Thứ Năm, 8 tháng 8, 2019

Ổ Khóa


Ông Mỹ Bảo, Giám đốc một Địa ốc ở Đô thành miết chặt hai bàn tay vào nhau, với dáng điệu lo âu bứt rứt:

- Tôi vừa bị một bọn lưu manh cướp sạch hết tiền nong để trong tủ sắt và trong một trường hợp hết sức khó hiểu... Bởi vậy...

Thám tử Trần Tâm mỉm cười:

- Bởi vậy, ông mới điện thoại kêu chúng tôi đến! Xin ông cứ cho chúng tôi biết rõ sự việc xẩy ra như thế nào? Bọn cướp đột nhập vào đây hồi mấy giờ? Và chiếc tủ sắt...

Thám tử Trần Tâm liếc nhanh một lượt quanh phòng.

Khôi ngồi đối diện với cha (1), trước bàn giấy của ông Mỹ Bảo, đoán hiểu được tia nhìn quan sát của cha nên nói:

- Thưa cha, chiếc tủ sắt để ở bên văn phòng kế toán, chứ không kê ở đây.

Ông Mỹ Bảo gật đầu:

- Vâng, chiếc tủ sắt để ở phòng bên, nơi tiếp xúc với khách hàng. Bên nầy là phòng giấy của tôi, có cửa ăn thông sang. Chiếc tủ sắt được khóa bằng khóa chữ, và mỗi ngày tôi đều thay đổi ổ khóa bằng những chữ khác nhau.

Sáng nay cũng thế, tôi sang cho các nhân viên bên ấy biết cách mở khóa, theo mẫu tự nào. Chữ tôi chọn để khóa, mở tủ sắt ngày hôm nay là A.P.T...

Thám tử Trần Tâm ngắt lời:

- Tất cả nhân viên của ông đều sử dụng chiếc tủ sắt ấy cả hay sao?

- Không, chỉ có ông thủ quỹ. Ông chịu trách nhiệm về việc thu, chi tiền bạc cho khách hàng. Chiếc tủ kê vào cuối phòng, phía sau giữa hai bàn giấy của ông thủ quỹ và kế toán. Viên kế toán cũng biết rõ số tiền xuất nhập trong ngày. Và vì nhân viên của tôi làm việc trong văn phòng chỉ có bốn người liên lạc mật thiết với nhau, nên khi cho biết mật tự mở khóa tủ sắt, tôi nói với ông thủ quỹ nhưng cũng đủ rõ để mọi người cùng nghe.

- Xin ông cho biết ngoài hai nhân viên ngồi gần tủ sắt là viên kế toán và thủ quỹ, còn hai người kia giữ phận sự gì?

- Thưa, ngoài hai nhân viên kế toán và thủ quỹ đã đứng tuổi, hai người kia còn trẻ, một cô đánh máy, và một thầy thư ký có phận sự tiếp đón và chỉ dẫn mọi việc với khách hàng.

Ngưng lại một lát như để ôn lại sự việc đã xẩy ra, ông Mỹ Bảo đan mười ngón tay vào nhau, nói tiếp:

- Sau khi giao hẹn mật tự mở khóa tủ sắt, tôi trở về bên nầy ngồi thảo lá thư cho một khách hàng liên quan đến việc ông nhờ chúng tôi mua hộ một khu vườn và bán đi căn phố lầu của ông ở thành phố.

Vào khoảng mười giờ, tôi chợt nghe có tiếng hát ở bên văn phòng. Giọng hát của thầy thư ký trẻ tuổi trong giờ làm việc làm tôi khó chịu. Tôi liền mở cửa đi sang thấy anh Long, tên người thư ký, ngồi ngửa lưng vào thành ghế, đang mơ mộng hát như khi anh ta ngồi trong phòng trà vậy! Tôi nghiêm giọng mắng:

- Anh Long, anh không có việc gì làm hay sao? Anh thực vô ý thức mới ngồi hát ông ổng trong lúc mọi người đang làm việc!

Long giật mình, ngồi ngay ngắn lại, hắn đưa mắt nhìn các bạn đồng nghiệp trong phòng, như ngụ bảo cho tôi biết rằng chẳng có ai đang làm việc cả.

Cái nhìn của hắn buộc tôi đảo quanh một vòng. Tôi tiến lại bàn ông kế toán vừa lúc ông hạ ống điện thoại xuống. Tôi hỏi:

- Ông nói chuyện với ai đó? 

Viên kế toán có vẻ lúng túng:

- Thưa... Tôi... trả lời một khách hàng...

Quay sang viên thủ quỹ, tôi thấy ông đang đọc báo. Tôi giằng lấy tờ báo trên tay ông:

- Giờ này mà ông còn ngồi đọc báo à?

Nhìn sang bàn cô Dung, cô đánh máy, thấy trên máy còn cuộn tờ giấy đánh dở, tôi hỏi:

- Còn cô Dung, cô đang làm gì đó?

Cô Dung đang ngồi đánh thư cho bạn!

Không ai làm việc cho tôi cả.

Giận quá, tôi đứng giữa phòng nói lớn:

- Thế ra tôi trả lương cho các người để đến đây ngồi chơi hả? 

Thấy tôi nổi nóng, cô Dung đứng lên phân trần:

- Thưa ông, chúng tôi không có việc gì làm cả. Vì từ sáng tới giờ chưa có người khách hàng nào tới...

Chính giữa lúc ấy, bỗng có tiếng gõ cửa.

Cô Dung tiến ra mở. Cánh cửa vừa mở, cô sửng sốt lùi người lại. Ba người đàn ông, ba thanh niên thì đúng hơn, buộc khăn che mặt, chỉ để hở đôi mắt, ập vào. Tên đi đầu cầm lăm lăm trên tay một khẩu súng, hai tên sau đều có dao nhọn. Chúng uy hiếp mọi người đứng vào một chỗ, tay giơ cao. Tên đầu đảng, gã cầm súng nói:

- Biết điều thì đứng yên, không được nhúc nhích. Chúng tôi chỉ cần số tiền trong tủ sắt kia thôi.

Tôi đứng yên thầm nghĩ: Chúng sẽ không mở được cánh cửa tủ sắt, nếu không biết mật tự tôi cho sáng ngày. Nhưng, tôi rất đỗi kinh ngạc, vì tên đầu đảng đã bảo một tên đồng bọn:

- Lại mở tủ lẹ lên mầy. Chữ mở khóa là A.P.T.!

Thám tử Trần Tâm gật đầu, tiếp lời ông Mỹ Bảo:

- Và, bọn chúng mở được tủ một cách dễ dàng, vơ vét hết tiền trong đó, rồi rút êm?!

Ông Mỹ Bảo thở dài:

- Vâng. Tôi không hiểu bọn cướp làm cách nào biết được mật tự của ổ khóa? Trước khi đột nhập vào đây thì chưa có người khách nào tới và nhân viên của tôi cũng chưa có ai đi ra...

Thám tử Trần Tâm gõ chiếc ống điếu vào bàn tay cho rơi bớt tàn thuốc, thủng thẳng nói:

- Phải, khách hàng chưa có ai vào và nhân viên của ông cũng chưa có ai bước ra khỏi cửa. Nhưng trong bọn họ đã có người gọi điện thoại, có người ngồi hát to tiếng, lại có người ngồi đánh máy, gõ lóc cóc... Có thể đấy là những phương thế truyền tin ra ngoài. Tôi nghĩ trong nhân viên của ông có một người thông đồng với bọn cướp. Ông có thể cho tôi gặp họ được chứ?

- Thưa vâng, họ ở cả bên này...

*

Theo chân ông Mỹ Bảo sang văn phòng, thám tử Trần Tâm bắt đầu vụ điều tra bằng một cuộc cật vấn.

Đầu tiên là cô đánh máy.

- Cô Dung, sáng nay cô có việc dùng đến máy chữ?

- Thưa ông, vâng! Tôi có đánh lá thư riêng cho người bạn. Vì không có việc gì làm nên tôi có lạm dụng thì giờ của sở...

- Cô đánh máy ngắt quãng... lách tách, lách tách... lách tách không đều tay phải không?

- Dạ, đó là thói quen của tôi, vì tôi chỉ đánh có bốn ngón. Với lại vì là thư riêng nên tôi vừa đánh vừa nghĩ điều mình định nói.

Quay sang viên kế toán, Trần Tâm hỏi:

- Lúc cô Dung đánh máy thì ông đang gọi điện thoại?

Viên kế toán trả lời:

- Thưa phải. Một khách hàng gọi hỏi xem lô đất của ông ta bên Gia định đã bán được chưa?

- Nghĩa là sáng nay, ông có nói chuyện với người bên ngoài?

- Vâng!

- Lời đối thoại của ông với người khách đầu dây đằng kia có ai nghe rõ không?

Viên kế toán nhìn các bạn đồng nghiệp, như có ý nhờ họ trả lời hộ.

Viên thủ quỹ nói:

- Tôi mải đọc báo nên không nghe anh ta nói gì. Với lại, lúc ấy anh Long đang hát... tiếng hát của anh át hết cả.

Trần Tâm gật gù:

- À, anh Long chắc hay hát lắm nhỉ. Anh hát bài gì lúc ấy?

Long tỏ vẻ ngượng ngập:

- Dạ... tôi... tôi hát lăng nhăng...

Cô đánh máy nhanh nhẩu:

- Anh ấy hát mỗi bài một đoạn đầu. Tôi nhớ rõ vì những điệu ấy tôi đều thuộc. Thoạt tiên là bài ANH SẼ ĐƯA EM VỀ, tiếp theo là PHỐ BUỒN, rồi đến bài TÌM EM... thì ông chủ mở cửa sang...

Thám từ Trần Tâm giơ tay phác một cử chỉ:

- Như thế đủ rồi. Tôi yêu cầu mọi người trở về chỗ làm việc, không được rời khỏi văn phòng này. Và đừng ai mưu toan bỏ trốn, vì sẽ gây thêm rắc rối cho mình.

Nói đoạn, Trần Tâm đi ra. Ông Mỹ Bảo theo tiễn ra cửa, khẩn khoản:

- Thế nào, thưa ông, ông đã thấy manh mối gì chưa? Xin ông cố tìm ra thủ phạm để bắt trọn ổ cướp, lấy lại số tiền tôi vừa mất, nếu không tôi sẽ bị sạt nghiệp, vì số tiền đó là của khách hàng... Tôi sẽ phải đền cho người ta...

Thám tử Trần Tâm vỗ vai ông Mỹ Bảo:

- Ông hãy yên tâm, cho tôi suy nghĩ đã. Một lát nữa tôi sẽ trở lại... với nhân viên công lực!

Xuống khỏi thang lầu, vì văn phòng địa ốc Mỹ Bảo đặt trên tầng thứ hai của một tòa nhà lầu có nhiều phòng cho thuê, thám tử Trần Tâm kéo Khôi sang một quán nước bên kia đường.

- Đi uống một ly nước giải khát đã Khôi ạ!

Khôi lặng lẽ theo cha vào quán nước. Căn cứ theo khói thuốc hít vào phả ra liên hồi trên ống điếu, Khôi biết cha đang suy nghĩ lung lắm. Ngồi vào bàn nước, thám tử Trần Tâm lẩm bẩm:

- Giả thuyết thứ nhất về ông Mỹ Bảo thế là không xong rồi...

Khôi nhìn cha:

- Có phải ba nghi cho ông Mỹ Bảo dàn cảnh vụ cướp để quịt tiền của khách hàng không?

- Phải, lúc đầu ba ngờ như thế, nhưng điều nghi ngờ này không vững nữa, khi ba thấy vẻ lo ngại chân thành của ông ta hiện ra nét mặt. Ông ta sợ bị sạt nghiệp nếu không lấy lại được số tiền bọn cướp đã đoạt mất. Như vậy chỉ còn có giả thuyết thứ hai là... là một trong những nhân viên của ông Mỹ Bảo đã thông đồng với bọn cướp.

- Ừ. Có ba người đáng nghi.

- Thưa bốn chứ, vì ba xem kìa: ngồi ở đây ta có thể trông thấy cửa sổ nơi văn phòng địa ốc Mỹ Bảo. Ta cũng thấy cả đầu và lưng viên thủ quỹ. Ông ta có thể không nói năng gì, vờ xem báo mà vẫn làm hiệu ngầm cho bọn cướp ở bên ngoài thấy được.

Nhìn theo tay Khôi, thám tử Trần Tâm gật đầu:

- Hồi nãy, ba đã gạt viên thủ quỹ ra ngoài, nhưng bây giờ thì cứ tạm cho là bốn. Trong bốn người ấy ta phải tìm ra một người, xem ai đã thông tin ra ngoài, để bọn cướp có thể vào mở chiếc tủ sắt một cách dễ dàng nhanh chóng như thế!

Chiếc tẩu thuốc lá trên miệng thám tử Trần Tâm bốc khói cuồn cuộn. Ông bỗng nhồm người lên, cầm tẩu thuốc gõ cành cạch trên mặt bàn:

- Ba tìm ra thủ phạm rồi!

Khôi đang chăm chú nhìn vào cuốn sổ tay mà hồi nãy anh đã ghi chép những lời khai trong cuộc thẩm vấn, vội nói:

- Khoan đã ba!

Rồi loay hoay ngồi cắn móng tay một lát, Khôi ngẩng lên mừng rỡ:

- Con cũng tìm thấy rồi!

- Ai?

- Long, phải không ba?

Thám tử Trần Tâm mỉm cười nhìn con, tỏ vẻ hài lòng:

- Đúng đấy, con đến quán điện thoại ở đầu phố gọi sở Cảnh sát cho người tới đây ngay đi!

*

Năm phút sau, Long bị nhân viên công lực còng tay giải ra xe. Hắn thú nhận, khai hết đồng lõa. Và, nội buổi sáng hôm ấy bọn lưu manh bị bắt trọn ổ.

Khi ông Mỹ Bảo hoan hỉ tiễn cha con Khôi ra tận xe, và quay vào rồi, thám tử Trần Tâm mới hỏi con:

- Khôi, tại sao con cả quyết Long là thủ phạm?

Khôi đáp:

- Thưa, Long đã kín đáo cho đồng lõa biết mật tự của ổ khóa bằng cách hát lên những câu đầu của các bài hát khác nhau. Bài Long đã hát là:

Anh sẽ đưa em về
Phố buồn
Tìm em

những bài hát rất quen thuộc, thường được các cô ca sĩ nỉ non trong phòng trà.

Bọn đồng lõa đứng ngoài chỉ việc chắp những mẫu tự đầu của tên bài hát sẽ biết ngay những chữ ông Mỹ Bảo đã dùng để khóa, mở tủ sắt ngày hôm đó là: A.P.T


NGUYỄN TRƯỜNG SƠN   

(Trích từ tuyển tập truyện ngắn Tuổi Hoa Ổ Khóa)

----------- 
(1) Khôi là con trai của thám tử Trần Tâm (Xem Tuổi Hoa trong các truyện về Khôi Việt)

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>