái gì lớn nhất, đứng đầu, số một, hiểu không ? Ông chủ coi tôi như con đầu của ổng, hiểu không ?
 
Không đợi San trả lời, Yago nói luôn :
 
- Rồi có dịp tôi sẽ cho anh biết tại sao tôi phải rời khỏi bộ lạc mà đáng ra tôi sẽ chỉ huy họ nối nghiệp cha tôi. Tại sao tôi phải thay tên, đổi họ, phải lìa những người thân yêu mà trở thành con nuôi của ông chủ da trắng Mặc Lâm. Bây giờ khoan đã, mình chưa thân nhau lắm, phải không ?
 
Mặc dù nói thế, khi Yago chỉ cho San thấy đốm lửa đầu tiên ở bìa làng, cậu tin rằng có một sợi dây vô hình đã buộc chặt hai trẻ khác mầu da lại. San tin là mình với Yago sẽ trở nên đôi bạn chí thân vì ánh mắt nồng nàn trìu mến và chân thành của Yago khi nhìn cậu, cậu nhận ra điều đó.
 
- Chúng mình sẽ nghỉ đêm tại làng này. Tôi biết rõ mọi người làng. Có một người hay dẫn đường cho cha nuôi tôi. Khu sình lầy kia là chỗ người ta vừa giết con Bélé – Bélé đó nghe, con voi to đã dẫm nát nhiều làng ở Gaoua đó, anh biết không ?
 
- Có Yago ạ ! Tôi có nghe anh tài xế kể chuyện.
 
Đôi bạn nhìn nhau, cùng cười vui vẻ. Con đường như ngắn lại.
 
*
 
- Thưa ông, ông có khí giới chi không ? À, chắc không ! Tôi muốn hỏi khí giới cầm tay kìa, chớ để trong va li thì không sao.
 
Nói đoạn, nó nhanh nhẹn nhảy xuống khỏi lưng trâu, giúp san buộc lại mấy cái va li đã gần tuột trong khi di chuyển. Họ dừng cách làng cỡ non trăm thước. Làng chỉ vỏn vẹn có ba gian nhà làm bằng đất đỏ mà khách lạ có thể quan sát nhờ ánh lửa đốt ở một nơi công cộng gần đó. Đàn ông đang tụm lại bàn cãi và hút ống điếu theo thói quen, vài người đứng lên khi nhận thấy người lạ vào làng.
 
Ánh lửa chiếu trên những khuôn mặt cằn cỗi, những khuôn mặt in đậm nét phong sương, những vết sẹo chằng chịt, chứng tích của bộ lạc. Họ nhìn chăm chăm khách lạ, không hỏi han, không cử động, có lẽ họ ngạc nhiên vì sự có mặt trong đêm của khách. Cha San định bước đến song Yago ngăn lại :
 
- Thưa ông, hãy để tôi…
 
Nói xong nó nhanh nhẹn tháo bỏ cung tên, cả cái bao da đựng lưỡi dao săn rồi treo hết lên cành cây thấp nhất, giữa lối vào làng.
 
San hiểu đó là một cách biểu lộ thiện chí của khách lạ đối với dân làng. Muốn là bạn họ, phải đến với họ bằng tay không. Tại nơi này mỗi cá nhân phải tự xây lấy cái soukala của mình, như một cái pháo đài thấp, rộng, có lỗ châu mai, tường thì đắp bằng đất đỏ dày độ một thước và khoảng cách giữa các soukala này cỡ một lằn tên.
 
Yago thành thạo phong tục của họ và nhờ vậy cha con san cũng được đón tiếp niềm nở. Mọi người lắng nghe Yago nói chuyện. San không hiểu gì về những thổ ngữ líu lo của vùng Lobi, nhưng cậu nhận ra hai tiếng “Mặc Lâm” được lập lại nhiều lần, và cứ mỗi lần Yago nói đến hai tiếng đó, những khuôn mặt hung tợn lại rạng rỡ lên, có khi họ cất tiếng cười rang rảng một cách hài lòng.
 
Yago lo cho trâu ăn trong khi bọn phụ nữ mang đến trước mặt khách một nồi cháo kê và bình sữa đặc. Cha con san cùng cậu trai da đen thưởng thức một cách ngon lành. Song món được San chiếu cố tận tình là món bồ câu do Yago săn được, món bồ câu quay trên lửa than đỏ rực. Gia vị là thứ đá muối, nói rõ hơn là một viên sỏi mầu vàng nhạt có vị mặn mà Yago moi ra từ xa rông cùng lúc với con khỉ nhỏ có bộ lông dày kịt vẫn mang theo bên mình.
 
Rồi mọi người được nghỉ đêm trong cái soukala. Tất cả soukala đều giống nhau : thấp, hẹp và một hành lang nhỏ tạo thành lối đi giữa bức tường dày bằng đất sét. Bên trong là một mê lộ với những phòng kín, nhỏ, chỗ trú của đàn ông, đàn bà, trẻ con, gia súc chen chúc nhau.
 
San để ý quan sát, thấy có phòng để cối xay bằng đá, phòng thì để từng chồng đồ gốm và Yago giảng cho cậu biết đó là hồi môn của phụ nữ vùng này. Giữa một hành lang hẹp là phòng thờ linh thần, có ánh sáng thoát ra do một lỗ nhỏ khoét trên nóc nhà. Nhìn chung, những soukala này quả là những pháo đài thực sự, có thể phòng thủ lâu dài nếu bị vây hãm.
 
Khách được ngủ trong căn phòng lớn nhất, phòng này vốn dành cho đàn ông, nằm chồng lên nhau do những bức vách đặt cách khoảng như các toa ngủ của một con tàu hỏa. Bên dưới họ vô số gia súc : gà, dê…
 
San nằm cạnh Yago, miên man suy nghĩ trong lúc người bạn đường rừng đã ngáy một cách ngon lành. San thao thức vì những hình ảnh của rừng già hiện ra đầy trong óc cậu : con báo đủng đỉnh ngang nhiên không sợ thợ săn, những người thợ săn trần truồng với một bên lỗ tai tự động hớt cho giống chủ soái ; những soukala kỳ dị như những ổ mối khổng lồ và gian phòng thờ chiếu sáng do một ngọn đèn đốt bằng mỡ thú săn. Rồi thì… một đống đất không ra hình thù gì rõ rệt, có chạm trổ một khuôn mặt gớm ghiếc, nhăn nhó, những vòng ngọc mang quanh cổ của pho tượng này còn dính dấu máu gà – gà đã bị giết trong cuộc tế lễ  – và cái cảnh tượng hư hư thực thực trong soukala…
 
Song rồi sau cùng, San cũng thiếp đi vì quá nhọc suốt ngày.

_______________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG BỐN
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>